CHUYỆN TẬP ĐI ở tây…

Đến bây giờ thì mình đã được tận mục sở thị và hiểu được một phần nguyên nhân vì sao bọn “tư bản giãy chết”, giãy mệt mỏi, giãy liên tục mà vẫn không cướp được vị trí cường quốc đứng thứ 4 thế giới của Việt Nam về số người……tử vong vì tai nạn giao thông. Một đất nước trong 40 năm qua không có chiến tranh lớn nhưng trung bình mỗi năm vẫn đều đặn cúng tiến cho tử thần ít nhất một sư đoàn (khoảng 9000 người- số liệu 2014) thông qua các vụ tai nạn xe cộ, trung bình mỗi ngày một trung đội (30-35 người). Con số đó nói lên điều gì?

Tất cả sáng rõ sau một ngày dài mệt mỏi đi phiên dịch cho một cậu em mới từ Việt Nam qua đi học lái xe máy (CBT – Compulsary Basic Training). Một khoá học bắt buộc dành cho tất cả những ai muốn tự lái xe một mình ra đường ở Anh và có giá trị trong vòng 2 năm. Nếu muốn lái xe chở người khác thì lại cần có bằng lái chính thức (một chuẩn mực khác cao hơn phải qua thi sát hạch rất gắt gao)

Nói qua về cậu em: 20 tuổi, mới từ Việt Nam sang 1 tháng, có kinh nghiệm lái xe 4 năm ở Việt Nam bằng………bằng giả, tiếng Anh không biết gì ngoài Hello, Yes và No. Kể như vậy để mọi người thấy rằng, việc đưa một “thanh niên tiêu biểu” kiểu như vậy từ Vietnam sang đào tạo lại ở Tây sẽ là một phép thử cực kỳ lý thú với kết quả rõ ràng như nhúng giấy quỳ vào axit.

8h sáng: Lớp học bắt đầu, có 4 học viên, đều là người nước ngoài và 1 ông thầy hướng dẫn (instructor). Mở màn bằng việc kiểm tra thị lực: đứng xa 20m đọc biển số xe phía trước. Sau đó là giờ học lý thuyết, ông thầy phủ đầu ngay bằng câu: Chúng ta ở đây để cùng nhau học lái xe theo tiêu chuẩn Anh (UK Standard) chứ không phải lái xe kiểu này (non-UK standard) (ngay lập tức trên màn hình là một bức ảnh giống ảnh bên, rõ là cảnh đi xe máy ở Hà Nội). Có một sự xấu hổ không hề nhẹ ở đây! Tiếp đó là giới thiệu đủ thứ kiến thức cơ bản khác kiểu như: thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn, các loại đồ bảo hộ cần thiết khi đi xe máy, những điều nên hay không nên khi lái xe và vì sao lại như vậy……..Và phần thực hành với xe: học từ cách dắt xe, dựng xe cho đúng tư thế cho đến cách kiểm tra an toàn các bộ phận của xe (gương, lốp, dầu, phanh, giảm sóc……) và phần tập đi xe, cách kiểm tra qua gương, qua vai khi muốn dừng đỗ, dừng khẩn cấp, tập rẽ trái phải, quay đầu……Cuối cùng, là phần hướng dẫn lái xe trên đường, cứ hai học viên một lượt lái xe ra đường theo sự chỉ dẫn của người hướng dẫn qua radio cài phía trong mũ bảo hiểm. Riêng mình thì ngồi sau xe ông thầy để phiên dịch qua bộ đàm cho “tay lái lụa” đến từ Việt Nam kia.

Và đây là lúc chàng thể hiện:
Mặc cho bọn Anh đi bên trái, cứ đường bên phải em đi, đèn đỏ chúng nó dừng em cứ hiên ngang đi tới bất chất ánh mắt ngạc nhiên của đám mắt xanh mũi lõ, và em cũng không quên thể hiện kĩ năng “đi tắt đón đầu” bằng cách nhất quyết không chịu nhường đường cho ô tô, vượt được là vượt…..và rất nhiều tuyệt kỹ lái xe đã thành thương hiệu quốc gia của Vietnam. Chỉ khổ thân ông thầy cứ: “Oh my God!” liên tục và nói với mình: Tao không hiểu sao nó còn sống sau bằng đấy năm đi xe như thế ở Việt Nam…….!
Mình thì không lạ vì mình đã học và lái xe ở Việt Nam. Người Anh và các nước khác họ lái xe dựa trên kỹ năng và luật, còn người Việt chúng ta phần đông lái xe bằng…….bản năng và thói quen.

Các thầy giáo dạy lái xe dạy gì trong những lớp học tập trung đến cả trăm người: cách học mẹo để trả lời trong kỳ thi lý thuyết, đó là điều mà người ta rỉ tai nhau cần phải đi học chứ không phải luật lệ hay biển báo. Và nhảy lên xe và thi luôn mà không cần phải học nhiều, lượn vòng số 8 cho tròn, xe không đổ là có bằng. Cứ thế, mỗi năm lại có thêm biết bao nhiêu những tay lái “fast and furious” lên đường và thêm những người vĩnh viễn nằm lại trên đường vì đã bỏ qua những kiến thức lái xe cần biết.

Ở Việt Nam có vài chục triệu ông bố với vài chục triệu kiểu lái xe khác nhau (không tính các ông bố chỉ cưỡi voi, cưỡi ngựa, xe súc vật kéo, đi bộ và đi xe đạp….)
Và bằng cách tự dẫn nhau ra bãi vắng, tự vẽ vòng số 8 tự truyền dạy cho nhau, vài chục triệu đứa con lại tiếp tục kế thừa và sáng tạo những phong cách tham gia giao thông đó…..dẫn đến ngày nay, Việt Nam trở thành một nước có văn hoá giao thông phong phú, đặc sắc hàng đầu thế giới, Tây thấy là sợ; đặc biệt là thứ “văn minh xe máy” phát triển đến kinh hoàng.

Chúng ta vác rá đi vay bao nhiêu ODA để xây cầu cống, đường xá mới đẹp và hiện đại trong khi chủ nhân của những con đường đó: người tham gia giao thông đi đứng thế nào, ý thức ra sao, chẳng mấy được quan tâm.
Tại sao thay vì phạt nóng với phạt nguội để chăm chăm làm tiền người vi phạm, không bắt họ phải đi học lại luật hay cách lái xe (nếu vi phạm quá số lần quy định trong một năm) tại các trung tâm sát hạch được giám sát chặt chẽ.

Chúng ta không làm được hay không muốn làm hay không thèm làm?

Không có “thế lực thù địch” nào có thể tước đi mạng sống của 9000 người, làm thương tật hàng chục ngàn người mỗi năm ngoài chính ý thức giao thông không giống ai của rất đông, rất đông người Việt.

Kết luận: Mọi ngôn từ đều có thứ tự. Đi đứng. Một đất nước muốn tìm được chỗ đứng của mình trên thế giới, trước hết phải học cách đi cho tử tế đã.

P.S: Bài viết sử dụng số liệu được công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2014 của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia.