CHUYỆN TUYỂN ĐẦY TỚ CỦA “BỌN GIÃY CHẾT”

Bọn giãy chết tức là bọn sức khoẻ đã yếu lắm rồi, không còn làm được gì mấy do đó luôn cần phải tuyển được đầy tớ tốt để còn bóc lột, và cai trị. Mỗi năm đóng một ít thuế để nuôi đám thằng Nô con Mõ này cũng tốn kha khá. Ghi chép này ghi nhận lại một cuộc tuyển nô bộc của Anh Quốc. Ai ghét dân chủ, hoặc chỉ thích dùng Democracy Fake xin đừng đọc phí 2 phút cuộc đời, người viết hoàn toàn không chịu trách nhiệm.

Hôm nay, 7 tháng 5, ở Việt Nam thì là ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, còn ở Anh thì là ngày sẽ quyết định tương lai của xứ sở sương mù này sẽ ra sao trong vài năm kế tiếp: hôm nay toàn dân Anh đi tổ chức tuyển “đầy tớ” thông qua Cuộc tổng tuyển cử (General Election)
Tại các điểm bỏ phiếu (polling station), không trống giong cờ mở, không cờ quạt, không nhạc nhẽo, thậm chí không có cả quốc kỳ bay trong gió, càng không có những khẩu hiệu chữ vàng nền đỏ kiểu như “Bầu cử là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân” treo đầy ngoài cột điện như ở xứ mình. Tuyệt nhiên không. Chỉ có mỗi tấm biển Polling Station (Điểm bỏ phiếu) và mũi tên chỉ vào (như trong hình). Rất giản dị! Có lẽ người Anh họ không hề coi ngày bầu cử là một “ngày hội toàn dân”, họ chỉ coi đó là ngày họ thực thi quyền lực lớn nhất trong việc làm chủ đất nước của mình bằng cách tuyển chọn cho đủ 650 tên đầy tớ trung thành nhất để phục vụ cho quyền lợi của họ tốt nhất trong 5 năm kế tiếp. Tên nào biết sợ dân, có vẻ biết nghe lời, cam kết sẽ làm việc hết mình, họ sẽ chọn để cho……vào hòm.
Cũng giống như một cô gái xinh đẹp thì dù có để mặt mộc, không son phấn trang điểm, vẫn là xinh đẹp, một chính quyền thực sự của dân và làm việc hiệu quả thì chẳng cần phải tô vẽ, kêu gào người dân đi bỏ phiếu. Quyền và trách nhiệm thực sự thuộc về nhân dân, họ tự giác và đầy ý thức đi lựa chọn những người đại diện cho mình khỏi cần vận động.
Không quá ồn ào như nền chính trị Mỹ, người Anh luôn tự hào về hệ thống chính trị Westminster huyền thoại của họ – hình mẫu chính trị cho các nước không chỉ của Anh mà còn của Canada, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Singapore, Malaysia và Jamaica, là những quốc gia thuộc Đế quốc Anh trước đây. Ngoài những buổi tranh luận công khai giữa lãnh tụ của các đảng trên truyền hình quốc gia, họ còn gửi đến từng hộ gia đình những tờ rơi (hình trong comment đầu tiên) ghi nhận những lời cam kết của ứng cử viên các đảng sẽ phải thực hiện nếu họ trúng cử. Đâu đó trên các góc phố có những tấm biển nhỏ kiểu như “Vote Labour” (Hãy bầu cho Công Đảng – hay tên gọi chính thức là Đảng Lao Động, một trong hai chính đảng lớn nhất ở Anh bên cạnh Đảng Bảo Thủ) hay “Vote Green” (Hãy bầu cho Đảng Xanh – một đảng thiểu số với trọng tâm hoạt động vì môi trường).
Khác với người Mỹ, người Anh sẽ không bầu trực tiếp ra Tổng thống, người nắm thực quyền của đất nước, mà sẽ bầu ra 650 thành viên của Viện thứ dân hay còn gọi là Hạ Nghị Viện (House of Commons) – là một phần của Nghị Viện (Parliament) giống như Quốc Hội ở Việt Nam. Đảng phái nào chiếm được đa số ghế trong nghị viện, tương đương với 326 ghế, sẽ được quyền thành lập chính phủ, và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành Tân thủ tướng dẫn dắt đất nước. Trong trường hợp, không chính đảng nào giành được đủ số ghế nói trên, sẽ dẫn đến tình trạng Nghị viện treo (Hung Parliament), buộc họ phải thoả hiệp với nhau (thường là thoả hiệp với các đảng nhỏ hơn) để có thể đủ điều kiện thành lập chính phủ mới. Điều này đã xảy ra vào cuộc Tổng tuyển cử năm 2010, dẫn đến Đảng bảo thủ của thủ tướng đương nhiệm David Cameroon phải liên kết với Đảng Dân Chủ Tự Do để thành lập chính phủ. Sự kiện này đánh dấu chính trị Anh Quốc không còn là sàn chơi riêng dành cho các đại gia máu mặt như Công Đảng và Bảo Thủ nữa, họ đã phải học cách thoả hiệp.
Vậy bên thua cuộc trong cuộc Tổng tuyển cử này thì sao? Họ sẽ phải làm gì nếu không thành lập được chính phủ nắm quyền. Câu trả lời rất thú vị.
Họ sẽ vẫn thành lập một chính phủ riêng, gọi là Shadow Cabinet, có đầy đủ chức năng, vị trí như một chính phủ “xịn”. Ví dụ, đảng thua cuộc vẫn có một đảng viên đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Y Tế “ảo” bên cạnh vị bộ trưởng Bộ Y Tế “xịn”- thành viên chính phủ thực quyền. Vị bộ trưởng ảo sẽ luôn là người soi chiếu, giám sát, phản biện mọi chính sách mà vị bộ trưởng thật đưa ra, do đó mọi quan chức chính phủ luôn phải cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình nếu như không muốn vấp phải sự phản đối của phe đối lập. Một điều lý thú nữa là bộ máy công chức hành chính hoàn toàn làm việc độc lập với bộ máy quan chức chính trị. Họ luôn làm việc cần mẫn và trách nhiệm để ủng hộ cho bất kỳ lãnh đạo nào mới được bầu lên, và trên hết vì quyền lợi của nhân dân; do đó không có chuyện có Bộ trưởng Giáo dục mới lên, thì các Vụ trưởng, Cục trưởng, Hiệu trưởng cũ về vườn để nhường ghế lại cho con dâu, cháu gái, hay ……hàng xóm của Bộ trưởng mới như một số quốc gia trên thiên đường, dịch vụ công hoàn toàn không bị ảnh hưởng giống như kiểu lãnh đạo đi nghỉ lễ trễ máy bay chưa về?

Được tận mắt chứng kiến sự vận hành của một nền chính trị dân chủ lâu đời và chuyên nghiệp nhất thế giới là một niềm vui hay một nỗi buồn không nói nên lời đây?

Người ta mấy trăm năm nay ăn buffet nên trưa có thể ăn món nóng chiều có thể ăn món nguội, còn nhà mình từ ngày có răng đến giờ cũng toàn ăn cơm chấm với……cơm, thấy người ta ăn thịt cá mà thèm.