Freedom

"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"

"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
(Lâu lâu viết nhảm nhí cho mình để tạm biệt năm 2017)
Kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm, đáp chuyến bay muộn về với Bố cho kịp bữa cơm chiều, về với nơi thân thương mà không gì thay thế được, tự nhiên trong lòng nhẹ bẫng.
Ngoảnh đầu nhìn lại, một năm nữa đã chảy qua nhanh như một chớp mắt...Vài ngày nữa, một năm mới sang, mình sẽ miễn cưỡng phải dọn vào sống chung với cái tuổi 30 chật chội, không thích lắm đâu, tuổi của những bước ngoặt, tuổi đến hạn quyết toán những gì còn sót lại của thanh xuân.
Thanh xuân với mình là một dạng vốn, bằng một cách rất công bằng, cuộc đời cấp cho tất cả chúng ta, tuyệt đối không thể vay mượn, chia sẻ và luôn đòi hỏi chúng ta phải là những nhà đầu tư thông thái nếu như không muốn nhận những cái kết tê tái...
Ngồi trên máy bay, mình thử tự hỏi mình cái câu hỏi thời thượng mà rất hay các bạn trẻ bây giờ hay hỏi đùa nhau "Ta đã dùng cả tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?"
Để yêu??? Trẻ là phải yêu, không yêu cũng là một cách phí hoài tuổi trẻ. Mình cũng yêu, cũng rồ dại, cũng vô tư, cũng cuồng nhiệt, và tất nhiên cũng......sai lầm. Nhưng sau cùng mình thấy rằng: Tình yêu hoá ra cũng giống như chuyện lái xe. Không quan trọng lắm chuyện bạn đi xe gì, mà quan trọng bạn có đến đích an toàn hay không? Bạn lái xe bằng gì? Sự tỉnh táo và khôn ngoan hay sự mù quáng và vội vã? Lãng mạn, cuồng nhiệt sớm muộn rồi cũng có thể qua đi, nhưng cái quan trọng nhất sẽ vẫn là nồng độ hạnh phúc trong hơi thở những người trong cuộc. Không ai vẫy bạn lại để đo cái nồng độ ấy đâu, nhưng hãy luôn đảm bảo mình được hạnh phúc và bình yên nhất - nếu hai điều đó không còn, thì hãy dũng cảm bước ra, càng sớm càng tốt. Đừng cố gắng nhẫn nhịn, đừng tập tành hi sinh, và đừng cố diễn 24/7, tội lắm, cả mình cả người ta. Hãy yêu bằng tất cả sự trần trụi của cảm xúc nhưng cũng đừng bao giờ tự cho phép mình hoài nghi tình cảm tốt đẹp của những người quanh ta chỉ vì đôi lần của ngày hôm qua chưa được êm đẹp...

Để học hỏi??? Trẻ mà thiếu vắng đi sự học thì chỉ để lại cho tuổi già sự tiếc nuối. Mình thì chẳng bao giờ muốn tiếc nuối về bất kỳ điều gì nên mình học như thể đó là nhu cầu ăn-ngủ mỗi ngày, chứ chẳng vì mảnh bằng nào cả. Mình không chịu được cái tối tăm khi mất điện, và cũng quyết không thoả hiệp một cuộc sống quá bức bối vì thiếu hiểu biết. Học từ một tờ báo cũ, từ một ông lão bán vé số, hay học từ những ngôi trường danh tiếng, học từ những trận chửi mắng té tát của người đời.....thì đều là những học phần bắt buộc của đại giảng đường cuộc sống. Tiêu tốn cả thanh xuân để đi học để rồi nhận ra sự thật phũ phãng rằng hoá ra ta luôn ngu dốt hơn mình tưởng, và sẽ chỉ nên ngưng học khi ngưng thở để tránh cho sự dốt nát không ngừng lạm phát.

Để đi??? Tuổi trẻ là những chuyến đi, nếu không đi ta sẽ quên mất mình đã từng trẻ. Mình lang thang khắp nơi, từ thế giới phồn hoa của những người giàu đến những nơi chẳng có gì ngoài sỏi đá. Nhưng rồi, sau mỗi chuyến đi, mình lại nhận thấy chuyến đi về nhà - về đất nước nơi ta đã sinh ra - đi ngược về trong sâu thẳm chính bản thân mình là những chuyến đi đáng mong đợi nhất. Đi xa để trở về là vậy. Đi! Nhất định phải đi để thấy gia đình & đất nước mình là những thứ không dễ gì từ bỏ được đâu; để thấy những gì đẹp nhất hoá ra là những gì thân thương, giản dị nhất. Vậy nên, hãy đi đi!

Để kiếm tiền??? Mình đã từng đạp tuyết xuyên đêm đi nhặt từng xu lẻ nơi xứ người, và tất nhiên, cũng từng lăn qua lăn lại trên những chiếc giường trải đầy tiền như một trò trẻ con rất nhảm nhí để trả thù những ngày khốn khó. Mình nhẫn nhịn với mọi thứ trong đời, trừ cái nghèo và sự thiếu thốn nên say mê chuyện kiếm tiền như một bản năng sinh tồn để thử thách chính mình trong mọi hoàn cảnh. Sau cùng, mình nhận ra hoá ra chúng ta không cần phải có quá nhiều tiền để hạnh phúc như chúng ta vẫn thường tự huyễn hoặc bản thân đâu. Hãy biết Đủ và phải trả lời cho chính mình bằng được câu hỏi: "Sau sự giàu có và thành đạt là gì?" - Phải là HẠNH PHÚC, nhất định phải là HẠNH PHÚC, không chỉ cho bản thân và gia đình, mà còn phải là cho những người quanh ta. Người ta khuỵa ngã vì kiếm tiền sai cách nhiều, nhưng một số đông hơn nhiều lần lại sụp đổ vì tiêu tiền sai cách. Không định nghĩa cho đúng, tiền bạc sẽ chỉ là ngọn nguồn của đau khổ, sớm hay muộn.

Mình đã dùng tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?
Mình đã đầu tư sạch sẽ không thiếu một phút nào cho chuyện kiếm tìm tự do và tìm kiếm chính mình.
Chúng ta ai cũng nhìn thấy chính mình trong gương mỗi sáng nhưng không phải ai cũng hiểu được bản thân mình, tìm kiếm được chính mình, biết mình cần gì, muốn gì, khát khao gì?Thanh xuân chính là lúc ta đi tìm ta, tìm sao cho trọn vẹn như cái cách đi tìm lần lượt những mảnh ghép lộn xộn để xếp cho thành hình một Cuộc sống cho đáng sống.
"Tự do" sau cùng không phải do ai đó ban phát cho ta mà do mình tự tặng cho chính mình qua năm tháng, qua học hành, qua yêu thương, mất mát và trải nghiệm. Thung thăng đi giữa phố đông với vài xu lẻ hay tài khoản nhiều số; ngồi xe sang hay cuốc bộ, bực tức hay thảnh thơi.....ta sẽ vẫn luôn cần là ta, chung thuỷ với nhân cách mình đã chọn, bình thản và an yên, và khi ấy thanh xuân đã được tiêu xài ý nghĩa, dù chẳng bao giờ lấy lại được nữa.

HAPPY NEW YEAR EVERYONE!!!!

Hoàng Huy.

#NewYear #WhereismyYouth #Days4Family


Chuyện cái ghế

CHUYỆN CÁI GHẾ

CHUYỆN CÁI GHẾ
Có những chiếc ghế khi ngồi lên mang lại cho người ta cảm giác bình an, thanh thản và một thứ hạnh phúc bình dị mà vô giá.
Lại cũng có những chiếc ghế ngồi lên mang lại cho người ta tiếng chửi, tiếng tức giận, tiếng dè bỉu của những mấy chục triệu người.
Bạn chọn chiếc ghế nào?
Trong thời buổi mật ít ruồi nhiều, ghế ít đít nhiều, thay vì cạnh tranh, giành giật nhau để giành lấy mộtchiếc ghế của người khác ban tặng, tại sao chúng ta không thử tự đóng lấy một chiếc ghế cho chính mình?
Bốn chân ghế:
Học tập TỬ TẾ - Làm việc TỬ TẾ - Suy nghĩ TỬ TẾ - Hành động TỬ TẾ.
Dựa lưng vào nền tảng đạo đức, và chạm chân xuống thực tế cuộc sống.
Ngửa mặt lên phải thấy bầu trời, chứ không phải thấy một cái dù. Dù to đến mấy cũng không thế nổi bầu trời lớn rộng.
Cúi măt xuống phải thấy mặt đất bao la, chứ không phải mấy thằng đang lúi húi lau giày cho bạn. Không có kẻ nào lau giày miễn phí cho bạn cả đời.
Đấy, đấy mới là ghế của thế kỉ 21, ghế của xu thế thời đại.
Dù có chưa đẹp, chưa sang trọng, không sơn son thếp vàng, nhưng đó là chiếc ghế của riêng bạn, không thèm tiếng khen và chẳng ngại tiếng chê.
Còn nếu không, bạn hãy ngồi bệt, ngồi đất, vưa không sợ ngã vừa không sợ bị giành giật, hãy nhường chiếc ghế đẹp cho những người xứng đáng ngồi. Chẳng phải khi sinh ra, tất cả chúng ta đều đã bò lê bò càng trên mặt đất đó sao?
Hãy tìm lại sự tự do nguyên thuỷ cho chính mình.
Đừng cố ngồi và ngồi cố những chiếc ghế không thực sự là của mình.
Suy cho cùng, đó cũng là sự TỬ TẾ tối thiểu mà mỗi chúng ta đều làm được, nhỉ?

Từ nơi ngồi đất cũng như ngồi ghế....
Chúc mọi người trong năm mới sẽ tự tìm, tự đóng và tự thấy yêu "cái ghế" của riêng mình.

#HHnewdaynewlesson


“Này, anh đang sống chết vì cái gì đấy?”

“Này, anh đang sống chết vì cái gì đấy?”

 

Kính tặng chú Phong Trần, cô Hoàng Kim Hợp và tất cả những con người đã dám dũng cảm ra đi....

 

Đã bao giờ có ai hỏi bạn câu hỏi ấy chưa?

Một câu hỏi có vẻ ngắn nhưng có lẽ phải đi cả một chiều dài cuộc đời mới biết đích xác được câu trả lời. Câu trả lời đấy khó lắm. Phần vì mỗi người mỗi khác, phần vì chẳng mấy ai dám trả lời thành văn, và cũng chẳng mấy ai dám trả lời thành thật, và còn một loại nữa, đó là loại không biết mình đang sống chết vì cái gì.

 

Có một ông quan nọ, đang có chiều hướng đi lên, nằm trong diện quy hoạch này nọ, không may có bà chị buôn thúng bán bưng không may đổ bể, đến cửa nhà ông nhờ giúp đỡ, lo sợ chủ nợ đến tìm. Tiền ông đầy, ông cũng chẳng tiếc, nhưng ông vẫn xua chó ra, nói người làm ra khi cáo bận, khi cáo ốm. Ông sợ cái vẻ lam lũ khổ sở của bà chị gái đáng thương kia sẽ bám bụi vào cái chân ghế của ông, dính bẩn vào lý lịch của ông nhất là khi ông đang ôm mộng một cái ghế to hơn.

Ông không nói ra đâu, nhưng ông đang sống chết vì cái ghế.

Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn. Thương ông!

 

Có anh béo nọ, hay lắm, cứ hễ ngồi được vào bàn ăn 5 phút là anh ta chuyển chủ đề sang Từ thiện. Anh ta nói hay đến lạ, nào là phải phát tâm thiện nguyện cho đồng bào nghèo khó, nào là phải cúng dường tam bảo làm sao….Anh nói say sưa, sùi cả bọt mép, nói thâu đêm suốt sáng được, miệng anh nói, tay anh gắp liên hồi. Tài thật! Đám bạn nhậu há hốc miệng ra mà nghe, mà nuốt lấy từng lời vàng ý ngọc. Anh kể đoàn từ thiện nào cũng có mặt anh, anh không quên lôi ra bao nhiêu ảnh chụp anh tháp tùng các ông lớn đi thiện nguyện như để dẫn chứng. Ấy thế mà khi thanh toán hoá đơn cho nhà hàng, đố tìm thấy anh ở đâu. Bất quá thì khi không chuồn được, anh hôm đau bụng, hôm quên ví, hôm cười trừ trống lảng. Cái đám há hốc miệng kia móc hầu bao ra mà trả.

Anh không nói ra đâu, nhưng anh đang sống chết vì cái danh “nhà từ thiện”.

Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn.Thương anh!

 

Có một bà chủ nhà hàng nọ, lớn lắm,có cái tài kiếm tiền rất giỏi. Nhà hàng của bà đông nườm nượp, kẻ đứng kẻ ngồi,đếm không xuể.  Tiền bà đếm nhiều hôm mỏi tay vẫn chưa hết. Một hôm đám nhân viên đến 1 giờ đêm chưa được về vì bà đếm thấy thiếu mất 1 đồng xu, thiếu đúng 1 xu nữa là đủ 4 vạn đồng. Thiếu 1 xu ấy là chỉđược 3 vạn 9 nghìn mấy. Bà sẽ không ngủ được. Bà căn vặn từng đứa, mắt bà long lên sòng sọc, mặt đỏ tía tai rồi cuối cùng 1 xu ấy tìm thấy dưới kẽ khuất của ngăn kéo bà mới thôi. Lạ cái là cuối tuần trả lương cho đám thợ, thỉnh thoảng bà lại quên mất, nên 100 chỉ còn có 90. Đám thợ hỏi, bà cãi bay, chửi bọn này bố láo, bà mà lại thiếu tiền của chúng mày ah?

Bà không nói ra đâu, nhưng bà đang sống chết vì tiền.

Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn. Thương bà!

 

Còn tôi, 25 tuổi, bỏ làng bỏ nước mà đi. Dân làng kẻ chửi tôi tham tiền, kẻ trách tôi hám danh chưa về. Chẳng phải,tôi đi tìm cái mà tôi thấy nước tôi chưa có. Nước Nam nay có thiếu gì, xe đẹp nhiều đến mức tắc cả đường, nhà cao tầng nhiều đến rách cả trời, gái đẹp nhiều đến mức rách cả báo mạng, thiếu cái gì mà thiếu? Ấy mà có đấy, thiếu cái mùi thơm của sự tự do. Khi người ta ở giữa bốn bức tường kín, không cửa sổ, người ta không ngửi được cái mùi nào khác ngoài cái mùi chật chội, ẩm mốc của sự tù túng, và dần ở lâu trong đó, người ta quen, thôi không kêu nữa. Tôi thấy ấy là nguy. Tôi chả mấy tin vào kiếp sau, nên tôi nguyện sống cho trọn cái kiếp này trong TỰ DO.

Tự do không phải là không bị giam giữ, tù đày như dân mình vẫn hiểu. Tự do không phải là nghe nhạc to không ai nói, hói cả đầu không ai chê. Với tôi, tự do là khi đít không bị dính vào một cái ghế nào cả, cổ không bị chĩu nặng xuống vì chữ Danh, và tay không bị mỏi vì “phải” đếm tiền. Tự do là đi xuyên qua dãy phố đông người khi trong túi không có xu nào hay trong túi có rất nhiều tiền vẫn thấy bình thản, điềm nhiên. Tự do là không phải nói và làm những điều mình không muốn, phải tung hô- phải theo đuổi những điều mình biết rõ là sai, là không có thật.

Ghandi, nhà hiền triết, cha đẻ của đất nước Ấn Độ đã nói “Freedom is just the state of mind” (Tự do chỉ là trạng thái của tinh thần) hay Janis Joplin, một nhạc sỹ người Mỹ thế kỉ 20 nói rằng “Freedom's just another word for nothing left to lose” (Tự do chỉ là nói cách khác là không có gì để mất).

Đúng cả!!! Thường con người khi  sinh ra và chết đi đều là tự do, chỉ có đoạn giữa hai điểm đầu cuối ấy mà chúng ta hay gọi là đường đời, người ta lại hay vì cái này hay cái khác, bằng cách này hay cách khác, tự đánh mất đi sự tự do đáng quý của chính mình.

Tôi không nói ra đâu, nhưng tôi đang sống chết vì TỰ DO.

Chuyện thật, chẳng phải ngụ ngôn!

 

Còn bạn, bạn đang sống chết vì cái gì?