BIỂU TÌNH: CHUYỆN Ở TÂY & TA
Cứ mỗi lần ở trong nước đây đó có chuyện người dân biểu tình, mình luôn cảm thấy vừa mừng vừa lo; nhưng quả thật mừng thì ít mà lo lại rất nhiều. Mừng là vì những cuộc tuần hành, xuống đường ít nhiều thể hiện người dân còn quan tâm đến tình hình đất nước, đến những chuyện quốc kế dân sinh, thể hiện tiếng nói và quyền làm chủ của mình. Nhưng luôn lo lắng, vì theo cách thức như hiện nay, thì các cuộc biểu tình tự phát của người dân luôn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn của bạo loạn. Không riêng ở nước ta, ở nước ngoài cũng đều phải đối mặt với chuyện này. Bài học đắng ngắt ở Bình Dương 4 năm trước vẫn chưa hề cũ.
Nói chuyện nước ta thì cũng nên tham khảo những điều tương tự ở nước ngoài, để xem họ tổ chức và quản lý hoạt động dân chủ này như thế nào. Và mình chỉ kể câu chuyện mà mình biết rõ, tận mắt chứng kiến, và có bỏ thời gian tìm hiểu tường tận, đó là chuyện biểu tình ở London – một trong những thủ đô sôi động nhất thế giới, không chỉ vì hoạt động tài chính, thương mại, còn là vì………..hoạt động biểu tình.
Ở London mỗi năm có không biết bao nhiêu các cuộc biểu tình lớn nhỏ, đủ các thể loại: nào là của kiều dân nước A nước B phản đối chuyện gì đó, nào là của Hội những người không ăn thịt phản đối giết hại gia súc gia cầm…..Rất nhiều chính kiến, và tất cả những chính kiến khác biệt đó của người dân đều được chính phủ Anh tôn trọng và quản lý tương đối hiệu quả bằng các điều luật. Không phải một ngày đẹp trời bạn nổi hứng muốn kéo nhau đi biểu tình là được. Một cuộc biểu tình- diễu hành (public march) luôn cần phải có người tổ chức (organizer), người đó phải thông báo cho cảnh sát thời gian chính xác sẽ diễn ra cuộc biểu tình – những tuyến đường (route) đoàn sẽ đi qua; tên và địa chỉ cư trú của những người đứng ra tổ chức. Sự thông báo này phải bằng văn bản gửi đến cho cảnh sát 6 ngày trước khi cuộc biểu tình diễn ra. Các cuộc đình công của công đoàn (Trade Union) cũng vậy, các lái tàu điện ngầm (tube driver) muốn phản đối giới chủ cái gì cũng phải thông báo cho Sở Giao thông (Tfl) ngày giờ chúng tôi sẽ nghỉ làm, để người dân có kế hoạch điều chỉnh việc đi lại. Cảnh sát có một số quyền nhất định đối với cuộc biểu tình của bạn: giới hạn hoặc thay đổi tuyến đường dự kiến diễu hành; đặt ra điều kiện với cuộc biểu tình, ví dụ: nơi dự kiến biểu tình là gần trường học hay bệnh viện, thì không thể ra đó đứng bật loa hò hét ầm ĩ lên được – ảnh hưởng đến người khác; giới hạn thời gian và số lượng người tham gia cuộc biểu tình, không thể nửa đêm cũng gây ồn ào được; và nếu như biểu tình ngồi (sit-down protest) gây cản trở giao thông, họ có quyền giải tán. Nếu như đảm bảo được các điều kiện trên,cứ việc thoải mái biểu tình. Một số địa chỉ rất hot hay tập trung đông người biểu tình đó là trên đường Whitehall – đoạn đối diện số 10 Downing Street, văn phòng của Thủ tướng Anh; quảng trường đối diện tòa nhà Nghị Viện (chỗ tháp Elizabeth- Big Ben) và đặc biệt là trước sứ quán của một số nước “nhiều vấn đề” như trung quốc…..Đó là những vị trí đắt khách nên không phải lúc nào cũng book được chỗ.
Nếu được chấp thuận biểu tình, cảnh sát sẽ đến để lập hàng rào, bảo vệ cuộc biểu tình diễn ra theo đúng kế hoạch và ôn hòa, không để xảy ra quá khích hay đập phá. Và luôn luôn có xe cứu thương và xe cứu hỏa túc trực ở đó để đề phòng những tình huống xấu. Hết giờ đăng ký, tất cả giải tán và phải cố mà dọn cho sạch chỗ mình vừa đứng, chứ không phải xả đầy rác ra đấy rồi bỏ đi. Nếu xả rác, okie cũng không sao, chính quyền sẽ cho công ty vệ sinh dọn sạch sẽ và gửi bill về tận nhà những anh đứng ra tổ chức. Tất cả những điều này đều ghi rất công khai trên trang web chính phủ (GOV.UK) và nằm dưới một cái tiêu đề rất hay: Your rights and the law (Các quyền của bạn và luật pháp). Đó là chuyện ở nước người ta – một trong những nước có nền dân chủ cổ xưa nhất của thế giới và được coi là một trong những biểu tượng của nền văn minh phương Tây. Tuy nhiên, luật pháp đã quản lý chặt chẽ kín kẽ đến như vậy, nhưng không phải là không có chuyện.
Nếu như ở Việt Nam, yếu tố trung quốc là ngòi nổ nhạy cảm, thì ở Anh, yếu tố sắc tộc và tôn giáo cũng nóng bỏng không kém. Từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 8 năm 2011, nhân việc một người đàn ông da màu tên là Mark Duggan ở quận Tottenham bị cảnh sát bắn chết. Các cuộc tuần hành – biểu tình ban đầu nhanh chóng lan thành bạo loạn đúng nghĩa và lan rộng ra khắp London, rồi sau đó “té nước theo mưa” lan ra cả các thành phố lớn khác như Birmingham,Manchester, Liverpool…..Giữa thời bình mà London ngổn ngang không khác gì thời chiến, bọn trẻ trâu tứ xứ – đa phần là đám mà Việt Nam ta hay gọi là “thanh niên lêu lổng” bịt mặt ùa vào các siêu thị, các shop các cửa hang cướp phá, hôi của, đập phá tan tành thành phố. Toàn dân nơm nớp sống trong lo sợ, không biết bao giờ bọn giặc cướp đấy lan đến khu nhà mình. Bọn chúng còn đốt cháy rất nhiều nhà cửa. Scotland Yard –Sở cảnh sát của London căng mình ra để chống đỡ, và ngăn chặn….tuy nhiên không thể chống lại nổi. Theo như mình quan sát, những ngày đầu tiên, mặc dù đã rõ dấu hiệu bạo loạn, nhưng cảnh sát Anh hầu như không tấn công, chỉ cố gắng phòng vệ và bảo vệ các cơ sở kinh doanh, các tòa nhà…..Phải đến khi cả hai đảng đa số trong quốc hội và thủ tướng Anh David Cameroon cho phép sử dụng tới pháo nước (water canon) để vãn hồi tình hình thì câu chuyện mới kết thúc. Sau đó, chỉ tính riêng ở London, 1103 người liên quan tới cuộc bạo loạn bị bắt, và 654 người bị kết án. Tòa xử đến đêm, và có lẽ khó có kẻ nào chót hôi của mà thoát được ở cái xứ 1 mét vuông 10 cái CCTV như London; sau đó cảnh sát ập vào từng nhà nghi phạm để bắt được bằng chứng phạm tội và truy tố. Tất cả những người từng sống, học tập và làm việc ở Anh thời gian đó chắc khó có thể nào quên sự kiện này.
Tuy nhiên, sau đấy thì người Anh cũng không nghiêm cấm biểu tình mặc dù cái giá họ phải trả về tổn hại kinh tế là không hề nhỏ. Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, biểu tình là một quyền hiến định được quy định rõ trong Hiến pháp, tuy nhiên việc Quốc hội tạm thời chưa thông qua Luật Biểu tình làm cho người dân không được thực hành quyền phổ quát đó một cách chính thống và cơ quan hành pháp cũng lúng túng trong việc quản lý hoạt động này. Việc không có luật quy định cụ thể, làm cho cả người dân và cơ quan bảo vệ pháp luật không phân định rõ ra được ranh giới: thế nào là biểu tình ôn hòa – hợp pháp – là biểu đạt chính kiến người dân….và đâu là bạo loạn và hành vi phá hoại. Thế nên việc cần phải có Luật Biểu Tình là một nhu cầu và đòi hỏi tất yếu của người dân, muộn còn hơn không.
Mình là một người không theo đảng phái nào cả, nhưng ôn hòa và bình tĩnh trong suy nghĩ, chỉ nói và chỉ phát biểu về những gì mình đã thực sự hiểu rõ.
Mình cũng chỉ là 1 công dân nhỏ bé trong số hơn 90 triệu dân sống ở Việt Nam và vài triệu người Việt ở nước ngoài.
Mình cũng yêu thiết tha đất nước này đủ để sẽ sống và sẽ chết cùng với nó, vì mình biết tiền có thể dễ dàng mua được một quốc tịch khác nhưng không mua được cha mẹ và quê hương nơi chúng ta sinh ra.
Chỉ có điều, bạo lực chưa bao giờ là tốt, máu chảy chưa bao giờ là vui, và chưa bao giờ là chìa khóa- là giải pháp khôn ngoan cho bất kỳ cuộc mâu thuẫn nào. Với mình thì máu của công an, hay máu của người dân thì đều là máu người- máu của đồng bào mình, và chẳng ai vui khi nhìn thấy máu đổ, dù là ở phe nào. Bạo lực là sự thất bại thê thảm của sự kiên nhẫn và lý trí, và khi người ta mất bình tĩnh, người ta dễ mất tất cả.
Hãy cứ cất cao tiếng nói của mình, hãy mạnh mẽ ủng hộ những gì là đúng và kiên quyết phản đối những gì bạn cho là không hợp lý, nhưng hãy lên tiếng một cách ôn hòa và đúng mức; chỉ có như vậy bạn mới có thể là chủ nhân sáng suốt của chính đất nước mình.
Ngày hôm nay, Trump- Kim, hai kẻ tưởng như ghét nhau bằng chết, sau cùng vẫn bắt tay nhau, còn chúng ta, “tay phải” và “tay trái” đang oánh nhau gần chết. Buồn!
Hoàng Huy.
#NoViolence #NoRiots