GreatDaddy

THƯ GỬI BỐ NHÂN NGÀY MỪNG TUỔI MỚI.

Bố thương yêu của chúng con!

Con vừa trở về sau một chuyến đi rất dài và may quá con đã kịp trở về ăn với Bố một bữa cơm trưa vào đúng ngày sinh nhật, mừng Bố bước vào tuổi 75 tươi đẹp. Đi khắp thế gian, nhìn ngắm cả đất trời mênh mang cũng không đâu bình yên bằng về nhà với Bố, quanh quẩn bên Bố như con chó con mà cả cuộc đời Bố đã nuôi nấng, chăm bẵm và đến bây giờ vẫn dạy dỗ.

Ngày sinh nhật của Bố là ngày con ăn mừng sự giàu có của mình. Con biết rằng món quà lớn nhất con có thể - con luôn muốn - và con sẵn sàng gửi tặng Bố trong ngày này đó là sự có mặt của con, đứa con trai mà Bố đã luôn yêu thương, che chở. Vậy ngay khi nào có thể, con sẽ ở đây, ngay bên cạnh Bố như cả cuộc đời, Bố đã không bao giờ rời xa con ngay cả khi con ở xa ngàn dặm.

“Con ah, con đang ở Việt Nam hay nước nào đấy? Bố nói chuyện một chút có làm phiền con không?”
“Công việc của con thế nào? Có vượt quá sức con không? Có gì áp lực không?”
“Ở nơi xa, con phải chú ý sức khoẻ nhé”

Mỗi lần con nghe điện thoại Bố là trái đất như ngừng quay, ngừng quay để nhắc con rằng con may mắn biết bao khi gần 40 tuổi rồi vẫn được Bố hỏi han, Bố thương nhiều đến vậy. Trên đời này, cũng chỉ còn có mỗi Bố gọi con để hỏi những điều như vậy. Không một ai khác.

Bố có đôi lần nói về chuyện cho con đất đai, nhà cửa này nọ khi Bố ra đi, nhưng con đã đều từ chối bởi sau khi đi khắp bốn phương trời, con đã hiểu được rằng “Được là con của Bố, là đã đạt đến tột đỉnh của sự giàu có rồi, con không còn cần gì hơn nữa cả ngoài sự bình an và thanh thản của Bố khi ở tuổi xế chiều”. Con xin sẽ không nhận bất kỳ một đồng nào từ Bố, con chỉ xin nhận dòng máu đang chảy trong người mình. Cuộc đời con, con sẽ tự kiến tạo những gì tốt đẹp nhất trong khả năng của mình. Đó là Hạnh phúc.

Hôm vừa rồi đi Liechtenstein, con có thuê một bác hướng dẫn viên người Thuỵ Sỹ để thuyết minh, vừa đúng bằng tuổi Bố, tóc bạc trắng và đi chậm hơn Bố nhiều. Con thấy mình hên ghê, trời thương, Bố của con vẫn khoẻ và tinh anh vô cùng. Giàu có là đó chứ đâu.

Mỗi một buổi sáng thức dậy sớm, trong lời cầu nguyện ngày mới của con luôn có câu “Xin tạ ơn Trời đất đã cho con đến với cuộc đời này có đầy đủ mẹ cha, và xin cho cha mẹ đời trước, đời này và đời sau của con được bình an, mạnh khoẻ”. Đó là tiếng reo vui của con và cũng là khát khao to lớn nhất trong lớn trong đời, ngoài chuyện đó ra, chuyện gì cũng là chuyện nhỏ.

Chúng ta đã là Bố con, là đồng minh thân cận và là bạn bè suốt 35 năm, qua nhiều thăng trầm và sóng gió, con tin rằng mỗi năm qua đi, con ngày càng hiểu Bố hơn, biết ơn hơn vì những điều tốt đẹp nhất trong đời mà Bố đã hi sinh để dành cho con.

Khi Mẹ vắng bóng, con bơ vơ, Bố hoàn toàn đã có thể quay lưng với nhiều lý do, để mặc con lớn lên với khối tài sản thừa kế hoặc gửi cho vài đồng trợ cấp nhưng Bố đã không làm thế, đã trở về và cho con biết rằng con còn có Bố ở bên. “Bi! Đừng sợ, Bố ở đây rồi!” Nghe câu nói ấy, con đã được sinh ra một lần nữa dưới bóng mặt trời, của tình yêu thương và sự giáo dục nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung của một người cha tử tế.

Con đã đi lang thang qua tất cả các nước nói tiếng Đức, nhìn thấy những ông bố Đức đẩy xe nôi, chăm con, chơi với con trong công viên….mà nhớ đến mình cũng có một “ông bố Đức” ở nhà lúc nào cũng sẵn sàng nghỉ làm để ở nhà đọc sách cùng con, dạy con từ đấm bốc đến nấu ăn; và cứng rắn đến cùng trong những buổi dở hơi của cuộc đời non trẻ. Bố là thế, một nhà giáo dục theo phương pháp luyện kim: muốn có thép tốt thì lò cần đủ nhiệt và búa cần đủ lực.

Con vẫn đang dùng cuốn từ điển Anh- Việt nặng hơn 3 cân rất mắc tiền mà Bố cất công từ Hải Phòng lên Hanoi tìm mua hồi con lớp 7 vì Bố nghĩ học một ngôn ngữ tốt thì cần có từ điển tốt. Còn con nghĩ, muốn thành người tốt thì cần có ông bố tốt. May quá, con có. Bố đã luôn là nguồn cảm hứng sống bất tận cho con mỗi ngày, bằng sự tử tế - độ lượng - bản lĩnh và nhân văn mà Bố đã vô tình thị phạm trong suốt những năm con may mắn được ở cạnh. Có vài người có thể không thích Bố, nhưng chưa có ai có thể coi thường Bố. Đó là điều hiếm có trong đời.

Tuổi 75 sẽ là một điều mới lạ với cuộc đời của Bố. Con mới 35 nên chưa biết gì về nó để kể cho Bố. Nhưng không sao hết, con sẽ đi cùng Bố, sẽ cam kết sự hậu thuẫn tốt nhất để Bố yên tâm chill với tuổi già, sẽ chăm chỉ bất chợt về thăm Bố để kiểm tra xem Bố có trồng thêm cây gì mới không, sẽ ở cách Bố 1h45 phút bay thôi nhưng luôn sẵn sàng có mặt, có khi chẳng nhân dịp gì ngoài dịp đời này con là con Bố. Sự viên mãn của buổi hoàng hôn có vẻ đẹp riêng của nó mà con ao ước chạm đến đầu 7 để được nhìn ngắm, thế nên Bố cứ từ từ mà tận hưởng, không cần phải gấp gáp như con, phải thương Bố nhiều hơn mỗi ngày. Bố chậm chạp đi là con phải bước nhanh hơn, để mỗi ngày chúng ta có nhau trong đời đều là một ngày hạnh phúc đích thực.

Happy Birthday, Birthday Boy!

Với tất cả lòng yêu mến và biết ơn.

Con trai của Bố

Hoàng Huy

P.S: Hi vọng Bố sẽ thích món quà sinh nhật đặc biệt mà con đã âm thầm chuẩn bị suốt 12 năm qua (2010-2022)

#ForMyPapa #BirthdayBoy


KỂ CHUYỆN ĐI THI & BÍ MẬT CỦA BỐ.

 

Hôm nay, nhìn các em (hay là các cháu nhỉ?) 2004 bước vào kỳ thi Đại học, mình nhìn thấy mình của 16 năm trước và những kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên với Bố, người bạn lớn đã thầm lặng đồng hành với mình trong tất cả các kỳ thi từ bé đến lớn. Nói theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ, thì nhờ được “xin vía” Bố - một người xuất sắc trong sự nghiệp học hành nên con đường thi cử của mình luôn cực kỳ thuận lợi dù học hành thì cũng làng nhàng thôi, trừ một số môn mà mình nghĩ là quan trọng và có sự đam mê nhất định.

Bố mình là người không bao giờ ép con phải học, phải thi điểm cao…Cách giáo dục của Bố đối với tầm quan trọng của việc “học hành cho tử tế” cũng khá là khác biệt và giúp cho “sĩ tử” ngấm đòn hơn hẳn. Những lúc rảnh việc học, Bố thường rất hay thuê mình làm những việc chân tay vô cùng nặng nhọc như chuyển cả một xe tải đất đá vào để tôn sân, lót vườn; được trả công đàng hoàng và quan trọng nhất là hai bố con cùng làm. Sau khi mồ hôi ướt đẫm, mệt nhoài thấy cả trời-trăng-sao giữa ban ngày, lúc nghỉ ngơi Bố sẽ nói “Con thấy không, học đại học không phải con đường duy nhất để kiếm được tiền, cứ lao động chân chính là sẽ kiếm được tiền, không hề khó, xúc đất cũng được tiền. Nhưng con thấy đấy, sức vóc của con có hạn, và con người không bao giờ bằng máy móc được, cho nên nếu con chọn lao động chân tay để sống, chưa kịp ráo mồ hôi là tiền đã hết, nói gì đến chuyện mua nhà mua xe hay nuôi sống gia đình. Vậy nên, với con, Bố khuyên là chỉ có con đường học cho tử tế để sử dụng cái đầu của mình mà sống”. Mắt thì hoa, chân tay thì rã rời, thì những lời tư vấn hướng nghiệp đó ngấm vào cả tiềm thức. Nửa đêm nằm mơ ngủ đang xúc đất rồi ngã gục trên đống đất là giật mình tỉnh dậy tự rửa mặt, và ngồi học liền!

Một điều kỳ lạ là trong một xã hội phát cuồng về trường chuyên lớp chọn, Bố mình lại là một người tuyệt đối dửng dưng . Ngoài chuyện tuyên bố kiên quyết không bao giờ tác động, can thiệp xin điểm để cho con được vào “trường xịn” trong khi rất hào phóng giúp đỡ con của bạn bè, Bố mình cũng chẳng bao giờ quan tâm con mình sẽ học trường nào, xếp hạng thứ mấy. Loa phường chỉ phát hai tầm sáng sớm và xế chiều, còn Bố thì cần mẫn “on air” hàng ngày để phát thanh thông điệp “Trường học không bằng tự học. Tự học là trường học vĩ đại nhất không bao giờ đóng cửa, không bao giờ bế giảng. Trong ngôi trường trọn đời ấy, không có giáo viên, chỉ có mình ta với ta, ta phải chiến thắng mọi cám dỗ để tìm đường ngắn nhất chiếm lĩnh kiến thức. Điểm số là nhất thời, thực lực là mãi mãi”. Chính nhờ vậy, suốt 8 năm sống ở gần Bố, mình chưa bao giờ nghe thấy “Con ơi, sắp thi rồi, lo mà học đi, ôn bài đi”. Bố có sự phân định rất rõ về trách nhiệm của từng cá nhân “Thi là việc của con, đậu con hưởng, rớt con chịu, Bố chỉ động viên, không bắt ép và càng không thể làm thay”. Thế nên càng gần ngày thi mình càng….chơi nhiều, nhưng chẳng bao giờ bị mắng vì mình đề cao sự thoải mái tâm lý trước những thời khắc quan trọng và sẽ chỉ học vào lúc mình cảm thấy tập trung nhất, ngắn thôi cũng được nhưng phải đều đặn và hiệu suất cao nhất. Bố luôn là người ngăn mọi người gọi mình dậy sớm “Đừng gọi nó dậy, nó học cả đêm rồi”; bởi vì bao nhiêu đêm bật đèn học là bấy nhiêu đêm Bố lặng lẽ nhìn theo qua khe cửa sổ.

Thế nhưng, Bố lại có một sự quan tâm đặc biệt với những kỳ thi của mình; từ thi chuyển cấp, thi đại học, cho đến thi IELTS để đi du học. Những tuần chuẩn bị thi, dù có bận trăm công ngàn việc, bao giờ Bố cũng sẽ ở nhà, không cho người khác làm, mà tự mình đi chợ nấu cơm cho con ăn vì sợ…..đau bụng, ảnh hưởng ngày quan trọng. Và chưa bao giờ, chưa một kỳ thi quan trọng nào, mà Bố không đưa đón mình và kiên nhẫn chờ đợi. Bố còn cẩn thận tính toán các phương án dự phòng rất chi tiết cho các nguy cơ xảy ra trên đường đi thi, hỏng xe, tắc đường….thì sẽ xử trí như nào, chi li hơn cả phim Hollywood. Thật may là mình được thừa hưởng kiểu tư duy ấy, nên dù cuộc sống sau này đôi khi có xảy ra chuyện bất ngờ, mình vẫn điềm nhiên và bình tĩnh sống vì luôn văng vẳng bên tai lời của Bố suốt từng đó năm “Người chỉ có một phương án duy nhất là người thất bại ngay cả khi không xảy ra chuyện vì cuộc sống luôn đầy rẫy những điều bất ngờ”

Buổi sáng của mùa thi này 16 năm trước là một ngày đẹp trời, và là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Bố đưa đi thi đại học. Trên đường đi thi, thấy mình thoáng có chút hồi hộp, Bố nói “Hôm nay Bố sẽ kể cho con một bí mật, ngày xưa Bố thi Đại học hai lần mới đỗ dù học rất giỏi. Lần đầu vì giỏi nên Bố khá chủ quan, xem nhẹ kỳ thi vì nghĩ cứ học theo chương trình cơ bản là đủ và cái kết…. trượt thẳng cẳng. Nhưng thay vì chọn đi làm công nhân như bạn bè, vượt qua sự xấu hổ và cảm giác thất bại, Bố đã vừa đi làm vừa ôn thi lại và kỳ thi kế tiếp Bố đã là thủ khoa với điểm số cao và tiếp tục chặng đường học tập sau này như con đã biết. Thế nên, học tài thi phận con ạ, miễn là mình đã biết đích đến, biết đường đi, thì dù bao xa, bao lâu, đường thẳng hay đường vòng, mình cũng sẽ về đích. Hãy tự tin lên chàng trai trẻ, Bố thấy rằng con đã học hành và ôn tập rất nghiêm túc, nên sẽ ổn cả thôi”. Khi con đang căng thẳng về chuyện Phải-thành-công, thì Bố lại kể một câu chuyện thất bại của chính mình. Bố biết tôi luôn coi Bố là tượng đài cao tít mà tôi luôn phải ngước lên nhìn trong sự ngưỡng mộ, nhưng buổi sáng hôm ấy, “tượng đài” đã cúi xuống thật gần để vỗ về tôi vào thời khắc quan trọng nhất dù phải tiết lộ một bí mật không-hoàn-hảo. Nhiều năm sau này, phải học hơn nữa, mình mới thấu hiểu hết thủ pháp tâm lý vi tế ấy.

Bước ra khỏi phòng thi với đề “Sóng” của Xuân Quỳnh, bài thơ tôi chưa bao giờ thuộc vì tôi nghĩ người ra đề sẽ luôn chép đầy đủ khổ thơ muốn thí sinh phân tích. Đến thơ của mình viết ra tôi còn chẳng thuộc huống hồ là là thơ của vợ Lưu Quang Vũ. Ai ngờ năm đó giám khảo chỉ viết hai câu đầu và hai câu cuối của khổ thơ còn ở giữa họ “……”. Thế nên tóm lại là có 4 câu, vận hết nội lực 8 năm chuyên văn ra phân tích rồi cũng xong được 2 tờ.
Và cả cuộc đời này, mình sẽ mãi mãi biết ơn vì khi ra khỏi phòng thi Bố đã không hỏi “Con có làm bài tốt không?” mà chỉ hỏi “Con đã làm hết sức mình rồi phải không? Giờ về nhà ăn cơm, ngủ một giấc chiều thi tiếp nào”. Rồi quãng đường trưa nắng ấy, Bố toàn kể chuyện trên trời dưới đất chứ chẳng hỏi han gì đến buổi thi đầu tiên của tôi. Lạ kỳ thật!

16 năm đã qua, nhưng hình bóng Bố ngồi giữa trưa nắng ở cổng trường thi đợi con bước ra đã theo mình đi khắp thế giới. Nó thân thương và ấm áp hơn mọi thứ trên đời. Trong ánh mắt chờ đợi của một người đàn ông ghét sự đợi chờ ấy có quá nhiều yêu thương, sự cảm thông và cuối cùng mới là sự kỳ vọng - một sự kỳ vọng được gói ghém tinh tế bằng sự bao dung to lớn của một người Cha hiện đại. Trong số ít những thứ Bố chịu chờ đợi trong đời, may quá, Bố đã chọn kiên nhẫn chờ tôi khôn lớn thành người.

Cảm ơn Bố, người bạn đồng hành “tốt vía” trong mọi kỳ thi của con và xin chúc những “tấm chiếu mới” 2k4 sẽ vượt vũ môn thành công, hoặc hoá Rồng hoặc om dưa, không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã có một cú nhảy hết mình vươn tới một nấc thang mới trong cuộc đời tươi đẹp!

Hoàng Huy

#MyDaddySecret #ThankyouDad #ExamMemories #GoodLuck


LỜI TẠM BIỆT KHÓ NÓI

Mỗi năm, mình chắc phải nói đến vài ngàn lần “Tạm biệt!”, với bạn bè, đồng nghiệp, mỗi ngày…Nhưng hôm nay, để Tạm biệt người bạn thân thiết nhất để tiếp tục một hành trình năm mới, sao mà thật khó - cái khó chung của những đứa con sống xa bố mẹ mỗi khi lên đường.

Tết vui thật đấy, nhưng khi con cái chào Tạm biệt để lên đường thì cũng là lúc mùa xuân của cha mẹ chợt tắt, và những tháng ngày ra ngóng vào trông lại bắt đầu. Một năm của những người có con xa nhà, hình như không có đủ 4 mùa, chỉ còn lại có 2 mùa: Mùa chờ đợi và Mùa đoàn viên.

Lần trước chia tay, mình nói Tạm biệt và rồi 720 ngày sau bố con không được gặp nhau vì Covid đột ngột ập đến, những chuyến bay thưa thớt dần, rồi những ngày Saigon liêu xiêu vì đại dịch. Thế nên, lần này mình sợ. Tạm biệt - ấy là bao lâu?

Công nghệ hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế tình thân, không thể thay thế những buổi chiều đông lạnh ngồi uống với Bố chén trà cúc và kể cho Bố những cuộc phiêu lưu, những sự chuyển xoay mà mình đã đi qua. Ở cạnh Bố mình được cái quyền bất khả xâm phạm: quyền được nhỏ lại, được thương. Bố vẫn như chiếc radio bền bỉ của lịch sử - của truyền thống cha ông - của những năm tháng thanh xuân rực rỡ trời Âu và mình thì vẫn là thính giả trung thành bậc nhất. Ngày thơ bé nghe để lấy học khôn để lớn, giờ trưởng thành thì lắng nghe để thu lại những ký ức, để luôn nhớ được rằng mình đã may mắn có một người cha tuyệt vời đến thế. Dù Bố có nói 5 lần một câu chuyện cũ, mình vẫn háo hức nghe, để Bố biết rằng mình đang toàn tâm có mặt ở cạnh Bố, bây giờ và ở đây. Sự hiện diện của Bố trong phút giây hiện tại là món quà vô giá nhất.

Năm nay là tròn 24 năm câu chuyện Gia đình của mình chỉ còn hai nhân vật: Bố và Con, 24 năm Bố thực hiện xuất sắc cả hai vai trò vừa làm Cha vừa làm Mẹ; vẫn chưa có tấm huân chương nào được trao. Dù vào Nam ra Bắc, đi Tây về Đông, Bố luôn ở đó, đợi chờ, nhẫn nại và bao dung: cả 12 năm được ở gần Bố và lẫn 12 năm chỉ sống xa nhà.

Có lẽ, cũng cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời gian, sự bất ngờ của cuộc sống, hôm nay Bố nhất định đòi tiễn mình ra sân bay dù chỉ là một chặng bay nội địa ngắn ngủi và mình ra sức ngăn cản vì sợ trời lạnh. Bố đã tiễn mình bao lần, lần nào cũng đợi khuất bóng sau phòng cách ly mới chịu ra về. Chỉ dám ôm Bố một cái thật chặt và mong đất trời gìn giữ Bố để thật nhiều cái Tết nữa sẽ vẫn còn Bố ở bên, để được thương, để được là đồng minh thân cận nhất trần đời của Bố.

Tạm biệt Bố và Hải Phòng thân thương!

Một hành trình mới, lại bắt đầu.

Hoàng Huy


THƯ GỬI BỐ TỪ TÂM DỊCH SAIGON: VÌ CON LÀ CON CỦA BỐ.

Bố thương mến!

Mấy hôm nay trời Saigon mưa rất to nhưng không xoá được nổi nỗi buồn và sự lo lắng bao trùm của hơn 6000 ca F0 mới mỗi ngày, đang ở rất gần, xung quanh con.

Trưa nay con nghe thấy thật nhiều sự lo lắng trong cuộc điện thoại của Bố. Bao năm nay, chúng ta luôn hiểu nhau như những người bạn thân thiết nhất, đủ để hiểu ngay cả những điều không được nói ra. Con thật lòng xin lỗi vì đã làm Bố lo lắng suốt những ngày này nhưng cũng biết ơn vô cùng vì Bố luôn xuất hiện đúng lúc để động viên, không chỉ như một người cha thân thương mà còn như một người bạn thân tình.

Sài Gòn - Bố và Con, dù không phải quê hương nhưng có một sợi dây thân tình đặc biệt, ở đây lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ trọn vẹn của con; những ngày được Bố chở từ Cộng Hoà qua Phú Nhuận học, vừa ngồi trên xe vừa ăn xôi mặn hay cơm tấm nhìn ngắm phố phường, những cơn mưa chiều ào ào nhưng chóng tạnh, chui trong áo mưa nhưng cứ 2 phút lại hỏi “Bố ơi về tới đâu rồi?”. Tất cả những con đường ấy, hôm nay, vẫn sáng đèn, nhưng vắng lặng không một bóng người. Saigon đang ốm nặng lắm Bố ạ.

Con luôn có tình cảm đặc biệt với những nơi con chọn sinh sống, Hải Phòng, London và bây giờ là Saigon. Con thiết tha muốn được là một phần của thành phố này, được sống một cuộc đời trọn vẹn của một công dân, nghĩa tình và trách nhiệm với nơi đã cho mình rất nhiều điều, là nơi có ngôi nhà đầu tiên của riêng con, là quá khứ ngọt ngào, hiện tại thân thương và tương lai tươi sáng. Saigon, đã là nhà của con, và con sẽ vẫn thuỷ chung, sẽ hết mình với thành phố này chừng nào con còn thở.

Vậy nên, dù đặc biệt nguy hiểm, nhưng con và các bạn sẽ vẫn xuống đường, bằng cách này hay cách khác, để tiếp tục chăm sóc cho những cảnh đời mỏi mệt, thiếu đói đến cùng cực khi trái tim bao dung của Saigon đang đập chậm lại và không gánh gồng nổi nữa.

Họ lẩn khuất sau những hàng cây, những trạm xe bus, những gầm cầu, những xóm trọ bị bỏ quên….và, họ đói. Điều con và bạn bè mang tới cho họ không chỉ là bánh mỳ, là chăn ấm mà hơn cả là tình yêu thương của con người. Người ta không nhất thiết phải quen biết thì mới quan tâm, mới tốt với nhau. Là đồng loại, là đồng bào….là đủ để thương nhau không cần điều kiện, nhất là giữa những ngày khó khăn đi vào lịch sử này.

Khi con đi vào sâu trong những hẻm tối nhất để tận mắt chứng kiến của các bạn công nhân đang mắc kẹt lay lắt trong những phòng trọ lụp xụp, con nhớ tới Bố đã luôn là người ở lại sau cùng trong mọi buổi tiệc tùng liên hoan, không phải để say sưa hay chụp hình, mà là để lặng lẽ chia đồ ăn còn lại vào các túi để tặng các cô chú công nhân của Bố mang về.

Khi con bước tới đắp tấm mền cho những người anh em không nhà cửa đang say ngủ trên lề đường, con nhớ tới Bố đã bỏ xe, bỏ qua quần tây áo đẹp để đẩy giùm xích lô chất đầy hàng giữa trưa nắng cho một bác lớn tuổi chỉ vì trông bác ấy tội quá.

Khi con trở về nhà lúc nửa đêm với chiếc giỏ đã hết sạch bánh mỳ, con nhớ tới đã bao nhiêu lần cùng Bố đọc đi đọc lại “Những người khốn khổ”, và lần này, con chọn làm Jean Valjean, để thương Saigon theo cách của mình

Bố hãy an tâm! Con sẽ cố gắng giữ gìn chính con và các bạn như giữ gìn tình yêu thương vô bờ Bố luôn dành cho con. Để có cuộc sống bình yên, chúng ta sẽ không thể né tránh những hi sinh cần thiết. Dù có chuyện gì xảy ra, con cũng sẽ không hối hận vì lựa chọn này của mình. Con muốn dùng chính cuộc đời mình đã thực hành tình yêu thương từ những bài học trong thời gian ngắn ngủi được sống cạnh Bố- người chẳng theo đạo gì nhưng lại gửi con đi học giáo lý ở nhà thờ “Bố không chọn tôn giáo cho con, nhưng chọn gửi con tới nơi dạy tình yêu thương. Học được gì là tuỳ ở con.”
Ở nơi ấy, con vẫn nhớ những câu hát tới tận giờ:

“Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.
Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người.
Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi.
Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.”

Tất cả những điều con nghĩ, những việc con làm, sau cùng, là vì con là con của Bố. Hãy chúc lành cho con để chúng con có thể đi cùng Saigon vượt qua cơn bạo bệnh này! Ngày đầu tiên bình yên, con hứa, sẽ bay về liền và làm beef steak cho Bố ăn; hãy đợi con nhé!

Mong Bố sẽ luôn bình an!

Hoàng Huy

#ForMyDaddy #Saigon #Lockdown #Curfew

See less

“ÔNG GIÀ TỚ”

Đó là từ mà mình không thích, chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ sử dụng dù 10 người xung quanh thì có khi có đến 6-7 người có thói quen dùng từ đó một cách rất vô tư khi nhắc tới cha mình dù chẳng có ý gì cả, chỉ là thói quen ngôn ngữ - một sự quen miệng.

Vì quả thật, từ góc nhìn thương yêu của những đứa con, ba mẹ của chúng mình chẳng bao giờ già đi cả. Thật đấy!
Nếu bạn không tin, thì hãy thử nhắm mắt lại và để dòng suy nghĩ tươi mát, trong lành nhất hướng về cha mẹ, bạn thấy gì nào?

Mình thấy mình đang ngồi đằng sau lưng Bố trên chiếc Cub 50, chui vào trong áo mưa, cứ 2 phút lại hỏi “Bố ơi đi đến đâu rồi?” và ôm chặt lấy lưng áo sơ mi màu xanh lơ lấm tấm những giọt mồ hôi đang nuôi mình khôn lớn, lúc đó mình nghĩ tấm lưng ấm áp kia là Bầu Trời, và những hạt mồ hôi kia là những hạt mưa yêu thương.

Bầu trời năm ấy quãng 40 tuổi
Bầu trời năm nay đã 72 tuổi
Nhưng đã là Bầu trời thì làm gì có tuổi, vẫn trong xanh và mát lành, chưa có dấu hiệu gì già đi cả dù Giăng Van Giăng đã rụng đi vài chiếc, tóc bạc vô số phần đến mức chán không thèm nhuộm.

Một lần khi còn bé lẫm chẫm, một chú bạn của Bố nói gì đó về gia đình và có dùng từ “ông già tôi”. Lúc về, dắt tay tôi đi, Bố nói “Cha mẹ mình mà lại gọi là Ông bà già, chán thật con nhỉ!”. Tôi còn bé đến mức chỉ biết Dạ nhưng lớn đến mức ngầm hiểu và ghi nhớ rằng dù sau này dù tuổi già có ập đến bất ngờ, Người cũng sẽ không bao giờ muốn con cái gọi theo cách ấy.

Đàn bà sợ xấu, đàn ông sợ già - đó là nỗi sợ quốc dân nhưng trong mỗi gia đình - “Ông già tớ” “Bà già tớ” dù chỉ là cách gọi phổ thông nhưng biết đâu đấy làm những siêu anh hùng của chúng ta phút giây nào đó lỡ có nghe thấy lại cảm thấy chạnh lòng. “Oh, con cái mình nó nghĩ mình già thật rồi, dù lúc còn trẻ, tấm thân già cỗi này đã giải cứu chúng nó từ hết lớp học thêm này đến cuộc thi hát nọ, đã dùng siêu năng lực mà thức trọn đêm khuya những hôm chúng nó ốm bệnh mà hôm sau vẫn tất tả đi làm kiên cường như thể đêm qua vẫn ngon giấc.”

Vòng quay của cuộc đời và vũ trụ xịn hơn muôn triệu chiếc đồng hồ Nhật, quay mãi thì ai cũng đến lúc Già. Tôi, bạn, chúng ta và cả những siêu anh hùng của chúng mình, không ai được tha cả. Nhưng dù có bề ngoài có già đi thật, thì trong 1000 nếp nhăn kia có đến bao nhiêu nếp là vì chúng ta? Có đến 1100 không?

Bố mẹ suốt cả cuộc đời đã dùng siêu năng lực của tình yêu thương để biến những mầm sống bé xinh hôm nào thành những công dân thanh tú của ngày hôm nay, bất chấp việc phải trở thành “ông già” “bà già” thì chúng ta tiếc gì mà không dùng siêu năng lực của sự quan tâm nhiệt thành, lấy vạn lý truyền âm, bấm số và gọi: “Chào Bố, Bố ăn sáng chưa? Hôm nay Bố có vui không?” để nhắc nhở rằng các siêu anh hùng của chúng ta không bao giờ phải sợ cô đơn, sợ thiếu vắng đi sự yêu thương của những đứa con xa nhà. Và khi ấy, tuổi già sẽ chỉ còn là trò đùa của những con số.

Sáng nay mình vừa gọi xong, các bạn đã gọi chưa?

Hoàng Huy

P.S: Anh giai trong hình chắc là anh giai của nhà nào đó lượm trên mạng, chứ anh giai nhà tớ chăm cạo râu hơn nhiều.

#CallDadChallenge #MyDaddy


MỘT NGÀY THẬT ĐẶC BIỆT

MỘT NGÀY THẬT ĐẶC BIỆT

Bố thương mến của chúng con!

Hôm nay là một ngày thật đặc biệt, trước hết là bởi vì hôm nay không phải là hôm qua - những gì đã qua đi, không thể thay đổi được; cũng không phải là ngày mai- những gì chưa tới, không thể đoán định được, hôm nay là hiện tại thôi. Tại đây và giây phút này, chúng con vẫn đang hạnh phúc vì có Bố của chúng con ở bên, dù không gần cạnh, nhưng ít nhất vẫn dưới cùng một bầu trời, dùng chung một chiếc đồng hồ.

Hôm nay còn đặc biệt hơn, vì thật trùng hợp, hôm nay là sinh nhật Bố, và cũng là Ngày của Mẹ (Mother’s Day) theo lịch của người Phương Tây. Sáng nay con cố gắng dậy thật sớm, con muốn nhanh tay là người đầu tiên trong ngày được gọi điện chúc mừng sinh nhật Bố - để Bố biết rằng người đầu tiên và cuối cùng con nghĩ đến trong ngày, không phải là chính con, mà là Bố, nơi cất giấu cả một bể yêu thương vô điều kiện cho chúng con mấy chục năm qua, chưa bao giờ vơi cạn.

Sáng nay con đã dành 30 phút tản bộ dưới những hàng cây xanh mát để miên man suy nghĩ về quãng đường hơn 30 năm qua được sống dưới bóng mát của Bố đã hạnh phúc như thế nào? Đã có lúc con ở rất xa Bố, đã có lúc con chưa thấu hiểu hết được Bố, nhưng khi hiểu được rồi thì mới cảm nhận được hết tận cùng của sự may mắn khi được làm con cái của một người như Bố.

Con cố nhớ xem hơn suốt 30 năm Bố đã đánh con mấy roi? Hình như chưa bao giờ cả. Đòn roi chưa bao giờ nằm trong cách giáo dục của Bố. Bố nói: Sở dĩ người ta phải dùng roi với con trâu là vì người và vật bất đồng ngôn ngữ, khi người ta quất xuống một roi vào nó chính là quất hai roi vào chính họ vì bất lực không có cách nào làm con trâu hiểu được mình. Và Bố tin là con hiểu hết những gì Bố nói.

Con cố nhớ xem Bố đã từng định hướng con phải làm nghề gì, phải làm ông này bà nọ ra sao? Hình như chưa bao giờ cả, Bố chỉ định hướng con làm duy nhất một nghề, tưởng dễ những lại rất khó: làm người tốt. Và bằng chính cuộc đời mình, Bố đã cần mẫn thị phạm cho chúng con thấy cách làm một người tốt là như thế nào? Bố có thể đã quên rồi, nhưng gần 20 năm trước đang đưa con đi học giữa trưa nắng, Bố đã dựng xe, cho con đứng trong bóng mát, rồi giúp một bác xích lô già đẩy một xe chở thép lên dốc cầu An Dương dù người ta chẳng nhờ và cũng chẳng hề quen biết bất kể đang quần là áo lượt, chỉ vì thấy người ta tội quá. Bằng cách giản dị và không lời ấy, Bố định nghĩa cho con một cách thật dễ hiểu “Đạo đức là gì?” - Đạo đức là sống và đối xử tử tế với mọi con người xung quanh một cách công bằng và nhân ái, không phân biệt sang hèn, trình độ, tầng lớp.

Con cũng cố nhớ xem bao nhiều lần Bố đã nhường nhịn với cuộc đời, rút lui trong mọi cuộc đua tranh mà nếu muốn, phần thắng chắc sẽ thuộc về Bố. Hình như lần nào Bố cũng luôn bình thản bất chấp mọi tổn thất với một lập luận giản đơn: chính vì mình mạnh hơn nên mình cần lùi bước, mình còn nhiều bước để lùi, lùi vài bước không sao; còn kẻ yếu thế thì không, họ không còn chỗ lùi, dù chỉ là một bước. Đừng căm ghét họ, hãy thấy tội cho họ. Người buông bỏ trước nhất là người hạnh phúc trước nhất.

Con vẫn nhớ mọi điều Bố nói, có vẻ Bố thực sự tin vào việc có những câu nói với con ở tuổi 20 để tuổi 30 con hiểu; và có những điều Bố nói bây giờ có khi 50-60 tuổi con mới có thể hiểu, nhưng con sẽ vẫn thuận lòng lắng nghe và toàn tâm vâng phục vì con hiểu: thương con hơn cả chính mình, chỉ có thể là Bố của chúng con; lời ấy là quà, lời ấy là đời.

Mỗi một tuổi qua đi, con lại chọn cho mình một lối sống chậm hơn, ít ồn ào hơn để nghe được nhiều hơn, thấy được nhiều hơn, hiểu được nhiều hơn để rồi thương được nhiều hơn. Con đã thôi không bấm còi bim bim - thôi không khó chịu khi một ai đó đi qua đường quá chậm chạp; mà bình tĩnh chờ đợi. Con nhìn thấy ở họ hình bóng của Bố và hình bóng của chính con của 30-40 năm nữa, con nhìn thấy sự cần thiết của lòng cảm thông để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, an bình hơn.

Một người không bao giờ đi chùa, không tin vào thánh thần như Bố thì chắc không bao giờ tin vào số kiếp, nhưng con thì rất tin rằng: người thầy giáo tốt nhất- người cha yêu thương nhất - và người bạn thân chí tình, thuỷ chung nhất của con ở kiếp trước, đều đang hiện thân ở Bố ngay giây phút này. Người không bao giờ hỏi con vì sao lại làm thế này, lại hành xử thế kia vì luôn tin tưởng và bao dung vô lượng. Điều may mắn ấy con giữ cho riêng mình, không ồn ào, không giải thích.

Tuổi mới của Bố đã đến rồi, mùa hè cũng sắp đến rồi, chúc cho Bố của chúng con mỗi ngày đều được mạnh khoẻ, bình an và minh mẫn để nhớ rằng dù ở phương trời nào, hoàn cảnh nào, chúng con vẫn luôn một lòng thương yêu và nghĩ về Bố mỗi ngày, trong từng hơi thở, trong từng phút giây!

Chúc mừng sinh nhật Bố! Chúc Bố sẽ luôn lạc quan, vui vẻ như trong bức hình từ 1800 năm trước này, dù ở cạnh “sư tử” thì vẫn phải cười!

Con của Bố

Hoàng Huy


"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"

"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"

"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”

Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.

"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.

Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình- con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"

Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300k/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.

6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.

Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé.....và con đang....... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ........luôn thuộc về con. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật J

Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.

Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.

Bạn không có tiền học đại học? Ok, fine. Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.

Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.

Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”

Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.

Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.

Hoàng Huy.


DADDY, I AM ON THE WAY TO GO HOME!  (BỐ ƠI, CON ĐANG VỀ NHÀ….)

Bố thương yêu!

Phải mất sáu năm, 2190 ngày Bố ạ, con mới có cơ hội được làm điều này: trở về ăn với Bố một bữa cơm vào đúng ngày sinh nhật của Bố. Con đã chờ đợi lâu lắm rồi, Bố biết không?

Và ngày hôm nay, con quyết định phải trở về nhà để thực hiện lời hứa của con năm ngoái “Con sẽ sớm về thôi.” Vậy nên con tạm gác núi công việc bề bộn kia lại, hết giờ làm việc hôm nay, con sẽ bay về với Bố, ở nhà với Bố một đêm thôi và ngày mai con sẽ lại đi. Con nghĩ đó là món quà tinh thần lớn nhất mà con có thể tặng cho Bố vào ngày đặc biệt này.

Bố còn nhớ không ạ, ngày con đi du học, Bố đã nói với con “Đi đi con, ở nơi ấy, có những thứ mà ở Việt Nam dù có rất nhiều tiền cũng không bao giờ có được”. Con đã nghe, đã đi, đã sống, và đã học…..cho tới khi biết được, hiểu được “những thứ” mà Bố nói ấy là gì, con lại nhận ra rằng:
“Ở nơi ấy, đúng là có mọi thứ mà đất nước mình chưa có, nhưng Việt Nam lại sở hữu một thứ, mà nếu thiếu đi, mọi thứ kia tươi đẹp kia sẽ đều trở thành vô nghĩa. Thứ ấy không gì khác hơn là Gia Đình, là Bố thương yêu của chúng con.”

Bố bao giờ cũng thế, sợ phiền con cái, và luôn cứng vững ngay cả những lúc cuộc đời ép ta phải mềm yếu nhất. Bố cứ nói “Không cần đâu, bố cảm ơn nhưng bố biết con rất bận.” Vâng, đúng là con rất bận, nhưng điều con mong muốn được bận hơn cả trong cuộc đời này, là được bận yêu thương, bận quan tâm đến Bố từng phút từng giây, bận ở gần Bố – người thân duy nhất còn lại của con trên thế gian này. Vì hơn ai hết con hiểu rằng, còn có Bố, con còn Tất Cả.

Nhớ hơn một năm trước, những ngày đầu năm mới, Bố yếu đột ngột phải vào viện. Lúc ấy, từ cách xa 13.000 km, con mới cảm nhận được hết sự bất lực tột cùng của khoảng cách xa xôi. Những cuộc gọi đầu số +84 lúc nửa đêm làm con muốn nghẹt thở. Lúc ấy với con, mọi tiền bạc đều trở thành vô nghĩa, con chỉ muốn về, về ngay, để khi Bố tỉnh lại, mở mắt ra sẽ thấy con ở ngay cạnh bên. Con dốc Penton Rise mà con đi bộ đi làm mỗi ngày, bao nhiêu bậc là bấy nhiêu nước mắt của con rớt xuống. Con vừa đi vừa khóc, mặc kệ người ta nhìn, con không quan tâm nữa vì con chỉ sợ rằng con sẽ phải đối mặt với những điều tệ nhất không mong muốn. Đó là một nỗi sợ ghê gớm với con lúc ấy. Thật may, cơn ác mộng ấy đã qua rồi…..Đã qua rồi!

Giờ đây, điều con muốn nhìn ngắm nhất không phải là Nữ thần Tự Do hay núi Phú Sỹ hay những cánh đồng hoa lavender rộng thênh thang, vì con biết con sẽ chỉ có thể cười mãn nguyện khi thấy Bố luôn khoẻ mạnh và đi chơi đây đó.

Lúc ra công tác ở TransViet Hanoi, thấy cứ buổi trưa, anh Dat Nguyen Tien lại xách cặp lồng cơm chạy về tận Hàng Bông chỉ để ăn cơm với bố anh ấy vì lo ông ăn cơm một mình buồn, con cũng ước gì con cũng được như thế. Sài Gòn với con rất tốt, công việc và những người đồng nghiệp tuyệt vời, những ngày nắng ấm đâu ra đấy chứ không hời hợt như nắng trời Bắc Âu, chỉ tiếc rằng thiếu Bố ở đây với con.

“Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa……” Vâng, con đã đi rất xa, và đủ xa đủ lâu để hiểu rằng con cần phải cảm ơn Bố đã chưa bao giờ cho con có tí cơ hội nào để dựa dẫm hay ỷ lại, để giờ đây con có thể bước đi một cách tử tế trên chính đôi chân của mình. Theo cách ấy, Bố đã cho con rất nhiều, Bố ạ.

Bố đã hi sinh và dành tặng chúng con quá nhiều trong suốt cuộc đời, và trong ngày đặc biệt này, hơn bao giờ hết, tự thân con biết con cần có mặt ở đó như hàng bao nhiêu ngày sinh nhật của con, dù bận đến mấy, Bố cũng chưa bao giờ vắng mặt.

28 năm trước, Bố đã bỏ Châu Âu để về với con của Bố, thì bây giờ con cũng trở về để được gần hơn Bố của con, trở về để thực hiện sứ mệnh là người thuyền trưởng tiếp theo của gia đình như những bức email Bố vẫn luôn gửi để dặn dò con suốt những năm tháng xa nhà. Con đọc nhiều quá, thuộc hết luôn rồi Bố ạ, và con về để nói với Bố “I am ready, Sir”.

Chúc mừng sinh nhật Bố, người cha vĩ đại, người thầy yêu thương, “người mẹ” tuyệt vời, người bạn lớn sâu sắc thuỷ chung của con suốt 28 năm qua.

Cảm ơn Bố vì tất cả. Chúng con yêu Bố rất nhiều.

Con của Bố.

Hoàng Huy.


Viết cho cha nhân ngày sinh nhật con

VIẾT CHO CHA NHÂN NGÀY SINH NHẬT CON

Bố xa nhớ....

Ngày xưa hồi còn 19-20, con luôn nghĩ 27 là một con số cực to và chắc là còn lâu mới đến, nhưng hôm nay nó đã tới....Vâng, hôm nay con đã 27 rồi, Bố ạ.
20 năm trước, con bé tí và chỉ chạy quanh quanh khu vườn đầy cây trái của bố.
20 năm sau từ ngày ấy, con đã không còn là bé, đã biết chạy quanh khu vườn đầy cây trái của cuộc đời, những vẫn là đứa con luôn thèm được ở gần Bố.

Xã hội bây giờ họ đua nhau cho con cái nhiều thứ lắm: cho tiền, cho nhà, cho xe, cho ghế và cho một cuộc đời được quy hoạch sẵn....Kệ họ đi Bố, Bố đã cho con một điều vô giá nhất: được là con của Bố, vậy là đủ.
Là con của Bố, con đâu có cần xe, vì con biết xe nào rồi cũng cạn xăng mòn lốp, rồi cũng phải dừng lại trước lối mòn muôn nẻo, chỉ có đôi chân của chính mình mới có thể chinh phục hết bao la những dặm đường đời.
Là con của Bố- phần trăm ít ỏi những người đàn ông cả đời chẳng mấy khi có ví- con cũng biết nghĩ đúng về tiền, và cũng biết rằng Tiền cũng giống như thứ mật ong rừng thơm ngon mà nếu ta tự kiếm được một cách tử tế sẽ tạo ra những hương vị ngọt ngào cho cuộc sống.
Là con của Bố - một kỹ sư tài năng đã thiết kế ra bao công trình nhưng lại chưa bao giờ chịu ngồi xuống vẽ quy hoạch đường đời cho chính con mình, con háo hức tự vẽ nên những đường nét của cuộc đời mình với những gam màu tươi sáng nhất cho chính con chọn.
Là con của Bố - người chẳng bao giờ thích ngồi ghế để rồi mất tự do, con tự biết mình nên tự tạo ra ngai vàng thênh thang cho mình hơn là đợi chờ người khác ban tặng.
Là con của Bố, vậy là đủ, Bố ạ.
Mỗi năm con đều nghĩ ra những cách khác nhau để đánh dấu sự trưởng thành của mình nhân ngày đặc biệt này. Bố biết con của Bố hôm nay ăn mừng sinh nhật thế nào không: đi làm từ lúc 3h sáng và sẽ không có tiệc tùng nào linh đình cả mà đã chuyển thành bánh kẹo, quà tặng cho các em bệnh nhi ở Viện K Hanoi, thành sách vở, giáo trình cho các em học sinh trong dự án từ thiện Help to Fly của con, thành những giờ học miễn phí trong năm tới trên chính quê hương Việt Nam mình. Con chọn cách ấy để nhắn với Bố rằng con đã thực sự học được: Yêu thương là không ngừng sẻ chia, hãy cho đi thật nhiều để biết rằng mình giàu có...... Không phí công bao ngày bố đội cả nắng mưa chỉ để về ăn cơm với con và nói đi nói lại với con về những điều đó, Bố nhỉ? Lời nói hôm qua của Bố đã thành hành động của con hôm nay và những ước mơ nối dài những ngày đang tới.....Con đã lớn rồi Bố ạ.

Hôm nay ở Cô Tô chắc đẹp lắm bố nhỉ! Nắng vàng- biển xanh và tình yêu, nhất Bố đấy! Con sướng vui biết bao nhiêu khi Bố nói Bố muốn đi chơi ở nơi ấy, và con có thể đưa Bố đi ngay không tốn lấy 1s suy nghĩ.
Con mê bút kí Cô Tô của Nguyễn Tuân lắm mà chưa một lần được đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp ấy. Thôi, con đưa Bố đi rồi khi nào con về Bố phải hứa là sẽ kể cho con xem nó đẹp như thế nào nhé!

"Cha sẽ là cánh chim đưa con bay thật xa" - vâng, cảm ơn Bố, cánh chim yêu thương không mỏi đã bay cùng con suốt 27 năm qua và sẽ vẫn luôn đồng hành cùng con trong những chặng bay tới...
Bố hãy tặng quà cho con đi, như ngày xưa ấy. Con không đòi gì đâu chỉ đòi Bố phải luôn khoẻ, luôn vui, và luôn yêu đời nữa. Hãy yêu đời này nhiều như cuộc đời này- như chúng con mãi yêu Bố.
Con mong lắm ngày trở về để ngồi dưới tán cây vú sữa, cây xoài, cây sấu mà ngày ngày Bố vẫn vun trồng đợi chúng con về.

Happy birthday to your son, Daddy!


Viết về mặt trời

VIẾT VỀ MẶT TRỜI....

Hôm nay là ngày nghỉ nhưng con cứ chờ mãi, chờ mãi để đợi thời khắc sang ngày mới được là người đầu tiên chúc mừng sinh nhật Bố, mặt trời thương yêu của chúng con.

Con sẽ gọi điện, như hàng ngàn cuộc gọi con đã gọi về cho Bố trong suốt những ngày tháng xa nhà, nhưng con vẫn muốn viết điều gì đó để mỗi khi đọc lại Bố sẽ nhớ chúng con luôn biết ơn Bố và yêu thương Bố nhiều biết nhường nào, dù rằng sẽ mãi mãi chẳng bao giờ nhiều được bằng một phần những gì cả cuộc đời Bố đã dành cho chúng con.

Năm nay chúng con đều đi vắng cả rồi, chẳng còn đứa nào ở gần, nhưng mong Bố đừng buồn Bố nhé. Dù ở Anh ở Úc hay ở bất cứ góc trời nào nào, anh em con vẫn luôn bảo nhau nhớ về nguồn sáng bất tận trong cuộc đời chúng con, là Bố.

Cuộc sống này luôn cuốn mỗi chúng ta theo muôn vàn dòng chảy khác nhau của những tham vọng bất tận, theo những tháng năm cuộc đời, và khi người ta còn trẻ là lúc dòng chảy đó cuồn cuồn nhất. Khi người ta 20, người ta mơ thành triệu phú, người ta muốn có siêu xe, người ta mong thành Thủ tướng.......nhưng con biết sẽ mãi luôn trung thành với ước vọng thiêng liêng nhất, lớn nhất: được làm con ngoan của Bố. Chỉ vậy thôi là đã quá đủ sướng vui cho một cuộc đời này...

Nhiều lúc con thấy giận mình khi còn trẻ dại đã có những lúc làm Bố phiền lòng, và cũng chính những lúc ấy con mới càng hiểu rằng không có sự bao dung nào vĩ đại hơn của những đấng sinh thành dành cho con cái.

Cảm ơn Bố đã nuôi dạy con bao nhiêu năm mà chưa bao giờ đánh con một roi nào.

Cảm ơn Bố đã luôn cố gắng để ăn cơm cùng với con mỗi ngày bất kể công việc có bận rộn đến đâu

Cảm ơn Bố đã chưa bao giờ nuông chiều con và làm cho con hiểu rằng con sẽ không được dựa vào bất kỳ ai, ngoài chính mình.

Cảm ơn Bố đã không bao giờ tiếc thời gian để ngồi bình luận Những người khốn khổ, Tấn trò đời…….cho con nghe và dạy con biết mê say từng con chữ, từng trang giấy.

Cảm ơn Bố đã kể cho con về Châu Âu, về những điều kỳ thú bên ngoài biên giới mà giờ đây con đang mê say tự mình khám phá.

Cảm ơn Bố đã không bao giờ bắt con phải giống như “con nhà người ta” và luôn tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con, để hôm nay con được là chính mình, chứ không phải là bóng hình của ai khác.

Và mỗi ngày mới lên, con chưa bao giờ quên cảm ơn trời đất đã cho con được là con của Bố, một người cha – người mẹ - người thầy và người khơi nguồn cảm hứng vĩ đại và giàu yêu thương nhất trong cuộc đời con.

Một tuổi mới đã đến rồi, chúng con chúc Bố sẽ luôn khoẻ và nhiều niềm vui để mãi là Mặt Trời để sưởi ấm, dẫn đường, và là nguồn sáng che chở cho chúng con.

Hãy coi như con vẫn đang ở nhà, và đang cười rất tươi trong ngày vui này. Đợi con về Bố nhé!

Yêu Bố thật nhiều!

Con của Bố.


Thư gửi ông già Noel

THƯ GỬI ÔNG GIÀ NOEL CỦA CON. (My letter to my Christmas Father)

Theo truyền thống ở Anh, trẻ con thường viết thư cho Christmas Father (ông già Noel) và gửi tới Edinburgh-Scotland hoặc Bắc Cực để xin quà tặng nhưng con sẽ gửi thư này về Vietnam cho ông già Noel của riêng con suốt 26 năm qua và mãi mãi về sau này, người luôn yêu thương chúng con và biến mọi điều ước của chúng con thành hiện thực: Bố thương yêu của chúng con.

Châu Âu những ngày này đẹp lắm Bố ạ, cả thành phố rực rỡ, lung linh ánh đèn và ai ai hối hả hoàn tất những công việc cuối năm để về đoàn viên bên gia đình. Ở đây, chúng con có vẻ như có được mọi thứ đẹp nhất, tốt nhất ngoại trừ một điều: người đàn ông vĩ đại nhất và quan trọng nhất trong cuộc đời chúng con: Bố.
Những lúc như thế này, con chỉ ước giá như có Bố ở đây.......

Những cơn gió dữ nhất ở đây chưa bao giờ đủ sức làm cho con cảm thấy lạnh nhưng một tin gió mùa về từ nơi quê nhà cũng đủ làm con lo lắng.

Đã có lần con viết rằng Bố cũng giống như Lão Gorio trong tiểu thuyết của Banzac: cả cuộc đời đắm đuối vì con cái nhưng khi đã xế chiều lại hi sinh để con cái đi xa. Sẽ chẳng bao giờ con có được văn tài như Banzac, nhưng bằng cuộc đời, yêu thương và hành động của mình, con sẽ viết một đoạn kết hạnh phúc khác cho "lão Gorio".

Chúng con đi xa là để làm gần hơn ước vọng trọn đời của Bố: con cái được thành công và hạnh phúc. Và từng phút từng giây, con hiểu đó là sự hi sinh thầm lặng của Bố và không bao giờ cho phép mình được quên điều đó.

Con vẫn là Bi của Bố, chỉ có một điều khác là ngày bé con sáng mắt lên khi nghe thấy tiếng xe của Bố, sáng mắt lên khi Bố bất ngờ xuất hiện, cho con nhảy tót lên đằng trước xe máy Bố để được chở đi mua đồ chơi........thì bây giờ đi qua phố đông, đôi khi con sáng mắt lên khi thấy những chiếc áo đẹp mà con nghĩ rằng Bố mặc sẽ hợp, con sáng mắt lên khi gửi về cho Bố những món quà nhỏ. Có lẽ khá buồn cười, nhưng những chiếc áo con gửi về tặng Bố con thường mặc một lúc lâu trước khi gói lại, vì con tin khi về đến Vietnam Bố biết đâu vẫn cảm nhận được hơi ấm của đứa con ở xa.

Năm qua con đã rất ngoan Bố ạ. Con đã lập English For ALL ngày ngày chia sẻ niềm đam mê tiếng Anh của con tới hơn 60 ngàn lượt người trong hơn 200 ngày qua, con sẽ cố gắng làm tốt hơn việc đó trong những năm tới. Con đã khởi xướng và tài trợ cho dự án Help to Fly để cùng các bạn tình nguyện viên trẻ hàng tuần đem những giờ học tiếng Anh miễn phí cho những em học sinh nghèo và nhiễm HIV ở nơi quê nhà. Con cũng tham gia rất nhiều các chương trình từ thiện khác. Tất cả những điều đó, dù nhỏ bé, nhưng là cách con chọn để tự tin trả lời với Bố rằng: Con đã thuộc, đã hiểu, đã hành động như bài học cả cuộc đời Bố dạy chúng con: "Người giàu có và hạnh phúc nhất là người sẵn lòng cống hiến và cho đi nhiều nhất một cách vô tư nhất.". băng cách ấy, chúng con tự nhắc nhở mình là người Hạnh Phúc và biết trân trọng những may mắn mà Trời đất, Bố Mẹ và cuộc đời đã ưu ái dành cho chúng con. Bằng cách ấy, chúng con tự nhắc nhở mình là người Việt Nam và những gì tốt đẹp nhất luôn nên dành cho quê hương.

Người Anh họ nói rằng chỉ cần bé ngoan, lớn sống tốt thì sẽ có mọi món quà trong đời, mà mọi ước muốn sớm muộn cũng sẽ thành hiện thực. Và con rất tin điều đó....
Món quà và điều mong ước của con và em lúc này là: Bố- ông già Noel trọn đời của chúng con phải luôn khoẻ mạnh, vui vẻ và yêu đời. Bố có sẵn lòng dành tặng chúng con món quà vô giá ấy không?

Chỉ vài giờ nữa thôi là tới đêm Giáng Sinh rồi, con cũng sắp kết thúc ngày làm việc cuối cùng trong năm của mình. Năm nay chắc con sẽ không treo tất nơi cuối giường để đợi quà Giáng Sinh nữa, mà sẽ ghé vào đâu đó mua thêm một đôi tất thật ấm gửi tặng cho "ông già Noel". Miền Bắc mùa đông lạnh lắm!

Bố ah, năm nay, năm đầu tiên không có cả con và em ở nhà, chắc Giáng Sinh của Bố sẽ hơi buồn một chút, nhưng Bố hãy vui lên và mỉm cười khi biết rằng dù Châu Âu hay Châu Úc, chúng con vẫn luôn nhớ về Bố, nghĩ đến Bố và yêu thương Bố nhiều như cả cuộc đời này Bố vẫn yêu thương và hi sinh cho chúng con.

Chúc Bố, "ông già Noel" của chúng con một mùa Giáng Sinh an lành và một năm mới bình an!!

Merry Christmas and Happy New Year!
Yêu Bố của chúng con rất nhiều!
Con của Bố.

Hoàng Huy.


Bố cứ nghỉ ngơi, còn thế giới để con lo

"BỐ CỨ YÊN TÂM NGHỈ NGƠI, CÒN THẾ GIỚI, ĐỂ CON LO!"

Bố thương yêu của chúng con!

Hôm nay, ngày 10 tháng 5 với con bao giờ cũng là một ngày đặc biệt, ngày sinh nhật Bố của chúng con.
Con rất mong rằng Bố sẽ thích món quà sinh nhật mà con dành tặng Bố.
Bố có biết vì sao lại là một chuyến du lịch, chứ không phải là một vật phẩm gì đó không. Vì con muốn Bố con mình có một kỉ niệm đáng nhớ nhân ngày sinh nhật dù con không ở nhà. Bố nhớ không 16 năm trước Bố dẫn con đi chơi khắp Sài Gòn, nào Đầm Sen, nào Suối Tiên.....khi ấy con đã ước trong lòng rằng khi nào con lớn, có điều kiện con sẽ tự đưa Bố đi chơi lại chính những nơi ngày xưa Bố đã dẫn con đi để đánh dấu sự trưởng thành của con. Nhất định! Và hôm nay con thực hiện điều ước hôm nào đây. Dưới nắng vàng phương Nam, Bố sẽ lại nhớ lại những ngày xưa, đi lại những con đường quen Bố đội nắng đội mưa chở con ngày ngày đi học. Nhanh quá Bố nhỉ, thằng cu Bi hay bám đuôi Bố đi khắp nơi ngày nào bây giờ đã là thanh niên gần 26 tuổi rồi đấy, và………….đang ở rất xa.

Bố thương con lắm, con biết điều đấy hơn ai hết, Bố nghĩ đi chơi sẽ tốn kém tiền bạc, thương con ở xa vất vả. Nhưng Bố ơi, vất vả bé nhỏ của con là gì so với vất vả 26 năm qua của Bố, người chưa một giây rời mắt khỏi con, lo cho con. Con mới chỉ tặng cho Bố được một chuyến đi trong khi con đã nhận từ Bố biết bao nhiêu chuyến đi. Xin Bố hãy cho con một lần được cho đi để con biết rằng mình hạnh phúc.

10 năm, 20 năm nữa, có thể con sẽ giàu hơn hoặc nghèo hơn bây giờ, nhưng điều đó với con chẳng quan trọng lắm, điều quan trọng nhất là con không muốn để thua thời gian trong chuyện giành giật bố. Con cái càng trưởng thành- bố mẹ càng già đi: điều nghịch lý đó đáng lẽ không nên tồn tại trên thế giới này mới đúng. Con là người thực tế, quan tâm và chỉ quan tâm đến những gì ở hiện tại, trước khi suy nghĩ quá nhiều về tương lai.

Tiếng Anh có từ Present hay lắm Bố ạ, vừa có nghĩa là Hiện tại, vừa có nghĩa là Món Quà. Thật vậy, hiện tại, những khoảnh khắc con đang có Bố, là món quà tuyệt vời nhất. Con kém may mắn khi phải lớn lên mà thiếu vắng mẹ, nhưng cuộc sống vẫn công bằng khi ban tặng cho con một người cha tuyệt vời như Bố. Bước ra cuộc đời rồi, ngụp lặn giữa lo toan rồi, biết nhìn ra xung quanh rồi, con mới thấu hiểu được hết tấm lòng và sự hi sinh của Bố suốt những năm qua. Mọi người sẽ không bao giờ biết rằng bố chưa bao giờ cho con tiền to, chưa bao giờ mua cho con những vật dụng quá đắt giá, nhưng Bố lại cho con những thứ mà tiền và ngay cả rất nhiều tiền đều không mua được: tinh thần tự lập và bản lĩnh sống cho ra sống. Và con chắc chắn rằng có được một người cha như bố là ước mơ của rất nhiều người. Chính vì vậy, con chưa bao giờ ngừng tự hào vì được làm con của bố.

Con đã có cơ hội được đi nhiều loại máy bay to, nhiều loại ô tô đẹp nhưng con vẫn nhớ mãi, thèm muốn mãi chỗ ngồi sung sướng nhất thế gian, ngồi đằng trước xe máy của Bố như ngày con còn thơ bé, được đưa đi khắp nơi, và mọi câu hỏi “Vì sao?” của con luôn được trả lời cho đến tận cùng. Bố có biết điều con mong ước nhất bây giờ là gì không, là được ở nhà, sáng sáng đi mua đồ ăn sáng, tối đi mua đồ ăn đêm như ngày xưa ở nhà con vẫn làm. Thèm được Bố sai bảo, chỉ dạy, thèm cái cảm giác đi đâu về muộn có điện thoại, mở ra "Bố is calling"…..

Với con, đứa con chỉ thực sự trưởng thành khi có khả năng báo đáp bố mẹ, chưa báo đáp được thì vẫn chỉ là trẻ con trong cái vỏ thô kệch của người lớn. Giàu có đến mấy mà mẹ cha không còn cũng chỉ là vô nghĩa.
Con nghèo hơn một phần thế giới vì Mẹ con đã đi xa, nhưng con vẫn còn giàu hơn nhiều người vì còn có Bố. Được chăm sóc, được lo cho Bố lúc này là điều duy nhất trên thế gian làm cho con cảm giác mình thật GIÀU CÓ.
"Ba sẽ là cánh chim đưa con bay thật xa......" Bài hát ấy Bố còn nhớ không? Bố hay lấy câu hát ấy để ví von về hình ảnh người cha với đứa con của mình. Vâng bố ạ, con chỉ muốn rằng, khi đã là cánh chim bay xa rồi, con sẽ vẫn mãi nhớ về người đã bỏ cả cuộc đời, bỏ cả Châu Âu về chắp cánh cho mình.

Vậy nhé, Bố hãy yên tâm nghỉ ngơi, còn thế giới, để con lo; và con luôn hạnh phúc được lo cho phần quan trọng nhất trong thế giới của riêng con, là Bố.

Bố phải luôn khoẻ, và vui Bố nhé! Chúng con yêu Bố của chúng con. Chúc mừng sinh nhật Bố.

Con trai của Bố.

Hoàng Huy


Câu chuyện quả núi

Câu chuyện quả núi của Bố và bài học về Phát triển.

Dạo này, trong những cuộc điện thoại về Vietnam nói chuyện với Bố, mình hay than vãn rằng: “Con thấy hình như gần đây con chẳng PHÁT TRIỂN gì cả? Cứ quanh quẩn, đi học –đi làm;trong khi bạn bè ở Vietnam có vẻ như đang đi lên, công việc tốt, thu nhập tốt,tương lai nhiều hứa hẹn. Con thấy hơi chán chán với chính mình.”

 

Và thế là mấy hôm trước, Bố có gửi cho mình tấm ảnh này qua Facebook; với mọi người có lẽ đây sẽ chỉ là một tấm hình bình thường nhưng với mình lại chứa đựng những thông điệp rất đặc biệt mà chỉ có lẽ chỉ có hai bố con hiểu với nhau.

 

Cả cuộc đời của bố mình là những chuỗi ngày bươn chải và lao động không ngừng nghỉ, từ thời trai trẻ trong chiến tranh làm lụng phụ giúp ông bà nuôi gia đình cho đến sau này ra nước ngoài và công tác. Thực sự, bố là một người ít ngơi nghỉ và ham thích sự đổi mới. Bố luôn tự đặt ra những mục tiêu PHẢI đạt được trong gia đình cho từng năm, và trước Tết sẽ nhìn lại xem năm qua chúng ta đã có những cái gì mới. Kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước mình thì thường là vạch ra rồi để đấy, kế hoạch của Bố thì khác : vạch ra là phải có, phải chắc chắn có.

 

Từ ngày nghỉ hưu và rút lui dần khỏi kinh doanh, công việc cũng bớt dần Bố trở về với vườn cây yêu thích. Bố kiên trì đưa những tảng đá to, hòn đá nhỏ lên, gắn ghép, vuốt nặn để hình thành lên những ngọn núi nhân tạo ngay trong vườn nhà, tạo nên những cảnh quan lạ mắt. Và quả núi bên trong bức ảnh chính là công trình năm nay của Bố, sự đổi mới trong không gian sống mà Bố đã dày công kiến tạo. Còn có cái mới là còn phát triển, năm nay Bố vẫn phát triển. Người ta thường nghĩ phát triển là gắn với con số, với doanh thu, với tài sản, nhưng Bố của mình thì đưa ra một định nghĩa phát triển trực quan và gần gũi hơn nhiều: Quả núi mới đắp.

 

Mình đã hỏi: “Sao Bố không làm gì khác, mà lại đi đắp núi?”Bố trả lời bố muốn để lại những kỷ niệm hữu hình sau này cho các con, quả núi thường được ví như hình ảnh người cha trong gia đình, ngay cả sau này khi bố không còn nữa thì những cái cây, quả núi này sẽ vẫn sống cùng với các con, nhìn thấy những quả núi này là vẫn như nhìn thấy bố. Hơn nữa những quả núi chứa đựng nhiều điều ý nghĩa mà theo thời gian sẽlàm cho các con hiểu. Và hôm nay thì mình đã hiểu.

 

Mình chợt nhớ lại những điều Bố vẫn nói trước đây khi hai bốcon đứng trước những quả núi Bố đã đắp lên.

Sự phát triển của con người cũng giống như sự phát triển của tạo hoá, một quả núi muốn vươn cao chạm trời mây thì cần có biết bao nhiêu năm tháng tích tụ đất đá, cần có biết bao như sự chuyển dịch cần thiết thì mới có một quả núi hiên ngang, sừng sững. Con người muốn thành đạt, muốn làm chủ được ước mơ của mình thì phải chịu khổ luyện, phải biết tích luỹ không ngừng và quan trọng là phải biết kiên trì mà chờ đợi cơ hội.

 

Thời cơ trong cuộc đời này cũng giống như mây trên đỉnh núi,núi muốn chạm được vào mây thì phải đủ cao, con người muốn chớp được cơ hội mà phát triển thì phải đủ Tầm. Và cái Tầm đấy thì cần phải qua năm tháng, học tập,và đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống thì mới có thể đạt được. Núi muốn vươn cao thì chân núi phải vững chãi, đó là vì sao những quả núi luôn có hình chóp nón.Người muốn tiến xa thì phải có nền tảng cơ bản: tài năng- đức độ- và bản lĩnh.  Nếu không có chân núi thì sao có đỉnh núi.

 

Con người khi đã đạt đến đỉnh cao, đến vinh quang rồi, thì cũng giống như chinh phục được một ngọn núi. Nhưng hãy coi chừng, vì bên kia của đỉnh núi, thường là vực thẳm, nếu không cẩn thận là sẽ gục ngã, nhiều người không đầu hàng trong gian khó nhưng lại sụp đổ khi ở đỉnh cao; vậy nên càng phải học được cách dừng đúng lúc, học cách chấp nhận cuộc sống,  trân trọng những gì mình đang có. Hãy biết cho những tham vọng của bản thân nghỉ ngơi đúng lúc như lời Khổng Tử đã dạy.

“Biết đủ là đủ, chờ đủ đến khi nào được đủ.

Biết nhàn là nhàn, chờnhàn đến khi nào được nhàn”

 

Thật kỳ lạ là Bố hiếm khi hỏi xem mình kiếm được bao nhiêu tiền,đi chơi được những đâu nhưng Bố không bao giờ quên hỏi một điều trước khi kết thúc những cuộc nói chuyện. “Tuần này con có đọc thêm sách gì mới không, có học gì thêm ngoài trường lớp không???”. Hơn 150 tuần qua và hàng trăm cuộc điện thoại, không bao giờ thiếu câu hỏi ấy.

 

Theo Bố thì “Con sẽ chỉ thực sự không phát triển nếu như ngày hôm qua – ngày hôm nay – và ngày mai nữa đều na ná giống nhau, không có gì mới và không thu nhận được thêm điều gì. Sự dừng lại mới là kẻ thù của sự phát triển, còn sự tích luỹ-học hỏi qua thời gian chỉ là trạng thái tĩnh của phát triển.”

 

Cám ơn lời động viên – nhắc nhở sâu sắc của Bố. Con sẽ tiếp tụcđắp những quả núi của riêng con, sẽ kiên trì tích luỹ vươn cao để chạm đến những ước mơ của mình.


Xuân này con không về

Xuân này con không về...........

Xuân này con không về...........

Bố yêu quý.

Ngàn lần con xin lỗi, Bố nhé, con lại một lần nữa phải lỗi hẹn với Bố rồi, xuân này...........con không về Bố ạ,

Nghe rét mướt luồn trong cơn gió cuối năm, con lại ước ngày này con đang được ở Việt Nam, ở Hải Phòng thân thương, đang được đưa Bố đi chơi chợ hoa trên đường Trần Phú, được ngắm đào ngắm quất, đang được cùng Bố đi mua sắm Tết, con muốn được tự mình mua tặng cho Bố chiếc áo đẹp nhất như những năm trước con vẫn làm. Vì Bố đã từng nói chiếc áo do chính con trai mình mua cho là chiếc áo đẹp nhất, ấm nhất và đáng mặc nhất trong cuộc đời của một người cha. Con thích khoảnh khắc ấy khi nhìn thấy niềm vui sáng lên trong mắt Bố. Con hiểu đó là Hạnh phúc.

Giao thừa của con nơi đây không pháo hoa, không hương thơm ngày Tết; và ngày mai cũng sẽ lại xách cặp đến trường, bận bịu với bài vở, và rồi vội vã tất bật đi làm như bao ngày qua con vẫn vậy, vâng con xa nhà, xa Việt Nam đã 493 ngày rồi Bố ạ. Con vẫn có thói quen đếm từng ngày như vậy để luôn nhớ được đâu là ngôi nhà thực sự của mình.

Có lẽ Bố là người hiểu con hơn ai hết, không những vì Bố đã sinh ra và nuôi lớn con mà còn vì Bố cũng đã có những tháng năm tuổi trẻ dài đằng đẵng sống, học tập và làm việc ở Châu Âu như con bây giờ, nên con rất tin Bố đồng cảm với con những lúc này. Nỗi nhớ ấy thật dữ dội phải không Bố, ký ức về quê hương, gia đình đôi khi có thể làm ngay cả những người đàn ông mạnh mẽ nhất rơi nước mắt. Và có lẽ những xúc cảm nhớ thương ấy bùng lên nồng cháy nhất là những phút giây này, khi đất trời sắp gặp nhau, năm cũ sắp gặp năm mới nhưng con thì lại không được ở gần bên Bố và gia đình thương yêu.

Năm mới sang, con sẽ thêm 1 tuổi và tóc Bố chắc cũng thêm nhiều sợi bạc. Thời gian khắc nghiệt như quy luật muôn đời nay vẫn thường hung hăng như vậy, nó dường như thích thú với việc thách thức mỗi bước trưởng thành của con bằng những nếp nhăn quanh đôi mắt bố. Con không có sức mạnh nào để ngăn nó ngừng trôi, con chỉ biết rằng, mình luôn cần phải bước nhanh hơn nữa.

Nhắm mắt lại con lại nhớ lại những đêm Giao Thừa của ấu thơ, Bố con mình đã lên tầng thượng bắn pháo hoa bằng dàn pháo tự chế siêu việt của Bố. Đó sẽ mãi là những màn pháo hoa đẹp nhất và tuyệt vời nhất mà con đã từng được xem. Ngày ấy dường như đã xa rồi vì đã hơn 20 năm, khoảng thời gian đủ cho con người nếm trải nhiều sóng gió, thăng trầm của cuộc đời.

Ngày xưa con bé, Bố thường nắm tay con bước đi vì sợ rằng con sẽ vấp ngã, và bây giờ con mong được trở về để nắm bàn tay Bố để Bố biết rằng khi đã xế chiều Bố an lòng rằng sẽ luôn có chúng con bên cạnh .

Lúc này đây , con thấy cay cay nơi sống mũi, có những giọt nước nhỏ từ đôi mắt con, không biết vì đêm nay London lạnh quá hay vì lý do gì nữa, nhưng con mong Bố sẽ biết rằng Bố, gia đình và Việt Nam chính là mùa xuân của con.

Với tất cả lòng thành kính và yêu thương như Bố đã trọn đời dành cho chúng con, con nguyện cầu trong năm mới Bố sẽ mãi mạnh khỏe, bình an mà yên lòng chờ đợi ngày con sẽ trở về bên Bố.

Con của Bố.