2018
NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN......TIỀN CỦA NGƯỜI TRẺ
NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN......TIỀN CỦA NGƯỜI TRẺ
Mình có cái may là trong friendlist có rất nhiều người trẻ nên Newsfeed thể hiện sống động nhịp sống và hơi thở của tuổi trẻ, lại được làm việc cùng với nhiều bạn 9x nên tha hồ quan sát và cảm nhận cái thế giới quan rất thú vị của các bạn. Và hai trong số những chủ đề chưa bao giờ ngừng hot với rất nhiều các bạn trẻ đó là than vãn: không có người yêu (FA, thật & giả) và kế tiếp đó là than hết tiền-thiếu tiền-ít tiền.....Hôm nay, 30 Tết, nói câu chuyện thứ hai là thích hợp hơn cả.
Người trẻ, với sức tiêu dùng mạnh, độ ham thích với cái mới cao trong khi thu nhập còn hạn chế thế nên những lúc bối rối về mặt tiền bạc là không thể nào tránh khỏi. Và mình cũng đã đi qua đầy đủ những cung bậc như thế, cả ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài thế nên chắc vài kinh nghiệm nhỏ của mình chắc ít nhiều có ích với những ai cần nó.
Nếu bạn đã đủ 18 tuổi và còn đi học dưới sự chu cấp của bố mẹ, tốt nhất đừng nên than, vì như thế vô duyên lắm. Bởi lẽ, theo luật, sự trợ cấp đấy là không bắt buộc, bố mẹ thương và ủng hộ bạn, họ có thể cho bạn một chút tiền nhưng đó không còn là nghĩa vụ nữa. Và người Anh có câu "Beggars cannot be chosers" (Ăn mày còn đòi xôi khúc). Nhận chu cấp và than vãn, vô tình bạn có thể làm bố mẹ buồn hoặc tệ hơn là gây một áp lực vô lý đối với họ, những người duy nhất trên đời yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Nếu bạn đã đi làm, càng không nên than hết tiền, vì càng than sẽ càng làm cho nhiều người biết cái yếu của bạn trong việc lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống. Không một chàng trai hay cô gái nào hứng thú với một đối tác không biết sắp xếp cuộc sống ngay cả khi còn độc thân. Và cơ bản, than không thay đổi được bản chất của vấn đề (trừ khi bạn thích than để "thả thính" J). Bạn đã kiếm tiền nhưng chưa đủ, đó là dấu hiệu bạn cần xem lại chi tiêu và cần cố gắng hơn.
Vậy thì phải làm gì để vẫn có thể sống tốt trong điều kiện tài chính còn hạn chế?
1. Hãy tính lại
Tổ chức lại cách chi tiêu theo chu kỳ thu nhập, nếu bạn lĩnh lương theo tuần hay theo tháng thì bạn làm theo chu kỳ đó. Hãy liệt kê tất cả các khoản mục bạn cần phải chi một tháng thành hai loại (Compulsory & Optional: Bắt buộc và Không bắt buộc) hoặc Needs & Wants
Bắt buộc là: Ăn - Ở (Nếu bạn phải thuê nhà) - Đi lại - Bills (các loại hoá đơn)....những nhu cầu thiết yếu bạn cần phải chi để tồn tại. Thường đây sẽ là một con số tương đối cố định theo từng năm, chỉ thay đổi theo lạm phát.
Không bắt buộc là: Giải trí - Kết nối- Shopping....những nhu cầu mà nếu bị gián đoạn, cuộc sống của bạn không bị xáo trộn ngay lập tức.
Phân bổ tối đa 60% thu nhập của bạn cho mục này: Chi phí cuộc sống, theo thứ tự Bắt Buộc trước, Tuỳ chọn sau. Nếu bạn phân bổ rồi mà vẫn không đủ, đừng lo, thiếu thốn sẽ là động lực để phát triển, nhưng ít nhất bạn đã kiểm soát được việc chi tiêu của mình. 60% thu nhập này dạy bạn bài học cơ bản về những giá trị thiết yếu của cuộc sống.
2. Hãy đầu tư:
Đừng cứ nghe đến từ "đầu tư" là nghĩ ngay đến chứng khoán, bất động sản hay bitcoin gì đấy, xa xôi quá. Với người trẻ, đầu tư hàng đầu phải là đầu tư cho chính bản thân mình. Một khoá học kỹ năng hay ngoại ngữ, những cuốn sách hay và bổ ích, một chuyến du lịch.......Tất cả những thứ làm bạn "giàu có" hơn về kiến thức, năng lực làm việc và trải nghiệm cuộc sống. Đây là sự đầu tư bền vững và siêu lợi nhuận, hãy dành ít nhất 20% thu nhập của bạn cho điều này. 20% này nhắc bạn không được bằng lòng với ngày hôm nay, hãy vươn lên.
3. Hãy nghĩ đến ngày mai.
Cuộc sống là vô thường, không ai biết trước được ngày mai ra sao, có thể là đầy cơ hội nhưng có thể là rủi ro, bất trắc. Bạn chỉ có thể vượt qua những rủi ro nếu như bạn đã luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho tình huống xấu nhất. Ốm đau, thay đổi việc làm, hay những điều còn tệ hơn nữa.....là những trải nghiệm không hề dễ chịu và chẳng ai muốn. 20% thu nhập còn lại của bạn chính là dành cho việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Và hãy mua bảo hiểm ngay cả khi đang khoẻ mạnh nhất, đừng biến mình thành gánh nặng cho người thân nếu không may gặp vấn đề về sức khoẻ. Quan trọng nhất, đừng động đến khoản tiền này chỉ vì bạn thích một cái váy đẹp hay muốn đổi điện thoại mới; vì bạn cần có một cái phao cứu sinh tương đương chi phí cuộc sống tối thiểu từ 6-12 tháng trong những tình huống khẩn cấp. 20% cuối cùng này cho bạn bản lĩnh đối mặt với những điều không mong muốn.
4. Hãy đừng ngồi im và than vãn
Tuổi trẻ chẳng có gì ngoài thời gian, trí lực và nhiệt huyết. Hãy tìm mọi cách chuyển đổi những thứ đó thành tiền. Ngoài 8h vàng ngọc đã bán cho cơ quan, bạn hoàn toàn có thể tìm một nguồn thu nhập phụ từ những kỹ năng hoặc năng lực của mình, dù ít hay nhiều, bạn cũng đã bớt bị động hơn là chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất.
5. Hãy nói không với Nợ.
Trừ khi bạn là nhà đầu tư quen sống chung với những khoản nợ, hoặc là nếu không vay thì bạn nguy cấp, thì tốt nhất hãy cố gắng nói không với Nợ. Các khoản nợ dù lặt vặt nhưng cũng sẽ làm những bê bối tài chính cá nhân của bạn kéo dài và phức tạp hơn nếu bạn không quản lý tốt. Và dù trong tình huống nào, cũng đừng lạm dụng thứ tài sản quý giá nhất của mình: uy tín và danh dự của bản thân. Không sử dụng thẻ tín dụng cho tới chừng nào bạn tự tin với khả năng kiểm soát chi tiêu của bản thân.
Dù thu nhập bạn tăng hay giảm: hãy luôn tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu 60-20-20 này cho đến khi bạn đủ tự tin về tài chính và có thể làm chủ chuyện chi tiêu cá nhân một cách khoa học.
Có một nghịch lý mình phát hiện ra là phần đông các ông bố bà mẹ Vietnam thường dúi tiền vào tay con nhưng rất ít người cùng ngồi xuống và trao đổi với con cách quản lý và sử dụng đồng tiền, để đến khi bước vào đời đa số các bạn trẻ đều lúng túng với đồng tiền, làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa. Nhưng cũng chẳng sao, vì những gì chưa được dạy thì ta sẽ học, chẳng bao giờ là muộn.
Chúc các bạn trẻ một năm mới thịnh vượng theo cách của bạn, không còn "bán than", nhất là chuyện tiền bạc.
Hoàng Huy
“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”
“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”
Đó chính xác là câu mà tôi muốn nói với Bùi Tiến Dũng và các cầu thủ U23 Việt Nam ngay lúc này, không phải với danh nghĩa một người hâm mộ (thực ra tôi không mê bóng đá lắm) mà là với tư cách một người làm kinh doanh và marketing chuyên nghiệp.
Mấy hôm nay, mạng xã hội xôn xao vì một cái bảng báo giá quảng cáo của thủ môn Tiến Dũng do một công ty truyền thông tung lên.
Nếu không xét đến chuyện bất đồng về quyền khai thác hình ảnh cầu thủ giữa CLB chủ quản và công ty truyền thông O kia, thì với tất cả những người làm trong nghề truyền thông và marketing đều phải thừa nhận rằng đây chính là thời điểm VÀNG để Tiến Dũng cũng như các bạn tuyển U23 có thể kiếm tiền, và tuyệt nhiên không thể bỏ lỡ. Một số người nói rằng Tiến Dũng quảng cáo như thế này, tại thời điểm này là “bán lúa non”, tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy vì những lý do sau:
Trong marketing hiện đại, tên tuổi và hình ảnh của các cầu thủ, các động viên thể thao nổi tiếng được định vị như một THƯƠNG HIỆU độc lập, được định giá tương đương như THƯƠNG HIỆU của các nhãn hàng. Tức là cái tên Bùi Tiến Dũng cũng được định vị như Samsung, Apple hay Vinamilk trong mắt người tiêu dùng. Và cái mà họ bán, chính là bán dịch vụ quảng cáo – họ san sẻ sự nổi tiếng của họ cho các nhãn hàng thuê họ làm đại diện thương hiệu
Những thời điểm VÀNG của THƯƠNG HIỆU cầu thủ, chính là thời điểm anh ta và đội bóng vừa giành chiến thắng, mọi người đổ dồn sự chú ý vào họ, tần suất xuất hiện trên truyền thông dày đặc. Những thời điểm VÀNG này có thể lặp đi lặp lại nếu các cầu thủ và đội bóng tiếp tục giành chiến thăng trong tương lai, và tương lai thì không ai nói trước được cả, nhưng dư chấn truyền thông khổng lồ sau chiến thắng vừa rồi của U23 là cái đang hiện hữu. Và người Anh có câu: “A bird in the hand is worth two in the bush” (Một con chim trong tay bằng hai con chim trong bụi). Chúng ta không bi quan về tương lai, nhưng cũng đừng bỏ lỡ những cơ hội đang hiện có ngay trước mắt, vì có những cơ hội nhiều khi chỉ xuất hiện một lần trong đời, và cơ hội chỉ dành cho những người đã sẵn sàng.
Marketing không phải là một môn nghệ thuật mà là cuộc chiến thực sự về tranh giành sự chú ý của công chúng, và chỉ có người nhanh nhạy và tinh khôn nhất mới có thể dành chiến thắng.
Hãy cùng phân tích, nguồn thu nhập hợp pháp của một cầu thủ nổi tiếng ở Việt Nam sẽ đến từ đầu:
1. Các hợp đồng chuyển nhượng giữa các CLB: Thường là số tiền khủng, nhưng không phải các cầu thủ được hưởng 100%, nếu như không nói là không đáng kể, mà phần lớn lợi nhuận thuộc về các ông bầu- các chủ đội bóng.
2. Tiền lương: Thường là không đáng kể, chỉ giúp cầu thủ chi trả các nhu cầu cuộc sống của bản thân- gia đình và khó có thể tích lũy làm vốn hay dự phòng rủi ro.
3. Tiền thưởng: Ngay cả khi chiến thắng, một tỷ lệ rất lớn các khoản tiền thưởng lại đến từ những “con ma nhà họ Hứa” – những công ty, tổ chức, cá nhân thiếu tự trọng với lời hứa của mình.
4. Tiền từ quảng cáo: Đây là nguồn thu nhập chủ động lớn nhất mà cầu thủ có thể kiếm được bằng chính mồ hôi, công sức lao động của mình – ngoài bóng đá. Và nếu được đầu tư và tính toán bài bản, đây chắc chắn là nguồn thu nhập lớn nhất
Bóng đá Việt Nam rất khác và rất chậm so với thế giới. Ở các nước có nền bóng đá đặc biệt phát triển không chỉ đơn giản vì họ đá hay, có các thế hệ cầu thủ tài năng, và quan trọng hơn cả, họ tổ chức bóng đá như một nền công nghiệp thực thụ. Mỗi một đội bóng không chỉ đơn thuần là một câu lạc bộ thể thao mà thực chất là một tập đoàn đầu tư khổng lồ: họ kiếm tiền từ tiền bán vé, từ phí thành viên của người hâm mộ, và tiền quảng cáo, kinh doanh cầu thủ…..Họ kiêm luôn cả nhiệm vụ là “bầu show” – là người đại diện thương hiệu cho các cầu thủ, chủ động đi tìm về những hợp đồng quảng cáo béo bở cho cầu thủ của họ, và tất nhiên có thu về một tỷ lệ phần trăm nhất định, nhưng cả cầu thủ và đội bóng đều có lợi. Đến khi cầu thủ nổi tiếng ở mức độ đủ lớn hoặc không đạt được thỏa thuận được với CLB, họ có thể thuê một công ty quản lý thương hiệu riêng cho mình. Ở Anh – quê hương của bóng đá, người ta còn định nghĩa vui “Bóng đá là môn thể thao của 22 ông triệu phú mặc quần đùi tranh nhau một quả bóng.” là vậy. Và họ cũng có như những tên tuổi vàng vẫn có thể sống ngon từ thương hiệu cá nhân như David Beckham, ngay cả khi đã giã từ đỉnh cao của bóng đá, vẫn có thể kiếm tới hơn 100 triệu bảng Anh mỗi năm từ quảng cáo.
Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam, phần đông xuất thân nông thôn, không phải ai cũng biết khai thác nguồn thu nhập thứ tư này một cách bài bản và hiệu quả. Trong khi việc này rất phức tạp và cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp của cả một ekip lớn. Các CLB chủ quản, thường xuất thân chỉ là từ làm thể thao, không thể nào có đủ sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong ngành truyền thông –quảng cáo như những người trong ngành. Vậy có nên chăng có thể cởi trói từ trong tư duy mà suy nghĩ rộng mở ra rằng: nếu tôi không làm được tốt, tôi sẵn sàng lùi lại để cho người có thể làm tốt hơn tôi làm, tất nhiên là phải tôn trọng về sự cân bằng quyền lợi giữa cá nhân và đội bóng.
Hãy nghĩ cho các em và nghĩ cho cả tương lai của nền bóng đá nước nhà, một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận đó là: Muốn chuyên nghiệp, phải có tiền; và chỉ có tiền sạch mới có đủ sức mạnh đẩy lùi tiền bẩn. Vòng đời của những người làm thể thao đỉnh cao rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 10 năm. Chúng ta đã có bao nhiêu tuyển thủ phải ngồi lề đường bán rau, bao nhiêu nữ hoàng điền kinh phải sống trong khó khăn khi ánh hào quang đã tắt hoặc không may gặp chấn thương mà phải ngừng cống hiến, như vậy chưa đủ sao? Hay chúng ta đòi họ vẫn phải đá hay, vẫn phải cống hiến và chiến thắng ngay cả khi bụng đang đói, nhà đang dột??? Và ngay khi họ có thể tự tay kiếm những đồng tiền chân chính ngoài chuyên môn thì lại lao vào phán xét, đánh giá...
Những câu chuyện buồn đó phần nào cũng có phần trách nhiệm của công chúng. Người hâm mộ cũng đừng vì cái ích kỷ nửa vời của mình mà đưa ra những lời khuyên chân-không-chạm-đất kiểu như: “Hãy tập trung đá bóng, từ từ sẽ có mọi thứ”. Đúng, hãy tập trung đá bóng, vì đó là con đường đam mê mà các em đã chọn, đem lại cho các em danh tiếng và sự ngưỡng mộ, nhưng cũng đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng đang bày ngay trước mắt để kiếm những đồng tiền chân chính. Miễn không phải bán độ, không phải những gì mờ ám, thì hãy cứ ngẩng cao đầu mà tiến lên, mà xây dựng một cuộc sống tốt nhất, đàng hoàng nhất cho chính mình, vì cuộc đời mỗi chúng ta đều không quá dài để mà “Giá như….”, để mà “tiếc nuối”
Hoàng Huy.
VÌ SAO ĐÁNH XONG GIẶC ÂN THÁNH GIÓNG PHẢI BAY NGAY VỀ TRỜI???
VÌ SAO ĐÁNH XONG GIẶC ÂN THÁNH GIÓNG PHẢI BAY NGAY VỀ TRỜI???
Có những câu hỏi đi theo mỗi chúng ta suốt từ khi thơ ấu cho đến khi lớn khôn mà chưa chắc đã trả lời được. Ngày xưa đọc Chuyện Thánh Gióng, mình cứ thắc mắc mãi vì sao diệt xong giặc, Thánh Gióng lại phải bay ngay về trời, mà không về kinh đô báo công, hưởng vinh hoa phú quý. Nghĩ mấy chục năm nhưng phải đến mấy hôm nay, mình mới hiểu ra là Gióng đã có một quyết định hoàn toàn khôn ngoan, đúng là Thánh có khác.
Giả sử như hôm đó đánh xong giặc, Gióng quay ngựa phóng về kinh đô thì chuyện gì sẽ xảy ra???
Trên đường đi, bọn trọc phú trong làng sẽ đua nhau đòi sơn hình Gióng lên con ngựa sắt bất kể là Gióng có đồng ý hay không? Chưa kể sẽ có một loạt bọn cơ hội, "dây máu ăn phần" đòi đu lên ngồi đằng trước con ngựa sắt của Gióng, hò hét như thể hắn là Gióng - có công diệt giặc, rồi khung hình nào cũng có bộ mặt dơ bẩn của hắn, và rồi hắn nói như thế là "hỗ trợ làm truyền thông" trong khi Gióng đâu có nhờ, mà cũng chẳng biết hắn đã "ghế trên ngồi tót sỗ sàng" từ khi nào mà không biết thế nào là tự trọng. Nhìn rất chi là Tuất!
Đường đi về Gióng không những phải đi qua Phường Kim Mã, Phường Nhật Tân....vớ vẩn còn phải đi qua cả Phường Lan Quế. Trong khi vừa đói vừa mệt, chỉ muốn về với mẹ già thì những đàn kỹ nữ sẽ ùa ra bu lấy Gióng, ấn cái này dí cái kia vào người chàng hiệp sĩ, toàn trái cây cuối mùa tiêm thuốc, rồi bật nhạc sàn uốn éo như trong động bàn tơ. Concept thì là mỹ nhân chào đón anh hùng nhưng khi lên budget thì lại hoá thành: ả đào hát ca ve vãn khách. Và rồi bọn kĩ nữ mặt dày hơn thớt đấy sẽ lại lên Facebook treo status "100% trai thẳng" - kèm theo cái ảnh ngả ngớn của ả kèm theo cái mặt nhăn nhó của Gióng. Chỉ nghĩ đến thế thôi Gióng đã thấy ớn lạnh. Đánh tan giặc trong tuyết lạnh, chỉ muốn được về ngay bên mẹ già bên làng xóm.....nhưng nào ngờ bọn theo đóm ăn tàn quá đông quá nguy hiểm, chỉ tranh thủ chụp ảnh selfie - xin chữ ký làm Gióng kí mỏi cả tay cũng chưa hết. Trong khi Gióng cần lắm một bữa ăn ngon, thì chúng nó chỉ cho Gióng một ly mỳ ăn liền, táo bón chết đi được.
Về đến kinh đô sau cả một chặng đường dài kẹt cứng, Gióng sẽ lại phải cười cười nói nói, bắt tay lắc lắc xã giao theo cái cách mà người dân quê quen sống chân tình như Gióng thật chẳng quen.
Các nhãn hàng sẽ đu bám lấy Gióng để mời làm đại sứ thương hiệu, nào là sữa tăng trọng, nào là kem cạo râu, nào là các phòng gym quốc tế...
Sẽ là những chuỗi ngày tiệc tùng mệt mỏi, những khoản tiền thưởng khổng lồ mà Gióng không biết là đến tay mình được bao nhiêu, hay là bọn hoạn quan, nịnh thần sẽ chia nhau chén hết.
Gióng chợt thấy buồn, vì trong cơn say vì chiến thắng, không mấy ai nhắc đến những người hùng thầm lặng, đã bỏ công bỏ của sắm roi sắt, đúc ngựa sắt, huấn luyện Gióng từ một cậu bé nhà quê thành một chàng tráng sĩ anh hùng như hôm nay. Người ta chỉ quen nhìn thấy hoa thơm trái ngọt trước mắt mà không nghĩ đến bao ngày vun đắp ươm trồng thầm lặng.
Chiến thắng trở về, Gióng không bao giờ nghĩ diệt giặc để tâu bày công trạng, chỉ mong toàn dân cả nước trở nên gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn để sẵn sàng cho những trận chiến mới, vì không có chiến thắng nào là mãi mãi, không có thành công nào là vững bền nếu người ta chỉ biết tung hô nhau và ngủ quên trên chiến thắng.
Người đời nhanh nhớ nhanh quên, đường dài lại lắm thị phi, thôi thì Gióng cưỡi ngựa bay về trời là khôn ngoan hơn cả.
Poor Gióng!
Hoàng Huy.
“Ừ NHỈ, BAO LÂU RỒI CHÚNG TA CHƯA THẮNG…?”
“Ừ NHỈ, BAO LÂU RỒI CHÚNG TA CHƯA THẮNG…?”
Trong cơn mưa rào của cảm xúc vỡ òa chiều hôm qua, có lẽ đây là hình ảnh mà tôi thấy ấn tượng nhất. “Uh nhỉ, bao nhiêu lâu rồi chúng ta chưa thắng…?” Một chiến thắng đủ lớn để kích hoạt lòng tự hào dân tộc của 90 triệu dân từ các cụ già đến các em học sinh nhỏ còn chưa hiểu hết về bóng đá. Mọi người chỉ hiểu một điều đơn giản nhất “Việt Nam thắng rồi…..!” - những nụ cười và cả nước mắt hạnh phúc. Người ta vồn vã cười nói, ôm nhau, bỏ qua cho nhau những điều nhỏ nhặt thường ngày, cùng giương cao lá quốc kỳ và tỏa đi muôn ngả, đơn giản vì người ta là người Việt Nam. Tôi thấy thật may mắn vì đã có mặt ở Việt Nam tối qua để tận mắt thấy đồng bào mình lâu rồi mới có những khoảnh khắc hạnh phúc vui sướng đến vậy. Dù sáng nay có tiếp tục đi bán vé số, đi chạy xe ôm, hay đến công ty ngồi họp tính chuyện tiền tỷ, thì tối qua, tất cả chúng ta đều đã là người chiến thắng.
Hai năm trước, rất nhiều người bạn trong nước đã mắng tôi, tự ái với tôi, thậm chí có người còn đòi nghỉ chơi với tôi luôn…..khi sau những năm học tập ở nước ngoài trở về, tôi dám nói với họ một sự thật rằng “Người nước ngoài nhiều đứa nó còn chẳng biết Việt Nam mình nó nằm ở đâu chúng mày ạ….”. Tôi không hề bị hội chứng “ở bển”, không hề bi quan…..nhưng đó là một sự thật đắng chát mà chúng ta không dễ gì chấp nhận, nhất là với những người yêu Việt Nam trong từng hơi thở của mình.
Một chiến thắng ở một giải thể thao châu lục không hẳn làm cho thế giới biết đến chúng ta nhiều hơn trong một sớm một chiều, nhưng quan trọng nhất nó thắp lên cho toàn dân Việt Nam niềm tin rằng: Chúng ta, người Việt Nam, làm được! Mọi con đường và đích đến chẳng phải đều bắt đầu từ niềm tin đó thôi.
Nhìn lại những giải đấu khác, chúng ta đã sút tung lưới đội tuyển Pháp, đội tuyển Mỹ và giành chiến thắng đáng tự hào trong giải đấu “Vệ Quốc” trong thế kỷ 20, nhưng hiện nay đang bị dẫn trước rất nhiều trong giải mở rộng “Văn minh, Tăng trưởng kinh tế & Phát triển bền vững”. Thậm chí ở vòng bảng của giải “Năng suất lao động” chúng ta còn đang thấp điểm hơn cả đội láng giềng Campuchia.
Chúng ta có định thua hay không? Chắc là không, dù có là phút 89, dù có là hiệp phụ, và dù có là cả penalty…
Ngay cả vào những lúc bi quan nhất về đất nước, tôi cũng chưa bao giờ thay đổi niềm tin vào khí chất và ý chí của con người Việt Nam mình. Vào những giây phút quyết định nhất, khó khăn nhất, những sự bứt phá đầy bất ngờ đã luôn diễn ra. Lúc chúng ta tưởng chừng như về với thời kỳ đồ đá vì B52, chúng ta đã có Điện Biên Phủ trên không, và lúc chúng ta tưởng chừng như sắp tàn lụi vì cái đói và kiệt quệ, chúng ta đã có Đổi Mới.
Dưới con mắt của người làm marketing, tôi nghĩ nếu chúng ta chưa đuổi kịp ngay thế giới về kinh tế, về công nghệ, và trình độ phát triển, tại sao chúng ta không chọn một cách tiếp cận mềm hơn để đi ra biển lớn bằng thể thao, du lịch và ẩm thực – những lĩnh vực mà Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để thu hút sự chú ý của cả thế giới. Chỉ cần những bước đi khôn khéo, uyển chuyển và có chiến lược đúng đắn, có một “Park-Hang-Seo” nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Và chiến thắng ngày hôm qua, một chiến thắng lâu rồi mới có, chiến thắng của niềm tin- của tinh thần đoàn kết……phải chăng sẽ là luồng gió mát lạnh truyền cảm hứng cho muôn triệu người nhận ra: Này, chúng ta có chung một Tổ Quốc đấy, cùng vui sướng, cùng tự hào, và cùng quyết không để thua trên những “giải đấu” cam go khác: giải đấu của một tương lai tươi sáng cho Việt Nam, mà các cầu thủ chính là mỗi người chúng ta.
Nhiều người nói “Việt Nam hôm qua như lên đồng….” tôi thì nghĩ vui: lâu lâu rồi cả dân tộc cắn chung nhau một viên thuốc thì cũng có sao đâu.
Hãy dùng tự hào mà đi lên, ơi Việt Nam!
Hoàng Huy
Ảnh: Anh Vĩnh Nam. Xin phép anh được sử dụng một tấm ảnh rất đẹp.
THƯƠNG LẮM………..VIỆT KIỀU ƠI!
THƯƠNG LẮM………..VIỆT KIỀU ƠI!
Tết là mùa đoàn tụ. Khắp các ga đến quốc tế của các sân bay vốn đã chật lại càng chật hơn những bóng người chờ đón người thân ở xa trở về. Là nụ cười, là nước mắt, là niềm vui ngày gặp mặt….Mình vẫn thường đi chầm chậm lại khi đi qua những nơi ấy để chứng kiến những khoảnh khắc ấy. Vì với tư cách một người đã từng sống đủ lâu và ở rất xa Tổ Quốc, mình rất hiểu cái cảm giác ấy nó thiêng liêng và thân thương biết nhường nào. Có những người đi xa chờ đợi 5 năm, 10 năm, và có khi chờ đợi……..gần cả cuộc đời để trở về với quê hương và những người thân thuộc.
Nhưng bài viết này lại để nói về những gì chưa thật vui sau những niềm vui của ngày hội ngộ. Những điều ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng chẳng mấy người nói thành lời, nhất là những người trong cuộc.
Những năm bắt đầu đất nước mở cửa, khi thế hệ mình được sinh ra, người ta đã từng định nghĩa Kiều là một khái niệm chuẩn mực cho sự giàu có và thành công: những bộ quần áo đẹp, mùi nước hoa thơm nức, những món quà lạ lẫm mà Việt Nam chưa từng thấy. Ở thành phố Cảng của mình, người ta còn dùng từ Kiều như một cách giải thích dễ hiểu cho sự giàu có của một gia đình nào đó “Ah, nhà đấy có kiều Anh, kiều Pháp, kiều Mỹ….gì gì đó.” Mình đã từng có mơ ước được thành Kiều, cho đến khi mình hiểu được nỗi khổ của những người “bị” mang danh Kiều.
Kiều ở các nước không biết như thế nào, chứ Việt Kiều thì hình như tuyệt nhiên không có quyền được…. Nghèo
Nhưng một thực tế rất chân thật đó là, không phải Kiều nào cũng giàu có và dư dả như trong suy nghĩ của rất nhiều người ở trong nước. Kiều -họ cũng có đầy đủ những lo toan cuộc sống, những vất vả bộn bề….ở nơi xứ người. Không có một ai sau bao nhiêu năm tháng về với gia đình, về với quê hương lại nói rằng “Ở bên ấy, tôi vất vả lắm, khó khăn lắm.” Phần vì thể diện bản thân, phần vì cái tiếng của một người sống ở nước ngoài, phần vì sợ người nhà buồn lo, và nhiều lý do khác rất riêng của mỗi người.
Mình xin kể một câu chuyện có thật về một Việt Kiều đáng kính mà mình biết. Hơn 30 năm sống ở xứ người, làm đủ thứ công việc, làm ngày không đủ tranh thủ làm cả đêm vài job……….nhưng không phải để mua nhà, mua xe hay gây dựng một cuộc sống riêng sung túc, mà là để gom góp từng đồng ngoại tệ gửi về chăm lo cho……….mười mấy gia đình anh chị em ở nhà. Đến mức dù có tuyết rơi lạnh lẽo đến mấy cũng chỉ mặc thêm áo ấm trong nhà mà hạn chế bật lò sưởi để tiết kiệm tiền gửi về. Và mình tin trong hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài, rất nhiều rất nhiều người có tình cảm yêu thương vô bờ bến với quê hương –gia đình như vậy. Đó là một vẻ đẹp rất đáng trân quý của người Việt Nam.
Ở nơi ấy, Việt Kiều………phần đông là những người rất cô đơn. Khi bạn bè bản xứ xung quanh đi nghỉ dưỡng, du lịch bên Đông bên Tây, nước này nước khác thì với họ kỳ nghỉ quan trọng và được trông đợi nhất trong năm chỉ có thể là Việt Nam, là “về quê”, là về với những nhớ thương mòn mỏi suốt bao ngày. Nhưng không biết người ở nhà có bao giờ nghĩ rằng, chính mình đã vô tình làm cho những chuyến trở về đấy có khi thành gánh nặng, thành nỗi lo, và thậm chí dần dần thành nỗi buồn cho những người con xa xứ.
Mỗi chuyến đi, ngoài chi phí đi lại di chuyển, một khoản chi phí khủng khiếp hơn nhiều là quà cáp, và những khoản tiền để cho người thân họ hàng…..là đủ thổi bay tiết kiệm cả năm thậm chí vài năm của rất nhiều người.
Đó là gì? Là mồ hôi, là những tháng ngày quần quật làm việc bạc mặt nơi xứ người để chắt chiu dành dụm Và có khi là cả những kỳ bốc hụi vội vã để kịp cho một chuyến đi về.
Và rất buồn khi thấy rằng những tình cảm tốt đẹp ấy của người ở xa nhiều khi bị lạm dụng. Những shopping list dài thật dài từ con cháu, người nhà được gửi sang, những đòi hỏi – xin xỏ vật chất từ đủ các thứ mối quan hệ mỗi khi nghe thấy tin Kiều sắp về. Không còn là những biểu hiện tốt đẹp đúng mức của tình cảm tự nhiên nữa mà bị lạm dụng biến tướng thành một mối quan hệ xin cho & đáp ứng nặng mùi vật chất. Người khó đã xin, và kẻ có cũng xin như một tập quán “Kiều mà, không xin là thiệt.” Và cứ thế mỗi năm, những chuyến trở về của Kiều cứ mãi bị biến thành những chuyến ship hàng xách tay xuyên quốc gia. Những nỗi buồn không dám nói thành lời của người đi xa lặng lẽ song hành niềm vui hoan hỉ khi được quà được tiền của những người ở nhà.
Thật lòng, mình không thấy có chút gì để mà tự hào khi người ta công bố mỗi năm Việt Nam nhận được trên dưới 10 tỷ USD từ nguồn kiều hối. Con số ấy càng lớn chứng tỏ nội lực quốc gia càng yếu dù rằng đó là dòng chảy tự nhiên trong mỗi nền kinh tế. Chỉ không lâu nữa đâu, khoảng 10-20 năm nữa, nguồn tiền đó sẽ yếu đi rồi không còn nữa cùng với thế hệ Việt Kiều nặng lòng, gắn bó với quê hương nhất. Một thế hệ Việt Kiều mới lớn lên, mối liên hệ với quê hương đã xa hơn, họ sẽ ít còn nghĩ đến chuyện phải cho – phải tặng Việt Nam cái gì nữa, và cần phải như thế để những người thích xin ở nhà biết thẳng lưng mà sống.
Mình chưa bao giờ cảm thấy đi xin, đi nhận được điều gì đó của ai cho không mà lại là một niềm vui sướng. Hoặc là mình quá ngu ngốc hoặc là mình không tiêu hóa được những suy nghĩ thiếu tự trọng của rất nhiều những người ưa vòi vĩnh, làm tiền chính người thân của mình. Chúng ta không thể vô cảm ung dung và vô tư hưởng thụ trên giọt mồ hôi nơi xứ người của những người thân yêu.
Hãy trân trọng người thân của chính mình bằng cách chủ động gỡ bỏ gánh nặng vô hình ấy cho họ, để cho những chuyến đi trở về thực sự là chuyến đi của niềm vui hội ngộ, của những tình cảm gia đình thân thương trong sáng.
Hãy trả lại cho Kiều được là những người sống thật, được nghèo được khó, được buồn, được vui như họ muốn……và không phải diễn trên chính quê hương mình, với chính người thân yêu của mình.
Quê hương là nơi duy nhất trên đời con người ta luôn có thể trở về bất kể thành công hơn thất bại, giàu có hay sang hèn, bởi vì quê hương luôn là mảnh đất bao dung nhất trong đời mỗi người.
“Tết rồi, hãy về nhà thôi, và đừng lo phải mua gì cả nhé.”
Nếu có người thân ở xa, bạn hãy gọi một cuộc điện thoại như vậy, và ở đầu dây bên kia sẽ là những giọt nước mắt hạnh phúc của người bạn đang mong chờ trở về bấy lâu...bởi chỉ những trái tim chân thành mới tìm gặp được nhau.
Hoàng Huy.