Education
CÓ NÊN BỊA CV ĐỂ ĐI XIN VIỆC KHÔNG????
(Bài này dành cho sinh viên các lớp SSG104 của toy)
“Không! Không! Và tuyệt đối Không!
Những gì quan trọng nhắc lại ba lần.”
Sinh viên thân mến, những người bạn nhỏ của tôi!
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, chúng ta đều nên đi…..đổ rác để sáng mai khi thức dậy, chúng ta đón một ngày tươi mới thật trong lành và sạch sẽ. Tương tự như vậy, khi mỗi ngày khép lại, ta lại càng nên thanh lọc tâm trí mình, cất giữ đi những gì tốt đẹp và loại bỏ đi những gì xấu độc trong biển thông tin mà dù vô tình hay chủ ý, ta đọc-nghe-xem mỗi ngày. Và “Bịch rác” của ngày hôm nay cần vứt bỏ là một đoạn clip trên Youtube của một cô nàng nào đó kể chuyện “Tôi đã bịa CV khi đi xin việc như thế nào?”.
Suốt 3 năm nay, trong giờ dạy của mình về nghệ thuật xây dựng CV và phỏng vấn tuyển dụng, tôi thường hay nói: “Khi bước vào phòng phỏng vấn, ngoài phong thái đĩnh đạc, tự tin, bạn hãy tấn công phủ đầu nhà tuyển dụng ngay cả khi họ chưa kịp đưa ra câu hỏi nào bằng cách: Hãy tặng quà cho họ!”
Quà gì đây?
Không phải hoa, không phải quà tặng vật chất, món quà đầu tiên mà chúng ta có thể tặng cho người sếp tương lai của mình chính là nụ cười. Và nụ cười đẹp nhất chỉ có thể là nụ cười của sự khiêm nhường và chính trực.
Một bản CV dù viết bằng ngôn ngữ gì, trình bày xấu đẹp như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò của một tờ giấy gói kẹo. Một tờ giấy lấp lánh gói lấy một viên chocolate thượng hạng, nó sẽ làm nâng giá trị của viên kẹo thêm đôi phần. Và điều tốt nhất và duy nhất chúng ta có thể làm, đó là học thực lực - làm thực tài - cống hiến thực tâm, để tự thân mình là một viên kẹo thơm ngon, hảo hạng nhất mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng thèm muốn bạn là một phần trong tổ chức của họ. Kể cả có dùng giấy gói mạ vàng để gói một viên sỏi, thì viên sỏi vẫn mãi mãi là viên sỏi, chứ không dễ gì lẫn lộn trong một đám chocolate khác.
Phỏng vấn bản chất là một cuộc thương lượng - mặc cả -mua bán khả năng lao động. Bạn có trí tuệ - thời gian - năng lực - kinh nghiệm và nếu xịn hơn, là cả tâm huyết; còn nhà tuyển dụng họ có tiền - có môi trường thuận lợi để bạn học hỏi và phát triển. Một sự trao đổi sòng phẳng và ngang giá, không có ai xin ai, và cũng không có ai cho ai, dù rằng trong tiếng Việt đã để lại một từ xem ra không còn phù hợp với thời đại “đi xin việc” hay “đơn xin việc”. Vậy với CV giả, bạn định bán hàng giả để lấy tiền thật sao???? Nếu bạn bị bại lộ và phát hiện, thì nguyên nhân thất bại không phải là kỹ năng hay chuyên môn của bạn, mà là vấn đề đạo đức, và, nghiêm trọng.
Mấy chàng trai trên mạng hẹn hò có thể lơ ngơ để bị lùa mất đôi ba trăm ngàn taxi nhưng các chủ doanh nghiệp thực thụ thì dù 1đ cũng không dễ lấy được của họ, bởi lẽ chẳng có ai ngờ nghệch mà có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh như biển cả hiện nay. Vậy nên, ta lại quay về với câu nói của người xưa “Khôn ngoan chẳng lại thật thà” hay “Một tay không che nổi bầu trời”.
Bạn bán gì cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn? Bán sức lao động ah hay thành tựu? Không, bạn đã làm
cho người ta ngày nào giờ nào đâu? Thành tựu của bạn chỉ là thì quá khứ, nó không ý nghĩa nhiều với ông chủ tương lai. Chính xác thì cái mà bạn bán là “tiềm năng cống hiến” cho công ty/tổ chức mà bạn đang ứng tuyển vào.
Và hơn 10 năm qua, như một nhà quản lý ở nhiều cấp độ, phỏng vấn hàng trăm ứng viên trong nước và nước ngoài cho đủ loại vị trí công việc, tôi đã luôn đề cao tiềm năng đạo đức cao hơn cả tiềm năng chuyên môn- kinh nghiệm. Sự trung thực -chân thành - cầu tiến - ham học hỏi- sẵn sàng chấp nhận thử thách sẽ làm điểm cộng đủ nặng để bù đắp cho tuổi trẻ - sự non nớt và thiếu kinh nghiệm. Không việc gì phải giả dối, không việc gì phải bán rẻ danh dự của mình, càng trẻ càng non càng cần phải có khí chất và tính chuyên nghiệp. Nói dối, là thứ thuốc phiện không màu. Dối gạt được đôi ba lần ta thấy mình thật ngầu bởi lẽ dối cha mẹ dễ được bỏ qua, dối thầy cô dễ được tha thứ nhưng rồi một ngày bạn nhận ra, dối chính cuộc đời mình là thứ tồi tệ nhất.
Vậy nên, lesson takeaway (bài học gói về) của Thầy cho các bạn vẫn như mọi khi: “Hữu xạ tự nhiên hương” - Chỉ cần ta âm thầm học tập, cố gắng mỗi ngày để bản thân mình là “xạ”, là chính mình, là sự vượt trội hay giá trị tự thân khác biệt thì chẳng cần lo, sớm muộn cũng sẽ có “hương” - sự thành công, tiếng thơm của một con người chính trực, thực tài mà xã hội nào cũng phải ghi nhận, một mùi hương của sự tử tế và thảnh thơi.
Luôn yêu quý các bạn, các “khách hàng” đặc biệt của tôi!
#NewDayNewLessons #ForMyStudents #Integrity #SSG104
VIẾT CHO NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ QUÊN.
Cứ mỗi mùa thi qua, tôi thấy thương thật sự cho các em học sinh ở nước mình.
Báo chí truyền thông rồi mạng xã hội rộn ràng đưa tin em này đậu thủ khoa, cả lớp em kia đậu trường xịn, kiếm bao nhiêu học bổng nước ngoài; con tôi đậu bao nhiêu điểm cũng thành chủ đề hot trên bàn nhậu của các ông bố và hội thể dục buổi sáng của các bà mẹ.
Và ở một mặt khác, vài em bỏ đi- gia đình nháo nhác đi tìm, và có rất nhiều trường hợp dù có hối hận đến mấy, bố mẹ cũng không bao giờ “tìm lại” được lại những đứa con “dại dột” của mình.
Chúng ta hay vội vã trách tụi nhỏ “dại dột”, nhưng đã bao giờ chúng ta bình tĩnh mà nhìn nhận một cách công bằng để thấy rằng sự dại dột lớn nhất thực ra lại đến từ thế giới người lớn?
Nếu cháu A đạt dăm ba học bổng, thi đỗ 4-5 trường top…thật tốt quá, mừng cho những nỗ lực của cháu và gia đình; nhưng cái đó thì liên quan gì tới cả xã hội? Nó đâu phải thành tựu quốc gia to lớn gì mà cả nước cần chung vui?
Thật chỉ nên giới hạn ở niềm vui của một gia đình, và mọi thứ đều nên vừa đủ. Với sự phóng đại không cần thiết những niềm vui nhỏ lên quá mức thì chính niềm vui của gia đình này lại gieo đi mầm mống khổ đau cho nhiều gia đình khác, cái vòng luẩn quẩn ấy mãi không dứt, mùa thi này nối mùa thi kia.
Ở các quốc gia khác, bạn thử Google đi, xem có bao nhiêu bài báo nói về việc một thí sinh nào đó đậu điểm bao nhiêu điểm, thủ khoa trường nào? Cứ thử search đi rồi bạn sẽ thấy xã hội chúng ta đang hành xử ác với tụi nhỏ biết nhường nào? Và một bộ phận rất đông phụ huynh tiếp tay rất tích cực cho cái ác nhân danh “khuyến học” “nêu gương vượt khó” ấy.
Cái công thức “học sinh nghèo vượt khó” - “con nhà người ta” nó đã làm tổn thương biết bao nhiêu thế hệ học sinh, và làm cho xã hội này mệt mỏi lắm rồi. Phụ huynh luôn ồn ào vì bức xúc với những cải cách quanh năm của ngành giáo dục, nhưng tôi nghĩ, ở Việt Nam, thứ cần cải cách nhất lại chính là tư duy của số đông phụ huynh.
Uh, thất bại thì đã làm sao?
Một kỳ thi nói lên được gì cho cuộc đời lớn rộng của một con người?
Con người ta học để sống một đời hạnh phúc, hay phải từ bỏ một đời sống bình thường, hạnh phúc chỉ để học và làm con nợ của những kỳ thi?
Tôi thật biết ơn cha mình khi ông đã cho tôi một câu trả lời rất nhân từ và rộng lượng với thắc mắc của tôi ở buổi đầu đời:
“Bố, nếu sau này lỡ con không thành đạt thì sao?
“Thì không sao cả, miễn là sống một cuộc đời tử tế và hạnh phúc là được con ạ. Thế giới này chỉ có một số ít người xuất chúng, còn phần đông là những người bình thường, họ vẫn đang sống tốt đấy thôi”. Và từ đó, tôi cởi bỏ được mọi sức ép, tôi học cho chính mình, và…..vừa sức mình, theo đuổi ước mơ và con đường của riêng mình. Trên con đường ấy, bố và người mẹ quá cố của tôi chỉ là những khán giả khiêm nhường đứng từ xa, vẫy tay động viên, và chỉ thế thôi.
Lỗi không phải từ những kỳ thi, mà là cách chúng ta nhìn nhận và cách nghĩ có phần sai lệch về những kỳ thi là nguồn cơn cho đau khổ của tụi nhỏ và cho bao gia đình.
Hãy ứng xử những kỳ thi theo một cách tự nhiên và…..bình thường nhất; nó đơn giản như chuyện cái trồng cái cây trong vườn, nó sẽ ra hoa và ra trái; không mùa này thì mùa sau. Đừng vì giận dữ vì cái cây nhà mình nó chưa ra bông giữa một rừng bông mà hắt hủi, buông lời trách móc. Một chiếc cây non, còn chưa qua giông bão cuộc đời, giây phút ấy, hơn bao giờ hết cần được cảm thông và lắng nghe, từ chính gia đình mình và không bao giờ nên bị đem ra làm đối tượng so sánh.
Ở trường Đại học nơi tôi đang giảng dạy, có một chương trình rất nhân văn mà tôi thực sự rất thích, có tên là “Hồ Sen chờ ai” do một nhóm các thầy cô giáo trẻ thực hiện, phi lợi nhuận. Bất kể là các bạn sinh viên đang có vấn đề gì, khó nói…. sẽ vẫn luôn có “Hồ sen” là các thầy cô ở đó LẮNG NGHE và đưa ra những lời khuyên (nếu có thể). Chỉ riêng cái sự lắng nghe đó thôi đã là quá đủ, bởi các em sẽ biết rằng ngay cả những lúc bế tắc nhất sẽ vẫn luôn tìm thấy một “Pinkie” cho riêng mình (Pinkie là tên của một cây cam ngọt trong truyện “Cây cam ngọt của tôi” - người bạn thân chứa đựng mọi tâm sự của chú bé Zeze, Pinkie không làm gì hết, nó chỉ lắng nghe). Khổ đau, muội phiền khi được nhận diện và lắng nghe thì tức là đã được giải quyết phần lớn.
Liệu chúng ta có đang dạy sai cho các con về “Hạnh Phúc”? Phần lớn mọi người đều nghĩ Hạnh phúc là Có, Có nhà, Có xe, Có vợ đẹp con khôn, Có một chỗ làm ngon, Có một slot trong trường xịn…..mà ít người nghĩ rằng Hạnh Phúc có khi lại là Không, Không bệnh tật, Không phiền não, Không áp lực, Không mất tự do, Không phải dốc sức chạy đua trong những cuộc đua vô bổ đeo đuổi những kỳ vọng….Bài viết này cho ai, cho những đứa trẻ bị bỏ quên mỗi mùa thi, hay cho những người lớn vì lạc giữa rừng kỳ vọng mà quên mất nẻo về của ý?
Hãy để dành cho thế hệ tương lai của chúng ta sự cảm thông ấm áp của những người lớn hạnh phúc và bao dung.
KỂ CHUYỆN ĐI THI & BÍ MẬT CỦA BỐ.
Hôm nay, nhìn các em (hay là các cháu nhỉ?) 2004 bước vào kỳ thi Đại học, mình nhìn thấy mình của 16 năm trước và những kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên với Bố, người bạn lớn đã thầm lặng đồng hành với mình trong tất cả các kỳ thi từ bé đến lớn. Nói theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ, thì nhờ được “xin vía” Bố - một người xuất sắc trong sự nghiệp học hành nên con đường thi cử của mình luôn cực kỳ thuận lợi dù học hành thì cũng làng nhàng thôi, trừ một số môn mà mình nghĩ là quan trọng và có sự đam mê nhất định.
Bố mình là người không bao giờ ép con phải học, phải thi điểm cao…Cách giáo dục của Bố đối với tầm quan trọng của việc “học hành cho tử tế” cũng khá là khác biệt và giúp cho “sĩ tử” ngấm đòn hơn hẳn. Những lúc rảnh việc học, Bố thường rất hay thuê mình làm những việc chân tay vô cùng nặng nhọc như chuyển cả một xe tải đất đá vào để tôn sân, lót vườn; được trả công đàng hoàng và quan trọng nhất là hai bố con cùng làm. Sau khi mồ hôi ướt đẫm, mệt nhoài thấy cả trời-trăng-sao giữa ban ngày, lúc nghỉ ngơi Bố sẽ nói “Con thấy không, học đại học không phải con đường duy nhất để kiếm được tiền, cứ lao động chân chính là sẽ kiếm được tiền, không hề khó, xúc đất cũng được tiền. Nhưng con thấy đấy, sức vóc của con có hạn, và con người không bao giờ bằng máy móc được, cho nên nếu con chọn lao động chân tay để sống, chưa kịp ráo mồ hôi là tiền đã hết, nói gì đến chuyện mua nhà mua xe hay nuôi sống gia đình. Vậy nên, với con, Bố khuyên là chỉ có con đường học cho tử tế để sử dụng cái đầu của mình mà sống”. Mắt thì hoa, chân tay thì rã rời, thì những lời tư vấn hướng nghiệp đó ngấm vào cả tiềm thức. Nửa đêm nằm mơ ngủ đang xúc đất rồi ngã gục trên đống đất là giật mình tỉnh dậy tự rửa mặt, và ngồi học liền!
Một điều kỳ lạ là trong một xã hội phát cuồng về trường chuyên lớp chọn, Bố mình lại là một người tuyệt đối dửng dưng . Ngoài chuyện tuyên bố kiên quyết không bao giờ tác động, can thiệp xin điểm để cho con được vào “trường xịn” trong khi rất hào phóng giúp đỡ con của bạn bè, Bố mình cũng chẳng bao giờ quan tâm con mình sẽ học trường nào, xếp hạng thứ mấy. Loa phường chỉ phát hai tầm sáng sớm và xế chiều, còn Bố thì cần mẫn “on air” hàng ngày để phát thanh thông điệp “Trường học không bằng tự học. Tự học là trường học vĩ đại nhất không bao giờ đóng cửa, không bao giờ bế giảng. Trong ngôi trường trọn đời ấy, không có giáo viên, chỉ có mình ta với ta, ta phải chiến thắng mọi cám dỗ để tìm đường ngắn nhất chiếm lĩnh kiến thức. Điểm số là nhất thời, thực lực là mãi mãi”. Chính nhờ vậy, suốt 8 năm sống ở gần Bố, mình chưa bao giờ nghe thấy “Con ơi, sắp thi rồi, lo mà học đi, ôn bài đi”. Bố có sự phân định rất rõ về trách nhiệm của từng cá nhân “Thi là việc của con, đậu con hưởng, rớt con chịu, Bố chỉ động viên, không bắt ép và càng không thể làm thay”. Thế nên càng gần ngày thi mình càng….chơi nhiều, nhưng chẳng bao giờ bị mắng vì mình đề cao sự thoải mái tâm lý trước những thời khắc quan trọng và sẽ chỉ học vào lúc mình cảm thấy tập trung nhất, ngắn thôi cũng được nhưng phải đều đặn và hiệu suất cao nhất. Bố luôn là người ngăn mọi người gọi mình dậy sớm “Đừng gọi nó dậy, nó học cả đêm rồi”; bởi vì bao nhiêu đêm bật đèn học là bấy nhiêu đêm Bố lặng lẽ nhìn theo qua khe cửa sổ.
Thế nhưng, Bố lại có một sự quan tâm đặc biệt với những kỳ thi của mình; từ thi chuyển cấp, thi đại học, cho đến thi IELTS để đi du học. Những tuần chuẩn bị thi, dù có bận trăm công ngàn việc, bao giờ Bố cũng sẽ ở nhà, không cho người khác làm, mà tự mình đi chợ nấu cơm cho con ăn vì sợ…..đau bụng, ảnh hưởng ngày quan trọng. Và chưa bao giờ, chưa một kỳ thi quan trọng nào, mà Bố không đưa đón mình và kiên nhẫn chờ đợi. Bố còn cẩn thận tính toán các phương án dự phòng rất chi tiết cho các nguy cơ xảy ra trên đường đi thi, hỏng xe, tắc đường….thì sẽ xử trí như nào, chi li hơn cả phim Hollywood. Thật may là mình được thừa hưởng kiểu tư duy ấy, nên dù cuộc sống sau này đôi khi có xảy ra chuyện bất ngờ, mình vẫn điềm nhiên và bình tĩnh sống vì luôn văng vẳng bên tai lời của Bố suốt từng đó năm “Người chỉ có một phương án duy nhất là người thất bại ngay cả khi không xảy ra chuyện vì cuộc sống luôn đầy rẫy những điều bất ngờ”
Buổi sáng của mùa thi này 16 năm trước là một ngày đẹp trời, và là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Bố đưa đi thi đại học. Trên đường đi thi, thấy mình thoáng có chút hồi hộp, Bố nói “Hôm nay Bố sẽ kể cho con một bí mật, ngày xưa Bố thi Đại học hai lần mới đỗ dù học rất giỏi. Lần đầu vì giỏi nên Bố khá chủ quan, xem nhẹ kỳ thi vì nghĩ cứ học theo chương trình cơ bản là đủ và cái kết…. trượt thẳng cẳng. Nhưng thay vì chọn đi làm công nhân như bạn bè, vượt qua sự xấu hổ và cảm giác thất bại, Bố đã vừa đi làm vừa ôn thi lại và kỳ thi kế tiếp Bố đã là thủ khoa với điểm số cao và tiếp tục chặng đường học tập sau này như con đã biết. Thế nên, học tài thi phận con ạ, miễn là mình đã biết đích đến, biết đường đi, thì dù bao xa, bao lâu, đường thẳng hay đường vòng, mình cũng sẽ về đích. Hãy tự tin lên chàng trai trẻ, Bố thấy rằng con đã học hành và ôn tập rất nghiêm túc, nên sẽ ổn cả thôi”. Khi con đang căng thẳng về chuyện Phải-thành-công, thì Bố lại kể một câu chuyện thất bại của chính mình. Bố biết tôi luôn coi Bố là tượng đài cao tít mà tôi luôn phải ngước lên nhìn trong sự ngưỡng mộ, nhưng buổi sáng hôm ấy, “tượng đài” đã cúi xuống thật gần để vỗ về tôi vào thời khắc quan trọng nhất dù phải tiết lộ một bí mật không-hoàn-hảo. Nhiều năm sau này, phải học hơn nữa, mình mới thấu hiểu hết thủ pháp tâm lý vi tế ấy.
Bước ra khỏi phòng thi với đề “Sóng” của Xuân Quỳnh, bài thơ tôi chưa bao giờ thuộc vì tôi nghĩ người ra đề sẽ luôn chép đầy đủ khổ thơ muốn thí sinh phân tích. Đến thơ của mình viết ra tôi còn chẳng thuộc huống hồ là là thơ của vợ Lưu Quang Vũ. Ai ngờ năm đó giám khảo chỉ viết hai câu đầu và hai câu cuối của khổ thơ còn ở giữa họ “……”. Thế nên tóm lại là có 4 câu, vận hết nội lực 8 năm chuyên văn ra phân tích rồi cũng xong được 2 tờ.
Và cả cuộc đời này, mình sẽ mãi mãi biết ơn vì khi ra khỏi phòng thi Bố đã không hỏi “Con có làm bài tốt không?” mà chỉ hỏi “Con đã làm hết sức mình rồi phải không? Giờ về nhà ăn cơm, ngủ một giấc chiều thi tiếp nào”. Rồi quãng đường trưa nắng ấy, Bố toàn kể chuyện trên trời dưới đất chứ chẳng hỏi han gì đến buổi thi đầu tiên của tôi. Lạ kỳ thật!
16 năm đã qua, nhưng hình bóng Bố ngồi giữa trưa nắng ở cổng trường thi đợi con bước ra đã theo mình đi khắp thế giới. Nó thân thương và ấm áp hơn mọi thứ trên đời. Trong ánh mắt chờ đợi của một người đàn ông ghét sự đợi chờ ấy có quá nhiều yêu thương, sự cảm thông và cuối cùng mới là sự kỳ vọng - một sự kỳ vọng được gói ghém tinh tế bằng sự bao dung to lớn của một người Cha hiện đại. Trong số ít những thứ Bố chịu chờ đợi trong đời, may quá, Bố đã chọn kiên nhẫn chờ tôi khôn lớn thành người.
Cảm ơn Bố, người bạn đồng hành “tốt vía” trong mọi kỳ thi của con và xin chúc những “tấm chiếu mới” 2k4 sẽ vượt vũ môn thành công, hoặc hoá Rồng hoặc om dưa, không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã có một cú nhảy hết mình vươn tới một nấc thang mới trong cuộc đời tươi đẹp!
#MyDaddySecret #ThankyouDad #ExamMemories #GoodLuck
“NHÀ ÍT TIỀN VẪN CỐ ĐI DU HỌC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ĐƯỢC, NHƯNG TRONG MƠ....CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC. PHẦN 2: CUỘC VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH
Ba ngày sau khi đến London, đợi cho hết Jet-lag, và tìm hiểu được cách đi lại di chuyển bằng phương tiện công cộng, tôi quyết định đi tìm cái gì đó để làm tranh thủ thời gian còn chưa vào học chính thức. Thực ra với một vốn ngôn ngữ tốt và sự bạo dạn sẵn có - dễ thích nghi với cái mới, tôi chẳng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm gì mấy, từ Vietnam sang London thì cũng chỉ giống như từ Hải Phòng lên Hanoi. Đấy là tôi, còn các bạn khác, tôi không biết.
Với một kinh nghiệm đi làm thêm từ rất rất sớm, dù đúng là không phải con nhà khó khăn, tôi thấy cái sự đi làm thêm là hết sức thú vị. Nó giúp tuổi trẻ được tận hưởng sự thô ráp của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, chuyện bạn có “chịu nổi nhiệt” khi đi làm ở trời Tây không thì lại là khác. Tiền đúng là dễ kiếm, đấy là với người khác; còn bạn có kiếm nổi hay không, thì cũng lại là chuyện khác.
Ở Anh, sẽ có hai sự lựa chọn cho sinh viên quốc tế như Việt Nam. Một, làm cho Tây, mức lương tối thiểu, 20 tiếng/tuần, lương tối thiểu 6 bảng/giờ, tổng cộng kiếm được khoảng 120 bảng và phải đóng thuế, bù lại bạn được pháp luật bảo vệ. 120 bảng là chỉ đủ đi xe bus 1 tuần và đi TESCO mua đồ về tự nấu ăn thôi. Tiền nhà, tiền sách vở, tiền ăn chơi nhảy múa, tiền ăn hàng và vân vân mây mây các loại tiền lặt vặt khác là không đủ đâu. Hai là, làm cho người Việt, muốn làm bao nhiêu thì làm, lương thấp hơn nhiều, tuy nhiên chẳng ai bảo vệ nổi bạn vì chính bạn cũng đang làm sai luật. Tất nhiên là tôi, như đại đa số sinh viên Việt Nam, đã chọn cách kiếm nhiều tiền hơn: làm cho một nhà hàng Việt Nam đông nhất nhì khu Kingsland người Việt ở London.
Lúc đó tôi gầy nhẳng chứ chẳng to lớn như bây giờ; trong khi cái nhà hàng mấy chục bàn đông nườm nượp khách còn hơn cả cái chuỗi Rạn Biển ở Saigon mà một ca chỉ có vỏn vẹn 5 người làm. Mỗi đứa phục vụ cả hai chục cái bàn khách. Mỗi bàn lại cả chục món ăn khác nhau. Một buổi tối một bàn lại có cả vài ba lượt khách. Bạn order nhầm một món thôi thì coi như tối đó bạn đi làm không công luôn. Rồi thì rửa bát, những chồng bát dĩa cao ngang đầu người ùn ùn tràn vào đến mức tôi có buồn đi vệ sinh thì cũng ráng mà đứng đó, vì đi xong quay lại thì không thể nào làm cho kịp. Tay tôi có khi còn trắng hơn Ngọc Trinh vì tối nào cũng được ngâm nước. Bạn phải rửa nhanh hơn máy, vì nếu chậm hơn và không sạch bằng máy thì người ta mua máy cho rồi.
Một môi trường cực kì hỗn loạn, tiếng bước chân chạy, tiếng cười nói, tiếng chửi thề của nhà bếp, tiếng quát tháo, hò hét của bà chủ......nhưng công việc vẫn buộc phải trôi chảy, vì nếu bạn chỉ cần tỏ ra một nét mệt mỏi hay phản ứng, luôn có sẵn vài chục số điện thoại chờ sẵn ngoài kia để thế chân bạn. Tôi nghĩ cái nhà hàng này mà có thuê Robot thì nó cũng lăn vật ra chập điện mà chết. Quả thực là trong vòng có một tuần, những ông anh to lớn gấp đôi tôi xin cùng vào làm đã biến mất sạch sẽ sau tuần lương đầu tiên. Tôi hiểu họ đã đầu hàng, đã gọi điện về nhà cầu cứu hoặc an phận lên thư viện học đợi tiền nhà gửi sang. Tuy nhiên, Robot có thể chết, nhưng tôi thì không, tôi cần phải sống. Trừ khi tôi muốn chết, ngoài ra tôi không chịu để bất kỳ cái hoàn cảnh nào giết tôi cả.
Học ở trường từ 8h đến 5h chiều. Bay như một cơn gió khỏi giảng đường để có mặt ở chỗ làm lúc 5h30, và cày dập mặt đến 11h30. Có những lúc mệt đến mức độ mắt nhìn thấy đầy trăng và sao giữa ban ngày luôn, tôi đành vào nhà vệ sinh ngồi nghỉ 05 phút để kiểm tra xem chân nó còn nằm ở dưới đầu gối không rồi chiến tiếp. Tôi chấp tất cả các thể loại vất vả, gian khổ nhưng tôi không thể sống chung với sự bất công.
Thực tế là người ta sẽ trả lương cho bạn từ 5h30 đến 11h30 tối, nhưng thỉnh thoảng nếu 11h29 khách vẫn vào và họ ngồi đến 2h sáng thì yên tâm là bạn cứ việc ngồi chờ đợi đến mòn mỏi mà không được thêm một xu nào từ chủ. Đấy là lý do vì sao bây giờ tôi không bao giờ đi ăn vào cái giờ người ta sắp đóng cửa, tôi nhìn thấy bóng hình của chính mình ngày xưa trong những bạn phục vụ, tiền có thể mua được một bữa ăn, nhưng chưa chắc mua được sự cảm thông cho đồng loại.
2h sáng, đóng cửa lau dọn xong, trời thì mưa tuyết, hết tàu điện ngầm, hết xe buýt, vừa lạnh vừa vắng, tôi vừa đi vừa khóc, vừa phải hát thật to cho đỡ sợ trên con đường đi bộ về nhà. 4h sáng về đến nhà, xúc một chậu tuyết hoặc một chậu nước đá, cắm cái mặt vào đó cho tỉnh ngủ rồi học bài cho ngày hôm sau. Và vì có rất ít thời gian để học nên tôi buộc phải suy nghĩ cách học thế nào tốn ít thời gian nhất mà hiệu quả, bởi nếu không sẽ bị tụt lại ngay lập tức trên lớp. Sách coursebook các loại thì dày như đại từ điển. Đại học của nước ngoài ngược hoàn toàn với Việt Nam: vào thì dễ nhưng ra cực khó; chứ không phải bạn đóng một đống tiền thì bạn auto có bằng đâu. Ở Anh, thời gian học nhìn thì có vẻ ngắn hơn nhưng thực ra là họ nén cường độ học tập lại rất cao. Học một năm ở Anh áp lực còn hơn bốn năm ở Việt Nam, có khi hơn. Ngủ được vài tiếng, 8h sáng dậy đi học, ngồi trên tàu ngủ bù, tàu cứ giật giật 3-4 cái thì tôi hiểu là đã đến ga cần chuyển tàu, mở mắt lao ngay vào dòng người hối hả. Đó là lý do vì sao bây giờ tôi thường bị phàn nàn là đi bộ quá nhanh so với người khác.
Chưa kể đến chuyện ma cũ bắt nạt ma mới ở chỗ làm. Tôi nhớ tôi không biết đã phải ấn đầu bao nhiêu đứa làm trước vào cái thùng rác trong hẻm đằng sau nhà bếp và trang điểm gấu trúc cho bao nhiêu thằng để chúng nó hiểu là không phải ai cũng chấp nhận im lặng để bị bắt nạt vô cớ. Tôi luôn cố gắng để sống tử tế và không bắt nạt ai, nhưng nếu ai thích gây chuyện; tôi sẽ cho họ phải hối hận không kịp.
Nhưng tôi thấy không ổn, tình trạng này dài lâu tôi sẽ kiệt sức và thành Liệt sỹ trước khi trở thành Thạc sỹ hay cái gì gì đó. Tôi chuyển chỗ làm đến những nơi dễ thở hơn, chấp nhận đi làm xa hơn. Nhưng áp lực học ngày một gia tăng, tôi cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành các projects một cách có chất lượng. Học teamwork với bọn nước ngoài, bạn được phân công phần việc mà không làm cho xong, chúng nó sẽ cười vào mặt bạn thậm chí tẩy chay; và ở môi trường quốc tế, thì hãy hiểu là nó cười vào dân tộc - đất nước của bạn. Với cả, 6 tháng liền kể từ ngày đặt chân đến nước Anh, tôi chẳng nhìn thấy cái Big Ben ở đâu cả dù nó cách chỗ tôi làm 5 trạm xe bus; và tôi chết thèm chết khát một ngày được nghỉ, được ngủ mà không phải cài báo thức. Để giải quyết bài toán đó, tôi quyết định chấp nhận làm cái công việc mà mình ghét nhất: đi làm nails. Vì chỉ cần làm 3 ngày/ tuần là đủ sống khoẻ và có thời gian học hành tử tế, và tận hưởng cuộc sống xung quanh.
Muốn làm được thì buộc phải bỏ tiền ra học. Nhờ một người bạn cũ giới thiệu, tôi cũng kiếm được một chỗ tử tế để học. Học mấy tháng cũng làm được, nhưng chỉ ở mức hết sức bình thường. Tôi cũng chẳng cần biến nó thành một nghề chuyên nghiệp, tôi chỉ cần sống sót qua giai đoạn học hành áp lực này rồi kiếm việc gì đó thú vị hơn để làm. Không nhớ là để cầm được cái bằng trên tay thì tôi đã phải làm mấy ngàn bộ bàn tay, bàn chân của đủ loại khách hàng, đủ màu da quốc tịch. Tôi thực sự không thích công việc đó, tôi thề là tôi không thích, và đến khi nhận được thứ mình muốn, tôi đã đáp hết đồ nghề xuống sông Thames và thề không bao giờ làm nữa. Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi đã học được một câu tiếng Anh ý nghĩa nhất: “We do what we have to do”
Sau đó thì tôi kiếm được một công việc khá hay ho là viết bài thuê cho bọn lười học. Nhờ thế mà tôi vô tình được học thêm bao nhiêu chuyên ngành không phải chính của mình và kiếm khá tiền vì muốn viết bài cho bọn chúng là mình phải đọc sách thì mới hiểu mà viết. Những năm sau này, thông thạo cuộc sống hơn, tôi cũng kiếm được nhiều trò để kiếm tiền hơn; làm vài công việc văn phòng cho Tây, biết mua cái gì siêu rẻ ở Vietnam để mang qua UK bán siêu đắt, lời vài chục lần; biết Vietnam cần cái gì ở UK, và chỉ những người hiểu UK như lòng bàn tay thì mới biết mua ở đâu để gửi về Vietnam bán, bán chỗ nào lời nhiều nhất; thậm chí còn vươn tay về mở business ở Vietnam. Và sau đấy, trong một mùa hè đẹp trời, tôi chuyển sang làm local guide tiếng Việt cho các hãng du lịch của Anh; đây là công việc tôi thích vì nó thoả niềm đam mê đi lại khám phá và sử dụng đến vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá, lịch sử về nước Anh của tôi tích luỹ cả chục năm; và đặc biệt là kiếm được cực kỳ nhiều tiền. Một ngày đi làm guide cho hãng lương bằng cả tuần đi làm các công việc khác full-time. Mùa hè được nghỉ học đồng thời cũng là cao điểm du lịch; đắt show còn hơn ca sỹ vì cả nước Anh chỉ có vài người Việt làm được việc này một cách có uy tín. Tôi có thể một tháng vào lâu đài Windsor một tháng vài lần và kể sự tích về từng viên gạch, từng món đồ trong đó; có đủ vốn để mê hoặc mọi du khách về nền văn hoá lịch sử đầy màu sắc của Anh Quốc. Tuy vậy, không để hết trứng vào một giỏ, tôi vẫn có một công việc chính là làm quản lý cho một nhà hàng Việt Nam có tiếng ở London và tại đó tôi được tha hồ thực hành mọi kiến thức về quản trị và marketing hiện đại mà mình đã học. Tuy nhiên, đừng nghĩ quản lý là giống ở Việt Nam, đứng chỉ tay năm ngón và thu tiền. Bạn sẽ cần biết làm tốt mọi công việc trong chuỗi dịch vụ: thiếu người rửa bát bay vào rửa bát, thiếu người nướng thịt bay vào nướng thịt, thiếu người bartender bay vào pha nước, thiếu người dọn vệ sinh thì bay vào thông cống.....; không biết làm hết thì quản lý nổi ai. Tôi đã lăn lê bò toài bầm dập qua bảy cái nhà hàng để tự tin làm tốt những việc đó, mồ hôi và nước mắt không dễ gì đo được.
Nhưng làm gì thì làm, tôi vẫn luôn tự răn mình: Mình sang đây nhiệm vụ hàng đầu là để học; kiếm được gì thì kiếm, trải nghiệm gì thì trải nghiệm, nhưng học cho có thực chất vẫn là quan trọng nhất. Đừng bao giờ để tiền cám dỗ bạn ra khỏi đường băng của cuộc đời.
Nói tóm lại, khi bạn đã định đi du học thì hơn bao giờ hết hãy trung thực với chính mình, chính tương lai của mình. Và phải trả lời dứt khoát: bạn muốn học để có bằng cấp cống hiến nhiều hơn cho xã hội hay đơn giản là đi xuất khẩu lao động núp bóng dưới hình thức du học để kiếm tiền? Bạn muốn trở về hay bạn muốn nhập cư? Và quan trọng, bạn có đủ bản lĩnh để đi xuyên qua tất cả những điều tương tự như câu chuyện bên trên của tôi không, tất nhiên đó chỉ là một phần rất nhỏ? Không dễ chịu lắm đâu!
Các ông bố bà mẹ có tin là con mình sẽ đủ sức chống chọi ở một nơi bốn bề xa lạ mà không có tiền, hoặc rất ít tiền không? Nếu con bạn là củi, ném vào lửa, chúng sẽ thành than hoa hồng rực; còn nếu là lá, chúng sẽ thành tro bụi. Tất cả những câu hỏi đấy phải được trả lời với tất cả lý trí và sự tỉnh táo của chính bạn, chứ không phải bố mẹ bạn.
Các ông bố bà mẹ nếu mà nhận được chút tiền con cái gửi từ nước ngoài về thì khoan vội mừng, khoan vội khoe làng khoe xóm.....chậm lại một chút, sẽ ngửi thấy mùi mồ hôi mặn chát, mùi tủi cực, và cả mùi của những giọt nước mắt đã bị nuốt vào trong của những câu chuyện không bao giờ được kể ra. Tôi, cũng như hàng ngàn đứa con Vietnam khác xa nhà, đã luôn chỉ nói “Con ổn. Con tự lo được” vì không một ai muốn bố mẹ mình phải lo lắng, thương xót và rất nhiều chuyện, rất nhiều điều sẽ mãi mãi nằm ở bên kia biên giới như những kỷ niệm của những ngày thanh xuân đã qua. Câu chuyện của tôi, chưa bao giờ được kể với gia đình, chỉ là một phần rất nhỏ; tôi tự hào vì nó, những tháng ngày tôi hay nói là cực khổ nhất đời nhưng cũng là giá trị nhất đời. Nhưng có sao đâu, tôi tự chọn thế, và tôi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình; để thắng được chính mình, để bay và tiếp đất trên chính đôi cánh của mình chứ chưa một lần phải “bung dù”. Nếu được làm lại, tôi sẽ vẫn chọn như thế, chẳng sao cả, vui mà.
Gian khó, cám dỗ, áp lực, và cô đơn, là tất cả những người bạn đồng hành sẽ đợi bạn trên con đường du học, nhất là khi bạn có ít tiền. Bạn có dám mơ ước mơ của đời mình không? Cứ mơ đi, tuy nhiên, đừng bao giờ mạo hiểm một cách vô căn cứ, hãy mơ trong sự tính toán và tỉnh táo để không phải ân hận vì quyết định của mình; bằng cách ấy Du học sẽ thực sự là một cuộc vạn lý trường chinh để đời của tuổi trẻ.
Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư https://www.facebook.com/1124978548/posts/10215100857691230?sfns=mo
#ChuyệnDuHoc#Mystories#ThangNamRucRo#London
“NHÀ ÍT TIỀN VẪN CỐ ĐI DU HỌC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ĐƯỢC, NHƯNG TRONG MƠ....CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC - PHẦN 1: CUỘC CHƠI HAY CUỘC ĐẦU TƯ?
Trước hết, xin được nói rằng bài viết này không phải là một gáo nước lạnh để dội vào ước mơ du học của các bạn trẻ Vietnam; ngược lại, với tư cách một cựu du học sinh đã từng sống- học- và trải nghiệm đủ lâu để thấu hiểu đến tận cùng về cuộc sống du học sinh, tôi chỉ mong muốn dùng chính những câu chuyện bé nhỏ của mình như một sự chia sẻ của một người trong cuộc để các bạn trẻ và các bậc phụ huynh hãy suy ngẫm một cách thật toàn diện và sâu sắc trước ngưỡng cửa du học, dù là bất kỳ quốc gia nào.
Với tôi, du học không phải là một cuộc vui, phiêu lưu theo trend sang chảnh như mọi người, đặc biệt là các bạn teenager trong nước hay nghĩ: một cuộc sống màu hồng tuyệt vời với những bức ảnh đẹp tuyệt vời, những toà nhà lộng lẫy, hay những quảng trường đẹp hơn tranh. Du học với tôi là một sự đầu tư chiến lược để thay đổi chính tương lai cuộc đời mình; và tôi may mắn là có một cố vấn đầu tư tuyệt vời, chính là Bố mình, một du học sinh Châu Âu thế hệ trước giỏi giang và dày dạn kinh nghiệm, người đã luôn vô tình truyền cảm hứng về một chuyến đi xa qua những câu chuyện không thể chân thật hơn từ những ngày còn bé xíu.
Và đã là đầu tư thì phải có vốn, có các bài toán để tính đến chuyện có lời, và có các phương án xử lý trong mọi tình huống xấu nhất có thể ra.
Trong gia đình tôi, câu mắng nặng lời nhất không phải là chửi rủa, lăng mạ, mà là một câu nói nghe có vẻ rất bình thường ở các gia đình khác: “Con chẳng có kế hoạch gì cả. Đàn ông mà thế ah?”. Và để tránh phải đón nhận câu nói mà với tôi là một sự sỉ nhục ghê gớm ấy, tôi đã âm thầm chuẩn bị bài toán cho riêng mình trong suốt 2 năm liền để bảo vệ trước Daddy Shark ; chứ không thể nổi hứng lên mà đi được, kể cả bạn có dư tiền. Tôi tìm hiểu đến nát các loại hình giáo dục các quốc gia không biết bao nhiêu ngàn giờ search - đọc - sàng lọc - phân tích dữ liệu; tôi mò mẫm vào không chừa một Group hay diễn đàn nào của cộng đồng người Việt và du học sinh bản xứ ở những nước tôi định lựa chọn, tôi liên hệ - tìm gặp bất kỳ ai đã từng đi du học trong vòng 10 năm trở lại để xin được nghe những câu chuyện của họ để đi tìm một bức tranh thật. Không có sự lựa chọn tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất cho mỗi người.
Cuối cùng tôi chọn Vương Quốc Anh - một quốc gia có vẻ đắt đỏ bậc nhất, học phí không hề rẻ tại thời điểm đó vì tổng hoà các yếu tố: thời gian học ngắn nhất - chương trình học phù hợp - điều kiện an ninh/ổn định chính trị - môi trường văn hoá xã hội - khả năng tiếp cận với người thân trong các tình huống khẩn cấp (emergency case)......và quan trọng bậc nhất: điểm hoà vốn rõ ràng nhất và khả năng thu hồi vốn lớn. Bạn có thể không hình dung được rằng quyết định chọn đi du học một nước nào đó còn phải phân tích bối cảnh kinh tế và phát triển của 5 năm trước và sau thời điểm bạn dự kiến tốt nghiệp. Tôi đã nhấn mạnh “Con buộc phải đi Anh trong năm nay, vài tháng nữa có thể con sẽ mất cơ hội vì tổng đầu tư sẽ vượt khả năng chi trả dự kiến của con.” Quả thực tôi đã dự đoán đúng, sau khi tôi đóng full tiền học, đồng bảng Anh vọt từ quãng 26.000 VND/GBP lên gần 35.000 VND/GBP do kinh tế Anh vào guồng hồi phục sau suy thoái. Và lúc trở về, tôi cũng bán tống bán tháo toàn bộ số bảng Anh của mình có chỉ 3 tiếng trước khi công bố kết quả Brexit năm 2016 làm cho đồng Bảng rớt giá thảm hại từ 33.000 VND xuống dưới 30.000 VND.
Nói tóm lại, bạn có thể ghét Toán, bạn có thể dốt Toán, nhưng đứng trước những bài toán lớn của cuộc đời mình thì cố gắng; đừng có tính sai. Sai một ly trong tính toán du học, nó không đi một dặm đâu mà có khi còn chẳng thấy mặt trời luôn.
Về phương án chi trả cho cuộc đại đầu tư lớn nhất đời mình tính đến thời điểm đó, tôi đã xây dựng tới 5 phương án tài chính, trong đó vay tiền Bố được tính tới như phương án dự phòng cuối cùng. Và đến bây giờ, tôi vẫn giữ việc mình đi học thành công mà chưa bao giờ phải dùng tới Phương Án Cuối Cùng đó như một niềm tự hào nho nhỏ cho riêng mình. Vì sao lại nói là “vay” tiền Bố? Vì tôi thực lòng không muốn nhận từ Bố quá nhiều, với tôi, học đại học trong nước đã là đủ để kiếm tiền và tự tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, chỉ cần không lười biếng. Tôi không muốn nhận những đồng tiền từ tài sản của Bố tạo dựng bằng một đời trong sạch làm việc và cống hiến, mặc dù tôi tin Bố sẵn lòng cho tôi nếu tôi xin. Nhưng có vay thì chắc chắn sẽ có trả; còn cho - xin thì chưa chắc đã tạo ra lòng biết ơn.
Kết thúc buổi bảo vệ phương án đầu tư đó, Bố tôi hỏi “Con muốn Bố hỗ trợ gì con?”. Tôi nói “Con chưa muốn Bố trợ giúp gì lúc này, khi con cần tới, nhất định con sẽ gọi. Nhưng nếu có thể, con muốn Bố tặng cho con một món quà làm kỷ niệm.” Bố chở tôi đi mua, tôi chọn một đôi giày bảo hộ lao động có giá 150.000 đ, có mũi bằng sắt bên trong, nó hơi nặng nhưng rất chắc chắn, chịu được nước - chịu được cả tuyết sâu. Tôi muốn trong cuộc vạn lý trường chinh của mình sắp tới nơi xứ người, đôi giày nặng đó sẽ luôn nhắc tôi nhớ về Bố, về đất nước, về những mục đích tốt đẹp rõ ràng mà mình đã vạch ra ban đầu cho chuyến đi này.
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng về tài chính, tôi cất sang một bên để thực sự nhúng mình trải nghiệm vào một cuộc sống tự lập đích thực ở nước ngoài; để thử xem một người tay trắng sẽ xoay sở thế nào ở một đất nước xa lạ không ai biết bạn là ai, là con bố nào mẹ nào. Đúng hơn, là tôi muốn tự mình dạy cho mình một bài học cho “sáng mắt sáng lòng” - phải có một cái gì đấy khác biệt hẳn với cái cảnh cơm ăn không phải xới, đũa không phải lau, thiếu nước có người đút cho ăn, như ở nhà. Hơn nữa, cho đến năm 22 tuổi, tôi vẫn khá tự tin với khả năng xoay xở kiếm tiền của mình trong mọi hoàn cảnh; tôi muốn thử mình sẽ làm được cái trò gì ở xứ này để vẫn học hành đàng hoàng mà vẫn sống được như thể là không có tiền để dành.
Phần 2 của bài viết sẽ kể tiếp về chuyện đôi giày của tôi đã đi những đâu, làm những gì những năm tháng ấy, những điều mắt thấy tai nghe, những gam màu thật nhất của đời sống mưu sinh của du học sinh - những chuyện ít người kể, để mọi người có thể tự suy ngẫm về quyết định cho riêng mình.
NGHĨ VỀ NGÀY KHAI GIẢNG
Dù không còn được đi học, nhưng với mình, ngày khai giảng luôn luôn là một ngày thiêng liêng, nhiều kỷ niệm.
Nhiều người bây giờ nói khai giảng bây giờ là lễ nghi, là hình thức, là mệt mỏi....và thậm chí còn có ý kiến đòi bỏ lễ khai giảng; nhưng đã trải qua cả hai nền giáo dục trong nước và nước ngoài, mình vẫn tự tin mà nhận định rằng ngày khai giảng ở Việt Nam là một nét đẹp đáng tự hào của văn hoá học đường nước ta.
Với những năm học đầu đời, ngày khai giảng là cả một bầu trời ký ức xanh trong của tuổi thơ. Mình vẫn nhớ như in cái nắm tay của Mẹ, cái nắng nhẹ nhàng của mùa thu năm ấy - mùa thu đầu tiên đi học, nhớ mẹ cười thật tươi khi trao tay mình cho cô Thoa ở trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng để cô dắt vào trường ngày khai giảng nhưng lại chấm vội nước mắt, quay bước đi thật nhanh không ngoảnh lại, vì chắc sợ mình nhìn thấy Mẹ khóc. Cái cử chỉ ấy là một sự trao gửi mang tính biểu tượng thể hiện sự tin tưởng của phụ huynh khi giao con cho các thầy cô để kiếm con chữ, dựng cuộc đời. Suốt những năm tháng ấy, dù ở miền Bắc hay miền Nam, dù có trăm công ngàn việc, thì cả Bố hay Mẹ mình cũng không bao giờ nói “Bận” như một lý do để con cái đi khai giảng một mình. Dù khác tính cách, nhưng Bố và Mẹ lại rất giống nhau ở câu hỏi “Hôm nay con đi khai giảng có vui không?” - “Hôm nay con đi học có vui không?”, chứ chẳng bao giờ hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?”. Ngày đấy chưa có những phương tiện hay dịch vụ đưa đón hiện đại như của Gateway bây giờ, nhưng ngồi đằng sau xe của bố mẹ, ôm thật chặt mỗi buổi được đưa đi đón về, mình hít hà được cả mùi của tuổi thơ trong mồ hôi lưng áo của đấng sinh thành. Ngày khai giảng khi ấy là một ngày hội của cả nhà, mẹ sẽ mua những tờ giấy bọc sách vở màu nâu, hướng dẫn và cùng bọc sách vở mới, như cái cách người ta cùng gói bánh chưng ngày Tết. Bố thì sẽ chở đi đến những hiệu sách to lớn nhất thành phố và biến hình thành người cha hào phóng nhất thế gian, chẳng bao giờ lắc đầu trước mọi yêu cầu của con cái nhưng cũng không vì thế mà quên nguyên tắc một lần “Bố mua cho con cái hộp bút này là đắt tiền đấy nhé, nhưng là cái hộp bút duy nhất của năm học này, nếu con làm mất hoặc làm hỏng nó trước ngày khai giảng năm sau, con sẽ phải tự xoay xở”. Khai giảng ngày xưa thân thương thế đấy.
Những năm sau này khi lớn hơn trong nhận thức, ngày khai giảng với mình là một sự nhắc nhở quan trọng. Tiếng trống trường báo hiệu năm học mới mở ra, mùa hè đã khép lại, và một chặng đường mới của đời học sinh bắt đầu. Ngày khai giảng không chỉ là lời nhắc nhở cho một kỳ nghỉ đã kết thúc, mà còn là lời nhắc về trách nhiệm với đất nước của những công dân tương lai - là thư của Bác Hồ, là thư của chủ tịch nước....là những thứ mà người ta coi là lặp đi lặp lại. Nhưng ngày nào bạn chẳng phải rửa mặt, có những sự lặp đi lặp lại vẫn luôn là cần thiết. Ở nước mình, thật thú vị là Ngày Khai giảng ngay sau Ngày Quốc Khánh. Bạn là ai trong đất nước ngày mai? Bạn sẽ làm gì để cống hiến được nhiều nhất? Thông điệp trong ngày khai giảng nhắc bạn về điều đó. Một trong những điều mà mình cảm thấy lo lắng nhất cho thế hệ trẻ Vietnam bây giờ, đó là Sống hời hợt: rất nhiều người trong số các em cho đến lúc ra khỏi nhà trường, vẫn chưa biết là mình muốn gì, mình cần gì, mình giỏi gì - kém gì và mình muốn mình của tương lai như thế nào?
Bạn có thể nói “Con không biết” với bố mẹ, nhưng bạn không dễ gì nói được điều đó với cuộc đời. Không trả lời được những câu hỏi đó một cách nghiêm túc và có trách nhiệm nhất với chính mình, thì nhẹ nhất là chọn nhầm nghề, và nặng nhất là sống nhầm đời.
Và những năm tháng này đây, ngày khai giảng với mình là dịp để bày tỏ sự kính trọng và biết ơn với các Thày cô giáo, với những anh chị em, những bạn bè đang ngày đêm cống hiến cho sự trồng người. Họ như những chú ong thầm lặng trong cánh đồng đầy hoa của cuộc sống và đất nước. Những người mình theo dõi nhiều nhất trên Facebook, có một số đông đảo là những người làm Thầy giáo làm Cô giáo. Mình say mê dõi theo họ để nhìn thấy gần hơn tương lai của đất nước bởi “thầy cô hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc”. Dù cuộc sống có thăng trầm, đất nước còn nhiều thách thức chưa dễ gì giải quyết trong sớm chiều, họ - những con người đáng kính- vẫn đang ngày đêm âm thầm kiến tạo tương lai, lặng lẽ mùa khai giảng này đến mùa khai giảng khác, hết chuyến đò này đến chuyến đò sau.
Hôm nay, một ngày khai giảng mới của đất nước, từ một hòn đảo rất xa, mình đã ngừng lại thật lâu để nhìn ngắm những ánh mắt trong veo của những bạn học sinh lần đầu tới lớp, thấy mình của ngày xưa trong ấy, thấy cả tương lai của mình ở trong ấy. Một lễ khai giảng giản dị, mộc mạc của những người thầy - người cô mà lòng yêu nghề của họ làm cho chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé.
Mình ước mơ ngày hôm nay trẻ em nào cũng được khai giảng, được bố mẹ đưa tới trường, được học để Hạnh phúc, chứ không cần học để Kiệt xuất. Trẻ con hạnh phúc, đất nước hạnh phúc.
Chúc mừng Ngày khai giảng, của mỗi chúng ta!
THÀNH CÔNG SỚM LÀ THUỐC PHIỆN CỦA TUỔI TRẺ
Khi sắp sửa không còn được coi là người trẻ nhưng vẫn ngày ngày được làm việc, tiếp xúc với nhiều người trẻ.....tôi thấy mình may mắn khi được chứng kiến sự giống nhau và khác nhau giữa các thế hệ: nhìn vào các em hôm nay, tôi thấy mình của 5 hay 10 năm trước: chung nhau những đam mê cuồng nhiệt và giống nhau cả một số điều dại khờ, ngốc xít. Trả học phí cũng kha khá bằng những tháng năm rực rỡ của mình, tôi cũng để dành được một số bài học để đời, chia sẻ lên đây, để biết đâu sẽ là ít nhiều có ý nghĩa với một ai đó vẫn-còn-đang-trẻ
1. Hãy sẵn sàng “để được” bóc lột
Thời nào cũng thế, giữa tuổi ăn tuổi chơi, mà bị sếp kêu “Em ơi làm thêm cái này đi” “Làm cho xong rồi mới về nhé”....thì y như rằng ông bà sếp đó sẽ rất dễ bị đám nhân viên trẻ dán mác là “bóc lột”. Nếu ai đó “bóc” thời gian và “lột” công sức, kiến thức hay kỹ năng của bạn cho một công việc chân chính có trả công sòng phẳng, thì cũng là lúc họ đang trao tặng cho bạn kinh nghiệm mà những người ngồi không chẳng bao giờ có được. Đối với người trẻ, điều đáng sợ nhất là không có gì để người ta bóc lột. Thất tình không dễ gây bất bình bằng thất nghiệp.
Thế nên nếu bạn có một việc làm, hãy tự nhắc mình mỗi ngày về điều may mắn đó, vì mỗi năm Vietnam có ít nhất 200.000 tân cử nhân không có được điều may mắn đó: bị-bóc-lột; và hàng chục ngàn người khác tốn rất nhiều tiền để sang xứ người để được người ta bóc lột. Lao động là vinh quang hay là bóc lột, tất cả là do cách nghĩ của bạn.
2. ”Thành công sớm là thuốc phiện của tuổi trẻ, giúp bạn thăng hoa nhưng cũng có thể.....chôn vùi bạn.”
Hơn bất kỳ giai đoạn nào của đời người, người trẻ khao khát thành công sớm hơn thứ gì khác. Quả thật nó là một thứ chất gây nghiện đầy cuốn hút; khi mà chúng bạn còn ngơ ngác nơi giảng đường hay dò dẫm bước vào đời mà bạn đã có được chút thành tựu nổi bật: vài giải học sinh giỏi, vài lần được tuyên dương, hay dịch được một cuốn sách khó hay đơn giản là sự nổi trội được ghi nhận hơn bạn bè ở một lĩnh vực nào đó.
Tôi đã bỏ khá nhiều thời gian để đi tìm câu trả lời “Vì sao những đứa bạn học giỏi nhất lớp của mình ở các cấp sau này khi ra trường không phải những nhân vật thành công nhất?”
Nghe có vẻ vô lý, nhưng từ vô minh đến tường minh, tôi đã hiểu rằng một trong những nguyên nhân rất lớn một phần là vì........họ đã vô tình thành công sớm và tâm lý “ăn mừng” của họ kéo dài quá lâu. Ôm khư khư ánh hào quang đó quá lâu, bạn sẽ dễ bị nhiễm ảo giác tâm lý: “Ta giỏi lắm, ta vĩ đại lắm, ta có thể thay đổi thế giới” và ta chẳng cần cố gắng gì thêm nữa cả. No-No-No!
Trong khi bạn còn đang say giấc trong cơ mê của những chiến thắng còi, thì hàng trăm, hàng ngàn những người có vẻ kém hơn bạn, ít ồn ào hơn, thì lại “biết thân biết phận” nên sẽ chuyên tâm vào một mục tiêu thực tế gần gũi hơn, và càng cọ xát nhiều với những thất bại, khả năng thành công của họ lại càng lên cao, vì chẳng ai là thất bại trừ khi họ không học được gì từ những thất bại đó.
Thành công giống như đại dương, nó không có giới hạn, và việc thành công sớm rất có thể sẽ thu hẹp định nghĩa của bạn về thành công đích thực nếu bạn ngủ quá lâu với nó. Giống kiểu bạn có tấm huy chương và bạn được mời đứng lên một cái bục, và bạn nghĩ rằng cái bục đó đã là đỉnh núi, trong khi đỉnh núi đích thực thì nó chẳng bao giờ chịu đứng yên như cái bục, và âm thầm cao hơn mỗi ngày. Tự ti có thể làm bạn chậm bước so với cuộc đời, nhưng quá tự tin thì có khi loại bạn hẳn ra khỏi cuộc đua ngay cả khi bạn đang ở những chặng đua cuối.
3. Tôi chọn ai làm sếp của tôi, người đó là Thầy của tôi.
Tổng kết những điều may mắn nhất cho tuổi trẻ của mình, tôi thấy rằng việc có gia đình - thầy cô - và những người sếp khó tính, nghiêm khắc....là cực kỳ quan trọng. Bất cứ khi nào được phép lựa chọn, trừ khi không làm thì chết đói, thì tôi luôn đặt ra tiêu chí “chọn Sếp” cho mình: Ai là Sếp của tôi, thì họ chắc chắn tử tế và có điều gì đó giỏi giang hơn người, đáng để cho tôi phải học hỏi. Không nhất thiết phải là những điều vĩ mô, lý thuyết to tát....mà nhiều khi chỉ là những điều hết sức giản đơn mà tôi chưa biết. Sếp của tôi đã từng là một anh chủ quán photocopy, một người chủ bếp, hay một thầy giáo.....vài chục người như vậy, cho tới những nhà quản trị doanh nghiệp cấp cao dày dạn kinh nghiệm. Họ lướt qua cuộc đời tôi như những cơn gió, nhưng những gì họ để lại cho tôi là một phần sự tinh hoa trong nghề nghiệp và cuộc sống của họ. Nhờ công việc và tiếp xúc, họ sẽ vô tình gợi mở ra vô số những bài học để đời mà có tiền chưa chắc bạn đã học được ở các trường đại học danh tiếng. Họ chưa chắc đã nhớ hay tự hào về tôi, nhưng tôi luôn biết ơn và tự hào khi đã từng được là nhân viên của họ. Tất cả những người từng làm Sếp của tôi đều giống nhau ở một điểm: cực kỳ nghiêm khắc - không ngừng đòi hỏi - và ý chí hơn người. Nghiêm khắc có thể làm bạn khó chịu chốc lát, nhưng hãy để thời gian làm bạn hiểu rằng nghiêm khắc cũng là hiện thân đẹp đẽ của tình yêu thương. Nếu họ không thích bạn, họ sa thải bạn, thế là xong, nhưng nếu họ còn bỏ công bỏ sức la mắng bạn một chút để bạn nhận ra cái chưa hoàn hảo của mình, thì chẳng phải họ đang thương bạn bằng ngôn ngữ của họ hay sao??? Sự nghiêm khắc cũng chính là là chất kiềm quan trọng để trung hoà những ngày tuổi trẻ bồng bột đầy acid của bạn.
Nói tóm lại, đúng là “Thanh xuân như một chén trà”. Một chén trà chỉ ngon nhất, trọn vẹn nhất cả về hương sắc, mùi vị khi nó còn vừa đủ nóng - cũng giống như những nồng nhiệt, đam mê, và cả những dại khờ của tuổi trẻ. Và mỗi chúng ta đều chỉ được cuộc đời rót cho một chén duy nhất, hãy tận hưởng và nhấm nháp theo cách của mình, nhưng đừng để phải hối tiếc và cũng đừng quên......“Ngủ lâu lâu chút hết bà thanh xuân”.
“CHO NÓ ỔN ĐỊNH....” - CÂU NÀY SIZE PHẾT!
“Vì sao em tốt nghiệp loại Giỏi ngành kế toán mà lại xin vào một vị trí không liên quan gì đến ngành học thế này?”
“Dạ, em không hề thích ngành này, mẹ em ép em học để sau này vào cơ quan mẹ làm thế chân cho nó ổn định nên em theo, làm được 1 năm cho mẹ vui lòng, em chịu hết nổi, nên em bỏ luôn rồi vào Saigon kiếm việc...”
Câu trả lời quá đỗi thành thật của cô bé người Hanoi trước câu hỏi có phần đánh đố của tôi trong buổi phỏng vấn tuần rồi nó cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi dù đã mấy ngày trôi qua.
“Cho nó ổn định....” từ ngày chuyển vào sinh sống ở miền Nam tôi ít nghe thấy câu này....mặc dù đây là một câu nói rất quen thuộc của rất nhiều bố mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer ở miền Bắc, những người sinh ra từ những năm 1943-1960...
“Học ngành này đi sau này cho nó.....ổn định..”
“Học xong vài năm lấy một anh chồng gia đình cơ bản đi cho nó.....ổn định”
“Làm tư nhân làm gì, cố xin vào biên chế nhà nước đi cho nó....ổn định”
Đã bao giờ bạn nghe thấy những câu tương tự như vậy?
Vậy “Nó” là cái gì mà lại phải cần ổn định???
Suy nghĩ riết để định vị và gọi tên “nó”, tôi nghĩ “nó” là chính là Tương Lai.
Với một thế hệ trải qua chiến tranh, thiên tai và biết bao nhiêu những biến động xã hội, chuyện người ta gắn sự “ổn định” của tương lai như một tiêu chuẩn của cuộc sống tốt là điều hoàn toàn nhân bản và dễ hiểu. Tuy nhiên, bằng cách này cách khác, vận động cũng như cưỡng ép, vẫn còn rất nhiều vị phụ huynh đang cố truyền cho con em mình lối suy nghĩ ấy dưới một mỹ từ đầy tính giáo dục và trách nhiệm: “định hướng”.
Nhưng chậm lại một chút và nhìn từ góc độ của người trẻ:
“Ổn định” phải chăng là tâm lý chấp nhận dừng lại, và dễ bằng lòng với những gì đang có?
“Ổn định” rất gần với cái cảnh sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, cuối tháng đều đặn lĩnh lương, thấp cũng được, nhưng được cái......“ổn định”.
Suy cho cùng, “nó” - tương lai khó mà có thể ổn định, bởi vì nó luôn bất định và vô thường như một thuộc tính thú vị của cuộc sống muôn màu. Không ai biết được ngày mai sẽ thế nào. Bạn,và cả tôi, chúng ta đều sẽ là hài hước, chủ quan và võ đoán như nhau nếu nói về chính chúng ta của những năm về sau.
Một người đang rất vượt trội hôm nay, ngủ một giấc hơi lâu, sáng mai đã thành kẻ tụt hậu là chuyện đang xảy ra hàng ngày hàng giờ và không còn là hiếm, nhất là trong thời đại 4.0. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng dễ bị cuốn trôi và bỏ lại phía sau nếu chúng ta thoả hiệp với với một sự ổn định nhất thời.
Thế nên, “cho nó ổn định” - câu này size phết!
Cá nhân tôi sẽ nhất quyết chẳng chọn gì “cho nó ổn định” cho mình và cho con mình cả ngày nay và ngày sau. Tôi chọn sự dấn thân, bất chấp thăng trầm,được làm vua thua làm....lại, hơn là ngủ yên trong vỏ ốc của sự ổn định.
Ngày còn bé, Bố tôi thường nói rất nhiều về những mặt trái- mặt tối, những kiểu người khác nhau trong xã hội, những điều tiêu cực của cuộc sống song song với chuyện đề cao những giá trị nhân văn tốt đẹp cần được gìn giữ và tôn trọng trong mọi hoàn cảnh. Đã có lúc ngờ nghệch, tôi thầm trách Bố vì toàn lo xa, toàn nói đến những khả năng xấu nhất mà chẳng ai muốn xảy ra. Lúc ấy, bữa cơm gia đình tôi rất dễ thành giờ phát thanh “Câu chuyện cảnh giác”. Ngày đưa tôi đi thi đại học, Bố tôi chia sẻ bí mật lần đầu được kể: bố đã từng rớt đại học lần đầu tiên, và chỉ thành công lớn ở lần thi thứ hai. Rồi Bố hỏi “Phương án của con nếu chẳng may trượt là gì?”. Thật chẳng giống ai!!!
Tôi không thể nghĩ đến chuyện xin vào cơ quan Bố làm, vì chưa kịp nghĩ tới Bố đã phủ đầu “Thế hệ trẻ như bọn con mà phải dựa hơi bố mẹ để xin một việc làm thì là dấu hiệu đầu tiên của một sự kém cỏi dài lâu. Bơi đi, tự bơi đi, bơi chậm cũng được, nhưng vẫn còn tốt hơn là dùng áo phao”. Thật chẳng giống ai!!!
Nhưng về sau này, đi nhiều, dấn thân và trải nghiệm nhiều, tôi mới thấm đến tận cùng chủ ý sâu thẳm của Bố - một Baby Boomer hơi lạc lõng với thế hệ. Bố không muốn tôi “cho nó ổn định” mà tập cho tôi “cho nó sẵn sàng” trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống có thể tặng ta hoa hồng nhưng cũng rất có thể thử thách ta bằng gạch đá, quan trọng là ta sẵn sàng và chủ nhận đón nhận “nó” như thế nào. Tương lai là động, chứ không bao giờ là tĩnh, và bản thân ta càng không thể tĩnh vì cuộc sống đã bao giờ ngừng chuyển động.
Một mùa thi nữa sắp đến rồi, các bạn trẻ và các vị phụ huynh, các bạn chọn “cho nó ổn định” hay “cho nó sẵn sàng”???
“Cho nó sẵn sàng” - câu này mới là chill phết!
“Đã là thuyền thì phải là ở trên biển, thuyền nằm yên trên bờ chỉ có thể là chiếc thuyền đã bỏ đi...”
#BabyBoomer#DaddyLesson#BeReady or #BeStable
BOOMERANG HAY MŨI TÊN: BẠN LÀ KIỂU PHỤ HUYNH NÀO??
Thế giới người ta chia ra thành Cha giàu - Cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu mẹ Nhật mẹ Hàn rồi đủ thứ mẹ...còn trong tư duy giản đơn của mình, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.
Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng - thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.
Một cô - bạn của tôi - sau khi đốt đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ RichKid thành Big Kid đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày games cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu gọi xuống ăn. Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức....thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn & ngủ. Cười không được, khóc không xong, cô bạn tôi không biết phải ứng xử thế nào với cái boomerang mang tên “con nhà mình”, được bao bọc trong quần mấy chục củ, áo mấy trăm chai, còn giá trị cống hiến đối với xã hội thì đến nay vẫn còn là đáp án sai trong mọi phép tính. Yêu con hơn cả yêu mình, thương con hơn cả thương mình......thường vẽ đường chỉ lối cho những đứa con nhanh tiến đến cái thái độ sống Vô ơn - bất cần và sống mòn ngay cả khi còn trẻ. Mình nghĩ câu chuyện trên đây là tất yếu khi mà mặt bằng nhu cầu cuộc sống trung bình chỉ cần 1 đồng, con chưa kêu thiếu, bố mẹ đã cấp sẵn 2 đồng vì sợ con thiếu thốn. Và dần dần, đứa con sớm hay muộn cũng nghiễm nhiên đòi hỏi phải có được 3 đồng đơn giản chỉ vì nó là con của bố mẹ nó, chứ chẳng vì lý do gì khác. Khi bé không cần phải ra sức thực học, vì chưa thi bố mẹ đã lót sẵn đầu ra, khi lớn không phải lo thực làm vì bố mẹ đã trải sẵn ghế cho ngồi....và sốt sắng sống thay luôn mảnh đời con trẻ. Thậm chí đóng vai ông bà kiêm luôn bố mẹ của cháu nếu các con đã lớn mà chưa chịu khôn.
Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước - về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang. Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” - tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép. Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thuỷ nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội - mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho chất nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất.
“Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.”
Có lần mình hỏi thử Bố: "Bố ơi nhà mình có giàu không?" Bố trả lời "Bố thì có, nhưng con thì chưa." Hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. Mình tinh nghịch hỏi lại “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”. Sau câu nói đấy, tự nhiên mình tỉnh hẳn ngủ sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của Bố; và tỉnh đến tận bây giờ luôn.
Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi.
Hoàng Huy
#HHParenting#MissingDad#PapaLesson
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
(Lâu lâu viết nhảm nhí cho mình để tạm biệt năm 2017)
Kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm, đáp chuyến bay muộn về với Bố cho kịp bữa cơm chiều, về với nơi thân thương mà không gì thay thế được, tự nhiên trong lòng nhẹ bẫng.
Ngoảnh đầu nhìn lại, một năm nữa đã chảy qua nhanh như một chớp mắt...Vài ngày nữa, một năm mới sang, mình sẽ miễn cưỡng phải dọn vào sống chung với cái tuổi 30 chật chội, không thích lắm đâu, tuổi của những bước ngoặt, tuổi đến hạn quyết toán những gì còn sót lại của thanh xuân.
Thanh xuân với mình là một dạng vốn, bằng một cách rất công bằng, cuộc đời cấp cho tất cả chúng ta, tuyệt đối không thể vay mượn, chia sẻ và luôn đòi hỏi chúng ta phải là những nhà đầu tư thông thái nếu như không muốn nhận những cái kết tê tái...
Ngồi trên máy bay, mình thử tự hỏi mình cái câu hỏi thời thượng mà rất hay các bạn trẻ bây giờ hay hỏi đùa nhau "Ta đã dùng cả tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?"
Để yêu??? Trẻ là phải yêu, không yêu cũng là một cách phí hoài tuổi trẻ. Mình cũng yêu, cũng rồ dại, cũng vô tư, cũng cuồng nhiệt, và tất nhiên cũng......sai lầm. Nhưng sau cùng mình thấy rằng: Tình yêu hoá ra cũng giống như chuyện lái xe. Không quan trọng lắm chuyện bạn đi xe gì, mà quan trọng bạn có đến đích an toàn hay không? Bạn lái xe bằng gì? Sự tỉnh táo và khôn ngoan hay sự mù quáng và vội vã? Lãng mạn, cuồng nhiệt sớm muộn rồi cũng có thể qua đi, nhưng cái quan trọng nhất sẽ vẫn là nồng độ hạnh phúc trong hơi thở những người trong cuộc. Không ai vẫy bạn lại để đo cái nồng độ ấy đâu, nhưng hãy luôn đảm bảo mình được hạnh phúc và bình yên nhất - nếu hai điều đó không còn, thì hãy dũng cảm bước ra, càng sớm càng tốt. Đừng cố gắng nhẫn nhịn, đừng tập tành hi sinh, và đừng cố diễn 24/7, tội lắm, cả mình cả người ta. Hãy yêu bằng tất cả sự trần trụi của cảm xúc nhưng cũng đừng bao giờ tự cho phép mình hoài nghi tình cảm tốt đẹp của những người quanh ta chỉ vì đôi lần của ngày hôm qua chưa được êm đẹp...
Để học hỏi??? Trẻ mà thiếu vắng đi sự học thì chỉ để lại cho tuổi già sự tiếc nuối. Mình thì chẳng bao giờ muốn tiếc nuối về bất kỳ điều gì nên mình học như thể đó là nhu cầu ăn-ngủ mỗi ngày, chứ chẳng vì mảnh bằng nào cả. Mình không chịu được cái tối tăm khi mất điện, và cũng quyết không thoả hiệp một cuộc sống quá bức bối vì thiếu hiểu biết. Học từ một tờ báo cũ, từ một ông lão bán vé số, hay học từ những ngôi trường danh tiếng, học từ những trận chửi mắng té tát của người đời.....thì đều là những học phần bắt buộc của đại giảng đường cuộc sống. Tiêu tốn cả thanh xuân để đi học để rồi nhận ra sự thật phũ phãng rằng hoá ra ta luôn ngu dốt hơn mình tưởng, và sẽ chỉ nên ngưng học khi ngưng thở để tránh cho sự dốt nát không ngừng lạm phát.
Để đi??? Tuổi trẻ là những chuyến đi, nếu không đi ta sẽ quên mất mình đã từng trẻ. Mình lang thang khắp nơi, từ thế giới phồn hoa của những người giàu đến những nơi chẳng có gì ngoài sỏi đá. Nhưng rồi, sau mỗi chuyến đi, mình lại nhận thấy chuyến đi về nhà - về đất nước nơi ta đã sinh ra - đi ngược về trong sâu thẳm chính bản thân mình là những chuyến đi đáng mong đợi nhất. Đi xa để trở về là vậy. Đi! Nhất định phải đi để thấy gia đình & đất nước mình là những thứ không dễ gì từ bỏ được đâu; để thấy những gì đẹp nhất hoá ra là những gì thân thương, giản dị nhất. Vậy nên, hãy đi đi!
Để kiếm tiền??? Mình đã từng đạp tuyết xuyên đêm đi nhặt từng xu lẻ nơi xứ người, và tất nhiên, cũng từng lăn qua lăn lại trên những chiếc giường trải đầy tiền như một trò trẻ con rất nhảm nhí để trả thù những ngày khốn khó. Mình nhẫn nhịn với mọi thứ trong đời, trừ cái nghèo và sự thiếu thốn nên say mê chuyện kiếm tiền như một bản năng sinh tồn để thử thách chính mình trong mọi hoàn cảnh. Sau cùng, mình nhận ra hoá ra chúng ta không cần phải có quá nhiều tiền để hạnh phúc như chúng ta vẫn thường tự huyễn hoặc bản thân đâu. Hãy biết Đủ và phải trả lời cho chính mình bằng được câu hỏi: "Sau sự giàu có và thành đạt là gì?" - Phải là HẠNH PHÚC, nhất định phải là HẠNH PHÚC, không chỉ cho bản thân và gia đình, mà còn phải là cho những người quanh ta. Người ta khuỵa ngã vì kiếm tiền sai cách nhiều, nhưng một số đông hơn nhiều lần lại sụp đổ vì tiêu tiền sai cách. Không định nghĩa cho đúng, tiền bạc sẽ chỉ là ngọn nguồn của đau khổ, sớm hay muộn.
Mình đã dùng tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?
Mình đã đầu tư sạch sẽ không thiếu một phút nào cho chuyện kiếm tìm tự do và tìm kiếm chính mình.
Chúng ta ai cũng nhìn thấy chính mình trong gương mỗi sáng nhưng không phải ai cũng hiểu được bản thân mình, tìm kiếm được chính mình, biết mình cần gì, muốn gì, khát khao gì?Thanh xuân chính là lúc ta đi tìm ta, tìm sao cho trọn vẹn như cái cách đi tìm lần lượt những mảnh ghép lộn xộn để xếp cho thành hình một Cuộc sống cho đáng sống.
"Tự do" sau cùng không phải do ai đó ban phát cho ta mà do mình tự tặng cho chính mình qua năm tháng, qua học hành, qua yêu thương, mất mát và trải nghiệm. Thung thăng đi giữa phố đông với vài xu lẻ hay tài khoản nhiều số; ngồi xe sang hay cuốc bộ, bực tức hay thảnh thơi.....ta sẽ vẫn luôn cần là ta, chung thuỷ với nhân cách mình đã chọn, bình thản và an yên, và khi ấy thanh xuân đã được tiêu xài ý nghĩa, dù chẳng bao giờ lấy lại được nữa.
HAPPY NEW YEAR EVERYONE!!!!
Hoàng Huy.
#NewYear #WhereismyYouth #Days4Family
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình- con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"
Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300k/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé.....và con đang....... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ........luôn thuộc về con. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật J
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Ok, fine. Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.
Hoàng Huy.
CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
Mấy hôm nay mạng xã hội đang ồn ào vì câu chuyện cô bé thủ khoa ngành sư phạm Ngữ Văn của Đại học Sư phạm Hanoi 2 đang ở nhà…………chăn lợn, và rồi lại.........viết tâm thư thống thiết gửi Bí thư tỉnh ủy: “Mong chú sẽ cho cháu một con đường, một cơ hội để trở về, để được làm việc và để sống hết mình cho quê hương Hà Giang.”
Và như mọi khi, đám đông dư luận nhao nhao lên cho ngành giáo dục lĩnh đủ gạch đá; chỉ trích và đổ lỗi nhà nước- cáo buộc cơ chế bỏ lọt lãng phí người tài.
Bình tĩnh và chậm chạp hơn, tôi nhìn câu chuyện ở một góc khác, và nhìn thấy nhiều điều để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm hơn là đổ lỗi cho ngành giáo dục.
Bình thường tôi chẳng bao giờ ước tôi là một ông Bí thư tỉnh ủy đâu, nhưng hôm nay tôi lại muốn mình được ở vị trí đấy một ngày để tự tay viết cho bạn thủ khoa vài dòng:
“Cháu thân mến.
Con đường – cơ hội của cháu thì chỉ có thể do cháu tạo ra, chú không thể có để mà cho cháu được. Nếu không có cơ hội nào hết, cháu có vẫn sẵn lòng làm việc và sống hết mình cho quê hương Hà Giang không?”
Có lẽ cô gái ấy đang ngộ nhận về hai chữ "Thủ khoa" khi kể ra một loạt thành tích học tập trong quá khứ và nghĩ rằng thủ khoa là tấm vé hạng nhất để đi thẳng đến thành công. Một sự sai sai không hề nhẹ!
Thủ khoa hoàn toàn vẫn được quyền thất nghiệp như tất cả các hạng bằng cấp khác. Cái quyền cơ bản đó thực tế cuộc sống tuyệt nhiên không dám xâm phạm. Bởi lẽ không một trường Đại học nào trên thế giới này, kể cả Cambridge hay Havard tuyên bố rằng: tốt nghiệp thủ khoa trường chúng tôi, bạn sẽ không giờ thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ bán cho người đang có việc làm mà mất việc, chứ không bán cho sinh viên bằng giỏi ra trường nhưng không xin được việc.
Và lần ngược dòng thông tin, tôi thấy rằng bạn nữ thủ khoa kia đã từng nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Chuyên Hà Giang năm 2016 nhưng sau đó từ chối dự thi vì……….không tự tin.
Vậy thực ra bạn ấy muốn gì nữa??? Tuyển thẳng hay một vị trí nào đó tốt hơn nữa mà chẳng cần thi tuyển gì hết???
Là một người yêu kính sự công bằng, tôi cực kỳ không thích cách người ta cứ hết cộng điểm ưu tiên khi thi đầu vào đến tuyển thẳng mấy bạn thủ khoa vào vị trí này vị trí khác lúc đầu ra. Vì thủ khoa - đơn giản là cái danh hiệu xác nhận là bạn có thành tích học tốt nhất trong một nhóm bạn trong một khóa học nhất định, nhóm ấy có thể là 10, 100 hay hơn nữa là vài ngàn bạn. Nhưng thành tích học tập tốt chưa chắc là thực học tốt, và còn xa mới có thể hiểu là đồng nghĩa với làm việc tốt, nhất là ở Việt Nam.
Hãy thi tuyển, hãy thử thách và hãy để thực tế công việc - người thầy khó tính nhưng khách quan nhất đánh giá. Nếu bạn giỏi, đừng lo ngại người khác không biết điều đó.
Biên chế nhà nước có thể khờ khạo, chứ doanh nghiệp tư nhân thì không đâu: tiền của họ, tương lai của chính họ, thì họ chẳng cần phải nể nang hay ưu ái ai cả. Một doanh nghiệp họ không phân chia nhân viên thành: loại thủ khoa - bằng Giỏi với loại bằng khá- trung bình; mà chỉ phân chia thành: nhân viên làm việc tốt và nhân viên làm việc chưa tốt.
Còn nếu để nói về marketing bản thân, với góc độ chuyên gia, tôi tin rằng bạn ấy đã chọn sai cách. Bản thân mỗi chúng ta là một món hàng trên thị trường lao động, tuy nhiên chọn PR bản thân sai cách thì sẽ còn lợi bất cập hại. Bạn nói bạn là Thủ khoa mà vẫn thất nghiệp, bước 1, họ sẽ hoài nghi ngay lập tức cái danh hiệu của bạn. Bước 2, họ sẽ đặt câu hỏi "Thủ khoa - tức là có một xuất phát điểm thuận lợi, mà còn thế này, còn than thở - còn tâm thư, thì khi công việc khó khăn, không thuận lợi, thì có cố gắng vượt qua không hay sẽ lại viết tâm thư xin nghỉ việc.". Bước 3, họ sẽ kết luận một cách lịch sự và nhã nhặn rằng "Em rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc". Một nguyên tắc để đời của marketing hiện đại đó là không để khách hàng mua hàng bằng một tâm lý chiếu cố.
Nếu một ứng viên bước vào phòng phỏng vấn và nói với tôi "Chào anh, em là Thủ khoa trường A đây ạ" tôi sẽ lịch sự mời em về luôn, vì cái tôi quan tâm nhất là tiềm năng cho thấy bạn sẽ làm được cái gì cho công ty tôi trong tương lai hơn là kể cho tôi bạn đã làm được gì trong quá khứ. Đó là lý do vì sao tôi thường chỉ xem bằng cấp của ứng viên sau cùng, vì 99% quan tâm của một nhà tuyển dụng là thái độ,tính cách, và mức độ phù hợp của ứng viên với công ty hơn là chuyện họ tốt nghiệp loại gì.
Từ nhỏ, tôi được bố mẹ giáo dục rằng "Nước mắt là chỉ để dành cho bố mẹ" (Chỉ được khóc khi bố mẹ lìa đời). Không bao giờ được dùng nước mắt để xin sự cảm thương, và dù hoàn cảnh có khốn khó đến đâu, đừng dễ dãi với bản thân để xin cuộc đời cái này cái khác. Đó là bài học đầu đời của tôi về lòng tự trọng. Nhưng các bạn trẻ bây giờ người ra dễ dãi để nói ra cái từ "Xin" quá, và có nhiều thể loại viết văn, nhưng không hiểu sao rất nhiều bạn lại chọn viết tâm thư như một lựa chọn giản đơn, như hiện thân văn học cho tâm lý "Tấm ngồi đợi Bụt" – điều mà tuyệt nhiên không nên xuất hiện ở tuổi trẻ.
Thảm đỏ là của người ta, người ta trải ra được thì người ta lấy lại được, chỉ có con đường mình đi bằng chính đôi chân của mình thì mới là còn mãi.
Điều đơn giản ấy, cô bé thủ khoa kia không hiểu, rất nhiều bạn trẻ không hiểu, và ngay cả những người quyền cao chức trọng sống hết cả đời người cũng chưa chắc đã hiểu.
Có những ông bố dùng mọi cách để trải thảm cho con mình được ngồi đúng cái ghế của mình, năm trước năm sau, nhân dân đòi lại. Con thì ngỡ ngàng, còn bố thì bẽ bàng, hai thế hệ truyền tay nhau chung một nỗi nhục.
Câu chuyện của bạn thủ khoa làm tôi nhớ lại chính mình của 2 năm trước khi đang học tập và làm việc ở London, tôi cũng có cùng một câu hỏi: Tôi cần điều gì để có thể “dũng cảm” mà trở về Việt Nam cống hiến khi đã sống ở nước ngoài quá lâu???
Cơ hội? – Tôi cũng có vài lời đề nghị việc làm hấp dẫn, người ta nói về vị trí này vị trí kia, mức lương này mức thưởng kia, toàn số đẹp cả, nhưng tôi chỉ có thể cười và cảm ơn. Nhưng có lẽ đó chưa phải điều tôi cần nhất tại thời điểm đó.
Và rồi, theo một cách không thể tình cờ hơn, tôi may mắn gặp được người sếp của mình bây giờ - một người chị lớn đúng nghĩa.
Chị không nói với tôi về những con số đẹp, và cũng chẳng có cái thảm đỏ nào hết. Chị nói với tôi những điều rất giản dị: về quê hương, về gia đình, và về câu chuyện của chị như một du học sinh thế hệ trước, đã đi để trở về và theo một cách chân thành nhất, truyền cho tôi một niềm tin rằng: Nếu thực sự có tài năng, ở gầm trời góc bể nào cũng có thể sống tốt và làm một người tử tế. Vậy tại sao không phải là trên chính quê hương mình? Hành trang trở về của tôi chính là niềm tin ấy.
Với niềm tin ấy, tôi tin tôi có thể vui vẻ làm bất kỳ công việc gì hợp pháp – lương thiện để sống hạnh phúc trên chính đất nước này, Việt Nam. Chăn lợn? Có thể lắm chứ! Tôi sẽ cố gắng trở thành một người chăn lợn giỏi nhất.
Tôi và bạn Hà thủ khoa có lẽ đều giống nhau ở một điểm, đều là những người yêu Văn và học Văn. Nhưng với tôi, bài văn lớn nhất chính là cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta phải viết nó cứ mỗi ngày một cách thật say mê và cẩn thận với tất cả lòng tự trọng và sự tử tế cần phải có trong mỗi người. Và đừng để bài văn ấy không hay ngay từ mở bài- khi chúng ta còn trẻ, khi những nhiệt huyết và khát khao hạnh phúc- thành công là cháy bỏng nhất.
Vậy nên, hãy cất tâm thư đi và dũng cảm bước xuống cuộc đời, dù rằng lắm gian nan và chông gai đấy, nhưng đó là con đường của riêng mình – một người tự do.
Hoàng Huy.
CHUYỆN CỦA 2 NĂM QUA..
CHUYỆN CỦA 2 NĂM QUA..
Bận quá bận nhưng nhìn lên lịch, giật mình nhận ra hôm nay là 24/8 , đúng ngày này 2 năm trước mình đang kéo vali ra sân bay Healthrow trở về Vietnam. Hôm ấy London trời mưa to lắm. Ôm vội bác Loan – người chủ nhà tốt bụng đã cưu mang mình suốt bao năm để trở về, mình khóc to như trẻ con còn hơn lúc tạm biệt gia đình để đi học vì mình biết chắc là sẽ lâu lắm mới có thể gặp lại. Bấm nút post bài viết này lên Facebook – bài viết cuối cùng viết trên đất Anh như một lời chia tay khó nói và bước đi thật nhanh chẳng dám ngoảnh đầu lại.
Đêm hôm trước đó, mình đã ngồi một mình suốt đêm giữa quảng trường Trafagar trong im lặng, ngắm những bóng người thưa thớt dần, ngắm những chuyến xe bus đêm vắng người, cố gắng hít thật sâu để hít thở đầy cái không khí hơi se lạnh rất riêng của London buổi tối, mình muốn mang những hơi thở ấy theo về để nhớ mãi những gì thành phố và đất nước bình yên này đã dành cho mình suốt những tháng năm ấy.
Bây giờ người ta hay trầm trồ với những tít báo kiểu như “Bạn trẻ 8x 9x từ bỏ mức lương xx ngàn đô để về Vietnam lập nghiệp…..” nhưng mình thì không thích như thế, với mình về là về thôi, chứ mình không thích coi chuyện trở về đất nước nơi mình sinh ra như một lựa chọn loại 2, như một sự chiếu cố. Mỗi người có một lý lẽ, một hoàn cảnh, một sự lựa chọn riêng. Không có gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, nhưng ít nhất hãy công bằng với tất cả những sự lựa chọn, đừng phán xét vội vã.
Thỉnh thoảng lúc này lúc khác có một vài người inbox cho mình cùng với một câu hỏi:
“Đã hối hận chưa?”
“Hối hận gì ạ?”
“Hối hận chuyện về Việt Nam”
“Dạ, không, em hiếm khi hối hận với những gì mình đã chọn, nhất là khi đã có cơ hội để suy nghĩ kỹ trước khi quyết định…..”
Thiệt tình là 2 năm qua mình đã sống rất hạnh phúc trên chính quê hương mình, Việt Nam – sự lựa chọn của riêng mình, một quyết định được suy nghĩ rất nghiêm túc mỗi ngày trong suốt 1 năm dài trước đó.
Có những lúc rất bận, có lúc siêu mệt, thỉnh thoảng có lúc hơi buồn, nhưng về cơ bản, gam màu chung vẫn là bình yên và hạnh phúc. Gọi là ăn may cũng được, gọi là có hậu cũng được, gọi là gì cũng được, nhưng mình gọi đó là Cuộc Sống, với tất cả những ups and downs cần phải có. Mình trân trọng suốt đời những tháng ngày gian khổ vô cùng tận vừa học vừa làm ở nước Anh để biết nâng niu hơn những gì đang có và giục bản thân phải cố gắng thêm nữa, thêm nhiều nữa.
Sáng mình đi làm trong kẹt xe chiều đi về trong lụt lội. Sang Manila tự nhiên thấy mình còn hạnh phúc quá.
Sáng mình mang vui vẻ tới công ty và chiều lại gói vui vẻ mang về nhà. Nhớ lại những đêm London toàn tan làm lúc 1h sáng thấy mình còn hạnh phúc quá.
Thế đấy, sau Du học là gì??? Không phải là bằng Tây, lương khủng đâu, mà sau du học thì vẫn là Cuộc Sống, và dù ở đâu chăng nữa, nhiệm vụ chính yếu nhất của chúng ta mỗi ngày mở mắt ra là sống sao cho hạnh phúc nhất theo cách của mình.
Đừng shock, đừng thở than, đừng chửi bới, đừng so sánh cân đo hơn thiệt bên ấy bên này, hãy thích ứng và hãy kiên trì bằng tất cả những gì đang có, biết mơ mộng và hết mình cố gắng về những gì chưa có, sớm muộn bạn cũng sẽ nhìn thấy màu của hạnh phúc, mình tin vậy.
Hoàng Huy.
ĐIỂM 10 GIAN DỐI HÔM NAY LÀ ĐIỂM 0 THỰC SỰ CHO NGÀY MAI.
ĐIỂM 10 GIAN DỐI HÔM NAY LÀ ĐIỂM 0 THỰC SỰ CHO NGÀY MAI.
Ngày xưa thời còn đi học tôi thấy điểm mười quý giá bao nhiêu, thì bây giờ khi chứng kiến sự lạm phát phi mã của những cơn mưa điểm mười, bằng giỏi……của các bạn học sinh bây giờ nhất là trước mỗi mùa thi tuyển, xét tuyển, tôi lại cảm thấy một sự ớn lạnh và những lo lắng không hồi kết cho một thế hệ đang lớn lên.
Phải chăng học sinh của chúng ta đang học ngày càng tốt lên, thành tích ngày càng xuất sắc hơn? Nếu quả thật như vậy thì đó là điều đáng mừng của cả đất nước chứ không phải riêng ngành giáo dục nữa. Nhưng thực tế có vẻ không phải như vậy?
Chắc chắn không riêng một mình thầy Văn Như Cương bối rối khi gặp hàng trăm hồ sơ lớp 6 điểm tuyệt đối khi xét tuyển chuyển cấp, mà rất nhiều những người làm giáo dục chân chính sẽ đều thấy giật mình với công nghệ “tráng men” học bạ đến mức đẹp không tì vết: Toán 10 – Tiếng Việt 10 suốt 5 năm học đầu đời. Điều mà tất cả những ai đã từng xách cặp đi học đều hiểu rằng đó là một điều cực kỳ hiếm hoi và không thể nào phổ biến đến mức độ đại trà như vậy.
Trong giáo dục, nếu như hình thức thi cử hay xét tuyển nào đó không còn thực hiện được chức năng sàng lọc và tuyển chọn được đúng đối tượng thì rõ ràng thì chứng tỏ hệ thống đó đã không còn hiệu quả và cần phải được đánh giá lại một cách nghiêm túc, và thậm chí là thay thế. Ở đây, có thể thấy rõ hệ thống tiêu chí xét tuyển vào THPT dựa trên học bạ đã bị vô hiệu hóa bởi “tình yêu thương con cái vô bờ bến nhưng sai cách” của số đông phụ huynh học sinh. Sự lúng túng của các nhà trường là dễ hiểu bởi lẽ xét tuyển thì buộc phải dựa vào tiêu chí những thành tích trước đó của học sinh, không thể nói điểm 10 của trường A là kém giá trị hơn trường B. Còn nếu trở lại hình thức thi tuyển, lại vòng luẩn quẩn học thi-ôn thi-luyện thi không hồi kết mà cuối cùng học sinh phải chịu những áp lực vượt quá sức của các em mỗi mùa tuyển sinh. Không có hình thức tuyển sinh nào mà không có những mặt hạn chế nhất định, do đó vai trò điều phối và định hướng của cơ quan quản lý giáo dục các địa phương là rất quan trọng bất kể lựa chọn phương án nào. Đừng để các trường phải lẻ loi và lúng túng trong những cơn mưa điểm 10 bủa vây nhưng chúng ta đáng thấy.
Những đó mới chỉ là câu chuyện của những nhà quản lý giáo dục, nhưng sâu hơn nữa đó là những thành trì quan điểm vô cùng sai lệch đang hiện hữu và lan tràn trong hàng ngũ “thủ phạm” của những cơn mưa điểm 10 bất thường này.
Nếu cần phải một lần nữa phải vạch mạch chỉ tên ai đã có công tích cực phá hỏng hệ thống giáo dục và thi cử của chúng ta hiện nay, thì chắc chắn sẽ vẫn là tư tưởng háo danh, và tầm nhìn không-cần-ngày-mai của đông đảo các bậc phụ huynh Việt; bởi có cầu thì mới có cung. Các thầy cô giáo không lỏng tay chấm điểm sau một đêm, và ban tổ chức các cuộc thi cũng không tự nhiên dễ dãi với tất cả thí sinh…..nếu như không có một nhu cầu bất thành văn từ những ông bố bà mẹ bất chấp tất cả để con được học trường ngon lớp xịn. Và trong sự bất chấp của họ, có cả việc xé bỏ bài học đạo đức đầu đời về sự trung thực và tự trọng ngay trước mắt con cái. Người lớn tham lam với những cái áo phao điểm số trùm vội lên người con trẻ mà chẳng hề nghĩ rằng chỉ có “bơi” thực lực với đúng năng lực của mình, các con mới có thể đi trên một lối đi bền vững tới thành công, hơn là để các con sau này chới với giữa những cái phao tem mác chắc chắn xịt mà bố mẹ quýnh quáng mua vội vì sợ con mình không bằng “con nhà người ta”.
Là một nhà tuyển dụng, tôi không biết bao giờ mới hết được cảm giác ngao ngán trào dâng trước những bộ hồ sơ xin việc đẹp không tì vết,nhưng lại không biết phải trả lại các em về cấp học nào để học lại cho phù hợp. Và có lẽ nỗi ngao ngán của tôi nó sẽ còn kéo dài mãi nếu như cái vòng luẩn quẩn xin –cho đầy tiêu cực đang đeo bám hệ thống thi cử của chúng ta không chấm dứt.
Trước đây toàn dân nỗ lực phổ cập văn hóa các cấp, từ xóa mù đến phổ cập tiểu học, và bây giờ cũng chính toàn dân chạy đua dữ dội hơn, quyết liệt hơn để phổ cập một thứ mà người ta đang rất ưa chuộng để làm tiêu chí đánh giá một gia đình thành đạt: phổ cập học sinh giỏi – một phong trào phổ cập đáng sợ mà thế giới khó lòng tưởng tượng nổi: cha mẹ Việt làm thế để làm gì???
Tôi có niềm tin rằng nếu để cho các trường được quyền thi tuyển và tổ chức thật nghiêm túc, loại bỏ yếu tố học bạ thì chắc chắn những cơn mưa điểm 10 này sẽ nhanh chóng ngớt. Hãy để khi con em chúng ta ra trường, nhìn lại cuốn học bạ dù xấu dù đẹp như những kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh hơn là những bằng chứng gian dối từ khi mới chập chững nơi học đường.
Thời đại ra ngõ gặp bằng đỏ, cả lớp được điểm 10, chúng ta đang bình thường hóa những chuyện bất thường, và con cái chúng ta có thể có một tương lai bình thường trong một sự nuôi dạy bất thường như thế của cha mẹ và thầy cô – những người dìu dắt đầu tiên trong cuộc đời.
Hãy dũng cảm cho con em chúng ta được là chính mình, học theo thực lực phát triển đúng tầm
Hãy dũng cảm cho con được học “trường làng” “trường tuyến dưới” nếu như những cuộc đua trường lớp kia làm con mệt mỏi.
Điểm mười giả dối hôm nay là điểm không ngày mai cho tương lai con em của bạn.
Hoàng Huy,
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH. READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH.
READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
Khi những lời chúc tụng đã ngớt dần đi, những lời rì rầm khấn vái bớt lại.....đó là khi một năm mới thực sự bắt đầu: ngày mai chúng ta lại trở lại với đấu trường của cuộc sống. Mình chọn về Saigon sớm một ngày, âm thầm tận hưởng cho trọn vẹn một Saigon vắng vẻ và dịu dàng, mua vài cuốn sách thật hay cho năm mới như thông lệ (dù quanh năm vẫn trung thành với Alezaa và iBooks), và chui vào một góc quen - viết một điều gì đó cho những ngày đang tới. Trong một mùa xuân mới không điều gì đáng viết hơn, cần viết hơn là về tuổi trẻ - điều mỗi chúng ta đều đã và đang có.
Vì vẫn còn được coi là một người trẻ, mình hay được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều bạn trẻ, như mình và phần đông trẻ hơn mình. Và không quá khó để nhận ra rằng rất nhiều bạn trẻ Việt Nam gặp một vấn đề giống nhau: "lạc trôi" - không biết bản thân mình thực sự muốn gì cho hiện tại và tương lai, kể cả học xong đại học cũng không biết mình muốn gì, thậm chí đi du học xong về cũng vẫn chưa biết mình sẽ trở thành ai trong ngày mai. Đây có thể là thành tựu không thể đáng xấu hổ hơn của một nền giáo dục nặng về dập khuôn và thiếu định hướng của chúng ta mấy chục năm qua và luôn được cổ vũ nhiệt tình của đông đảo những bậc phụ huynh "không mong gì hơn con thành đạt". Để rồi ngày nay chúng ta thấy nhiều người thành đạt nhưng chưa chắc đã hạnh phúc.
Đã bao giờ các bạn tự hỏi "Bao nhiêu lâu rồi bạn không tự nói chuyện - đối thoại với chính mình?". Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đó quả là một điều rất cần nếu chúng ta không muốn lạc mất chính mình. Lắng nghe và cảm thông cho bản thân, một cách không gì tốt hơn đó chính là đọc sách.
Mình thì luôn rõ ràng và sòng phẳng với bản thân một điều: "Tôi muốn hạnh phúc, chứ không chỉ là thành đạt" nên dưới đây là một vài cách mà mình vẫn hay "tự lắng nghe mình" xin chia sẻ cùng các bạn
1. "Cuốn sách sẽ thay đổi cuộc đời bạn" - Câu đấy rất quen trên những trang bìa những cuốn sách best-selling, nhưng đừng tin,đừng để bọn marketing họ lừa, bịa đặt đấy. Vì chẳng có một cuốn sách nào thần thánh đến mức ấy cả cho dù tác giả là ai hay nó hay đến mấy, chỉ có chính hành động và thái độ sống của bạn hình thành trên nền tảng những thói quen tốt mới có thể thay đổi cuộc sống của bạn tốt hơn mà thôi. Do đó, hãy thận trọng cân bằng tỉ lệ những cuốn sách dạng "self-help" trong danh mục sách cần đọc của bạn. Chúng rất hay, rất nhiều động lực, nhất là cho người đọc trẻ giống như những liều doping mạnh mẽ , tuy nhiên hãy nhớ rằng, chẳng có vận động viên nào giành được vinh quang chỉ nhờ doping mà không cần khổ luyện cả. Học thuộc lòng "Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt" nhưng 1h trưa vẫn chưa ngủ dậy thì thành đạt vẫn ở xa bạn lắm.
2. Đừng ngại đọc lại những cuốn sách cũ mà bạn đã từng đọc trước đó. Một cuốn sách hay không khác nhiều với một cô gái đẹp. Nếu bạn gặp cô ấy năm 10 tuổi, bạn chỉ biết là cô ấy đẹp. Nhưng 10 năm sau, đọc lại - gặp lại, rất có thể bạn nhận ra rằng cô ấy thật ra đẹp hơn bạn nghĩ, hiền dịu hơn sâu sắc hơn lúc trước. Cô ấy vẫn chỉ là những con chữ- trang giấy ấy thôi, chỉ khác là cái nhìn của bạn đã hiền từ hơn, suy nghĩ của bạn đã sâu sắc hơn, chiều sâu hơn. Vậy nên đừng chỉ để sách nâng cao giá trị cuộc sống của bạn, mà chính bạn cũng có thể làm những cuốn sách của mình giá trị hơn bằng cách đọc nhiều hơn một lần.
3. 1+1=3
1000 cuốn sách trên thế giới đều viết là mặt trời hình cầu và 1+1=2, tuy nhiên sẽ vẫn có những cuốn sách đâu đó nói rằng thực ra 1+1=3 và thực ra mặt trời hơi méo, đừng bỏ qua chúng. Cả thế giới đang chửi lão Trump, đôi người bênh lão, đừng vội chửi theo, lắng nghe - đọc xem họ bênh gì???
Đừng vội vàng thừa nhận những gì số đông cho là đúng và đừng bao giờ ngừng hoài nghi những điều tưởng chừng đã là chân lý. Hãy tập nhìn nhận đa chiều và tư duy độc lập.
4. "Đừng để bị ngộ độc sách"
Ngộ độc thực phẩm phổ biến quá rồi, nhưng nhiều người vẫn còn lạ lẫm với "ngộ độc sách". Thật vâyh một xu hướng đọc lệch lạc cũng nguy hiểm chẳng kém gì một món ăn độc hại cả. Nếu 9/10 cuốn sách của bạn đang đọc là truyện ngôn tình sẽ chắc chắn bạn sẽ buồn và cô đơn lắm vì nhìn đâu cũng chẳng tìm thấy những soái ca mà bạn vẫn thấy trong tưởng tượng. Tránh ngộ độc sách không gì hơn là có những người bạn cùng đọc, và tuyệt vời nhất đó chính là bố mẹ bạn. Hãy đừng ngại gạ gẫm bố mẹ đọc chung một cuốn sách mới, và lắng nghe xem bố mẹ bạn nói gì sau khi đọc xong. Thú vị lắm đấy!
5. Muốn start-up trước hết hãy stand-up.
Gặp mấy bạn trẻ mới ra trường bây giờ rất hay được nghe chuyện start-up. Cơn gió khởi nghiệp thổi vù vù qua lớp trẻ nên ai cũng nuôi nghiệp lớn. Đó là điều đáng mừng cho cả dân tộc tuy nhiên "Dream big but do small thing first" (Nghĩ lớn nhưng nên tập làm việc nhỏ trước). Mình ngã ngửa người khi nhận được không ít CV xin thực tập - xin việc nhưng ngoài file đính kèm chẳng thèm nói gì thêm nữa. Đọc quá nhiều sách về khởi nghiệp hay đi nghe quá nhiều những khoá học làm giàu cấp tốc sẽ khiến người trẻ hay thích nói chuyện tầm nhìn - sứ mệnh - chiến lược, toàn những thứ siêu to tát đi kèm với những giấc mơ triệu đô tuy nhiên hãy nhớ rằng người ta hoàn toàn có thể thất bại chỉ trong phút chốc vì những lỗi có khi rất nhỏ ngớ ngẩn. Vậy nên muốn khởi nghiệp (start-up), ngoài chuyện hun đúc tinh thần ý chí và bổ sung kiến thức qua sách vở, trước tiên hãy tập đứng thẳng trên đôi chân của mình thật tử tế và hoàn thành những công việc nhỏ nhặt trước. Gọi mình dậy đi làm đúng giờ mỗi ngày cũng quan trọng như gọi vốn.
Hành động tức thời - Đổi mới quan điểm - Tư duy độc lập đa chiều - Chọn lựa đúng mối quan tâm - và Bắt đầu từ thực tế cuộc sống, năm bài học nhỏ từ chuyện đọc sách trên đây ít nhiều giúp bạn có định hướng tốt hơn, ít bị "lạc trôi" hơn....Thật đấy!
Đừng tin rồi bạn sẽ tin...
Chúc mọi người một năm làm việc hiệu quả!!!
Hoàng Huy.
Học làm giàu???
Chưa thấy ở một đất nước nào 01 mét vuông 9 thằng dạy làm giàu như ở Việt Nam mình. Làm giàu mà dạy được theo khoá cấp tốc như mấy thần gió kia quảng cáo thì làm gì còn ai đi bán vé số, bán trà đá nữa.
Đúng thật là ngược đời, ở một nước nghèo gần nhất thế giới thì ông nào cũng vỗ ngực nói tôi có bí quyết thành triệu phú nhanh lắm, còn ở những nước cứ ra đường là gặp triệu phú thật thì tuyệt nhiên chẳng bao giờ có một khoá nào để dạy làm giàu. Bọn Tây ích kỷ thật, không có tinh thần tương thân tương ái như dân ta.
Nếu mình mà là sinh viên, thay vì nhịn ăn nhịn mặc đóng vài triệu đồng/ngày để nghe mấy tay doanh nhân dỏm kia chém gió nhố nhăng mấy tiếng đồng hồ trong phòng máy lạnh; mình sẽ dùng mấy tiếng đồng hồ đó đi mua một tập vé số rồi thử đi bán lại, hoặc đi phát tờ rơi....hoặc là kiếm được vài trăm ngàn, hoặc là ít nhất cũng học được rằng: kiếm tiền chân chính luôn khó; sau đó dùng tiền đó góp lại để mua vài cuốn sách tử tế mà đọc hoặc đi học một khoá học kỹ năng nghề nghiệp gì đó cụ thể...cứ thế lặp đi lặp lại cho đến một ngày mình thành triệu phú thật thì thôi, không thành danh cũng thành nhân.
Đau một nỗi là mấy thằng máy chém gió kia chủ yếu toàn lừa được mấy em sinh viên và người trẻ tuổi- chẳng có lẽ "dày ăn mỏng làm" là thuộc tính dân tộc thật sao????
Các bạn sinh viên ơi, nhớ giúp tớ ba điều:
1. Những người giàu tự thân thật sự họ thường rất bận theo đúng nghĩa thời gian là vàng, họ sẽ không bao giờ bỏ công ra lượm bạc lẻ của các bạn đâu.
2. Ở Việt Nam nếu có cách nào làm giàu mà người ta lạ dám sẵn lòng chia sẻ với nhau thì chúng ta đã là Mỹ hoặc Nhật rồi chứ không còn là Việt Nam nữa.
3. Thành công là thứ tuyệt nhiên không thể copy được, không tin bạn cứ thử bỏ học giữa chừng đi xem có thành Steve Job hay Bill Gates không?
Khát khao giàu có là giấc mơ hoàn toàn chính đáng nhưng đừng mù quáng, tuổi trẻ ơi!!!!!!
SỰ TÍCH CANH CUA NẤU VỚI CỦ CẢI
SỰ TÍCH CANH CUA NẤU VỚI CỦ CẢI
Mấy hôm nay dân mạng lại được dịp lên đồng như mọi khi: cười cợt có, chửi rủa có, dè bỉu có khi một người chơi gameshow truyền hình "Ai là triệu phú?" chẳng may không biết El Nino là gì, và lỡ dại trả lời canh cua nấu với……………..củ cải.
Nếu bạn ấy mù chữ chắc ít người cười hơn, cái tội lớn nhất mà dân mạng tự kết án bạn ấy là.......làm kỹ sư ô tô mà lại dám không biết canh cua phải nấu với gì??? Ai cho ngươi cái quyền không biết một điều ai cũng biết như thế?
Mình không thấy bạn ấy có gì đáng buồn cười cả, vì đó đâu phải câu chuyện hiếm ngày nay, chẳng qua là lên TV thì thành câu chuyện cười thôi.
Mình chỉ thấy buồn cười là rất nhiều người quy kết đổ lỗi cho nhà trường, cho nền giáo dục này nọ, đổ lỗi cho những thứ vô cùng to tát vĩ mô mà thực ra nguyên nhân rất đơn giản, ngày nào cũng thấy.
Nhà trường không có trách nhiệm phải dạy canh cua phải nấu với rau đay, chỉ có bữa cơm gia đình dạy điều đó.
Giáo viên không dạy học sinh phải nấu cơm như thế nào, chỉ có cha mẹ sẽ dạy những điều đơn giản ấy.
Thế hệ canh-cua- nấu-với- củ -cải không phải đến 8x hay 9x -10x mới xuất hiện nhưng đặc biệt nở rộ ở thời gian này, khi ở các thành phố lớn cho tới các vùng thị xã phát triển, trẻ con đâu có còn được là trẻ con, mà đều đã biến thành ngựa đua, trong khi nài ngựa nhẫn tâm nhất không ai khác lại chính là các bậc phụ huynh.
Thế hệ này có những ông bố bà mẹ nghĩ rằng chỉ cần con được học sinh giỏi, chỉ cần con có bằng kỹ sư hay đại học gì đó là con 100% hạnh phúc. Bé ở nhà có Mẹ hoặc có người giúp việc, lập gia đình có người giúp việc; con cứ việc học, thế giới để bố mẹ và người giúp việc lo. Bữa ăn chiều của các em là những chiếc bánh mỳ - nắm xôi gặm vội trên yên xe bố mẹ chạy cho kịp giờ học thêm sau giờ học chính. Cảnh này là một trong những cảnh buồn nhất trên đường phố Sài Gòn mà mình thấy mỗi ngày.
Ở thế hệ này, chuyện biết luộc gạo thành cơm nhưng không hề biết nấu đến một món ăn ra hồn chẳng có gì hiếm. Và điều đáng buồn hơn cả, đó là: thế hệ này sẽ ngày càng đông đảo hơn khi tuổi thơ của các em đang bị các ông bố bà mẹ đổ xô bán rẻ cho những tấm giấy khen, thành tích trên trường lớp. Bởi lẽ, con không may mà học dốt, bố mẹ lấy gì mà khoe nhau, khi mà cái thời khoe nhà, khoe xe đang dần thoái trào, thì khoe con lại trở thành phong trào thời thượng. Lo tương lai con không thành đạt một, nhưng lo mình không thành đạt trọn vẹn lại là gấp đôi.
"Cháu nó có vào được Ngoại thương không? Sau này định làm cái Master ở nước nào....."
"Cái gì, chỉ học trung cấp nghề thôi ah, chết chết, sao anh chị lại để thế sao được...."
Đấy- chuyện đấy còn đáng cười gấp vạn lần canh cua nấu với củ cải.
Vốn sống của mỗi người ngoài kiến thức tường minh (knowledge) – những điều học qua sách vở và trải nghiệm (experience) – những điều tự thân trải qua thì gốc rễ đầu tiên vẫn là những điều thường thức những điều phần đông mọi người đều biết mà tiếng Anh hay gọi là “Common sense”. Và khi bản thân và môi trường giáo dục gần gũi nhất là gia đình rằng tự nhận định rằng không cần phải biết những điều tầm thường ấy thì sẽ chẳng bao giờ biết, dù là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Canh cua nấu với củ cải có khi vẫn còn ăn được, còn sự ích kỷ và sĩ diện mãn tính của các bậc phụ huynh nấu chung với sự thụ động ỷ lại của các con vàng con bạc thế hệ @ sẽ còn tạo ra một tương lai còn nhiều chuyện cười mà như khóc cho chính chúng ta. Thật đấy!
Hoàng Huy
KHI ÔNG BỤT…….ĐI VẮNG: ĐỪNG NHẢY XUỐNG NƯỚC RỒI MỚI NHỚ RA MÌNH KHÔNG BIẾT BƠI...
KHI ÔNG BỤT…….ĐI VẮNG: ĐỪNG NHẢY XUỐNG NƯỚC RỒI MỚI NHỚ RA MÌNH KHÔNG BIẾT BƠI...
(Bài đăng trên Vietnamnet - Link cuối bài)
Với người Việt Nam, ông Bụt từ lâu đã là một biểu tượng niềm tin thiêng liêng được dân gian sùng bái và gửi gắm nhiều ngưỡng vọng. Trong biết bao nhiêu câu chuyện cổ tích, ông Bụt luôn là nhân vật xuất hiện đúng lúc trong tình huống tuyệt vọng nhất và đưa ra những sự trợ giúp sống còn giúp ai đó thay đổi cục diện hoàn cảnh, biến không thành có, biến nguy thành may. Biết bao nhiêu thế hệ người Việt lớn lên cùng những sự huyền diệu hư ảo đó như những kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp, và bằng cách đó những câu chuyện về ông Bụt cũng góp phần định hình tính cách mỗi chúng ta; vun đắp trong mỗi người niềm tin rằng, chỉ cần bản thân tốt-hiền lành-tử tế, mọi thứ sẽ đều hoàn hảo.
Đã có lúc, tôi có ý chê trách nhà văn Andersen đã thật ác khi không để cho “Cô bé bán diêm” một cái kết có hậu. Vì sao khi cô bé quẹt que diêm cuối cùng lại không để Ông Bụt xuất hiện và đưa cô bé ngồi vào một bàn tiệc lớn hay cho cô một điều ước gì đó ngay lúc ấy.……Nhưng rồi một ngày, tôi hiểu ra rằng, đó là một sự khác biệt rất lớn, chính xác hơn là một khoảng cách rất lớn giữa tư duy giáo dục phương Tây và phương Đông mà Việt Nam là một đại diện điển hình. Từ rất sớm, người phương Tây nghiêng về giáo dục cho con trẻ nhận thức và chấp nhận thực tế cuộc sống: không có ăn là đói, và không có mặc là rét và những thứ ấy đều có thể dẫn đến kết cục bi thảm, vì vậy hãy luôn biết trân quý cái no bụng và ấm áp mà mình đang có và có tấm lòng nhân ái với những đồng loại còn khốn khó xung quanh. Người phương Đông thì dạy con trẻ biết không ngừng hi vọng trong mọi tình huống, kể cả hi vọng vào những năng lực siêu nhiên nào đó.
Khi cô Tấm hay anh Khoai trong Cây tre trăm đốt gặp khó khăn, không cần làm gì cả, chỉ cần khóc, và Bụt sẽ hiện ra. Tuy nhiên, có vẻ như cái motiff khi gặp tình thế nguy nan………bạn chỉ việc khóc……còn mọi việc đã có ông Bụt hay ông A ông B bà C nào đó lo đã không còn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại bốn bề những là cuộc đua tranh ác liệt.
Và khi kết quả tuyển sinh đại học năm nay được công bố, rất nhiều Ông Bụt đã …………..đi vắng bỏ mặc biết bao nhiêu thí sinh dù điểm cao mà vẫn không đỗ vào trường như ý, bao nhiêu lá tâm thư được viết, hay một số bạn khóc lóc thảm thiết vì nghèo quá sẽ không thể đi học…….cũng không có ông Bụt nào xuất hiện.
Báo chí – mạng xã hội rào rào giật tít :
“Tốt nghiệp thủ khoa đầu vào đầu ra nhưng không xin được việc”
“Vì nghèo nên sợ sẽ không học được đại học dù thi đỗ….”
“Vì lý lịch nên 30.5 điểm vẫn không được vào Học viện Cảnh sát….”
Dư luận phân luồng mạnh mẽ, người thương cảm cho hoàn cảnh khó khăn của các bạn nhưng cũng có những ý kiến trái chiều.
Tại sao cứ nhất định phải vào trường A trường B nào đó mà không phải làm một lựa chọn khác?
Tại sao cứ mặc định rằng nghèo thì không có khả năng theo học ngay cả khi chưa thử nhìn nhận và giải quyết trở ngại từ một góc nhìn khác.?
Tại sao cứ phải là……..Đại học, trong khi đại học chưa bao giờ là tấm vé đảm bảo bạn không thất nghiệp?
Và kỳ lạ nhất, tại sao lại……..Khóc, hỡi những người trẻ?
Đọc lá tâm thư gửi Chủ tịch nước, gửi Bộ Trưởng của hai bạn thí sinh không vào được trường Cảnh sát chỉ vì lý lịch tôi thấy việc đó hoàn toàn bình thường. Học đại học cũng chỉ là một cuộc đầu tư và cũng có những luật chơi riêng của nó mà mọi thí sinh cần phải tuân thủ; cũng như học viên sư phạm không được phép nói ngọng hay học viên trường múa không được có dị tật. Và nếu thấy không phù hợp, thì cũng không phải là bầu trời sụp đổ, có khi nào các bạn đang quá thiết tha đòi hỏi “những ông Bụt” hiện ra cho bạn những ngoại lệ bất bình đẳng so với những người khác, mà quên đi rằng còn rất nhiều những cánh cửa tươi đẹp khác sẵn sàng chờ đón bạn.
Tôi không cảm thấy đồng cảm nhiều với những câu chuyện đó của các bạn thí sinh mà chỉ cảm thấy có phần buồn và xấu hổ vì sự mềm yếu không đáng có ở một bộ phận các bạn trẻ ngày nay- những người đáng lẽ phải là thế hệ mạnh mẽ nhất – nhiệt huyết nhất của một đất nước.
Tôi nhìn nhận những giọt nước mắt đó – những bức tâm thư đó giống như một hình thức ăn vạ xã hội – ăn vạ số phận. Vì tôi nghèo, vì tôi khó nên tôi có quyền kêu?
Nhiều người tàn tật họ không kêu than mà còn người khác phải ngước nhìn những nỗ lực. Nhiều người nghèo khổ ở đáy cùng xã hội cũng quật cường vật lộn mà chiến đấu đến cùng với muôn mặt cuộc sống khó khăn thay vì ngồi yên than khóc. Thì tuyệt nhiên, những người trẻ tuổi – khoẻ mạnh và có tri thức không được quyền tự cho phép mình mềm yếu dễ dàng đến vậy.
Nếu như ở một quốc gia giàu có, bạn kêu rằng vì nghèo nên mặc dù học giỏi nên bạn không được học, chắc là sẽ nhiều người chú ý vì giữa số đông người giàu, vài người nghèo có khi là hiện tượng. Nhưng ở nước ta, một nước vừa thoát khỏi mức thu nhập thấp chuyển sang thu nhập trung bình, và cái lam lũ – khốn khó vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng bao trùm phần đông các nông thôn – các vùng xa xôi hẻo lánh khắp ba miền Bắc Trung Nam thậm chí ngay trong lòng các đô thị lớn, thì việc kêu nghèo xem ra sẽ thật là lạc điệu.
Câu hỏi nguồn tài chính để duy trì việc học đại học, bản thân mỗi thí sinh phải tự trả lời cho mình ngay từ rất lâu trước khi đăng ký dự thi, phải là một kế hoạch tường minh và thành thật với chính bản thân. Nếu đỗ, tiền đâu để học? Nếu không đỗ, sẽ làm gì tiếp theo? Những câu hỏi cơ bản ấy không ai trả lời thay được ngoài chính các bạn. Tuổi 18 – tuổi của những công dân trưởng thành cũng là tuổi của những phép tính quan trọng đầu đời mà các bạn cần tính toán với tất cả sự tỉnh táo và trách nhiệm với chính bản thân và gia đình. Điều đó thiết thực hơn rất nhiều việc cứ dự thi ngay cả khi không xác định được phương hướng để rồi lúc nhảy xuống nước rồi mới nhớ mình không biết bơi.
Cái nghèo cái khó không có lỗi, chỉ có thái độ chưa đúng của bạn với trở ngại là có lỗi hơn cả. Ở chính các nước phát triển như Anh và Mỹ, cũng không phải ông bố bà mẹ nào cũng đủ năng lực hoặc hào phóng để chi trả cho con cái học đại học. Các nước trên thế giới đều chỉ nỗ lực phổ cập giáo dục phổ thông, chứ chưa thấy nước nào phổ cập đại học – bậc học dành riêng cho những người có năng lực và khả năng tài chính. Chuyện đi vay ngân hàng để học, đi làm thêm để học, hoặc tích luỹ đủ để có đủ khả năng đi học…..dường như đã trở thành câu chuyện quá phổ biến đối với học sinh nhiều nước trong đó có cả Việt Nam. Nhà nước ta đã có chiến lược hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học –cao đẳng bằng các khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội có ở khắp các tỉnh thành. Vậy thì lý do gì đã vội kết luận rằng sợ vì nghèo sẽ không theo học được trong khi đơn xin vay bạn còn chưa nộp???
Đã từng trải qua một quãng đời như thế khi còn là một du học sinh, tôi cũng đã từng có những lúc phải đứng giữa hai lựa chọn sống còn hoặc học tiếp đến cùng khi hoặc đi về vì tài chính không cho phép. Tôi đã chọn học bằng mọi giá để thử thách chính bản thân mình giữa những áp lực dữ dội của cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người, không người thân thích.
Và những năm tháng vô giá ấy giúp cho tôi hiểu sâu sắc một điều rằng: chúng ta sẽ không bao giờ thực sự thất bại cho đến một ngày chúng ta chấp nhận ngừng cố gắng.
Vậy nên, đừng khóc nữa, ngẩng cao đầu và hãy hành động đi!
Hoàng Huy.
http://vietnamnet.vn/…/dung-nhay-xuong-nuoc-roi-nho-ra-minh…
GIẢI ĐÁP BÍ ẨN: VÌ SAO VIỆT NAM NGÀY CÀNG NHIỀU "EM BÉ TUỔI 30"???
(Bài đăng trên Vietnamnet )
“Con ăn gì nào?” “Gì cũng được mẹ ạ.”
“Thế con uống gì” “Gì cũng được ạ”
Tình cờ một mẩu hội thoại ngắn của hai mẹ con ở quầy bán đồ ăn nhanh trong siêu thị thu hút sự chú ý của tôi, khi ấy đang đứng xếp hàng phía sau. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như “cậu bé” trong câu chuyện mới chỉ khoảng tầm…20 tuổi. Tôi giật mình nhận ra rằng “Gì cũng được ạ”, “Thế nào cũng được” là một câu trả lời mà tôi nghe thấy nhiều từ những bạn trẻ mà tôi hay tiếp xúc kể từ khi trở về Việt Nam.
Đến mức độ, tôi có cảm giác rằng với một số những cô cậu học trò và với cả nhiều bạn trẻ thanh niên tầm tuổi tôi, “thế nào cũng được ạ” trở thành một câu trả lời quen thuộc cho mọi câu hỏi. Nó luôn được bật ra nhanh như thể một phản xạ được rèn luyện từ lâu.
Nhiều người sẽ nghĩ, điều đó chẳng có gì đáng để bàn vì đôi khi đó chỉ là biểu hiện của một người dễ tính, xuề xoà; nhưng ở một góc nhìn khác: biểu hiện này cũng rất có thể là kết quả của một thời gian dài, ý thức tranh biện- phản biện hay kỹ năng bày tỏ ý kiến cá nhân đã bị triệt tiêu rất sớm ngay từ môi trường gia đình.
Với ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá đặc trưng của dân tộc, quyền được đưa ra ý kiến- được phản biện ý kiến của người dưới với người trên luôn là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm và ít được nói đến. Nhiều khi ý kiến riêng của người trẻ đưa ra thường bị quy chụp là thiếu lễ độ, lễ phép, là “trứng khôn hơn vịt”. Ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt, lẽ phải luôn thuộc về những người lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn. Nghiễm nhiên, quyền quyết định luôn thuộc về bề trên, còn lớp trẻ thì “biết gì mà nói”. Thói quen tôn trọng và hỏi ý kiến của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời đã bị xem nhẹ và tiếp diễn trong suốt quá trình trưởng thành.
Thêm vào đó, các nhà trường truyền thống của Việt Nam, nơi thầy cô luôn đưa ra những câu trả lời được cho là chuẩn mực cho những câu hỏi, những vấn đề… thay vì học trò được quyền có những câu trả lời của riêng mình đã góp phần đáng kể nhấn chìm ý thức tư duy độc lập của học sinh. Tư tưởng “văn mẫu – bài mẫu – quan điểm mẫu” đã tạo những lớp đồng phục tư duy tẻ nhạt của những tâm hồn trẻ: Cám luôn luôn là ác, và Tấm rất chi là hiền…Tuyệt nhiên không có khoảng trống cho bất kỳ sự khác biệt nào.
Như một hệ quả tất yếu, dần dần hình thành một lớp thế hệ công dân không-có-chính-kiến, không có những ý kiến riêng của riêng mình về một vấn đề nào đó dù nhỏ hay lớn. Là mầm mống cho một lối sống thờ ơ, hời hợt và dài lâu hình thành sự vô cảm đáng sợ ở một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhởn nhơ trước bạo lực và ngoảnh mặt trước bất công.
Kinh nghiệm thường được coi là vốn quý, là tinh hoa của những tháng năm trải nghiệm cá nhân, đươc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, kiến thức lại là vô bờ và không ngừng lớn rộng thêm từng ngày, trong khi kinh nghiệm thì lại luôn có hạn sử dụng và không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Hạn sử dụng của kinh nghiệm có xu hướng càng ngày càng bị rút ngắn lại trong bối cảnh thế giới đổi thay ngày một nhanh hơn như hiện nay. Một ví dụ dễ quan sát nhất đó là sự lấn át lẫn xung đột của chủ nghĩa kinh nghiệm các bà mẹ chồng với các nàng dâu hiện đại trong nuôi dạy con cái.
Sự áp đặt của người lớn đôi khi sẽ chỉ kìm hãm tư duy độc lập của người trẻ, và đó là lý do của thế hệ “những em bé tuổi 30” như chúng ta đôi khi có thể quan sát đâu đó như hiện nay –mà thủ phạm chính là sự lấn át về tư duy, sự bó hẹp về những sự lựa chọn trong thời gian dài của gia đình – bố mẹ, thầy cô và xã hội.
Phải chăng đó là một sự bất bình đẳng giữa các thế hệ? Phải chăng đó là một góc cạnh chưa hợp lý của những tư tưởng “khôn đâu tới trẻ, khoẻ đâu tới già” vẫn đang lan truyền biết bao đời nay?
Thay vì định hướng, và chỉ dẫn, người lớn không nên sử dụng quá bừa bãi quyền phủ quyết của mình để quyết định thay – sống thay luôn cuộc sống của những người trẻ. Bởi lẽ, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, triệt tiêu mâu thuẫn một cách bất hợp lý cũng sẽ triệt tiêu luôn sự phát triển không chỉ của một hay vài thế hệ, mà còn là của đất nước. Nói một cách hài hước, “quyền đươc cãi” là một quyền mà có lẽ mà phần đông người Việt trẻ bị tước đoạt một cách bất hợp lý nhất và có hệ thống nhất.
Một trong những kỹ năng quan trọng mà giáo dục gia đình (parenting) cần phải làm được đó là dạy được cho trẻ kỹ năng bày tỏ ý kiến ngay từ những tháng năm đầu đời. Đã đến lúc xã hội phải có một góc nhìn cởi mở hơn , không phải cái gì có trước, cái gì lâu đời hơn thì sẽ là bất biến, là chân lý mãi mãi.
Là một câu chuyện vui nhưng hoàn toàn có thật, thường trong các buổi giới thiệu về công ty cho các nhân viên mới được tuyển dụng, tôi thường nửa đùa nửa thật nói “Ngoài các quyền lợi thông thường ở các công ty khác như lương – thưởng, ở đây, các bạn còn có một quyền đặc biệt đó là “Quyền được cãi” –quyền được phản biện để bảo vệ ý kiến của mình một cách chính đáng và xây dựng trước cấp trên và đồng nghiệp. Không có ý tưởng nào là luôn luôn đúng hay là tốt nhất, bởi sẽ luôn có những ý tưởng tốt hơn”.
Thật vậy, hãy trả lại “quyền được cãi” cho giới trẻ để chúng ta có thêm những thế hệ mới được độc lập tư duy, tự tin chèo lái đất nước tới những đỉnh cao mới.
Hoàng Huy.
THỦ KHOA KÉP VẪN THẤT NGHIỆP & NỖI ỚN LẠNH NHÂN SỰ "BẰNG ĐỎ".
(Bài đăng sáng nay trên Vietnamnet )
Lướt qua những trang báo, bạn sẽ dễ tìm thấy những bản tin buồn: thủ khoa kép (đầu vào - đầu ra) vẫn thất nghiệp, hay thạc sỹ, cử nhân đua nhau đi học.......trung cấp, thoạt nhìn có vẻ chua chát, có vẻ thêm một cái cớ để người ta đổ lỗi cho ngành giáo dục.Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận đây như những tín hiệu vô cùng đáng mừng cho đất nước, một sự đổi thay lớn đang đến gần.
Những tín hiệu này cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường lao động đang và sẽ thực hiện sứ mệnh tự sửa chữa và điều chỉnh lại những bất hợp lý và lỗ hổng chất lượng đào tạo của ngành giáo dục- như một liều kháng sinh cần thiết.
Cuộc đua nhà nhà vào đại học, và phong trào phổ cập thạc sỹ, tiến sỹ tràn lan sớm muộn cũng sẽ phải đến hồi kết. Sự thần tượng mù quáng về bằng cấp, về danh hiệu......của đại đa số học sinh- sinh viên và gia đình các em cần phải bị sụp đổ mới có chỗ cho những đổi thay cần phải có.
Với tôi, đi học ngoài chuyện là cuộc hành trình đi tìm kiến thức- đi tìm tự do, luôn luôn là một cuộc đầu tư cần tính toán kỹ nhất trong cuộc đời mỗi con người.Trong đó tâm huyết-thời gian- tiền bạc và trí lực của người học và gia đình là dòng vốn, ngành học (học những gì- học ở đâu) chính là các danh mục đầu tư (portfolio), và chất lượng cuộc sống của bản thân người học sau khi tốt nghiệp chính là các tiềm năng về lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt Nam không nghĩ vậy.
Tập quán đầu tư theo "hiệu ứng đám đông" của các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đang làm cho cán cân lao động của Việt Nam ngày càng mất đi sự cân bằng cần thiết cho một nền kinh tế khoẻ mạnh. Đã có thời toàn dân đổ xô cho con đi học IT như thể ngày mai nước ta ngay lập tức thành một thung lũng Silincon thứ hai, và dòng thác chứng khoán - ngân hàng cũng làm người ta mơ tưởng đến những Wall Street Việt chưa bao giờ tới. Cái luẩn quẩn "đại học là học đại" giống như cái vòng kim cô xiết hẹp dần lại tương lai của không chỉ nhiều bạn trẻ mà còn của đất nước.
Bằng tốt nghiệp dù có là hạng gì, ở trường nào, cũng chỉ dừng lại ở chức năng xác nhận rằng bạn đã hoàn thành một khoá học ở một trường học nào đó chứ hoàn toàn không phải là tấm vé đảm bảo rằng bạn sẽ có một chỗ đứng phù hợp như mong muốn trong đội quân lao động ngoài kia, càng không có vai trò như một bảo chứng cho sự thành công dài lâu của bạn.
Tuổi trẻ thường có thói quen ngủ hơi lâu và hơi sâu trên những thành công ban đầu mà quên mất rằng thành công luôn được xếp đặt xen kẽ với những thử thách mới tịnh tiến theo hướng khắc nghiệt hơn. Và nhiều bạn trẻ sẽ vẫn mãi bồng bềnh trên những nhầm tưởng cho đến khi họ đón nhận những thất bại đầu tiên sau cánh cổng của trường đại học khi mang hồ sơ đi xin việc, khi họ hiểu được rằng doanh nghiệp không phải là giảng đường, và chắc chắn ở đó không có những thầy cô giám khảo dễ dãi, mà chỉ có những nhà tuyển dụng vô cùng khắt khe.
Dưới vai trò của một nhà tuyển dụng, tôi ngỡ ngàng với năng lực thực tế của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Bên cạnh một số ít ứng viên xuất sắc, là một tỷ lệ rất đông những hồ sơ không-biết-phải-nhận-xét-thế-nào.
Có rất nhiều ảo tưởng, có rất nhiều mơ hồ, có rất nhiều tự ti và cũng không ít những sự thất vọng khó nói hết thành lời. Một hiện thực dễ thấy là sự thụ động của phần đông các bạn sinh viên hiện nay.
Bằng giỏi đi kèm với những bản CV viết không thể cẩu thả hơn, những câu trả lời ngô nghê; bằng khá đi kèm với trễ hẹn giờ phỏng vấn, sự thiếu kinh nghiệm còn gói bọc qua loa trong những lời nói dối vụng về......có lẽ không còn là mới ở nhiều công ty mỗi mùa tuyển dụng.
Có lẽ, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ không-làm-được-việc để định rõ trách nhiệm giữa ngành lao động và ngành giáo dục, hơn là một sự nhập nhèm trong những con số như hiện nay. Nếu như không kiến tạo đủ việc làm là lỗi vĩ mô, thì không đủ năng lực làm việc lại là quả đắng chung của "những nhà trường dạy kiến thức 60 năm trước" và bản thân những cá nhân dại khờ tin tưởng "học trên trường" là đủ.
Đất nước vừa đón nhận một vị Bộ trưởng Giáo dục mới, và rất may mắn vì tân Bộ trưởng không nhận mình là "tư lệnh", không coi "giáo dục là trận đánh lớn" nữa.
Nhân dân đã quá mệt mỏi với những "trận đánh liên miên trong giáo dục" suốt mấy chục năm qua, hơn bao giờ hết họ đang cần một nền giáo dục bình yên và ổn định để tạo ra một tương lai sáng hơn cho con em họ, cho đất nước. Giáo dục tuyệt nhiên không thể là chuỗi nối dài của những cuộc thử nghiệm, và học sinh tuyệt nhiên không thể là những sản phẩm thí nghiệm thêm nữa. Chiến tranh, một quyết định sai của chiến tướng, sẽ hi sinh sinh mạng của một thế hệ; còn giáo dục, một cải cách sai lầm kéo lùi sự tiến bộ của ít nhất vài thế hệ.
Thời đại "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ...." dù muốn hay không cũng sẽ phải sớm chấm dứt để trở về đúng quy luật để trở về thành đấu trường lành mạnh nhưng khắc nghiệt của năng lực đích thực. Sẽ sớm thôi!
Hoàng Huy.
NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ......
NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ......
Có vẻ mấy hôm nay, bài dân ca này lại trở lại thành bài hát được yêu thích và bình luận nhiều sau khi báo chí và cộng đồng mạng đưa lên việc TS Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ, rời nước ngoài về quê hương, chỉ vì muốn chuyên tâm làm khoa học, từ chối làm lãnh đạo mà bị coi là "có vấn đề về thần kinh" lại thêm một bài báo phỏng vấn TS Nguyễn Thành Vinh, cựu Á Quân Olympia, về chuyện "Đừng hỏi vì sao chúng tôi không trở về?".
Cộng đồng du học sinh một lần nữa phân hoá khá rõ qua những phát ngôn này.
A. Đúng, về làm gì. Vietnam blah blah.....
B. Không, phải về chứ. Vietnam là quê hương.....
Mình không phải A không phải B mà đơn giản nói tiếng nói của mình. Không động viên người về và cũng không an ủi kẻ đi.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cá nhân. Không có lựa chọn nào tuyệt đối đúng và cũng không có lựa chọn nào tuyệt đối sai, nhưng về cơ bản, ở một khúc quanh nào đó trên cuộc đời mình, bạn buộc phải lựa chọn- một quyết định của riêng mình. Và một khi đã lựa chọn, xin bạn vui lòng đừng hối hận, đừng dằn vặt bản thân và cũng đừng ồn ào than thân trách phận.
Nếu bạn chọn đúng, ok, chúc mừng bạn, bạn là người may mắn, bạn hãy hạnh phúc với con đường ấy nhé.
Nếu bạn chọn sai, không có nghĩa bạn là người không may mắn, không có nghĩa là bạn có quyền hối hận, trách móc và đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho cơ chế, cho ABC đã làm bạn XYZ. Đó là sự lựa chọn của chính bạn mà.
Cuộc đời không quá dài và không đủ hào phóng để cho mỗi chúng ta nhiều thời gian để có thể nâng lên, đặt xuống nhiều lần những thiệt hơn trong mỗi quyết định của mình.
Cuộc sống hiện đại và nhịp sống cuồn cuộn trôi bây giờ ngày càng giống như đi siêu thị hơn là đi chợ, bạn cần nhanh chóng quyết định- bỏ vào giỏ - thanh toán và đi, hơn là đứng mặc cả, thêm bớt, kỳ kèo để được thêm chút lợi ích nhỏ, sau đó lại hối hận đòi trả lại chính món hàng mình đã mua.
Tuy nhiên, với những bạn đã ra đi bằng học bổng nhà nước bằng tiền thuế của nhân dân, và nhất quyết không chịu trở về và cũng không chịu bồi thường, với cái lý do "là công dân toàn cầu thì ở đâu chẳng đóng góp được" thì tốt nhất các bạn nên nghĩ lại. Muốn trở thành công dân toàn cầu, trước hết bạn phải là công dân có trách nhiệm với chính quốc gia đã sinh ra bạn, đã nuôi bạn lớn khôn, và dành những đồng ngoại tệ quý báu từ mồ hôi của nhân dân để gửi các bạn đi học với niềm kỳ vọng "những hạt giống đỏ" sẽ trở về xây dựng quê hương. Nếu không trở về và cũng không chịu bồi thường, có lẽ tự các bạn đó đã tự đeo cho mình tấm mặt nạ của "những Chí Phèo thời hiện đại" - những tội phạm tham ô mang danh trí thức. Không chỉ chiếm đoạt tiền bạc của ngân sách mà còn là phản bội lòng tin của nhân dân. Các bạn cam kết những gì, hứa hẹn những gì khi "xin" học bổng, các bạn có nhớ không? Nếu không nhớ nổi, xin đừng ký kết vào những điều mình không thực hiện được. Tiền bạc và lòng tin của nhân dân đều có hạn. Đừng chọn cách đó để làm người Việt Nam khác biệt với người Hàn, người Nhật, thậm chí ngay cả với người Trung.
Cá nhân mình, trở về Việt Nam vì.........mình là một người tham lam, và chỉ yêu những gì trọn vẹn.
Trong định nghĩa hạn hẹp của mình, sống và làm việc ở nước ngoài với một môi trường yên bình, thu nhập tốt, xã hội văn minh là một điều may mắn và hạnh phúc, tuy nhiên lại là một thứ hạnh phúc chưa trọn vẹn. Mình chỉ cảm thấy trọn vẹn khi và chỉ khi ở Việt Nam, vậy là mình trở về. Vậy thôi!
"Saigon đối xử với anh như thế nào?"- một cậu em vừa khoe không khí Giáng Sinh ở London nhưng cũng không quên hỏi thăm mình như vậy...
"Sài Gòn ngày nào cũng tử tế với anh bằng rất nhiều thứ nắng ấm mà anh rất thèm rất nhớ khi ở trời Âu, thỉnh thoảng cũng cho giải khát bằng những cơn mưa ào ào như trút nước lúc chiều về. Nóng, kẹt xe dữ lắm, nhưng cơ bản anh thấy vui......"
Và ngoài kia dòng đời vẫn trôi, dù sự lựa chọn của bạn là gì. Hãy mỉm cười và đi về phía trước.
DU HỌC…….KHÔNG PHẢI LÀ GIẤC MƠ
Đã có rất nhiều bạn trẻ từng nhắn tin hỏi tôi “Du học có khó không hả anh?” “Em cũng muốn đi du học, em phải làm gì?”. Thường với những câu hỏi như vậy, tôi luôn dành cho các em một câu hỏi “Các em có nghĩ rằng du học là một giấc mơ không?” trước khi trả lời những câu hỏi thật chi tiết. Một số bạn có thể vì không hiểu ý tôi, nên rất vô tư trả lời rằng “Em mơ được đi du học lâu lắm rồi anh ạ. Với em, đó là một giấc mơ.” Nhưng quả thật, bằng trải nghiệm của bản thân và của rất nhiều những người bạn quanh tôi trong những tháng ngày đi kiếm tìm con chữ nơi xứ người, chúng tôi thực sự tin rằng du học thực sự…………..không phải là một giấc mơ. Có ít nhất hai lý do cho niềm tin của chúng tôi.
Thứ nhất, trong “giấc mơ” – trong suy nghĩ của những bạn trẻ chưa lên đường, “du học” có vẻ như là một mỹ từ “sang chảnh”với đầy những ánh sáng lấp lánh của những điều mới lạ nơi chân trời mới mà đôi khi sự mê say và háo hức của tuổi trẻ - của những người ít khi rời xa vòng tay bố mẹ, đã che khuất đi những hình dung cần thiết trước một cuộc hành trình quan trọng của cuộc đời. Không chỉ có những tòa nhà cao ốc hiện đại thách thức bầu trời, không chỉ có những đồng cỏ xanh non thơ mộng, không chỉ có lá vàng trải dài theo những con phố, không chỉ có những bức ảnh selfie ấn tượng “vạn người mê”………mà đằng sau đó là những áp lực học hành và thi cử luôn sẵn sàng hạ gục những người trẻ chưa đủ quyết tâm chinh phục đỉnh cao học vấn. Còn là những ngày tháng dài, mà Alone (một mình) trở thành từ khóa hàng đầu trong từ điển của những người con xa xứ, một tính từ biết khóc, biết ngã, rồi lại biết tự mình đứng lên để ngẩng mặt, hướng cao đầu đi về phía trước một cách đầy mạnh mẽ như ta cần có để có thể lớn khôn. Với những nốt trầm xao xuyến ấy, du học khó có thể là một giấc mơ tươi đẹp và lung linh, nhưng vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời nên thử khi chúng ta còn trẻ.
Thứ hai, trong thế giới phẳng, du học ngày nay không chỉ còn sân chơi riêng – mảnh trời riêng cỏn con của “con nhà người ta” “con nhà giàu” mà đã trở thành một sân chơi bình đẳng và công bằng cho tất cả những người có quyết tâm, có năng lực và đủ thực tài. Du học hoàn toàn không phải là một giấc mơ viển vông nếu như bạn tin rằng mình giỏi. Nếu bạn giỏi, hoặc bạn tin rằng con mình giỏi, hãy để thế giới văn minh biết điều đó. Có điều những cơ hội vàng từ bên kia bán cầu sẽ không ngồi yên mà chờ đợi bạn nếu bạn chỉ biết “mơ” và “mơ”, muốn du học không còn là giấc mơ xa xôi, hãy hành động. Hơn nữa, còn cần phải hành động một cách có chuẩn bị tốt và chuyên nghiệp, rất có thể cuộc đời và hành trình học vấn của bạn sẽ rẽ sang một trang mới, tươi sáng hơn hay không còn tùy thuộc vào bạn, những chắc chắn là khác hẳn những gì bạn từng thấy, từng hiểu về một nền giáo dục.
Bài viết gây tranh cãi: DU HỌC LÀ ĐỂ………..TRỞ VỀ????
(Bài đăng trên Tuần Việt Nam - Vietnamnet )
Du học ngày càng trở thành kênh đầu tư nóng bỏng trong cộng đồng bố mẹ Việt. Người người nhà nhà muốn sử dụng du học như một tên lửa đẩy bắn “của để dành – hạt giống tương lai” của mình bay vào quỹ đạo của những nền giáo dục tiên tiến – những quốc gia văn minh. Tuy nhiên, câu chuyện hậu Du học: nên ở hay nên về luôn luôn là một câu hỏi không dễ trả lời, nhất là với những trong cuộc: những du học sinh.
Nhiều năm trước, chính bản thân tôi, đã từng có thời hồ đồ mà nghĩ rằng “Chúng ta chỉ sống một lần, và chúng ta được quyền chọn nơi nào tốt nhất, tuyệt nhất để sống cuộc đời này.” Nhưng rồi đến một ngày, sau khi đã đi đủ xa, học đủ thấm, tôi thấy mình sẽ có phần “bất hiếu” nếu như tiếp tục giữ suy nghĩ đó trong đầu, đơn giản là vì tôi chưa bao giờ dám “mặc cả” với bố mẹ mình rằng “Bố mẹ sinh con ra là phải cho con được sống trong đầy đủ vật chất đấy nhé, khốn khó quá con sẽ không làm con của bố mẹ nữa, sẽ làm con nhà khác….”. Vậy đấy, chúng ta ta mãi mãi không có quyền lựa chọn hai điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống này: gia đình và Tổ Quốc.
Bao nhiêu năm du học ở nước ngoài, tôi vẫn cứng nhắc và bảo thủ yêu cầu bạn bè và thầy cô gọi tôi đúng bằng cái tên thuần Việt mà cha mẹ đã đặt cho tôi trong khi nhiều bạn bè tôi có vẻ rất hào hứng thích thú với những cái tên Tây lạ hoắc, nào Amy, nào Annie, nào Johny…..
“Nope, I am Huy, not Harry, not Hugh, not Tony….,just Huy.”
(Không, tôi là Huy nhé, không phải Harry, không phải Hugh, không phải Tony…..chỉ là Huy thôi) - tôi đã nhiều lần phải đính chính như thế trước khi người ta kịp đặt cho tôi một cái tên Tây lạ hoắc mà chính tôi cũng không quen. Sâu thẳm sau đó là sự kiên định quyết không chịu quên nguồn gốc Việt Nam của mình.
Có một tâm lý cực kỳ mâu thuẫn đang lan tràn trong rộng khắp xã hội Việt Nam bây giờ: nhiều người ngưỡng mộ Singapore, ngưỡng mộ Hàn Quốc, Nhật Bản vì sự phát triển thần kỳ của họ, ai cũng ước mơ một ngày nào đó chúng ta theo kịp họ. Nhiều người tỏ ra tiếc thương Lý Quang Diệu – một trong những du học sinh xuất sắc nhất của thế kỉ 20, khi ông ra đi. Tuy nhiên, xu hướng tâm lý “Du học, đi đi đừng về!” hay “Đã sang được đến Mỹ rồi, sao lại về?” đã bao giờ ngủ quên một phút trong phần đông tâm thức người Việt? Phải chăng chúng ta chỉ thích uống rượu vang ngon nhưng không bao giờ muốn trồng nho?
Tôi tự hỏi mình:
Singapore bây giờ sẽ như thế nào nếu như không có một Lý Quang Diệu dám dũng cảm trở về từ Anh Quốc? Rất có thể sẽ có một ông luật sư Lý Quang Diệu nổi tiếng với văn phòng luật ngay trên phố Baker Street, Luân Đôn….nhưng chắc gì đã có một đảo quốc sư tử xinh đẹp – niềm tự hào của Đông Nam Á.
Hàn Quốc bây giờ sẽ như thế nào nếu như không có hàng vạn du học sinh Hàn Quốc tình nguyện trở về, đồng sức đồng lòng cùng vực dậy một đất nước đói kém và lạc hậu sau chiến tranh? Rất có thể sẽ có những cộng đồng người Hàn Quốc đông đúc và sầm uất hơn ở New York, ở San Francisco, ở Paris……nhưng chắc gì người ta đã biết đến Hàn Quốc như con rồng kinh tế Đông Á như ngày nay.
Nhìn những người bạn quốc tế của tôi, học xong ở xứ người, họ hồ hởi cầm tấm bằng về đóng góp cho quê hương họ trong khi nhiều bạn bè tôi mang CV chạy ngược chạy xuôi mong kiếm tìm được một công việc ở lại, tôi cảm thấy chạnh lòng.
Phải chăng Việt Nam đông đúc và tắc đường hơn Ấn Độ, Pakistan?
Phải chăng Việt Nam nghèo – đói và nóng hơn Phi Châu?
Hay phải chăng Việt Nam chưa phát triển xứng tầm không phải là do thiếu tài nguyên, thiếu tiềm năng, thiếu cơ hội……..mà là do thiếu những con người dũng cảm và dám dấn thân?
Không có ai dám khẳng định, với du học sinh, ở lại hay trở về là chắc chắn sẽ thành công.
Tôi tin rằng ở nước ngoài, có nhiều triển vọng để thành công, có nhiều cơ hội để hạnh phúc, tuy nhiên, nếu là người Việt, mảnh đất duy nhất trên thế giới này mà bạn có thể hạnh phúc trọn vẹn chỉ có thể là Việt Nam.
Mỗi đất nước đều có những vấn đề - những khó khăn, hạn chế riêng của mình; tại sao lực lượng du học sinh, những tinh hoa của tuổi trẻ đất nước được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đã được đi được thấy được trải nghiệm những điều mới lạ và tốt đẹp lại không là lực lượng tiên phong mang về những làn gió mới cho đất nước?
Có những vấn đề chung, thế hệ 6x-7x chưa giải được, những mong 8x-9x sẽ tiếp tục giải quyết, nhưng chúng ta thoái thác, đùn đẩy lại, cứ thế cứ thế, chúng ta già đi trong sự vun vén cá nhân để lại một đất nước cô đơn giữa một dân số tưởng chừng như đông đúc.
Có một sự khác biệt rất rõ nét trong tư duy của người Việt và người Phương Tây.
Người Việt nghĩ, đằng sau sự giàu có là gì? Là siêu giàu!!!! Còn phương Tây? Đằng sau sự giàu có là gì? Là Tổ Quốc, là sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người.
Chúng tôi không muốn chỉ quan tâm đến đất nước, đến gia đình mình bằng những đồng ngoại tệ gửi về đính kèm những ánh mắt nhớ thương chưa bao giờ dám rơi nước mắt. Chúng tôi muốn dấn thân, muốn một lần được sống hết mình vì Tổ Quốc nơi đã nuôi chúng tôi lớn khôn từ củ sắn củ khoai, từ mặn mòi muối biển.
Để kết lại bài viết này, có lẽ xin mượn lời của cha tôi, một cựu du học sinh thế hệ 4x, một người đã dũng cảm trở về và chưa bao giờ hối tiếc, đã nói với tôi- một du học sinh 8x
“Tuổi trẻ không dùng để thở than, để lo lắng, quan ngại…..từ xa…….nếu có tài năng, hãy trở về để cùng đẩy đất nước mình đi lên!”
"SỰ NỔI LOẠN CỦA TƯ DUY": 5 LÝ DO ĐỪNG CỐ HỌC QUÁ GIỎI KIỂU VIỆT NAM.
Ăn thì phải no, học thì phải giỏi, yêu là phải cưới, cưới là phải sinh con, sinh con thì con cũng phải học giỏi, học giỏi là phải trường chuyên, trường chuyên nhưng còn phải lớp xịn, lớp xịn là phải đỗ đại học, đại học là phải top đầu, top đầu là phải……không thất nghiệp, và không thất nghiệp…..rất có thể phải “chạy” – điều mà những người Giỏi thực sự không bao giờ làm. Bạn thấy đấy, rất nhiều nghịch lý luẩn quẩn hiện có trong xã hội của chúng ta đều ít nhiều liên quan đến một từ: GIỎI. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn nghĩ chúng ta chẳng nên cố bằng mọi giá để học quá giỏi? Dưới đây là 5 lý do mà bạn có thể sẽ cực kỳ “phản đối” !
1. Để học giỏi ở Việt Nam cần phải tốn quá nhiều thời gian cho việc học, học trên lớp, học ở nhà, học thêm, học phụ đạo……trong khi một ngày mãi mãi cũng chỉ có 24 giờ do đó, thời gian dành cho những thói quen lành mạnh như chơi thể thao, thư giãn rèn luyện thân thể không có nhiều và càng học lên cao càng bị cắt ngắn, dẫn đến nguy cơ lâu dài: sức khoẻ yếu. Sức khoẻ yếu, học giỏi vô nghĩa!
2. Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải “học đều” – một khái niệm đặc sản nhưng không hề thơm ngon của nền giáo dục Việt Nam, tức là phải học giỏi tất cả các môn, đầu tư thời gian dàn trải để giỏi tất cả các môn đồng nghĩa là rất khó cho bạn để có chặng nghỉ nghĩ về những gì mình yêu thích nhất và có tiềm năng phát triển nhất. Rất nhiều học sinh giỏi cái gì cũng giỏi nhưng chẳng thật sự giỏi cái gì. Rất nhiều học sinh khi được hỏi “Em thích làm gì nhất?”, trả lời “Em không biết.” Một hành trang quá cồng kềnh và bị nhồi nhét chỉ làm cho cuộc hành trình của bạn thêm mệt mỏi. Hãy biết chọn lọc!
3. Để hoc giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải hấp thụ rất nhiều kiến thức bạn học xong không biết để làm gì? Không là kỹ sư, không theo nghiệp kỹ thuật, bạn sử dụng đạo hàm, sử dụng hàm số, sử dụng tích phân để làm gì……….? Mà muốn sử dụng, bây giờ có vô số phần mềm và ứng dụng làm thay con người những tính toán đó. Bạn có định tự kéo cày trong khi nhà có trâu và có máy? Người ta hay nhắc bạn tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, nhưng không ai nhắc bạn tiết kiệm tài nguyên não của chính bạn.
4. Để học giỏi ở Việt Nam, ít nhiều bạn bị mất một chút tự do, và buộc phải là bản sao tư duy của ai đó. Nói đến Tấm là phải ngoan hiền, nói đến Cám là phải gian ác, trong khi bạn đang nghĩ đến điều ngược lại, nhưng không được đâu, cô không thích điều này! Bạn chưa hiểu, bạn cần học lại, học kỹ hơn, không được, lớp cần 90% học sinh giỏi, chỉ tiêu chỉ được 10% học sinh khá, và tuyệt nhiên không được ai ở lại lớp. Bạn cần phải là một bông hoa đẹp trong vườn hoa toàn Học sinh Giỏi của cả lớp, của trường, trong cánh rừng học sinh giỏi của Thành phố. Việc chấp nhận mất tự do tư duy từ nhỏ trong học đường làm cho bạn dễ chấp nhận hơn với việc mất tự do trong cuộc sống sau này.
5. Để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị mẻ, bị nứt, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ và non nớt, vì thế nên bạn cần đi học để trưởng thành lên theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2, nhất định phải là số 1, và họ thi nhau chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề mà chính bạn cũng không thể biết được đâu là tới hạn. Đến khi bạn kém giao tiếp, ứng xử lúng túng, không biểu đạt ngay cả những gì mình muốn nói, không tự tin giữa đám đông chỉ vì ngoài giờ học bạn không còn người bạn thân nào hơn Facebook, Zalo và máy tính và điện thoại, không có thời gian để quan sát cuộc sống tươi đẹp xung quanh. Coi chừng! Rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen Học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ của bạn.
Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn tai hại giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga "Tương Lai Hạnh Phúc" thế là cứ cố nhồi con học cho đến khi họ nhận ra sự thật bẽ bàng: học giỏi mà không hạnh phúc thì còn bất hạnh hơn học dốt mà biết cái gì là tốt.
Vấn đề không nằm ở Bộ Giáo dục, mà nằm ngay trong chính tâm thức mỗi ông bố bà mẹ: có dám để cho con mình học dốt - học theo đúng năng lực của mình hay không, hay sợ dư luận chê cười? Sợ đến chết!
Bên cạnh quyền được Khổ, quyền được Dốt cũng là một trong những quyền của học sinh đang bị phụ huynh Việt xâm phạm thô bạo.
Nếu con bạn là cây Tùng xin đừng trồng trong chậu, chăng đủ thứ đồ trang trí lên và gọi nó là cây Thông Noel.
Thôi thì, thà dốt theo cách của mình còn hơn giỏi theo cách của cả lớp.
ĐỐI THOẠI TÂY & TA: HỌC DỐT CÓ KHI LẠI..........TỐT
Sau hơn 20 năm đi học, chỉ để rồi một ngày đẹp trời mình đã phát hiện một sự thật đắng lòng: "Mình là một thằng ngu", sau một cuộc trò chuyện nho nhỏ với một khoai Tây. Khi tính tiền, mình tính nhẩm nhoay nhoáy, viết ngay ra kết quả trong chớp mắt còn bạn ấy cần mẫn bấm máy tính những phép tính….cực đơn giản mà học sinh cấp 2 ở Vietnam tính chắc mất 3s.
Tây tỏ vẻ ngưỡng mộ “You seem to be good at Math, huh? (Mày có vẻ giỏi toán nhỉ?)
Ta (cúi mặt buồn rầu): “Mày đang nói chuyện với thằng dốt toán nhất ở Vietnam đấy….”
Tây: “Thế sao mày tính nhanh thế…..”
Ta: “Ah, bọn tao được học ở trường như thế và luyện trong nhiều năm, và tao là đứa kém nhất”
Tây: “Thế ah, bọn tao không được học thế, vì tính thì đã có máy tính rồi”
Ta: “Thế hồi bé bọn mày học cái gì ở trường…….”
Tây: “Bọn tao học đàn, học bơi, học kể chuyện, học vệ sinh cá nhân, học sang đường, học lịch sử và khoa học……Bọn mày không học thế ah?”
Ta: “Không”
Tây: “Thế bọn mày học gì…..”
Ta: “Bọn tao tập viết chữ đẹp và tập làm toán, học thuộc bảng cửu chương, rồi ôn thi và thi, thi rớt thì phải thi lại…..”
Tây: “Thế lúc lên lớp lớn thì học cái gì?”
Ta: “Bọn tao học các môn khoa học và Marxism (chủ nghĩa Mác) và mấy môn tương tự như thế?”
Tây: “Thật ah, mấy thứ đấy phức tạp mà chúng mày cũng học được…Giỏi thật đấy! Tao còn không biết môn đó là môn gì."
Lúc này Ta thiếu nước ôm mặt khóc, thôi Tây ơi, mày làm ơn đừng khen tao học giỏi nữa, tao đang ân hận vì đã phí mất mấy chục năm cuộc đời chỉ vì cái mỹ từ “Học giỏi” đấy. Thôi, cứ học Dốt như mày……..có khi lại Tốt.
Khổ nỗi, học Dốt, ai cho tôi học Dốt????
"Một câu hỏi lớn không lời đáp, để đến bây giờ Lệ vẫn Rơi"
VĂN MIẾU NÊN XÂY Ở ĐÂU?
Hiếm có nước nào mà nhân dân không hề hồ hởi, hoan hỉ mỗi khi đất nước có những công trình hoành tráng mới mọc lên như ở Việt Nam . Tháp cao nhất thế giới, tượng đài bà mẹ Việt Nam kỳ vĩ cho tới đường ống dẫn nước mỏng manh nhất thế giới, và gần đây nhất Văn Miếu trẻ nhất thế giới ở Vĩnh Phúc.....tất thảy đều sừng sững mọc lên giữa sự điêu đứng của muôn dân.
Lý do đơn giản lắm: "vì nhà mình còn nghèo".
Tỉnh nào thì mình không dám nói nhưng Vĩnh Phúc thì có ít nhiều duyên nợ, đã từng vài lần được tắm sông, vài lần được lang thang khắp những cánh đồng, vẫn chưa quên được những ấm nước đun sôi lên vẫn còn mùi.....giếng để cảm nhận sâu sắc rằng miền đất với những người nông dân chân chất ấy còn muôn vàn nghèo lúc ấy, và khó cho đến tận bây giờ.
Văn Miếu- biểu tượng của giáo dục Nho giáo phong kiến sẽ giúp gì được cho người dân nơi ấy hôm nay?
Không biết những người cho xây Văn Miếu ở Vĩnh Phúc họ cũng có đọc được ít nhiều sách Thánh hay không, nhưng chắc chắn họ chưa đủ Hiền, mà còn đang rất ác…..khi đốt cháy mồ hôi của bao nhiêu triệu người vào một công trình vô cùng lãng phí.
Không biết người nước ngoài đang được thờ phụng, cúng tiến trong các Văn Miếu từ Bắc (Hà Nội- Hưng Yên- Hải Dương- Bắc Ninh) cho đến Trung (Nghệ An) đến Nam (Biên Hoà, Vĩnh Long) kia Ngài có hiểu thấu nỗi buồn của dân ta không? Nhưng mình thì hiểu.....
Mình hiểu nét mặt buồn của nhiều triệu bà mẹ nước mình trước mỗi mùa khai giảng, chạy vạy khắp làng trên xóm dưới để có đủ tiền lo cho con được đến lớp bằng bạn bằng bè, để nên người có chữ.
Mình hiểu những bước chân tím tái vì lạnh của các em bé vùng cao trên đường đến trường mà không giày chẳng tất.
Mình hiểu nỗi lo sợ thường trực của những em bé ngày ngày chui vào túi nylon hay đu dây qua suối để đến trường khi dưới kia là vực thẳm.
Càng hiểu những điều đó, mình càng hiểu rằng Văn Miếu Vĩnh Phúc đã chọn rất nhầm địa điểm.
Thay vì đầu tư xây dựng tinh thần hiếu học trong lòng dân, khuyến học khuyến tài, họ lại xây lên một tinh thần đua đòi kiểu mới chỉ để chiêm bái, quỳ lạy những ngày xa cũ.
Thay vì 271 tỷ cho sách cho vở cho những điểm trường “cơm không thịt”, họ lại xây thêm một tượng đài biểu tượng cho sự phung phí tại một trong những vùng đất nghèo của một đất nước còn đầy gian khó.
271 tỷ - Sách hoá nông thôn được lắm chứ!
271 tỷ - Bằng bao nhiêu triệu bữa "Cơm có thịt"?
271 tỷ - Biến đổi được cuộc đời bao nhiêu con người còn đang sống nhờ sự học hơn là thờ phụng một người lạ đã khuất.
Và rồi mình nhận thấy nếu như thế giới này là một lớp học và mỗi quốc gia là một học sinh thì giáo viên chủ nhiệm đang lúng túng hơn bao giờ hết để xếp chỗ cho Việt Nam. Các bạn đều chia thành nhóm "các nước phát triển" - tức là bọn học giỏi, "các nước đang phát triển"- bọn đang thèm giấy khen, "các nước chậm phát triển"- bọn cá biệt, thì hiện nay có lẽ nước mình đang thênh thang ngồi một mình một bàn cuối lớp, bàn dành cho "các nước không thèm phát triển"- tức là tụi không thèm học nhưng vẫn cần lên lớp.
Có tí đắng vì nước nhà luôn đóng góp cho thế giới những khái niệm chưa hề có tiền lệ và không biết bao giờ mới tỉnh dậy khỏi những cơn mê.
Mê hoành tráng....
Mê tiến sĩ....
Mê bằng khen....
và rất mê cái Nghèo.
DU HỌC LÀ ………SƯỚNG
DU HỌC LÀ ………SƯỚNG?
(Tặng quý vị phụ huynh, những ai đã và đang là du học sinh, và những bạn trẻ đã, đang và sẽ đi theo ước mơ du học)
Sau bao nhiêu năm du học ở trời Tây, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc và thử thách của những ngày tháng xa nhà, mình cũng thường chỉ cười và không bao giờ trả lời khi ai đó vô tình hỏi “Đi du học chắc là Sướng lắm anh nhỉ?”
Đơn giản là vì đó là một câu hỏi sẽ không bao giờ trả lời được. Định nghĩa thế nào là Sướng- Khổ nhân gian biết bao năm nay vẫn đang miệt mài tranh cãi và chưa bao giờ đi đến một đáp án thống nhất. Người ăn chay có sướng vui khi sống giữa xứ sở toàn của ngon vật lạ? Người thích yên tĩnh có vui vẻ khi đứng giữa phố đông người? Người chỉ yêu mặt trời có thoải mái giữa nơi bốn bề tuyết phủ? Vậy du học có Sướng hay không, xin hãy cứ để là một câu hỏi mở cho riêng mỗi người.
Thế nhưng, bằng chính bản thân của những tháng ngày đã qua, mình tin chắc chắn một điều: Du học là…….Được.
Đằng sau những thảm cỏ xanh mượt, sau những bầu trời đầy hoa, đằng sau những kỳ ảo, tấp nập của những siêu thành phố như các bạn vẫn thấy đây đó .....lại là những bài học rất lớn mà những người trẻ đặc biệt nên có và trải nghiệm một lần trong đời.
Du học: Được gì ngoài một tấm bằng Tây?
Du học là được.......Khổ
Nghe thì kỳ cục, người ta thường chỉ nói “được” sướng, và “bị” khổ, chứ không ai nói “được” khổ cả. Nếu như, quyền được mưu cầu hạnh phúc là nhân quyên cơ bản thì quyền được khổ, được trải nghiệm cái khổ để có động lực phát triển cũng vậy nhưng rất nhiều ông bố bà mẹ Việt thường có xu hướng muốn tước đoạt không báo trước của con cái quyền này. Để cho con khổ là nỗi ám ảnh - là điều không mong muốn của các bậc phụ huynh; nhất là trong điều kiện cuộc sống ngày một tốt hơn; tuy nhiên tập cho con khổ- làm quen và tự vượt qua nỗi khổ thì lại ngày càng ít người nghĩ tới. Những tháng năm du học làm xuất sắc công việc đó. Sẽ không còn bố mẹ ở cạnh bên, không người giúp việc, không quá nhiều bạn bè giữa một miền đất chẳng ai biết mình là ai, con chú B cháu bác Z, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi sẽ tự phải biết bước từng bước đầy trách nhiệm với bản thân trên con đường thô ráp của cuộc sống độc lập nơi xứ người.
Du học là được........học yêu thương
Hãy tin mình đi, bạn chưa không bao giờ được cảm nhận được tiếng hồi đáp "Alo, con đấy ah? Con phải không?" của bố mẹ mình lại thân thương biết nhường nào cho đến khi bạn nghe điều đó từ cách xa hàng ngàn km. Khoảng cách làm người ta dửng dưng với những giận hờn, thờ ơ với những lời chê trách…….mà chỉ còn đắm đuối với những yêu thương – tình cảm gia đình thiêng liêng mà đôi khi gần nhau quá đã có lần sao lãng. Có những cậu trai cao lớn, mạnh mẽ, chưa bao giờ biết chịu ở nhà với mẹ cuối tuần nhưng khi đã xa rồi, nhìn mẹ cười trên màn hình Skype mà con oà khóc vô tư như ngày thơ bé. Và cũng có những cô gái dù vẫn bị bố mẹ gắn mác Ms. Đoảng, Miss. Vô tâm…..cũng đã biết dành hàng giờ trong cửa hàng để chọn đi chọn lại một màu cà vạt đẹp nhất để dành tặng bố.
Dù chưa có một kết quả khảo sát chính thức, mình vẫn giữ niềm tin rằng, phần đông du học sinh sẽ biết trân trọng và yêu thương hai tiếng “Gia đình” hơn rất nhiều sau những tháng năm xa xứ.
Du học là được......độc lập trưởng thành
Phần đông bố mẹ thường nghĩ rằng con mình sau 2 tuổi chắc chắn đã tập đi và bước đi vững chãi, nhưng không hẳn vậy, 16-25 tuổi, tự thân mỗi chúng ta lại đều phải tập đi một lần nữa, khó hơn và gian nan hơn, tập bước đi .....trên đường đời. Quá trình ấy sẽ càng khó hơn và dai dẳng hơn khi đằng sau bạn, luôn có ánh mắt của cặp đôi yêu thương bạn nhất trên thế gian nhưng lại luôn muốn giành luôn lượt chơi của bạn trên đường đời bằng “bế”, “cõng”, “ôm”.....và vô số các hành vi yêu thương sai cách khác mà họ có thể nghĩ ra chỉ vì sợ bạn…..ngã.
Khi du học, Ốm: Một mình! Lạc đường: Một mình! Đói bụng: Một mình! Rắc rối: Một mình…..! Bạn cứ tự nhiên mà khóc mà buồn, rồi thản nhiên mà đứng dậy đi tiếp một cách khôn ngoan và mạnh mẽ hơn như cuộc đời này cần bạn phải thế.
Quỹ tích các điểm “Một mình” đó tạo ra một trường phát triển tuyệt vời để đào luyện ra những công dân mạnh mẽ, trưởng thành, và độc lập đúng nghĩa hơn là những “em bé” tuổi 20 đến giờ cơm vẫn cần mẹ gọi.
Du học là được……..thấy
Không phải là thấy quả nho ở bển thì to hơn quả cam ở nhà. Mà là thấy bước chân của những người xung quanh ta luôn nhanh hơn, khẩn trương hơn. Thấy 8 tiếng làm việc là thực sự 8 tiếng làm việc, chứ không phải là tổng của phép cộng vội: 2 tiếng cà phê + 2 tiếng chơi game + 2 tiếng trò chuyện + 1 tiếng tranh cãi với 1 tiếng làm việc ít ỏi.
Thấy rằng trên thế giới này hoàn toàn không có sẵn một thiên đường đang đợi bạn, thế giới chỉ gồm hai nửa giản đơn: nửa của những người không ngừng cố gắng, và nửa của những người thích hoài phí thời gian. Muốn có thiên đường, bạn phải tự tạo lấy.
Thấy mình sẽ vô cùng lạc lõng thế nào nếu trót dại nói hơi to trên xe bus hay thấy ánh mắt lạ kỳ của bạn bè đang đợi chờ khi mình trót đến muộn.
Và thấy nhiều điều………..chúng ta chưa từng thấy, và coi đó là khác thường trong khi ta đã quen với những điều bình thường mà họ chưa bao giờ thấy.
Từng giờ từng phút thấy, ngày ngày thấy, sống để thấy, và thấy để sống…….tự thân sẽ có lúc bạn thấy mình đã khác rất nhiều so với ngày mới đến, thấy trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ của mình đã có chút mùi hương của một xã hội văn minh; thấy được sự lợi hại của giáo dục xã hội. Đó là chính là cái thấy của du học khác du lịch.
Có lẽ, đã đến lúc những người Việt trẻ nên chủ động chọn cách mình lớn lên. Trật tự xưa nay “Con cứ việc học và học, còn thế giới để bố mẹ lo…” nên dần đổi thay thành “Bố mẹ sinh con, còn thế giới, làm ơn, để tự con khám phá.”
Và du học là một cơ hội rất lớn để bạn thử sức mình làm điều đó.
Du học là một chuyến bay khứ hồi mà chiều đi là hi vọng và vô vàn gian nan; chiều khứ hồi chưa chắc đã là thành công và hạnh phúc; không có một tấm vé nào như thế trên đường bay cuộc đời ngoài sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi chúng ta mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng hãy bay lên để biết rằng: chúng ta là bé nhỏ giữa cuộc đời lớn rộng và luôn cần vươn cao.
Vậy nên, các bạn trẻ nếu có cơ hội.: Du học, hãy đi đi, đừng sợ!
Ở bên kia bầu trời không phải là màu hồng, nhưng là một gam màu rất đáng có trong bức tranh cuộc đời đa sắc của bạn
“CON NHÀ NGƯỜI TA………."
Có cô em nhắn tin “Anh, cụm từ Con nhà người ta tiếng Anh dịch như thế nào nhỉ?”
Ngồi cả ngày nghĩ nát óc mình cũng chưa tìm ra được một từ tiếng Anh nào mang nghĩa tương đương với “Con nhà người ta”- cụm từ huyền thoại và luôn được ưa chuộng của các ông bố bà mẹ Việt trong công nghệ nuôi dạy con, mình đành ngậm ngùi kết luận: “Con nhà người ta” chắc là đặc sản của hệ giáo dục gia đình Việt Nam, Tây không có. Rất lạ và rất riêng!
Khi bạn còn nhỏ, chắc là đã quá quen với……..
“Con nhà người ta, cũng ngần ấy tuổi mà biết tự đánh răng, tự xếp chăn màn……
hay
“Con nhà người ta, cũng ăn cơm ăn canh như thế, mà học hành đâu ra đấy, có mải chơi như con nhà này đâu!!!!!
Lớn hơn chút nữa thì…
“Con nhà người ta đỗ ĐH A, ĐH B, ĐH C……điểm cao chót vót, đằng này con nhà mình thì………
“Con nhà người ta đã có vợ có chồng hết rồi, con nhà mình cứ trơ trơ ra…….
Trong một xã hội kỳ thị các giá trị khác biệt như Vietnam, sự xuất hiện của anh A con bác B, hay chị C con chú D – được gọi chung bằng đại từ “con nhà người ta”- được coi là một tất yếu khách quan. Thực ra, cái mà các ông bố bà mẹ Việt sợ nhất không phải là con mình dốt, con mình kém, mà là sợ một mình nó dốt, trong khi xung quanh người ta giỏi hết. Dốt cũng được, nhưng tuyệt đối không được dốt một mình. Thế nên mới có chuyện, ở phương Tây, một học sinh được điểm 4 thì chỉ buồn vì đã trượt nhưng ở Vietnam, cũng 4 điểm, nhưng buồn vẫn pha lẫn chút vui vì cũng có mấy đứa “con nhà người ta” cũng bị trượt giống mình, và vẫn còn hơn hẳn mấy đứa bị 3-2-1.
Và thế là, truyền thống đeo gông lên cổ trẻ con ở Vietnam đã bắt đầu từ rất sớm, học ngày thường không đủ, phải học cả cuối tuần nữa, để không bị tụt hậu với “con nhà người ta”. Sự so sánh mượn hình ảnh ngáo ộp “con nhà người ta” được nhiều ông bố bà mẹ áp dụng triệt để từ khi đứa con lọt lòng cho đến khi những đứa trẻ đó, 20-30 tuổi, thậm chí còn hơn cả thế nữa.
Hãy thử nhìn xem, “con nhà người ta” đã giúp được gì cho con của bạn.
“Con nhà người ta” làm con nhà mình bị mặc cảm yếu kém vì bị đem ra làm đối tượng so sánh, từ đó sinh ra tự ti. Bị gặp “con nhà người ta” nhiều trong những bữa cơm gia đình, có thể gây áp lực tâm lý lớn cho trẻ và dẫn đến những tổn thương tinh thần nếu như con nhà mình là một đứa trẻ nhạy cảm. Vâng, không ai thích bị đem ra so sánh với người khác cả- đó là tâm lý nguyên thuỷ của con người. Chắc bạn sẽ không bao giờ muốn nghe thấy con bạn nói rằng “Bố nhà người ta đưa con đi học bằng xe Bentley, bố nhà mình đưa con đi học bằng xe Honda.” hay “Mẹ người ta mua cho con cặp sách xịn, mẹ mình nói con dùng lại cặp sách của anh chị”. Bạn không muốn nghe thấy những điều đó phải không? Vậy thì cũng đừng bắt con bạn gặp “con nhà người ta” trong những lời răn dạy của bạn. Thế đấy!
“Con nhà người ta” lôi kéo con nhà mình vào một cuộc đua tranh mệt mỏi, và không cần thiết. Vì sao phải bắt con thức ngày thức đêm để tập viết chữ đẹp nhất, giải toán nhanh nhất, thậm chí tập thể dục đẹp nhất. Nhiều ông bố luôn ngại quan ngại về “chạy đua vũ trang” của thế giới trên bàn nhậu, nhưng chẳng hề mảy may lo lắng về cơn sóng ngầm “chạy đua giáo dục” trong chính ngôi nhà mình. Thế đấy!
Hội chứng “Con nhà người ta” nếu lây lan trên diện rộng có thể góp phần gây mất cân bằng xã hội. Con nhà người ta học y hàm Tiến sỹ, con nhà bạn cũng học y hàm Tiến sỹ, con nhà bà hàng xóm cũng học y hàm Tiến sỹ và một ngày bạn sẽ thấy ngoài chợ ông Tiến sỹ đang bán rau, bà thạc sỹ đang rao thịt, còn bọn cử nhân đang đợi hết phiên chợ thì vào quét lá. Thế đấy!
“Con nhà người ta từng ấy tuổi đạt học bổng TS Mỹ….. Dạ vâng, thì có sao?
“Con nhà người ta 25 tuổi đã có vợ có chồng, có cháu cho tôi bế……Dạ vâng, thì có sao?
Chúng ta cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc nhất, hội chứng "Con nhà người ta" có phải là một hình thái GATO cao cấp, một dạng thức tinh vi của chủ nghĩa cầu toàn xuất hiện ở một bộ phận phụ huynh không?
Mỗi người trong chúng ta đều là những giá trị khác biệt không hề trùng lặp trong hơn 7 tỉ người trên thế giới, con cái bạn cũng vây. Vì sao lại phải là bản sao, phải na ná, phải chạy đua theo một ai đó?
Mỗi con người đều bình đẳng khi được ban tặng một cuộc sống để hít thở, để phiêu du, để khám phá, để buồn để vui, để khổ đau hay hạnh phúc, vậy nên xin các ông bố bà mẹ Việt đừng quá tham lam mà đòi sống hộ luôn cuộc đời của con mình; xin hãy trả “con nhà người ta” về cho người ta, để con nhà mình được phát triển tự nhiên nhất theo một nhịp độ riêng.
Và nếu như cần điều gì đó để tiếp thêm động lực cho con cái, thì đó là sự động viên, khích lệ, chia sẻ, khuyên bảo, và dành thời gian cho con mỗi ngày hơn là một sự so sánh xấu xí không nên có mượn danh “con nhà người ta”……..
Đừng bắt hoa hồng phải nở theo giờ, đừng bắt quả táo phải giống quả cam, và xin hãy ngừng bắt con trẻ phải lớn nhanh như suy nghĩ của bạn.
CHILDREN ARE BORN WITH WINGS, TEACHERS HELP THEM TO FLY.
London, Vương Quốc Anh, ngày 10 tháng 10 năm 2014.
Các bạn tình nguyện viên, điều phối viên của chương trình Help to Fly thân mến!
Trước hết, tôi xin gửi tới các bạn lời cảm ơn chân thành nhất vì đã cùng tham gia sáng kiến từ thiện Help to Fly của Liên chi đoàn Khoa Ngoại Ngữ - Đại học Hải Phòng và English For ALL.
Cảm ơn các bạn đã cùng chúng tôi chia sẻ ước mơ, và đang góp phần biến ước mơ ấy dần trở thành sự thực.
Các bạn thân mến, chúng ta là ai? Đã bao giờ các bạn tự hỏi chính mình điều đó?
Tôi là Huy, bạn là Hương, là Hà, là Nhàn, là Trang, là Vần, là Thuỷ …….là những cái tên thân thương mà cha mẹ đặt cho chúng ta khi đến với thế giới này với rất nhiều những niềm kỳ vọng.
Nhưng chung nhất, tôi chỉ muốn nhắc các bạn rằng: chúng ta đang là những người thuộc nửa may mắn của thế giới.
Có một cơ thể khoẻ mạnh, được học tập trên giảng đường đại học, có một gia đình để thương yêu và hơn cả, có một ngày mai ngập tràn hi vọng, để chờ đợi những món quà đến từ tương lai. Nếu như bạn vẫn cảm thấy rằng như thế vẫn chưa thể được gọi là may mắn, thì hãy nghĩ đến những mảnh đời bé nhỏ đang sống rất gần, chỉ cách nơi các bạn ngày ngày đi học, chưa đầy một cây số.
Thế nhưng với họ, những gì chúng ta đang có lại là một ước mơ ở rất xa.
Ở nơi ấy, các em có gì ngoài một hiện tại đầy gian khó và một tương lai mờ mịt???
Nếu như các bạn có phút giây nào đó, chán nản với cuộc sống hiện tại, hãy nghĩ về làng trẻ Thanh Xuân, nơi cuộc sống có khi đếm được bằng ngày. Các bạn sẽ thấy những gì chúng ta đang có quý giá biết nhường nào? Và cách tốt nhất để trân trọng sự may mắn của mình, đó chính là san sẻ tình yêu thương với những mảnh đời đang cần sự giúp đỡ.
Tôi tin vào những thiên thần, và tôi biết rằng trên chính đất nước của chúng ta còn rất nhiều những thiên thần bé nhỏ đang phải vật lộn trong bóng tối của sự nghèo đói, bệnh tật và những khó khăn chất chồng. Nếu chúng ta không giúp họ, ai sẽ làm việc đó đây???
Đến với làng chài Ngọc Sơn, điều chúng ta dành tặng cho các em không chỉ là những bài học tiếng Anh mà còn là niềm tin, niềm hi vọng đổi thay, một ước mơ cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ con đường học tập và ánh sáng của tri thức.
Đến với làng trẻ Thanh Xuân, lời chào của chúng ta với các em không chỉ là Hello, How are you? mà sẽ chào các em bằng tất cả tấm lòng nhân ái vốn đã có sẵn trong chính mình. Hãy để các em thấy rằng, các em không hề đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Chúng ta sẽ đến nơi ấy không chỉ với kiến thức và giáo án, mà còn mang theo niềm lạc quan và hi vọng vào cuộc sống. Và dù rằng, một ngày nào đó, cuộc sống với các em chỉ còn là ký ức, thì những thiên thần bé nhỏ ấy sẽ vẫn nhớ rằng khi còn đứng dưới ánh mặt trời, đã có những con người tốt, đã đến với các em, ở bên các em, dạy dỗ các em, và quan trọng hơn cả: yêu thương các em, rất thật.
Có thể những giờ học của chúng ta không thể giúp các em “bay” lên ngay trong ngày một ngày hai, nhưng ít nhất, các em sẽ biết được rằng, các em đã có sẵn những đôi cánh để có thể bay đến bất cứ nơi đâu nếu biết nỗ lực, và không chịu đầu hàng số phận.
Hãy có một niềm tin rằng: những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim.
Có thể 5 -10 hay 20 năm nữa, bằng rất nhiều nỗ lực, chúng ta mới có cơ hội để trở thành một người tự thân giàu có và thành đạt, hoặc cũng có khi chẳng bao giờ, nhưng đến với Help to Fly, các bạn ngay lập tức trở thành những người giàu có nhất : những người sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ, nhiệt huyết, và những nụ cười mà không cần suy tính để mang lại những niềm vui và hạnh phúc cho đồng loại của mình. Các bạn sẽ đứng cùng hàng với các tỷ phú Bill Gates, Warrent Buffet, hàng của những người thấu hiểu rằng cho đi là hạnh phúc.
Có một thứ hạnh phúc mang tên sẻ chia, các bạn ạ!
Những giáo viên của tương lai thân mến, các bạn hãy cùng chúng tôi viết tiếp phần nhân văn nối dài của những bài học mà thầy cô đã dạy trên lớp bằng chính những hành động của chúng ta ở những nơi tưởng chừng như là góc tối của cuộc sống.
Hãy thực hành nghề nghiệp cao quý của chúng ta ở một trong những giảng đường đẹp nhất thế giới: giảng đường của tình yêu thương.
Nơi ấy họ cần chúng ta.
Dù đi đến nơi nào, tôi vẫn luôn tự hào rằng mình đã từng là là sinh viên Khoa Ngoại Ngữ, và tôi biết các bạn cũng chung niềm tự hào đấy với tôi. Chúng ta hãy cùng cho xã hội biết rằng nơi đây không chỉ là ngôi nhà chung yêu thương của những cô cậu cử nhân say mê học hành, nghiên cứu Phương Đông – Phương Tây, và còn là nơi gieo mầm của những tấm lòng nhân ái rất Việt. Chỉ ít ngày nữa thôi, Khoa Ngoại Ngữ sẽ bước sang tuổi mới, chúng ta hãy cùng chung sức, đồng lòng, tận tâm, quyết chí để Help to Fly trở thành một dự án của sự tử tế, một món quà tinh thần ý nghĩa để kỷ niệm 35 thành lập Khoa.
Chúc các bạn sẽ luôn giữ được đầy tràn nhiệt huyết trong tim mình để toả sáng trong công cuộc truyền lửa mà chúng ta đang đi.
Luôn ở bên các bạn.
Học trò của Khoa Ngoại Ngữ, sáng lập viên English For ALL,
Người thắp lửa của Help to Fly.
Hoàng Huy
ĐẠI HỌC……HAY HỌC……..ĐẠI???
Dù không phải một nhiếp ảnh gia, mình vẫn thường có thói quen đi tìm giữa dòng chảy thường ngày của cuộc sống những tượng đài đẹp đẽ và bình dị như một thói quen của kẻ thích săn tìm cái đẹp.
Và những ngày này 8 năm trước, ngày mà mình theo Bố đi thi đại học, ngày ấy mình đã nghĩ rằng có lẽ ở nước Nam này, một trong những hình ảnh đẹp nhất, lay động nhất là những ông bố bà mẹ mặc nắng kệ mưa đợi chờ con – những “của để dành” yêu thương bước vào một đấu trường lớn. Dù là một bác nông dân chân chất hay một công chức nơi thành phố, giây phút ấy họ đều giống nhau: chứa chan niềm tin nơi ánh mắt, tin về một tia hi vọng tươi sáng cho tương lai cho con em mình. Cả thế giới, có lẽ chỉ Việt Nam có những khung hình giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng ấy……
Nhưng rồi càng học, càng đi xa, càng hoà mình giữa dòng đời cuộn sóng, mình lại thấy thương hơn những ông bố bà mẹ nơi cửa trường thi mỗi khi tháng 7 về. Liệu niềm tin yêu và hi vọng của họ có đi được đến đúng bến bờ mong đợi……
Bao lâu nay chúng ta đánh giá thế nào về kết quả giáo dục?
Một học sinh cấp 1 xuất sắc là được lên học ở cấp hai?
Một học sinh cấp 2 xuất sắc là phải được ngồi ở một trường cấp ba công lập?
Và học sinh cấp 3 thì không thể thành công nếu như không đỗ vào một trường đại học nào đó?
Và cứ thế, cứ thế……..
Lớp anh rồi đến lớp em….ai cũng bị cái gông mang tên Đại học tròng lên cổ như một nỗi ám ảnh định mệnh. Cả xã hội như mắc phải một cơn sốt phát ban, người ta mặc định Đại học như một con đường độc đạo để đi đến thành công, thành đạt. Không Đại học coi như bỏ đi, không đại học coi như tương lai mù mịt……vậy đấy, không phải một , hai người tin là vậy. Và rồi đến một ngày, người ta giật mình nhìn quanh không chỉ thế một anh cử nhân kinh tế đang ngồi bán sim điện thoại, một cô thạc sỹ Việt Nam học đi nộp hồ sơ học lại trung cấp để làm lễ tân, bằng tốt nghiệp đại học bị người ta gọi là “giấy chứng nhận thất nghiệp” một cách chua chát.
Do ai? Do ai? Do ai?
Do chính chúng ta, những người trẻ không dám và không dũng cảm đi một con đường khác, sợ bị ngã, sợ bị lạc, sợ bị gièm pha mà ùa theo một con đường chung đông nghẹt và chật ních bon chen. Nhiều người không cần quan tâm Đại học là gì, học gì mà cứ …học đại cho xong cái công thức ngớ ngẩn mà xã hội áp đặt mấy chục năm nay.
Do chính những ông bố bà mẹ vì quá khát khao những đứa con thành đạt mà đẩy bọn trẻ vào một vòng xoáy dữ dội mà chính họ cũng không hề biết rằng bên kia là Đời, là cạnh tranh, là sinh tồn mà chỉ có thực lực mới có thể tồn tại. Họ tôn thờ những tấm bằng như một thứ cứu cánh cho một cuộc sống ổn định…
Do chính cái xã hội mà bằng cấp đã thành thần hoá thánh, che phủ hết tầm nhìn từ người dân đến các nhà lãnh đạo. Không bằng cấp được mặc định hiểu như là thành phần vô dụng, dư thừa của xã hội. Và chính thế mà ở một nước cơ bản vẫn là nông nghiệp như Việt Nam mà có đến 60% các trường đại học có ngành tài chính-ngân hàng, chưa kể các hệ khác…và các đại học thì mọc lên còn nhanh hơn nấm sau mưa. Vây nên, cái nón của ngành giáo dục bị lật ngửa lên như cái nón của một người hành khất giữa một xã hội mà nhìn đầu cũng thấy cử nhân và các loại “sỹ” đang thất nghiệp.
Vậy đấy, cả xã hội đang mắc bệnh “Sỹ” mãn tính và cuồng “sỹ” nên cứ thế, hết lớp này đến lớp khác, từng người chúng ta bị rơi, bị dụ dỗ và thậm chí bị đẩy vào cái vòng điều chỉnh luẩn quẩn của xã hội mà quên mất rằng chính chúng ta mới là người điều chỉnh xã hội mà chúng ta đang sống.
Ở Phương Tây, “a gap year” – một năm trắng sau thời kỳ học phổ thông từ rất lâu đã trở thành một nét văn hoá, một công cụ thanh lọc và điều chỉnh tự nhiên của các xã hội văn minh. Rời nhà trường phổ thông, các em học sinh sẽ được quyền tự quyết đi du lịch bụi, đi làm thêm những công việc khác nhau trước khi quyết định xem việc học đại học liệu có thực sự cần thiết hay không. Họ có thể làm bất kỳ nghề gì chân chính để kiếm sống, một cô bồi bàn, một anh thợ sửa ống nước hay một chàng luật sư cũng đều được xã hội trân trọng ngang nhau như những ô màu đa sắc trong bức tranh chung của cả đất nước.
Còn ở ta, bằng cách lãng phí thời gian của bản thân mình, phải chăng chúng ta đang góp phần làm chậm hành trình của cả đất nước?
Mình chỉ muốn nhắc lại với các em học sinh đã quyết định thi và không thi kỳ thi đại học một câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincon “Không có nghề thấp hèn, chỉ có người thấp hèn.”.
Thế đấy, dù chúng ta chọn con đường nào thì cũng chỉ cần chắc chắn một điều duy nhất: đó là con đường thực sự ta muốn đi và sẽ đi hết sức mình. Còn đại học cũng sẽ chỉ là một điểm xuất phát tốt nếu đó thực sự là đại học, còn nếu là học đại…..thì đó sẽ chỉ là giây phút bắt đầu cho những ngày giông gió ở bên ngoài giảng đường mà thôi.
Vậy nên đại học hay không đại học, mỗi chúng ta đều cần sống với trách nhiệm cao nhất với tương lai của chính mình, biết thương củ sắn củ khoai và giọt mồ hôi của bố mẹ. Đừng học đại cho xong, làm đại cho qua, và sống đại cho hết kiếp.
Hoàng Huy.
Viết nhân mùa khai trường thứ 20: HỌC ĐỂ LÀM GÌ??
Viết nhân mùa khai trường thứ 20: HỌC ĐỂ LÀM GÌ??
Hôm nay, 5/9/2013, ngày khai trường lần thứ 20 của mình (mặc dù ở Vietnam người ta phải khai giảng sớm để chạy cho kịp chương trình, còn bên này thì hình như chẳng có khai giảng, chỉ có cái gọi là Enrollment Day – Ngày nhập học – nhận lớp, nhưng mình vẫn luôn mặc định ngày này là sự khởi đầu của một năm học mới).
Và vẫn luôn tự hỏi và đi tìm câu trả lời một câu hỏi quan trọng:Học để làm gì???
Nhớ lại…..
Chuẩn bị vào cấp 1 (lần đầu tiên hỏi phụ huynh):
Con: Mẹ ơi, mai con sắp phải đi học ạ, nghỉ hè thêm được không, con thích ở nhà hơn, mà học để làm gì hả mẹ???
Mẹ: Phải đi học chứ con, các bạn con đều đi học, con phải đi học để biết chữ, để trở thành người tốt,thành người hiểu biết.
Sau mới biết mẹ trả lời chưa đủ: Một số người còn biết chữ trước cả khi đi học, báo đài đăng nhiều; và có cả những người, học hành không đếnnơi đến chốn thậm chí chưa bao giờ đi học, họ vẫn là những người rất tốt và cũng rất hiểu biết.
Thật vậy, hầu hết chúng ta đều đi học, dù là 1 năm hay 12 năm hay cả cuộc đời nhưng có lẽ ít người dành thời gian mà tự định nghĩa cho nghiêm túc một điều vô cùng quan trọng: Học để làm gì???
Mỗi người có một cách trả lời riêng nhưng với mình, hình như đó mỗi câu trả lời chỉ nói một ý, chưa bao quát hết được ý nghĩa to lớn của sự học.
Rất nhiều người nói học để làm giàu, nhưng thực tế nhiều người giàu có mà không hề qua trường lớp, hoặc một số người khác vì may mắn (trúng độcđắc chẳng hạn) đột ngột trở nên giàu có mà chẳng cần phải học. Và cũng có rất nhiều người học nhưng cũng chẳng giàu. Nhưng lại có rất nhiều tỷ phú đã rất giàu có nhưng vẫn tiếp tục học? Vậy học để làm gì?
Khẩu hiệu ở Vietnam nói: Học để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc,để ngày mai lập nghiệp. Vậy thì những người không quốc tịch (stateless) thì không cần phải học rồi, bởi vì họ đâu có Tổ Quốc nào đâu để xây dựng và bảo vệ.Và nhiều người nghỉ hưu và thành đạt họ vẫn tiếp tục học, mặc dù họ đã lập nghiệp xong rồi? Vậy học để làm gì?
Một số thầy cô giáo nói: Học để sau này có nghề nghiệp, có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Vậy thì thôi, mai sẽ nghỉ, không học nữa, vì mình đã có nghề nghiệp rồi, thu nhập tốt rồi. Thế mà bao nhiêu người vẫn theo học các lớp vừa học vừa làm? Vậy học để làm gì?
Trong trại cải tạo nói: Học để hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt. Nhưng vẫn có người thụ án chung thân (có thể sẽ không bao giờ trở lại thành công dân nữa), thậm chí chờ ra pháp trường (có thể sẽ không bao giờ trở lại làm người nữa), vẫn tiếp tục học. Vậy học để làm gì?
Mình nói: HỌC ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO –ĐƯỢC GIẢI THOÁT
(Learning sets you free from many things. At least, it gradually sets you free from what you haven't known )
Thật vậy, suy cho cùng, cái đích cao nhất của sự học là mang lại cho chính chúng ta tự do hoặc nhiều tự do hơn trong cuộc sống này.
- Ngày bé, nếu bạn học được cách tự rửa tay, bạn sẽ không cần mẹ giúp
(When you were a young boy/girl, learning how to wash your hands properly sets you free from your mom’s help to do that)
- Nếu bạn học và biết lái xe, chắc chắn không thể làm giàu ngay được nhưng sẽ làm cho bạn không bị ràng buộc bởi người tài xế.
(Learning how to drive sets you free from drivers)
- Nếu bạn học và kiếm được tiền, thậm chí làm giàu được từ những gì bạn học, bạn sẽ không bị rang buộc bởi sự đói nghèo, thiếu thốn.
(Learning how to make money sets you free from poverty)
- Nếu bạn học và thông thạo ngoại ngữ, bạn sẽ không bị ràng buộc bởi những cuốn từ điển và những người phiên dịch
(Learning a language sets you free from translator and dictionaries)
- Nếu bạn học chơi một nhạc cụ, chắc khó mà làm giàu được hay đảm bảo bạn là một công dân tốt, nhưng chắc chắn làm cho tâm hồn bạn được giải thoát khỏi sự nhàm chán và mệt mỏi.
(Learning how to play the musical instrument sets your soul free from boredom and tiredness)
- Nếu bạn học được cách kiên nhẫn, bạn sẽ được giải thoát khỏi những quyết định sai lầm vội vã
(Learning how to be patient sets you free from wrong decisions made in a rush)
- Nếu bạn học được cách chấp nhận cuộc sống, bạn sẽđược giải thoát khỏi sự thất vọng, bất mãn
(Learning how to accept the way your life is going on sets you free from disappointing moments)
Nói chung, với mình, học là phương tiện ngắn nhất để tìm kiếm tự do, có thể là tự do cho một cá nhân hay cho cả một dân tộc. Đó là lý do ta rất nên đi học, và càng cần phải học khi thấy cuộc sống của mình còn thiếu thốn những sự tự do cần thiết.
Còn bạn, bạn đang học để làm gì????
Southampton, Vương Quốc Anh ngày 05/09/2013
Hoàng Huy.
Câu chuyện buồn từ nền giáo dục đòn roi......
Câu chuyện buồn từ nền giáo dục đòn roi.....
Từ lâu mình vẫn luôn nghĩ rằng, tương lai của một đất nước phải bắt đầu từ đâu, tương lai đất nước chắc chắn phải bắt đầu từ bục giảng, từ nhà trường. Và sáng nay xem clip thầy và trò ở Tây Sơn, Bình Định ẩu đả ngay trên bục giảng, ngay dưới chân khẩu hiệu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thì mình đã hiểu rằng tương lai của Tổ Quốc mà mình luôn yêu quý sẽ còn buồn lắm, buồn dài dài trong tương lai.
Không hiểu từ bao giờ, nền giáo dục nước mình trở nên bạo lực như thế, thầy và trò hành xử với nhau theo kiểu thú vật như thế. Ngay cả đến như dạy xiếc thú, người ta cũng không thể dạy dỗ những con mãnh thú bằng đòn roi, mà phải dạy bằng tình yêu thương, bằng sự kiên nhẫn, huống hồ chi đến con người. Đòn roi và bạo lực chỉ có thể dẫn đến sự căm hờn, sự phẫn nộ của học trò, chúng sẽ không bao giờ phục; và nếu trò không phục thì thầy nên cảm thấy nhục. Nhục vì một khi anh đã phải dùng đến cái tát, dùng đến sức mạnh với học sinh tức là anh đã hoàn toàn bất lực, năng lực sư phạm của anh là đồ bỏ đi.
Nói đi thì cũng phải nói lại, đúng là ở các nước Á Đông thường có truyền thống sử dụng roi và hình phạt trong dạy học. Hình ảnh những thầy đồ già với chiếc roi mây đã trở thành một ký ức đẹp về thời hoàng kim của Nho giáo trong lòng người Việt, thời mà vai trò của người thầy chỉ xếp dưới Vua và còn trên cả cha mẹ trong thứ bậc Quân - Sư - Phụ. Nhưng cái roi, cái tát của ngày nay hình như đã mất đi ý nghĩa sư phạm, sức mạnh tượng trưng của sự răn dạy, nghiêm khắc. Trừng phạt mà nêu rõ lý do của hình phạt là trừng phạt vô nghĩa. Những cái tát của thầy giáo Tuấn trong clip hoàn toàn không có giá trị dạy dỗ, không phải cái tát của sự nghiêm khắc; đó là cái tát đầy tính côn đồ của một kẻ trong cơn cuồng nộ và đã mất đi sự bình tĩnh cần thiết của một người giáo viên. Thầy vô tư tát vì quen nghĩ rằng trò không bao giờ dám phản kháng, chúng nó mà "bật lại" tức là chống lại giáo viên, tức là đối mặt với án đuổi học, ghi học bạ. Nhưng thầy giáo Tuấn ơi, thầy đã thua rồi, đã thất bại hoàn toàn rồi, nhờ có sự tiến bộ công nghệ, nhờ có Internet, cái tát của thầy đã tát thẳng vào mặt cả ngành giáo dục nước nhà. Có khi nào sau này khi đã yên vị ngồi nhà, thầy sẽ có thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến cái câu quen thuộc của người Việt mình "Giá như......". Rất tiếc, từ Giá như nhất quyết không thể tồn tại trong ngành Y và ngành Giáo. Nếu như một công nhân làm sai một sản phẩm, anh ta có cơ hội sửa lại trong vài phút hay vài giờ, nhưng một thầy giáo hành xử sai thì sẽ hình thành ấn tượng xấu trong cả một thế hệ học sinh, góp phần làm hỏng cả một lớp công dân của đất nước. Thầy giáo mà còn như du côn thế thì học sinh tụ tập đánh nhau, chém nhau như phim có lẽ cũng là điều không quá khó giải thích.
Dư luận cũng có ý kiến lên án hành động phản kháng của học sinh, đúng, không ai cổ xuý chuyện học sinh đánh lại thầy giáo cả. Nhưng dư luận lại quên mất câu "Con giun xéo lắm cũng quằn", dư luận quên mất rằng ngay cả luật pháp các nước đều có quy định về hành vi phản kháng tự vệ trong những trường hợp cần thiết. Hơn nữa, các em học sinh ở trường phổ thông đều là dưới 18 tuổi, tức là vẫn là trẻ em. Và ít nhất khi các em có đủ nhận thức để biết rằng khi bị tấn công vô cớ cần phải phản ứng theo đúng bản năng ,thì đó là điều đáng mừng hơn đáng trách. Kiểu tư duy "Đứng yên cho người ta đánh, người ta chèn ép" tồn tại ở các bác trên cao là đất nước đã quá đủ nhục rồi, đừng bắt các cháu phải đi theo vết xe đổ của các bác nữa.
Nếu là mình là cậu học trò trong clip, có lẽ mình đã ứng xử một cách khác, không cần phản kháng làm gì, cứ để cho thầy tát một phát và lùi lại nói "Thưa thầy, nếu em có lỗi em xin lỗi vì đã làm thầy nóng giận. Em xin nhận cái tát vừa rồi vì em là học sinh của thầy. Còn nếu thầy tiếp tục tát em nữa, em nghĩ rằng thầy sẽ tát vào chính sự nghiệp còn dài của thầy. Mong thầy bĩnh tĩnh lại". Nếu như vậy, có lẽ câu chuyện sẽ bớt buồn hơn.
Viết từ nơi thầy không bao giờ dám đánh trò cho nên trò không cần phải bật lại thầy.
London 2014
Viết cho năm học thứ 20: Chuyện học đàn.
"Được làm những gì mình thích là một niềm hạnh phúc"....chẳng biết ai đó đã nói với mình điều đó từ rất lâu rồi,nhưng mình vẫn luôn tâm niệm đó là một chân lý hiển nhiên đúng.
Và bỗng một ngày của tuổi 25, mình chợt nhận ra khoảng trời hạnh phúc của mình vẫn bị khuyết một miếng khá to khi một ước mơcủa mình từ hồi còn bé vẫn chưa thành hiện thực: biết chơi một loại nhạccụ.
Ngày bé, mặc dù bố đã từng chơi guitar và mẹ thậm chí chơi đàn bầu rất điêu luyện, có nhiều bạn bè là nghệ sỹ nhưng khônghiểu sao cái ước vọng chính đáng được học một loại nhạc cụ của mình nó bị vứt xó và đè bẹp không thương tiếc bởi cái vòng luẩn quẩn của nền giáo dục "tiên tiến" nước nhà: học - lên lớp - chuyển cấp - học - lên lớp.
Cái ước mơ học đàn của cậu học sinh tiểu học ngàynào bị bầm dập và vùi trong quên lãng.
Và năm nay, khi đã học đến cái cấp không còn lớpnào để lên nữa, mình đã quyết định việc học đàn trở thành một trong “NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY”. Đúng là phải ngay và luôn vì không nhanh thì tuổi trẻ sẽ qua đi trong một sự tiếc nuối không hề nhỏ: vẫn chưa biết chơi đàn và mãi mãi không biết chơi đàn. Tiếc nuối vì những điều mình có thể đã làm được nhưng không làm là một sự tiếc nuối khó tiêu tan theo thời gian. Người ta thường hay nói, nếu bạn muốn làm điều gì đó mà cho đến tuổi 25 bạn vẫn chưa làm, chưa thử, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được. Và mình thì không muốn thế.
Thích mê Canon in D, Song from a secret garden và rất nhiều giai điệu không lời mê ly nữa, mình đã chọn Violin- nữ hoàng của dàn nhạc giao hưởng, âm thanh du dương nhất và cũng gần như là khó nhất. Chinh phục những điều khó khăn và có nhiều thách thức luôn làm cho mình cảm thấy rất hưng phấn và cuốn hút. Cái khát khao tự chơi được một bản nhạc yêu thích hình như bây giờ đã cao lớn hơn cả cái tuổi 25 của mình.
Nhiều khi đi làm bước nhanh qua những người nghệsĩ đường phố chơi đàn trong bến tàu điện ngầm London, bị cuốn theo những giai điệu cuộc sống tươi đẹp mà họ đang cống hiến cho cuộc đời, thấy tâm hồn mình có khi còn nghèo hơn số tiền lẻ trong cái mũ của họ.
Sự nghèo khó về vật chất luôn dễ giải quyết hơn sự nghèo đói về tâm hồn. Khi tâm hồn ta nghèo đói, ta thèm lắm một cuốn sách hay để đọc ngấu nghiến, ta khát khao một bản nhạc hay để làm dịu mát những ưu sầu. Đó là những người bạn luôn bên ta và chắc chắn chẳng bao giờ bỏ ta, kiên trì dẫn đường ta đến những bờ vui, đi qua nuỗi buồn mà chẳng bao giờ đòi hỏi trả công.
Người ta chỉ thực sự trở nên giàu có khi nào với họ chuyện có nhiều tiền hay không có xu nào đều không còn quan trọng nữa. Và dường như âm nhạc là một trong những con đường ngắn nhất đưa con người ta đạt được đến tuệ giác ấy. Khi một đại gia hay một anh hát rong chơi đàn, họ đều bình đẳng vì họ đều là những người yêu nhạc, là những nghệ sĩ, tiền bạc – quyền lực rớt xuống, và tiếng đàn ngân lên.
25 tuổi, đã quá muộn để trở thành một nghệ sĩ hay một người chơi violin xuất sắc, nhưng muộn còn hơn không, ít nhiều mình cũng sẽ cố để chơi được những bản nhạc mình thích, chơi không vì biểu diễn mà chơi cho chính mình, cho tâm hồn khát của mình, ít nhiều mình cũng sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì chưa thử làm một điều mình thích.
Những thanh âm diệu kỳ từ cây đàn cuốn mình bay lên khỏi những lo lắng, toan tính, vất vả của cuộc sống vật chất hiện đại đến với một cõi riêng. Ở cõi ấy, ta sẽ gặp Bach, gặp Mozart, gặp Trịnh và gặp muôn triệu những tâm hồn yêu nhạc của bao đời.
Âm nhạc tự bao giờ đã làm được, làm một cách xuất sắc điều mà các nhà ngôn ngữ học chưa bao giờ làm được: làm cho cả thế giới hiểu nhau bất kể màu da, sắc tộc; làm cho hiện tại hiểu quá khứ, làm cho nỗi buồn hiểu rằng đời còn nhiều niềm vui………..
Hôm nay, cầm vĩ lên chơi xong bài Amazing Grace chợt nhận ra trong lòng mình cũng đã thấy một chút gì đó “amazing happiness”…..
Thư gửi vợ tương lai: Nếu có con, đừng ép con anh phải là thần đồng, em nhé!
Em yêu.
Người ta vẫn nói đứa con là kỳ quan tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban cho những người được hạnh phúc làm cha làm mẹ. “Của để dành” vô giá ấy là công trình vun đắp, dạydỗ của chính chúng ta qua năm tháng. Nếu một ngày nào đó, con chúng ta ra đời,anh và em hãy cùng là những người dẫn đường cho con, một con đường không cần phảilà tốt nhất, chỉ cần đúng và phù hợp và quan trọng hơn cả là do chính con lựa chọn, em nhé. Tuyệt nhiên, đừng đánh cắp tuổi thơ và ép con anh phải làm Thần Đồng, em nhé.
Em hãy cứ yên tâm cho con đọc truyện tranh như lứa chúng ta đã từng háo hức từng ngày đón chờ mỗi tập Doremon, Conan như thời thơ bé; đừng lo con mình bị "sâu mọt tâm hồn". Bởi lẽ hàng triệu đứa trẻ Vietnam và trên toàn thế giới đã lớn lên cùng những kỉ niệm ấu thơ ấy. Đó là ngọn nguồn của trí tưởng tượng là những nếp gấp tư duy đầu đời của mỗi đứa trẻ; là mảnh ký ức đẹp lung linh không thể tách rời của tuổi ấu thơ. Đừng ép con phải đọc , phải dịch truyện tiếng nước ngoài trong khi con đang vẫn còn mê say những tiếng cười thơ ngây như trong Thần đồng Đất Việt, vẫn còn ham chơi đuổi bắt cùng chúng bạn.
Em thấy không, chúng ta có cả một cuộc đời để theo đuổi những gì ta muốn, để phấn đấu vì những mục đích riêng của mình: để thành danh, để hạnh phúc, để nổi tiếng hay đơn giản chỉ để là một người bình thường NHƯNG gia tài thời gian của chúng ta chỉ có vỏn vẹn vài năm ấu thơ để nhìn cuộc đời với ánh mắt sáng trong, vô tư, để "thả diều, đá bóng, bắt cá giữa đồng"... Ngắn lắm! Đừng phí phạm nó để rồi sau này, lúc có được tất cả lại gào thét lên những điều không thể: Cho tôi một vé đi tuổi thơ....
Anh không muốn con như thế.
Anh rất tâm đắc một câu mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói "Không phải cũng có khả năng giành được giải thưởng Fields hay giải Nobel, nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa”. Thật vậy, trí thông minh là món quà của tạo hoá, may mắn là phần thưởng của số phận, nhưng quyền được sống cho chính mình,theo cách của mình là một quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người. Chúng ta cũng cần phải học cách tôn trọng quyền lựa chọn của con như bố mẹ đã tôn trọng chúng ta bây giờ. Con anh sẽ không nhất thiết phải cố nhồi cho đủ 3 môn nó không thích hoặc không có khả năng để rồi thi đại học trở thành một ông/bà Cử nhân hay một chức phận gì đó. Con có thể là một người thợ làm bánh hay một hoạ sỹ hay bất kỳ điều gì nó mong muốn miễn là lương thiện. Tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình- đó là điều mỗi chúng ta đều phảilàm, và con cũng không là ngoại lệ.
Tâm hồn trẻ thơ sáng trong vô ngần, nhưng cũng không dễ gì bị "sâu mọt đục khoét" nếu được nuôi dạy và bảo vệ đúng cách từ phía người cha người mẹ. Nhưng một số ông bố bà mẹ lại đang biến chính những đứa con thương yêu của mình thành phương tiện để chạy đua theo trào lưu “khoe con”, thậm chí khoe giữa công luận. Họ thèm khát đến mù quáng cái danh hiệu “Thần Đồng”, sung sướng đến mụ mẫm khi con cái được gọi là “hiện tượng”. Be bé thì khoe con tôi 1 tuổi đã biết nói, biết hát karaoke, thuộc hết bảng chữ cái tiếng Anh tiếng Việt. Lớn lớn khoe con tôi 11 tuổi thi IELTS được 6.5, dịch được sách nước ngoài, hay con tôihát được 6-7 thứ tiếng, giỏi nhất là tiếng mẹ đẻ…..Như vậy để làm gì? Phải chăng là đổi sự bình yên của con trẻ lấy mấy tiếng trầm trồ xuýt xoa của người đời hay mấy bài báo tung hô rầm rộ của đám phóng viên đói tin thèm chữ? Có khác nào đẩy đứa bé non nớt ra giữa chỗ gió lùa của dư luận, mặc cho đưa đẩy, tung hô. Cái giá ấy rẻ lắm thay! Bằng cách ấy, xã hội đang ra sức nhào nặn đại trà những người khổng lồ chân đất sét, luôn tưởng mình đang là cái rốn của vũ trụ,là tương lai, là đích đến của loài người. Giá trị của một con người chỉ có thể được đánh giá bằng những gì họ đóng góp cho xã hội chứ không phải là một nhúm thành tích cá nhân “từ hồi còn bé”.
Chúng ta vẫn cứ luôn già quá sớm và khôn quá muộn.
Thời đại chúng ta đang sống là kỷ nguyên công nghệ, nhịp sống hiện đại làm cho cha mẹ khó có thể dành nhiều thời gian bên con cái như mong muốn. Chúng ta có thể dạy cho con một số điều, và rất nhiều thứ con sẽ phải tự học và trải nghiệm; nhưng nhất định chúng ta sẽ không thể quên nhắc nhở con bài học về sự khiêm nhường. Sự tự tin, bản lĩnh, và sự chững chạc là những ưu điểm rất tốt, nhưng sự thiếu khiêm tốn lại là nấc thang ngắn nhất biến một người tài năng thành một kẻ tầm thường. Khen ngợi, khuyến khích là điều không thể thiếu trong sự phát triển của một con người, đặc biệt là trẻ em, nhưng dù sao chúng ta sẽ vẫn không xa rời “nguyên tắc 1 phút” với con: Không khen con quá 1 phút để con sinh tự kiêu, và cũngkhông trách mắng con quá 1 phút để con thấy tự ty. Nếu con có đạt được chút thành tích hơn người thì càng cần phải có sự nhìn nhận và định hướng đúng đắn từ cha mẹ thay vì giáo dục theo kiểu “no dồn chín ép”, chính cha mẹ lại thành fan cuồng của con.
Hơn tất cả, hãy để cho con được tận hưởng tuổi thơ và và sống đúng lứa tuổi củamình, đó là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con, anh không mong gì hơn thế.
Thôi thư đã dài, xin phép em anh dừng bút để đọc nốt cuốn truyện tranh rồi còn đi ngủ sớm, mai còn đi làm.
Yêu em.
Anh.