NẮNG – MƯA & CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ NGƯỜI SÀI GÒN.

NẮNG – MƯA & CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ NGƯỜI SÀI GÒN.

Hình như mình vừa ở Saigon được tròn một năm. Uh, một năm rồi đấy chứ.
Và “Nắng” nhắc nhở mình điều ấy, sự may mắn khó nói thành lời khi đã lựa chọn thành phố này làm điểm dừng chân và cũng là điểm bắt đầu.
Không kỹ xảo hoành tráng, không cảnh nóng dồn dập, Nắng chỉ có chan chứa tình, tình mẫu tử thiêng liêng, sức mạnh diệu kỳ của tình yêu thương, mà đặc biệt nữa là cái tình rất riêng của người Saigon.
Có lẽ người ở vùng khác, miền khác chưa từng tới và sống ở Saigon xem phim sẽ không có cảm nhận giống mình, nhưng mình có niềm tin rằng khi dựng kịch bản cho Nắng, đạo diễn và biên kịch khá…..nhàn. Vì họ chẳng phải nghĩ nhiều về cảnh trí, bối cảnh chỉ bê nguyên cái cuộc sống thường ngày lên phim là đủ, thường ngày người Sài Gòn cũng tình vậy mà.
Chú Ba bán hủ tiếu, hay bà chủ ve chai hay thương người, và đặc biệt là Mưa……họ không phải những nhân vật bước ra từ điện ảnh, mà là hơi thở nồng ấm và nghĩa tình của Saigon điềm nhiên nhẹ bước vào phim. “Mưa bán vé số, Mưa không ăn mày….” – câu nói ấy của cô bé thiểu năng Mưa khi từ chối sự giúp đỡ của bà con láng giềng khi bị kẻ xấu giật mất hết vé số làm mình giật mình nhớ lại một sự bối rối của bản thân vào một chiều mưa cách đây cũng đã lâu trên đường Lê Văn Sỹ. Trú mưa cùng với một cậu bé bán vé số còn mặc nguyên đồng phục học sinh, cậu ấy cứ nài mua nhưng mình nói “Chú không mua, nhưng chú cho con tiền này”. Cậu bé đã chẳng lấy làm mình bỗng nhiên thấy lạ. Người Sài Gòn lạ nhỉ? Nhưng rồi một năm qua đi, mình không cố cái giải thích cái sự lạ ấy bằng những logic lý lẽ này nọ mà hài lòng chấp nhận rằng: Người Saigon là thế, đơn giản vậy thôi!
Ở Saigon còn có nhiều người nghèo nhưng ít người khổ – cái kết luận tưởng chừng rất vô lý ấy là kết quả quan sát riêng của mình sau bao ngày ngược xuôi trên thành phố này, và mỗi ngày qua, càng đi càng thấy, cái niềm tin ấy lại càng lớn lên. Mình có cái thói quen lúc rảnh rỗi từ nhỏ mà đến giờ cũng chẳng bỏ được là hay quan sát gương mặt của mọi người và nhìn sâu vào mắt họ để giả vờ đoán xem họ đang nghĩ gì và đời sống tinh thần ra sao….Nhiều gương mặt lam lũ, làn da đen xạm, chịu nhiều vất vả để mưu sinh nhưng ít có thấy nét khổ, ít có nghe tiếng than vì hình như dù khó khăn đến mấy, ai ở đây cũng hiểu rằng, tin rằng: ở Saigon, họ luôn còn có ngày mai để hi vọng.
Saigon là một thành phố lạ kỳ, nhiều người tìm đến đây để thành công, và cả những kẻ thất bại cũng tìm về đây để làm lại từ đầu. Sài Gòn rộng mở và bao dung đến kỳ lạ như một bà mẹ Nam Bộ luôn mỉm cười ôm vào lòng những đứa con từ muôn nơi trở về. Saigon không cần Bitexco, không cần Phú Mỹ Hưng, Saigon vẫn đẹp. Đẹp nhờ những dây áo mưa, những thùng trà đá miễn phí và những tấm biển chỉ đường dễ-thương-không-chịu-được; đẹp nhờ tiếng nói – tiếng cười – và sự chân tình đại trà mà ai ai cũng để sẵn trong mình như một bộ phục trang thường nhật.
“Nắng” – “Mưa” đều có màu của hi vọng.
Và cả hai thứ ấy Saigon đều nhiều….

Hoàng Huy