KHI ÔNG BỤT…….ĐI VẮNG: ĐỪNG NHẢY XUỐNG NƯỚC RỒI MỚI NHỚ RA MÌNH KHÔNG BIẾT BƠI…

KHI ÔNG BỤT…….ĐI VẮNG: ĐỪNG NHẢY XUỐNG NƯỚC RỒI MỚI NHỚ RA MÌNH KHÔNG BIẾT BƠI…
(Bài đăng trên Vietnamnet – Link cuối bài)

Với người Việt Nam, ông Bụt từ lâu đã là một biểu tượng niềm tin thiêng liêng được dân gian sùng bái và gửi gắm nhiều ngưỡng vọng. Trong biết bao nhiêu câu chuyện cổ tích, ông Bụt luôn là nhân vật xuất hiện đúng lúc trong tình huống tuyệt vọng nhất và đưa ra những sự trợ giúp sống còn giúp ai đó thay đổi cục diện hoàn cảnh, biến không thành có, biến nguy thành may. Biết bao nhiêu thế hệ người Việt lớn lên cùng những sự huyền diệu hư ảo đó như những kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp, và bằng cách đó những câu chuyện về ông Bụt cũng góp phần định hình tính cách mỗi chúng ta; vun đắp trong mỗi người niềm tin rằng, chỉ cần bản thân tốt-hiền lành-tử tế, mọi thứ sẽ đều hoàn hảo.
Đã có lúc, tôi có ý chê trách nhà văn Andersen đã thật ác khi không để cho “Cô bé bán diêm” một cái kết có hậu. Vì sao khi cô bé quẹt que diêm cuối cùng lại không để Ông Bụt xuất hiện và đưa cô bé ngồi vào một bàn tiệc lớn hay cho cô một điều ước gì đó ngay lúc ấy.……Nhưng rồi một ngày, tôi hiểu ra rằng, đó là một sự khác biệt rất lớn, chính xác hơn là một khoảng cách rất lớn giữa tư duy giáo dục phương Tây và phương Đông mà Việt Nam là một đại diện điển hình. Từ rất sớm, người phương Tây nghiêng về giáo dục cho con trẻ nhận thức và chấp nhận thực tế cuộc sống: không có ăn là đói, và không có mặc là rét và những thứ ấy đều có thể dẫn đến kết cục bi thảm, vì vậy hãy luôn biết trân quý cái no bụng và ấm áp mà mình đang có và có tấm lòng nhân ái với những đồng loại còn khốn khó xung quanh. Người phương Đông thì dạy con trẻ biết không ngừng hi vọng trong mọi tình huống, kể cả hi vọng vào những năng lực siêu nhiên nào đó.
Khi cô Tấm hay anh Khoai trong Cây tre trăm đốt gặp khó khăn, không cần làm gì cả, chỉ cần khóc, và Bụt sẽ hiện ra. Tuy nhiên, có vẻ như cái motiff khi gặp tình thế nguy nan………bạn chỉ việc khóc……còn mọi việc đã có ông Bụt hay ông A ông B bà C nào đó lo đã không còn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại bốn bề những là cuộc đua tranh ác liệt.
Và khi kết quả tuyển sinh đại học năm nay được công bố, rất nhiều Ông Bụt đã …………..đi vắng bỏ mặc biết bao nhiêu thí sinh dù điểm cao mà vẫn không đỗ vào trường như ý, bao nhiêu lá tâm thư được viết, hay một số bạn khóc lóc thảm thiết vì nghèo quá sẽ không thể đi học…….cũng không có ông Bụt nào xuất hiện.
Báo chí – mạng xã hội rào rào giật tít :
“Tốt nghiệp thủ khoa đầu vào đầu ra nhưng không xin được việc”
“Vì nghèo nên sợ sẽ không học được đại học dù thi đỗ….”
“Vì lý lịch nên 30.5 điểm vẫn không được vào Học viện Cảnh sát….”
Dư luận phân luồng mạnh mẽ, người thương cảm cho hoàn cảnh khó khăn của các bạn nhưng cũng có những ý kiến trái chiều.
Tại sao cứ nhất định phải vào trường A trường B nào đó mà không phải làm một lựa chọn khác?
Tại sao cứ mặc định rằng nghèo thì không có khả năng theo học ngay cả khi chưa thử nhìn nhận và giải quyết trở ngại từ một góc nhìn khác.?
Tại sao cứ phải là……..Đại học, trong khi đại học chưa bao giờ là tấm vé đảm bảo bạn không thất nghiệp?
Và kỳ lạ nhất, tại sao lại……..Khóc, hỡi những người trẻ?
Đọc lá tâm thư gửi Chủ tịch nước, gửi Bộ Trưởng của hai bạn thí sinh không vào được trường Cảnh sát chỉ vì lý lịch tôi thấy việc đó hoàn toàn bình thường. Học đại học cũng chỉ là một cuộc đầu tư và cũng có những luật chơi riêng của nó mà mọi thí sinh cần phải tuân thủ; cũng như học viên sư phạm không được phép nói ngọng hay học viên trường múa không được có dị tật. Và nếu thấy không phù hợp, thì cũng không phải là bầu trời sụp đổ, có khi nào các bạn đang quá thiết tha đòi hỏi “những ông Bụt” hiện ra cho bạn những ngoại lệ bất bình đẳng so với những người khác, mà quên đi rằng còn rất nhiều những cánh cửa tươi đẹp khác sẵn sàng chờ đón bạn.

Tôi không cảm thấy đồng cảm nhiều với những câu chuyện đó của các bạn thí sinh mà chỉ cảm thấy có phần buồn và xấu hổ vì sự mềm yếu không đáng có ở một bộ phận các bạn trẻ ngày nay- những người đáng lẽ phải là thế hệ mạnh mẽ nhất – nhiệt huyết nhất của một đất nước.

Tôi nhìn nhận những giọt nước mắt đó – những bức tâm thư đó giống như một hình thức ăn vạ xã hội – ăn vạ số phận. Vì tôi nghèo, vì tôi khó nên tôi có quyền kêu?

Nhiều người tàn tật họ không kêu than mà còn người khác phải ngước nhìn những nỗ lực. Nhiều người nghèo khổ ở đáy cùng xã hội cũng quật cường vật lộn mà chiến đấu đến cùng với muôn mặt cuộc sống khó khăn thay vì ngồi yên than khóc. Thì tuyệt nhiên, những người trẻ tuổi – khoẻ mạnh và có tri thức không được quyền tự cho phép mình mềm yếu dễ dàng đến vậy.

Nếu như ở một quốc gia giàu có, bạn kêu rằng vì nghèo nên mặc dù học giỏi nên bạn không được học, chắc là sẽ nhiều người chú ý vì giữa số đông người giàu, vài người nghèo có khi là hiện tượng. Nhưng ở nước ta, một nước vừa thoát khỏi mức thu nhập thấp chuyển sang thu nhập trung bình, và cái lam lũ – khốn khó vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng bao trùm phần đông các nông thôn – các vùng xa xôi hẻo lánh khắp ba miền Bắc Trung Nam thậm chí ngay trong lòng các đô thị lớn, thì việc kêu nghèo xem ra sẽ thật là lạc điệu.
Câu hỏi nguồn tài chính để duy trì việc học đại học, bản thân mỗi thí sinh phải tự trả lời cho mình ngay từ rất lâu trước khi đăng ký dự thi, phải là một kế hoạch tường minh và thành thật với chính bản thân. Nếu đỗ, tiền đâu để học? Nếu không đỗ, sẽ làm gì tiếp theo? Những câu hỏi cơ bản ấy không ai trả lời thay được ngoài chính các bạn. Tuổi 18 – tuổi của những công dân trưởng thành cũng là tuổi của những phép tính quan trọng đầu đời mà các bạn cần tính toán với tất cả sự tỉnh táo và trách nhiệm với chính bản thân và gia đình. Điều đó thiết thực hơn rất nhiều việc cứ dự thi ngay cả khi không xác định được phương hướng để rồi lúc nhảy xuống nước rồi mới nhớ mình không biết bơi.
Cái nghèo cái khó không có lỗi, chỉ có thái độ chưa đúng của bạn với trở ngại là có lỗi hơn cả. Ở chính các nước phát triển như Anh và Mỹ, cũng không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ năng lực hoặc hào phóng để chi trả cho con cái học đại học. Các nước trên thế giới đều chỉ nỗ lực phổ cập giáo dục phổ thông, chứ chưa thấy nước nào phổ cập đại học – bậc học dành riêng cho những người có năng lực và khả năng tài chính. Chuyện đi vay ngân hàng để học, đi làm thêm để học, hoặc tích luỹ đủ để có đủ khả năng đi học…..dường như đã trở thành câu chuyện quá phổ biến đối với học sinh nhiều nước trong đó có cả Việt Nam. Nhà nước ta đã có chiến lược hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học –cao đẳng bằng các khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội có ở khắp các tỉnh thành. Vậy thì lý do gì đã vội kết luận rằng sợ vì nghèo sẽ không theo học được trong khi đơn xin vay bạn còn chưa nộp???
Đã từng trải qua một quãng đời như thế khi còn là một du học sinh, tôi cũng đã từng có những lúc phải đứng giữa hai lựa chọn sống còn hoặc học tiếp đến cùng khi hoặc đi về vì tài chính không cho phép. Tôi đã chọn học bằng mọi giá để thử thách chính bản thân mình giữa những áp lực dữ dội của cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người, không người thân thích.
Và những năm tháng vô giá ấy giúp cho tôi hiểu sâu sắc một điều rằng: chúng ta sẽ không bao giờ thực sự thất bại cho đến một ngày chúng ta chấp nhận ngừng cố gắng.

Vậy nên, đừng khóc nữa, ngẩng cao đầu và hãy hành động đi!

Hoàng Huy.

http://vietnamnet.vn/…/dung-nhay-xuong-nuoc-roi-nho-ra-minh…

#stopcrying #dosomething