Nghề Cao Quý.
Nghề Cao Quý.
Kính tặng những người Thầy đã đi qua cuộc đời tôi……
Ngày còn bé, mẹ vẫn thường nói với tôi trong xã hội có nhiều nghề lắm, nhưng chỉ có một vài nghề được xã hội trân trọng và được gọi bằng Thầy,đó là thầy thuốc, thầy giáo, và thầy cãi ; và mẹ rất mong muốn sau này tôi cũng sẽ được gọi là Thầy, còn Thầy gì thì sẽ tuỳ tôi chọn lựa.
Tôi đã không chọn trở thành Thầy thuốc như mẹ tôi vì tôi nghĩ một xã hội cần nhiều thầy thuốc giỏi là một xã hội yếu đau. Không ai thích đến bệnh viện cả, không ai thích gặp bác sỹ cả.
Tôi đã suýt chọn trở thành một thầy cãi chuyên nghiệp nhưng tôi nghĩ một xã hội cần nhiều luật sư giỏi là một xã hội còn nhiều bất công. Không ai thích đến toà án cả, không ai thích gặp luật sư cả.
Tôi đã chọn trở thành một thầy giáo vì tôi nghĩ một xã hội cần nhiều thầy giáo giỏi là một xã hội còn nhiều người hiếu học và còn nhiều cơ hội phát triển. Hàng triệu trẻ em-và cả người lớn nữa đều thích đến trường cả và thích được học tập cả.
Và hơn thế nữa, tôi ước muốn được làm nghề cao quý ấy để phần nào trả món nợ ơn nghĩa vô bờ với những người Thầy đã đi qua cuộc đời tôi.
Tôi rất nhớ cô giáo đầu tiên của tôi, có một cái tên rất đẹp và khó quên, cô Chung Thúy Hà. Cô đã dạy tôi suốt 3 năm học đầu tiên của cuộc đời. Đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm lại được cô để nói một lời cảm ơn cho người đã cất giấu cả bầu trời tuổi thơ bình yên của tôi. Đến bây giờ, mỗi khi đọc một cuốn sách hay, tôi luôn nhớ lại hình ảnh của cô Hà ngày ấy, một cô giáo rất trẻ, với tóc ngắn thời trang nhưng rất nhân hậu và sâu sắc, dạy chúng tôi biết phải yêu quý sách vở như thế nào.
Tôi vẫn nhớ chiếc nón lá mà cô Quyên-cô giáo chủ nhiệm lớp 4 của tôi đã đội trong một ngày mưa tầm tã, lội trên con đường ngập nước để vào nhà gặp mẹ tôi trước ngày họp phụ huynh. Cô không phải bạn của mẹ tôi, cô không phải họ hàng của gia đình tôi, cô chỉ là một giáo viên chủ nhiệm không muốn một phụ huynh bị ung thư giai đoạn cuối lo lắng về chuyện học hành của đứa con trai nhỏ của mình. Cô đã mặc áo mưa vào nhà tôi ngay khi nhận được thư mẹ tôi gửi cáo lỗi không thể đi họp được vì bệnh đã quá nặng. Cô đã ngồi rất lặng đi lâu và khóc rất nhiều trước di ảnh của mẹ tôi khi sau kì nghỉ hè biết mẹ tôi không qua khỏi. Ngày bố dẫn tôi đến nhà cô, một căn hộ tập thể trên tầng năm ở khu Vạn Mỹ, để cảm ơn và chia tay cô trước khi vào Nam, cô đã dặn dò tôi rất nhiều, nhiều như một người mẹ có con đi xa.
Tôi nhớ chiếc xe Cub 50 cũ kỹ của cô Hồ Thị Xuân Thảo – cô giáo chủ nhiệm lớp 5 đã vượt 10 cây số dưới buổi trưa nắng cháy của Saigon chở tôivề nhà trong một lần bố tôi bận việc đến đón muộn. Hộp cơm tấm mà cô giáo mua cho tôi trong một lần tôi trót đánh rơi mất tiền bố cho ăn trưa là hộp cơm tấm ngon nhất mà tôi từng ăn. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ, vẫn nhớ màu áo dài thiên thanh của cô, cặp kính cận rất dày của cô. Mới như ngày hôm qua thôi.
Tôi nhớ hai cái tát của cô Liên – cô giáo chủ nhiệm 4 năm cấp hai của tôi và những lời mắng để đời của cô, và nhớ tới lần bị cô mời bố đến nhà trong những ngày giáp Tết năm 2000. Lần đầu tiên và lần cuối cùng bị như thế trong 12 năm đi học phổ thông. Có lẽ nhờ hai cái tát ấy mà bây giờ tôi theo đuổi con đường học vấn đến cùng chứ không phải đi “kéo xe” như lời cô doạ ngày nào .Tôi cũng nhớ tới cô Thuỷ- một cô giáo trẻ dạy môn Sinh đã phạt tôi phải vẽ 100 cái nhà với 100 kiểu dáng khác nhau trong 1 buổi tối để sáng hôm sau nộp vì đã cả gan ngồi vẽ nhà trong giờ học của cô. Một hình thức phạt độc nhất vô nhị để tôi nhớ được câu “Giờ nào việc ấy”
Tôi nhớ chị Quỳnh- cô giáo gia sư dạy tiếng Anh ở ngõ Lâm Tường ngày nào đã dạy tôi, Kim Lương, Liên Hương, Nguyễn Đạt, Thanh Khuyên. Người đã làm cho tôi không còn sợ Tiếng Anh mà yêu thứ ngôn ngữ ấy và theo đuổi cho đến tận bây giờ. Chúng tôi ngồi trên nền nhà xi măng, trên những cái bàn nhỏ xíu cao như cái ghế đẩu, nhìn lên một cái bảng nhỏ xíu, trong một căn nhà bé như trong truyện cổ tích để học những bài học rất lớn.
Tôi nhớ tới các thầy cô giáo cấp ba của tôi, cô Tiệp chủ nhiệm-người thầy đầy bao dung và thương yêu của một tập thể lớp quỷ sứ. Cô Tuyết –người dạy Văn trong Đời, và dạy Đời trong Văn. Và đặc biệt là thầy Thuỵ, người thầy dạy tiếng Anh mà tôi nhất mực kính trọng, người thổi bùng lên tình yêu đốivới ngôn ngữ Anh trong tôi. Tôi vẫn nhớ câu chuyện thầy đuổi thẳng cổ một cậu bạn lớp bên ra khỏi lớp chỉ vì mặc quần bò……đi dép lê, thế mới biết làm thầy đâu chỉ có dạy kiến thức. Ngày ấy tôi có một quyển to nhất lớp, nặng 3-4kg, ngày nào đi học tiếng Anh cũng vác trẹo cả lưng. Thầy nói “Thấy vác từ điển khổ không, đấy,những điều mà ta không biết nó còn nặng hơn thế ngàn lần, nó sẽ kéo ta chĩu xuốngmặt đất nếu ta không chịu học, học đi, đến khi nào mà đọc thông viết thạo mà không cần đến quyển từ điển này nữa thì lúc đấy là tạm được rồi đấy”. Rồi ngày ấy cũng đã đến. Lời khẳng định của thầy năm nào “Tự học là quan trọng nhất, là phương pháp học tập giúp chúng ta tiến xa nhất” chính là sự động viên vô cùng quý trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi những năm về sau.
Tôi nhớ tới các giảng viên của tôi ở trường Đại học, những người đã hình thành một cậu sinh viên năm nhất ngày nào ý niệm về những người trí thức thời đại mới. Mười hay hai mươi năm nữa, tôi sẽ vẫn nhớ dáng đi nhẹ như bay, tay phải ôm nhẹ lấy tay trái của cô Đỗ Thị Mỹ Dung, người dạy tôi môn Reading trong hai năm đầu tiên. Tôi nhớ diện mạo như lãng tử của thầy Đoàn Huân, nhớ kiểu tóc cắt ngang “mái ngố” của cô Đinh Minh Thu, nhớ nụ cười cực duyên của cô Vân Tiên, nhớ sự gần gũi và chân tình của thầy Tạ Nam – nhớ phong cách Tây Phương của thầy Lê Đức Mạnh, nhớ sự hiền hoà của cô Phạm Kim Nhung, nhớ sự trẻ trung hiện đại của cô Đỗ Thuỳ Linh,và tôi thề là tôi vẫn sợ cô Đỗ Kiểm- cùng với nỗi sợ không được làm khoá luận vì nộp đề cương muộn. Sợ nhưng tôi vẫn quý mến cô, người dạy tôi bài học để đời về“đúng giờ” trong học thuật. Có phải vì thế không, mà luận văn thạc sỹ sau này tôi phải làm xong trước hạn rất lâu vì sợ nộp chậm. Họ là những người thầy cô hình mẫu của câu châm ngôn mà tôi rất yêu thích“Phúc hữu thi thư khí tự hoa” (Người có sách ở trong lòng thì tự phát tiết ra ngoài).Thật sự là tôi vẫn thích nhìn ngắm các thầy cô tôi hơn là nhìn các doanh nhân thành đạt đi xe đẹp xài hàng hiệu tràn ngập các mặt báo bây giờ.
Tôi vẫn tự nhắc nhở mình bằng câu chuyện mà thầy Duynh trưởng khoa đã kể cho chúng tôi ngày ra trường: câu chuyện về chiếc đồng hồ Liên Xô không nên dán mác Nhật. Hãy luôn là chính mình, sống thật bằng chính khả năng củamình, đừng chạy theo tem mác.
Mỗi năm cứ đến ngày này, ngày của Nghề Cao Quý, tôi lại thèm được bé lại, được về lại trường xưa, được thầy cô mắng mỏ, quở trách như thưở nào vì cuộc đời đã dạy cho lũ chúng tôi biết rằng những người nghiêm khắc với mình nhất, dữ dội với mình nhất chính là những người yêu thương mình nhất. Cuộc sống bộn bề làm cho chúng ta đôi khi quên nhiều thứ lắm, nhưng xin hãy đừng quên những người thầy xưa. Nếu cuộc đời ta là một bức chân dung, mỗi người thầy người cô củachúng ta chính là những nét vẽ quan trọng nhất. Với tôi, tôi vẫn để dành một góc trang trọng nhất trong kí ức của mình đã ghi nhớ tên đầy đủ những người thầy của mình, từ những năm mẫu giáo đầu đời cho đến người thầy hôm qua vừa quát tôi trên lớp. Nhớ để thương, nhớ để không quên nguồn cội của chính mình.
Làm nghề Cao Quý muôn đời là khó, trong xã hội nào cũng khó,vì Tầm phải thật Cao, Tâm phải thật Quý mới làm được. Nhiều người nghĩ rằng đơn giản chỉ là học vài năm lấy tấm bằng sư phạm là đã thành Thầy ngay, thật không phải vậy, có những người dạy cả đời sẽ vẫn chỉ là “thợ Dạy”,và cũng có những người chỉ dạy một tiết trong đời cũng đã là Thầy. Tôi thật may mắn vì trong hai mươi năm đi học, đều được những người Thầy chân chính dạy dỗ,chứ không phải học các thợ Dạy như bây giờ đâu đó báo chí đăng tải. Phải những ai đã từng đứng trên bục giảng mới hiểu được niềm hạnh phúc vô bờ của nghề đi gieo mầm tương lai. Hạnh phúc khi nhìn thấy những ánh mắt long lanh đang chăm chú dưới kia, hạnh phúc khi nhìn thấy những học trò như chim tung cánh bay vào cuộc đời lớn rộng.
Sự vinh quang của nghề Cao Quý giản dị vậy thôi….
Một lời tri ân đến những người Thầy đã đi qua cuộc đời tôi nhân ngày của Nghề Cao Quý.