UBER – GRAB vs VINASUN & CÂU CHUYỆN KINH DOANH KIỂU VIETNAM
Sáng có việc phải chạy đi Biên Hoà, gọi một chiếc Uber cho tiện, ngồi trong xe nhìn thấy một chiếc taxi Vinasun dán khẩu hiệu như trong hình, đang uống nước mà tôi suýt phì cười vì các bạn Vinasun “dễ thương” quá đi mất.
Nếu là giám đốc Marketing của Uber hay Grab, tôi sẽ ngay lập tức gửi thư cảm ơn và hoa tươi để bày tỏ sự cảm kích trước chiến dịch quảng cáo miễn phí mà Vinasun trong cơn hoảng loạn giãy chết đã hào phóng dành tặng cho các bãng taxi công nghệ. Đồng thời sẵn sàng chi thêm ngân sách để phía bạn có thể in câu khẩu hiệu trên to hơn nữa, nếu phủ toàn thân xe thì quá tốt.
Nhân dịp này, Uber và Grab nên liên minh lại tung ra chiến dịch Marketing: Better Care – Better Fare (Tận tâm hơn – Giá tốt hơn) – dán trên tất cả các xe trên cả nước để cảm tạ lại tấm lòng của Vinasun; nhập mã RIPVinasun để nhận ngay chuyến xe Uber miễn phí trị giá 40k. Đồng thời đưa chương trình ưu đãi Truely Care – Truely Fair ( Thật tâm chăm sóc- Công bằng chính hãng): Tặng ngay phí 3 tháng đầu tiên nếu lái xe mới đã từng là tài xế của Vinasun chuyển sang.
Trong thời đại thế giới phẳng, cả thế giới đang tiến tới một nền kinh tế không biên giới thì không có chỗ cho sự bảo thủ và chậm tiến, càng không có chỗ cho những sự ưu ái đi ngược quy luật thị trường. Những hô hào khẩu hiệu kiểu người Việt hãy dùng hàng Việt đã không còn phù hợp; người Việt được quyền sử dụng hàng tốt chứ không việc gì phải chi dùng đồng tiền của mình vì bất kỳ một sự chiếu cố nào hết. Muốn tận dụng sự tự tôn dân tộc trong kinh doanh thì trước hết chất lượng và giá trị sản phẩm, dịch vụ tối thiểu phải tương đương với các đối thủ ngoại. Nếu không làm được điều đó, khẩu hiệu sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu. Một doanh nghiệp cũng như một dân tộc, muốn mạnh, trước hết cần phải biết tự trọng.
Vinasun kêu gọi Uber & Grab tuân thủ pháp luật nhưng các hãng taxi công nghệ có giấy phép kinh doanh, có pháp nhân và quan trọng nhất là có đóng thuế cho nhà nước đầy đủ thì cái duy nhất họ cần tuân thủ đó là quy luật thị trường: khách hàng được quyền sử dụng dịch vụ tốt nhất với giá hợp lý nhất. Doanh nghiệp nào không thoả mãn được điều đó, bị đào thải chỉ là câu chuyện sớm chiều mà không sự ăn vạ, than vãn nào có thể cứu giúp được.
Người người – nhà nhà – ngành ngành hô hào chúng ta phải tiến nhanh đến đón đầu đợt sóng mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Bốn-chấm- không) , nhưng tôi tự hỏi sẽ tiến đi đâu- tiến kiểu gì khi mà tư duy kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang là 0.4 (Không- Chấm – Bốn)???
Qua cơn giận lẫy vừa ngộ nghĩnh và lố bịch còn hơn Chí Phèo của Vinasun, chúng ta càng thấy lộ rõ những điểm yếu cốt tử trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập: trước khi Thua về công nghệ, về vốn, và kinh nghiệm , thì đã Thua ngay trên sân nhà ở tâm thế và tầm nhìn của những người đứng đầu doanh nghiệp. Làm giám đốc thì dễ, nhưng làm doanh nhân (entrepreneur) cho đúng nghĩa thì cực khó là vậy. Thay vì tập trung tâm- trí- lực để tự chuyển mình thích nghi với mức độ cạnh tranh gia tăng của thị trường thì nhiều ông chủ Việt lại nỗ lực nông nghiệp hoá nền kinh tế bằng những chiêu trò mà bây giờ đến các cháu mẫu giáo còn không còn chơi như trên.
Một đứa trẻ nếu không thấy bạn chơi với mình, nó cũng biết tự xem lại mình chứ cũng không giăng biển yêu cầu các bạn không được chơi với bạn khác, chỉ được chơi với tớ thôi.
Đỉnh cao của sự ngưỡng mộ là bắt chước, và đỉnh cao của sự bất lực là………chửi đổng.Và Uber & Grab họ cũng đang sử dụng một đỉnh cao khác để đối đáp lại cho sự bất mãn mang đậm nét ao làng của mấy hãng taxi truyền thống: Đỉnh cao của sự khinh bỉ là im lặng.
Đáng lắm, Vinasun!
Either Die or Do something better!
Hoàng Huy