VĂN MIẾU NÊN XÂY Ở ĐÂU?

Hiếm có nước nào mà nhân dân không hề hồ hởi, hoan hỉ mỗi khi đất nước có những công trình hoành tráng mới mọc lên như ở Việt Nam . Tháp cao nhất thế giới, tượng đài bà mẹ Việt Nam kỳ vĩ cho tới đường ống dẫn nước mỏng manh nhất thế giới, và gần đây nhất Văn Miếu trẻ nhất thế giới ở Vĩnh Phúc…..tất thảy đều sừng sững mọc lên giữa sự điêu đứng của muôn dân.
Lý do đơn giản lắm: “vì nhà mình còn nghèo”.
Tỉnh nào thì mình không dám nói nhưng Vĩnh Phúc thì có ít nhiều duyên nợ, đã từng vài lần được tắm sông, vài lần được lang thang khắp những cánh đồng, vẫn chưa quên được những ấm nước đun sôi lên vẫn còn mùi…..giếng để cảm nhận sâu sắc rằng miền đất với những người nông dân chân chất ấy còn muôn vàn nghèo lúc ấy, và khó cho đến tận bây giờ.
Văn Miếu- biểu tượng của giáo dục Nho giáo phong kiến sẽ giúp gì được cho người dân nơi ấy hôm nay?
Không biết những người cho xây Văn Miếu ở Vĩnh Phúc họ cũng có đọc được ít nhiều sách Thánh hay không, nhưng chắc chắn họ chưa đủ Hiền, mà còn đang rất ác…..khi đốt cháy mồ hôi của bao nhiêu triệu người vào một công trình vô cùng lãng phí.
Không biết người nước ngoài đang được thờ phụng, cúng tiến trong các Văn Miếu từ Bắc (Hà Nội- Hưng Yên- Hải Dương- Bắc Ninh) cho đến Trung (Nghệ An) đến Nam (Biên Hoà, Vĩnh Long) kia Ngài có hiểu thấu nỗi buồn của dân ta không? Nhưng mình thì hiểu…..
Mình hiểu nét mặt buồn của nhiều triệu bà mẹ nước mình trước mỗi mùa khai giảng, chạy vạy khắp làng trên xóm dưới để có đủ tiền lo cho con được đến lớp bằng bạn bằng bè, để nên người có chữ.
Mình hiểu những bước chân tím tái vì lạnh của các em bé vùng cao trên đường đến trường mà không giày chẳng tất.
Mình hiểu nỗi lo sợ thường trực của những em bé ngày ngày chui vào túi nylon hay đu dây qua suối để đến trường khi dưới kia là vực thẳm.
Càng hiểu những điều đó, mình càng hiểu rằng Văn Miếu Vĩnh Phúc đã chọn rất nhầm địa điểm.
Thay vì đầu tư xây dựng tinh thần hiếu học trong lòng dân, khuyến học khuyến tài, họ lại xây lên một tinh thần đua đòi kiểu mới chỉ để chiêm bái, quỳ lạy những ngày xa cũ.
Thay vì 271 tỷ cho sách cho vở cho những điểm trường “cơm không thịt”, họ lại xây thêm một tượng đài biểu tượng cho sự phung phí tại một trong những vùng đất nghèo của một đất nước còn đầy gian khó.
271 tỷ – Sách hoá nông thôn được lắm chứ!
271 tỷ – Bằng bao nhiêu triệu bữa “Cơm có thịt”?
271 tỷ – Biến đổi được cuộc đời bao nhiêu con người còn đang sống nhờ sự học hơn là thờ phụng một người lạ đã khuất.
Và rồi mình nhận thấy nếu như thế giới này là một lớp học và mỗi quốc gia là một học sinh thì giáo viên chủ nhiệm đang lúng túng hơn bao giờ hết để xếp chỗ cho Việt Nam. Các bạn đều chia thành nhóm “các nước phát triển” – tức là bọn học giỏi, “các nước đang phát triển”- bọn đang thèm giấy khen, “các nước chậm phát triển”- bọn cá biệt, thì hiện nay có lẽ nước mình đang thênh thang ngồi một mình một bàn cuối lớp, bàn dành cho “các nước không thèm phát triển”- tức là tụi không thèm học nhưng vẫn cần lên lớp.
Có tí đắng vì nước nhà luôn đóng góp cho thế giới những khái niệm chưa hề có tiền lệ và không biết bao giờ mới tỉnh dậy khỏi những cơn mê.
Mê hoành tráng….
Mê tiến sĩ….
Mê bằng khen….
và rất mê cái Nghèo.