2016
Đừng vô ơn...
Mình 8x - không biết chiến tranh là gì. Mình chưa từng đến Cuba, chưa từng được gặp Fidel Castro, chỉ đọc đủ đa chiều về ông và đất nước Cuba để có thể đánh giá tương đối khách quan về nhân vật này, công và cả tội (với đất nước của ông)
Ngày trước, Bố mình thường kể trong cuộc chiến tranh, có lẽ chỉ có Cuba là giúp đỡ Việt Nam thực sự chí tình chí nghĩa nhất, hoặc nếu là vì một động cơ nào đó thì cũng một động cơ yếu ớt chứ không vì lợi ích chính trị rõ ràng như Liên Xô hay trung quốc. Và với trẻ con Việt Nam thời đói kém ấy, chắc chẳng biết Cuba nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, nhưng chắc chắn biết rằng đường Cuba rất ngon....
Fidel chết, ở bên này bán cầu, dù chẳng liên quan gì nhiều, chẳng có dây mơ rễ má gì với cái xứ Mỹ La tinh xa xôi kia, nhiều người Việt tự nhiên có cớ chửi dân Cuba "ngu"- chịu đựng chế độ độc tài này kia, và dè bỉu những người đi xếp hàng đi viếng Fidel là ấu trĩ.
Uh, chúng ta thì thông minh lắm.
Dân Cuba vừa nghèo vừa ngu thế nhưng họ có nền y học nhiều thành tựu và chăm sóc sức khỏe người dân miễn phí đến Mỹ còn phải nể, còn người Việt Nam thì thông minh quá nên chết vì bệnh thì ít mà chết vì bệnh viện và viện phí thì nhiều, không có bệnh tự nhiên đi khám uống thuốc xong thành trọng bệnh.
Việt Nam giàu rừng vàng biển bạc nhưng cá thì không dám ăn, rừng thì sắp không còn để mà chặt.
Thế nên cứ nghe lời các cụ dạy:
"Chân mình dính phẩn rề rề
Đừng toan đốt đuốc đi rê chân người."
Đừng vô ơn, tập im lặng khi không cần ồn ào và tập tôn trọng cảm xúc khác biệt của người khác- không chỉ là phép lịch sự của một xã hôi văn minh, mà còn làm cho đất nước này bình yên hơn. Thật đấy!
SỰ TÍCH CANH CUA NẤU VỚI CỦ CẢI
SỰ TÍCH CANH CUA NẤU VỚI CỦ CẢI
Mấy hôm nay dân mạng lại được dịp lên đồng như mọi khi: cười cợt có, chửi rủa có, dè bỉu có khi một người chơi gameshow truyền hình "Ai là triệu phú?" chẳng may không biết El Nino là gì, và lỡ dại trả lời canh cua nấu với……………..củ cải.
Nếu bạn ấy mù chữ chắc ít người cười hơn, cái tội lớn nhất mà dân mạng tự kết án bạn ấy là.......làm kỹ sư ô tô mà lại dám không biết canh cua phải nấu với gì??? Ai cho ngươi cái quyền không biết một điều ai cũng biết như thế?
Mình không thấy bạn ấy có gì đáng buồn cười cả, vì đó đâu phải câu chuyện hiếm ngày nay, chẳng qua là lên TV thì thành câu chuyện cười thôi.
Mình chỉ thấy buồn cười là rất nhiều người quy kết đổ lỗi cho nhà trường, cho nền giáo dục này nọ, đổ lỗi cho những thứ vô cùng to tát vĩ mô mà thực ra nguyên nhân rất đơn giản, ngày nào cũng thấy.
Nhà trường không có trách nhiệm phải dạy canh cua phải nấu với rau đay, chỉ có bữa cơm gia đình dạy điều đó.
Giáo viên không dạy học sinh phải nấu cơm như thế nào, chỉ có cha mẹ sẽ dạy những điều đơn giản ấy.
Thế hệ canh-cua- nấu-với- củ -cải không phải đến 8x hay 9x -10x mới xuất hiện nhưng đặc biệt nở rộ ở thời gian này, khi ở các thành phố lớn cho tới các vùng thị xã phát triển, trẻ con đâu có còn được là trẻ con, mà đều đã biến thành ngựa đua, trong khi nài ngựa nhẫn tâm nhất không ai khác lại chính là các bậc phụ huynh.
Thế hệ này có những ông bố bà mẹ nghĩ rằng chỉ cần con được học sinh giỏi, chỉ cần con có bằng kỹ sư hay đại học gì đó là con 100% hạnh phúc. Bé ở nhà có Mẹ hoặc có người giúp việc, lập gia đình có người giúp việc; con cứ việc học, thế giới để bố mẹ và người giúp việc lo. Bữa ăn chiều của các em là những chiếc bánh mỳ - nắm xôi gặm vội trên yên xe bố mẹ chạy cho kịp giờ học thêm sau giờ học chính. Cảnh này là một trong những cảnh buồn nhất trên đường phố Sài Gòn mà mình thấy mỗi ngày.
Ở thế hệ này, chuyện biết luộc gạo thành cơm nhưng không hề biết nấu đến một món ăn ra hồn chẳng có gì hiếm. Và điều đáng buồn hơn cả, đó là: thế hệ này sẽ ngày càng đông đảo hơn khi tuổi thơ của các em đang bị các ông bố bà mẹ đổ xô bán rẻ cho những tấm giấy khen, thành tích trên trường lớp. Bởi lẽ, con không may mà học dốt, bố mẹ lấy gì mà khoe nhau, khi mà cái thời khoe nhà, khoe xe đang dần thoái trào, thì khoe con lại trở thành phong trào thời thượng. Lo tương lai con không thành đạt một, nhưng lo mình không thành đạt trọn vẹn lại là gấp đôi.
"Cháu nó có vào được Ngoại thương không? Sau này định làm cái Master ở nước nào....."
"Cái gì, chỉ học trung cấp nghề thôi ah, chết chết, sao anh chị lại để thế sao được...."
Đấy- chuyện đấy còn đáng cười gấp vạn lần canh cua nấu với củ cải.
Vốn sống của mỗi người ngoài kiến thức tường minh (knowledge) – những điều học qua sách vở và trải nghiệm (experience) – những điều tự thân trải qua thì gốc rễ đầu tiên vẫn là những điều thường thức những điều phần đông mọi người đều biết mà tiếng Anh hay gọi là “Common sense”. Và khi bản thân và môi trường giáo dục gần gũi nhất là gia đình rằng tự nhận định rằng không cần phải biết những điều tầm thường ấy thì sẽ chẳng bao giờ biết, dù là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Canh cua nấu với củ cải có khi vẫn còn ăn được, còn sự ích kỷ và sĩ diện mãn tính của các bậc phụ huynh nấu chung với sự thụ động ỷ lại của các con vàng con bạc thế hệ @ sẽ còn tạo ra một tương lai còn nhiều chuyện cười mà như khóc cho chính chúng ta. Thật đấy!
Hoàng Huy
TRUMP, BREXIT & CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA GIẤC MƠ THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG
TRUMP, BREXIT & CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA GIẤC MƠ THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG
Người ta sợ Trump thắng và rồi Trump thắng thật, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và để cả thế giới ngỡ ngàng vỡ mộng lần thứ 2 trong năm 2016 sau Brexit- cuộc ly hôn không nước mắt của nước Anh với EU. Thị trường tài chính lại được phen chao đảo sau một thắng lợi đi ngược lại với kỳ vọng của số đông những người....... không được quyền bỏ phiếu. Trump không hẳn là tốt nhưng là sự lựa chọn ít xấu nhất trong giỏ lựa chọn mới của người Mỹ lần này.
Tuy nhiên, trong chính trị không có sự lựa chọn Đúng hay Sai mà chỉ có sự lựa chọn thể hiện tính phù hợp với quyền lợi và mong muốn của quốc gia trong từng bối cảnh lịch sử.
Câu chuyện của hai cường quốc cách xa nhau ngàn dặm nhưng có lẽ đều cùng một căn nguyên gần gũi: một sự mệt mỏi đã được tích tụ dài lâu.
Họ chán phải đóng vai anh Hai anh Ba của một thế giới không bảo được nhau, nay can thằng này đừng oánh nhau nữa mai bảo thằng kìa dừng xung đột đi, và chỉ còn muốn được là chính họ - tập trung phụng sự chủ nghĩa dân tuý và lợi ích thiết thân ngắn hạn của người Mỹ người Anh.
Theo thống kê của BBC, khoảng 70% dân số Anh không cảm thấy thoải mái với có mặt của người nước ngoài trên đất nước của họ. Và có lẽ nhiều người Mỹ cũng cảm thấy rằng việc làm của họ đang bị xâm lấn bởi những người nhập cư đến sau cũng như trào lưu gia công ngoài Mỹ (outsourcing) vốn đang cực kỳ phổ biến.
Thế giới sẽ trách người Mỹ- Anh ích kỉ nhưng bạn có bao giờ tự hỏi mình: bạn có thực sự thoải mái không khi đọc đâu đó khu công nghiệp này khu chế xuất kia sử dụng 100% nhân lực trung quốc.
Một dân tộc hay một quốc gia cũng đều là những tính cách lớn mà trong đó dù ít nhiều cũng có phần ích kỷ. Và sự ích kỉ của chủ nghĩa dân tộc sẽ càng gia tăng khi quyền lợi bị xâm phạm. Sự ích kỷ càng trỗi lên thì càng có khả năng người ta co cụm lại để bảo vệ lợi ích bỏ qua những rào cản duy lý trí.
Cứ nhớ lại những hàng dài người Ba Lan, Hungary, Rumani và châu Phi xếp hàng lổn nhổn như chợ người ở khu Seven Sisters - London và sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào với giá £40/ngày trong khi lương cơ bản đang là gần £7/giờ, mình lại thấy thông cảm với sự ngao ngán của người Anh trước gánh nặng trên trời rơi xuống của họ và buộc lòng phải gạt nước mắt ra đi dù tổn thất không nhỏ.
Tương tự như vậy, nước Mỹ đang cần được thông cảm. Họ giống như một người khổng lồ đang hỏi mệt và cần được nghỉ ngơi để tìm lại chính mình. Mỗi ngày có bao nhiêu tỉ phú, doanh nhân thành đạt tiền cao như núi có ước mơ nhỏ nhoi là được về nhà ăn bữa cơm gia đình đơn giản và ngủ một giấc yên bình thay vì tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Nước Mỹ cũng đang như vậy. Mệt và cần hồi phục sức khoẻ.
Brexit và Trump giống nhau ở chỗ đều hút được phiếu từ số cử tri lớn tuổi, sống ở các vùng/bang kinh tế ít năng động hơn và có quan điểm bảo thủ hơn. Trong khi London, Birmingham hay New York, Washington DC.....nơi tập trung số lượng cử tri trẻ với quan điểm hội nhập mạnh mẽ hơn thì luôn nghiêng về những lựa chọn hướng ngoại hơn.
Người Mỹ đang khát khao một sự thay đổi, dù rằng chính họ cũng chưa hình dung hết bức tranh sẽ phải thay đổi như nào; nhưng có vẻ kết quả bầu cử cho thấy họ có niềm tin nhiều hơn vào một tổng thống có gốc con buôn nói được- làm được hơn là một chính trị gia đã quá lão luyện và dày dặn kinh nghiệm; và quả thật vẫn chưa đủ cởi mở để sẵn sàng cho một nữ tổng thống. "Make America great again" - Khẩu hiệu tranh cử của Trump "đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại một lần nữa" trở nên gần gũi với cử tri và thực tế nó đã chứng minh hiệu quả đến không ngờ. Với tính thực dụng cao độ của người Mỹ, mọi sự vĩ đại đều phải xuất phát từ nội lực, thay vì có mặt chỗ này chỗ kia trên thế giới giải quyết những vấn đề lợi ích xa xôi. Người dân họ thích giảm thuế, thêm việc làm.....- những lợi ích ngắn hạn ngay trước mắt hơn là những tầm nhìn- sứ mệnh quốc tế dài lâu của các chính trị gia.
Nước Mỹ sẽ đi về lo cho dân Mỹ - tập trung giải quyết những vấn đề nội tại còn tồn đọng của nước Mỹ, và để thế giới tự xoay xở những vấn đề riêng của mình. Và có lẽ cần phải thế.
Không chế độ và bộ máy chính trị nào có thể đời đời thịnh vượng, nếu như Obama đã đi vào lịch sử như một vị tổng thống uyên bác, chính trực, đầy nhân văn nhưng cũng đầy quyết đoán và dẫn dắt nước Mỹ đi qua khủng hoảng kinh tế tới những nốt thăng cao độ thì biết đâu giờ là đến lúc cho những nốt trầm xao xuyến của nhạc trưởng Trump.
Chưa chắc đâu, nhưng thế giới đang bước vào chu kỳ biến đổi mới. Đừng nghe chính trị gia hứa, hãy nhìn doanh nhân làm - phải chăng là thế?
Dù người dân Mỹ có bầu ai lên để phụng sự cho nguyên vọng của họ, thì cũng chúc mừng họ vì với một đất nước chưa đầy 300 năm lịch sử nhưng đã tạo dựng được một cơ chế dân chủ đích thực để chọn đầy tớ cho mình làm thế giới phải thao thức hồi hộp, hơn hẳn một số đất nước ngàn năm văn hiến nhưng phần đông nhân dân vẫn chưa tự trả lời được câu hỏi: thực ra mình đang làm chủ hay là còn chưa bằng đầy tớ???
Có một chút buồn: Trump thắng, TPP sẽ không còn được như kỳ vọng thậm chí sẽ sụp đổ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này, và Việt Nam sẽ lại lầm lũi đi tiếp con đường hướng về phương Bắc tối như đêm 30 của mình khi ngọn đèn le lói đằng xa chưa kịp loé sáng đã vừa vụt tắt. Thế thôi!
Hoàng Huy
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.
#USPresidentElection2016 #Trump #ThinkingaboutUS
NẮNG - MƯA & CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ NGƯỜI SÀI GÒN.
NẮNG - MƯA & CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ NGƯỜI SÀI GÒN.
Hình như mình vừa ở Saigon được tròn một năm. Uh, một năm rồi đấy chứ.
Và "Nắng" nhắc nhở mình điều ấy, sự may mắn khó nói thành lời khi đã lựa chọn thành phố này làm điểm dừng chân và cũng là điểm bắt đầu.
Không kỹ xảo hoành tráng, không cảnh nóng dồn dập, Nắng chỉ có chan chứa tình, tình mẫu tử thiêng liêng, sức mạnh diệu kỳ của tình yêu thương, mà đặc biệt nữa là cái tình rất riêng của người Saigon.
Có lẽ người ở vùng khác, miền khác chưa từng tới và sống ở Saigon xem phim sẽ không có cảm nhận giống mình, nhưng mình có niềm tin rằng khi dựng kịch bản cho Nắng, đạo diễn và biên kịch khá.....nhàn. Vì họ chẳng phải nghĩ nhiều về cảnh trí, bối cảnh chỉ bê nguyên cái cuộc sống thường ngày lên phim là đủ, thường ngày người Sài Gòn cũng tình vậy mà.
Chú Ba bán hủ tiếu, hay bà chủ ve chai hay thương người, và đặc biệt là Mưa......họ không phải những nhân vật bước ra từ điện ảnh, mà là hơi thở nồng ấm và nghĩa tình của Saigon điềm nhiên nhẹ bước vào phim. "Mưa bán vé số, Mưa không ăn mày...." - câu nói ấy của cô bé thiểu năng Mưa khi từ chối sự giúp đỡ của bà con láng giềng khi bị kẻ xấu giật mất hết vé số làm mình giật mình nhớ lại một sự bối rối của bản thân vào một chiều mưa cách đây cũng đã lâu trên đường Lê Văn Sỹ. Trú mưa cùng với một cậu bé bán vé số còn mặc nguyên đồng phục học sinh, cậu ấy cứ nài mua nhưng mình nói "Chú không mua, nhưng chú cho con tiền này". Cậu bé đã chẳng lấy làm mình bỗng nhiên thấy lạ. Người Sài Gòn lạ nhỉ? Nhưng rồi một năm qua đi, mình không cố cái giải thích cái sự lạ ấy bằng những logic lý lẽ này nọ mà hài lòng chấp nhận rằng: Người Saigon là thế, đơn giản vậy thôi!
Ở Saigon còn có nhiều người nghèo nhưng ít người khổ - cái kết luận tưởng chừng rất vô lý ấy là kết quả quan sát riêng của mình sau bao ngày ngược xuôi trên thành phố này, và mỗi ngày qua, càng đi càng thấy, cái niềm tin ấy lại càng lớn lên. Mình có cái thói quen lúc rảnh rỗi từ nhỏ mà đến giờ cũng chẳng bỏ được là hay quan sát gương mặt của mọi người và nhìn sâu vào mắt họ để giả vờ đoán xem họ đang nghĩ gì và đời sống tinh thần ra sao....Nhiều gương mặt lam lũ, làn da đen xạm, chịu nhiều vất vả để mưu sinh nhưng ít có thấy nét khổ, ít có nghe tiếng than vì hình như dù khó khăn đến mấy, ai ở đây cũng hiểu rằng, tin rằng: ở Saigon, họ luôn còn có ngày mai để hi vọng.
Saigon là một thành phố lạ kỳ, nhiều người tìm đến đây để thành công, và cả những kẻ thất bại cũng tìm về đây để làm lại từ đầu. Sài Gòn rộng mở và bao dung đến kỳ lạ như một bà mẹ Nam Bộ luôn mỉm cười ôm vào lòng những đứa con từ muôn nơi trở về. Saigon không cần Bitexco, không cần Phú Mỹ Hưng, Saigon vẫn đẹp. Đẹp nhờ những dây áo mưa, những thùng trà đá miễn phí và những tấm biển chỉ đường dễ-thương-không-chịu-được; đẹp nhờ tiếng nói – tiếng cười – và sự chân tình đại trà mà ai ai cũng để sẵn trong mình như một bộ phục trang thường nhật.
"Nắng" - "Mưa" đều có màu của hi vọng.
Và cả hai thứ ấy Saigon đều nhiều….
Hoàng Huy
KHI ÔNG BỤT…….ĐI VẮNG: ĐỪNG NHẢY XUỐNG NƯỚC RỒI MỚI NHỚ RA MÌNH KHÔNG BIẾT BƠI...
KHI ÔNG BỤT…….ĐI VẮNG: ĐỪNG NHẢY XUỐNG NƯỚC RỒI MỚI NHỚ RA MÌNH KHÔNG BIẾT BƠI...
(Bài đăng trên Vietnamnet - Link cuối bài)
Với người Việt Nam, ông Bụt từ lâu đã là một biểu tượng niềm tin thiêng liêng được dân gian sùng bái và gửi gắm nhiều ngưỡng vọng. Trong biết bao nhiêu câu chuyện cổ tích, ông Bụt luôn là nhân vật xuất hiện đúng lúc trong tình huống tuyệt vọng nhất và đưa ra những sự trợ giúp sống còn giúp ai đó thay đổi cục diện hoàn cảnh, biến không thành có, biến nguy thành may. Biết bao nhiêu thế hệ người Việt lớn lên cùng những sự huyền diệu hư ảo đó như những kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp, và bằng cách đó những câu chuyện về ông Bụt cũng góp phần định hình tính cách mỗi chúng ta; vun đắp trong mỗi người niềm tin rằng, chỉ cần bản thân tốt-hiền lành-tử tế, mọi thứ sẽ đều hoàn hảo.
Đã có lúc, tôi có ý chê trách nhà văn Andersen đã thật ác khi không để cho “Cô bé bán diêm” một cái kết có hậu. Vì sao khi cô bé quẹt que diêm cuối cùng lại không để Ông Bụt xuất hiện và đưa cô bé ngồi vào một bàn tiệc lớn hay cho cô một điều ước gì đó ngay lúc ấy.……Nhưng rồi một ngày, tôi hiểu ra rằng, đó là một sự khác biệt rất lớn, chính xác hơn là một khoảng cách rất lớn giữa tư duy giáo dục phương Tây và phương Đông mà Việt Nam là một đại diện điển hình. Từ rất sớm, người phương Tây nghiêng về giáo dục cho con trẻ nhận thức và chấp nhận thực tế cuộc sống: không có ăn là đói, và không có mặc là rét và những thứ ấy đều có thể dẫn đến kết cục bi thảm, vì vậy hãy luôn biết trân quý cái no bụng và ấm áp mà mình đang có và có tấm lòng nhân ái với những đồng loại còn khốn khó xung quanh. Người phương Đông thì dạy con trẻ biết không ngừng hi vọng trong mọi tình huống, kể cả hi vọng vào những năng lực siêu nhiên nào đó.
Khi cô Tấm hay anh Khoai trong Cây tre trăm đốt gặp khó khăn, không cần làm gì cả, chỉ cần khóc, và Bụt sẽ hiện ra. Tuy nhiên, có vẻ như cái motiff khi gặp tình thế nguy nan………bạn chỉ việc khóc……còn mọi việc đã có ông Bụt hay ông A ông B bà C nào đó lo đã không còn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại bốn bề những là cuộc đua tranh ác liệt.
Và khi kết quả tuyển sinh đại học năm nay được công bố, rất nhiều Ông Bụt đã …………..đi vắng bỏ mặc biết bao nhiêu thí sinh dù điểm cao mà vẫn không đỗ vào trường như ý, bao nhiêu lá tâm thư được viết, hay một số bạn khóc lóc thảm thiết vì nghèo quá sẽ không thể đi học…….cũng không có ông Bụt nào xuất hiện.
Báo chí – mạng xã hội rào rào giật tít :
“Tốt nghiệp thủ khoa đầu vào đầu ra nhưng không xin được việc”
“Vì nghèo nên sợ sẽ không học được đại học dù thi đỗ….”
“Vì lý lịch nên 30.5 điểm vẫn không được vào Học viện Cảnh sát….”
Dư luận phân luồng mạnh mẽ, người thương cảm cho hoàn cảnh khó khăn của các bạn nhưng cũng có những ý kiến trái chiều.
Tại sao cứ nhất định phải vào trường A trường B nào đó mà không phải làm một lựa chọn khác?
Tại sao cứ mặc định rằng nghèo thì không có khả năng theo học ngay cả khi chưa thử nhìn nhận và giải quyết trở ngại từ một góc nhìn khác.?
Tại sao cứ phải là……..Đại học, trong khi đại học chưa bao giờ là tấm vé đảm bảo bạn không thất nghiệp?
Và kỳ lạ nhất, tại sao lại……..Khóc, hỡi những người trẻ?
Đọc lá tâm thư gửi Chủ tịch nước, gửi Bộ Trưởng của hai bạn thí sinh không vào được trường Cảnh sát chỉ vì lý lịch tôi thấy việc đó hoàn toàn bình thường. Học đại học cũng chỉ là một cuộc đầu tư và cũng có những luật chơi riêng của nó mà mọi thí sinh cần phải tuân thủ; cũng như học viên sư phạm không được phép nói ngọng hay học viên trường múa không được có dị tật. Và nếu thấy không phù hợp, thì cũng không phải là bầu trời sụp đổ, có khi nào các bạn đang quá thiết tha đòi hỏi “những ông Bụt” hiện ra cho bạn những ngoại lệ bất bình đẳng so với những người khác, mà quên đi rằng còn rất nhiều những cánh cửa tươi đẹp khác sẵn sàng chờ đón bạn.
Tôi không cảm thấy đồng cảm nhiều với những câu chuyện đó của các bạn thí sinh mà chỉ cảm thấy có phần buồn và xấu hổ vì sự mềm yếu không đáng có ở một bộ phận các bạn trẻ ngày nay- những người đáng lẽ phải là thế hệ mạnh mẽ nhất – nhiệt huyết nhất của một đất nước.
Tôi nhìn nhận những giọt nước mắt đó – những bức tâm thư đó giống như một hình thức ăn vạ xã hội – ăn vạ số phận. Vì tôi nghèo, vì tôi khó nên tôi có quyền kêu?
Nhiều người tàn tật họ không kêu than mà còn người khác phải ngước nhìn những nỗ lực. Nhiều người nghèo khổ ở đáy cùng xã hội cũng quật cường vật lộn mà chiến đấu đến cùng với muôn mặt cuộc sống khó khăn thay vì ngồi yên than khóc. Thì tuyệt nhiên, những người trẻ tuổi – khoẻ mạnh và có tri thức không được quyền tự cho phép mình mềm yếu dễ dàng đến vậy.
Nếu như ở một quốc gia giàu có, bạn kêu rằng vì nghèo nên mặc dù học giỏi nên bạn không được học, chắc là sẽ nhiều người chú ý vì giữa số đông người giàu, vài người nghèo có khi là hiện tượng. Nhưng ở nước ta, một nước vừa thoát khỏi mức thu nhập thấp chuyển sang thu nhập trung bình, và cái lam lũ – khốn khó vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng bao trùm phần đông các nông thôn – các vùng xa xôi hẻo lánh khắp ba miền Bắc Trung Nam thậm chí ngay trong lòng các đô thị lớn, thì việc kêu nghèo xem ra sẽ thật là lạc điệu.
Câu hỏi nguồn tài chính để duy trì việc học đại học, bản thân mỗi thí sinh phải tự trả lời cho mình ngay từ rất lâu trước khi đăng ký dự thi, phải là một kế hoạch tường minh và thành thật với chính bản thân. Nếu đỗ, tiền đâu để học? Nếu không đỗ, sẽ làm gì tiếp theo? Những câu hỏi cơ bản ấy không ai trả lời thay được ngoài chính các bạn. Tuổi 18 – tuổi của những công dân trưởng thành cũng là tuổi của những phép tính quan trọng đầu đời mà các bạn cần tính toán với tất cả sự tỉnh táo và trách nhiệm với chính bản thân và gia đình. Điều đó thiết thực hơn rất nhiều việc cứ dự thi ngay cả khi không xác định được phương hướng để rồi lúc nhảy xuống nước rồi mới nhớ mình không biết bơi.
Cái nghèo cái khó không có lỗi, chỉ có thái độ chưa đúng của bạn với trở ngại là có lỗi hơn cả. Ở chính các nước phát triển như Anh và Mỹ, cũng không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ năng lực hoặc hào phóng để chi trả cho con cái học đại học. Các nước trên thế giới đều chỉ nỗ lực phổ cập giáo dục phổ thông, chứ chưa thấy nước nào phổ cập đại học – bậc học dành riêng cho những người có năng lực và khả năng tài chính. Chuyện đi vay ngân hàng để học, đi làm thêm để học, hoặc tích luỹ đủ để có đủ khả năng đi học…..dường như đã trở thành câu chuyện quá phổ biến đối với học sinh nhiều nước trong đó có cả Việt Nam. Nhà nước ta đã có chiến lược hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học –cao đẳng bằng các khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội có ở khắp các tỉnh thành. Vậy thì lý do gì đã vội kết luận rằng sợ vì nghèo sẽ không theo học được trong khi đơn xin vay bạn còn chưa nộp???
Đã từng trải qua một quãng đời như thế khi còn là một du học sinh, tôi cũng đã từng có những lúc phải đứng giữa hai lựa chọn sống còn hoặc học tiếp đến cùng khi hoặc đi về vì tài chính không cho phép. Tôi đã chọn học bằng mọi giá để thử thách chính bản thân mình giữa những áp lực dữ dội của cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người, không người thân thích.
Và những năm tháng vô giá ấy giúp cho tôi hiểu sâu sắc một điều rằng: chúng ta sẽ không bao giờ thực sự thất bại cho đến một ngày chúng ta chấp nhận ngừng cố gắng.
Vậy nên, đừng khóc nữa, ngẩng cao đầu và hãy hành động đi!
Hoàng Huy.
http://vietnamnet.vn/…/dung-nhay-xuong-nuoc-roi-nho-ra-minh…
NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÁNG NHỚ & NHỮNG BÀI HỌC ĐỂ ĐỜI CỦA TÔI: DREAM BIG BUT START DOING LITTLE THINGS.
NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÁNG NHỚ & NHỮNG BÀI HỌC ĐỂ ĐỜI CỦA TÔI: DREAM BIG BUT START DOING LITTLE THINGS.
Mấy hôm nay trên Facebook đang có trò #firstsevenjobs kể về 7 công việc đầu tiên trong cuộc đời làm mình lại nhớ về những dặm đường nghề nghiệp đã qua.
Nhiều người quen biết nói sống như mình :chán chết , vì mình chẳng ham mê và cũng chẳng nghiện cái gì cả. Có vẻ hơi vô vị? Không, mình cũng có hẳn “tứ đổ tường” riêng để tận hưởng cuộc sống : “Đọc được nhiều sách – Ăn được nhiều món ngon – Đi được nhiều nơi và Làm được nhiều nghề”.
Và hôm nay xin kể về cái sự “sung sướng” cuối cùng: được làm nhiều nghề. Số lượng nghề mình đã làm có khi đã gấp rưỡi tuổi đời của mình, thế nên ở đây chỉ là một số những công việc đáng nhớ (không hẳn là đầu tiên) mà đã dạy cho mình những bài học cuộc đời quý giá
1. Công việc đầu tiên và ông chủ đầu tiên của mình không ai khác chính là Bố.
Ngày ấy mình học cuối cấp 2 và đầu cấp 3, nhà mình mua một miếng đất rất rộng ở ngoại ô, nền rất thấp, cần phải đổ rất nhiều cát thì mới có thể nâng cao lên để làm các việc khác. Và Bố thuê mình vận chuyển những đống cát ấy đổ vào trong vườn, và bố cũng cùng làm. Vì sao lại là là “thuê”? Vì ở nhà mình, luôn phân định cực kỳ rõ ràng: “Bố không cho con bất cứ một thứ gì hết ngoài chuyện học và một lý lịch trong sạch. Bố không tham ô, tham nhũng hay làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến tương lai của con; và con được quyền học cho đến khi nào con muốn. Nhà là nhà của bố, và con được quyền ở đây cho tới năm 18 tuổi, còn sau đó con sẽ phải tự vận động tạo dựng riêng ngôi nhà của mình, hoặc nếu con không ngoan và không cố gắng, bố sẽ mời con ra khỏi nhà vì pháp luật chỉ quy định bố mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi con cái đến khi thành công dân. Những việc gì không thuộc bổn phận-trách nhiệm của con, ví dụ như lao động ngoài giờ học cùng với Bố, nếu con đồng ý làm, con sẽ được trả công như giá thị trường.” Tất nhiên là bố nói là bố làm thật, chứ không hề đùa. Hơn nữa lúc ấy, chỉ vài chục ngàn cho một buổi làm việc cuối tuần hoặc sau giờ học cũng là một số tiền kha khá lúc bấy giờ; hơn nữa bố làm việc mà con ngồi chơi thì phản cảm vô cùng thế nên là làm. Mình không nhớ nổi bao nhiêu mét khối cát đã được hai bố con chuyển vào trong suốt những năm tháng ấy, cứ con xúc bố kéo xe và lúc mệt thì đổi ngược lại; nhưng mình nhớ rất rõ để kiếm được 50.000đ/buổi bằng lao động tay chân thuần túy thì vị của mồ hôi mặn như thế nào. Sau mỗi buổi làm việc, bao giờ Bố cũng nói: Con thấy không, những người thợ lao động chân tay, làm việc vất vả quần quật như thế mà cũng chỉ kiếm được chừng đó tiền, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, cho nên nếu như con không có đủ sức khỏe để làm những công việc này, con chỉ có một con đường độc đạo: đó là học thật tốt để có năng lực làm việc bằng trí óc
Làm việc với Bố rất vui, vì ông chủ này luôn biết động viên nhân viên cực kỳ hiệu quả. Khi xúc đến những xẻng cát cuối cùng, bao giờ Bố cũng hát một bài hát từ thời Điện Biên trong đó có câu “Sắp đến đích rồi đồng chí pháo binh ơi……” rồi nói “Con có biết sắp đến đích tức là gì không, tức là con sắp được lĩnh tiền và sắp được nghỉ ngơi. Cố lên!” Đó luôn là những kỷ niệm ấu thơ đẹp và đáng nhớ nhất về những đồng tiền lao động chân chính đầu tiên. Số tiền từ những buổi làm công đó đã giúp mình mua được vô vàn sách cũ và tạp chí song ngữ Heritage (Inflight magazine của Vietnam Airlines) và Vietnamnews về để đọc luyện tiếng Anh (hình như lúc ấy Heritage có 2.000đ cuốn, còn Vietnamnews có………3.000đ/kg)
Một lần khác, khi còn đang học cấp 2, Bố mình mua thêm 01 miếng đất phía sau nhà, cần phải làm hàng rào lại để giữ chủ quyền. Bố định thuê người làm mất mấy trăm ngàn, thế là mình nhẩm tính rồi thầu lại nhận làm. Tất nhiên là mình nhận thế thôi, nhưng mình………..không làm, mà đến lớp thuê 02 cậu bạn ham chơi điện tử nhất đến làm, một buổi chiều đã xong. Trả công xong mình lời tới mấy trăm ngàn bỏ túi. Bài học tiếp theo: Muốn làm giàu, đừng chỉ dùng sức lao động, thêm một chút trí khôn, kết quả sẽ rất khác.
Lúc ấy quả thật mình không hiểu vì sao Bố lại mất thời gian tự thân làm những việc chân tay đó và thuê mình làm cùng; nhưng bây giờ thì hiểu rất rõ, đó chính là những bài học đầu tiên mà Bố dạy mình và giá trị của đồng tiền, và biết trân trọng những đồng tiền từ lao động chân chính mà thêm động lực học tập.
2. Công việc thứ hai: Nhân viên đánh máy.
Năm 2006, vừa tốt nghiệp THPT và thi ĐH xong, mình đứng giữa 2 lựa chọn: hoặc là ở nhà nhìn thời gian trôi –ăn chơi nhảy múa chờ kết quả thi đại học, hoặc là phải làm cho bản thân thật bận để quên đi áp lực và sự nhàm chán của việc chờ đợi. Phải đi làm thôi, trong đầu mình lóe lên suy nghĩ đấy, nhưng làm gì thì chưa biết. Tình cờ một lần đi qua ngã tư Thành Đội, thấy người ta tuyển nhân viên đánh máy vi tính, mình đánh liều vào xin thử vì mình đánh máy rất nhanh do Bố cho đi học tin học từ sớm. Làm việc từ 7h sáng đến 7h tối, không nghỉ ngày nào hết, và lương 700.000đ/tháng, đạp xe một ngày 4 lượt (trưa về ăn trưa), tổng cộng 20km, mình nói với ông chủ: cháu chưa làm ở đâu cả, chú nhận cháu đi, cháu chỉ cần 600 ngàn thôi. Vất vả kinh khủng, trúng tháng 7 âm lịch trời mưa tầm tã, nước ngập đến nửa bánh xe, đến chỗ làm hôm nào mưa thì ngồi tát nước gần chết vì cửa hàng nằm ở góc ngã tư chỗ trũng nhất. Đổi lại, ngoài chuyện đánh máy siêu nhanh, sau 01 tháng đó mình đã học được cách sử dụng từ máy photo khổ A0 cũng như tất cả các loại máy văn phòng hiện đại nhất vì đó là cửa hàng lớn nhất thành phố. Hơn thế nữa, giữa những gian khó là những cơ hội rất tuyệt vời. Một ngày đẹp trời, có một bác lớn tuổi vào hỏi ở đây có dịch thuật không, tất nhiên là cửa hàng photocopy thì làm gì có dịch vụ đó, nhưng mình thì có J. Bác nhờ mình dịch 50 trang trong một cuốn sách tên là Life in the UK do con trai sống bên Anh gửi về, sau này mới biết đó là cuốn sách dùng đi thi nhập quốc tịch Anh, 70.000đ/trang. Thế là mình hì hụi ban ngày đi làm, tối về dịch cuốn sách đó để kịp giao hàng. Tổng cộng tháng đó mình kiếm được 4.200.000đ (do ông chủ vẫn trả đủ 700.000đ lương tháng). Đó được coi là tháng lương đầu tiên trong cuộc đời mình năm 18 tuổi. Một tháng sau đỗ ĐH, mình xin nghỉ. 50 trang bản dịch cuốn sách kia sau này khi sang Anh du học mình bán lại nhiều lần cho nhiều người kiếm được số tiền lớn hơn 3.500.000đ kia rất nhiều lần. Bài học từ những ngày tháng gian khó ấy đó là đừng coi thường bất kỳ công việc nào, cơ hội luôn vây quanh vấn đề là bạn có sẵn sàng để đón bắt không, hãy cống hiến cho cuộc đời, cuộc đời sớm muộn cũng cảm ơn bạn một cách thích đáng.
3. Công việc thứ ba: Làm nhà hàng.
Khi đi du học Anh, giống như nhiều bạn khác mới sang, mình cũng đi làm thêm và làm ở nhiều nhà hàng Vietnam. Bài học nhập môn ở những nhà hàng này không phải là Toán Cao Cấp hay Kinh Tế Vĩ Mô, mà là………….chùi toilet. Ông chủ rất dễ thương và thường hay dạy bọn mình một điều mà sau này mình thấy vô cùng đúng dù lúc ấy nhiều người cùng làm, các thạc sỹ - tiến sỹ tương lai của Vietnam, coi đó là một sự sỉ nhục-nhạo báng ghê gớm: “Dù sau này bọn em có là tổng giám đốc, thì bây giờ cũng phải học cách chùi toilet cho thật sạch”. Mình thì chẳng cảm thấy có gì xấu hổ vì điều đó quá đúng. Một sự nghiệp lớn không bao giờ có ngay qua một đêm mà là thành quả của biết bao ngày nỗ lực không ngừng- đó là mới thực là một sự nghiệp bền vững. Muốn làm việc lớn, hãy học cách làm những việc nhỏ nhất bằng tất cả trách nhiệm và khả năng của mình. Bây giờ nhiều bạn trẻ hay lắm nhé, ngủ thì đến 12 giờ trưa chưa dậy, đêm thì miệt mài cày games, sách một năm không đọc quá chục cuốn, nhưng cứ mở miệng ra là nói chuyện những start-up triệu đô. Đi phỏng vấn thì câu đầu tiên luôn hỏi: “Lương nhiêu? Lương nhiêu?”…..Thật kỳ lạ! Mỗi cuộc tuyển dụng thực ra là một cuộc mua bán năng lực làm việc, tại sao bạn chưa cống hiến mà đã đòi hỏi – tại sao bạn chưa giao hàng mà đã lớn tiếng mặc cả thấp cao??? Vậy nên bây giờ mới những bạn trẻ hơn mình, luôn chỉ có một lời khuyên rất chân thành: “Dreaming big is good but start doing little thing. Just do it!” (Ước mơ lớn lao là điều rất tốt – nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất. Chỉ vậy thôi!).
Vậy đó, sau này khi đã làm qua hơn 40 nghề có lẻ, mình càng có niềm tin sắt đá là tính cách và con người của mỗi chúng ta không chỉ được hình thành từ bố mẹ, bạn bè, nhà trường…..mà còn một phần rất lớn là từ những ông chủ - những nghề nghiệp chúng ta đã từng làm qua. Mình quan niệm mỗi người chủ dù hiền hòa hay khắc nghiệt, họ đều sẽ là thầy ta, dù muốn hay không họ cũng sẽ dạy cho bản thân ta những bài học thực tế trên cả tuyệt vời. Nếu như việc xúc cát cho bố năm xưa, mình không làm, mình sẽ không biết thể nào là chịu khổ chịu khó- không biết thế nào là giá trị của đồng tiền lao động; nếu như mình không đội mưa vượt đường lụt đi làm đánh máy, mình sẽ không biết thế nào là bền gan vững chí để kiên trì đón đầu cơ hội, nếu như mình không đi làm nhà hàng những năm tháng đi du học, mình sẽ không rèn luyện được sự nhẫn nại chịu đựng như bây giờ, và luôn giữ được sự điềm tĩnh trong mọi tình huống cần thiết. Nếu bạn coi nghề nghiệp – việc làm chỉ là chuyện mưu sinh, kiếm sống – nó mãi mãi chỉ là cái cần câu cơm buồn tẻ; nhưng nếu bạn yêu những việc mình làm và sống hết mình với nó, dù làm những việc nhỏ bé nhất, bạn sẽ chẳng bao giờ phải làm việc cả, bạn chỉ tận hưởng thôi vì mỗi một nghề là một cuộc hành trình hấp dẫn mà cuộc đời dành tặng riêng cho bạn.
#Firstsevenjobs
MỘT GÓC NHÌN KHÁC: NGƯỜI VIỆT ĐANG NHÀN RỖI CẤP ĐỘ NÀO?
MỘT GÓC NHÌN KHÁC: NGƯỜI VIỆT ĐANG NHÀN RỖI CẤP ĐỘ NÀO?
Hôm nay tôi đi làm từ 7h sáng và dự kiến sẽ về tới nhà vào lúc 6h tối.
Một số người đã bắt đầu công việc từ lúc trời còn chưa sáng và sẽ còn về nhà muộn hơn tôi...
Rất đông những người ở đâu đó còn bận rộn và còn nhiều vất vả trên con đường xuôi ngược mưu sinh.
Nhưng nhìn chung chúng ta vẫn nên vui vì đang được sống trong một xã hội vô cùng nhàn rỗi, biết quan tâm và lo lắng cho nhau bậc nhất thế giới.
Bạn không tin ah? Cùng mở báo ra nhé.
Báo A: "Anh kia cặp với chị này....."
Báo B: "Anh kia bẹo má chị này....."
Báo C: "Anh kia chèo kéo chị này...."
Chưa bao giờ thấy ở đâu trên thế giới này thấy người ta thương nhau như thế, một cô "mất chồng" mà cả xã hội ngóng trông, mất ăn mất ngủ, miệt mài bình luận chuyện "được- mất"
Báo chí như lên đồng khi vớ được một mảnh đời tư bị tiết lộ, cộng đồng mạng sung sướng khi được thể hiện mật độ chuyên gia tư vấn hạnh phúc gia đình trên mét vuông cao nhất thế giới. Cuộc thi "Nào ta cùng bới" trở nên vô cùng ăn khách.
Là một điều đáng tự hào hay là một sự vô duyên dài tập khó giải thích???
Người ta cứ chê bôi chúng ta kém cái A yếu cái B không sản xuất được cái Z mà không biết nhìn vào điểm mạnh: người Việt rất giỏi việc biến chuyện riêng của hai người thành chuyện của nhiều người, và đặc biệt có năng khiếu bình luận về những vấn đề........không phải của mình và cũng chẳng cần hiểu rõ. Không hiểu sao những nhà làm chính sách chưa tính đến chuyện đưa nghề đàm luận viên trở thành mũi nhọn xuất khẩu lao động đem về ngoại tệ về cho đất nước thay vì đi làm giúp việc hay làm thợ may ở xứ người? Cái giỏi thì không phát huy, thật là thiếu sót!
Người Việt thường coi tình yêu gắn liền với sự sở hữu, và coi vợ-chồng như một dạng tài sản di động, coi tờ hôn thú như sổ hồng sổ đỏ, thế nên chỉ duy nhất trong tiếng Việt mới có các khái niệm "lấy vợ - lấy chồng" giống như lấy cái nhà, lấy cái xe, và "cướp vợ- cướp chồng" giống như cướp vàng cướp bạc. Đây là một cách dùng từ thể hiện rất chân thực tư duy của chúng ta, mặc dù với những người từ những nền văn hoá khác, họ thật khó hình dung như thế nào là "cướp chồng"??? Bạn đang đứng trên hè phố tay trong tay cùng chồng bạn, bỗng dưng một cô xinh đẹp chạy xe ngang qua, giật cái pặc ông chồng chạy mất, và bạn thành người bị mất chồng. Phải như vậy không?
Tình yêu - chuyện hôn thú tưởng chừng như phức tạp nhưng hoá ra lại chỉ gói gọn trong một từ: sự gắn bó. Chuyện hợp tan đơn giản chỉ là câu trả lời câu hỏi: Hai người còn muốn tự nguyện gắn bó với nhau trong hạnh phúc và vui vẻ không?
Thường thì chúng ta thường gặp khó khăn nhất trong việc nhận phần sai về mình để chấp nhận thất bại nên giải pháp dễ hơn là đổ ngay cho một kẻ thứ ba nào đó (nếu có).
Việc làm đầu tiên của bạn khi bị "cướp chồng" nên là gì? Không cần phải im lặng và điềm tĩnh để nhìn lại chính mình và mối quan hệ, chỉ cần lên báo gào thật to bới móc thật kỹ hay lu loa trên Facebook để thu hút sự cảm thương của những người xa lạ. Like- Share- hay Comment đều không có công năng hàn gắn những rạn vỡ nhưng lại rất dễ đào sâu thêm đôi bờ xa cách.Tất cả những việc đó chỉ giúp "nửa đã từng" của bạn có thêm lý do tin rằng quyết định của anh ta là........đúng đắn và tiếc rằng không làm việc đó sớm hơn.
Anh yêu chị 9 năm, rồi một ngày đẹp trời họ đều nhận ra họ không còn muốn gắn bó với nhau hay không còn phù hợp với nhau nữa, họ quyết định ngưng lại, anh thấy thanh thản, chị thấy nhẹ nhàng, chỉ duy có cộng đồng mạng là thấy.......tức tối.
Tình đang đẹp sao lại ngưng lại? Đang được ngưỡng mộ, vạn người mê ai cho phép tan vỡ? Tại sao cô ấy như thế mà anh ấy lại như thế???
Họ hồn nhiên nhận xét về cuộc sống riêng của bạn như thể bình phẩm về những bộ phim ngôn tình ăn khách.
Một tỷ những câu hỏi tọc mạch vô duyên được phát ra mà ít ai chú ý đến một sự thật giản đơn rằng: Cuộc đời của mỗi con người là hơi ấm, là mặt trời, là từng phút giây quý giá - ngắn ngủi, và đặc biệt, chỉ là một lần duy nhất, chúng ta đều được quyền sống,quyền yêu,quyền hạnh phúc để đẹp lòng chính mình chứ không phải để phục vụ thị hiếu của bất kỳ ai.
Dám buông bỏ để sống đúng với chính mình là một thứ bản lĩnh mà không phải ai cũng có.
Hãy cứ bận rộn yêu, bình tĩnh sống và mặc kệ một xã hội nhàn rỗi chỉ thích những bình luận ích kỷ và vô duyên. Sẽ vẫn là thế cho đến khi nào người ta đủ văn minh để hiểu rằng trên đời này còn có thứ gọi là PRIVACY (Quyền riêng tư) cần được tôn trọng, và khi ấy, họ sẽ thôi......nhàn rỗi.
Hoàng Huy.
CHUYỆN VUI CUỐI TUẦN: "CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT"
CHUYỆN VUI CUỐI TUẦN: "CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT"
Mình có thú vui hay mày mò và nghiên cứu hơi sâu sâu tí về tiếng Anh theo cái kiểu tìm hiểu cho vui, cho biết chứ nhiều khi không chỉ để làm việc, nên hay được các bạn sinh viên- giáo viên ngành Anh nhờ cậy mỗi khi gặp ca khó. Hôm nay cũng như vậy.
Sáng bảnh mắt một bạn sinh viên ngành phiên dịch inbox cầu cứu: "Anh ơi dịch giúp em cụm từ "chỉ đạo quyết liệt" sang tiếng Anh với. Em thấy trong bản tin thời sự mà dịch không ra? Em dịch là "direct drastically" có được không anh?"
Mình giải thích với em là như vậy không được. Vì collocations (những nhóm từ hay đi kèm với nhau trong tiếng Anh, theo kiểu đã là girl thì chỉ có beautiful girl chứ không thể có handsome girl) của từ direct (chỉ đạo) tuyệt nhiên không thể có "drastically" (quyết liệt) được. Như thế là dịch khiên cưỡng, và mất tự nhiên, mặc dù direct đúng là chỉ đạo, mà drastically thì đúng là quyết liệt.
Giải thích vài lần bạn ấy có vẻ vẫn chưa hiểu, mình đành chơi chiêu, ngôn ngữ học không giải thích được thì dùng chính trị học.
"Thế này nhé, với bọn Tây, cái bọn mà tạo ra thứ ngôn ngữ đích em đang muốn dịch tới, chỉ đạo là chỉ đạo, direct là direct, cấp trên nói cấp dưới tuyệt dưới tuyệt đối nghe theo, nên họ chỉ cần nói "chỉ đạo" thôi gần như là đã đủ ý rồi. Chỉ là chỉ dẫn, đạo là đường đi, chỉ đạo tức là chỉ dẫn đường đi, người ta đã chỉ 1 lần thì cứ thế mà đi thôi,
Thế nhưng ở mình, cấp trên nói cấp dưới chưa chắc đã nghe, thậm chí không thèm nghe, tệ hơn nữa là còn làm ngược hẳn lại, thế nên người ta phải thêm từ "chỉ đạo quyết liệt" để phân biệt với "chỉ đạo" thông thường. Chỉ đạo là chỉ đường thông thường thôi, còn chỉ đạo quyết liệt tức là đã chỉ mà còn không thèm đi nên phải lôi đi xềnh xệch ấy. Tạm gọi đây là một hiện tượng ngôn ngữ chỉ có ở Việt Nam. Hehe"
Phải nói đến thế thì em ấy mới hiểu, và mình cũng động viên thêm, "Em cứ yên tâm, cái bác mà hay nói từ này nhất trên TV kỳ tới bác ấy không còn được chỉ đạo nữa đâu mà quyết liệt, cho nên em cứ yên tâm là lần sau em không gặp lúng túng nữa."
Giải thích cho bạn ấy xong, mình mới sực nhớ ra đã đến giờ đi làm, phải chạy ngay đến TransViet để tiếp tục "chỉ đạo quyết liệt" một số công việc hôm qua còn làm dở.
Thôi thì cả một tuần hoặc là "chỉ đạo quyết liệt" hoặc "bị chỉ đạo quyết liệt" rồi, cuối tuần cứ bình tĩnh mà sống vậy.
Chúc mọi người cuối tuần vui!!!!
Hoàng Huy.
DON’T JUDGE A BOOK JUST BY ITS COVER
Một bài báo cực kỳ xấu xí:
http://vntinnhanh.vn/…/hinh-anh-tiep-vien-vietnam-airlines-…
Bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh trong bài báo này?
“Thật là mất thể diện quốc gia!”
“Thật là thiếu chuyên nghiệp!”
“Thật là …….blah blah…..!"
Đừng vội vã bởi sẽ là muôn ngàn cái “Thật là……” ác ý khác nữa nếu như bạn không biết rằng họ, những tổ bay vừa đáp khẩn cấp sau một chuyến bay bão táp, khi máy bay của họ không đáp đúng điểm đến vì thời tiết xấu và buộc phải chuyến hướng sang một sân bay cách xa dự kiến. Và những áo vàng áo xanh đang ngủ mê mệt kia đã hết mình quần quật làm việc suốt đêm vì sự an toàn và hạnh phúc của hàng trăm gia đình.
Nếu biết điều đó, bạn sẽ thấy những hình ảnh tưởng chừng không đẹp mắt kia lại thật đẹp, thật nhân văn và thật bình yên biết nhường nào.
Họ mơ gì trong những giấc ngủ chập chờn nơi đất khách kia?
“Ba ơi, mẹ đâu rồi, sao mãi chưa về?”
“Con ơi, sao mãi chưa nghỉ phép về với mẹ?”
“Sao không bao giờ thấy bố/mẹ em đi họp phụ huynh hết vậy???”
Xã hội luôn nhìn họ như những cô tiên bay, như những gì hào nhoáng và đẹp đẽ, xã hội luôn bắt họ phải đẹp, phải cười, phải thân thiện 24/7…….nhưng cũng có những phần chưa hoàn chỉnh của xã hội lại quên mất rằng trước khi làm một chức phận nghề nghiệp nào đó, họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng là mẹ là cha của một ai đó, cũng là con của một ông bố bà mẹ nào đó, cũng biết khóc khi hoảng sợ biết cười khi sướng vui, chứ không phải một loại robot thân thiện được lập trình tự động.
Là đẹp đấy, là hào nhoáng, là “sang chảnh” đấy nhưng bạn có chắc bạn có đủ bản lĩnh để làm cái nghề này nếu được đề nghị không???
Là nghề không có khái niệm Tết Nguyên Đán, Tết Độc Lập và cũng chẳng mấy khi có mặt khi cả gia đình cần có mặt, nghề của họ chỉ có 2 loại ngày duy nhất “Ngày bay” và “ngày không bay”; không có khái niệm giờ hành chính hay giờ nghỉ ngơi.
Là những giấc ngủ vội vàng chập chờn nơi góc bếp, là những nụ cười khi lòng đang muốn khóc.
Là những tiếng tin nhắn ting ting báo đi bay bất chợt vỡ tan mọi hẹn hò, dự định.
Là những đợi chờ, mong mỏi chưa bao giờ nghỉ của những người thương yêu nơi mặt đất.
Là những phút giây thót tim khi tàu bay gặp sự cố hay đi vào khu vực thời tiết xấu.
Là tất cả những cay đắng thành lời và có khi chưa bao giờ biết kể cùng ai. Là những hi sinh mà người ngoài cuộc thật khó lòng hiểu hết.
Quay trở lại bài báo đầy ác ý kia, tôi thiết nghĩ chúng ta có quyền giơ máy ảnh lên để ghi lại những gì ta muốn nếu không bị cấm, tuy nhiên phòng chờ hạng Thương Gia (Business Lounge) là không gian nghi ngơi riêng tư đặc biệt, chưa nói đến là không được phép. Quý Lều Báo muốn sao đây? Muốn tiếp viên khi ngủ vẫn phải cười, hay muốn ngủ phải duỗi tay theo đúng kiểu người mẫu??? Hãy luôn thận trọng khi đưa ra bất kỳ lời bình phẩm nào, nhận xét nào bởi vì lời nói đã phát ra thật khó lòng thu lại được. Và khi cần lên tiếng, hãy lên tiếng với tất cả sự công tâm và trong sáng của những người cầm bút – vốn được trao cho sứ mệnh “định hướng dư luận”.
Một số người khi có đủ tiền để trở thành khách CIP thì lại lầm tưởng mình là VIP, có đủ tiền để ngồi hạng C thì lại lầm tưởng mình là Thượng Đế, và là Thượng đế thì được quyền phán xét xàm xí mọi điều khi chẳng cần nghe hết câu chuyện.
Thực ra, để đảm bảo chuẩn mực chuyên nghiệp với mọi hãng hàng không trong tất cả những tình huống bất khả kháng như trên, chỉ cần đại diện hãng hoặc tiếp viên trưởng của tổ bay lên tiếng thông báo và xin phép hành khách trong Business Lounge lúc đó, tôi tin phần đông những hành khách văn minh chắc chắn sẽ đều cảm thông và trân trọng nỗ lực làm việc của phi hành đoàn ngoài trừ thiểu số hành khách yêu thích sự hẹp hòi và xét nét. Thậm chí, nếu là cá nhân tôi, hoàn toàn có thể vui vẻ đứng dậy nhường ghế cho các bạn tiếp viên.
Ranh giới của một nhà báo chân chính và một bồi bút rẻ tiền ngày càng mong manh hơn bao giờ hết, và qua bài báo này mới biết không phải cứ khách hạng C là không có tầm nhìn hạng Z.
Vé hạng C có tiền là mua được, nhưng sự cảm thông và tình người có vẻ quá xa xỉ với một số người, và cứ không phải già đi là có được. Đôi khi lớn tuổi đôi khi chỉ đi kèm với sự suy thoái về nhân cách và đạo đức nghề nghiệp.
Hơn bao giờ hết, những lúc như này, cần tiếng nói kịp thời hợp lý hợp tình của lãnh đạo VNA và Cabin Crew lên tiếng để định hướng đúng dư luận như một cách trân trọng những nỗ lực của các bạn tiếp viên. Đừng im lặng!
Đừng vội phán xét khi bạn chưa hiểu hết vấn đề– đó là bài học và điều mà tất cả những người có cái đầu không chỉ dùng để đội mũ, luôn cần ghi nhớ.
Hoàng Huy
#ngungphanxet #vna #vncabincrew
GIẢI ĐÁP BÍ ẨN: VÌ SAO VIỆT NAM NGÀY CÀNG NHIỀU "EM BÉ TUỔI 30"???
(Bài đăng trên Vietnamnet )
“Con ăn gì nào?” “Gì cũng được mẹ ạ.”
“Thế con uống gì” “Gì cũng được ạ”
Tình cờ một mẩu hội thoại ngắn của hai mẹ con ở quầy bán đồ ăn nhanh trong siêu thị thu hút sự chú ý của tôi, khi ấy đang đứng xếp hàng phía sau. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như “cậu bé” trong câu chuyện mới chỉ khoảng tầm…20 tuổi. Tôi giật mình nhận ra rằng “Gì cũng được ạ”, “Thế nào cũng được” là một câu trả lời mà tôi nghe thấy nhiều từ những bạn trẻ mà tôi hay tiếp xúc kể từ khi trở về Việt Nam.
Đến mức độ, tôi có cảm giác rằng với một số những cô cậu học trò và với cả nhiều bạn trẻ thanh niên tầm tuổi tôi, “thế nào cũng được ạ” trở thành một câu trả lời quen thuộc cho mọi câu hỏi. Nó luôn được bật ra nhanh như thể một phản xạ được rèn luyện từ lâu.
Nhiều người sẽ nghĩ, điều đó chẳng có gì đáng để bàn vì đôi khi đó chỉ là biểu hiện của một người dễ tính, xuề xoà; nhưng ở một góc nhìn khác: biểu hiện này cũng rất có thể là kết quả của một thời gian dài, ý thức tranh biện- phản biện hay kỹ năng bày tỏ ý kiến cá nhân đã bị triệt tiêu rất sớm ngay từ môi trường gia đình.
Với ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá đặc trưng của dân tộc, quyền được đưa ra ý kiến- được phản biện ý kiến của người dưới với người trên luôn là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm và ít được nói đến. Nhiều khi ý kiến riêng của người trẻ đưa ra thường bị quy chụp là thiếu lễ độ, lễ phép, là “trứng khôn hơn vịt”. Ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt, lẽ phải luôn thuộc về những người lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn. Nghiễm nhiên, quyền quyết định luôn thuộc về bề trên, còn lớp trẻ thì “biết gì mà nói”. Thói quen tôn trọng và hỏi ý kiến của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời đã bị xem nhẹ và tiếp diễn trong suốt quá trình trưởng thành.
Thêm vào đó, các nhà trường truyền thống của Việt Nam, nơi thầy cô luôn đưa ra những câu trả lời được cho là chuẩn mực cho những câu hỏi, những vấn đề… thay vì học trò được quyền có những câu trả lời của riêng mình đã góp phần đáng kể nhấn chìm ý thức tư duy độc lập của học sinh. Tư tưởng “văn mẫu – bài mẫu – quan điểm mẫu” đã tạo những lớp đồng phục tư duy tẻ nhạt của những tâm hồn trẻ: Cám luôn luôn là ác, và Tấm rất chi là hiền…Tuyệt nhiên không có khoảng trống cho bất kỳ sự khác biệt nào.
Như một hệ quả tất yếu, dần dần hình thành một lớp thế hệ công dân không-có-chính-kiến, không có những ý kiến riêng của riêng mình về một vấn đề nào đó dù nhỏ hay lớn. Là mầm mống cho một lối sống thờ ơ, hời hợt và dài lâu hình thành sự vô cảm đáng sợ ở một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhởn nhơ trước bạo lực và ngoảnh mặt trước bất công.
Kinh nghiệm thường được coi là vốn quý, là tinh hoa của những tháng năm trải nghiệm cá nhân, đươc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, kiến thức lại là vô bờ và không ngừng lớn rộng thêm từng ngày, trong khi kinh nghiệm thì lại luôn có hạn sử dụng và không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Hạn sử dụng của kinh nghiệm có xu hướng càng ngày càng bị rút ngắn lại trong bối cảnh thế giới đổi thay ngày một nhanh hơn như hiện nay. Một ví dụ dễ quan sát nhất đó là sự lấn át lẫn xung đột của chủ nghĩa kinh nghiệm các bà mẹ chồng với các nàng dâu hiện đại trong nuôi dạy con cái.
Sự áp đặt của người lớn đôi khi sẽ chỉ kìm hãm tư duy độc lập của người trẻ, và đó là lý do của thế hệ “những em bé tuổi 30” như chúng ta đôi khi có thể quan sát đâu đó như hiện nay –mà thủ phạm chính là sự lấn át về tư duy, sự bó hẹp về những sự lựa chọn trong thời gian dài của gia đình – bố mẹ, thầy cô và xã hội.
Phải chăng đó là một sự bất bình đẳng giữa các thế hệ? Phải chăng đó là một góc cạnh chưa hợp lý của những tư tưởng “khôn đâu tới trẻ, khoẻ đâu tới già” vẫn đang lan truyền biết bao đời nay?
Thay vì định hướng, và chỉ dẫn, người lớn không nên sử dụng quá bừa bãi quyền phủ quyết của mình để quyết định thay – sống thay luôn cuộc sống của những người trẻ. Bởi lẽ, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, triệt tiêu mâu thuẫn một cách bất hợp lý cũng sẽ triệt tiêu luôn sự phát triển không chỉ của một hay vài thế hệ, mà còn là của đất nước. Nói một cách hài hước, “quyền đươc cãi” là một quyền mà có lẽ mà phần đông người Việt trẻ bị tước đoạt một cách bất hợp lý nhất và có hệ thống nhất.
Một trong những kỹ năng quan trọng mà giáo dục gia đình (parenting) cần phải làm được đó là dạy được cho trẻ kỹ năng bày tỏ ý kiến ngay từ những tháng năm đầu đời. Đã đến lúc xã hội phải có một góc nhìn cởi mở hơn , không phải cái gì có trước, cái gì lâu đời hơn thì sẽ là bất biến, là chân lý mãi mãi.
Là một câu chuyện vui nhưng hoàn toàn có thật, thường trong các buổi giới thiệu về công ty cho các nhân viên mới được tuyển dụng, tôi thường nửa đùa nửa thật nói “Ngoài các quyền lợi thông thường ở các công ty khác như lương – thưởng, ở đây, các bạn còn có một quyền đặc biệt đó là “Quyền được cãi” –quyền được phản biện để bảo vệ ý kiến của mình một cách chính đáng và xây dựng trước cấp trên và đồng nghiệp. Không có ý tưởng nào là luôn luôn đúng hay là tốt nhất, bởi sẽ luôn có những ý tưởng tốt hơn”.
Thật vậy, hãy trả lại “quyền được cãi” cho giới trẻ để chúng ta có thêm những thế hệ mới được độc lập tư duy, tự tin chèo lái đất nước tới những đỉnh cao mới.
Hoàng Huy.
CHIA SẺ TRÊN MẠNG XÃ HỘI ĐỂ LÀM GÌ?
“Động cơ của mình khi viết bài này là gì?”
Tôi luôn tự hỏi chính mình một cách rất nghiêm túc trước khi bắt đầu viết về bất cứ chủ đề gì trên Facebook, chứ không chỉ những điều bạn đang đọc.
Và hôm nay, tôi biết rất rõ động cơ của mình đó là muốn các bạn biết tới những suy nghĩ của cá nhân tôi về Share – về nút bấm quyền lực nhất trên mạng xã hội, và cũng là câu trả lời của tôi tới một số người không biết hoặc giả vờ không biết “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”
Tự do thông tin – tự do ngôn luận là trong những thiết chế quan trọng của một xã hội dân chủ và văn minh, và ở một dạng thức tối tân nhất của giao tiếp mạng, thì Like, Share, và Comment trên mạng xã hội chính là hiện thân dễ thấy nhất của một trong những quyền cơ bản nhất của con người – quyền bày tỏ ý kiến của bản thân. Thế nhưng ở một đất nước “dân chủ đến thế là cùng”, một đất nước sắp sửa có tháp truyền hình cao nhất thế giới, người ta vẫn còn đang quanh quẩn hỏi thăm nhau một điều tưởng như rất cơ bản “Chia sẻ (Share) để làm gì?” và cách người ta ứng xử không-thể-bất-lịch-sự hơn với một câu trả lời trái chiều làm chúng ta giật mình tự hỏi với một câu hỏi giản dị hơn nhiều “Rốt cuộc, biết nói để làm gì?”
Con người sinh ra phải biết nói như chim trời sinh ra phải biết bay, đó là bản năng. Tiếng nói của con người là thứ ngôn ngữ cao cấp và tinh vi nhất để thể hiện đủ mọi cung bậc cảm xúc của cuộc sống: từ sướng vui cho đến đau khổ, từ đồng tình cho đến phản đối, từ yêu quý cho tới tức giận- tiếng nói đều làm được hết. 7 tỷ người là 7 tỷ tiếng nói – 7 tỷ tâm tư, 7 tỷ thế giới cảm xúc-tâm hồn. Và chỉ có sự sẻ chia mới làm cho con người ta xích lại gần nhau. Thế nhưng bạn có thấy không, ở nước mình hình như sự sẻ chia, ngay cả theo nghĩa thuần khiết nhất, cũng đang bị rẻ rúm và ngờ vực hơn bao giờ hết.
Một anh Tây, thấy đống rác bẩn, xắn tay lên dọn để sẻ chia tinh thần bảo vệ môi trường, sẻ chia trách nhiệm giữ gìn cuộc sống tươi đẹp, họ hỏi “Xin phép chưa?”
Một anh kia, thấy lo lắng cho đồng bào và cả cho bản thân, gia đình đang sống liền kề bên bờ thảm hỏa diệt vong, chia sẻ một tiếng nói cảnh báo, họ hỏi “Động cơ gì?”
Thế đấy!
Đồng phục áo, đồng phục mũ, đồng phục thời trang……..rất nhiều nước có và phổ biến; tuy nhiên “đồng phục tư duy” là thứ đặc sản đáng sợ mà hình như chỉ ở Việt Nam mà một số ít quốc gia có được. Nói phải giống nhau, cười phải giống nhau, suy nghĩ phải giống nhau, và tất nhiên, có luôn cả những nỗi sợ hãi giống nhau. Nỗi sợ hãi sự khác biệt.
Share – một click chuột, một giây trong hàng tỷ giây của cuộc đời, dù nhỏ bé nhưng cũng là hành động thể hiện sự đồng tình cao độ của một cá nhân.
Chia sẻ để không đồng tình với cái sai, cái xấu, không chịu bó gối ngồi im trong sự bưng bít của một số kẻ đang hả hê áp đặt.
Chia sẻ để lan truyền đi những giá trị tốt đẹp, để nhen nhóm them những ánh lửa dù nhỏ bé trên con đường đi tìm SỰ THẬT.
Chia sẻ để phá vỡ đi sự im lặng hèn hạ mà những người đáng ra phải lên tiếng lại chọn lặng im.
Chúng ta không nên đặt hết niềm tin vào ai trong một xã hội ngày càng phức tạp, nhưng ta phải luôn tin vào chính mình, vào lý tưởng và hành động của mình. Mất niềm tin vào chính mình, là mất tất cả.
Nếu bạn đã tin rằng mình cần phải lên tiếng, mình cần phải Share, mình cần phải góp tiếng nói, hãy cứ tự tin làm điều đó một cách trọn vẹn nhất.
Vì động cơ và quyền lực của sự tử tế - sự thật sẽ luôn là những điều còn mãi.
Hoàng Huy.
TỔNG THỐNG OBAMA ĐÃ MANG ĐẾN CHO VIETNAM ĐIỀU GÌ????
Cách đây đúng 2 năm, khi giàn khoan HD 981 của trung quốc xâm phạm lãnh hải nước ta làm lòng dân sục sôi phản đối cũng là một dịp rất tốt để người Việt Nam nhìn thật rõ: ai là bạn (Friend) ai là thù (Foe) trong bức màn mờ ảo của một thế giới ngày một phức tạp và đầy biến động. Và lúc ấy, từ ở xa Tổ Quốc, tôi đã nhận ra một điều: Thực ra, Việt Nam đang rất cô đơn trên bàn cờ thế giới, chúng ta không có nhiều bạn tốt như chúng ta vẫn nghĩ.
Người Anh có câu “ A friend in need is a friend indeed.” (Người bạn khi cần mới là người bạn đích thực). Trong cơn biến động ấy, hơn bao giờ hết, chúng ta hiểu hơn nữa về từ BẠN và thế nào là BẠN?
Hai năm sau, người đứng đầu nước Mỹ đang có mặt ở Hà Nội và Sài Gòn giữa sự háo hức đón chờ của rất nhiều người dân Việt Nam với cái cách đón chờ một người bạn lâu ngày muốn gặp, khác hẳn với những lễ nghi mang tính hình thức hay dùng để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khác: những cái vẫy tay hời hợt và những nụ cười công nghiệp bên đường. Vì sao lại như vậy?
Vì ông ấy là một trong những người quyền lực nhất thế giới, điều hành đế chế kinh tế đáng nể nhất thế giới, tổng tư lệnh của lực lượng quân đội hùng mạnh nhất??? Không hẳn vậy, tôi nghĩ khác và nghĩ nhiều hơn về những điều ông đã mang đến cho Việt Nam trong chuyến đi này.
Nhiều người hay nói “Chơi với Mỹ…….luôn có quà”, thật vậy, năm 1994, tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế rực rỡ và ông Bill đã sang thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2000. 16 năm sau, tổng thống Obama sang thăm Việt Nam với tin vui dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi gần hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên tôi không nghĩ đám đông người dân chào đón ông bên đường kia có nhiều người hiểu được lệnh cấm bán vũ khí sát thương là gì, nguyên nhân vì sao có cái lệnh đó và vì sao lại được dỡ bỏ vào đúng thời điểm này. Người dân luôn quan tâm đến những gì đơn giản và gần gũi hơn, và thông thường nhìn nhận của họ luôn đúng và làm nên thứ mà chúng ta hay gọi là lịch sử. Lòng dân chưa bao giờ sai.
Trong mỗi cuộc viếng thăm cấp nhà nước, người ta thường trông đợi nhất hai thứ, một là họp báo chung (joint press conference) và bài phát biểu của khách mời tại nước chủ nhà. Nếu như họp báo là công bố những thỏa thuận hợp tác đã đạt được, thì bài phát biểu của Tổng thống Obama lại chứa đựng nhiều hơn cả những ngôn từ ngoại giao sáo rỗng. Trên cả những tu từ và sự am hiểu quá xuất sắc trong bài diễn thuyết của Tổng thống, tôi nhìn thấy ở đó một sự chân thành và cởi mở của nước Mỹ- điều mà chắc chỉ riêng tôi và nhiều người Việt khác đều cảm nhận được qua sóng truyển hình.
Từ rất lâu rồi, rất nhiều người Việt luôn coi Mỹ là chuẩn mực của sự hoàn hảo. Tuy nhiên, Mỹ không phải là thiên đường, dù người ta vẫn hay thường nói Giấc mơ Mỹ, đất nước nào cũng có những vấn đề riêng của mình, tuy nhiên thái độ và cách ứng xử của những người đứng đầu đối với những vấn đề đó tạo ra sự khác biệt. Một sự khác biệt không hề nhỏ giữa Việt Nam và Mỹ. Ngài nói:
“Tôi không nói riêng về Vietnam, không quốc gia nào hoàn hảo. Hai thế kỷ qua, chính nước Mỹ cũng đang cố gắng đạt được lý tưởng của những người lập quốc, vẫn đang đối phó với hạn chế của mình như tiền chi phối chính trị, bất bình đẳng gia tăng, phân biệt chủng tộc và tội phạm, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ...
Chúng tôi có những vấn đề và không miễn nhiễm với chỉ trích. Tôi thề là tôi nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng điều đó thúc đẩy tôi mở rộng đối thoại, để mọi người được lên tiếng, giúp chúng tôi mạnh hơn, thịnh vượng hơn, công lý hơn”
Mặc dù là người đứng đầu của hình mẫu tự do – dân chủ lớn nhất thế giới, Ngài Obama, không thể mang tặng điều đó cho Việt Nam dù nước Mỹ luôn cổ vũ nhiệt thành cho những giá trị phổ quát của quyền con người, mà bản thân Obama đã là một tượng đài lịch sử - tổng thống da màu đầu tiên ở một quốc gia đã từng là kinh đô của nạn kỳ thị chủng tộc. Vậy ai sẽ giúp Việt Nam?
Mặc dù là tổng thống quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, nhưng Tổng thống Obama cũng không thể bốc tiền thuế của người dân Mỹ để tặng Việt Nam – một quốc gia xa xôi và thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình. Cá nhân Obama cũng không thể mang lại sự tiến bộ cho Việt Nam, bởi vì không có sự thay đổi nào diễn ra chỉ sau một đêm. Vậy ai sẽ giúp Việt Nam?
Câu trả lời và thông điệp của người đứng đầu nước Mỹ rất đơn giản,thành thật, và rõ ràng hơn bao giờ hết “Người Việt Nam sẽ quyết định tương lai của mình”. Nói một cách tường minh hơn, có thể hiểu rằng: Thế giới tươi đẹp là thế, nhưng muốn có những điều đó, các bạn hãy tự làm lấy chứ đừng chờ đợi thêm nữa.
Phần đông người Việt Nam thường chỉ thấy, chỉ vội ngợi ca sự giàu có, sự trỗi dậy kì diệu của Singapore, của Hàn Quốc, của Nhật Bản và gán với một cái cớ đơn giản có vẻ dễ chấp nhận là “quen Mỹ-thân Mỹ” mà thiếu chú ý đến ý chí vượt khó và tự lực vươn lên dữ dội của những dân tộc đó. Và bản thân nước Mỹ bây giờ cũng phải kính nể những quốc gia ấy.
Hơn bao giờ hết, người Việt Nam và đặc biệt là người trẻ cần một sự nhìn nhận khách quan hơn với lịch sử.
Giá như Tổng thống Henry Truman đã hồi âm thư của Hồ Chí Minh năm 1945-1946?
Giá như Việt Nam và Mỹ chưa từng là cựu thù trong chiến tranh?
Không. Cuộc sống và lịch sử đều không có chỗ cho những “Giá như”. Chúng ta không thể lên án hay kết tội quá khứ, sửa lại những gì đã qua, nhưng hoàn toàn có thể kiến tạo hiện tại và định hình tương lai bằng tư duy rộng mở đúng đắn và hành động tích cực.
Trong quá khứ, có kẻ hoài nghi "Mỹ mà tốt?"
Thế kỉ 21 của Việt Nam nên trả lời: "Mỹ không hẳn đã tốt, nhưng là lựa chọn phù hợp của xu thế thời đại."
Huân tước Palmerston, một nhà ngoại giao lỗi lạc của nước Anh từng nói "..Không có bạn không có thù, chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn...." (Nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests)
Trong hình mẫu của thế giới hiện đại, không có nước nào bóc lột hay bắt nạt nước nào. Tuy nhiên, đó là hình mẫu, còn vấn đề của chúng ta hiện nay là hãy luôn cố gắng để tạo dựng những giá trị mà thế giới thèm muốn được "bóc lột" và không tự biến mình thành kẻ bị bắt nạt. Hình như thiếu lắm!
“Chúng ta đã học được bài học của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, rằng để đối thoại, cả hai bên đều phải sẵn sàng thay đổi. Khi đó, cuộc chiến vốn chia rẽ chúng ta nay lại là cội nguồn của tình bạn”
Và muốn như thế, Việt Nam không thể "nối vòng tay lớn" với một bàn tay nắm chặt. Có đổi thay không, Việt Nam?
Hoàng Huy.
DADDY, I AM ON THE WAY TO GO HOME! (BỐ ƠI, CON ĐANG VỀ NHÀ….)
Bố thương yêu!
Phải mất sáu năm, 2190 ngày Bố ạ, con mới có cơ hội được làm điều này: trở về ăn với Bố một bữa cơm vào đúng ngày sinh nhật của Bố. Con đã chờ đợi lâu lắm rồi, Bố biết không?
Và ngày hôm nay, con quyết định phải trở về nhà để thực hiện lời hứa của con năm ngoái “Con sẽ sớm về thôi.” Vậy nên con tạm gác núi công việc bề bộn kia lại, hết giờ làm việc hôm nay, con sẽ bay về với Bố, ở nhà với Bố một đêm thôi và ngày mai con sẽ lại đi. Con nghĩ đó là món quà tinh thần lớn nhất mà con có thể tặng cho Bố vào ngày đặc biệt này.
Bố còn nhớ không ạ, ngày con đi du học, Bố đã nói với con “Đi đi con, ở nơi ấy, có những thứ mà ở Việt Nam dù có rất nhiều tiền cũng không bao giờ có được”. Con đã nghe, đã đi, đã sống, và đã học…..cho tới khi biết được, hiểu được “những thứ” mà Bố nói ấy là gì, con lại nhận ra rằng:
“Ở nơi ấy, đúng là có mọi thứ mà đất nước mình chưa có, nhưng Việt Nam lại sở hữu một thứ, mà nếu thiếu đi, mọi thứ kia tươi đẹp kia sẽ đều trở thành vô nghĩa. Thứ ấy không gì khác hơn là Gia Đình, là Bố thương yêu của chúng con.”
Bố bao giờ cũng thế, sợ phiền con cái, và luôn cứng vững ngay cả những lúc cuộc đời ép ta phải mềm yếu nhất. Bố cứ nói “Không cần đâu, bố cảm ơn nhưng bố biết con rất bận.” Vâng, đúng là con rất bận, nhưng điều con mong muốn được bận hơn cả trong cuộc đời này, là được bận yêu thương, bận quan tâm đến Bố từng phút từng giây, bận ở gần Bố – người thân duy nhất còn lại của con trên thế gian này. Vì hơn ai hết con hiểu rằng, còn có Bố, con còn Tất Cả.
Nhớ hơn một năm trước, những ngày đầu năm mới, Bố yếu đột ngột phải vào viện. Lúc ấy, từ cách xa 13.000 km, con mới cảm nhận được hết sự bất lực tột cùng của khoảng cách xa xôi. Những cuộc gọi đầu số +84 lúc nửa đêm làm con muốn nghẹt thở. Lúc ấy với con, mọi tiền bạc đều trở thành vô nghĩa, con chỉ muốn về, về ngay, để khi Bố tỉnh lại, mở mắt ra sẽ thấy con ở ngay cạnh bên. Con dốc Penton Rise mà con đi bộ đi làm mỗi ngày, bao nhiêu bậc là bấy nhiêu nước mắt của con rớt xuống. Con vừa đi vừa khóc, mặc kệ người ta nhìn, con không quan tâm nữa vì con chỉ sợ rằng con sẽ phải đối mặt với những điều tệ nhất không mong muốn. Đó là một nỗi sợ ghê gớm với con lúc ấy. Thật may, cơn ác mộng ấy đã qua rồi…..Đã qua rồi!
Giờ đây, điều con muốn nhìn ngắm nhất không phải là Nữ thần Tự Do hay núi Phú Sỹ hay những cánh đồng hoa lavender rộng thênh thang, vì con biết con sẽ chỉ có thể cười mãn nguyện khi thấy Bố luôn khoẻ mạnh và đi chơi đây đó.
Lúc ra công tác ở TransViet Hanoi, thấy cứ buổi trưa, anh Dat Nguyen Tien lại xách cặp lồng cơm chạy về tận Hàng Bông chỉ để ăn cơm với bố anh ấy vì lo ông ăn cơm một mình buồn, con cũng ước gì con cũng được như thế. Sài Gòn với con rất tốt, công việc và những người đồng nghiệp tuyệt vời, những ngày nắng ấm đâu ra đấy chứ không hời hợt như nắng trời Bắc Âu, chỉ tiếc rằng thiếu Bố ở đây với con.
“Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa……” Vâng, con đã đi rất xa, và đủ xa đủ lâu để hiểu rằng con cần phải cảm ơn Bố đã chưa bao giờ cho con có tí cơ hội nào để dựa dẫm hay ỷ lại, để giờ đây con có thể bước đi một cách tử tế trên chính đôi chân của mình. Theo cách ấy, Bố đã cho con rất nhiều, Bố ạ.
Bố đã hi sinh và dành tặng chúng con quá nhiều trong suốt cuộc đời, và trong ngày đặc biệt này, hơn bao giờ hết, tự thân con biết con cần có mặt ở đó như hàng bao nhiêu ngày sinh nhật của con, dù bận đến mấy, Bố cũng chưa bao giờ vắng mặt.
28 năm trước, Bố đã bỏ Châu Âu để về với con của Bố, thì bây giờ con cũng trở về để được gần hơn Bố của con, trở về để thực hiện sứ mệnh là người thuyền trưởng tiếp theo của gia đình như những bức email Bố vẫn luôn gửi để dặn dò con suốt những năm tháng xa nhà. Con đọc nhiều quá, thuộc hết luôn rồi Bố ạ, và con về để nói với Bố “I am ready, Sir”.
Chúc mừng sinh nhật Bố, người cha vĩ đại, người thầy yêu thương, “người mẹ” tuyệt vời, người bạn lớn sâu sắc thuỷ chung của con suốt 28 năm qua.
Cảm ơn Bố vì tất cả. Chúng con yêu Bố rất nhiều.
Con của Bố.
Hoàng Huy.
THỦ KHOA KÉP VẪN THẤT NGHIỆP & NỖI ỚN LẠNH NHÂN SỰ "BẰNG ĐỎ".
(Bài đăng sáng nay trên Vietnamnet )
Lướt qua những trang báo, bạn sẽ dễ tìm thấy những bản tin buồn: thủ khoa kép (đầu vào - đầu ra) vẫn thất nghiệp, hay thạc sỹ, cử nhân đua nhau đi học.......trung cấp, thoạt nhìn có vẻ chua chát, có vẻ thêm một cái cớ để người ta đổ lỗi cho ngành giáo dục.Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận đây như những tín hiệu vô cùng đáng mừng cho đất nước, một sự đổi thay lớn đang đến gần.
Những tín hiệu này cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường lao động đang và sẽ thực hiện sứ mệnh tự sửa chữa và điều chỉnh lại những bất hợp lý và lỗ hổng chất lượng đào tạo của ngành giáo dục- như một liều kháng sinh cần thiết.
Cuộc đua nhà nhà vào đại học, và phong trào phổ cập thạc sỹ, tiến sỹ tràn lan sớm muộn cũng sẽ phải đến hồi kết. Sự thần tượng mù quáng về bằng cấp, về danh hiệu......của đại đa số học sinh- sinh viên và gia đình các em cần phải bị sụp đổ mới có chỗ cho những đổi thay cần phải có.
Với tôi, đi học ngoài chuyện là cuộc hành trình đi tìm kiến thức- đi tìm tự do, luôn luôn là một cuộc đầu tư cần tính toán kỹ nhất trong cuộc đời mỗi con người.Trong đó tâm huyết-thời gian- tiền bạc và trí lực của người học và gia đình là dòng vốn, ngành học (học những gì- học ở đâu) chính là các danh mục đầu tư (portfolio), và chất lượng cuộc sống của bản thân người học sau khi tốt nghiệp chính là các tiềm năng về lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt Nam không nghĩ vậy.
Tập quán đầu tư theo "hiệu ứng đám đông" của các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đang làm cho cán cân lao động của Việt Nam ngày càng mất đi sự cân bằng cần thiết cho một nền kinh tế khoẻ mạnh. Đã có thời toàn dân đổ xô cho con đi học IT như thể ngày mai nước ta ngay lập tức thành một thung lũng Silincon thứ hai, và dòng thác chứng khoán - ngân hàng cũng làm người ta mơ tưởng đến những Wall Street Việt chưa bao giờ tới. Cái luẩn quẩn "đại học là học đại" giống như cái vòng kim cô xiết hẹp dần lại tương lai của không chỉ nhiều bạn trẻ mà còn của đất nước.
Bằng tốt nghiệp dù có là hạng gì, ở trường nào, cũng chỉ dừng lại ở chức năng xác nhận rằng bạn đã hoàn thành một khoá học ở một trường học nào đó chứ hoàn toàn không phải là tấm vé đảm bảo rằng bạn sẽ có một chỗ đứng phù hợp như mong muốn trong đội quân lao động ngoài kia, càng không có vai trò như một bảo chứng cho sự thành công dài lâu của bạn.
Tuổi trẻ thường có thói quen ngủ hơi lâu và hơi sâu trên những thành công ban đầu mà quên mất rằng thành công luôn được xếp đặt xen kẽ với những thử thách mới tịnh tiến theo hướng khắc nghiệt hơn. Và nhiều bạn trẻ sẽ vẫn mãi bồng bềnh trên những nhầm tưởng cho đến khi họ đón nhận những thất bại đầu tiên sau cánh cổng của trường đại học khi mang hồ sơ đi xin việc, khi họ hiểu được rằng doanh nghiệp không phải là giảng đường, và chắc chắn ở đó không có những thầy cô giám khảo dễ dãi, mà chỉ có những nhà tuyển dụng vô cùng khắt khe.
Dưới vai trò của một nhà tuyển dụng, tôi ngỡ ngàng với năng lực thực tế của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Bên cạnh một số ít ứng viên xuất sắc, là một tỷ lệ rất đông những hồ sơ không-biết-phải-nhận-xét-thế-nào.
Có rất nhiều ảo tưởng, có rất nhiều mơ hồ, có rất nhiều tự ti và cũng không ít những sự thất vọng khó nói hết thành lời. Một hiện thực dễ thấy là sự thụ động của phần đông các bạn sinh viên hiện nay.
Bằng giỏi đi kèm với những bản CV viết không thể cẩu thả hơn, những câu trả lời ngô nghê; bằng khá đi kèm với trễ hẹn giờ phỏng vấn, sự thiếu kinh nghiệm còn gói bọc qua loa trong những lời nói dối vụng về......có lẽ không còn là mới ở nhiều công ty mỗi mùa tuyển dụng.
Có lẽ, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ không-làm-được-việc để định rõ trách nhiệm giữa ngành lao động và ngành giáo dục, hơn là một sự nhập nhèm trong những con số như hiện nay. Nếu như không kiến tạo đủ việc làm là lỗi vĩ mô, thì không đủ năng lực làm việc lại là quả đắng chung của "những nhà trường dạy kiến thức 60 năm trước" và bản thân những cá nhân dại khờ tin tưởng "học trên trường" là đủ.
Đất nước vừa đón nhận một vị Bộ trưởng Giáo dục mới, và rất may mắn vì tân Bộ trưởng không nhận mình là "tư lệnh", không coi "giáo dục là trận đánh lớn" nữa.
Nhân dân đã quá mệt mỏi với những "trận đánh liên miên trong giáo dục" suốt mấy chục năm qua, hơn bao giờ hết họ đang cần một nền giáo dục bình yên và ổn định để tạo ra một tương lai sáng hơn cho con em họ, cho đất nước. Giáo dục tuyệt nhiên không thể là chuỗi nối dài của những cuộc thử nghiệm, và học sinh tuyệt nhiên không thể là những sản phẩm thí nghiệm thêm nữa. Chiến tranh, một quyết định sai của chiến tướng, sẽ hi sinh sinh mạng của một thế hệ; còn giáo dục, một cải cách sai lầm kéo lùi sự tiến bộ của ít nhất vài thế hệ.
Thời đại "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ...." dù muốn hay không cũng sẽ phải sớm chấm dứt để trở về đúng quy luật để trở về thành đấu trường lành mạnh nhưng khắc nghiệt của năng lực đích thực. Sẽ sớm thôi!
Hoàng Huy.
5 LÝ DO VUA HÙNG THIẾT THA ĐỀ NGHỊ TỪ NĂM SAU KHỎI CẦN LÀM GIỖ.
5 LÝ DO VUA HÙNG THIẾT THA ĐỀ NGHỊ TỪ NĂM SAU KHỎI CẦN LÀM GIỖ.
1. Hàng ngàn năm sau khi Vua mất, gần 100 triệu con dân của Người, phần đông vẫn không học được những điều đơn giản nhất mà cả thế giới (trừ trung quốc) đều biết: phải xếp hàng - phải tự giác giữ trật tự ở chỗ đông người, không chen lấn xô đẩy gây hỗn loạn, biết giữ văn minh khi đi du lịch- thăm quan. Khổ bà già, tội trẻ con, thương người có bệnh. Từ trên đỉnh non cao, nhìn đàn con có lớn mà không có khôn, Vua thấy mà buồn không tả xiết!
2. Mỗi lần Giỗ Vua, Vua lại thấy đau lòng trước thói hình thức- lãng phí kệch cỡm đến vô lý của đám cháu con. Thời của Vua, dù cho bánh chưng là đất, bánh dày là trời thì cũng chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh như một nét văn hoá tươi đẹp; chứ không phải bánh chưng tấn rưỡi, bánh dày tạ hai như bây giờ. Ở miền cao, trẻ con còn mơ được ăn cơm có thịt, ở miền Tây, sắp khô hạn cả rồi, đất nước còn nghèo khó, nợ công mỗi lúc một dày, Vua lòng dạ nào mà ăn cho được. Và hơn cả, Vua đâu dám ăn vì ai dám chắc thịt nhân bánh không có chất tạo nạc, gạo nếp kia không phải hạt nhựa Tàu, ăn vào có khi Vua băng hà lần nữa. Vua thấy mà đắng lòng!
3. Mỗi lần giỗ, Vua mệt mỏi vì những lời khấn nguyện xàm xí của cháu con. Kẻ cầu cho con được trúng mánh lên đời xe, đứa thì mong cho con được thăng quan tiến chức, ti tiện hơn thì cầu cho con năm nay xà xẻo được nhiều......Vua nghe xong chỉ muốn đuổi tất cả lũ về, tìm ngay lại chuyện Mai An Tiêm mà đọc. Không có quả ngọt nào chỉ cần cầu khấn mà có. Thế kỉ nào rồi mà còn mơ làm ít ăn nhiều. Phải là nước mắt, mồ hôi gian khó, trí tuệ cần cù mới mong có hoa thơm trái ngọt. Vua thấy mà thêm sầu!
4. Vua buồn khi cháu con chỉ mượn cớ giỗ Vua để thêm ngày nghỉ, bày trò nhậu nhẹt tối ngày, say xỉn hò hét như thể nơi rừng xanh núi đỏ. Để rồi mỗi lần giỗ vua xong là năm sau lại thành giỗ của vài ngàn đứa chết vì tai nạn giao thông rồi đánh nhau ẩu đả. Thương cha Lạc mẹ Rồng thì cố gắng làm lụng chăm chỉ, đừng hò nhau đổ về Phú Thọ nữa, núi Nghĩa Lĩnh đã chật chội lắm rồi. Vua ngẫm mà thấy ứa nước mắt.
5. Giỗ Vua nhưng ngày càng ít cháu con biết về lịch sử. Quang Trung giờ chúng nó còn cho thành bạn chiến đấu của Nguyễn Huệ thì nói gì đến vua ở cách đó cả ngàn năm. Lịch sử cách đây vài chục năm đã bị xói mòn nghiêm trọng, Gạc Ma không ai nhắc tới, Vị Xuyên ngày càng nhiều người quên......thì nói gì đến 18 đời họ nhà Hùng của Vua tên dài dòng khó nhớ. Vua nghĩ tới mà giận khôn cùng!
Tổ tiên nào cũng mong muốn được thờ cúng, được cháu con nhớ tới, nhưng hơn hết tất cả tổ tiên mong muốn cháu con sống tốt- sống đẹp - sống có ích trong một đất nước hùng cường- văn minh- lịch sự. Vua chết cả ngàn năm nay rồi còn thiết tha gì nữa đâu một ngày giỗ mọn. Chi bằng từ năm sau toàn dân vẫn cứ đi làm ngày 10/3 Âm lịch nhưng lấy lương bổng ngày đó để làm từ thiện cho đồng bào. Suối sâu còn cần cầu, núi cao học sinh còn cần "Cơm có thịt", đồng bằng cần học phép tắc ứng xử văn minh, trẻ con cần học ngoan ngoãn, người lớn cần tự sửa mình để lúc nào cũng làm người tử tế chứ đợi lúc về hưu thì đã quá muộn.....Chỉ cần vậy thôi là Vua chẳng cần giỗ nữa rồi mà vẫn sống đời đời bên cháu con hạnh phúc.
Hoàng Huy.
IP MAN & BÀI HỌC VỀ SỨC MẠNH
Hiếm có một bộ phim nào khiến mình suy nghĩ nhiều sau khi xem như Diệp Vấn, có những bài học mà nhiều khi vì quá bận rộn với những đam mê riêng mà chúng ta đã nhầm hoặc chưa nhận thấy.
Một bộ phim võ thuật tuyệt đỉnh thường làm người nghĩ đến sức mạnh quyền cước như vũ bão. Nhưng khi bộ phim khép lại, điều làm mình phải nghĩ mãi lại không sức nặng nắm đấm của Mike Tyson hay những cú ra đòn Vịnh Xuân ảo diệu của Diệp Sư phụ mà là những bài học trầm lắng về Sức mạnh.
Vậy trong cuộc sống này, sức mạnh thực ra là gì?
Đã bao giờ chúng ta tự nghĩ rằng mình là kẻ mạnh mẽ.
Như nhiều người, đã có lúc mình ngây ngô hiểu rằng ta đây đã hiểu hết về sức mạnh, nhưng không phải.
Sức mạnh hoá ra không phải là để làm người khác kinh sợ mà là để làm người khác mỉm cười. Sức mạnh không được phép làm người ta xa nhau, mà phải làm người ta hạnh phúc hơn, mới là thứ sức mạnh nhân văn chân chính.
Sức mạnh hoá ra không phải là để theo đuổi đến cùng những thứ hư vô, ảo ảnh mà là sẵn sàng nhẹ nhàng buông bỏ nắm giữ thật chặt những điều giản dị ở cạnh bên.
Sức mạnh hoá ra không phải là để đánh thắng mọi đối thủ mà là để không thua chính mình, không thua cái tôi, thua sự sĩ diện, thua những ảo tưởng huyễn hoặc mà đôi khi chính chúng ta vô tình vẽ ra.
Sức mạnh hoá ra không phải là để chiến thắng bằng mọi giá mà để biết thua đúng lúc. Học thua để thắng là điều không phải điều mà ai cũng làm được
Sức mạnh của tình yêu thương và sự nhường nhịn trân quý không giúp chúng ta luôn hô vang: "Tôi là người mạnh mẽ bất bại" nhưng giúp ta có bản lĩnh đứng trước những người mình thương yêu nói cho một câu "Tôi sai rồi. Tôi xin lỗi" khi vô tình ta làm họ buồn và tổn thương.
"Sau cùng, điều quan trọng nhất vẫn là người ở bên cạnh mình"
Và theo cách ấy, tôi biết, mình đã thua hơn một lần trong đời. Nhưng cũng không bao giờ là muộn cho một lời xin lỗi chân thành khi chúng ta đều còn đứng chung dưới một bầu trời.
Vì.....đời có bao lâu mà hững hờ.
NƯỚC MÌNH CÓ BAO NHIÊU MINH BÉO?
NƯỚC MÌNH CÓ BAO NHIÊU MINH BÉO?
(Bài đăng trên Tuần Việt Nam - Vietnamnet)
Một vài lần xem hài của Minh đóng không đủ làm tôi ấn tượng. Tôi vốn dĩ không thích thú lắm với lối chọc cười của người miền Nam. Tuy nhiên điều làm tôi thực sự quan tâm khi nghe tin diễn viên Minh Béo bị tạm giữ tại Mỹ vì cáo buộc “lạm dụng tình dục trẻ em”.
Không phải vấn đề anh ta sẽ bị tuyên phạt bao nhiêu năm tù, vì theo nguyên tắc tòa chưa tuyên án, bị cáo vẫn là vô tội. Tôi cũng không quan tâm đến sự giận dữ nhất thời của dư luận đang đổ lên đầu Minh và gia đình anh. Điều tôi quan tâm nhất đó là câu hỏi: Sẽ có bao nhiêu người Việt Nam sẽ dễ dàng bị cáo buộc những tội danh tương tự như Minh Béo nếu như đất nước chúng ta đang sống không phải là Việt Nam?
Nhiều người sẽ nói “Chẳng ai cả, vì số ít người như Minh béo là bệnh hoạn, là thiểu số không đáng kể”. Tuy nhiên, câu trả lời của tôi sẽ làm nhiều người giật mình: “Sẽ có rất nhiều người Việt Nam phạm tội. Nếu sống ở nước ngoài, và con số đó đủ lớn để hình thành nên một tỷ lệ phần trăm dân số”.
Bao nhiêu người trong số chúng ta có thói quen “cho bác xem nào… cho cô xem nào…” rồi tha hồ bình phẩm, cười nói, thậm chí nghịch ngợm phần riêng tư của mấy cậu bé trai? Rất nhiều.
Bao nhiêu người trong số chúng ta có thói quen ôm ấp, hôn chùn chụt những cô bé cậu bé và hồn nhiên coi đó như những cử chỉ yêu thương, không cần biết các “bị ôm” “bị hôn” kia có thích hay không? Rất nhiều.
Trong số ấy, có cả bố-mẹ-ông-bà-cô-dì–chú-bác- người thân của các bé. Ở ngoài Việt Nam, các “bị ôm”” bị hôn” ít tuổi kia sẽ luôn luôn được bảo vệ toàn diện khiến cho nhiều người trở thành “bị cáo” quấy rối tình dục trẻ em.
Tâm lý “Trẻ con- Biết gì!”của số đông người Việt vô hình chung dẫn đến những hành vi mà thế giới văn minh coi đó là vi phạm luật pháp và nhân quyền, là “quấy rối tình dục trẻ em”, bị xử phạt rất nghiêm khắc.
Nhìn nhận một cách khách quan, chính vì trẻ con “không biết gì” nên mới rất cần sự “biết gì” của người lớn để bao bọc, chở che. Tuy nhiên có vẻ nhiều người lớn Việt cũng không biết gì hơn con trẻ. Mỗi ngày vẫn có vô số những bức ảnh của các ông bố bà mẹ hồn nhiên khoe ảnh con trong những khoảnh khắc riêng tư tràn lan trên các mạng xã hội.
Họ ngầm hiểu rằng là con tôi – và tôi có quyền khoe, có quyền hãnh diện, và việc đó là vô hại. Họ không hiểu rằng như vậy đã xâm phạm quyền riêng tư của những công dân chưa biết nói. Bao nhiêu người trong số người lớn trưởng thành như chúng ta chấp nhận chuyện đang đứng thì có một người lạ tiến tới ôm hôn, vuốt má vuốt tóc, hay ngang nhiên chụp hình?
Nếu chúng ta không thích, tại sao chúng ta lại bắt con trẻ phải chịu đựng những chuyện đó, hay vì tiếng nói và nhận thức của các em còn quá nhỏ bé để phản kháng?
Tôi có một kỉ niệm đáng xấu hổ trong những năm đầu tiên sống ở nước ngoài: buổi chiều hôm đó khi đang lang thang trong công viên Holland Park, Luân Đôn chỉ để chộp lấy cho riêng mình những khoảnh khắc đẹp của một ngày chủ nhật bình yên. Tình cờ tôi bắt gặp một bé trai cực kỳ dễ thương khoảng 2 tuổi đang ngồi chơi trong vũng cát. Mái tóc vàng óng và vẻ mặt hồn nhiên của cậu bé làm tôi rất muốn thu lại hình ảnh này vào trong ống kính, nhưng nhìn quanh không thấy có người lớn nào trong có vẻ là phụ huynh của bé để có thể xin phép họ.
Trong một phút bừa bãi của tư duy, và cũng nghĩ việc làm của mình là vô hại, tôi đánh liều đưa máy lên định chụp một tấm. Thật bất ngờ và cũng thật xấu hổ, cậu bé trai còn lại chỉ khoảng 4-5 tuổi, nhỉnh hơn một chút và có vẻ là anh trai, đầu đội chiếc nón đặc trưng của người Do Thái, đứng phắt dậy lấy bàn tay nhỏ xíu che ống kính của tôi lại và nói rất lớn “Stop!” (Dừng lại).
Tôi vội vã xin lỗi cậu bé và giải thích cho cậu bé rằng tôi chưa hề chụp, và cúi mặt bỏ đi. Bài học be bé của tôi chiều ngày hôm ấy lại là sự thất bại không hề nhỏ của một nền giáo dục xem nhẹ vấn đề phòng chống xâm hại như ở nước ta.
Suốt 12 năm đi học phổ thông và thậm chí 4 năm học đại học tại Việt Nam, chưa hề có một trang sách nào nhắc tôi chuyện dạy học sinh phải xin phép trước khi muốn chụp ảnh ai đó (đặc biệt là trẻ em) và cũng chưa bao giờ dạy cách phòng tránh xâm hại trực tiếp hay gián tiếp.
Hôm đấy, tôi chính thức biết rằng 16 năm đi học trường lớp của tôi đã thua kém hẳn một cậu bé 5 tuổi Do Thái hình như chưa đi học nhưng được trang bị rất tốt những kỹ năng mềm để bảo vệ và phòng tránh xâm hại cho bản thân và người thân.
Chúng ta có thể đổ lỗi cho giáo dục, cho nét văn hóa đặc trưng từ ngàn đời, và đổ lỗi cho cái gì đó chúng ta thấy là hợp lý. “Ở xứ này không chỉ mình tôi như thế”. Việc chúng ta cần làm nhất bây giờ không phải là đổ lỗi, mà phải là hành động. Sự thay đổi tư duy để sẽ ngày càng ít đi những sự việc đáng tiếc như vụ việc của Minh Béo không chỉ ở nước ngoài mà ngay trên chính đất nước của chúng ta.
Không chỉ là trang bị thêm những kiến thức phòng tránh lạm dụng cho con trẻ, mà hơn cả, mỗi người lớn nên nhìn lại chính những hành vi tưởng chừng như vô hại của mình.
Đã đến lúc ấy, muộn còn hơn không!