Câu chuyện buồn từ nền giáo dục đòn roi……

Câu chuyện buồn từ nền giáo dục đòn roi…..

 

Từ lâu mình vẫn luôn nghĩ rằng, tương lai của một đất nước phải bắt đầu từ đâu, tương lai đất nước chắc chắn phải bắt đầu từ bục giảng, từ nhà trường. Và sáng nay xem clip thầy và trò ở Tây Sơn, Bình Định ẩu đả ngay trên bục giảng, ngay dưới chân khẩu hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì mình đã hiểu rằng tương lai của Tổ Quốc mà mình luôn yêu quý sẽ còn buồn lắm, buồn dài dài trong tương lai.

 

Không hiểu từ bao giờ, nền giáo dục nước mình trở nên bạo lực như thế, thầy và trò hành xử với nhau theo kiểu thú vật như thế. Ngay cả đến như dạy xiếc thú, người ta cũng không thể dạy dỗ những con mãnh thú bằng đòn roi, mà phải dạy bằng tình yêu thương, bằng sự kiên nhẫn, huống hồ chi đến con người. Đòn roi và bạo lực chỉ có thể dẫn đến sự căm hờn, sự phẫn nộ của học trò, chúng sẽ không bao giờ phục; và nếu trò không phục thì thầy nên cảm thấy nhục. Nhục vì một khi anh đã phải dùng đến cái tát, dùng đến sức mạnh với học sinh tức là anh đã hoàn toàn bất lực, năng lực sư phạm của anh là đồ bỏ đi.

 

Nói đi thì cũng phải nói lại, đúng là ở các nước Á Đông thường có truyền thống sử dụng roi và hình phạt trong dạy học. Hình ảnh những thầy đồ già với chiếc roi mây đã trở thành một ký ức đẹp về thời hoàng kim của Nho giáo trong lòng người Việt, thời mà vai trò của người thầy chỉ xếp dưới Vua và còn trên cả cha mẹ trong thứ bậc Quân – Sư – Phụ. Nhưng cái roi, cái tát của ngày nay hình như đã mất đi ý nghĩa sư phạm, sức mạnh tượng trưng của sự răn dạy, nghiêm khắc. Trừng phạt mà nêu rõ lý do của hình phạt là trừng phạt vô nghĩa. Những cái tát của thầy giáo Tuấn trong clip hoàn toàn không có giá trị dạy dỗ, không phải cái tát của sự nghiêm khắc; đó là cái tát đầy tính côn đồ của một kẻ trong cơn cuồng nộ và đã mất đi sự bình tĩnh cần thiết của một người giáo viên. Thầy vô tư tát vì quen nghĩ rằng trò không bao giờ dám phản kháng, chúng nó mà “bật lại” tức là chống lại giáo viên, tức là đối mặt với án đuổi học, ghi học bạ. Nhưng thầy giáo Tuấn ơi, thầy đã thua rồi, đã thất bại hoàn toàn rồi, nhờ có sự tiến bộ công nghệ, nhờ có Internet, cái tát của thầy đã tát thẳng vào mặt cả ngành giáo dục nước nhà. Có khi nào sau này khi đã yên vị ngồi nhà, thầy sẽ có thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến cái câu quen thuộc của người Việt mình “Giá như……”. Rất tiếc, từ Giá như nhất quyết không thể tồn tại trong ngành Y và ngành Giáo. Nếu như một công nhân làm sai một sản phẩm, anh ta có cơ hội sửa lại trong vài phút hay vài giờ, nhưng một thầy giáo hành xử sai thì sẽ hình thành ấn tượng xấu trong cả một thế hệ học sinh, góp phần làm hỏng cả một lớp công dân của đất nước. Thầy giáo mà còn như du côn thế thì học sinh tụ tập đánh nhau, chém nhau như phim có lẽ cũng là điều không quá khó giải thích.

 

Dư luận cũng có ý kiến lên án hành động phản kháng của học sinh, đúng, không ai cổ xuý chuyện học sinh đánh lại thầy giáo cả. Nhưng dư luận lại quên mất câu “Con giun xéo lắm cũng quằn”, dư luận quên mất rằng ngay cả luật pháp các nước đều có quy định về hành vi phản kháng tự vệ trong những trường hợp cần thiết. Hơn nữa, các em học sinh ở trường phổ thông đều là dưới 18 tuổi, tức là vẫn là trẻ em. Và ít nhất khi các em có đủ nhận thức để biết rằng khi bị tấn công vô cớ cần phải phản ứng theo đúng bản năng ,thì đó là điều đáng mừng hơn đáng trách. Kiểu tư duy “Đứng yên cho người ta đánh, người ta chèn ép” tồn tại ở các bác trên cao là đất nước đã quá đủ nhục rồi, đừng bắt các cháu phải đi theo vết xe đổ của các bác nữa.

 

Nếu là mình là cậu học trò trong clip, có lẽ mình đã ứng xử một cách khác, không cần phản kháng làm gì, cứ để cho thầy tát một phát và lùi lại nói “Thưa thầy, nếu em có lỗi em xin lỗi vì đã làm thầy nóng giận. Em xin nhận cái tát vừa rồi vì em là học sinh của thầy. Còn nếu thầy tiếp tục tát em nữa, em nghĩ rằng thầy sẽ tát vào chính sự nghiệp còn dài của thầy. Mong thầy bĩnh tĩnh lại”. Nếu như vậy, có lẽ câu chuyện sẽ bớt buồn hơn.

 

Viết từ nơi thầy không bao giờ dám đánh trò cho nên trò không cần phải bật lại thầy.

London 2014