“CON YÊU BỐ HƠN HAY MẸ HƠN???” VÀ NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA TÔI.
Không hiểu với người khác như thế nào, với riêng mình, mỗi khi vô tình nghe ai nói câu đó – một câu hỏi đùa rất phổ biến của các ông bố bà mẹ với con trẻ; bất giác lại cảm thấy hơi buồn vì nó nhắc lại những kỷ niệm với Mẹ – một người ngày xưa rất hay hỏi mình câu đấy.
Ngày nhỏ, khi ở cùng cả Bố cả Mẹ, giống như vô số các ông bố bà mẹ khác, mẹ suốt ngày hỏi câu đó. Mình toàn trả lời rất vô tư “Con yêu bố hơn” vì Bố rất xịn, như một ông già Noel của bốn mùa, biến mọi điều ước be bé của ngày thơ ấu thành hiện thực và chẳng bao giờ mắng hay đánh con; còn mẹ thì khó tính, luôn đòi hỏi con sự hoàn hảo, lôi thôi là cho ăn buffet roi
Nhưng đến một ngày Mẹ bị bệnh nặng, những ngày chiến đấu với bệnh tật. Mẹ càng hay hỏi hơn vì hình như Mẹ biết chẳng còn nhiều thời gian để hỏi câu đó nữa; và mình đã đổi câu trả lời: “Con yêu mẹ hơn, con thương Mẹ” và không quên nói thêm “vì Mẹ đang bị ốm….”. Đó là một lời nói dối, vì với nhận thức của một đứa trẻ 6 tuổi, mình biết rằng mình yêu cả Bố cả Mẹ như nhau, Bố đi công tác xa cũng mong Bố về, Mẹ lên Viện K cũng nhớ Mẹ, rõ ràng là yêu cả hai như nhau còn gì. Nhưng người lớn chẳng dạy, mình cũng biết đó là một lời nói dối cần thiết. Uh nhỉ, Mẹ, người đàn bà thép của lòng mình đang yếu đuối mà, Mẹ cần một người yêu Mẹ nhiều hơn một chút, mình sẵn lòng làm người ấy.
Ngày Bố mẹ sắp sửa không còn đi chung một đường, trước ngày ra Toà, Mẹ ra sức nhồi nhét cho mình câu “Nếu Toà hỏi con muốn ở với ai, con phải nói là con thích ở với cả hai, nhớ đấy”. Mình nhớ điều đó cho đến một ngày hết chịu nổi, mình nói với Mẹ “Con ở với ai cũng được, vì con thấy ở với nhau bố mẹ có vui đâu, đừng cố nữa, không cần phải vì con đâu”. Từ bé đến lớn mình chẳng thấy bao giờ Mẹ khóc to bằng lần ấy, Mẹ quay ra trách mình không thương Mẹ và không nghe lời, làm mình khóc theo. Lại ôm mẹ và thủ thỉ “Con ở với Mẹ nhé, con yêu Mẹ nhiều hơn…”. Một lần nữa mình lại nói dối, nhưng lại là cần thiết. Mẹ đang chênh vênh.
Cuộc sống ngày thường với Mẹ, cuối tuần với Bố bắt đầu. Thỉnh thoảng, cuối tuần Bố lại đón về nhà Bố, cứ thế một tuổi thơ hai nơi chốn trôi qua. Đến một lần hai ba tuần Bố đi đâu đó, mãi mới gọi bảo mai Bố đến đón nhé, tối hôm đấy hỏi Mẹ “Mai Bố đón con về chơi mẹ nhé” và mình mừng vui ra mặt vì nhà bố chẳng thiếu gì đồ chơi xịn và Bố rất chiều con trai. Chẳng hiểu Mẹ hôm ấy buồn bực gì mà lại oà khóc lên, la mắng “Đi đi, đi hết đi, sang đấy mà ở hẳn với bố anh đi, tôi không cần, anh yêu Bố anh hơn tôi” làm mình lại sợ nhỉ hết hồn, lại nói dối – một lời nói dối cần thiết “Không, con yêu Mẹ hơn mà, con không đi nữa, con ở nhà với Mẹ”. Uh nhỉ, Mẹ mình đâu còn chồng. Mẹ cần được yêu nhiều hơn, và chỉ còn mình là người đàn ông bé nhỏ của Mẹ. Mẹ đang cô đơn.
30 tuổi nhìn lại 7 tuổi thì giải mã được rằng câu hỏi kia chính là sự tuyệt vọng cùng cực của một người phụ nữ bị bệnh tật và nỗi buồn giằng xéo. Người ta càng yếu đuối, càng cần lắm được quan tâm, được yêu thương, đàn bà muôn đời là vậy và Mẹ thì cũng chẳng thể là ngoại lệ.
Những ngày cuối cùng, Mẹ lại nhắc đi nhắc lại “Sau này, dù có thế nào, con cũng phải yêu Bố nhất nhé, nhớ nhé.”
Mẹ không còn, về sống với Bố, mình không còn phải nói dối nữa, và muốn nói dối cũng không được vì mình tin dù có là gió, là mây, là bụi, hay là nắng thì Mẹ sẽ đều biết sự thật rằng: mình yêu cả Bố và Mẹ như nhau, không muốn sống thiếu một ai cả. Nhưng chẳng hiểu sao từ rất sớm, mình đã luôn có suy nghĩ rằng không nên vì cái mác một gia đình hoàn hảo, vì con cái mà bố mẹ phải chịu đựng nhau, nếu thật lòng không còn muốn gắn bó nữa, tốt nhất là nên trả lại cho nhau sự bình yên cần thiết.
Bố dạy sự cho mình sự hào hiệp, cái suy nghĩ lớn rộng cần có của một người đàn ông khi luôn nói với mình về Mẹ với một thái độ trân trọng nhất “Dù giữa bố mẹ có chuyện gì, dù mẹ đã nói với con điều gì không đúng về bố, thì đó là câu chuyện riêng của bố mẹ, còn mẹ con luôn là một phụ nữ tài năng, một người mẹ tuyệt vời và đáng để con tự hào, thế nên không bao giờ con được quên nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với mẹ con.” Thỉnh thoảng, Bố giả vờ quên ngày cúng giỗ Mẹ để xem mình có nhớ không nhưng luôn âm thầm giúp chuẩn bị mọi thứ để hỗ trợ mình làm tròn bổn phận làm con. Bố là vậy, luôn nhẹ nhàng và sâu sắc.
Quay lại về câu hỏi đùa quốc dân kia, trong đó ít nhiều cũng bao hàm một chút gì đó sự ích kỷ của người lớn và cái cách chúng ta bỡn cợt như vậy đang truyền đi cái xấu, cái nghĩ hẹp cho con trẻ. Đừng tham một cái câu trả lời của bọn trẻ để hỉ hả nhất thời mà nghuệch ngoạc lên bức tranh cảm xúc của trẻ.
Tình cảm với mẹ cha đâu có phải là lúa là ngô đâu để mà cân đong ít hơn hay nhiều hơn. Người lớn có cân được không mà đòi hỏi con trẻ?
Hãy để trái tim của trẻ con được rung động những nhịp đập trong sáng nhất của buổi đầu đời, được yêu được nhớ vô tư- không định hướng. Sau này có con, mìn nhất định sẽ không bao giờ để cho bé phải “nói dối” như mình nữa, sẽ cạnh tranh công bằng với mẹ nó bằng một tình yêu thương “có bờ” (chứ không phải vô bờ) và cách giáo dục đúng đắn nhất, gieo mầm những suy nghĩ tích cực và lớn rộng nhất, để bạn ấy vô tư mà lớn lên mà chẳng cần phải nghĩ: “Mình yêu bố hay mẹ hơn nhỉ, ah, hình như bằng nhau”
Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…
Hoàng Huy