“Này, anh đang sống chết vì cái gì đấy?”
“Này, anh đang sống chết vì cái gì đấy?”
Kính tặng chú Phong Trần, cô Hoàng Kim Hợp và tất cả những con người đã dám dũng cảm ra đi….
Đã bao giờ có ai hỏi bạn câu hỏi ấy chưa?
Một câu hỏi có vẻ ngắn nhưng có lẽ phải đi cả một chiều dài cuộc đời mới biết đích xác được câu trả lời. Câu trả lời đấy khó lắm. Phần vì mỗi người mỗi khác, phần vì chẳng mấy ai dám trả lời thành văn, và cũng chẳng mấy ai dám trả lời thành thật, và còn một loại nữa, đó là loại không biết mình đang sống chết vì cái gì.
Có một ông quan nọ, đang có chiều hướng đi lên, nằm trong diện quy hoạch này nọ, không may có bà chị buôn thúng bán bưng không may đổ bể, đến cửa nhà ông nhờ giúp đỡ, lo sợ chủ nợ đến tìm. Tiền ông đầy, ông cũng chẳng tiếc, nhưng ông vẫn xua chó ra, nói người làm ra khi cáo bận, khi cáo ốm. Ông sợ cái vẻ lam lũ khổ sở của bà chị gái đáng thương kia sẽ bám bụi vào cái chân ghế của ông, dính bẩn vào lý lịch của ông nhất là khi ông đang ôm mộng một cái ghế to hơn.
Ông không nói ra đâu, nhưng ông đang sống chết vì cái ghế.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn. Thương ông!
Có anh béo nọ, hay lắm, cứ hễ ngồi được vào bàn ăn 5 phút là anh ta chuyển chủ đề sang Từ thiện. Anh ta nói hay đến lạ, nào là phải phát tâm thiện nguyện cho đồng bào nghèo khó, nào là phải cúng dường tam bảo làm sao….Anh nói say sưa, sùi cả bọt mép, nói thâu đêm suốt sáng được, miệng anh nói, tay anh gắp liên hồi. Tài thật! Đám bạn nhậu há hốc miệng ra mà nghe, mà nuốt lấy từng lời vàng ý ngọc. Anh kể đoàn từ thiện nào cũng có mặt anh, anh không quên lôi ra bao nhiêu ảnh chụp anh tháp tùng các ông lớn đi thiện nguyện như để dẫn chứng. Ấy thế mà khi thanh toán hoá đơn cho nhà hàng, đố tìm thấy anh ở đâu. Bất quá thì khi không chuồn được, anh hôm đau bụng, hôm quên ví, hôm cười trừ trống lảng. Cái đám há hốc miệng kia móc hầu bao ra mà trả.
Anh không nói ra đâu, nhưng anh đang sống chết vì cái danh “nhà từ thiện”.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn.Thương anh!
Có một bà chủ nhà hàng nọ, lớn lắm,có cái tài kiếm tiền rất giỏi. Nhà hàng của bà đông nườm nượp, kẻ đứng kẻ ngồi,đếm không xuể. Tiền bà đếm nhiều hôm mỏi tay vẫn chưa hết. Một hôm đám nhân viên đến 1 giờ đêm chưa được về vì bà đếm thấy thiếu mất 1 đồng xu, thiếu đúng 1 xu nữa là đủ 4 vạn đồng. Thiếu 1 xu ấy là chỉđược 3 vạn 9 nghìn mấy. Bà sẽ không ngủ được. Bà căn vặn từng đứa, mắt bà long lên sòng sọc, mặt đỏ tía tai rồi cuối cùng 1 xu ấy tìm thấy dưới kẽ khuất của ngăn kéo bà mới thôi. Lạ cái là cuối tuần trả lương cho đám thợ, thỉnh thoảng bà lại quên mất, nên 100 chỉ còn có 90. Đám thợ hỏi, bà cãi bay, chửi bọn này bố láo, bà mà lại thiếu tiền của chúng mày ah?
Bà không nói ra đâu, nhưng bà đang sống chết vì tiền.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn. Thương bà!
Còn tôi, 25 tuổi, bỏ làng bỏ nước mà đi. Dân làng kẻ chửi tôi tham tiền, kẻ trách tôi hám danh chưa về. Chẳng phải,tôi đi tìm cái mà tôi thấy nước tôi chưa có. Nước Nam nay có thiếu gì, xe đẹp nhiều đến mức tắc cả đường, nhà cao tầng nhiều đến rách cả trời, gái đẹp nhiều đến mức rách cả báo mạng, thiếu cái gì mà thiếu? Ấy mà có đấy, thiếu cái mùi thơm của sự tự do. Khi người ta ở giữa bốn bức tường kín, không cửa sổ, người ta không ngửi được cái mùi nào khác ngoài cái mùi chật chội, ẩm mốc của sự tù túng, và dần ở lâu trong đó, người ta quen, thôi không kêu nữa. Tôi thấy ấy là nguy. Tôi chả mấy tin vào kiếp sau, nên tôi nguyện sống cho trọn cái kiếp này trong TỰ DO.
Tự do không phải là không bị giam giữ, tù đày như dân mình vẫn hiểu. Tự do không phải là nghe nhạc to không ai nói, hói cả đầu không ai chê. Với tôi, tự do là khi đít không bị dính vào một cái ghế nào cả, cổ không bị chĩu nặng xuống vì chữ Danh, và tay không bị mỏi vì “phải” đếm tiền. Tự do là đi xuyên qua dãy phố đông người khi trong túi không có xu nào hay trong túi có rất nhiều tiền vẫn thấy bình thản, điềm nhiên. Tự do là không phải nói và làm những điều mình không muốn, phải tung hô- phải theo đuổi những điều mình biết rõ là sai, là không có thật.
Ghandi, nhà hiền triết, cha đẻ của đất nước Ấn Độ đã nói “Freedom is just the state of mind” (Tự do chỉ là trạng thái của tinh thần) hay Janis Joplin, một nhạc sỹ người Mỹ thế kỉ 20 nói rằng “Freedom’s just another word for nothing left to lose” (Tự do chỉ là nói cách khác là không có gì để mất).
Đúng cả!!! Thường con người khi sinh ra và chết đi đều là tự do, chỉ có đoạn giữa hai điểm đầu cuối ấy mà chúng ta hay gọi là đường đời, người ta lại hay vì cái này hay cái khác, bằng cách này hay cách khác, tự đánh mất đi sự tự do đáng quý của chính mình.
Tôi không nói ra đâu, nhưng tôi đang sống chết vì TỰ DO.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn!
Còn bạn, bạn đang sống chết vì cái gì?