TỬ TẾ.

Trong một bài thuyết trình gần đây trước thầy giáo của mình, để trả lời cho câu hỏi “Đất nước của anh đang thiếu cái gì để phát triển xứng tầm với tiềm năng?”. Vì chuyên môn của ngành học, tôi đã buộc phải đưa ra rất nhiều lý do “dối lòng” mà tôi không thực sự nghĩ như thế, miệng nói rằng “Vietnam thiếu đầu tư vào R&D, đầu tư vào giáo dục nghề, hạ tầng nhiều hạn chế………bla bla; nhưng thực tâm, tôi chỉ muốn trả lời cho không chỉ ông thầy Tây của mình, mà còn muốn cho bạn bè tôi, những người Việt nghe một điều không thể thật hơn: Đất nước chúng ta đang không phát triển được trước hết vì chúng ta đang thiếu trầm trọng ……SỰ TỬ TẾ.

Ít có một bộ phim nào làm tôi phải xem đi xem lại đến nhiều lần, nghĩ đến nhiều ngày như bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Hoá ra, câu chuyện Tử tế từ khi tôi còn chưa kịp chào đời, cách đây gần 30 năm đã là một câu chuyện thời sự, và có vẻ như câu chuyện xã hội đó chưa hề bớt nóng mà còn kịch tính hơn khi nồng độ TỬ TẾ trong dòng máu dân tộc đang ngày càng xuống thấp ở mức báo động và trở thành một thứ hiếm dần đi.

Nói đến sự tử tế, người ta thường hay nghĩ ngay đến chuyện đối tốt với một ai đó, nhất là những người xa lạ.
Tử tế là cái tốt chân thành, với hương vị thơm thảo vẹn nguyên của mối quan hệ người-người.
Nhưng những chuyện người ta nhặt tiền rơi của nhau, cướp công khai của nhau, hôi của của nhau đã không còn là hiếm trên các mặt báo đang gióng lên những hồi chuông đáng sợ, làm hoang mang đến cả những người tử tế lạc quan cuối cùng.
Uh nhỉ, xã hội mình đã như thế này từ bao giờ?

Mầm mống của sự thiếu tử tế phải chăng chính là sự buông thả chính bản thân mình của mỗi chúng ta với cuộc sống, thờ ơ quay lưng lại với những giá trị đạo đức cốt lõi.
Tôi biết nhiều người, khi còn khó khăn, họ mang sự tử tế của bản thân tạm thời thế chấp lấy cơm-áo-gạo-tiền để sống qua ngày và qua cơn nguy khốn, họ tự hứa với lòng mình, khi nào khá hơn sẽ thôi không làm những việc kém tử tế nữa, sẽ tử tế bù, thế rồi như một thói quen, khi có đủ rồi, thừa rồi, họ cũng chẳng thèm chuộc lại sự tử tế nữa, có lẽ họ quên, có thể lắm chứ, nhưng tôi tin, phần đông trong số họ đang ăn miếng trả miếng: xã hội có tử tế gì với tôi mà tôi phải tử tế lại một cách vô điều kiện. Và cứ thế, cứ thế, chúng ta đang lây nhiễm rất nhanh cái sự không tử tế. Hôm trước cái sự không tử tế nó còn lảng vảng ở đầu phố nơi có một chị bán rau nào đó chạy mưa đánh rơi tiền mà không ai nhặt trả lại, hôm qua sự không tử tế đã lởn vởn ở trước cửa nhà bạn khi bạn vô tình để quên chìa khoá trên xe, mà bao người đi qua nhìn thấy không ai những nhắc nhở, và hôm nay hay có thể ngày mai, rất có thể cái thiếu tử tế nó sẽ chễnh chệ ngồi ngay trong mâm cơm gia đình của bạn.
Sự thiếu tử tế đang lây nhiễm rất nhanh từ áo vàng, áo xanh…….thậm chí bén mảng đến cả áo cà sa nữa. Người ta đã bắt đầu nghe thấy những pháp danh rất lạ phía sau cửa thiền nơi tưởng chừng như không có gì ngoài đạo hạnh, từ bi, và TỬ TẾ: Thích Thể Hiện, Thích Ai-Phôn, Thích Vơ-Tu, Thích Chơi Ngông…….
Và lây nhiễm vẫn chưa đáng sợ bằng di truyền, nếu cứ tiếp tục, chẳng mấy chốc sẽ di truyền sang áo trắng. Đó là điều tồi tệ nhất!
Nhiều người nói với tôi, nói chuyện tử tế thì dễ lắm, nhưng thời buổi khó khăn này, sống được cho tử tế thì khó đấy. Phải, khó lắm, tử tế dễ làm sao được khi bây giờ từ tấm bé đã phải chứng kiến sự không tử tế ngay từ trong trường mẫu giáo nơi có những phần ăn bị cắt xén, và những màn ngược đãi còn hơn trong phim. Và khi lớn lên sẽ chỉ thi Toán, Lý, Hoá, Văn, Anh….để vào đời chứ có nào đâu có phải thi Đạo Đức hay Giáo dục Công dân?

Nghèo thì tử tế làm sao nổi, thế nhưng bây giờ người ta còn thấy được chuyện không tử tế trong thế giới người giàu. Hoá ra chuyện giàu nghèo có vẻ ít liên quan trong sự định đoạt sự tử tế trong xã hội.
Chúng ta là sống trong một đất nước được nuông chiều, chúng ta ung dung móc dầu lên bán, ung dung trên chiến thắng ngoại xâm, và vẫn ung dung giậm chân tại chỗ cho đến giật mình nhận ra ngay cả mấy anh láng giềng ta hay coi là đám đàn em chiếu dưới cũng đang chuẩn bị vượt ta. Vì đâu? Vì không học tử tế, không làm tử tế, không sống tử tế, và vì sự im lặng và buông xuôi quá lâu của những người tử tế trước sự không tử tế trong xã hội?

Tôi đã từng được nghe những người sống qua giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, như bố mẹ tôi, như các thầy cô lớn tuổi của tôi……đều nói rằng: Thời đó người ta tử tế với nhau hơn bây giờ.
Chẳng có lẽ không còn cách nào khác để chúng ta tìm lại được sự tử tế đang dần mất?

Phải chăng đã đến lúc mỗi chúng ta phải có mệnh lệnh TỬ TẾ cho chính mình, thứ mệnh lệnh mà chỉ chính ta có thể ra được, chứ không phải là từ một cấp trên hay một đấng tối linh nào đó. Chúng ta sẽ chẳng thể đòi hỏi có một xã hội tử tế nếu như tự thân chúng ta không cố gắng để tử tế.

Kháng sinh sẽ làm cho cơ thể mỏi mệt trước khi khoẻ mạnh trở lại, và mệnh lệnh tử tế cũng vậy, nó đôi khi sẽ làm cho ta khó khăn và thiệt thòi trước khi tặng cho ta một cuộc đời thanh thản.

Bạn có sẵn sàng để ra mệnh lệnh Tử Tế cho chính mình, Tử Tế để Tồn Tại?