Books
KHOÁI RU NGÀY CHỦ NHẬT….
… Là ngủ dậy thật trễ để thách thức cái chuông báo thức lắm mồm ngày nào cũng kêu lên đúng lúc 6h đến phát ghét. Cái cảm giác nó cứ kêu, mình cứ ngủ nó đã gì đâu! Hôm nay Hy cho phép mình được “điếc” trước những bận rộn, bộn bề của ngày thường, không Google Meet, không Zoom, không Skype; không i meo i miếc gì hết!
… Là nấu nhanh một nồi súp bí đỏ ít kem nhiều sữa để làm sao lãng thân tâm sau những ngày nhiều thịt cá, hôm nay cỗ lòng cũng cần được nghỉ. Tự nấu - tự ăn - tự khen là liệu pháp chữa lành mọi tâm hồn giữa những dối gian thị phi tràn ngập.
… Là thải độc tâm hồn, cười rung rốn với hai tập “Nhật ký cô giáo” của một chị giáo đồng nghiệp ghét dép lào, thích cafe nhiều sữa với những ghi chép tưng tửng, dễ thương về thế giới đầy màu sắc của tụi học trò ở học quán chưa biết trời cao đất dày là gì mà nhiều lúc mình cũng đã từng phân vân tự hỏi: “Chắc gì mình đã dạy tụi nhỏ nhiều hơn tụi nó dạy mình?”. Nếu bạn đã bao giờ chán ngán với những tin tức người tốt việc tốt cũ rích đầy mặt báo, hay lúc nào đó hoảng hốt hoài nghi về tương lai đất nước này sẽ như thế nào, hãy thử đi làm giáo viên đi, bạn sẽ thấy đời yêu bạn nhiều hơn hẳn bạn hờ hững với đời, và tụi nhỏ sẽ hào phóng cho bạn đi tàu lượn cảm xúc, rèn luyện tim mạch mà tự tin rằng đừng bi quan ngay cả khi cần thiết, đất nước này - cuộc sống này - rồi cũng sẽ ổn cả thôi như những lần thi lại, học lại, mãi thì cũng phải qua.
… Là chạy thật chậm mấy vòng dọc bờ sông, chậm như nhịp thở của Sài Gòn những ngày này, bước thật êm nhưng không bao giờ tiếc nuối đôi ngày giãn cách còn lại. Covid cũng giống như những bà vợ, nếu bạn không thể kiểm soát, không đủ máu liều để ly hôn, thì tốt nhất là học cách chung sống. Đằng nào thì cuộc sống nó cũng không giống cuộc đời, và trời mà không mưa thì tức là đang nắng.
Cứ thở thôi, chỉ thở thôi, vì còn được thở trong một ngày gió mát thế này, đã là một phép màu, thật! Giàu - Sang - Danh - Phận - Hỷ - Nộ - Ahihi - Ahuhu : Tính sau!
Nếu không có gì thay đổi và đáng phẫn nộ, thì mai vẫn là thứ Hai.
Hãy feel High và be Nice hơn chiếc tuần đã cũ, nhưng nhớ đeo khẩu trang!
#HappyWeekend #SundayVibes #NhatKyCoGiao #NiceBooks #Cutethings #BePositive #CovidDays #TeacherLife
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH. READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH.
READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
Khi những lời chúc tụng đã ngớt dần đi, những lời rì rầm khấn vái bớt lại.....đó là khi một năm mới thực sự bắt đầu: ngày mai chúng ta lại trở lại với đấu trường của cuộc sống. Mình chọn về Saigon sớm một ngày, âm thầm tận hưởng cho trọn vẹn một Saigon vắng vẻ và dịu dàng, mua vài cuốn sách thật hay cho năm mới như thông lệ (dù quanh năm vẫn trung thành với Alezaa và iBooks), và chui vào một góc quen - viết một điều gì đó cho những ngày đang tới. Trong một mùa xuân mới không điều gì đáng viết hơn, cần viết hơn là về tuổi trẻ - điều mỗi chúng ta đều đã và đang có.
Vì vẫn còn được coi là một người trẻ, mình hay được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều bạn trẻ, như mình và phần đông trẻ hơn mình. Và không quá khó để nhận ra rằng rất nhiều bạn trẻ Việt Nam gặp một vấn đề giống nhau: "lạc trôi" - không biết bản thân mình thực sự muốn gì cho hiện tại và tương lai, kể cả học xong đại học cũng không biết mình muốn gì, thậm chí đi du học xong về cũng vẫn chưa biết mình sẽ trở thành ai trong ngày mai. Đây có thể là thành tựu không thể đáng xấu hổ hơn của một nền giáo dục nặng về dập khuôn và thiếu định hướng của chúng ta mấy chục năm qua và luôn được cổ vũ nhiệt tình của đông đảo những bậc phụ huynh "không mong gì hơn con thành đạt". Để rồi ngày nay chúng ta thấy nhiều người thành đạt nhưng chưa chắc đã hạnh phúc.
Đã bao giờ các bạn tự hỏi "Bao nhiêu lâu rồi bạn không tự nói chuyện - đối thoại với chính mình?". Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đó quả là một điều rất cần nếu chúng ta không muốn lạc mất chính mình. Lắng nghe và cảm thông cho bản thân, một cách không gì tốt hơn đó chính là đọc sách.
Mình thì luôn rõ ràng và sòng phẳng với bản thân một điều: "Tôi muốn hạnh phúc, chứ không chỉ là thành đạt" nên dưới đây là một vài cách mà mình vẫn hay "tự lắng nghe mình" xin chia sẻ cùng các bạn
1. "Cuốn sách sẽ thay đổi cuộc đời bạn" - Câu đấy rất quen trên những trang bìa những cuốn sách best-selling, nhưng đừng tin,đừng để bọn marketing họ lừa, bịa đặt đấy. Vì chẳng có một cuốn sách nào thần thánh đến mức ấy cả cho dù tác giả là ai hay nó hay đến mấy, chỉ có chính hành động và thái độ sống của bạn hình thành trên nền tảng những thói quen tốt mới có thể thay đổi cuộc sống của bạn tốt hơn mà thôi. Do đó, hãy thận trọng cân bằng tỉ lệ những cuốn sách dạng "self-help" trong danh mục sách cần đọc của bạn. Chúng rất hay, rất nhiều động lực, nhất là cho người đọc trẻ giống như những liều doping mạnh mẽ , tuy nhiên hãy nhớ rằng, chẳng có vận động viên nào giành được vinh quang chỉ nhờ doping mà không cần khổ luyện cả. Học thuộc lòng "Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt" nhưng 1h trưa vẫn chưa ngủ dậy thì thành đạt vẫn ở xa bạn lắm.
2. Đừng ngại đọc lại những cuốn sách cũ mà bạn đã từng đọc trước đó. Một cuốn sách hay không khác nhiều với một cô gái đẹp. Nếu bạn gặp cô ấy năm 10 tuổi, bạn chỉ biết là cô ấy đẹp. Nhưng 10 năm sau, đọc lại - gặp lại, rất có thể bạn nhận ra rằng cô ấy thật ra đẹp hơn bạn nghĩ, hiền dịu hơn sâu sắc hơn lúc trước. Cô ấy vẫn chỉ là những con chữ- trang giấy ấy thôi, chỉ khác là cái nhìn của bạn đã hiền từ hơn, suy nghĩ của bạn đã sâu sắc hơn, chiều sâu hơn. Vậy nên đừng chỉ để sách nâng cao giá trị cuộc sống của bạn, mà chính bạn cũng có thể làm những cuốn sách của mình giá trị hơn bằng cách đọc nhiều hơn một lần.
3. 1+1=3
1000 cuốn sách trên thế giới đều viết là mặt trời hình cầu và 1+1=2, tuy nhiên sẽ vẫn có những cuốn sách đâu đó nói rằng thực ra 1+1=3 và thực ra mặt trời hơi méo, đừng bỏ qua chúng. Cả thế giới đang chửi lão Trump, đôi người bênh lão, đừng vội chửi theo, lắng nghe - đọc xem họ bênh gì???
Đừng vội vàng thừa nhận những gì số đông cho là đúng và đừng bao giờ ngừng hoài nghi những điều tưởng chừng đã là chân lý. Hãy tập nhìn nhận đa chiều và tư duy độc lập.
4. "Đừng để bị ngộ độc sách"
Ngộ độc thực phẩm phổ biến quá rồi, nhưng nhiều người vẫn còn lạ lẫm với "ngộ độc sách". Thật vâyh một xu hướng đọc lệch lạc cũng nguy hiểm chẳng kém gì một món ăn độc hại cả. Nếu 9/10 cuốn sách của bạn đang đọc là truyện ngôn tình sẽ chắc chắn bạn sẽ buồn và cô đơn lắm vì nhìn đâu cũng chẳng tìm thấy những soái ca mà bạn vẫn thấy trong tưởng tượng. Tránh ngộ độc sách không gì hơn là có những người bạn cùng đọc, và tuyệt vời nhất đó chính là bố mẹ bạn. Hãy đừng ngại gạ gẫm bố mẹ đọc chung một cuốn sách mới, và lắng nghe xem bố mẹ bạn nói gì sau khi đọc xong. Thú vị lắm đấy!
5. Muốn start-up trước hết hãy stand-up.
Gặp mấy bạn trẻ mới ra trường bây giờ rất hay được nghe chuyện start-up. Cơn gió khởi nghiệp thổi vù vù qua lớp trẻ nên ai cũng nuôi nghiệp lớn. Đó là điều đáng mừng cho cả dân tộc tuy nhiên "Dream big but do small thing first" (Nghĩ lớn nhưng nên tập làm việc nhỏ trước). Mình ngã ngửa người khi nhận được không ít CV xin thực tập - xin việc nhưng ngoài file đính kèm chẳng thèm nói gì thêm nữa. Đọc quá nhiều sách về khởi nghiệp hay đi nghe quá nhiều những khoá học làm giàu cấp tốc sẽ khiến người trẻ hay thích nói chuyện tầm nhìn - sứ mệnh - chiến lược, toàn những thứ siêu to tát đi kèm với những giấc mơ triệu đô tuy nhiên hãy nhớ rằng người ta hoàn toàn có thể thất bại chỉ trong phút chốc vì những lỗi có khi rất nhỏ ngớ ngẩn. Vậy nên muốn khởi nghiệp (start-up), ngoài chuyện hun đúc tinh thần ý chí và bổ sung kiến thức qua sách vở, trước tiên hãy tập đứng thẳng trên đôi chân của mình thật tử tế và hoàn thành những công việc nhỏ nhặt trước. Gọi mình dậy đi làm đúng giờ mỗi ngày cũng quan trọng như gọi vốn.
Hành động tức thời - Đổi mới quan điểm - Tư duy độc lập đa chiều - Chọn lựa đúng mối quan tâm - và Bắt đầu từ thực tế cuộc sống, năm bài học nhỏ từ chuyện đọc sách trên đây ít nhiều giúp bạn có định hướng tốt hơn, ít bị "lạc trôi" hơn....Thật đấy!
Đừng tin rồi bạn sẽ tin...
Chúc mọi người một năm làm việc hiệu quả!!!
Hoàng Huy.
“Books like friends, should be few and well-chosen” Bạn cũng như sách, cần ít nhưng phải tốt”
“Books like friends, should be few and well-chosen”
Bạn cũng như sách, cần ít nhưng phải tốt”
Ngày đầu một năm học mới, có lẽ không có gì thích hợp để chia sẻ hơn chuyện đọc sách. Nhân tiện chấp nhận thử thách Book Bucket Challenge từ bạnHằng Trần xin được chia sẻ với mọi người đôi điều về sách và kiểu đọc sách của mình.
Mình đặc biệt thích thú với việc so sánh sách với những người bạn, vì dù muốn hay không, chúng ta đều chịu sự ảnh hưởng vô hình vô cùng to lớn từ những điều đó. Nếu như đã có peer pressure, thì chắc chắn cũng có book pressure.
Bạn đọc sách tốt, chơi với những người bạn tốt, tự thân muốn trở thành người tốt: không khó.
Bạn đọc sách xấu, chơi với những người bạn xấu, tự thân muốn trở thanh người xấu: rất dễ.
Một trong những may mắn đầu đời mà mình cảm nhận được đó là được sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều mê đọc sách. Họ đều có những quy tắc chọn sách riêng và sở thích khác nhau, nhưng tựu chung lại đều giống như tiêu đề của bài viết: một câu danh ngôn của Samuel Johnson mà mình luôn coi đó là tiêu chí cốt lõi trong việc hình thành văn hóa đọc của bản thân. Vì sao?
Vì thế gian có hàng tỷ người, ta gặp trăm người, ta nói chuyện vạn người, ai thật là bạn ta, ai thật là người hiểu ta?
Vì sách của nhân loại đã viết ra đã đủ xếp đến tận mặt trăng, đời ta có đủ dài để đọc cho hết, cho tường tận?
Vậy nên nói như Mẹ mình “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” và nói như Bố mình thì “Muốn lên núi dạo chơi, cứ đi bộ từ chân núi, thảnh thơi, còn muốn nhìn ra bốn phương thế giới, hãy tìm đường tắt, nhanh nhất, để leo nhanh đến đỉnh núi”. Và con đường tắt ấy, chính là chọn đọc những cuốn sách hay nhất, kinh điển nhất, xuất sắc nhất trong từng lĩnh vực, đỉnh núi ấy chính là đôi vai của những con người vĩ đại, những học giả xuất chúng.
Sách có nhiều loại, loại đọc để vui, đọc để biết, đọc để kiếm tiền, đọc để nghĩ, và đọc để sống; sách để đọc một lần, sách để đọc nhiều lần, và sách đọc mãi chưa hết…….Trong cuộc đời mỗi chúng ta, sẽ đều đọc qua tất cả các thể loại trên, nhưng đâu là “những gì còn lại”???
Và đây là những cuốn sách ấn tượng nhất mà mình đã đọc và list sách Đọc để Sống của mình. Vì là Đọc để Sống nên sẽ không liệt kê những cuốn sách chuyên môn, và chuyên ngành, sách ngoại văn;và thói quen của mình là đã đọc thì sẽ tìm đọc một mạch tất cả các tác phẩm của tác giả mà mình yêu thích.
1. Robinson trên đảo hoang – Daniel Defoe
Đây là cuốn sách đầu tiên mình có thể tự đọc được nên luôn ghi nhớ nó với một vị trí đặc biệt: Cuốn sách đầu đời. Mình tìm thấy nó trong một thùng giấy carton khi chuyển nhà hồi lớp 2.
Điều quan trọng nhất phát hiện ra không phải là nội dung cuốn truyện, mà là: Đọc sách là một điều cực kỳ thú vị và hấp dẫn. Từ sau cuốn sách này, mình luôn ngấu nghiến đọc tất cả mọi thứ, kể cả các loại Kinh Phật và Kinh Thánh……
2. Những người khốn khổ - Victo Hugo
Đây là cuốn sách do Bố giới thiệu. Đó là một cuốn cũ kĩ, bọc bìa cứng mầu nâu trong tủ sách của ông nội. Đọc lần đầu tiên năm 12 tuổi, lần thứ hai năm 15 tuổi, lần thứ ba năm 19 tuổi, lần thứ tư năm 21 tuổi. Tác phẩm này cực kỳ thú vị, xứng đáng là đại kiệt tác của văn học Pháp, mỗi lần đọc ở những độ tuổi khác nhau sẽ tự tìm ra những bài học mới, ý nghĩa mới. Bố hay dùng tư liệu trong tác phẩm này để dạy và tranh luận cùng với mình.
Bài học lớn nhất tự rút ra:
“Cuộc sống có quyền khốn khổ vì đôi khi nó cần phải vậy, còn bản thân mình có khốn khổ hay không là do mình định đoạt.”
Đọc tác phẩm này là mở đầu cho những tháng ngày cày văn học Pháp với V. Hugo và Banzac…….
3. Bộ tiểu thuyết của Sydney Sheldon: Nếu còn có ngày mai, Hãy kể giấc mơ của em, Phía bên kia nửa đêm, Bầu trời sụp đổ…….
Đây là tác phẩm do Thang Pham giới thiệu “Nếu còn có ngày mai” sau đó tự tìm đọc trọn bộ tất cả các tiểu thuyết khác của tiểu thuyết gia hàng đầu nước Mỹ Sydney Sheldon. Thích thú ở chỗ đọc cuốn này từ khi ở Việt Nam ít người biết đến Sydney Sheldon là ai và chưa nổi tiếng, theo phong trào như về sau này.
Xuyên suốt mạch thông điệp của bộ tiểu thuyết này là: Sự phức tạp của bản thân mỗi người giữa một thế giới hiện đại cực kỳ hỗn độn, nhưng sống là phải có niềm tin và hi vọng về ngày mai tốt đẹp hơn.
Truyện làm rất tốt chức năng vừa giải trí, kịch tính như phim Mỹ, nhưng cũng vừa làm độc giả phải suy nghĩ.
4. Trên sa mạc và trong rừng thẳm – Henryk Sienkiewicz
Đây là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi cực hay của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz – một tác giả đạt giải Nobel Văn học xuất bản từ năm 1912. Đây là cuốn sách mình giới thiệu cho Bố, Bố đã nghỉ một buổi làm để ở nhà đọc cho hết, và sau đó nghỉ tiếp một buổi nữa để bình luận về tác phẩm này. ^.^
“Chỉ có dũng cảm và tình yêu thương mới vượt qua được khó khăn và nỗi sợ hãi.”
Ai yêu những cuộc phiêu lưu, yêu Phi Châu rất nên đọc.
5. Bộ tiểu thuyết của Dan Brown: Mật mã Da Vinci, Pháo Đài Số, Điểm dối lừa, Thiên thần và Ác quỷ, Biểu tượng thất truyền,
Đặc biệt thích thú với loạt tiểu thuyết nổi tiếng này vì phù hợp với sở thích vừa đọc vừa nghĩ, vừa học được những điều mới về văn hóa, văn minh, đặc biệt là về tôn giáo. Cực kỳ lôi cuốn và hấp dẫn, đã mở ra thì khó lòng đặt xuống khi chưa xong.
6. Đắc nhân tâm – Dale Carnegie
Đây là cuốn sách do Mẹ chỉ định đọc. Mẹ nói phần lớn những gì Mẹ chưa kịp dạy con về ứng xử trong cuộc sống đều có trong cuốn sách này. Đúng thế thật!
8. Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim
“Dân ta phải biết sử ta – Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Một tác phẩm ngắn gọn, tường minh và dễ đọc để có thể nắm vững lịch sử nước nhà cho đến thời cận đại.
9. Lịch sử văn minh thế giới – Vũ Dương Ninh (Chủ biên)
Cuốn sách đề dẫn, chìa khóa tóm gọn mọi đề mục để từ đó có thể nghiên cứu, tìm hiểu sâu thêm về các nền văn minh trên thế giới.
10. Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell,
Sử thi về tình yêu vĩ đại đầu tiên và duy nhất mình đọc, vì không thích đọc chuyện tình. Đọc tác phẩm này để có thể hiểu và yêu phụ nữ.
10. Tứ đại danh tác văn học Trung Hoa: Thủy Hử, Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Hồng Lâu Mộng.
Đây là trước tác không-thể-bỏ-qua của văn học Trung Hoa cổ đại, tinh hoa hàng ngàn năm của trung quốc trong quá khứ, đọc bốn tác phẩm này là đủ. Tam Quốc - có tính ứng dụng cao nếu biết vận dụng trong thực tiễn cuộc sống và công việc, đặc biệt là kinh doanh. Tây Du Ký – là một tác phẩm triết học đa nghĩa hơn là tác phẩm văn học. Thủy Hử - là cẩm nang xây dựng và sử dụng nguồn lực con người, bài học lớn về duy trì và phát triển tổ chức. Ứng dụng được bài học từ các tác phẩm này thì còn xuất sắc hơn vô vàn các thể loại sách self-help, dạy làm giàu đang bán tràn lan trên thị trường.
Sách đang đọc dở: Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên - Laura Ingalls Wilder. Mình không đi xin một vé đi về tuổi thơ, mình đi tìm, và đây là vé đi về tuổi thơ của mình.
Sách đang muốn đọc: Hỏa ngục (Inferno) – Tác phẩm kế tiếp của Dan Brown, tò mò muốn đọc tiếp xem Dan Brown còn giữ được lửa, giữ được đỉnh cao không, nhưng hiện nay ở Anh chưa tìm được bản tiếng Việt. Sách văn học bắt buộc phải đọc bằng tiếng Việt mới tập trung cảm nhận được giá trị của tác phẩm.
Trong ảnh, là ảnh chụp trong một cửa hàng sách độc đáo vô cùng, đó là một chiếc thuyền nhỏ đậu bên bờ sông với không gian vô cùng ấm cúng và đậm chất Châu Âu năm 2013