KHI NÀO VIETNAM SẼ “SẴN SÀNG” TỪ BỎ ÁN TỬ HÌNH?

Câu hỏi này tôi không hỏi Quốc Hội, tôi không hỏi những nhà làm luật, mà tôi đang đặt ra với chính tôi và chính các bạn, những người Việt Nam đồng bào của tôi, và đặc biệt là nhưng người trẻ, như tôi và còn hơn thế nữa. Bởi tôi hiểu rằng để trả lời câu hỏi này, không đơn giản chỉ là thay đổi một bộ luật mà cần một sự từ bỏ với một ý thức hệ rất đặc trưng và lâu đời của người Việt. Điều đó không xảy ra sáng mai
Nghĩ về điều này đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ mong muốn được nói về nó hơn ngày hôm nay khi tình cờ đọc được một chia sẻ đăng trên Facebook của một cô giáo – giảng viên của một trường đại học lớn, thương cảm với số phận một phụ nữ Việt Nam vừa bị Indonesia xử tử hình gần đây vì buôn bán ma tuý.
Và cách nhiều người trẻ và cả những người không còn trẻ phản ứng dữ dội về điều đó làm tôi có một chút buồn nhưng tôi không hề ngạc nhiên vì ít nhất đến thế hệ 8x như chúng tôi đã lớn lên giữa biết bao nhiêu bộ phim kiếm hiệp dã sử, thậm chí phim truyền hình tràn ngập một thông điệp mà ngày xưa còn bé bọn trẻ con ở xóm tôi hay gào lên trước khi lao vào nhau đấm đá chơi trò đánh giận giả “Nợ máu phải trả bằng máu”, “Giết!” Giết!”

Nhưng rồi một ngày tôi có đủ lớn khôn để độc lập suy nghĩ về câu nói đó một cách thật nghiêm túc, tôi đã tự hỏi: “Có thật nợ máu trả được bằng máu?”
Hay là máu chỉ nối dài nợ, chất chồng thêm những oán thù truyền kiếp, và chỉ là sự tiếp nối của những bi kịch không hồi kết.”

Những kẻ tử tội kia dù có giết người, buôn ma tuý hay can dự vào tội ác gì đi chăng nữa nhưng suy cho cùng, họ vẫn là con của một bà mẹ đang tuyệt vọng nào đó, là cháu của một người bà đang đau khổ nào đó, và tệ hơn cả , còn là cha là mẹ của những đứa trẻ chính thức bị xoá mất tương lai. Người ta có được quyền thương cảm với sư lầm lạc của một kiếp người, được quyền chia sẻ, cảm thông với sự đau khổ của những người ở lại không?
Từ bao giờ người thương người (dù rằng người đó có tội lỗi) trở thành một điều xấu, từ bao giờ lòng trắc ẩn trở nên khan hiếm đến vậy?

Tôi có sự liên tưởng rằng nhiều người trẻ Việt gầm lên ném đá, chửi rủa những kẻ tử tôi kia đúng như cách họ đã gầm lên với các nhà quản lý phim ảnh khi bộ phim bom tấn về giết chóc “The Hunger Game” bị cấm chiếu ở Vietnam, và hình như rất giống cách mà người dân đây đó tự ra tay “xử tử” những kẻ trộm chó mà báo chí vẫn đưa tin.
Có nơi nào trên thế giới mà mạng người chưa được bằng con chó như trên chính quê hương của tôi không???

Phiên toà có án tử nào cũng vậy, công tố viên đọc cáo trạng buộc tội, toà đanh thép tuyên án “xét thấy cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, Toà tuyên bị cáo tử hình!” nhưng tôi chưa bao giờ thấy bản án nào tự nhận rằng “Toàn thể xã hội đã có một phần trách nhiệm trong hành vi phạm tội của bị cáo….”
Trong khi đó băng rôn treo rất nhiều, hội thảo tổ chức rất nhiều, và ở trường chúng tôi cũng được dạy rất nhiều,: nhà trường, gia đình, xã hội là nhân tố tạo nên sự giáo dục toàn diện cho mỗi nhân cách.
Thế nhưng xã hội luôn luôn vô can, và luôn đóng vai trò là nạn nhân bị tổn thương. Và vì vô can, xã hội được quyền phủ nhận và thẳng tay loại bỏ luôn sản phẩm lỗi của chính mình, những công dân lầm lạc bằng cách tước bỏ sự sống của họ. Trong khi những công dân ưu tú có thành tựu, có vinh quang thì dù ở đâu và dù bận đến mấy, “xã hội” không bao giờ quên tròng vào một câu “người Việt Nam…..” hay “người gốc Việt”….Nếu những đứa con có làm điều gì sai trái bên ngoài biên giới, có bao giờ xã hội gửi công hàm sang xin lỗi nước bạn và nhận thiếu sót trong vai trò giáo dục của mình. Xã hội thật công bằng quá!
Trong thời buổi tranh tối tranh sáng như hiện nay, công lý không hẳn đã mù loà nhưng chưa phải lúc nào cũng sáng mắt. Và những bản án tử đôi khi không chỉ kết liễu mạng sống của một con người mà đôi khi còn kết liễu luôn đường hoàn lương, đường sửa sai của những phán quyết vội vã.
Cái giận quá mất khôn của một cá nhân đã là nguy hiểm thì cái giận quá mất khôn của một xã hội dường như còn che mờ đi luôn tương lai của chính đất nước đó.

Tất nhiên, hơn 90 triệu dân Việt Nam không thể sau một đêm thức giấc có thể “rũ bùn đứng dậy sáng loà” tiến thắng lên một xã hội nói không với án tử hình như các quốc gia Liên minh châu Âu, và xã hội cũng không thể sau một đêm mà sạch bóng những tội ác và không cần đến sự trừng phạt cao nhất. Còn xa lắm, xa vời vợi một khoảng cách văn minh (civilisation gap) mà chỉ có thể qua thời gian và những nỗ lực giáo dục quyết liệt nhất, thậm chí một cuộc cách mạng đạo đức để nâng cao hạ tầng dân trí mới có thể khoả lấp đi khoảng trống to lớn ấy.
Thế nhưng nếu như còn chúng ta còn chần chừ chưa gieo mầm những hạt giống lương thiện và nhân văn trong những người trẻ từ ngay bây giờ thì chúng ta mong chờ gì ở 10 hay 20 năm nữa?
Một số không tròn trĩnh, và hay thậm chí còn là một số âm tệ hại?

Hãy trả lời đi xã hội, bạn và tôi!

HOÀNG HUY.