NƯỚC MÌNH CÓ BAO NHIÊU MINH BÉO?

NƯỚC MÌNH CÓ BAO NHIÊU MINH BÉO?
(Bài đăng trên Tuần Việt Nam – Vietnamnet)

Một vài lần xem hài của Minh đóng không đủ làm tôi ấn tượng. Tôi vốn dĩ không thích thú lắm với lối chọc cười của người miền Nam. Tuy nhiên điều làm tôi thực sự quan tâm khi nghe tin diễn viên Minh Béo bị tạm giữ tại Mỹ vì cáo buộc “lạm dụng tình dục trẻ em”.

Không phải vấn đề anh ta sẽ bị tuyên phạt bao nhiêu năm tù, vì theo nguyên tắc tòa chưa tuyên án, bị cáo vẫn là vô tội. Tôi cũng không quan tâm đến sự giận dữ nhất thời của dư luận đang đổ lên đầu Minh và gia đình anh. Điều tôi quan tâm nhất đó là câu hỏi: Sẽ có bao nhiêu người Việt Nam sẽ dễ dàng bị cáo buộc những tội danh tương tự như Minh Béo nếu như đất nước chúng ta đang sống không phải là Việt Nam?

Nhiều người sẽ nói “Chẳng ai cả, vì số ít người như Minh béo là bệnh hoạn, là thiểu số không đáng kể”. Tuy nhiên, câu trả lời của tôi sẽ làm nhiều người giật mình: “Sẽ có rất nhiều người Việt Nam phạm tội. Nếu sống ở nước ngoài, và con số đó đủ lớn để hình thành nên một tỷ lệ phần trăm dân số”.

Bao nhiêu người trong số chúng ta có thói quen “cho bác xem nào… cho cô xem nào…” rồi tha hồ bình phẩm, cười nói, thậm chí nghịch ngợm phần riêng tư của mấy cậu bé trai? Rất nhiều.

Bao nhiêu người trong số chúng ta có thói quen ôm ấp, hôn chùn chụt những cô bé cậu bé và hồn nhiên coi đó như những cử chỉ yêu thương, không cần biết các “bị ôm” “bị hôn” kia có thích hay không? Rất nhiều.

Trong số ấy, có cả bố-mẹ-ông-bà-cô-dì–chú-bác- người thân của các bé. Ở ngoài Việt Nam, các “bị ôm”” bị hôn” ít tuổi kia sẽ luôn luôn được bảo vệ toàn diện khiến cho nhiều người trở thành “bị cáo” quấy rối tình dục trẻ em.

Tâm lý “Trẻ con- Biết gì!”của số đông người Việt vô hình chung dẫn đến những hành vi mà thế giới văn minh coi đó là vi phạm luật pháp và nhân quyền, là “quấy rối tình dục trẻ em”, bị xử phạt rất nghiêm khắc.

Nhìn nhận một cách khách quan, chính vì trẻ con “không biết gì” nên mới rất cần sự “biết gì” của người lớn để bao bọc, chở che. Tuy nhiên có vẻ nhiều người lớn Việt cũng không biết gì hơn con trẻ. Mỗi ngày vẫn có vô số những bức ảnh của các ông bố bà mẹ hồn nhiên khoe ảnh con trong những khoảnh khắc riêng tư tràn lan trên các mạng xã hội.

Họ ngầm hiểu rằng là con tôi – và tôi có quyền khoe, có quyền hãnh diện, và việc đó là vô hại. Họ không hiểu rằng như vậy đã xâm phạm quyền riêng tư của những công dân chưa biết nói. Bao nhiêu người trong số người lớn trưởng thành như chúng ta chấp nhận chuyện đang đứng thì có một người lạ tiến tới ôm hôn, vuốt má vuốt tóc, hay ngang nhiên chụp hình?

Nếu chúng ta không thích, tại sao chúng ta lại bắt con trẻ phải chịu đựng những chuyện đó, hay vì tiếng nói và nhận thức của các em còn quá nhỏ bé để phản kháng?

Tôi có một kỉ niệm đáng xấu hổ trong những năm đầu tiên sống ở nước ngoài: buổi chiều hôm đó khi đang lang thang trong công viên Holland Park, Luân Đôn chỉ để chộp lấy cho riêng mình những khoảnh khắc đẹp của một ngày chủ nhật bình yên. Tình cờ tôi bắt gặp một bé trai cực kỳ dễ thương khoảng 2 tuổi đang ngồi chơi trong vũng cát. Mái tóc vàng óng và vẻ mặt hồn nhiên của cậu bé làm tôi rất muốn thu lại hình ảnh này vào trong ống kính, nhưng nhìn quanh không thấy có người lớn nào trong có vẻ là phụ huynh của bé để có thể xin phép họ.

Trong một phút bừa bãi của tư duy, và cũng nghĩ việc làm của mình là vô hại, tôi đánh liều đưa máy lên định chụp một tấm. Thật bất ngờ và cũng thật xấu hổ, cậu bé trai còn lại chỉ khoảng 4-5 tuổi, nhỉnh hơn một chút và có vẻ là anh trai, đầu đội chiếc nón đặc trưng của người Do Thái, đứng phắt dậy lấy bàn tay nhỏ xíu che ống kính của tôi lại và nói rất lớn “Stop!” (Dừng lại).

Tôi vội vã xin lỗi cậu bé và giải thích cho cậu bé rằng tôi chưa hề chụp, và cúi mặt bỏ đi. Bài học be bé của tôi chiều ngày hôm ấy lại là sự thất bại không hề nhỏ của một nền giáo dục xem nhẹ vấn đề phòng chống xâm hại như ở nước ta.

Suốt 12 năm đi học phổ thông và thậm chí 4 năm học đại học tại Việt Nam, chưa hề có một trang sách nào nhắc tôi chuyện dạy học sinh phải xin phép trước khi muốn chụp ảnh ai đó (đặc biệt là trẻ em) và cũng chưa bao giờ dạy cách phòng tránh xâm hại trực tiếp hay gián tiếp.

Hôm đấy, tôi chính thức biết rằng 16 năm đi học trường lớp của tôi đã thua kém hẳn một cậu bé 5 tuổi Do Thái hình như chưa đi học nhưng được trang bị rất tốt những kỹ năng mềm để bảo vệ và phòng tránh xâm hại cho bản thân và người thân.

Chúng ta có thể đổ lỗi cho giáo dục, cho nét văn hóa đặc trưng từ ngàn đời, và đổ lỗi cho cái gì đó chúng ta thấy là hợp lý. “Ở xứ này không chỉ mình tôi như thế”. Việc chúng ta cần làm nhất bây giờ không phải là đổ lỗi, mà phải là hành động. Sự thay đổi tư duy để sẽ ngày càng ít đi những sự việc đáng tiếc như vụ việc của Minh Béo không chỉ ở nước ngoài mà ngay trên chính đất nước của chúng ta.

Không chỉ là trang bị thêm những kiến thức phòng tránh lạm dụng cho con trẻ, mà hơn cả, mỗi người lớn nên nhìn lại chính những hành vi tưởng chừng như vô hại của mình.

Đã đến lúc ấy, muộn còn hơn không!