Văn hoá “Nhường chỗ” – Nước ta đang rất thiếu – Dân ta đang rất cần!!!
Thường nói đến văn hoá nhường chỗ, người ta hay nghĩ ngay đến những tình huống ứng xử trên tàu, xe bus và các phương tiện công cộng. Những chỗ ngồi ưu tiên trên xe bus luôn được dành cho người tàn tật, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Từ những hành vi lịch thiệp rất nhỏ nhưng lại thể hiện nền tảng dân trí cần phải có của một xã hội văn minh.
Khi nói đến vì sao Ta chưa như được Tây, người ta thường hay nhắc đến khái niệm khoảng cách giàu nghèo (wealth-gap) giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Nhiều người cứ đơn giản nghĩ rằng đến khi nào GDP của ta bằng họ, thu nhập bình quân đầu người của ta bằng họ là ta sẽ như họ. Nhưng thật ra không phải vậy. Dù chúng ta có khoả lấp được sự khác biệt về kinh tế thì vẫn còn một khác biệt lớn hơn, đó là khoảng cách văn minh (civilization-gap).
Thật không dễ!
Xét trên bình diện rộng hơn, văn hoá “nhường chỗ” chính là cây cầu nối đi qua cái khoảng cách văn minh vời vợi ấy. Thật vậy!
Hà Nội sẽ ngang bằng với Paris, London, hay New York không phải khi dân ta nhà nhà đi ôtô, người người tiêu dollar; mà điều đó chỉ xảy ra khi và chỉ khi:
Khi sinh viên, thanh niên sẵn sàng nhường chỗ cho những bác nông dân lam lũ trên chuyến xe bus cuối ngày sau buổi chợ chiều vất vả thay vì vô cảm tay bấm điện thoại, tai nghe headphone; người đứng cứ đứng, kẻ ngồi cứ ngồi như bây giờ. Sự vô cảm nhường chỗ cho sự thông cảm.
Khi những khẩu hiệu mục tiêu của các trường học thay vì “Chúng tôi phấn đấu đào tạo 100% học sinh đỗ Đại học – Cao đẳng” nhường chỗ cho“Chúng tôi phấn đấu đào tạo 100% học sinh trở thành công dân có ích cho xã hội”.Sao cứ phải đại học mới là oai, thạc sỹ mới là sang để rồi báo chí ngày ngày ca thán cử nhân, thạc sỹ ra trường lương thấp, không việc làm, đi trông xe, bán sim điện thoại. Thà một trường học đào tạo ra 10 bác sỹ nhưng y đức và y thuật vẹn toàn còn hơn đào tạo ra 1000 bác sỹ nhưng em nào cũng tài chưa kịp đến, tâm chưa kịp tới, để rồi sẵn sàng đưa bệnh nhân đi tắm mát sông Hồng. Sự đói khát thành tích, hư danh, ảo vọng nên nhường chỗ cho khao khát thực tâm, thực tài.
Khi những CÔNG chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về và những ÔNG chức sáng xe đưa đi, tối xe đón về nhường chỗ cho những con người muốn – dám, và đủ khả năng cống hiến cho đất nước. Kỷ nguyên “Mật ít ruồi nhiều, ghế ít đít nhiều” chấm dứt. Khi ấy, công an – không còn là lực lượng giữ gìn sự AN toàn của bộ máy CÔNG quyền, mà sẽ trở thành dân an- những người làm cho DÂN an tâm. Để rồi lúc đó đất nước mình là của nhân dân mình, chứ không phải của những ông Huyện Hinh thời hiện đại. Sự vô trách nhiệm nhường chỗ cho sự tận tâm.
Nhưng sẽ có người hỏi, nếu không chịu “nhường chỗ” thì đã sao???
Trên xe bus, không nhường chỗ sẽ nhận được những ánh mắt khinh bỉ, coi thường của những người xung quanh.
Trong công việc, không nhường chỗ sẽ bị quy luật đào thải của thực tiễn xã hội, của đòi hỏi nghề nghiệp.
Và ở thang bậc cao nhất, theo quy luật của lịch sử, những gì hủ bại và xấu xa sẽ buộc phải nhường chỗ cho những điều tốt đẹp hơn bằng một cuộc cách mạng với sự giận dữ tột cùng của nhân dân dù sớm hay muộn,
Đừng quên câu chuyện thời sự của thế kỉ trước, cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã bùng lên dữ dội cũng chỉ vì một phụ nữ da màu không chịu nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng .
Nhưng lại tự hỏi, ở Vietnam là “Nhường chỗ” hay là “Trả lại chỗ” đây????