TIẾNG VIỆT & CHÚNG TA…
Bận quá bận nên lơ đễnh quên gia hạn Visa Mỹ bằng bưu điện, sáng nay phải mang cái mặt mâm lên Lãnh sự để mấy chị Tây phỏng vấn lại.
Ngồi phòng chờ thấy các bạn học sinh chuẩn bị du học, mặt mày sáng láng rụng như sung mà tiếc cho các em quá.
Mình thì không đủ thông minh và đủ tầm hiểu biết để lý giải được nguyên lý cấp visa của một số nước, nhất là Mỹ; nhưng nếu là nhân viên lãnh sự thì mình cũng sẽ cho một số em trượt vì cái tội: quá lắm mồm và rõ ràng có vấn đề về nghe hiểu!
Một số em vừa vào cửa phỏng vấn, nhân viên lãnh sự vừa hỏi 1 câu bằng tiếng Việt, các em đã bắn 10 câu tiếng Anh chẳng liên quan gì đến câu hỏi.
Họ hỏi: “Chào em, em sang Mỹ làm gì?” bằng một thứ tiếng Việt tương đối rành rọt và dễ hiểu.
Người ta chưa hỏi hết câu, các em đã trả lời bằng tiếng Anh rào rào: “Tôi sang Mỹ đi học, tôi sẽ học XYZ University. Đấy là ước mơ của tôi từ bé, tôi yêu nước Mỹ……blah blah.” Nói rõ to và rõ tự tin, dường như sợ uổng phí mất tiền của bố mẹ bao nhiêu năm cho học tiếng Anh hoặc học trường quốc tí. Bố mẹ mà ở đấy chắc là cũng nở mày nở mặt vì cháu phát âm hơi chuẩn và nói qua trôi chảy.
Họ sẽ vẫn cười và tỏ ra rất lịch sự nhưng có lẽ nếu là mình thì sẽ nghĩ bụng:
– Bạn có hiểu câu hỏi của tôi không? Tôi chỉ hỏi mục đích chuyến đi của bạn. Tôi không hỏi bạn học trường nào? Tôi càng không hỏi bạn có yêu nước Mỹ không? Bạn nghe và hiểu quá ít, và nói nhiều hơn nghĩ.
– Bạn có chắc là bạn yêu Mỹ không? Bạn có thể yêu một quốc gia mà bạn còn chưa từng đến và chưa từng sống một ngày nào ở đó ah? Tình yêu của bạn đơn giản, dễ đến thế sao?
– Và quan trọng nhất: Bạn có phải người Việt không khi mà tôi hỏi bạn bằng tiếng Việt, và bạn trả lời tôi bằng tiếng Anh???
Có một số bạn học sinh khi bị từ chối, còn cố nán lại năn nỉ, giơ đủ loại giấy khen, bằng khen, danh hiệu…qua ô cửa kính trong khi nhân viên lãnh sự vài lần nói “Next, please” (Xin mời người tiếp theo). Tự nhiên thấy hơi xấu hổ thay cho các bạn ấy và nền giáo dục tem mác của nước nhà. Nếu cần phải vào nước người ta vì chuyện học, thì trước hết vẫn cần đứng thẳng và đi bằng chân, không phải đầu gối.
Đến lượt mình lên phỏng vấn: “Chào chị” mình chào bằng tiếng Việt.
Lãnh sự: “Chào anh. Anh sang Mỹ làm gì?”
“Tôi đi du lịch”
Lãnh sự hỏi vài câu nữa, lật lật quyển hộ chiếu và nhìn máy tính và bắt đầu chuyển sang hỏi bằng tiếng Anh
“Anh từng học ở Anh ah?”
“Yes, I studied in Uk a few years ago” (Vâng, tôi từng học ở Anh vài năm trước)
Họ hỏi tiếp “Thế thì anh biết nói tiếng Anh nhỉ?” (Bằng tiếng Anh và cười)
“Of course, I do” (Tất nhiên, tôi có nói tiếng Anh – mình cũng cười)
Sau đó hai bên tạm biệt nhau rồi ra về.
Lý do mình không nói tiếng Anh với họ ngay từ đầu đó là vì mình là người Việt Nam, mình đang đứng ở Việt Nam, và họ cũng đã chào mình trước và đặt câu hỏi bằng Tiếng Việt, cho thấy rằng họ có khả năng nghe và hiểu bằng tiếng Việt, do đó mình vui vẻ trả lời các câu hỏi của họ bằng tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, chẳng việc gì phải xì xồ tiếng Anh cả mặc dù mình tin mình nói tiếng Anh có tệ thì họ vẫn sẽ hiểu.
Trong giao tiếp, việc đối phương hỏi bạn bằng một thứ tiếng, và bạn trả lời bằng một tiếng khác (bất kể đối phương có hiểu hay không), mình đều không nghĩ đó là phù hợp với phép lịch sự.
Không phải tự nhiên mà các Bộ Ngoại Giao của một số nước họ đầu tư rất nhiều tiền ra để dạy cho nhân viên sứ quán biết nói tiếng bản địa trước khi đi làm nhiệm vụ, đấy không phải là cho vui hay thừa tiền, mà đều có lý do rất hợp lý phía sau.
Thế nên, nếu là người Việt, hãy cứ nói tiếng Việt, không cần phải tự hào nếu không còn gì nhiều để tự hào, nhưng vẫn cần tự trọng. Đó mới là lòng tự tôn dân tộc mà chúng ta cần thường trực có trong dòng máu của mình…
Vài suy nghĩ nhỏ về một vấn đề hơi hơi to.
Hoàng Huy