THỦ KHOA KÉP VẪN THẤT NGHIỆP & NỖI ỚN LẠNH NHÂN SỰ “BẰNG ĐỎ”.
(Bài đăng sáng nay trên Vietnamnet )
Lướt qua những trang báo, bạn sẽ dễ tìm thấy những bản tin buồn: thủ khoa kép (đầu vào – đầu ra) vẫn thất nghiệp, hay thạc sỹ, cử nhân đua nhau đi học…….trung cấp, thoạt nhìn có vẻ chua chát, có vẻ thêm một cái cớ để người ta đổ lỗi cho ngành giáo dục.Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận đây như những tín hiệu vô cùng đáng mừng cho đất nước, một sự đổi thay lớn đang đến gần.
Những tín hiệu này cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường lao động đang và sẽ thực hiện sứ mệnh tự sửa chữa và điều chỉnh lại những bất hợp lý và lỗ hổng chất lượng đào tạo của ngành giáo dục- như một liều kháng sinh cần thiết.
Cuộc đua nhà nhà vào đại học, và phong trào phổ cập thạc sỹ, tiến sỹ tràn lan sớm muộn cũng sẽ phải đến hồi kết. Sự thần tượng mù quáng về bằng cấp, về danh hiệu……của đại đa số học sinh- sinh viên và gia đình các em cần phải bị sụp đổ mới có chỗ cho những đổi thay cần phải có.
Với tôi, đi học ngoài chuyện là cuộc hành trình đi tìm kiến thức- đi tìm tự do, luôn luôn là một cuộc đầu tư cần tính toán kỹ nhất trong cuộc đời mỗi con người.Trong đó tâm huyết-thời gian- tiền bạc và trí lực của người học và gia đình là dòng vốn, ngành học (học những gì- học ở đâu) chính là các danh mục đầu tư (portfolio), và chất lượng cuộc sống của bản thân người học sau khi tốt nghiệp chính là các tiềm năng về lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt Nam không nghĩ vậy.
Tập quán đầu tư theo “hiệu ứng đám đông” của các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đang làm cho cán cân lao động của Việt Nam ngày càng mất đi sự cân bằng cần thiết cho một nền kinh tế khoẻ mạnh. Đã có thời toàn dân đổ xô cho con đi học IT như thể ngày mai nước ta ngay lập tức thành một thung lũng Silincon thứ hai, và dòng thác chứng khoán – ngân hàng cũng làm người ta mơ tưởng đến những Wall Street Việt chưa bao giờ tới. Cái luẩn quẩn “đại học là học đại” giống như cái vòng kim cô xiết hẹp dần lại tương lai của không chỉ nhiều bạn trẻ mà còn của đất nước.
Bằng tốt nghiệp dù có là hạng gì, ở trường nào, cũng chỉ dừng lại ở chức năng xác nhận rằng bạn đã hoàn thành một khoá học ở một trường học nào đó chứ hoàn toàn không phải là tấm vé đảm bảo rằng bạn sẽ có một chỗ đứng phù hợp như mong muốn trong đội quân lao động ngoài kia, càng không có vai trò như một bảo chứng cho sự thành công dài lâu của bạn.
Tuổi trẻ thường có thói quen ngủ hơi lâu và hơi sâu trên những thành công ban đầu mà quên mất rằng thành công luôn được xếp đặt xen kẽ với những thử thách mới tịnh tiến theo hướng khắc nghiệt hơn. Và nhiều bạn trẻ sẽ vẫn mãi bồng bềnh trên những nhầm tưởng cho đến khi họ đón nhận những thất bại đầu tiên sau cánh cổng của trường đại học khi mang hồ sơ đi xin việc, khi họ hiểu được rằng doanh nghiệp không phải là giảng đường, và chắc chắn ở đó không có những thầy cô giám khảo dễ dãi, mà chỉ có những nhà tuyển dụng vô cùng khắt khe.
Dưới vai trò của một nhà tuyển dụng, tôi ngỡ ngàng với năng lực thực tế của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Bên cạnh một số ít ứng viên xuất sắc, là một tỷ lệ rất đông những hồ sơ không-biết-phải-nhận-xét-thế-nào.
Có rất nhiều ảo tưởng, có rất nhiều mơ hồ, có rất nhiều tự ti và cũng không ít những sự thất vọng khó nói hết thành lời. Một hiện thực dễ thấy là sự thụ động của phần đông các bạn sinh viên hiện nay.
Bằng giỏi đi kèm với những bản CV viết không thể cẩu thả hơn, những câu trả lời ngô nghê; bằng khá đi kèm với trễ hẹn giờ phỏng vấn, sự thiếu kinh nghiệm còn gói bọc qua loa trong những lời nói dối vụng về……có lẽ không còn là mới ở nhiều công ty mỗi mùa tuyển dụng.
Có lẽ, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ không-làm-được-việc để định rõ trách nhiệm giữa ngành lao động và ngành giáo dục, hơn là một sự nhập nhèm trong những con số như hiện nay. Nếu như không kiến tạo đủ việc làm là lỗi vĩ mô, thì không đủ năng lực làm việc lại là quả đắng chung của “những nhà trường dạy kiến thức 60 năm trước” và bản thân những cá nhân dại khờ tin tưởng “học trên trường” là đủ.
Đất nước vừa đón nhận một vị Bộ trưởng Giáo dục mới, và rất may mắn vì tân Bộ trưởng không nhận mình là “tư lệnh”, không coi “giáo dục là trận đánh lớn” nữa.
Nhân dân đã quá mệt mỏi với những “trận đánh liên miên trong giáo dục” suốt mấy chục năm qua, hơn bao giờ hết họ đang cần một nền giáo dục bình yên và ổn định để tạo ra một tương lai sáng hơn cho con em họ, cho đất nước. Giáo dục tuyệt nhiên không thể là chuỗi nối dài của những cuộc thử nghiệm, và học sinh tuyệt nhiên không thể là những sản phẩm thí nghiệm thêm nữa. Chiến tranh, một quyết định sai của chiến tướng, sẽ hi sinh sinh mạng của một thế hệ; còn giáo dục, một cải cách sai lầm kéo lùi sự tiến bộ của ít nhất vài thế hệ.
Thời đại “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ….” dù muốn hay không cũng sẽ phải sớm chấm dứt để trở về đúng quy luật để trở về thành đấu trường lành mạnh nhưng khắc nghiệt của năng lực đích thực. Sẽ sớm thôi!
Hoàng Huy.