2017
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
(Lâu lâu viết nhảm nhí cho mình để tạm biệt năm 2017)
Kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm, đáp chuyến bay muộn về với Bố cho kịp bữa cơm chiều, về với nơi thân thương mà không gì thay thế được, tự nhiên trong lòng nhẹ bẫng.
Ngoảnh đầu nhìn lại, một năm nữa đã chảy qua nhanh như một chớp mắt...Vài ngày nữa, một năm mới sang, mình sẽ miễn cưỡng phải dọn vào sống chung với cái tuổi 30 chật chội, không thích lắm đâu, tuổi của những bước ngoặt, tuổi đến hạn quyết toán những gì còn sót lại của thanh xuân.
Thanh xuân với mình là một dạng vốn, bằng một cách rất công bằng, cuộc đời cấp cho tất cả chúng ta, tuyệt đối không thể vay mượn, chia sẻ và luôn đòi hỏi chúng ta phải là những nhà đầu tư thông thái nếu như không muốn nhận những cái kết tê tái...
Ngồi trên máy bay, mình thử tự hỏi mình cái câu hỏi thời thượng mà rất hay các bạn trẻ bây giờ hay hỏi đùa nhau "Ta đã dùng cả tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?"
Để yêu??? Trẻ là phải yêu, không yêu cũng là một cách phí hoài tuổi trẻ. Mình cũng yêu, cũng rồ dại, cũng vô tư, cũng cuồng nhiệt, và tất nhiên cũng......sai lầm. Nhưng sau cùng mình thấy rằng: Tình yêu hoá ra cũng giống như chuyện lái xe. Không quan trọng lắm chuyện bạn đi xe gì, mà quan trọng bạn có đến đích an toàn hay không? Bạn lái xe bằng gì? Sự tỉnh táo và khôn ngoan hay sự mù quáng và vội vã? Lãng mạn, cuồng nhiệt sớm muộn rồi cũng có thể qua đi, nhưng cái quan trọng nhất sẽ vẫn là nồng độ hạnh phúc trong hơi thở những người trong cuộc. Không ai vẫy bạn lại để đo cái nồng độ ấy đâu, nhưng hãy luôn đảm bảo mình được hạnh phúc và bình yên nhất - nếu hai điều đó không còn, thì hãy dũng cảm bước ra, càng sớm càng tốt. Đừng cố gắng nhẫn nhịn, đừng tập tành hi sinh, và đừng cố diễn 24/7, tội lắm, cả mình cả người ta. Hãy yêu bằng tất cả sự trần trụi của cảm xúc nhưng cũng đừng bao giờ tự cho phép mình hoài nghi tình cảm tốt đẹp của những người quanh ta chỉ vì đôi lần của ngày hôm qua chưa được êm đẹp...
Để học hỏi??? Trẻ mà thiếu vắng đi sự học thì chỉ để lại cho tuổi già sự tiếc nuối. Mình thì chẳng bao giờ muốn tiếc nuối về bất kỳ điều gì nên mình học như thể đó là nhu cầu ăn-ngủ mỗi ngày, chứ chẳng vì mảnh bằng nào cả. Mình không chịu được cái tối tăm khi mất điện, và cũng quyết không thoả hiệp một cuộc sống quá bức bối vì thiếu hiểu biết. Học từ một tờ báo cũ, từ một ông lão bán vé số, hay học từ những ngôi trường danh tiếng, học từ những trận chửi mắng té tát của người đời.....thì đều là những học phần bắt buộc của đại giảng đường cuộc sống. Tiêu tốn cả thanh xuân để đi học để rồi nhận ra sự thật phũ phãng rằng hoá ra ta luôn ngu dốt hơn mình tưởng, và sẽ chỉ nên ngưng học khi ngưng thở để tránh cho sự dốt nát không ngừng lạm phát.
Để đi??? Tuổi trẻ là những chuyến đi, nếu không đi ta sẽ quên mất mình đã từng trẻ. Mình lang thang khắp nơi, từ thế giới phồn hoa của những người giàu đến những nơi chẳng có gì ngoài sỏi đá. Nhưng rồi, sau mỗi chuyến đi, mình lại nhận thấy chuyến đi về nhà - về đất nước nơi ta đã sinh ra - đi ngược về trong sâu thẳm chính bản thân mình là những chuyến đi đáng mong đợi nhất. Đi xa để trở về là vậy. Đi! Nhất định phải đi để thấy gia đình & đất nước mình là những thứ không dễ gì từ bỏ được đâu; để thấy những gì đẹp nhất hoá ra là những gì thân thương, giản dị nhất. Vậy nên, hãy đi đi!
Để kiếm tiền??? Mình đã từng đạp tuyết xuyên đêm đi nhặt từng xu lẻ nơi xứ người, và tất nhiên, cũng từng lăn qua lăn lại trên những chiếc giường trải đầy tiền như một trò trẻ con rất nhảm nhí để trả thù những ngày khốn khó. Mình nhẫn nhịn với mọi thứ trong đời, trừ cái nghèo và sự thiếu thốn nên say mê chuyện kiếm tiền như một bản năng sinh tồn để thử thách chính mình trong mọi hoàn cảnh. Sau cùng, mình nhận ra hoá ra chúng ta không cần phải có quá nhiều tiền để hạnh phúc như chúng ta vẫn thường tự huyễn hoặc bản thân đâu. Hãy biết Đủ và phải trả lời cho chính mình bằng được câu hỏi: "Sau sự giàu có và thành đạt là gì?" - Phải là HẠNH PHÚC, nhất định phải là HẠNH PHÚC, không chỉ cho bản thân và gia đình, mà còn phải là cho những người quanh ta. Người ta khuỵa ngã vì kiếm tiền sai cách nhiều, nhưng một số đông hơn nhiều lần lại sụp đổ vì tiêu tiền sai cách. Không định nghĩa cho đúng, tiền bạc sẽ chỉ là ngọn nguồn của đau khổ, sớm hay muộn.
Mình đã dùng tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?
Mình đã đầu tư sạch sẽ không thiếu một phút nào cho chuyện kiếm tìm tự do và tìm kiếm chính mình.
Chúng ta ai cũng nhìn thấy chính mình trong gương mỗi sáng nhưng không phải ai cũng hiểu được bản thân mình, tìm kiếm được chính mình, biết mình cần gì, muốn gì, khát khao gì?Thanh xuân chính là lúc ta đi tìm ta, tìm sao cho trọn vẹn như cái cách đi tìm lần lượt những mảnh ghép lộn xộn để xếp cho thành hình một Cuộc sống cho đáng sống.
"Tự do" sau cùng không phải do ai đó ban phát cho ta mà do mình tự tặng cho chính mình qua năm tháng, qua học hành, qua yêu thương, mất mát và trải nghiệm. Thung thăng đi giữa phố đông với vài xu lẻ hay tài khoản nhiều số; ngồi xe sang hay cuốc bộ, bực tức hay thảnh thơi.....ta sẽ vẫn luôn cần là ta, chung thuỷ với nhân cách mình đã chọn, bình thản và an yên, và khi ấy thanh xuân đã được tiêu xài ý nghĩa, dù chẳng bao giờ lấy lại được nữa.
HAPPY NEW YEAR EVERYONE!!!!
Hoàng Huy.
#NewYear #WhereismyYouth #Days4Family
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình- con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"
Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300k/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé.....và con đang....... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ........luôn thuộc về con. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật J
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Ok, fine. Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.
Hoàng Huy.
ĐỒ ĐÀN BÀ!
ĐỒ ĐÀN BÀ!
"Đồ đàn bà!" – Khi muốn rủa xả, miệt thị một người đàn ông ở mức cao nhất, người Việt ta thường hay nói vậy.
Và trên đời này tôi ghét nhất là cái câu chửi đấy!
Bởi dù một người đàn ông có tệ hại, xấu tính đến mấy, thì cứ việc chửi “Đồ animal” “Đồ ABC XYZ” chứ tuyệt đối không được phép mang đàn bà ra để làm đối tượng so sánh tiêu cực như vậy. Cả thế giới chẳng ai chửi vậy, có mỗi Việt Nam.
Đồ đàn bà là sao?
Đàn bà thì tạo ra đàn ông, còn đàn ông thì góp phần tạo ra sự bất công cho phụ nữ.
Đàn bà rất khổ, đặc biệt là đàn bà Việt Nam.
Ngày xưa chồng họ làm họ khổ, mẹ chồng họ làm họ khổ, tập đoàn đa cấp gia đình dòng tộc nhà chồng….. làm họ khổ.
Cái khổ nhất trong những cái khổ của họ đó là khổ mà không được kêu, mà phải âm thầm phục tùng, tự nguyện “khổ” nếu không muốn bị mang tiếng là không theo đạo lý, phép tắc, luân thường đạo lý. Và cái ác ôn nhất của nền văn hóa Á Đông là đi ca ngợi sự hi sinh của phụ nữ; tôi khác, tôi chỉ ngưỡng mộ sự tự do dành cho phụ nữ. Bởi lẽ, khi đã có sự hi sinh đồng nghĩa với có sự không công bằng, người hi sinh và người nhận được hi sinh về bản chất đều sẽ không vui. Cay đắng nhất là số đông đàn bà Việt Nam đều đang hi sinh cho những người mạnh hơn họ.
Ngày nay, đàn bà, họ tự làm họ khổ. Họ khổ vì bản thân họ không tự giải phóng được mình ra khỏi cái suy nghĩ lo cho chồng, lo cho con, và thậm tệ hơn nữa là lo cho cháu…..Và sau cùng họ như con tằm, khi nhả hết tơ thì vòng đời cũng cạn.
Thời chiến thì họ hi sinh cho đất nước.
Thời bình thì họ hi sinh cho sự nghiệp bếp núc, cúng bái, giỗ chạp và tỉ thứ việc không tên quanh năm suốt tháng.
Đàn bà nước tôi lúc nào họ cũng trong trạng thái “chuẩn bị sống” là vậy.
Đã có lần tôi nói khi các ông tỏ ý ghen tị vì phụ nữ Vietnam có tới hai ngày lễ kỉ niệm
“Phụ nữ Tây họ có 1 ngày kỉ niệm thôi (Mother’s Day) cũng là thừa thãi vì ngày nào họ chẳng sung sướng, còn phụ nữ Việt Nam dù có 2 ngày cũng là thiếu vì có ngày nào mà họ không vất vả.”
Nhân ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin gửi nhắn tới các quý ông bằng một câu nói mà tôi thích nhất trong bộ phim Diệp Vấn
“Sau cùng, quan trọng nhất vẫn là người ở bên cạnh mình”.
Nếu chúng ta đã có một “người ở bên cạnh mình", hãy để họ ở bên ta để được yêu thương và hạnh phúc, chứ đừng để họ ở bên ta chỉ để hi sinh.
Và xin gửi lời chúc tới các bà, các cô, các chị, các em:
“Nắng chỉ có nếu có mặt trời.
Con chỉ ngoan nếu có mẹ dạy,
Trò chỉ giỏi nếu có thầy tốt,
Và đời chỉ đẹp nếu có phụ nữ."
Vậy nên, hãy luôn đẹp, hãy luôn yêu đời và hãy ngưng hi sinh để không dung dưỡng những tâm hồn ỷ lại, không phải vì riêng các bạn, mà vì một cuộc sống tươi đẹp – bình đẳng hơn.
Hãy du lịch, hãy shopping, hãy đi chơi, hãy vui và hãy thực sự sống một đời đáng sống. Và nếu có phút giây nào đấy mệt mỏi và chán nản quá, hãy cứ mạnh dạn mà chửi “Đồ đàn ông!” để nhắc nhở cho nửa còn lại của thế giới biết rằng sự bao dung của các chị sẽ chỉ dành cho những kẻ xứng đáng, và sau "quyền sợ Mẹ" thì quyền “được sợ vợ” là một quyền chính đáng nên có của một người đàn ông
HEY LADIES, HAPPY VIETNAMESE WOMEN DAY!
Hoàng Huy.
#WomenDay #WomenAreRoses #StopSacrifice!
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI CÙNG TUỔI....
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI CÙNG TUỔI....
Chào Dư!
Chúng mình cùng 88 cùng tuổi Mậu Thìn đấy nên tớ sẽ gọi Dư là cậu nhé, như một người bạn đồng niên dũng cảm.
Hôm nay tớ đang trong một kỳ nghỉ ở xa, mở mạng lên tình cờ thấy câu chuyện về hoàn cảnh và sự ra đi của cậu trên Facebook một người bạn, tớ ám ảnh và xúc động mà chẳng thể ngủ lại được nữa nên tớ quyết định vài dòng cho cậu, một người chưa từng quen biết.
Người ta nói cậu nghèo lắm
Người ta nói cậu vất vả lắm....
Còn riêng tớ nghĩ cậu là người may mắn lắm, Dư ạ.
Không phải thứ may mắn tầm thường loại 2 kiểu có bố làm quan chức, có nhà đẹp, có siêu xe hay trúng độc đắc, cậu may mắn vì biết rõ ước mơ của mình là gì và được sống hết mình và được chết vì ước mơ ấy. Rất nhiều người trẻ dù có đủ đầy hơn, có hoàn cảnh tốt hơn, chưa chắc có được cái may mắn đó. Ngày qua ngày, họ sống một cuộc đời nhàn nhạt - muốn đến đâu thì đến, vô định và cũng vô vị. Cứ tồn tại và hít thở thôi, còn sống thì để bố mẹ lo đến chết. Biết được mình sống chết vì cái gì, biết mình muốn thành cái gì trong tương lai và dám đi đến tận cùng của ước mơ - không phải ai cũng tự trả lời được, nhất là ở nước mình
Tớ có đọc đâu đó có nhiều kẻ ác ý, thậm chí có vài người còn là đồng nghiệp của cậu, họ nói cậu muốn tranh thủ lúc thiên tai bão lũ săn bài săn ảnh.....để kiếm tiền, có gì đâu mà phải tri ân với cả ồn ào. Tớ mong rằng từ trên trời xanh, cậu sẽ rộng lòng tha thứ, đừng trách họ vì cuộc đời vốn là thế, luôn có những kẻ đầy những suy nghĩ đố kỵ, và u ám về cuộc đời. Dù họ có giàu có hay quyền lực đến mấy, trong mắt tớ họ mãi mãi chỉ là những kẻ thấp hèn - cứ để họ ở yên trong cái hố sâu sân si của lòng vị kỷ.
Kiếm tiền không phải là cái gì xấu xa - tội lỗi cả, miễn là đồng tiền đó sạch sẽ và lương thiện. Mình thắc mắc những người ưa phán xét đó họ cần bao nhiêu tiền để sẵn sàng đội mưa - đội bão để dũng cảm đi "kiếm tiền" như cậu??? Chắc là họ sẽ chọn những cách kiếm tiền dễ dàng hơn: ngồi trong một căn phòng máy lạnh an toàn, copy hình ảnh - tin bài trên mạng để rồi truyền đi khắp mọi nơi như thể chính họ đang ở giữa vùng rốn lũ; bằng cách ấy, lượt view càng lên cao - lòng tự trọng nghề nghiệp càng xuống thấp.
Nếu không có những người dũng cảm như cậu, người miền xuôi sẽ chẳng bao giờ hình dung biết được một cơn lũ ở vùng cao sức tàn phá khủng khiếp như thế nào, đồng bào khốn khổ ra sao...
Tớ luôn quan niệm: chất lượng cuộc sống là quan trọng hơn độ dài cuộc sống. Tớ là thuộc kiểu người chọn sống 50 năm ý nghĩa hơn là 100 năm mờ nhạt. Cái chết suy cho cùng không phải là điều đáng sợ nhất, điều đáng sợ nhất là đến khi chết ta không nhớ là mình đã từng thực sự sống. Tớ cũng có đủ loại ước mơ cho riêng mình, to có nhỏ có, mơ mộng có, điên rồ có - và tớ luôn nghiêm túc và thành thật với chúng; giờ thì tớ đang theo đuổi sự thành đạt bằng nghề nghiệp và học vấn của mình. Thành đạt thì chưa chắc đã hạnh phúc đâu; nhưng ít nhất phải thành đạt trong sự soi sáng của hiểu biết thì mới có năng lực để giúp được chính mình và nhiều người quanh mình một cách thiết thực nhất trước khi có những cống hiến lớn hơn để trả ơn cuộc sống.
Không có một ước mơ, đời chúng ta sẽ như nước lọc chứ chẳng thể nào là rượu vang được
Tớ cũng đã làm đủ nghề để kiếm sống để nuôi ước mơ của mình, từng ăn một bữa sống cả ngày, từng ở trong một căn phòng mở cửa ra là bước lên giường vì phòng chỉ đủ kê 1 chiếc giường duy nhất, từng mấy năm liền chết thèm chết nhạt được một ngày Chủ nhật được nghỉ ngơi trọn vẹn. Và tớ chẳng có gì phải giấu diếm hay xấu hổ vì những ngày đã qua mà còn hết sức tự hào và biết ơn những tháng ngày gian khổ ấy. Vì không có mồ hôi rơi - nước mắt rơi những ngày ấy, sẽ chẳng bao giờ có ngày hôm nay.
Nếu còn tiếp tục con đường đang dang dở, tớ rất tin nhất định cậu sẽ trở thành một nhà báo có tâm - có tầm - có bản lĩnh của một người làm nghề chân chính.
Được sống đến cùng,hay được chết vì đam mê của mình cũng là một điều hạnh phúc.
Ngủ ngon Dư nhé, giữa lòng quê hương, giữa tâm trí bạn bè, những người quen và không quen nhưng đều vô cùng ngưỡng mộ cậu - một người trẻ đã sống một đời trọn vẹn hạnh phúc, trọn vẹn mê say và hoài bão.
Hoàng Huy.
CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
Mấy hôm nay mạng xã hội đang ồn ào vì câu chuyện cô bé thủ khoa ngành sư phạm Ngữ Văn của Đại học Sư phạm Hanoi 2 đang ở nhà…………chăn lợn, và rồi lại.........viết tâm thư thống thiết gửi Bí thư tỉnh ủy: “Mong chú sẽ cho cháu một con đường, một cơ hội để trở về, để được làm việc và để sống hết mình cho quê hương Hà Giang.”
Và như mọi khi, đám đông dư luận nhao nhao lên cho ngành giáo dục lĩnh đủ gạch đá; chỉ trích và đổ lỗi nhà nước- cáo buộc cơ chế bỏ lọt lãng phí người tài.
Bình tĩnh và chậm chạp hơn, tôi nhìn câu chuyện ở một góc khác, và nhìn thấy nhiều điều để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm hơn là đổ lỗi cho ngành giáo dục.
Bình thường tôi chẳng bao giờ ước tôi là một ông Bí thư tỉnh ủy đâu, nhưng hôm nay tôi lại muốn mình được ở vị trí đấy một ngày để tự tay viết cho bạn thủ khoa vài dòng:
“Cháu thân mến.
Con đường – cơ hội của cháu thì chỉ có thể do cháu tạo ra, chú không thể có để mà cho cháu được. Nếu không có cơ hội nào hết, cháu có vẫn sẵn lòng làm việc và sống hết mình cho quê hương Hà Giang không?”
Có lẽ cô gái ấy đang ngộ nhận về hai chữ "Thủ khoa" khi kể ra một loạt thành tích học tập trong quá khứ và nghĩ rằng thủ khoa là tấm vé hạng nhất để đi thẳng đến thành công. Một sự sai sai không hề nhẹ!
Thủ khoa hoàn toàn vẫn được quyền thất nghiệp như tất cả các hạng bằng cấp khác. Cái quyền cơ bản đó thực tế cuộc sống tuyệt nhiên không dám xâm phạm. Bởi lẽ không một trường Đại học nào trên thế giới này, kể cả Cambridge hay Havard tuyên bố rằng: tốt nghiệp thủ khoa trường chúng tôi, bạn sẽ không giờ thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ bán cho người đang có việc làm mà mất việc, chứ không bán cho sinh viên bằng giỏi ra trường nhưng không xin được việc.
Và lần ngược dòng thông tin, tôi thấy rằng bạn nữ thủ khoa kia đã từng nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Chuyên Hà Giang năm 2016 nhưng sau đó từ chối dự thi vì……….không tự tin.
Vậy thực ra bạn ấy muốn gì nữa??? Tuyển thẳng hay một vị trí nào đó tốt hơn nữa mà chẳng cần thi tuyển gì hết???
Là một người yêu kính sự công bằng, tôi cực kỳ không thích cách người ta cứ hết cộng điểm ưu tiên khi thi đầu vào đến tuyển thẳng mấy bạn thủ khoa vào vị trí này vị trí khác lúc đầu ra. Vì thủ khoa - đơn giản là cái danh hiệu xác nhận là bạn có thành tích học tốt nhất trong một nhóm bạn trong một khóa học nhất định, nhóm ấy có thể là 10, 100 hay hơn nữa là vài ngàn bạn. Nhưng thành tích học tập tốt chưa chắc là thực học tốt, và còn xa mới có thể hiểu là đồng nghĩa với làm việc tốt, nhất là ở Việt Nam.
Hãy thi tuyển, hãy thử thách và hãy để thực tế công việc - người thầy khó tính nhưng khách quan nhất đánh giá. Nếu bạn giỏi, đừng lo ngại người khác không biết điều đó.
Biên chế nhà nước có thể khờ khạo, chứ doanh nghiệp tư nhân thì không đâu: tiền của họ, tương lai của chính họ, thì họ chẳng cần phải nể nang hay ưu ái ai cả. Một doanh nghiệp họ không phân chia nhân viên thành: loại thủ khoa - bằng Giỏi với loại bằng khá- trung bình; mà chỉ phân chia thành: nhân viên làm việc tốt và nhân viên làm việc chưa tốt.
Còn nếu để nói về marketing bản thân, với góc độ chuyên gia, tôi tin rằng bạn ấy đã chọn sai cách. Bản thân mỗi chúng ta là một món hàng trên thị trường lao động, tuy nhiên chọn PR bản thân sai cách thì sẽ còn lợi bất cập hại. Bạn nói bạn là Thủ khoa mà vẫn thất nghiệp, bước 1, họ sẽ hoài nghi ngay lập tức cái danh hiệu của bạn. Bước 2, họ sẽ đặt câu hỏi "Thủ khoa - tức là có một xuất phát điểm thuận lợi, mà còn thế này, còn than thở - còn tâm thư, thì khi công việc khó khăn, không thuận lợi, thì có cố gắng vượt qua không hay sẽ lại viết tâm thư xin nghỉ việc.". Bước 3, họ sẽ kết luận một cách lịch sự và nhã nhặn rằng "Em rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc". Một nguyên tắc để đời của marketing hiện đại đó là không để khách hàng mua hàng bằng một tâm lý chiếu cố.
Nếu một ứng viên bước vào phòng phỏng vấn và nói với tôi "Chào anh, em là Thủ khoa trường A đây ạ" tôi sẽ lịch sự mời em về luôn, vì cái tôi quan tâm nhất là tiềm năng cho thấy bạn sẽ làm được cái gì cho công ty tôi trong tương lai hơn là kể cho tôi bạn đã làm được gì trong quá khứ. Đó là lý do vì sao tôi thường chỉ xem bằng cấp của ứng viên sau cùng, vì 99% quan tâm của một nhà tuyển dụng là thái độ,tính cách, và mức độ phù hợp của ứng viên với công ty hơn là chuyện họ tốt nghiệp loại gì.
Từ nhỏ, tôi được bố mẹ giáo dục rằng "Nước mắt là chỉ để dành cho bố mẹ" (Chỉ được khóc khi bố mẹ lìa đời). Không bao giờ được dùng nước mắt để xin sự cảm thương, và dù hoàn cảnh có khốn khó đến đâu, đừng dễ dãi với bản thân để xin cuộc đời cái này cái khác. Đó là bài học đầu đời của tôi về lòng tự trọng. Nhưng các bạn trẻ bây giờ người ra dễ dãi để nói ra cái từ "Xin" quá, và có nhiều thể loại viết văn, nhưng không hiểu sao rất nhiều bạn lại chọn viết tâm thư như một lựa chọn giản đơn, như hiện thân văn học cho tâm lý "Tấm ngồi đợi Bụt" – điều mà tuyệt nhiên không nên xuất hiện ở tuổi trẻ.
Thảm đỏ là của người ta, người ta trải ra được thì người ta lấy lại được, chỉ có con đường mình đi bằng chính đôi chân của mình thì mới là còn mãi.
Điều đơn giản ấy, cô bé thủ khoa kia không hiểu, rất nhiều bạn trẻ không hiểu, và ngay cả những người quyền cao chức trọng sống hết cả đời người cũng chưa chắc đã hiểu.
Có những ông bố dùng mọi cách để trải thảm cho con mình được ngồi đúng cái ghế của mình, năm trước năm sau, nhân dân đòi lại. Con thì ngỡ ngàng, còn bố thì bẽ bàng, hai thế hệ truyền tay nhau chung một nỗi nhục.
Câu chuyện của bạn thủ khoa làm tôi nhớ lại chính mình của 2 năm trước khi đang học tập và làm việc ở London, tôi cũng có cùng một câu hỏi: Tôi cần điều gì để có thể “dũng cảm” mà trở về Việt Nam cống hiến khi đã sống ở nước ngoài quá lâu???
Cơ hội? – Tôi cũng có vài lời đề nghị việc làm hấp dẫn, người ta nói về vị trí này vị trí kia, mức lương này mức thưởng kia, toàn số đẹp cả, nhưng tôi chỉ có thể cười và cảm ơn. Nhưng có lẽ đó chưa phải điều tôi cần nhất tại thời điểm đó.
Và rồi, theo một cách không thể tình cờ hơn, tôi may mắn gặp được người sếp của mình bây giờ - một người chị lớn đúng nghĩa.
Chị không nói với tôi về những con số đẹp, và cũng chẳng có cái thảm đỏ nào hết. Chị nói với tôi những điều rất giản dị: về quê hương, về gia đình, và về câu chuyện của chị như một du học sinh thế hệ trước, đã đi để trở về và theo một cách chân thành nhất, truyền cho tôi một niềm tin rằng: Nếu thực sự có tài năng, ở gầm trời góc bể nào cũng có thể sống tốt và làm một người tử tế. Vậy tại sao không phải là trên chính quê hương mình? Hành trang trở về của tôi chính là niềm tin ấy.
Với niềm tin ấy, tôi tin tôi có thể vui vẻ làm bất kỳ công việc gì hợp pháp – lương thiện để sống hạnh phúc trên chính đất nước này, Việt Nam. Chăn lợn? Có thể lắm chứ! Tôi sẽ cố gắng trở thành một người chăn lợn giỏi nhất.
Tôi và bạn Hà thủ khoa có lẽ đều giống nhau ở một điểm, đều là những người yêu Văn và học Văn. Nhưng với tôi, bài văn lớn nhất chính là cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta phải viết nó cứ mỗi ngày một cách thật say mê và cẩn thận với tất cả lòng tự trọng và sự tử tế cần phải có trong mỗi người. Và đừng để bài văn ấy không hay ngay từ mở bài- khi chúng ta còn trẻ, khi những nhiệt huyết và khát khao hạnh phúc- thành công là cháy bỏng nhất.
Vậy nên, hãy cất tâm thư đi và dũng cảm bước xuống cuộc đời, dù rằng lắm gian nan và chông gai đấy, nhưng đó là con đường của riêng mình – một người tự do.
Hoàng Huy.
UBER - GRAB vs VINASUN & CÂU CHUYỆN KINH DOANH KIỂU VIETNAM
Sáng có việc phải chạy đi Biên Hoà, gọi một chiếc Uber cho tiện, ngồi trong xe nhìn thấy một chiếc taxi Vinasun dán khẩu hiệu như trong hình, đang uống nước mà tôi suýt phì cười vì các bạn Vinasun "dễ thương" quá đi mất.
Nếu là giám đốc Marketing của Uber hay Grab, tôi sẽ ngay lập tức gửi thư cảm ơn và hoa tươi để bày tỏ sự cảm kích trước chiến dịch quảng cáo miễn phí mà Vinasun trong cơn hoảng loạn giãy chết đã hào phóng dành tặng cho các bãng taxi công nghệ. Đồng thời sẵn sàng chi thêm ngân sách để phía bạn có thể in câu khẩu hiệu trên to hơn nữa, nếu phủ toàn thân xe thì quá tốt.
Nhân dịp này, Uber và Grab nên liên minh lại tung ra chiến dịch Marketing: Better Care - Better Fare (Tận tâm hơn - Giá tốt hơn) - dán trên tất cả các xe trên cả nước để cảm tạ lại tấm lòng của Vinasun; nhập mã RIPVinasun để nhận ngay chuyến xe Uber miễn phí trị giá 40k. Đồng thời đưa chương trình ưu đãi Truely Care - Truely Fair ( Thật tâm chăm sóc- Công bằng chính hãng): Tặng ngay phí 3 tháng đầu tiên nếu lái xe mới đã từng là tài xế của Vinasun chuyển sang.
Trong thời đại thế giới phẳng, cả thế giới đang tiến tới một nền kinh tế không biên giới thì không có chỗ cho sự bảo thủ và chậm tiến, càng không có chỗ cho những sự ưu ái đi ngược quy luật thị trường. Những hô hào khẩu hiệu kiểu người Việt hãy dùng hàng Việt đã không còn phù hợp; người Việt được quyền sử dụng hàng tốt chứ không việc gì phải chi dùng đồng tiền của mình vì bất kỳ một sự chiếu cố nào hết. Muốn tận dụng sự tự tôn dân tộc trong kinh doanh thì trước hết chất lượng và giá trị sản phẩm, dịch vụ tối thiểu phải tương đương với các đối thủ ngoại. Nếu không làm được điều đó, khẩu hiệu sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu. Một doanh nghiệp cũng như một dân tộc, muốn mạnh, trước hết cần phải biết tự trọng.
Vinasun kêu gọi Uber & Grab tuân thủ pháp luật nhưng các hãng taxi công nghệ có giấy phép kinh doanh, có pháp nhân và quan trọng nhất là có đóng thuế cho nhà nước đầy đủ thì cái duy nhất họ cần tuân thủ đó là quy luật thị trường: khách hàng được quyền sử dụng dịch vụ tốt nhất với giá hợp lý nhất. Doanh nghiệp nào không thoả mãn được điều đó, bị đào thải chỉ là câu chuyện sớm chiều mà không sự ăn vạ, than vãn nào có thể cứu giúp được.
Người người - nhà nhà - ngành ngành hô hào chúng ta phải tiến nhanh đến đón đầu đợt sóng mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Bốn-chấm- không) , nhưng tôi tự hỏi sẽ tiến đi đâu- tiến kiểu gì khi mà tư duy kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang là 0.4 (Không- Chấm - Bốn)???
Qua cơn giận lẫy vừa ngộ nghĩnh và lố bịch còn hơn Chí Phèo của Vinasun, chúng ta càng thấy lộ rõ những điểm yếu cốt tử trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập: trước khi Thua về công nghệ, về vốn, và kinh nghiệm , thì đã Thua ngay trên sân nhà ở tâm thế và tầm nhìn của những người đứng đầu doanh nghiệp. Làm giám đốc thì dễ, nhưng làm doanh nhân (entrepreneur) cho đúng nghĩa thì cực khó là vậy. Thay vì tập trung tâm- trí- lực để tự chuyển mình thích nghi với mức độ cạnh tranh gia tăng của thị trường thì nhiều ông chủ Việt lại nỗ lực nông nghiệp hoá nền kinh tế bằng những chiêu trò mà bây giờ đến các cháu mẫu giáo còn không còn chơi như trên.
Một đứa trẻ nếu không thấy bạn chơi với mình, nó cũng biết tự xem lại mình chứ cũng không giăng biển yêu cầu các bạn không được chơi với bạn khác, chỉ được chơi với tớ thôi.
Đỉnh cao của sự ngưỡng mộ là bắt chước, và đỉnh cao của sự bất lực là.........chửi đổng.Và Uber & Grab họ cũng đang sử dụng một đỉnh cao khác để đối đáp lại cho sự bất mãn mang đậm nét ao làng của mấy hãng taxi truyền thống: Đỉnh cao của sự khinh bỉ là im lặng.
Đáng lắm, Vinasun!
Either Die or Do something better!
Hoàng Huy
ĐỨC NGƯNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VỚI VIỆT NAM: Tại bạn hay tại ta???
ĐỨC NGƯNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VỚI VIỆT NAM: Tại bạn hay tại ta???
Ngày hôm qua, 22/9, có một sự kiện ngoại giao quan trọng và chưa từng có tiền lệ đối với Vietnam mà không thấy báo chí hồ hởi đưa tin như mọi khi. Thế giới biết, khu vực biết, chỉ mỗi VTV cố tình không biết, làm cho số đông nhân dân hầu như không biết: CHLB Đức tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, vì nguyên nhân gì thì chắc không khó đoán. Và như định mệnh, ngày 23/9 cũng là ngày kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức
Trước khi bàn đến những tác động của sự kiện này, cần phải nói đôi chút về bốn chữ "đối tác chiến lược". Đối tác chiến lược là gì?
Trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, người ta thường phân định ra thành bốn cấp độ từ thấp đến cao lần lượt là: Đối tác (partnership) - đối tác toàn diện (comprehensive partnership) - đối tác chiến lược (strategic partnership) và mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện (comprehensively strategic partnership)
- Đối tác (ngành ngoại giao Việt Nam gọi bằng một từ hay hơn "đối tác chiến lược lĩnh vực") thường dùng để chỉ quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong một lĩnh vực nào đó cụ thể mà hai nước cùng có sự tin cậy lẫn nhau và không lan sang ngành hay một lĩnh vực khác: ví dụ công ty của nước A hợp tác với công ty của nước B cùng khai thác mỏ, và chỉ thế thôi.
- Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các quốc gia đã có thể hợp tác trên mọi lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, kinh tế, môi trường, quân sự.......đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa thích hợp, nên các quốc gia chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Tới 2017, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 11 quốc gia: Nam Phi (2004), Chile, Brazil và Venezuela (2007), Australia và New Zealand (2009), Argentina (2010), Ukraine (2011), Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013), Myannar (2017).
- Đối tác chiến lược
Đối tác chiến lược là đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi có thể bao gồm cả lĩnh vực an ninh quân sự. Mối quan hệ này cần phải có cơ chế và chính sách để thực hiện, các hoạt động hợp tác không nhất thiết phải ở cấp cao, mà có thể diễn ra ở từng ngành hoặc địa phương chỉ cần thông qua hệ thống chính quyền hoặc sở-ban-ngành, ví dụ như một trường đại học của Đức kết hợp với Bộ Giáo dục của Vietnam để cùng tạo ra một trường đại học Đức Việt chẳng hạn. Hiện nay, Vietnam có 15 mối quan hệ đối tác chiến lược, trong đó có Đức (2011)
Ở cấp cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ ở cấp cao mang tính chất gắn bó lâu dài giữa hai nước, thường đòi hỏi 3 yếu tố: tương đồng cao về quyền lợi và hệ thống tổ chức xã hội; sự tin tưởng cao độ lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước; sự độc lập tối thiểu phải duy trì để giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mối quan hệ đối tác này cần phải có phần cứng về thể chế (institution) vd: Uỷ bản hợp tác song phương Việt-trung.....và phần mềm về chính sách (policy) để vận hành. Để dễ hình dung, một mối quan hệ lâu đời và tin tưởng nhau như đồng minh Anh- Mỹ là một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (một số nước gọi là quan hệ đồng minh)
Việt Nam hiện nay có quan hệ đối tác ở cấp này với ba nước: Nga (2012) - trung quốc (2008) và gần đây nhất là Ấn Độ (2016)
Quay lại dòng thời gian, mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất lâu, hơn 40 năm, ngày 23/9/1975, nhưng phải đến tận tháng 10/2011, trong chuyến thăm của thủ tướng Đức Angela Merken, lần đầu tiên cụm từ "đối tác chiến lược" mới được nhắc tới trong Tuyên bố chung Hà Nội giữa bà thủ tướng và thủ tướng Vietnam bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng. Và để có được kết quả này không phải tự nhiên mà có, mà cần tới hơn 1 năm với 8 vòng đàm phán song phương. Trong "Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Đức - mối quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai" có nhắc tới 5 lĩnh vực hợp tác then chốt gồm có: hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Kế hoạch hành động chiến lược cụ thể của 5 lĩnh vực hợp tác nói trên gồm có một số điểm đáng chú ý như: dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh (Deutsches Haus mới khánh thành ở 33 Lê Duẩn), xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án Ngôi nhà Việt tại Berlin, tiếp tục đối thoại Việt – Đức về nhà nước pháp quyền, các chương trình xử lý nước thải và kinh tế chất thải tại Việt Nam, phát triển đại học Việt – Đức thành một cơ sở nghiên cứu hàng đầu, mở trường dạy nghề bậc cao tại Việt Nam.
Mặc dù ở Saigon, Hanoi và các thành phố lớn, xe Mercedes và BMW cũng như các dòng xe Đức chạy đầy đường nhưng thực ra về kinh tế Vietnam mới là nước được hưởng lợi nhiều hơn trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức.
Là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ USD gồm các mặt hàng như dệt may, giày dép, cà phê, hàng nông thủy sản. Trong khi đó Đức xuất khẩu vào Việt Nam trên 2,8 tỷ USD gồm máy móc, thiết bị, ô tô, hóa chất, dược phẩm.
Về mặt ngoại giao, Đức đóng vai trò quan trọng trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EFTA) - thứ Vietnam đang rất muốn đạt được sau khi TPP đổ vỡ.
Các nhà đầu tư Đức coi Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng ở Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến hết tháng 4/2017, có 285 dự án của Đức tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, đứng thứ 5 EU và thứ 20/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khoảng 300 doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam có các tên tuổi lớn như Siemens, Mercedes-Benz, Bosch, Deutsche Bank.
Đức còn là nhà viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam với 2 tỷ USD từ năm 1990 đến nay. Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 600 triệu Euro trong giai đoạn 2015-2017. Một số dự án lớn sử dụng ODA của Chính phủ Đức như xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn. Đức cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam trong hợp tác dạy nghề, giáo dục, văn hóa, du lịch, tư pháp-pháp luật, khoa học công nghệ…
Nhìn chung, dù là mối quan hệ đối tác gì thì cũng dựa trên một cột trụ quan trọng đó là: niềm tin lẫn nhau.
Thôi thì mình "tốt" quá, mà bạn đã không nhìn ra lại còn đòi nghỉ chơi với mình thì đành trách bạn "dốt" thôi, chẳng lẽ lại tự trách mình, ai lại thế!
Với những người có quyền quyết định và vẫn đang im lặng, Đức-Việt giờ đây chỉ còn là tên của một loại xúc xích.
Hoàng Huy.
CHUYỆN CỦA 2 NĂM QUA..
CHUYỆN CỦA 2 NĂM QUA..
Bận quá bận nhưng nhìn lên lịch, giật mình nhận ra hôm nay là 24/8 , đúng ngày này 2 năm trước mình đang kéo vali ra sân bay Healthrow trở về Vietnam. Hôm ấy London trời mưa to lắm. Ôm vội bác Loan – người chủ nhà tốt bụng đã cưu mang mình suốt bao năm để trở về, mình khóc to như trẻ con còn hơn lúc tạm biệt gia đình để đi học vì mình biết chắc là sẽ lâu lắm mới có thể gặp lại. Bấm nút post bài viết này lên Facebook – bài viết cuối cùng viết trên đất Anh như một lời chia tay khó nói và bước đi thật nhanh chẳng dám ngoảnh đầu lại.
Đêm hôm trước đó, mình đã ngồi một mình suốt đêm giữa quảng trường Trafagar trong im lặng, ngắm những bóng người thưa thớt dần, ngắm những chuyến xe bus đêm vắng người, cố gắng hít thật sâu để hít thở đầy cái không khí hơi se lạnh rất riêng của London buổi tối, mình muốn mang những hơi thở ấy theo về để nhớ mãi những gì thành phố và đất nước bình yên này đã dành cho mình suốt những tháng năm ấy.
Bây giờ người ta hay trầm trồ với những tít báo kiểu như “Bạn trẻ 8x 9x từ bỏ mức lương xx ngàn đô để về Vietnam lập nghiệp…..” nhưng mình thì không thích như thế, với mình về là về thôi, chứ mình không thích coi chuyện trở về đất nước nơi mình sinh ra như một lựa chọn loại 2, như một sự chiếu cố. Mỗi người có một lý lẽ, một hoàn cảnh, một sự lựa chọn riêng. Không có gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, nhưng ít nhất hãy công bằng với tất cả những sự lựa chọn, đừng phán xét vội vã.
Thỉnh thoảng lúc này lúc khác có một vài người inbox cho mình cùng với một câu hỏi:
“Đã hối hận chưa?”
“Hối hận gì ạ?”
“Hối hận chuyện về Việt Nam”
“Dạ, không, em hiếm khi hối hận với những gì mình đã chọn, nhất là khi đã có cơ hội để suy nghĩ kỹ trước khi quyết định…..”
Thiệt tình là 2 năm qua mình đã sống rất hạnh phúc trên chính quê hương mình, Việt Nam – sự lựa chọn của riêng mình, một quyết định được suy nghĩ rất nghiêm túc mỗi ngày trong suốt 1 năm dài trước đó.
Có những lúc rất bận, có lúc siêu mệt, thỉnh thoảng có lúc hơi buồn, nhưng về cơ bản, gam màu chung vẫn là bình yên và hạnh phúc. Gọi là ăn may cũng được, gọi là có hậu cũng được, gọi là gì cũng được, nhưng mình gọi đó là Cuộc Sống, với tất cả những ups and downs cần phải có. Mình trân trọng suốt đời những tháng ngày gian khổ vô cùng tận vừa học vừa làm ở nước Anh để biết nâng niu hơn những gì đang có và giục bản thân phải cố gắng thêm nữa, thêm nhiều nữa.
Sáng mình đi làm trong kẹt xe chiều đi về trong lụt lội. Sang Manila tự nhiên thấy mình còn hạnh phúc quá.
Sáng mình mang vui vẻ tới công ty và chiều lại gói vui vẻ mang về nhà. Nhớ lại những đêm London toàn tan làm lúc 1h sáng thấy mình còn hạnh phúc quá.
Thế đấy, sau Du học là gì??? Không phải là bằng Tây, lương khủng đâu, mà sau du học thì vẫn là Cuộc Sống, và dù ở đâu chăng nữa, nhiệm vụ chính yếu nhất của chúng ta mỗi ngày mở mắt ra là sống sao cho hạnh phúc nhất theo cách của mình.
Đừng shock, đừng thở than, đừng chửi bới, đừng so sánh cân đo hơn thiệt bên ấy bên này, hãy thích ứng và hãy kiên trì bằng tất cả những gì đang có, biết mơ mộng và hết mình cố gắng về những gì chưa có, sớm muộn bạn cũng sẽ nhìn thấy màu của hạnh phúc, mình tin vậy.
Hoàng Huy.
CHUYỆN HOA HỒNG
CHUYỆN HOA HỒNG
Đọc sách đọc vở, đi chỗ này chỗ khác, nghe người ta cứ nói “Bulgari là xứ sở của hoa hồng”, nhưng có lẽ những người nói câu đó họ chưa biết thế giới này còn có một đất nước xinh đẹp có tên là Vietnam.
Người Bul có những vườn hồng bạt ngàn nổi tiếng khắp trời Âu, nhưng ở Vietnam thì không chỉ tập trung ở Đà Lạt mà người ta trồng hoa hồng ở khắp mọi nơi từ Nam đến Bắc, thậm chí đã lên cả miền núi.
Trên thế giới, chỉ yêu nhau người ta mới tặng nhau hoa hồng. Còn ở Vietnam, người ta tặng nhau hoa hồng ngay cả khi không yêu nhau. Hoa hồng thế giới nở theo mùa tùy theo khí hậu, còn hoa hồng Việt Nam thì nở quanh nằm tùy theo thái độ.
Nếu bạn tặng một hoa hồng dạng nụ chúm chím, nhỏ xinh cho ai đó mà thái độ của người nhận vẫn chưa vui, chưa niềm nở, tức là bạn cần tặng hoa hồng dạng bông, dạng bó, dạng lẵng và thậm chí có thể ở dạng cánh đồng.
Vào bệnh viện, bác sỹ được tặng hoa hồng, bệnh nhân được tặng cái án tử không biết vì bệnh hay vì thuốc giả.
Vào trường học, ban giám hiệu được tặng hoa hồng, phụ huynh học sinh được tặng cái hóa đơn nhiều triệu cho những món đồ đáng giá vài trăm mà chưa chắc con em mình đã dùng tới.
Ra đường, quan ông quan bà được tặng hoa hồng, toàn dân được tặng ngay những cái trạm thu phí không đúng vị trí, tuy đặt dưới đất nhưng lại toàn thu phí giá trên trời.
Tôi còn nhớ mãi vẻ mặt bồn chồn xen lẫn khó chịu của một anh hướng dẫn viên công ty du lịch Vietravel khi dẫn một đoàn khách VIP sang Anh vào nhà hàng ăn mấy năm trước. Tưởng anh ta đau bụng hay có vấn đề gì nên tôi hỏi, hóa ra anh ấy đang đòi được tặng hoa hồng mà chủ nhà hàng nhất quyết không chịu mà còn hỏi ngược lại “Why do I have to give you?” (Sao tôi phải tặng anh?). Tôi phải nín cười để giải thích cho anh ta là ở đất nước này họ chỉ trồng hoa hồng trong công viên, chứ không trồng hoa hồng bừa bãi như ở nước mình. Anh ta bàn hậm hực bỏ đi, vừa đi vừa lẩm bẩm “Chẳng đâu như cái xứ này!”, chắc chê trách bọn tư bản ngu dốt không biết thưởng thức vẻ đẹp của một loài hoa mọc ở chốn thiên đường.
Thế đấy, ở nơi nào đó người ta coi hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, tôi không biết, nhưng tôi biết chắc, hoa hồng ở nước tôi đang là biểu tượng cho cái chết dần mòn của một quốc gia.
NĂM CUỐI CÙNG CỦA ĐẦU HAI.
NĂM CUỐI CÙNG CỦA ĐẦU HAI.
Hôm nay là sinh nhật mình, mà tự nhiên lại thấy trong lòng trùng xuống, lại thấy muốn suy nghĩ nhiều hơn xíu những ngày thường nhật. Thấy ngại ngùng trước những con số, vì hình như sắp sửa mình không còn được gọi là thanh niên…..sẽ buộc phải tiến gần đến cái ngưỡng mà người ta vẫn nói “Tam thập nhi lập” – cái mốc đầu tiên đáng nhớ trong đời của một người đàn ông: nhà nhà, trâu trâu, vợ vợ gì gì đó- toàn những thứ tốn nhiều tiền.
Những năm 20 của mình có lẽ đã đẹp hơn mình nghĩ, đã đẹp với trọn vẹn và đủ đầy những thăng trầm và sôi nổi của tuổi trẻ.
Là những tháng ngày miệt mài trên giảng đường đại học, ước mơ này chưa kịp taxi ước mơ kia đã cất cánh
Là những ngày chạy show dạy thêm làm ăn buôn bán đủ trò, những bài học vỡ lòng thế nào là thương trường phức tạp.
Là hơn 2000 ngày phiêu dạt ở một phương trời xa để theo đuổi ước mơ hạnh phúc: không có 2000 ngày vô giá ấy, có lẽ mình đã khác, rất khác.
Và những năm cuối cùng của tuổi 20 là Sài Gòn – một thành phố hấp dẫn đủ để mình yêu say đắm, và một công việc tốt đến mức nghĩ mãi chẳng có gì để chê cả.
Tuổi trẻ của mình nó đã chẳng có một bản thiết kế hoàn hảo nào vẽ sẵn của bố mẹ cả, không có cái nhà nào được mua sẵn và cũng không có cái ghế nào được đặt sẵn, nó cứ điên rồ - phiêu lưu và cũng đầy màu sắc thú vị như nó cần phải vậy. Mình không hề hối tiếc và cũng không bao giờ than trách.
Ngày này đúng 19 năm trước là một ngày rất buồn với mình, Mẹ mất vào đúng vào ngày sinh nhật mình: bánh chưa kịp ăn và nến cũng chưa kịp thổi. Năm nay thời gian quay lại đúng 1 vòng.
Một con tàu bỗng dưng bị chìm, một bầu trời tự dưng bị sập, không, cảm giác lúc ấy còn tệ hơn thế nhiều.
Mình đã thành một người đàn ông ngay từ lúc ấy, không phải vì mình muốn thế, mà là vì Mẹ muốn thế.
“Nếu con khóc, người ta chưa chắc đã thương con hơn, mà có khi còn tìm cách hại con vào lúc con yếu nhất. Vậy nên con chỉ có một con duy nhất, mạnh mẽ và tỉnh táo như một người đàn ông thôi.” Mẹ nói quá phức tạp và khó hiểu, nhưng đúng.
Định nghĩa đầu tiên của một đứa bé 9 tuổi về mạnh mẽ là không được khóc.
Định nghĩa gần đây nhất của một thanh niên 29 tuổi về mạnh mẽ là không được làm người khác khóc.
Cứ như thế, bằng năm tháng, bằng va vấp, mình cứ tự dạy mình, tự bồi đắp cho mình bằng những bài học cuộc sống, free cũng có và đắt giá cũng có.
Hôm nay, vẫn như thường lệ, Bố vẫn là người thương yêu mình nhất, gọi điện chúc mừng từ khi còn chưa kịp mở mắt. Bao nhiêu năm còn thơ bé, Bố vẫn luôn là người thương nhất, yêu nhất, lo lắng nhất….Lần nào gọi điện cũng nhắc đi nhắc lại “Con đi lại cẩn thận nhé, giờ đường đông lắm”, vẫn như ngày đầu tập đi xe đạp. Mấy điều nho nhỏ ấy từ Bố làm mình cứ muốn bé mãi, và muốn Bố cứ khoẻ mãi để nhắc đi nhắc lại những điều be bé mà mình nhớ rất rõ ấy.
Và mình thì mỗi ngày vẫn chưa bao giờ ngưng tự nhắc mình “Dù giàu hay chưa giàu, dù vui hay chưa vui, nhưng cơ bản đã mất công sống là phải hạnh phúc. Nếu cảm thấy chưa hạnh phúc lắm thì hoặc là điều chỉnh lại cuộc sống hoặc là điều chỉnh lại định nghĩa về Hạnh Phúc. Thế thôi!”
Happy Birthday to Me!!!!
CHUYỆN CAFE SÁNG.
CHUYỆN CAFE SÁNG.
Cafe sáng với cậu em lâu ngày không gặp, nó có vẻ bức xúc lắm
"Vỉa hè được vài hôm thông thoáng, giờ lại đâu vào đấy. Em biết ngay là sẽ như thế này mà, nhưng theo anh là vì đâu?"
Mình thủng thẳng: "Vì văn minh lúa nước"
Nó ngạc nhiên ra mặt:
"Anh có nghe em nói không đấy. Em hỏi nghiêm túc anh lại trả lời đùa."
"Thì anh trả lời rồi đó thôi, chú không tin ah? Đây nhé:
Thay vì tìm hiểu và giải quyết tận gốc vấn đề là vì sao người ta phải tràn ra vỉa hè kiếm sống, tại sao lại đậu xe bừa bãi thì lại đi xua đuổi bà con buôn thúng bán bưng - chỉ là cái ngọn.
Thay vì giải quyết tận gốc vì sao đàn lợn quốc gia lại phát triển ồ ạt trong khi đầu ra quá rủi ro và thiếu quy hoạch vĩ mô thì lại đi vận động, năn nỉ mấy chục triệu người chưa-chắc-là-thích-ăn thịt lợn "ăn giùm" đàn lợn ế - hết giải cứu chuối, lại đến giải cứu dưa hấu, lợn gà - chỉ là cái ngọn.
Thay vì giải quyết tận gốc những yếu kém của một nền giáo dục không có triết lý, không có định hướng, cải tiến chất lượng và đạo đức người dạy học thì lại đi cải tiến chuyện thi cử của người đi học, năm nào cũng thi kiểu mới, kiểu mới, vốn chỉ là cái phần ngọn nhỏ nhoi và thứ yếu của vấn đề.
Ngàn năm trước ông cha ta đã chọn cây lúa nước, một loại cây ngắn ngày rễ chùm -ngắn và lại chỉ thu hoạch ở trên phần ngọn, thế nên con cháu bây giờ cũng chỉ biết nhìn vào ngọn mà không chịu thấy gốc thì cũng là dễ hiểu thôi, có gì lạ đâu.
Chú đã hiểu vì sao bọn Tây nó nói mình đẻ ngược chưa???
Câu trả lời chỉ là Đùa nhưng nỗi buồn thì có thật.
#CafeSang
ĐIỂM 10 GIAN DỐI HÔM NAY LÀ ĐIỂM 0 THỰC SỰ CHO NGÀY MAI.
ĐIỂM 10 GIAN DỐI HÔM NAY LÀ ĐIỂM 0 THỰC SỰ CHO NGÀY MAI.
Ngày xưa thời còn đi học tôi thấy điểm mười quý giá bao nhiêu, thì bây giờ khi chứng kiến sự lạm phát phi mã của những cơn mưa điểm mười, bằng giỏi……của các bạn học sinh bây giờ nhất là trước mỗi mùa thi tuyển, xét tuyển, tôi lại cảm thấy một sự ớn lạnh và những lo lắng không hồi kết cho một thế hệ đang lớn lên.
Phải chăng học sinh của chúng ta đang học ngày càng tốt lên, thành tích ngày càng xuất sắc hơn? Nếu quả thật như vậy thì đó là điều đáng mừng của cả đất nước chứ không phải riêng ngành giáo dục nữa. Nhưng thực tế có vẻ không phải như vậy?
Chắc chắn không riêng một mình thầy Văn Như Cương bối rối khi gặp hàng trăm hồ sơ lớp 6 điểm tuyệt đối khi xét tuyển chuyển cấp, mà rất nhiều những người làm giáo dục chân chính sẽ đều thấy giật mình với công nghệ “tráng men” học bạ đến mức đẹp không tì vết: Toán 10 – Tiếng Việt 10 suốt 5 năm học đầu đời. Điều mà tất cả những ai đã từng xách cặp đi học đều hiểu rằng đó là một điều cực kỳ hiếm hoi và không thể nào phổ biến đến mức độ đại trà như vậy.
Trong giáo dục, nếu như hình thức thi cử hay xét tuyển nào đó không còn thực hiện được chức năng sàng lọc và tuyển chọn được đúng đối tượng thì rõ ràng thì chứng tỏ hệ thống đó đã không còn hiệu quả và cần phải được đánh giá lại một cách nghiêm túc, và thậm chí là thay thế. Ở đây, có thể thấy rõ hệ thống tiêu chí xét tuyển vào THPT dựa trên học bạ đã bị vô hiệu hóa bởi “tình yêu thương con cái vô bờ bến nhưng sai cách” của số đông phụ huynh học sinh. Sự lúng túng của các nhà trường là dễ hiểu bởi lẽ xét tuyển thì buộc phải dựa vào tiêu chí những thành tích trước đó của học sinh, không thể nói điểm 10 của trường A là kém giá trị hơn trường B. Còn nếu trở lại hình thức thi tuyển, lại vòng luẩn quẩn học thi-ôn thi-luyện thi không hồi kết mà cuối cùng học sinh phải chịu những áp lực vượt quá sức của các em mỗi mùa tuyển sinh. Không có hình thức tuyển sinh nào mà không có những mặt hạn chế nhất định, do đó vai trò điều phối và định hướng của cơ quan quản lý giáo dục các địa phương là rất quan trọng bất kể lựa chọn phương án nào. Đừng để các trường phải lẻ loi và lúng túng trong những cơn mưa điểm 10 bủa vây nhưng chúng ta đáng thấy.
Những đó mới chỉ là câu chuyện của những nhà quản lý giáo dục, nhưng sâu hơn nữa đó là những thành trì quan điểm vô cùng sai lệch đang hiện hữu và lan tràn trong hàng ngũ “thủ phạm” của những cơn mưa điểm 10 bất thường này.
Nếu cần phải một lần nữa phải vạch mạch chỉ tên ai đã có công tích cực phá hỏng hệ thống giáo dục và thi cử của chúng ta hiện nay, thì chắc chắn sẽ vẫn là tư tưởng háo danh, và tầm nhìn không-cần-ngày-mai của đông đảo các bậc phụ huynh Việt; bởi có cầu thì mới có cung. Các thầy cô giáo không lỏng tay chấm điểm sau một đêm, và ban tổ chức các cuộc thi cũng không tự nhiên dễ dãi với tất cả thí sinh…..nếu như không có một nhu cầu bất thành văn từ những ông bố bà mẹ bất chấp tất cả để con được học trường ngon lớp xịn. Và trong sự bất chấp của họ, có cả việc xé bỏ bài học đạo đức đầu đời về sự trung thực và tự trọng ngay trước mắt con cái. Người lớn tham lam với những cái áo phao điểm số trùm vội lên người con trẻ mà chẳng hề nghĩ rằng chỉ có “bơi” thực lực với đúng năng lực của mình, các con mới có thể đi trên một lối đi bền vững tới thành công, hơn là để các con sau này chới với giữa những cái phao tem mác chắc chắn xịt mà bố mẹ quýnh quáng mua vội vì sợ con mình không bằng “con nhà người ta”.
Là một nhà tuyển dụng, tôi không biết bao giờ mới hết được cảm giác ngao ngán trào dâng trước những bộ hồ sơ xin việc đẹp không tì vết,nhưng lại không biết phải trả lại các em về cấp học nào để học lại cho phù hợp. Và có lẽ nỗi ngao ngán của tôi nó sẽ còn kéo dài mãi nếu như cái vòng luẩn quẩn xin –cho đầy tiêu cực đang đeo bám hệ thống thi cử của chúng ta không chấm dứt.
Trước đây toàn dân nỗ lực phổ cập văn hóa các cấp, từ xóa mù đến phổ cập tiểu học, và bây giờ cũng chính toàn dân chạy đua dữ dội hơn, quyết liệt hơn để phổ cập một thứ mà người ta đang rất ưa chuộng để làm tiêu chí đánh giá một gia đình thành đạt: phổ cập học sinh giỏi – một phong trào phổ cập đáng sợ mà thế giới khó lòng tưởng tượng nổi: cha mẹ Việt làm thế để làm gì???
Tôi có niềm tin rằng nếu để cho các trường được quyền thi tuyển và tổ chức thật nghiêm túc, loại bỏ yếu tố học bạ thì chắc chắn những cơn mưa điểm 10 này sẽ nhanh chóng ngớt. Hãy để khi con em chúng ta ra trường, nhìn lại cuốn học bạ dù xấu dù đẹp như những kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh hơn là những bằng chứng gian dối từ khi mới chập chững nơi học đường.
Thời đại ra ngõ gặp bằng đỏ, cả lớp được điểm 10, chúng ta đang bình thường hóa những chuyện bất thường, và con cái chúng ta có thể có một tương lai bình thường trong một sự nuôi dạy bất thường như thế của cha mẹ và thầy cô – những người dìu dắt đầu tiên trong cuộc đời.
Hãy dũng cảm cho con em chúng ta được là chính mình, học theo thực lực phát triển đúng tầm
Hãy dũng cảm cho con được học “trường làng” “trường tuyến dưới” nếu như những cuộc đua trường lớp kia làm con mệt mỏi.
Điểm mười giả dối hôm nay là điểm không ngày mai cho tương lai con em của bạn.
Hoàng Huy,
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH. READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH.
READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
Khi những lời chúc tụng đã ngớt dần đi, những lời rì rầm khấn vái bớt lại.....đó là khi một năm mới thực sự bắt đầu: ngày mai chúng ta lại trở lại với đấu trường của cuộc sống. Mình chọn về Saigon sớm một ngày, âm thầm tận hưởng cho trọn vẹn một Saigon vắng vẻ và dịu dàng, mua vài cuốn sách thật hay cho năm mới như thông lệ (dù quanh năm vẫn trung thành với Alezaa và iBooks), và chui vào một góc quen - viết một điều gì đó cho những ngày đang tới. Trong một mùa xuân mới không điều gì đáng viết hơn, cần viết hơn là về tuổi trẻ - điều mỗi chúng ta đều đã và đang có.
Vì vẫn còn được coi là một người trẻ, mình hay được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều bạn trẻ, như mình và phần đông trẻ hơn mình. Và không quá khó để nhận ra rằng rất nhiều bạn trẻ Việt Nam gặp một vấn đề giống nhau: "lạc trôi" - không biết bản thân mình thực sự muốn gì cho hiện tại và tương lai, kể cả học xong đại học cũng không biết mình muốn gì, thậm chí đi du học xong về cũng vẫn chưa biết mình sẽ trở thành ai trong ngày mai. Đây có thể là thành tựu không thể đáng xấu hổ hơn của một nền giáo dục nặng về dập khuôn và thiếu định hướng của chúng ta mấy chục năm qua và luôn được cổ vũ nhiệt tình của đông đảo những bậc phụ huynh "không mong gì hơn con thành đạt". Để rồi ngày nay chúng ta thấy nhiều người thành đạt nhưng chưa chắc đã hạnh phúc.
Đã bao giờ các bạn tự hỏi "Bao nhiêu lâu rồi bạn không tự nói chuyện - đối thoại với chính mình?". Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đó quả là một điều rất cần nếu chúng ta không muốn lạc mất chính mình. Lắng nghe và cảm thông cho bản thân, một cách không gì tốt hơn đó chính là đọc sách.
Mình thì luôn rõ ràng và sòng phẳng với bản thân một điều: "Tôi muốn hạnh phúc, chứ không chỉ là thành đạt" nên dưới đây là một vài cách mà mình vẫn hay "tự lắng nghe mình" xin chia sẻ cùng các bạn
1. "Cuốn sách sẽ thay đổi cuộc đời bạn" - Câu đấy rất quen trên những trang bìa những cuốn sách best-selling, nhưng đừng tin,đừng để bọn marketing họ lừa, bịa đặt đấy. Vì chẳng có một cuốn sách nào thần thánh đến mức ấy cả cho dù tác giả là ai hay nó hay đến mấy, chỉ có chính hành động và thái độ sống của bạn hình thành trên nền tảng những thói quen tốt mới có thể thay đổi cuộc sống của bạn tốt hơn mà thôi. Do đó, hãy thận trọng cân bằng tỉ lệ những cuốn sách dạng "self-help" trong danh mục sách cần đọc của bạn. Chúng rất hay, rất nhiều động lực, nhất là cho người đọc trẻ giống như những liều doping mạnh mẽ , tuy nhiên hãy nhớ rằng, chẳng có vận động viên nào giành được vinh quang chỉ nhờ doping mà không cần khổ luyện cả. Học thuộc lòng "Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt" nhưng 1h trưa vẫn chưa ngủ dậy thì thành đạt vẫn ở xa bạn lắm.
2. Đừng ngại đọc lại những cuốn sách cũ mà bạn đã từng đọc trước đó. Một cuốn sách hay không khác nhiều với một cô gái đẹp. Nếu bạn gặp cô ấy năm 10 tuổi, bạn chỉ biết là cô ấy đẹp. Nhưng 10 năm sau, đọc lại - gặp lại, rất có thể bạn nhận ra rằng cô ấy thật ra đẹp hơn bạn nghĩ, hiền dịu hơn sâu sắc hơn lúc trước. Cô ấy vẫn chỉ là những con chữ- trang giấy ấy thôi, chỉ khác là cái nhìn của bạn đã hiền từ hơn, suy nghĩ của bạn đã sâu sắc hơn, chiều sâu hơn. Vậy nên đừng chỉ để sách nâng cao giá trị cuộc sống của bạn, mà chính bạn cũng có thể làm những cuốn sách của mình giá trị hơn bằng cách đọc nhiều hơn một lần.
3. 1+1=3
1000 cuốn sách trên thế giới đều viết là mặt trời hình cầu và 1+1=2, tuy nhiên sẽ vẫn có những cuốn sách đâu đó nói rằng thực ra 1+1=3 và thực ra mặt trời hơi méo, đừng bỏ qua chúng. Cả thế giới đang chửi lão Trump, đôi người bênh lão, đừng vội chửi theo, lắng nghe - đọc xem họ bênh gì???
Đừng vội vàng thừa nhận những gì số đông cho là đúng và đừng bao giờ ngừng hoài nghi những điều tưởng chừng đã là chân lý. Hãy tập nhìn nhận đa chiều và tư duy độc lập.
4. "Đừng để bị ngộ độc sách"
Ngộ độc thực phẩm phổ biến quá rồi, nhưng nhiều người vẫn còn lạ lẫm với "ngộ độc sách". Thật vâyh một xu hướng đọc lệch lạc cũng nguy hiểm chẳng kém gì một món ăn độc hại cả. Nếu 9/10 cuốn sách của bạn đang đọc là truyện ngôn tình sẽ chắc chắn bạn sẽ buồn và cô đơn lắm vì nhìn đâu cũng chẳng tìm thấy những soái ca mà bạn vẫn thấy trong tưởng tượng. Tránh ngộ độc sách không gì hơn là có những người bạn cùng đọc, và tuyệt vời nhất đó chính là bố mẹ bạn. Hãy đừng ngại gạ gẫm bố mẹ đọc chung một cuốn sách mới, và lắng nghe xem bố mẹ bạn nói gì sau khi đọc xong. Thú vị lắm đấy!
5. Muốn start-up trước hết hãy stand-up.
Gặp mấy bạn trẻ mới ra trường bây giờ rất hay được nghe chuyện start-up. Cơn gió khởi nghiệp thổi vù vù qua lớp trẻ nên ai cũng nuôi nghiệp lớn. Đó là điều đáng mừng cho cả dân tộc tuy nhiên "Dream big but do small thing first" (Nghĩ lớn nhưng nên tập làm việc nhỏ trước). Mình ngã ngửa người khi nhận được không ít CV xin thực tập - xin việc nhưng ngoài file đính kèm chẳng thèm nói gì thêm nữa. Đọc quá nhiều sách về khởi nghiệp hay đi nghe quá nhiều những khoá học làm giàu cấp tốc sẽ khiến người trẻ hay thích nói chuyện tầm nhìn - sứ mệnh - chiến lược, toàn những thứ siêu to tát đi kèm với những giấc mơ triệu đô tuy nhiên hãy nhớ rằng người ta hoàn toàn có thể thất bại chỉ trong phút chốc vì những lỗi có khi rất nhỏ ngớ ngẩn. Vậy nên muốn khởi nghiệp (start-up), ngoài chuyện hun đúc tinh thần ý chí và bổ sung kiến thức qua sách vở, trước tiên hãy tập đứng thẳng trên đôi chân của mình thật tử tế và hoàn thành những công việc nhỏ nhặt trước. Gọi mình dậy đi làm đúng giờ mỗi ngày cũng quan trọng như gọi vốn.
Hành động tức thời - Đổi mới quan điểm - Tư duy độc lập đa chiều - Chọn lựa đúng mối quan tâm - và Bắt đầu từ thực tế cuộc sống, năm bài học nhỏ từ chuyện đọc sách trên đây ít nhiều giúp bạn có định hướng tốt hơn, ít bị "lạc trôi" hơn....Thật đấy!
Đừng tin rồi bạn sẽ tin...
Chúc mọi người một năm làm việc hiệu quả!!!
Hoàng Huy.
TẶNG EM, CÔ GÁI ÁO THIÊN THANH
Tặng em yêu, cô gái áo thiên thanh
Chẳng bao giờ được ở nhà ăn Tết.
Miệng vẫn cười dù toàn thân rất mệt
Giấc ngủ chập chờn lo chuông gọi Rờ Bê (RB)
Bữa sáng vội là ổ bánh em mê.
Bước thật nhanh cho kịp giờ cất cánh
Sáng hay trưa thì cũng đều chóng vánh
Ăn vội cho nhanh, lại sắp disarm rồi….
Thương em biết mấy, ngủ gật lúc đang ngồi
Dù vài phút trước còn cười cười nói nói
Giây phút ấy chợt thấy lòng đau nhói
Cả đêm qua…… em thức trắng trên trời
Ngày bão táp. Lo! Không nói thành lời
“Mưa gió thế này, không biết đáp làm sao”
Tân Sơn Nhất nước ngập lên cao
Chỉ cần thấy em về là mừng rơi nước mắt
Bao ngày lễ cũng chẳng hề thấy mặt
Chỉ biết mong chờ mau tới Ép Âu Em (FOM)
“Mai xem phim nhé, được không em?”
“Thôi anh ạ, mốt em còn 4 chặng”
Đường dài 3 ngày, một mình anh vắng lặng
LHR London tuyết rơi, SGN Saigon nắng rạng ngời
Vì em lỡ trót dại yêu bầu trời
Nên anh cũng hiểu yêu thương là chờ đợi…
Hãy bay lên đi em, đừng vẫn vơ nghĩ ngợi
Dù khuya mấy anh vẫn đợi em về
Dù khuya mấy vẫn chờ tin em đáp
Dù delayed, turbulence hay bão táp
Anh vẫn là chặng cuối của mình em.
Học làm giàu???
Chưa thấy ở một đất nước nào 01 mét vuông 9 thằng dạy làm giàu như ở Việt Nam mình. Làm giàu mà dạy được theo khoá cấp tốc như mấy thần gió kia quảng cáo thì làm gì còn ai đi bán vé số, bán trà đá nữa.
Đúng thật là ngược đời, ở một nước nghèo gần nhất thế giới thì ông nào cũng vỗ ngực nói tôi có bí quyết thành triệu phú nhanh lắm, còn ở những nước cứ ra đường là gặp triệu phú thật thì tuyệt nhiên chẳng bao giờ có một khoá nào để dạy làm giàu. Bọn Tây ích kỷ thật, không có tinh thần tương thân tương ái như dân ta.
Nếu mình mà là sinh viên, thay vì nhịn ăn nhịn mặc đóng vài triệu đồng/ngày để nghe mấy tay doanh nhân dỏm kia chém gió nhố nhăng mấy tiếng đồng hồ trong phòng máy lạnh; mình sẽ dùng mấy tiếng đồng hồ đó đi mua một tập vé số rồi thử đi bán lại, hoặc đi phát tờ rơi....hoặc là kiếm được vài trăm ngàn, hoặc là ít nhất cũng học được rằng: kiếm tiền chân chính luôn khó; sau đó dùng tiền đó góp lại để mua vài cuốn sách tử tế mà đọc hoặc đi học một khoá học kỹ năng nghề nghiệp gì đó cụ thể...cứ thế lặp đi lặp lại cho đến một ngày mình thành triệu phú thật thì thôi, không thành danh cũng thành nhân.
Đau một nỗi là mấy thằng máy chém gió kia chủ yếu toàn lừa được mấy em sinh viên và người trẻ tuổi- chẳng có lẽ "dày ăn mỏng làm" là thuộc tính dân tộc thật sao????
Các bạn sinh viên ơi, nhớ giúp tớ ba điều:
1. Những người giàu tự thân thật sự họ thường rất bận theo đúng nghĩa thời gian là vàng, họ sẽ không bao giờ bỏ công ra lượm bạc lẻ của các bạn đâu.
2. Ở Việt Nam nếu có cách nào làm giàu mà người ta lạ dám sẵn lòng chia sẻ với nhau thì chúng ta đã là Mỹ hoặc Nhật rồi chứ không còn là Việt Nam nữa.
3. Thành công là thứ tuyệt nhiên không thể copy được, không tin bạn cứ thử bỏ học giữa chừng đi xem có thành Steve Job hay Bill Gates không?
Khát khao giàu có là giấc mơ hoàn toàn chính đáng nhưng đừng mù quáng, tuổi trẻ ơi!!!!!!