Divorce
SỰ CẦN THIẾT CỦA NHỮNG CUỘC LY HÔN?
“Chỉ nghe cái tiêu đề là thấy ghét rồi!” có thể nhiều người đang nghĩ vậy, vì có ai mà thích thú với chuyện buộc phải chia tay nhau nhưng hãy chậm lại một chút để thấy rằng đôi khi nhiều điều nghe tưởng chừng như vô lý hoá ra lại có phần có lý.
Ly hôn là một từ ám ảnh đối với tôi khi mà 25/30 năm cuộc đời tôi bị buộc phải quan sát sự chia ly của chính người thân mình, những người quanh mình, và gần đây là bạn bè mình - những người còn rất trẻ. Ám ảnh đến mức tôi âm thầm nghiên cứu về nó vì tôi chắc chắn không cho phép bất kỳ ai phán quyết về sự tự do và hạnh phúc của mình, trừ chính tôi.
Thử search Google đi, 10 nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất thế giới sẽ làm bạn bất ngờ. Phần lớn là những nước giàu có và văn minh ở Châu Âu. Họ “bất hạnh” đến thế sao? Không, một số nước họ còn rất tự hào về chỉ số đó. Vì họ coi tỷ lệ ly hôn càng cao tức là quyền tự do con người, tự do lựa chọn hạnh phúc, bình đẳng giới càng cao trên một nền tảng xã hội ổn định. Người ta chỉ cần tự trả lời cho chính mình “Ta có còn hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này không?” những việc khác để luật pháp lo, đơn giản và tương đối nhanh gọn: không người đúng kẻ sai, chỉ có muốn hay không muốn.
Hạnh phúc, sau cùng, là một thứ mật ngọt mà chỉ hai người trong cuộc có thể cảm nhận được , chứ không phải một môn nghệ thuật biểu diễn. Nhiều người Việt lạ kỳ lắm, họ chỉ thích xem hài kịch và cũng chỉ thích xem người ta hạnh phúc. Lâu rồi, có một cô ca sỹ nọ và một chàng rapper kia vì không còn muốn gắn bó nữa mà họ tự nguyện rời nhau sau nhiều năm chung đôi thế là cả một “bồi thẩm đoàn” hàng chục ngàn người lên án, phán xét như thể đó là người thân, bạn bè hay họ hàng họ. Hay như vừa rồi ông tỷ phú thích rửa bát bên kia địa cầu cũng bị phán xử chỉ vì bây giờ ông quyết định đi rửa bát cho một bà khác. Với tôi, đó là một sự ngớ ngẩn và vô duyên đến kỳ lạ. Đám đông phán xử kia họ không phải là thương yêu hay thật lòng muốn cặp AB đó hạnh phúc trọn đời đâu mà đơn giản họ muốn AB hạnh phúc cho họ xem, cho ngôn tình, đang “đẹp đôi” thoả mãn sự hiếu kỳ của họ giờ bỗng nhiên không hạnh phúc nữa, họ tự dưng hết cái để xem và mất đi một chủ đề bình luận. Tôi hay gọi đó là “sự ích kỷ vô thức của bầy sói”. It’s completely None of your business.
Từ góc độ của mình, tôi cũng thấy nhiều người có một chiêu trò mà tôi nghĩ là “dã man”, đó là dùng con cái (nếu có) để níu kéo một cuộc hôn nhân đã chết. Dã man với ai? Dã man với chính cuộc đời họ, những người đã không còn thương nhau, không còn nhu cầu gắn bó với nhau nhưng ngày ngày vẫn phải cười cười, nói nói trước mặt con cái và cộng đồng để cho con tạm có một cái gọi là “gia đình” và cổ vũ đó như một sự hi sinh cao cả cho thế hệ sau. Như vậy là thương con hay hại con? Như vậy phải chăng là dùng chính bản thân mình dạy con hãy biết sống giả dối, sống cho vừa lòng người đời chứ đừng sống thật với chính mình? Vì sao chúng ta không thẳng thắn nói với con về mặt thô ráp và không hoàn hảo của cuộc sống và sẵn sàng thích ứng với nó? Có khi nào chúng ta lỡ tay đánh vỡ một cái bình hoa pha lê rồi quay ra nói với con “hãy cứ tưởng tượng là cái bình hoa còn lành con nhé”? Đời chúng ta đều không quá dài cho những ảo ảnh tưởng tượng như vậy!
Hôn nhân giống như một chuyến thang máy dành riêng cho hai người, nó chỉ có thể đi lên đi xuống hoặc đi ra. Đi lên hay đi xuống không quan trọng, quan trọng là hai người trong đó còn muốn đi chung cùng một hướng. Còn nếu không, cách tốt nhất là đi ra, sau khi đã suy nghĩ cho kỹ.
Ly hôn sau cùng không phải là sự chấm dứt, mà chỉ là một cú quay đầu U-turn trên chuyến xe cuộc đời mỗi con người, là một sự khởi đầu mới cần thiết của cuộc sống. Cú quay đầu đó có thể đúng đắn, cũng có thể đôi lúc làm những người trong cuộc phải tiếc nuối, ngậm ngùi, nhưng không sao, cuộc sống mà, hãy để cuộc sống tươi đẹp ở mọi dòng chảy của nó, đẹp thật, chứ không phải đẹp trong sự chịu đựng và tưởng tượng.
Còn với tôi, một người cực kỳ ghét ly hôn thì sao?
Tờ giấy giá thú - cũng như những cuộc ly hôn là một thiết chế pháp lý mà nhà nước tạo ra và cho các cặp đôi mượn để tự bảo quản hạnh phúc hôn nhân của mình như một dịch vụ cho mượn khoá công cộng. Ổ khoá đấy đẹp như dây tơ hồng những cũng có thể ngày nào đó hiện thân xấu xí như xiềng xích chật chội. Vì thế, tôi chọn giữ gìn hạnh phúc của mình theo cách riêng của mình.
Sau cùng, chìa khoá đích thực không cất ở UBND Phường hay Toà án Quận, mà hoá ra lại trong tim chính mỗi chúng ta.