Family

MỘT NGÀY THẬT ĐẶC BIỆT

MỘT NGÀY THẬT ĐẶC BIỆT

Bố thương mến của chúng con!

Hôm nay là một ngày thật đặc biệt, trước hết là bởi vì hôm nay không phải là hôm qua - những gì đã qua đi, không thể thay đổi được; cũng không phải là ngày mai- những gì chưa tới, không thể đoán định được, hôm nay là hiện tại thôi. Tại đây và giây phút này, chúng con vẫn đang hạnh phúc vì có Bố của chúng con ở bên, dù không gần cạnh, nhưng ít nhất vẫn dưới cùng một bầu trời, dùng chung một chiếc đồng hồ.

Hôm nay còn đặc biệt hơn, vì thật trùng hợp, hôm nay là sinh nhật Bố, và cũng là Ngày của Mẹ (Mother’s Day) theo lịch của người Phương Tây. Sáng nay con cố gắng dậy thật sớm, con muốn nhanh tay là người đầu tiên trong ngày được gọi điện chúc mừng sinh nhật Bố - để Bố biết rằng người đầu tiên và cuối cùng con nghĩ đến trong ngày, không phải là chính con, mà là Bố, nơi cất giấu cả một bể yêu thương vô điều kiện cho chúng con mấy chục năm qua, chưa bao giờ vơi cạn.

Sáng nay con đã dành 30 phút tản bộ dưới những hàng cây xanh mát để miên man suy nghĩ về quãng đường hơn 30 năm qua được sống dưới bóng mát của Bố đã hạnh phúc như thế nào? Đã có lúc con ở rất xa Bố, đã có lúc con chưa thấu hiểu hết được Bố, nhưng khi hiểu được rồi thì mới cảm nhận được hết tận cùng của sự may mắn khi được làm con cái của một người như Bố.

Con cố nhớ xem hơn suốt 30 năm Bố đã đánh con mấy roi? Hình như chưa bao giờ cả. Đòn roi chưa bao giờ nằm trong cách giáo dục của Bố. Bố nói: Sở dĩ người ta phải dùng roi với con trâu là vì người và vật bất đồng ngôn ngữ, khi người ta quất xuống một roi vào nó chính là quất hai roi vào chính họ vì bất lực không có cách nào làm con trâu hiểu được mình. Và Bố tin là con hiểu hết những gì Bố nói.

Con cố nhớ xem Bố đã từng định hướng con phải làm nghề gì, phải làm ông này bà nọ ra sao? Hình như chưa bao giờ cả, Bố chỉ định hướng con làm duy nhất một nghề, tưởng dễ những lại rất khó: làm người tốt. Và bằng chính cuộc đời mình, Bố đã cần mẫn thị phạm cho chúng con thấy cách làm một người tốt là như thế nào? Bố có thể đã quên rồi, nhưng gần 20 năm trước đang đưa con đi học giữa trưa nắng, Bố đã dựng xe, cho con đứng trong bóng mát, rồi giúp một bác xích lô già đẩy một xe chở thép lên dốc cầu An Dương dù người ta chẳng nhờ và cũng chẳng hề quen biết bất kể đang quần là áo lượt, chỉ vì thấy người ta tội quá. Bằng cách giản dị và không lời ấy, Bố định nghĩa cho con một cách thật dễ hiểu “Đạo đức là gì?” - Đạo đức là sống và đối xử tử tế với mọi con người xung quanh một cách công bằng và nhân ái, không phân biệt sang hèn, trình độ, tầng lớp.

Con cũng cố nhớ xem bao nhiều lần Bố đã nhường nhịn với cuộc đời, rút lui trong mọi cuộc đua tranh mà nếu muốn, phần thắng chắc sẽ thuộc về Bố. Hình như lần nào Bố cũng luôn bình thản bất chấp mọi tổn thất với một lập luận giản đơn: chính vì mình mạnh hơn nên mình cần lùi bước, mình còn nhiều bước để lùi, lùi vài bước không sao; còn kẻ yếu thế thì không, họ không còn chỗ lùi, dù chỉ là một bước. Đừng căm ghét họ, hãy thấy tội cho họ. Người buông bỏ trước nhất là người hạnh phúc trước nhất.

Con vẫn nhớ mọi điều Bố nói, có vẻ Bố thực sự tin vào việc có những câu nói với con ở tuổi 20 để tuổi 30 con hiểu; và có những điều Bố nói bây giờ có khi 50-60 tuổi con mới có thể hiểu, nhưng con sẽ vẫn thuận lòng lắng nghe và toàn tâm vâng phục vì con hiểu: thương con hơn cả chính mình, chỉ có thể là Bố của chúng con; lời ấy là quà, lời ấy là đời.

Mỗi một tuổi qua đi, con lại chọn cho mình một lối sống chậm hơn, ít ồn ào hơn để nghe được nhiều hơn, thấy được nhiều hơn, hiểu được nhiều hơn để rồi thương được nhiều hơn. Con đã thôi không bấm còi bim bim - thôi không khó chịu khi một ai đó đi qua đường quá chậm chạp; mà bình tĩnh chờ đợi. Con nhìn thấy ở họ hình bóng của Bố và hình bóng của chính con của 30-40 năm nữa, con nhìn thấy sự cần thiết của lòng cảm thông để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, an bình hơn.

Một người không bao giờ đi chùa, không tin vào thánh thần như Bố thì chắc không bao giờ tin vào số kiếp, nhưng con thì rất tin rằng: người thầy giáo tốt nhất- người cha yêu thương nhất - và người bạn thân chí tình, thuỷ chung nhất của con ở kiếp trước, đều đang hiện thân ở Bố ngay giây phút này. Người không bao giờ hỏi con vì sao lại làm thế này, lại hành xử thế kia vì luôn tin tưởng và bao dung vô lượng. Điều may mắn ấy con giữ cho riêng mình, không ồn ào, không giải thích.

Tuổi mới của Bố đã đến rồi, mùa hè cũng sắp đến rồi, chúc cho Bố của chúng con mỗi ngày đều được mạnh khoẻ, bình an và minh mẫn để nhớ rằng dù ở phương trời nào, hoàn cảnh nào, chúng con vẫn luôn một lòng thương yêu và nghĩ về Bố mỗi ngày, trong từng hơi thở, trong từng phút giây!

Chúc mừng sinh nhật Bố! Chúc Bố sẽ luôn lạc quan, vui vẻ như trong bức hình từ 1800 năm trước này, dù ở cạnh “sư tử” thì vẫn phải cười!

Con của Bố

Hoàng Huy


"CON YÊU BỐ HƠN HAY MẸ HƠN???" VÀ NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA TÔI.

 

Không hiểu với người khác như thế nào, với riêng mình, mỗi khi vô tình nghe ai nói câu đó - một câu hỏi đùa rất phổ biến của các ông bố bà mẹ với con trẻ; bất giác lại cảm thấy hơi buồn vì nó nhắc lại những kỷ niệm với Mẹ - một người ngày xưa rất hay hỏi mình câu đấy.

Ngày nhỏ, khi ở cùng cả Bố cả Mẹ, giống như vô số các ông bố bà mẹ khác, mẹ suốt ngày hỏi câu đó. Mình toàn trả lời rất vô tư "Con yêu bố hơn" vì Bố rất xịn, như một ông già Noel của bốn mùa, biến mọi điều ước be bé của ngày thơ ấu thành hiện thực và chẳng bao giờ mắng hay đánh con; còn mẹ thì khó tính, luôn đòi hỏi con sự hoàn hảo, lôi thôi là cho ăn buffet roi

Nhưng đến một ngày Mẹ bị bệnh nặng, những ngày chiến đấu với bệnh tật. Mẹ càng hay hỏi hơn vì hình như Mẹ biết chẳng còn nhiều thời gian để hỏi câu đó nữa; và mình đã đổi câu trả lời: "Con yêu mẹ hơn, con thương Mẹ" và không quên nói thêm "vì Mẹ đang bị ốm....". Đó là một lời nói dối, vì với nhận thức của một đứa trẻ 6 tuổi, mình biết rằng mình yêu cả Bố cả Mẹ như nhau, Bố đi công tác xa cũng mong Bố về, Mẹ lên Viện K cũng nhớ Mẹ, rõ ràng là yêu cả hai như nhau còn gì. Nhưng người lớn chẳng dạy, mình cũng biết đó là một lời nói dối cần thiết. Uh nhỉ, Mẹ, người đàn bà thép của lòng mình đang yếu đuối mà, Mẹ cần một người yêu Mẹ nhiều hơn một chút, mình sẵn lòng làm người ấy.

Ngày Bố mẹ sắp sửa không còn đi chung một đường, trước ngày ra Toà, Mẹ ra sức nhồi nhét cho mình câu "Nếu Toà hỏi con muốn ở với ai, con phải nói là con thích ở với cả hai, nhớ đấy". Mình nhớ điều đó cho đến một ngày hết chịu nổi, mình nói với Mẹ "Con ở với ai cũng được, vì con thấy ở với nhau bố mẹ có vui đâu, đừng cố nữa, không cần phải vì con đâu". Từ bé đến lớn mình chẳng thấy bao giờ Mẹ khóc to bằng lần ấy, Mẹ quay ra trách mình không thương Mẹ và không nghe lời, làm mình khóc theo. Lại ôm mẹ và thủ thỉ "Con ở với Mẹ nhé, con yêu Mẹ nhiều hơn...". Một lần nữa mình lại nói dối, nhưng lại là cần thiết. Mẹ đang chênh vênh.

Cuộc sống ngày thường với Mẹ, cuối tuần với Bố bắt đầu. Thỉnh thoảng, cuối tuần Bố lại đón về nhà Bố, cứ thế một tuổi thơ hai nơi chốn trôi qua. Đến một lần hai ba tuần Bố đi đâu đó, mãi mới gọi bảo mai Bố đến đón nhé, tối hôm đấy hỏi Mẹ "Mai Bố đón con về chơi mẹ nhé" và mình mừng vui ra mặt vì nhà bố chẳng thiếu gì đồ chơi xịn và Bố rất chiều con trai. Chẳng hiểu Mẹ hôm ấy buồn bực gì mà lại oà khóc lên, la mắng "Đi đi, đi hết đi, sang đấy mà ở hẳn với bố anh đi, tôi không cần, anh yêu Bố anh hơn tôi" làm mình lại sợ nhỉ hết hồn, lại nói dối - một lời nói dối cần thiết "Không, con yêu Mẹ hơn mà, con không đi nữa, con ở nhà với Mẹ". Uh nhỉ, Mẹ mình đâu còn chồng. Mẹ cần được yêu nhiều hơn, và chỉ còn mình là người đàn ông bé nhỏ của Mẹ. Mẹ đang cô đơn.

30 tuổi nhìn lại 7 tuổi thì giải mã được rằng câu hỏi kia chính là sự tuyệt vọng cùng cực của một người phụ nữ bị bệnh tật và nỗi buồn giằng xéo. Người ta càng yếu đuối, càng cần lắm được quan tâm, được yêu thương, đàn bà muôn đời là vậy và Mẹ thì cũng chẳng thể là ngoại lệ.

Những ngày cuối cùng, Mẹ lại nhắc đi nhắc lại "Sau này, dù có thế nào, con cũng phải yêu Bố nhất nhé, nhớ nhé."

Mẹ không còn, về sống với Bố, mình không còn phải nói dối nữa, và muốn nói dối cũng không được vì mình tin dù có là gió, là mây, là bụi, hay là nắng thì Mẹ sẽ đều biết sự thật rằng: mình yêu cả Bố và Mẹ như nhau, không muốn sống thiếu một ai cả. Nhưng chẳng hiểu sao từ rất sớm, mình đã luôn có suy nghĩ rằng không nên vì cái mác một gia đình hoàn hảo, vì con cái mà bố mẹ phải chịu đựng nhau, nếu thật lòng không còn muốn gắn bó nữa, tốt nhất là nên trả lại cho nhau sự bình yên cần thiết.

Bố dạy sự cho mình sự hào hiệp, cái suy nghĩ lớn rộng cần có của một người đàn ông khi luôn nói với mình về Mẹ với một thái độ trân trọng nhất "Dù giữa bố mẹ có chuyện gì, dù mẹ đã nói với con điều gì không đúng về bố, thì đó là câu chuyện riêng của bố mẹ, còn mẹ con luôn là một phụ nữ tài năng, một người mẹ tuyệt vời và đáng để con tự hào, thế nên không bao giờ con được quên nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với mẹ con." Thỉnh thoảng, Bố giả vờ quên ngày cúng giỗ Mẹ để xem mình có nhớ không nhưng luôn âm thầm giúp chuẩn bị mọi thứ để hỗ trợ mình làm tròn bổn phận làm con. Bố là vậy, luôn nhẹ nhàng và sâu sắc.

Quay lại về câu hỏi đùa quốc dân kia, trong đó ít nhiều cũng bao hàm một chút gì đó sự ích kỷ của người lớn và cái cách chúng ta bỡn cợt như vậy đang truyền đi cái xấu, cái nghĩ hẹp cho con trẻ. Đừng tham một cái câu trả lời của bọn trẻ để hỉ hả nhất thời mà nghuệch ngoạc lên bức tranh cảm xúc của trẻ.

Tình cảm với mẹ cha đâu có phải là lúa là ngô đâu để mà cân đong ít hơn hay nhiều hơn. Người lớn có cân được không mà đòi hỏi con trẻ?

Hãy để trái tim của trẻ con được rung động những nhịp đập trong sáng nhất của buổi đầu đời, được yêu được nhớ vô tư- không định hướng. Sau này có con, mìn nhất định sẽ không bao giờ để cho bé phải "nói dối" như mình nữa, sẽ cạnh tranh công bằng với mẹ nó bằng một tình yêu thương "có bờ" (chứ không phải vô bờ) và cách giáo dục đúng đắn nhất, gieo mầm những suy nghĩ tích cực và lớn rộng nhất, để bạn ấy vô tư mà lớn lên mà chẳng cần phải nghĩ: "Mình yêu bố hay mẹ hơn nhỉ, ah, hình như bằng nhau"

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay...

Hoàng Huy

#Family#HowToLoveCorrectly