TỔNG THỐNG OBAMA ĐÃ MANG ĐẾN CHO VIETNAM ĐIỀU GÌ????

Cách đây đúng 2 năm, khi giàn khoan HD 981 của trung quốc xâm phạm lãnh hải nước ta làm lòng dân sục sôi phản đối cũng là một dịp rất tốt để người Việt Nam nhìn thật rõ: ai là bạn (Friend) ai là thù (Foe) trong bức màn mờ ảo của một thế giới ngày một phức tạp và đầy biến động. Và lúc ấy, từ ở xa Tổ Quốc, tôi đã nhận ra một điều: Thực ra, Việt Nam đang rất cô đơn trên bàn cờ thế giới, chúng ta không có nhiều bạn tốt như chúng ta vẫn nghĩ.
Người Anh có câu “ A friend in need is a friend indeed.” (Người bạn khi cần mới là người bạn đích thực). Trong cơn biến động ấy, hơn bao giờ hết, chúng ta hiểu hơn nữa về từ BẠN và thế nào là BẠN?
Hai năm sau, người đứng đầu nước Mỹ đang có mặt ở Hà Nội và Sài Gòn giữa sự háo hức đón chờ của rất nhiều người dân Việt Nam với cái cách đón chờ một người bạn lâu ngày muốn gặp, khác hẳn với những lễ nghi mang tính hình thức hay dùng để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khác: những cái vẫy tay hời hợt và những nụ cười công nghiệp bên đường. Vì sao lại như vậy?
Vì ông ấy là một trong những người quyền lực nhất thế giới, điều hành đế chế kinh tế đáng nể nhất thế giới, tổng tư lệnh của lực lượng quân đội hùng mạnh nhất??? Không hẳn vậy, tôi nghĩ khác và nghĩ nhiều hơn về những điều ông đã mang đến cho Việt Nam trong chuyến đi này.
Nhiều người hay nói “Chơi với Mỹ…….luôn có quà”, thật vậy, năm 1994, tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế rực rỡ và ông Bill đã sang thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2000. 16 năm sau, tổng thống Obama sang thăm Việt Nam với tin vui dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi gần hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên tôi không nghĩ đám đông người dân chào đón ông bên đường kia có nhiều người hiểu được lệnh cấm bán vũ khí sát thương là gì, nguyên nhân vì sao có cái lệnh đó và vì sao lại được dỡ bỏ vào đúng thời điểm này. Người dân luôn quan tâm đến những gì đơn giản và gần gũi hơn, và thông thường nhìn nhận của họ luôn đúng và làm nên thứ mà chúng ta hay gọi là lịch sử. Lòng dân chưa bao giờ sai.
Trong mỗi cuộc viếng thăm cấp nhà nước, người ta thường trông đợi nhất hai thứ, một là họp báo chung (joint press conference) và bài phát biểu của khách mời tại nước chủ nhà. Nếu như họp báo là công bố những thỏa thuận hợp tác đã đạt được, thì bài phát biểu của Tổng thống Obama lại chứa đựng nhiều hơn cả những ngôn từ ngoại giao sáo rỗng. Trên cả những tu từ và sự am hiểu quá xuất sắc trong bài diễn thuyết của Tổng thống, tôi nhìn thấy ở đó một sự chân thành và cởi mở của nước Mỹ- điều mà chắc chỉ riêng tôi và nhiều người Việt khác đều cảm nhận được qua sóng truyển hình.
Từ rất lâu rồi, rất nhiều người Việt luôn coi Mỹ là chuẩn mực của sự hoàn hảo. Tuy nhiên, Mỹ không phải là thiên đường, dù người ta vẫn hay thường nói Giấc mơ Mỹ, đất nước nào cũng có những vấn đề riêng của mình, tuy nhiên thái độ và cách ứng xử của những người đứng đầu đối với những vấn đề đó tạo ra sự khác biệt. Một sự khác biệt không hề nhỏ giữa Việt Nam và Mỹ. Ngài nói:
“Tôi không nói riêng về Vietnam, không quốc gia nào hoàn hảo. Hai thế kỷ qua, chính nước Mỹ cũng đang cố gắng đạt được lý tưởng của những người lập quốc, vẫn đang đối phó với hạn chế của mình như tiền chi phối chính trị, bất bình đẳng gia tăng, phân biệt chủng tộc và tội phạm, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ…
Chúng tôi có những vấn đề và không miễn nhiễm với chỉ trích. Tôi thề là tôi nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng điều đó thúc đẩy tôi mở rộng đối thoại, để mọi người được lên tiếng, giúp chúng tôi mạnh hơn, thịnh vượng hơn, công lý hơn”
Mặc dù là người đứng đầu của hình mẫu tự do – dân chủ lớn nhất thế giới, Ngài Obama, không thể mang tặng điều đó cho Việt Nam dù nước Mỹ luôn cổ vũ nhiệt thành cho những giá trị phổ quát của quyền con người, mà bản thân Obama đã là một tượng đài lịch sử – tổng thống da màu đầu tiên ở một quốc gia đã từng là kinh đô của nạn kỳ thị chủng tộc. Vậy ai sẽ giúp Việt Nam?
Mặc dù là tổng thống quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, nhưng Tổng thống Obama cũng không thể bốc tiền thuế của người dân Mỹ để tặng Việt Nam – một quốc gia xa xôi và thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình. Cá nhân Obama cũng không thể mang lại sự tiến bộ cho Việt Nam, bởi vì không có sự thay đổi nào diễn ra chỉ sau một đêm. Vậy ai sẽ giúp Việt Nam?
Câu trả lời và thông điệp của người đứng đầu nước Mỹ rất đơn giản,thành thật, và rõ ràng hơn bao giờ hết “Người Việt Nam sẽ quyết định tương lai của mình”. Nói một cách tường minh hơn, có thể hiểu rằng: Thế giới tươi đẹp là thế, nhưng muốn có những điều đó, các bạn hãy tự làm lấy chứ đừng chờ đợi thêm nữa.
Phần đông người Việt Nam thường chỉ thấy, chỉ vội ngợi ca sự giàu có, sự trỗi dậy kì diệu của Singapore, của Hàn Quốc, của Nhật Bản và gán với một cái cớ đơn giản có vẻ dễ chấp nhận là “quen Mỹ-thân Mỹ” mà thiếu chú ý đến ý chí vượt khó và tự lực vươn lên dữ dội của những dân tộc đó. Và bản thân nước Mỹ bây giờ cũng phải kính nể những quốc gia ấy.
Hơn bao giờ hết, người Việt Nam và đặc biệt là người trẻ cần một sự nhìn nhận khách quan hơn với lịch sử.
Giá như Tổng thống Henry Truman đã hồi âm thư của Hồ Chí Minh năm 1945-1946?
Giá như Việt Nam và Mỹ chưa từng là cựu thù trong chiến tranh?
Không. Cuộc sống và lịch sử đều không có chỗ cho những “Giá như”. Chúng ta không thể lên án hay kết tội quá khứ, sửa lại những gì đã qua, nhưng hoàn toàn có thể kiến tạo hiện tại và định hình tương lai bằng tư duy rộng mở đúng đắn và hành động tích cực.
Trong quá khứ, có kẻ hoài nghi “Mỹ mà tốt?”
Thế kỉ 21 của Việt Nam nên trả lời: “Mỹ không hẳn đã tốt, nhưng là lựa chọn phù hợp của xu thế thời đại.”
Huân tước Palmerston, một nhà ngoại giao lỗi lạc của nước Anh từng nói “..Không có bạn không có thù, chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn….” (Nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests)
Trong hình mẫu của thế giới hiện đại, không có nước nào bóc lột hay bắt nạt nước nào. Tuy nhiên, đó là hình mẫu, còn vấn đề của chúng ta hiện nay là hãy luôn cố gắng để tạo dựng những giá trị mà thế giới thèm muốn được “bóc lột” và không tự biến mình thành kẻ bị bắt nạt. Hình như thiếu lắm!
“Chúng ta đã học được bài học của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, rằng để đối thoại, cả hai bên đều phải sẵn sàng thay đổi. Khi đó, cuộc chiến vốn chia rẽ chúng ta nay lại là cội nguồn của tình bạn”

Và muốn như thế, Việt Nam không thể “nối vòng tay lớn” với một bàn tay nắm chặt. Có đổi thay không, Việt Nam?

Hoàng Huy.