Cô đơn – Nỗi buồn Ngộ Không.
Phải mất đến 25 năm sống giữa cuộc đời và 20 năm học tập không ngừng nghỉ, mình mới nhận ra và trải nghiệm sâu sắc được một chân lý mà tưởng chừng như phi lý:
Khi càng hiểu biết, người ta sẽ càng cảm thấy cô đơn.
Cô đơn giữa đời, tự cảm thấy mình thật nhỏ nhoi giữa vũ trụ, thấy choáng ngợp giữa bao la vô vàn những điều chưa biết và cả những điều tưởng chừng như đã biết.
Và đặc biệt, đôi khi cô đơn với những người xung quanh mình, thậm chí với cả những người gần nhất, thương yêu nhất.
Có ba câu chuyện có lẽ sẽ giúp mọi người hình dung gần gũi hơn những gì mình đang muốn nói tới.
Một nhóm bạn rủ nhau đi thuyền ra biển câu cá, trời yên bể lặng, dường như là một cơ hội tuyệt vời cho một ngày nghỉ lý tưởng trên biển, duy chỉ có một người trong nhóm quả quyết rằng trời sắp có bão lớn và khuyên mọi người trở về, sẽ đi vào một ngày khác. Anh cố thuyết phục mọi người bằng kiến thức của mình rằng sẽ rất nguy hiểm nếu ra khơi. Nhưng không ai nghe anh, họ nghĩ rằng anh là kẻ phá đám cuộc vui vì chuyến đi đã được chuẩn bị từ rất lâu. Họ kiên quyết đi bất chấp lời cảnh báo lẫn van xin của người bạn kia. Và có bão thật, không có ai trở về. Người bạn ấy đã sống đau khổ trong suốt phần đời còn lại của mình trong dằn vặt: anh có lỗi hay số phận có lỗi?
Câu chuyện thứ hai mà dường như ai cũng biết:
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không được xem như linh hồn của cuộc hành trình thỉnh kinh, bảo vệ Đường Tăng trên đường đến Tây Trúc vì chỉ có duy nhất Ngộ Không có đủ tài năng chiếu yêu để phân biệt, phát hiện ra yêu quái biến hóa giả dạng thành người thường. Và trong một hồi truyện có đoạn, Tôn Ngộ Không ra tay đánh chết một con yêu quái cải trang thành ông lão và đã bị Đường Tăng kiên quyết trừng phạt, đuổi đi, phải trở về Hoa Quả Sơn vì cho rằng Ngộ Không đã giết oan người vô tội. Ngộ Không và phép chiếu yêu có lỗi hay Đường Tăng và lòng từ bi có lỗi?
Câu chuyện thứ ba của chính bản thân mình:
Ba năm trước khi còn là sinh viên đi làm thêm bên ngoài, mình được tin tưởng mời tham gia xây dựng một dự án lớn. Nhóm lãnh đạo dự án lúc đó chỉ gồm có bốn người, một người là chủ đầu tư rất tâm huyết thực hiện bằng được dự án này, hai người còn lại là hai chuyên gia giàu kinh nghiệm chuyên môn và dày vốn sống, cả ba người đều đã ở độ tuổi hiếm có thể để xảy ra sơ xuất, người còn lại là mình, 21 tuổi, trẻ đến mức độ chưa kịp hiểu vì sao lại được mời tham gia dự án quan trọng này. Trong một buổi phản biện chiến lược triển khai dự án, ba người kia rất lạc quan, tin tưởng vào chuyện chắc chắn sẽ thành công, riêng mình đề nghị dừng dự án lại để đánh giá và chuẩn bị đối phó kỹ hơn đối với một số nguy cơ rủi ro rất có thể xảy ra. Tất cả những lý lẽ, dẫn chứng mình đưa ra đều rất xác đáng và thuyết phục, nhưng không hiểu sao câu trả lời mình nhận được là quyết định cho thôi việc ngay lập tức tại cuộc họp. Ba người kia với cái TÔI quá lớn của bậc bề trên đã nói “ Đang xây nhà mà cậu cứ tính đến chuyện cháy nhà là sao?” và mình đã trả lời lại rằng “Nếu tính đến chuyện cháy nhà, thì nhà sẽ không bao giờ bị cháy.” trước khi ra khỏi phòng họp trong ấm ức của tuổi trẻ. Rất tiếc, dự án sau đó đã thất bại chính vì nguy cơ mình đã phân tích. Mình chẳng hề hả hê, chỉ thấy buồn ghê gớm vì tầm nhìn và hiểu biết của mình đã không thể nào thuyết phục được số đông. Không ai trong số đông đó tìm đến mình để thừa nhận sai lầm hay xin lỗi về sự vội vàng ngày trước. Họ chỉ im lặng, sự im lặng thường bắt gặp ở những kẻ hèn nhát, sợ trách nhiệm. Nhưng cũng phải cảm ơn họ, vì chính những con người ấy, sự im lặng ấy đã thôi thúc mình tạm biệt Việt Nam ra nước ngoài học cái nghề “tính trước tương lai”.
Dẫu biết rằng, sống là chờ đợi và không ngừng hi vọng; nhưng cuộc sống có đủ dài không để cho ta mãi kiên nhẫn chờ đợi Đời hiểu mình.
Và chính khoảnh khắc ấy, mình đã hiểu Đời trong khi Đời chưa kịp hiểu mình, ta chợt thấy cô đơn và trống trải, buồn vô hạn.
Tạm đặt tên nỗi buồn ấy “nỗi buồn Ngộ Không”.
Có lẽ nào muốn làm người khổng lồ, phải học cách cô đơn?