Tâm lý FREE của người Việt: KHI LÒNG TỰ TRỌNG……….”ĐI VẮNG”!
Sài Gòn: Hàng ngàn người đội nắng ‘chờ’ thức ăn miễn phí – Báo Thanh niên
Hà Nội: Hỗn loạn trèo rào sắt vào Công viên nước để tắm miễn phí – VOV.VN
Bạn hãy nói giúp tôi xem cảm giác trong bạn ngay lúc này khi bắt gặp những tin tức như trên…..
Còn với tôi, chỉ có thể là một từ: xấu hổ, xấu hổ, và vô cùng xấu hổ.
Tôi không ở trong đám đông kia, chưa bao giờ và không bao giờ, nhưng vẫn cảm thấy rất xấu hổ vì rất nhiều đồng bào của mình, những người cùng với tôi đều được gọi bằng danh từ chung Người Việt, đã để cho một trong những giá trị cốt lõi nhất của mỗi con người: lòng tự trọng……….đi vắng đúng lúc cần tới nó nhất. Nạn dịch suy giảm lòng tự trọng đang lan rộng, không chỉ ở tỉnh này miền kia mà đang tràn khắp nơi và ngày càng trở nên cấp tính.
Vì sao rất đông người Việt cứ gặp thứ gì free (miễn phí) là lại phát cuồng lên đến vậy?
Chúng ta có nên thôi đổ lỗi cho cái nghèo? Rằng thì vì bây giờ phần đông người dân có đời sống khó khăn, thu nhập thấp bấp bênh…..nên khi có cơ hội được tiếp xúc với thứ miễn phí, họ tiếp nhận một cách vội vã quá mức nên đôi khi mất kiềm chế. Tôi tự hỏi 1 bữa ăn miễn phí có làm cho họ no được cả đời? 1 lần tắm miễn phí có làm cho họ sướng vui suốt kiếp? Tôi tự hỏi là nếu đằng sau hàng rào kia là một đám cháy cần dập lửa không biết họ có sẵn sàng hăng hái như thế?
Tôi hay nói với bạn bè rằng cái gì càng free (miễn phí) nó càng chứa ít freedom (tự do). Thật vậy, đơn cử bạn nhận một sản phẩm mẫu miễn phí (free sample) từ một nhãn hàng nào đó, tức là quyền tự do lựa chọn (freedom of choice) của bạn vô hình dung đã bị xén đi một góc, vì bạn đang bị nhà sản xuất nhãn hàng bạn cầm trên tay dẫn dắt, để dẫn tới hành vi mua hàng của họ dù sớm hay muộn.
Chúng ta có nên thôi tổ chức các đoàn tham quan, nghiên cứu vì sao Nhật Bản giàu Vietnam nghèo, vì nguyên nhân đã rõ ràng hơn bao giờ hết? Vì người Nhật Bản có gặp sóng thần, trước nguy cơ chết đói vẫn im lặng, trật tự, và kiên nhẫn xếp hàng, còn Vietnam thì không bao giờ chịu im lặng và xếp hàng………trừ khi xếp hàng đợi nhận ODA từ Nhật Bản.
Xếp hàng có phải là nhục? Xếp hàng có phải là phí thời giờ? Hay xếp hàng là biểu hiện thường thấy nhất, giản dị nhưng cũng sống động nhất, của một xã hội có tự trọng, có kỷ luật, và còn muốn tiến lên?
Và hôm nay, tôi càng có thêm minh chứng để tin rằng, chúng ta nên tạm thời ngừng nói về bản sắc văn hoá, ngừng nói về 4000 năm văn hiến mà ta hay vỗ ngực tự hào (kể cả có là 4000 năm thật đi chăng nữa) để nói về sự đổ đốn của văn hoá hiện tại.
Chùa chiền tu bổ nhưng đạo đức suy thoái: cúng bái vô ích!
Lễ hội quanh năm nhưng dân chúng hỗn loạn: vui vẻ vô ích!
Quả bóng xấu xí của tụt hậu-nghèo đói-và kém văn minh thường sau khi bị chuyền qua qua đá lại giữa yếu tố nọ nhân tố kia bao giờ cũng sút thẳng vào goal của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, như sáng nay, những ông bố bà mẹ bồng bế con leo qua hàng rào để vào tắm free bất chấp nguy hiểm……..thì giáo dục kiểu gì? Những tấm gương đã mờ thì chẳng thể soi bóng cho bất cứ thứ gì ngoài bụi.
Mai An Tiêm, ông tổ của ngành Marketing Vietnam từng nói, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Và tôi tin, những người trèo rào sáng nay, những người nhận thứ của cho từ công viên nước theo cái cách kẻ cướp, nợ cả nước một lời xin lỗi, vì đã dành cho toàn dân Vietnam thêm một lần xấu mặt trước bạn bè quốc tế
Giấy đã rách, đừng để rách nốt lề, lề nếu cũng đã rách nốt, xin đừng làm ảnh hưởng đến những trang tiếp theo…..
Lòng tự trọng…….đi vắng thì phải bằng mọi cách tìm về, trước khi nó đi mất dạng……