NGƯỜI LỚN “QUỲ” HẾT RỒI, TRẺ CON BIẾT HỌC “ĐỨNG” Ở ĐÂU?
Có lẽ sự việc cô giáo bắt học sinh quỳ – phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở trường tiểu học Bình Chánh, Long An đang rất ồn ào trên báo chí vừa qua là một bức tranh buồn đầu năm, phản ánh đúng thực trạng lộn xộn của nền giáo dục nước nhà: không ai bảo được ai.
Tôi buồn…
Xã hội buồn…
Các bậc phụ huynh buồn…
Nhưng mình nghĩ, người đang buồn nhất là tụi nhỏ, vì các em học sinh có lẽ đang hoang mang vì không biết phải học đứng cho thẳng ở đâu, khi người lớn đã quỳ mọp hết cả. Mình muốn nhìn nhận sự việc này một cách thật công bằng, không thành kiến, không thiên vị từ góc nhìn của cá nhân.
Cô giáo bắt cả tập thể lớp phải qùy chỉ vì vài em nói chuyện trong lớp. Cô giáo muốn dạy các em điều gì? Là cô giáo thì được làm bất kỳ hành động nào, kể cả là phản giáo dục để răn đe học sinh ? Là học sinh phải biết cam chịu và im lặng khuất phục ngay cả trước những sự sai trái của cô giáo – một người bề trên, được tin tưởng giao trọng trách giáo dục con người, nhưng lại đi dạy bài học về làm nhục con người. Là phải chịu trách nhiệm vô lý vì ngay cả những việc mình không làm và bản thân không có cách gì xoay chuyển được? Học sinh đến lớp là để học chữ, học làm người, chứ không phải làm nhiệm vụ giữ trật tự cho cả lớp (trừ khi là lớp trưởng có nhiệm vụ giúp cô nhắc nhở các bạn). Ai cho cô cái quyền bắt học sinh quỳ? Phụ huynh ah? Xin lỗi cô, ngay cả phụ huynh họ cũng không có quyền đó với chính con cái họ, và họ không thể ủy quyền cho cô làm một việc mà chính họ cũng không được phép làm.
Cô giáo muốn dạy các em là nhà trường không chỉ là nơi dạy kiến thức, mà còn là nơi dạy người ta những cách xử phạt gớm ghiếc và đáng sợ?? Cô giáo dễ dàng quỳ gối trước phụ huynh để thị phạm cho học sinh là cứ thấy áp lực, bất kể đúng sai thì cứ nhún nhường, luồn cúi cái đã. Tiếc là các em còn quá nhỏ để có thể phản kháng hoặc nói lên ý kiến chính đáng. Kể từ khi đi học và nhất là có nhận thức, mình chưa bao giờ im lặng cho phép bất kỳ thầy cô giáo nào được nhân danh là thầy là cô mà có những hành động- ứng xử đi quá giới hạn nghề nghiệp mà xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bản thân, cũng có một vài trường hợp cá biệt thì họ cũng đều đã phải trả giá cho việc làm sai của mình. Cô giáo xem thường nhân phẩm của người khác và cả chính mình thì sao dạy được học sinh sống cho chính trực?
Phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ. Họ đang muốn dạy con họ điều gì? Là phải ăn miếng trả miếng, phải dùng cái sai để ứng xử với cái sai? Là phải ăn thua tới cùng và không cần dùng tới pháp luật, là tự hành xử theo ý muốn cá nhân bất chấp các giá trị đạo đức và nhân cách con người. Người ta không thấy phụ huynh quỳ, nhưng thực tế họ đã quỳ sụp thất bại trước nhân cách của người làm cha, làm mẹ – những người đáng ra phải là tấm gương sáng về đạo đức để con cái trông cậy vào. Bố mẹ sai trái thì sao dạy được con ngay thẳng.
Thầy hiệu trưởng nói vài câu rồi bỏ đi khi các vị phụ huynh đang căng thẳng, bắt cô giáo phải quỳ tại chính ngôi trường mà ông là người đứng đầu. Thầy đang muốn dạy các em điều gì? Là “thấy ăn tìm đến, thấy đánh tìm đi”, là nếu có thể thoái thác được trách nhiệm của chính mình thì cứ tránh. Là cứ hèn nhát và lảng tránh đi để “im lặng hưởng thái bình”? Người ta không thấy thầy hiệu trưởng quỳ, nhưng thực tế thầy đã quỳ mọp trước cái ghế của chính mình, vì thầy quả thật không xứng đáng với chức trách của người đứng đầu một môi trường giáo dục. Thầy hèn nhát thì sao dạy được trò dũng cảm?
Mình tự nhủ, nếu một sự việc này xảy ra ở một quốc gia Châu Âu thì sẽ như thế nào nhỉ? Cô giáo bị cho thôi việc và bị cấm hành nghề, thậm chí bị kiện vì làm nhục học sinh, thầy hiệu trưởng từ chức vì không làm tròn chức trách và chịu trách nhiệm liên đới, còn phụ huynh ngoài bị kiện vì làm nhục cô giáo thì còn có thể bị tước quyền nuôi con vì có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ nhỏ….Còn ở nước mình, sao nhỉ, uh thì ồn ào một chút, dồn gạch đá vào một đối tượng nào đó……….rồi thôi.
Thế đấy, trong khi sứ mệnh quan trọng nhất của ngành giáo dục là “dạy người” thì qua những sự việc đáng buồn thế này nại bị đọc chệch đi thành“nạy người”…..Buồn nắm cho một nền giáo dục “ngọng níu ngọng no”
Hoàng Huy,