Thư gửi vợ tương lai: Nếu có con, đừng ép con anh phải là thần đồng, em nhé!

 

Em yêu.

Người ta vẫn nói đứa con là kỳ quan tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban cho những người được hạnh phúc làm cha làm mẹ. “Của để dành” vô giá ấy là công trình vun đắp, dạydỗ của chính chúng ta qua năm tháng. Nếu một ngày nào đó, con chúng ta ra đời,anh và em hãy cùng là những người dẫn đường cho con, một con đường không cần phảilà tốt nhất, chỉ cần đúng và phù hợp và quan trọng hơn cả là do chính con lựa chọn, em nhé. Tuyệt nhiên, đừng đánh cắp tuổi thơ và ép con anh phải làm Thần Đồng, em nhé.

 

Em hãy cứ yên tâm cho con đọc truyện tranh như lứa chúng ta đã từng háo hức từng ngày đón chờ mỗi tập Doremon, Conan như thời thơ bé; đừng lo con mình bị “sâu mọt tâm hồn”. Bởi lẽ hàng triệu đứa trẻ Vietnam và trên toàn thế giới đã lớn lên cùng những kỉ niệm ấu thơ ấy. Đó là ngọn nguồn của trí tưởng tượng là những nếp gấp tư duy đầu đời của mỗi đứa trẻ; là mảnh ký ức đẹp lung linh không thể tách rời của tuổi ấu thơ. Đừng ép con phải đọc , phải dịch truyện tiếng nước ngoài trong khi con đang vẫn còn mê say những tiếng cười thơ ngây như trong Thần đồng Đất Việt, vẫn còn ham chơi đuổi bắt cùng chúng bạn.

 

Em thấy không, chúng ta có cả một cuộc đời để theo đuổi những gì ta muốn, để phấn đấu vì những mục đích riêng của mình: để thành danh, để hạnh phúc, để nổi tiếng hay đơn giản chỉ để là một người bình thường NHƯNG gia tài thời gian của chúng ta chỉ có vỏn vẹn vài năm ấu thơ để nhìn cuộc đời với ánh mắt sáng trong, vô tư, để “thả diều, đá bóng, bắt cá giữa đồng”… Ngắn lắm! Đừng phí phạm nó để rồi sau này, lúc có được tất cả lại gào thét lên những điều không thể: Cho tôi một vé đi tuổi thơ….

Anh không muốn con như thế.

 

Anh rất tâm đắc một câu mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói “Không phải cũng có khả năng giành được giải thưởng Fields hay giải Nobel, nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa”. Thật vậy, trí thông minh là món quà của tạo hoá, may mắn là phần thưởng của số phận, nhưng quyền được sống cho chính mình,theo cách của mình là một quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người. Chúng ta cũng cần phải học cách tôn trọng quyền lựa chọn của con như bố mẹ đã tôn trọng chúng ta bây giờ. Con anh sẽ không nhất thiết phải cố nhồi cho đủ 3 môn nó không thích hoặc không có khả năng để rồi thi đại học trở thành một ông/bà Cử nhân hay một chức phận gì đó. Con có thể là một người thợ làm bánh hay một hoạ sỹ hay bất kỳ điều gì nó mong muốn miễn là lương thiện. Tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình- đó là điều mỗi chúng ta đều phảilàm, và con cũng không là ngoại lệ.

 

Tâm hồn trẻ thơ sáng trong vô ngần, nhưng cũng không dễ gì bị “sâu mọt đục khoét” nếu được nuôi dạy và bảo vệ đúng cách từ phía người cha người mẹ. Nhưng một số ông bố bà mẹ lại đang biến chính những đứa con thương yêu của mình thành phương tiện để chạy đua theo trào lưu “khoe con”, thậm chí khoe giữa công luận. Họ thèm khát đến mù quáng cái danh hiệu “Thần Đồng”, sung sướng đến mụ mẫm khi con cái được gọi là “hiện tượng”. Be bé thì khoe con tôi 1 tuổi đã biết nói, biết hát karaoke, thuộc hết bảng chữ cái tiếng Anh tiếng Việt. Lớn lớn khoe con tôi 11 tuổi thi IELTS được 6.5, dịch được sách nước ngoài, hay con tôihát được 6-7 thứ tiếng, giỏi nhất là tiếng mẹ đẻ…..Như vậy để làm gì? Phải chăng là đổi sự bình yên của con trẻ lấy mấy tiếng trầm trồ xuýt xoa của người đời hay mấy bài báo tung hô rầm rộ của đám phóng viên đói tin thèm chữ? Có khác nào đẩy đứa bé non nớt ra giữa chỗ gió lùa của dư luận, mặc cho đưa đẩy, tung hô. Cái giá ấy rẻ lắm thay! Bằng cách ấy, xã hội đang ra sức nhào nặn đại trà những người khổng lồ chân đất sét, luôn tưởng mình đang là cái rốn của vũ trụ,là tương lai, là đích đến của loài người. Giá trị của một con người chỉ có thể được đánh giá bằng những gì họ đóng góp cho xã hội chứ không phải là một nhúm thành tích cá nhân “từ hồi còn bé”.

 

Chúng ta vẫn cứ luôn già quá sớm và khôn quá muộn.

 

Thời đại chúng ta đang sống là kỷ nguyên công nghệ, nhịp sống hiện đại làm cho cha mẹ khó có thể dành nhiều thời gian bên con cái như mong muốn. Chúng ta có thể dạy cho con một số điều, và rất nhiều thứ con sẽ phải tự học và trải nghiệm; nhưng nhất định chúng ta sẽ không thể quên nhắc nhở con bài học về sự khiêm nhường. Sự tự tin, bản lĩnh, và sự chững chạc là những ưu điểm rất tốt, nhưng sự thiếu khiêm tốn lại là nấc thang ngắn nhất biến một người tài năng thành một kẻ tầm thường. Khen ngợi, khuyến khích là điều không thể thiếu trong sự phát triển của một con người, đặc biệt là trẻ em, nhưng dù sao chúng ta sẽ vẫn không xa rời “nguyên tắc 1 phút” với con: Không khen con quá 1 phút để con sinh tự kiêu, và cũngkhông trách mắng con quá 1 phút để con thấy tự ty. Nếu con có đạt được chút thành tích hơn người thì càng cần phải có sự nhìn nhận và định hướng đúng đắn từ cha mẹ thay vì giáo dục theo kiểu “no dồn chín ép”, chính cha mẹ lại thành fan cuồng của con.

 

Hơn tất cả, hãy để cho con được tận hưởng tuổi thơ và và sống đúng lứa tuổi củamình, đó là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con, anh không mong gì hơn thế.

 

Thôi thư đã dài, xin phép em anh dừng bút để đọc nốt cuốn truyện tranh rồi còn đi ngủ sớm, mai còn đi làm.

 

Yêu em.

 

Anh.