2013
Nghề Cao Quý.
Nghề Cao Quý.
Kính tặng những người Thầy đã đi qua cuộc đời tôi……
Ngày còn bé, mẹ vẫn thường nói với tôi trong xã hội có nhiều nghề lắm, nhưng chỉ có một vài nghề được xã hội trân trọng và được gọi bằng Thầy,đó là thầy thuốc, thầy giáo, và thầy cãi ; và mẹ rất mong muốn sau này tôi cũng sẽ được gọi là Thầy, còn Thầy gì thì sẽ tuỳ tôi chọn lựa.
Tôi đã không chọn trở thành Thầy thuốc như mẹ tôi vì tôi nghĩ một xã hội cần nhiều thầy thuốc giỏi là một xã hội yếu đau. Không ai thích đến bệnh viện cả, không ai thích gặp bác sỹ cả.
Tôi đã suýt chọn trở thành một thầy cãi chuyên nghiệp nhưng tôi nghĩ một xã hội cần nhiều luật sư giỏi là một xã hội còn nhiều bất công. Không ai thích đến toà án cả, không ai thích gặp luật sư cả.
Tôi đã chọn trở thành một thầy giáo vì tôi nghĩ một xã hội cần nhiều thầy giáo giỏi là một xã hội còn nhiều người hiếu học và còn nhiều cơ hội phát triển. Hàng triệu trẻ em-và cả người lớn nữa đều thích đến trường cả và thích được học tập cả.
Và hơn thế nữa, tôi ước muốn được làm nghề cao quý ấy để phần nào trả món nợ ơn nghĩa vô bờ với những người Thầy đã đi qua cuộc đời tôi.
Tôi rất nhớ cô giáo đầu tiên của tôi, có một cái tên rất đẹp và khó quên, cô Chung Thúy Hà. Cô đã dạy tôi suốt 3 năm học đầu tiên của cuộc đời. Đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm lại được cô để nói một lời cảm ơn cho người đã cất giấu cả bầu trời tuổi thơ bình yên của tôi. Đến bây giờ, mỗi khi đọc một cuốn sách hay, tôi luôn nhớ lại hình ảnh của cô Hà ngày ấy, một cô giáo rất trẻ, với tóc ngắn thời trang nhưng rất nhân hậu và sâu sắc, dạy chúng tôi biết phải yêu quý sách vở như thế nào.
Tôi vẫn nhớ chiếc nón lá mà cô Quyên-cô giáo chủ nhiệm lớp 4 của tôi đã đội trong một ngày mưa tầm tã, lội trên con đường ngập nước để vào nhà gặp mẹ tôi trước ngày họp phụ huynh. Cô không phải bạn của mẹ tôi, cô không phải họ hàng của gia đình tôi, cô chỉ là một giáo viên chủ nhiệm không muốn một phụ huynh bị ung thư giai đoạn cuối lo lắng về chuyện học hành của đứa con trai nhỏ của mình. Cô đã mặc áo mưa vào nhà tôi ngay khi nhận được thư mẹ tôi gửi cáo lỗi không thể đi họp được vì bệnh đã quá nặng. Cô đã ngồi rất lặng đi lâu và khóc rất nhiều trước di ảnh của mẹ tôi khi sau kì nghỉ hè biết mẹ tôi không qua khỏi. Ngày bố dẫn tôi đến nhà cô, một căn hộ tập thể trên tầng năm ở khu Vạn Mỹ, để cảm ơn và chia tay cô trước khi vào Nam, cô đã dặn dò tôi rất nhiều, nhiều như một người mẹ có con đi xa.
Tôi nhớ chiếc xe Cub 50 cũ kỹ của cô Hồ Thị Xuân Thảo – cô giáo chủ nhiệm lớp 5 đã vượt 10 cây số dưới buổi trưa nắng cháy của Saigon chở tôivề nhà trong một lần bố tôi bận việc đến đón muộn. Hộp cơm tấm mà cô giáo mua cho tôi trong một lần tôi trót đánh rơi mất tiền bố cho ăn trưa là hộp cơm tấm ngon nhất mà tôi từng ăn. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ, vẫn nhớ màu áo dài thiên thanh của cô, cặp kính cận rất dày của cô. Mới như ngày hôm qua thôi.
Tôi nhớ hai cái tát của cô Liên – cô giáo chủ nhiệm 4 năm cấp hai của tôi và những lời mắng để đời của cô, và nhớ tới lần bị cô mời bố đến nhà trong những ngày giáp Tết năm 2000. Lần đầu tiên và lần cuối cùng bị như thế trong 12 năm đi học phổ thông. Có lẽ nhờ hai cái tát ấy mà bây giờ tôi theo đuổi con đường học vấn đến cùng chứ không phải đi “kéo xe” như lời cô doạ ngày nào .Tôi cũng nhớ tới cô Thuỷ- một cô giáo trẻ dạy môn Sinh đã phạt tôi phải vẽ 100 cái nhà với 100 kiểu dáng khác nhau trong 1 buổi tối để sáng hôm sau nộp vì đã cả gan ngồi vẽ nhà trong giờ học của cô. Một hình thức phạt độc nhất vô nhị để tôi nhớ được câu “Giờ nào việc ấy”
Tôi nhớ chị Quỳnh- cô giáo gia sư dạy tiếng Anh ở ngõ Lâm Tường ngày nào đã dạy tôi, Kim Lương, Liên Hương, Nguyễn Đạt, Thanh Khuyên. Người đã làm cho tôi không còn sợ Tiếng Anh mà yêu thứ ngôn ngữ ấy và theo đuổi cho đến tận bây giờ. Chúng tôi ngồi trên nền nhà xi măng, trên những cái bàn nhỏ xíu cao như cái ghế đẩu, nhìn lên một cái bảng nhỏ xíu, trong một căn nhà bé như trong truyện cổ tích để học những bài học rất lớn.
Tôi nhớ tới các thầy cô giáo cấp ba của tôi, cô Tiệp chủ nhiệm-người thầy đầy bao dung và thương yêu của một tập thể lớp quỷ sứ. Cô Tuyết –người dạy Văn trong Đời, và dạy Đời trong Văn. Và đặc biệt là thầy Thuỵ, người thầy dạy tiếng Anh mà tôi nhất mực kính trọng, người thổi bùng lên tình yêu đốivới ngôn ngữ Anh trong tôi. Tôi vẫn nhớ câu chuyện thầy đuổi thẳng cổ một cậu bạn lớp bên ra khỏi lớp chỉ vì mặc quần bò……đi dép lê, thế mới biết làm thầy đâu chỉ có dạy kiến thức. Ngày ấy tôi có một quyển to nhất lớp, nặng 3-4kg, ngày nào đi học tiếng Anh cũng vác trẹo cả lưng. Thầy nói “Thấy vác từ điển khổ không, đấy,những điều mà ta không biết nó còn nặng hơn thế ngàn lần, nó sẽ kéo ta chĩu xuốngmặt đất nếu ta không chịu học, học đi, đến khi nào mà đọc thông viết thạo mà không cần đến quyển từ điển này nữa thì lúc đấy là tạm được rồi đấy”. Rồi ngày ấy cũng đã đến. Lời khẳng định của thầy năm nào “Tự học là quan trọng nhất, là phương pháp học tập giúp chúng ta tiến xa nhất” chính là sự động viên vô cùng quý trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi những năm về sau.
Tôi nhớ tới các giảng viên của tôi ở trường Đại học, những người đã hình thành một cậu sinh viên năm nhất ngày nào ý niệm về những người trí thức thời đại mới. Mười hay hai mươi năm nữa, tôi sẽ vẫn nhớ dáng đi nhẹ như bay, tay phải ôm nhẹ lấy tay trái của cô Đỗ Thị Mỹ Dung, người dạy tôi môn Reading trong hai năm đầu tiên. Tôi nhớ diện mạo như lãng tử của thầy Đoàn Huân, nhớ kiểu tóc cắt ngang “mái ngố” của cô Đinh Minh Thu, nhớ nụ cười cực duyên của cô Vân Tiên, nhớ sự gần gũi và chân tình của thầy Tạ Nam - nhớ phong cách Tây Phương của thầy Lê Đức Mạnh, nhớ sự hiền hoà của cô Phạm Kim Nhung, nhớ sự trẻ trung hiện đại của cô Đỗ Thuỳ Linh,và tôi thề là tôi vẫn sợ cô Đỗ Kiểm- cùng với nỗi sợ không được làm khoá luận vì nộp đề cương muộn. Sợ nhưng tôi vẫn quý mến cô, người dạy tôi bài học để đời về“đúng giờ” trong học thuật. Có phải vì thế không, mà luận văn thạc sỹ sau này tôi phải làm xong trước hạn rất lâu vì sợ nộp chậm. Họ là những người thầy cô hình mẫu của câu châm ngôn mà tôi rất yêu thích“Phúc hữu thi thư khí tự hoa” (Người có sách ở trong lòng thì tự phát tiết ra ngoài).Thật sự là tôi vẫn thích nhìn ngắm các thầy cô tôi hơn là nhìn các doanh nhân thành đạt đi xe đẹp xài hàng hiệu tràn ngập các mặt báo bây giờ.
Tôi vẫn tự nhắc nhở mình bằng câu chuyện mà thầy Duynh trưởng khoa đã kể cho chúng tôi ngày ra trường: câu chuyện về chiếc đồng hồ Liên Xô không nên dán mác Nhật. Hãy luôn là chính mình, sống thật bằng chính khả năng củamình, đừng chạy theo tem mác.
Mỗi năm cứ đến ngày này, ngày của Nghề Cao Quý, tôi lại thèm được bé lại, được về lại trường xưa, được thầy cô mắng mỏ, quở trách như thưở nào vì cuộc đời đã dạy cho lũ chúng tôi biết rằng những người nghiêm khắc với mình nhất, dữ dội với mình nhất chính là những người yêu thương mình nhất. Cuộc sống bộn bề làm cho chúng ta đôi khi quên nhiều thứ lắm, nhưng xin hãy đừng quên những người thầy xưa. Nếu cuộc đời ta là một bức chân dung, mỗi người thầy người cô củachúng ta chính là những nét vẽ quan trọng nhất. Với tôi, tôi vẫn để dành một góc trang trọng nhất trong kí ức của mình đã ghi nhớ tên đầy đủ những người thầy của mình, từ những năm mẫu giáo đầu đời cho đến người thầy hôm qua vừa quát tôi trên lớp. Nhớ để thương, nhớ để không quên nguồn cội của chính mình.
Làm nghề Cao Quý muôn đời là khó, trong xã hội nào cũng khó,vì Tầm phải thật Cao, Tâm phải thật Quý mới làm được. Nhiều người nghĩ rằng đơn giản chỉ là học vài năm lấy tấm bằng sư phạm là đã thành Thầy ngay, thật không phải vậy, có những người dạy cả đời sẽ vẫn chỉ là “thợ Dạy”,và cũng có những người chỉ dạy một tiết trong đời cũng đã là Thầy. Tôi thật may mắn vì trong hai mươi năm đi học, đều được những người Thầy chân chính dạy dỗ,chứ không phải học các thợ Dạy như bây giờ đâu đó báo chí đăng tải. Phải những ai đã từng đứng trên bục giảng mới hiểu được niềm hạnh phúc vô bờ của nghề đi gieo mầm tương lai. Hạnh phúc khi nhìn thấy những ánh mắt long lanh đang chăm chú dưới kia, hạnh phúc khi nhìn thấy những học trò như chim tung cánh bay vào cuộc đời lớn rộng.
Sự vinh quang của nghề Cao Quý giản dị vậy thôi….
Một lời tri ân đến những người Thầy đã đi qua cuộc đời tôi nhân ngày của Nghề Cao Quý.
Viết nhân mùa khai trường thứ 20: HỌC ĐỂ LÀM GÌ??
Viết nhân mùa khai trường thứ 20: HỌC ĐỂ LÀM GÌ??
Hôm nay, 5/9/2013, ngày khai trường lần thứ 20 của mình (mặc dù ở Vietnam người ta phải khai giảng sớm để chạy cho kịp chương trình, còn bên này thì hình như chẳng có khai giảng, chỉ có cái gọi là Enrollment Day – Ngày nhập học – nhận lớp, nhưng mình vẫn luôn mặc định ngày này là sự khởi đầu của một năm học mới).
Và vẫn luôn tự hỏi và đi tìm câu trả lời một câu hỏi quan trọng:Học để làm gì???
Nhớ lại…..
Chuẩn bị vào cấp 1 (lần đầu tiên hỏi phụ huynh):
Con: Mẹ ơi, mai con sắp phải đi học ạ, nghỉ hè thêm được không, con thích ở nhà hơn, mà học để làm gì hả mẹ???
Mẹ: Phải đi học chứ con, các bạn con đều đi học, con phải đi học để biết chữ, để trở thành người tốt,thành người hiểu biết.
Sau mới biết mẹ trả lời chưa đủ: Một số người còn biết chữ trước cả khi đi học, báo đài đăng nhiều; và có cả những người, học hành không đếnnơi đến chốn thậm chí chưa bao giờ đi học, họ vẫn là những người rất tốt và cũng rất hiểu biết.
Thật vậy, hầu hết chúng ta đều đi học, dù là 1 năm hay 12 năm hay cả cuộc đời nhưng có lẽ ít người dành thời gian mà tự định nghĩa cho nghiêm túc một điều vô cùng quan trọng: Học để làm gì???
Mỗi người có một cách trả lời riêng nhưng với mình, hình như đó mỗi câu trả lời chỉ nói một ý, chưa bao quát hết được ý nghĩa to lớn của sự học.
Rất nhiều người nói học để làm giàu, nhưng thực tế nhiều người giàu có mà không hề qua trường lớp, hoặc một số người khác vì may mắn (trúng độcđắc chẳng hạn) đột ngột trở nên giàu có mà chẳng cần phải học. Và cũng có rất nhiều người học nhưng cũng chẳng giàu. Nhưng lại có rất nhiều tỷ phú đã rất giàu có nhưng vẫn tiếp tục học? Vậy học để làm gì?
Khẩu hiệu ở Vietnam nói: Học để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc,để ngày mai lập nghiệp. Vậy thì những người không quốc tịch (stateless) thì không cần phải học rồi, bởi vì họ đâu có Tổ Quốc nào đâu để xây dựng và bảo vệ.Và nhiều người nghỉ hưu và thành đạt họ vẫn tiếp tục học, mặc dù họ đã lập nghiệp xong rồi? Vậy học để làm gì?
Một số thầy cô giáo nói: Học để sau này có nghề nghiệp, có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Vậy thì thôi, mai sẽ nghỉ, không học nữa, vì mình đã có nghề nghiệp rồi, thu nhập tốt rồi. Thế mà bao nhiêu người vẫn theo học các lớp vừa học vừa làm? Vậy học để làm gì?
Trong trại cải tạo nói: Học để hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt. Nhưng vẫn có người thụ án chung thân (có thể sẽ không bao giờ trở lại thành công dân nữa), thậm chí chờ ra pháp trường (có thể sẽ không bao giờ trở lại làm người nữa), vẫn tiếp tục học. Vậy học để làm gì?
Mình nói: HỌC ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO –ĐƯỢC GIẢI THOÁT
(Learning sets you free from many things. At least, it gradually sets you free from what you haven't known )
Thật vậy, suy cho cùng, cái đích cao nhất của sự học là mang lại cho chính chúng ta tự do hoặc nhiều tự do hơn trong cuộc sống này.
- Ngày bé, nếu bạn học được cách tự rửa tay, bạn sẽ không cần mẹ giúp
(When you were a young boy/girl, learning how to wash your hands properly sets you free from your mom’s help to do that)
- Nếu bạn học và biết lái xe, chắc chắn không thể làm giàu ngay được nhưng sẽ làm cho bạn không bị ràng buộc bởi người tài xế.
(Learning how to drive sets you free from drivers)
- Nếu bạn học và kiếm được tiền, thậm chí làm giàu được từ những gì bạn học, bạn sẽ không bị rang buộc bởi sự đói nghèo, thiếu thốn.
(Learning how to make money sets you free from poverty)
- Nếu bạn học và thông thạo ngoại ngữ, bạn sẽ không bị ràng buộc bởi những cuốn từ điển và những người phiên dịch
(Learning a language sets you free from translator and dictionaries)
- Nếu bạn học chơi một nhạc cụ, chắc khó mà làm giàu được hay đảm bảo bạn là một công dân tốt, nhưng chắc chắn làm cho tâm hồn bạn được giải thoát khỏi sự nhàm chán và mệt mỏi.
(Learning how to play the musical instrument sets your soul free from boredom and tiredness)
- Nếu bạn học được cách kiên nhẫn, bạn sẽ được giải thoát khỏi những quyết định sai lầm vội vã
(Learning how to be patient sets you free from wrong decisions made in a rush)
- Nếu bạn học được cách chấp nhận cuộc sống, bạn sẽđược giải thoát khỏi sự thất vọng, bất mãn
(Learning how to accept the way your life is going on sets you free from disappointing moments)
Nói chung, với mình, học là phương tiện ngắn nhất để tìm kiếm tự do, có thể là tự do cho một cá nhân hay cho cả một dân tộc. Đó là lý do ta rất nên đi học, và càng cần phải học khi thấy cuộc sống của mình còn thiếu thốn những sự tự do cần thiết.
Còn bạn, bạn đang học để làm gì????
Southampton, Vương Quốc Anh ngày 05/09/2013
Hoàng Huy.
"Thôi, xin đừng là Nhất!!!"
Thôi, xin đừng là Nhất!!!
“Người Việt Nam hạnh phúc nhất thế giới” --------------------“Chuẩn!”
“Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta”--------------“Chính xác!”
“Tàu ngầm Việt Nam mới mua chạy êm nhất thế giới”-------“Quá tuyệt!”
“Việt Nam sở hữu đoạn đường đắt nhất hành tinh”---------“Thật tự hào!”
Còn một tỷ thứ nhất nữa mà chúng ta có thể dễ dàng thấy nhan nhản trên các mặt báo nước nhà mỗi ngày. Nên vui hay nên buồn nhỉ?
Phải vui chứ, vui vì dù thực tiễn cuộc sống có gian khó như thế nào, thóc cao gạo kém ra sao, xăng có tăng, Biển Đông có căng, các cháu mầm non bị đánh đập có kêu gào, thì anh chị em báo chí vẫn chịu khó biết cách động viên nhân dân bằng một tinh thần lạc quan hiếm có, có lẽ cũng nhất thế giới luôn.
Nhưng có lẽ ngoài tôi, rất nhiều người Việt “chưa chịu ngủ” cũng sẽ tự đặt hỏi rằng: Thực sự, chúng ta đang Nhất, hay Chúng ta đang Mất?
Thật vậy, căn bệnh ham là số 1, ham là Nhất của người Việt ta đang bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong cái môi trường ẩm mốc, nồng nạc mùi phân gio của nền báo chí lá cải.
Và chính cái bản tính ham là Nhất đấy đang làm cho chúng ta mất, và mất rất nhiều.
Cái đang dần mất lớn nhất là mất đi cái bản lĩnh của dân tộc: bản lĩnh dám nhìn vào sự thật, vào hiện thực khách quan đang ngổn ngang, suy thoái để mà đứng dậy. Phải chăng cuộc sống gian khó của đất nước đã làm cho chúng ta quen với nửa cái bánh mỳ một bữa và học luôn cách chấp nhận một nửa sự thật để đổi lại nửa cái bánh mỳ ấy? Đắng lòng.
Có ai tìm hiểu vì sao hài kịch Việt Nam luôn thu hút khán giả đông nhất? Vì rằng đời sống của chúng ta đang thực sự thiếu những nụ cười nhất.
Có ai tìm hiểu vì sao “cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất” thế giới? Vì rằng ở Việt Nam tội phạm nguy hiểm nhất luôn biết cách che đậy giỏi nhất và trốn vào những nơi khó bắt nhất.
Chúng ta mê muội với những cái Nhất, tôn thờ số 1 như một vị trí thần thánh mà không thèm quan tâm đến giới tính của đám Nhất đó: Nhất thật, Nhất giả, hay Nhất lửng lơ mặc cho chúng ngày đêm đốt cháy tầm nhìn của đất nước???
Thi Toán quốc tế rất nhiều giải Nhất nhưng đất nước vẫn thuộc diện nghèo nhất?
Một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất nhưng gạo bị ép giá rẻ nhất?
Giá ô tô đắt nhất nhưng đường xá tồi tệ nhất, tai nạn giao thong nhiều nhất?
Lương gần như thấp nhất nhưng tỷ lệ dân chúng chịu chi chơi hàng hiệu cao ngất?
Viêt Nam thuộc nhóm nước chi cho giáo dục nhiều nhất nhưng tỷ lệ sinh viên ra trường không làm được việc chắc gần nhất?
Thế đấy, và mỗi ngày, đám báo chí vẫn không ngừng phục vụ, chiêu đãi nhu cầu AQ tinh thần cho một bộ phận đông đảo dân chúng “đang ngủ” bằng một nổi lẩu Nhất (không phải Nhất Ly nhé!!!)
Nếu giả sử mỗi chúng ta là một con số, thì điều tồi tệ nhất không phải là ta là số âm hay số dương, mà tệ nhất là không biết giá trị đích thực mình là số mấy, không biết mình đang đứng ở đâu trong cả dãy số.
Một con người không biết mình đang đứng ở đâu, anh ta sẽ không thể biết đi về đâu.
Một đất nước không tự biết mình đang như thế nào, một ngày nào đó sẽ mất hết lòng tự hào.
Gần đây, nước ta lại còn nhăm nhe soán ngôi một số cái Nhất của người anh em Bắc Triều Tiên, có người còn mơ “bao giờ ta mới được như họ”. Chết thật, “anh em” mà chẳng biết nhường nhịn nhau. Thằng em phương Bắc nó còn có mỗi cái “Quốc gia Chí Phèo nhất và dân khổ nhất thế giới” mà cũng đòi đua tranh với nó. Tội!
Giá như có một ngày nào đó, những cái Nhất của Việt Nam được dọn lên bàn tiệc, tôi sẽ chỉ xin được gắp ba món:
Việt Nam là đất nước dân chủ nhất.
(Có dân chủ nhất tự nhiên sẽ có văn minh nhất)
Việt Nam là đất nước ít tham nhũng nhất
(Ít tham nhũng nhất rồi sẽ có ngày giàu có nhất)
Và người Việt Nam đoàn kết, yêu thương nhau nhất.
(Đoàn kết nhất chắc chắn sẽ vững mạnh nhất)
Cơ mà thôi, gắp được ba món ấy có khi tôi lại trở thành Kẻ hoang tưởng nhất thế giới, hihi!
Vậy thôi xin, đừng là Nhất nữa, Việt Nam ơi!
“Này, anh đang sống chết vì cái gì đấy?”
“Này, anh đang sống chết vì cái gì đấy?”
Kính tặng chú Phong Trần, cô Hoàng Kim Hợp và tất cả những con người đã dám dũng cảm ra đi....
Đã bao giờ có ai hỏi bạn câu hỏi ấy chưa?
Một câu hỏi có vẻ ngắn nhưng có lẽ phải đi cả một chiều dài cuộc đời mới biết đích xác được câu trả lời. Câu trả lời đấy khó lắm. Phần vì mỗi người mỗi khác, phần vì chẳng mấy ai dám trả lời thành văn, và cũng chẳng mấy ai dám trả lời thành thật, và còn một loại nữa, đó là loại không biết mình đang sống chết vì cái gì.
Có một ông quan nọ, đang có chiều hướng đi lên, nằm trong diện quy hoạch này nọ, không may có bà chị buôn thúng bán bưng không may đổ bể, đến cửa nhà ông nhờ giúp đỡ, lo sợ chủ nợ đến tìm. Tiền ông đầy, ông cũng chẳng tiếc, nhưng ông vẫn xua chó ra, nói người làm ra khi cáo bận, khi cáo ốm. Ông sợ cái vẻ lam lũ khổ sở của bà chị gái đáng thương kia sẽ bám bụi vào cái chân ghế của ông, dính bẩn vào lý lịch của ông nhất là khi ông đang ôm mộng một cái ghế to hơn.
Ông không nói ra đâu, nhưng ông đang sống chết vì cái ghế.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn. Thương ông!
Có anh béo nọ, hay lắm, cứ hễ ngồi được vào bàn ăn 5 phút là anh ta chuyển chủ đề sang Từ thiện. Anh ta nói hay đến lạ, nào là phải phát tâm thiện nguyện cho đồng bào nghèo khó, nào là phải cúng dường tam bảo làm sao….Anh nói say sưa, sùi cả bọt mép, nói thâu đêm suốt sáng được, miệng anh nói, tay anh gắp liên hồi. Tài thật! Đám bạn nhậu há hốc miệng ra mà nghe, mà nuốt lấy từng lời vàng ý ngọc. Anh kể đoàn từ thiện nào cũng có mặt anh, anh không quên lôi ra bao nhiêu ảnh chụp anh tháp tùng các ông lớn đi thiện nguyện như để dẫn chứng. Ấy thế mà khi thanh toán hoá đơn cho nhà hàng, đố tìm thấy anh ở đâu. Bất quá thì khi không chuồn được, anh hôm đau bụng, hôm quên ví, hôm cười trừ trống lảng. Cái đám há hốc miệng kia móc hầu bao ra mà trả.
Anh không nói ra đâu, nhưng anh đang sống chết vì cái danh “nhà từ thiện”.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn.Thương anh!
Có một bà chủ nhà hàng nọ, lớn lắm,có cái tài kiếm tiền rất giỏi. Nhà hàng của bà đông nườm nượp, kẻ đứng kẻ ngồi,đếm không xuể. Tiền bà đếm nhiều hôm mỏi tay vẫn chưa hết. Một hôm đám nhân viên đến 1 giờ đêm chưa được về vì bà đếm thấy thiếu mất 1 đồng xu, thiếu đúng 1 xu nữa là đủ 4 vạn đồng. Thiếu 1 xu ấy là chỉđược 3 vạn 9 nghìn mấy. Bà sẽ không ngủ được. Bà căn vặn từng đứa, mắt bà long lên sòng sọc, mặt đỏ tía tai rồi cuối cùng 1 xu ấy tìm thấy dưới kẽ khuất của ngăn kéo bà mới thôi. Lạ cái là cuối tuần trả lương cho đám thợ, thỉnh thoảng bà lại quên mất, nên 100 chỉ còn có 90. Đám thợ hỏi, bà cãi bay, chửi bọn này bố láo, bà mà lại thiếu tiền của chúng mày ah?
Bà không nói ra đâu, nhưng bà đang sống chết vì tiền.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn. Thương bà!
Còn tôi, 25 tuổi, bỏ làng bỏ nước mà đi. Dân làng kẻ chửi tôi tham tiền, kẻ trách tôi hám danh chưa về. Chẳng phải,tôi đi tìm cái mà tôi thấy nước tôi chưa có. Nước Nam nay có thiếu gì, xe đẹp nhiều đến mức tắc cả đường, nhà cao tầng nhiều đến rách cả trời, gái đẹp nhiều đến mức rách cả báo mạng, thiếu cái gì mà thiếu? Ấy mà có đấy, thiếu cái mùi thơm của sự tự do. Khi người ta ở giữa bốn bức tường kín, không cửa sổ, người ta không ngửi được cái mùi nào khác ngoài cái mùi chật chội, ẩm mốc của sự tù túng, và dần ở lâu trong đó, người ta quen, thôi không kêu nữa. Tôi thấy ấy là nguy. Tôi chả mấy tin vào kiếp sau, nên tôi nguyện sống cho trọn cái kiếp này trong TỰ DO.
Tự do không phải là không bị giam giữ, tù đày như dân mình vẫn hiểu. Tự do không phải là nghe nhạc to không ai nói, hói cả đầu không ai chê. Với tôi, tự do là khi đít không bị dính vào một cái ghế nào cả, cổ không bị chĩu nặng xuống vì chữ Danh, và tay không bị mỏi vì “phải” đếm tiền. Tự do là đi xuyên qua dãy phố đông người khi trong túi không có xu nào hay trong túi có rất nhiều tiền vẫn thấy bình thản, điềm nhiên. Tự do là không phải nói và làm những điều mình không muốn, phải tung hô- phải theo đuổi những điều mình biết rõ là sai, là không có thật.
Ghandi, nhà hiền triết, cha đẻ của đất nước Ấn Độ đã nói “Freedom is just the state of mind” (Tự do chỉ là trạng thái của tinh thần) hay Janis Joplin, một nhạc sỹ người Mỹ thế kỉ 20 nói rằng “Freedom's just another word for nothing left to lose” (Tự do chỉ là nói cách khác là không có gì để mất).
Đúng cả!!! Thường con người khi sinh ra và chết đi đều là tự do, chỉ có đoạn giữa hai điểm đầu cuối ấy mà chúng ta hay gọi là đường đời, người ta lại hay vì cái này hay cái khác, bằng cách này hay cách khác, tự đánh mất đi sự tự do đáng quý của chính mình.
Tôi không nói ra đâu, nhưng tôi đang sống chết vì TỰ DO.
Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn!
Còn bạn, bạn đang sống chết vì cái gì?
Câu chuyện quả núi của Bố và bài học về Phát triển.
Dạo này, trong những cuộc điện thoại về Vietnam nói chuyện với Bố, mình hay than vãn rằng: “Con thấy hình như gần đây con chẳng PHÁT TRIỂN gì cả? Cứ quanh quẩn, đi học –đi làm;trong khi bạn bè ở Vietnam có vẻ như đang đi lên, công việc tốt, thu nhập tốt,tương lai nhiều hứa hẹn. Con thấy hơi chán chán với chính mình.”
Và thế là mấy hôm trước, Bố có gửi cho mình tấm ảnh này qua Facebook; với mọi người có lẽ đây sẽ chỉ là một tấm hình bình thường nhưng với mình lại chứa đựng những thông điệp rất đặc biệt mà chỉ có lẽ chỉ có hai bố con hiểu với nhau.
Cả cuộc đời của bố mình là những chuỗi ngày bươn chải và lao động không ngừng nghỉ, từ thời trai trẻ trong chiến tranh làm lụng phụ giúp ông bà nuôi gia đình cho đến sau này ra nước ngoài và công tác. Thực sự, bố là một người ít ngơi nghỉ và ham thích sự đổi mới. Bố luôn tự đặt ra những mục tiêu PHẢI đạt được trong gia đình cho từng năm, và trước Tết sẽ nhìn lại xem năm qua chúng ta đã có những cái gì mới. Kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước mình thì thường là vạch ra rồi để đấy, kế hoạch của Bố thì khác : vạch ra là phải có, phải chắc chắn có.
Từ ngày nghỉ hưu và rút lui dần khỏi kinh doanh, công việc cũng bớt dần Bố trở về với vườn cây yêu thích. Bố kiên trì đưa những tảng đá to, hòn đá nhỏ lên, gắn ghép, vuốt nặn để hình thành lên những ngọn núi nhân tạo ngay trong vườn nhà, tạo nên những cảnh quan lạ mắt. Và quả núi bên trong bức ảnh chính là công trình năm nay của Bố, sự đổi mới trong không gian sống mà Bố đã dày công kiến tạo. Còn có cái mới là còn phát triển, năm nay Bố vẫn phát triển. Người ta thường nghĩ phát triển là gắn với con số, với doanh thu, với tài sản, nhưng Bố của mình thì đưa ra một định nghĩa phát triển trực quan và gần gũi hơn nhiều: Quả núi mới đắp.
Mình đã hỏi: “Sao Bố không làm gì khác, mà lại đi đắp núi?”Bố trả lời bố muốn để lại những kỷ niệm hữu hình sau này cho các con, quả núi thường được ví như hình ảnh người cha trong gia đình, ngay cả sau này khi bố không còn nữa thì những cái cây, quả núi này sẽ vẫn sống cùng với các con, nhìn thấy những quả núi này là vẫn như nhìn thấy bố. Hơn nữa những quả núi chứa đựng nhiều điều ý nghĩa mà theo thời gian sẽlàm cho các con hiểu. Và hôm nay thì mình đã hiểu.
Mình chợt nhớ lại những điều Bố vẫn nói trước đây khi hai bốcon đứng trước những quả núi Bố đã đắp lên.
Sự phát triển của con người cũng giống như sự phát triển của tạo hoá, một quả núi muốn vươn cao chạm trời mây thì cần có biết bao nhiêu năm tháng tích tụ đất đá, cần có biết bao như sự chuyển dịch cần thiết thì mới có một quả núi hiên ngang, sừng sững. Con người muốn thành đạt, muốn làm chủ được ước mơ của mình thì phải chịu khổ luyện, phải biết tích luỹ không ngừng và quan trọng là phải biết kiên trì mà chờ đợi cơ hội.
Thời cơ trong cuộc đời này cũng giống như mây trên đỉnh núi,núi muốn chạm được vào mây thì phải đủ cao, con người muốn chớp được cơ hội mà phát triển thì phải đủ Tầm. Và cái Tầm đấy thì cần phải qua năm tháng, học tập,và đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống thì mới có thể đạt được. Núi muốn vươn cao thì chân núi phải vững chãi, đó là vì sao những quả núi luôn có hình chóp nón.Người muốn tiến xa thì phải có nền tảng cơ bản: tài năng- đức độ- và bản lĩnh. Nếu không có chân núi thì sao có đỉnh núi.
Con người khi đã đạt đến đỉnh cao, đến vinh quang rồi, thì cũng giống như chinh phục được một ngọn núi. Nhưng hãy coi chừng, vì bên kia của đỉnh núi, thường là vực thẳm, nếu không cẩn thận là sẽ gục ngã, nhiều người không đầu hàng trong gian khó nhưng lại sụp đổ khi ở đỉnh cao; vậy nên càng phải học được cách dừng đúng lúc, học cách chấp nhận cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có. Hãy biết cho những tham vọng của bản thân nghỉ ngơi đúng lúc như lời Khổng Tử đã dạy.
“Biết đủ là đủ, chờ đủ đến khi nào được đủ.
Biết nhàn là nhàn, chờnhàn đến khi nào được nhàn”
Thật kỳ lạ là Bố hiếm khi hỏi xem mình kiếm được bao nhiêu tiền,đi chơi được những đâu nhưng Bố không bao giờ quên hỏi một điều trước khi kết thúc những cuộc nói chuyện. “Tuần này con có đọc thêm sách gì mới không, có học gì thêm ngoài trường lớp không???”. Hơn 150 tuần qua và hàng trăm cuộc điện thoại, không bao giờ thiếu câu hỏi ấy.
Theo Bố thì “Con sẽ chỉ thực sự không phát triển nếu như ngày hôm qua – ngày hôm nay – và ngày mai nữa đều na ná giống nhau, không có gì mới và không thu nhận được thêm điều gì. Sự dừng lại mới là kẻ thù của sự phát triển, còn sự tích luỹ-học hỏi qua thời gian chỉ là trạng thái tĩnh của phát triển.”
Cám ơn lời động viên – nhắc nhở sâu sắc của Bố. Con sẽ tiếp tụcđắp những quả núi của riêng con, sẽ kiên trì tích luỹ vươn cao để chạm đến những ước mơ của mình.
Viết cho năm học thứ 20: Chuyện học đàn.
"Được làm những gì mình thích là một niềm hạnh phúc"....chẳng biết ai đó đã nói với mình điều đó từ rất lâu rồi,nhưng mình vẫn luôn tâm niệm đó là một chân lý hiển nhiên đúng.
Và bỗng một ngày của tuổi 25, mình chợt nhận ra khoảng trời hạnh phúc của mình vẫn bị khuyết một miếng khá to khi một ước mơcủa mình từ hồi còn bé vẫn chưa thành hiện thực: biết chơi một loại nhạccụ.
Ngày bé, mặc dù bố đã từng chơi guitar và mẹ thậm chí chơi đàn bầu rất điêu luyện, có nhiều bạn bè là nghệ sỹ nhưng khônghiểu sao cái ước vọng chính đáng được học một loại nhạc cụ của mình nó bị vứt xó và đè bẹp không thương tiếc bởi cái vòng luẩn quẩn của nền giáo dục "tiên tiến" nước nhà: học - lên lớp - chuyển cấp - học - lên lớp.
Cái ước mơ học đàn của cậu học sinh tiểu học ngàynào bị bầm dập và vùi trong quên lãng.
Và năm nay, khi đã học đến cái cấp không còn lớpnào để lên nữa, mình đã quyết định việc học đàn trở thành một trong “NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY”. Đúng là phải ngay và luôn vì không nhanh thì tuổi trẻ sẽ qua đi trong một sự tiếc nuối không hề nhỏ: vẫn chưa biết chơi đàn và mãi mãi không biết chơi đàn. Tiếc nuối vì những điều mình có thể đã làm được nhưng không làm là một sự tiếc nuối khó tiêu tan theo thời gian. Người ta thường hay nói, nếu bạn muốn làm điều gì đó mà cho đến tuổi 25 bạn vẫn chưa làm, chưa thử, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được. Và mình thì không muốn thế.
Thích mê Canon in D, Song from a secret garden và rất nhiều giai điệu không lời mê ly nữa, mình đã chọn Violin- nữ hoàng của dàn nhạc giao hưởng, âm thanh du dương nhất và cũng gần như là khó nhất. Chinh phục những điều khó khăn và có nhiều thách thức luôn làm cho mình cảm thấy rất hưng phấn và cuốn hút. Cái khát khao tự chơi được một bản nhạc yêu thích hình như bây giờ đã cao lớn hơn cả cái tuổi 25 của mình.
Nhiều khi đi làm bước nhanh qua những người nghệsĩ đường phố chơi đàn trong bến tàu điện ngầm London, bị cuốn theo những giai điệu cuộc sống tươi đẹp mà họ đang cống hiến cho cuộc đời, thấy tâm hồn mình có khi còn nghèo hơn số tiền lẻ trong cái mũ của họ.
Sự nghèo khó về vật chất luôn dễ giải quyết hơn sự nghèo đói về tâm hồn. Khi tâm hồn ta nghèo đói, ta thèm lắm một cuốn sách hay để đọc ngấu nghiến, ta khát khao một bản nhạc hay để làm dịu mát những ưu sầu. Đó là những người bạn luôn bên ta và chắc chắn chẳng bao giờ bỏ ta, kiên trì dẫn đường ta đến những bờ vui, đi qua nuỗi buồn mà chẳng bao giờ đòi hỏi trả công.
Người ta chỉ thực sự trở nên giàu có khi nào với họ chuyện có nhiều tiền hay không có xu nào đều không còn quan trọng nữa. Và dường như âm nhạc là một trong những con đường ngắn nhất đưa con người ta đạt được đến tuệ giác ấy. Khi một đại gia hay một anh hát rong chơi đàn, họ đều bình đẳng vì họ đều là những người yêu nhạc, là những nghệ sĩ, tiền bạc – quyền lực rớt xuống, và tiếng đàn ngân lên.
25 tuổi, đã quá muộn để trở thành một nghệ sĩ hay một người chơi violin xuất sắc, nhưng muộn còn hơn không, ít nhiều mình cũng sẽ cố để chơi được những bản nhạc mình thích, chơi không vì biểu diễn mà chơi cho chính mình, cho tâm hồn khát của mình, ít nhiều mình cũng sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì chưa thử làm một điều mình thích.
Những thanh âm diệu kỳ từ cây đàn cuốn mình bay lên khỏi những lo lắng, toan tính, vất vả của cuộc sống vật chất hiện đại đến với một cõi riêng. Ở cõi ấy, ta sẽ gặp Bach, gặp Mozart, gặp Trịnh và gặp muôn triệu những tâm hồn yêu nhạc của bao đời.
Âm nhạc tự bao giờ đã làm được, làm một cách xuất sắc điều mà các nhà ngôn ngữ học chưa bao giờ làm được: làm cho cả thế giới hiểu nhau bất kể màu da, sắc tộc; làm cho hiện tại hiểu quá khứ, làm cho nỗi buồn hiểu rằng đời còn nhiều niềm vui………..
Hôm nay, cầm vĩ lên chơi xong bài Amazing Grace chợt nhận ra trong lòng mình cũng đã thấy một chút gì đó “amazing happiness”…..
Thư gửi vợ tương lai: Nếu có con, đừng ép con anh phải là thần đồng, em nhé!
Em yêu.
Người ta vẫn nói đứa con là kỳ quan tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban cho những người được hạnh phúc làm cha làm mẹ. “Của để dành” vô giá ấy là công trình vun đắp, dạydỗ của chính chúng ta qua năm tháng. Nếu một ngày nào đó, con chúng ta ra đời,anh và em hãy cùng là những người dẫn đường cho con, một con đường không cần phảilà tốt nhất, chỉ cần đúng và phù hợp và quan trọng hơn cả là do chính con lựa chọn, em nhé. Tuyệt nhiên, đừng đánh cắp tuổi thơ và ép con anh phải làm Thần Đồng, em nhé.
Em hãy cứ yên tâm cho con đọc truyện tranh như lứa chúng ta đã từng háo hức từng ngày đón chờ mỗi tập Doremon, Conan như thời thơ bé; đừng lo con mình bị "sâu mọt tâm hồn". Bởi lẽ hàng triệu đứa trẻ Vietnam và trên toàn thế giới đã lớn lên cùng những kỉ niệm ấu thơ ấy. Đó là ngọn nguồn của trí tưởng tượng là những nếp gấp tư duy đầu đời của mỗi đứa trẻ; là mảnh ký ức đẹp lung linh không thể tách rời của tuổi ấu thơ. Đừng ép con phải đọc , phải dịch truyện tiếng nước ngoài trong khi con đang vẫn còn mê say những tiếng cười thơ ngây như trong Thần đồng Đất Việt, vẫn còn ham chơi đuổi bắt cùng chúng bạn.
Em thấy không, chúng ta có cả một cuộc đời để theo đuổi những gì ta muốn, để phấn đấu vì những mục đích riêng của mình: để thành danh, để hạnh phúc, để nổi tiếng hay đơn giản chỉ để là một người bình thường NHƯNG gia tài thời gian của chúng ta chỉ có vỏn vẹn vài năm ấu thơ để nhìn cuộc đời với ánh mắt sáng trong, vô tư, để "thả diều, đá bóng, bắt cá giữa đồng"... Ngắn lắm! Đừng phí phạm nó để rồi sau này, lúc có được tất cả lại gào thét lên những điều không thể: Cho tôi một vé đi tuổi thơ....
Anh không muốn con như thế.
Anh rất tâm đắc một câu mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói "Không phải cũng có khả năng giành được giải thưởng Fields hay giải Nobel, nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa”. Thật vậy, trí thông minh là món quà của tạo hoá, may mắn là phần thưởng của số phận, nhưng quyền được sống cho chính mình,theo cách của mình là một quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người. Chúng ta cũng cần phải học cách tôn trọng quyền lựa chọn của con như bố mẹ đã tôn trọng chúng ta bây giờ. Con anh sẽ không nhất thiết phải cố nhồi cho đủ 3 môn nó không thích hoặc không có khả năng để rồi thi đại học trở thành một ông/bà Cử nhân hay một chức phận gì đó. Con có thể là một người thợ làm bánh hay một hoạ sỹ hay bất kỳ điều gì nó mong muốn miễn là lương thiện. Tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình- đó là điều mỗi chúng ta đều phảilàm, và con cũng không là ngoại lệ.
Tâm hồn trẻ thơ sáng trong vô ngần, nhưng cũng không dễ gì bị "sâu mọt đục khoét" nếu được nuôi dạy và bảo vệ đúng cách từ phía người cha người mẹ. Nhưng một số ông bố bà mẹ lại đang biến chính những đứa con thương yêu của mình thành phương tiện để chạy đua theo trào lưu “khoe con”, thậm chí khoe giữa công luận. Họ thèm khát đến mù quáng cái danh hiệu “Thần Đồng”, sung sướng đến mụ mẫm khi con cái được gọi là “hiện tượng”. Be bé thì khoe con tôi 1 tuổi đã biết nói, biết hát karaoke, thuộc hết bảng chữ cái tiếng Anh tiếng Việt. Lớn lớn khoe con tôi 11 tuổi thi IELTS được 6.5, dịch được sách nước ngoài, hay con tôihát được 6-7 thứ tiếng, giỏi nhất là tiếng mẹ đẻ…..Như vậy để làm gì? Phải chăng là đổi sự bình yên của con trẻ lấy mấy tiếng trầm trồ xuýt xoa của người đời hay mấy bài báo tung hô rầm rộ của đám phóng viên đói tin thèm chữ? Có khác nào đẩy đứa bé non nớt ra giữa chỗ gió lùa của dư luận, mặc cho đưa đẩy, tung hô. Cái giá ấy rẻ lắm thay! Bằng cách ấy, xã hội đang ra sức nhào nặn đại trà những người khổng lồ chân đất sét, luôn tưởng mình đang là cái rốn của vũ trụ,là tương lai, là đích đến của loài người. Giá trị của một con người chỉ có thể được đánh giá bằng những gì họ đóng góp cho xã hội chứ không phải là một nhúm thành tích cá nhân “từ hồi còn bé”.
Chúng ta vẫn cứ luôn già quá sớm và khôn quá muộn.
Thời đại chúng ta đang sống là kỷ nguyên công nghệ, nhịp sống hiện đại làm cho cha mẹ khó có thể dành nhiều thời gian bên con cái như mong muốn. Chúng ta có thể dạy cho con một số điều, và rất nhiều thứ con sẽ phải tự học và trải nghiệm; nhưng nhất định chúng ta sẽ không thể quên nhắc nhở con bài học về sự khiêm nhường. Sự tự tin, bản lĩnh, và sự chững chạc là những ưu điểm rất tốt, nhưng sự thiếu khiêm tốn lại là nấc thang ngắn nhất biến một người tài năng thành một kẻ tầm thường. Khen ngợi, khuyến khích là điều không thể thiếu trong sự phát triển của một con người, đặc biệt là trẻ em, nhưng dù sao chúng ta sẽ vẫn không xa rời “nguyên tắc 1 phút” với con: Không khen con quá 1 phút để con sinh tự kiêu, và cũngkhông trách mắng con quá 1 phút để con thấy tự ty. Nếu con có đạt được chút thành tích hơn người thì càng cần phải có sự nhìn nhận và định hướng đúng đắn từ cha mẹ thay vì giáo dục theo kiểu “no dồn chín ép”, chính cha mẹ lại thành fan cuồng của con.
Hơn tất cả, hãy để cho con được tận hưởng tuổi thơ và và sống đúng lứa tuổi củamình, đó là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con, anh không mong gì hơn thế.
Thôi thư đã dài, xin phép em anh dừng bút để đọc nốt cuốn truyện tranh rồi còn đi ngủ sớm, mai còn đi làm.
Yêu em.
Anh.
Khúc giao mùa lặng lẽ.
9 February 2013 at 17:50
Khúc giao mùa lặng lẽ.
Ngày cuối cùng của năm Rồng 2012 đã thức dậy thật sớm hôm nay, thúc giục những buồn vui, thăng trầm, sóng gió trong cả năm qua sửa soạn để chuẩn bị lên đường qua đi trong một vài giờ nữa. Uh, Nhâm Thìn sắp qua, sắp qua thật rồi, và đã nghe đâu đó quanh đây tiếng bước chân êm của Quý Tỵ 2013, gần lắm.
Sáng sớm nay, những nụ tầm xuân đang tranh thủ, háo hức khoe sắc chờ người đưa kẻ đón bên trong những khung cửa sổ siêu thị Việt trên đường Mare Street đã nhắc mình về mùa xuân thứ ba xa gia đình, xa Hải Phòng yêu dấu. Nửa muốn nán lại đứng ngắm trong giây lát để hít thở trong tâm tưởng người xa quê một chút không khí xuân quê hương, nửa muốn bước đi thật nhanh, thật nhanh trước khi nhòe đi nơi khóe mắt. Ngập ngừng......
Giờ này, có lẽ đào, quất trên đường Trần Phú , ở chợ Hàng chắc cũng đang rạo rực muốn được tỏa đi nốt về trong mỗi nếp nhà như sứ giả thiên nhiên báo hiệu nàng xuấn đã đến trên đất Việt, đánh dấu mùa đoàn viên bắt đầu.
Những nồi bánh chưng chắc cũng đã nguội lửa sẵn sàng cho bữa Tất niên cuối năm.
Những cơn gió mùa se lạnh của miền Bắc chắc cũng đã kịp lan đi khắp mọi nẻo đường để thổi bùng lên bầu một bầu không khí nồng nàn mùi Tết.
Những đứa con xa quê chắc cũng đã kịp bắt những chuyến xe cuối cùng để về bên gia đình;;;;;
.........Chỉ có mình, tốn đến ba cái Tết, mà chắc vẫn chưa quen được với cái cảm giác chếnh choáng, nao nao mỗi khi năm mới sang, chênh vênh mỗi khi trong phút giao thừa vẫn đang phiêu du đâu đó cách những thương yêu bảy múi giờ chậm chạp.
Mùa xuân dù diện gió mùa đông bắc của miền Bắc, hay xúng xính trong nắng vàng phương Nam thì cũng đều đã kịp đến thật rồi!
London vẫn yêu mình bằng một chút se lạnh gần đúng như hương vị của ngày Tết ở quê hương thân yêu. Thiên nhiên đôi khi thật hào phóng với lòng người. Vậy là quá đủ rồi....
Năm mới ơi, làm ơn hãy hãy nhét chật ních trong hành lý của người đủ đầy những bình an, may mắn, yêu thương; không cần quá nhiều đâu nhưng đủ để chia đều cho đồng bào tôi, quê hương tôi, gia đình bé nhỏ của tôi nơi phương trời xa ấy nhé.
Ngày mai ơi, nếu có nắng xuân, hãy đánh rơi dùm tôi xuống khoảng sân be bé dưới những tán lá sấu vài chùm nho nhỏ thôi để rồi dù ai nhặt nắng hồng ấy sẽ thấy ấm áp trong lòng như tôi chưa bao giờ ở xa.
Và đêm nay ơi, hãy bước thật khẽ và thật êm như một tên trộm, đúng, như một tên trộm tài danh, đánh cắp đi mọi nỗi buồn đã qua, dọn sạch sẽ đi những tháng ngày giông tố của 2012, nhường lại những khoảng trống thênh thang để những niềm vui, may mắn và yên lành của ngày năm mới ùa về, thật đầy và thật chặt.
Với mình, thêm một năm nữa đi xa, nhưng đi xa mãi mãi là để về gần........
Chúc mừng năm mới!!!!!!!
Ngày cuối cùng Nhâm Thìn 2012