GreatTeacher
CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG “NHÀ GIÁO NHÂN DÂN 8X - 9X” BẠN BÈ TÔI.
Trước hết phải nói rằng “Nhà giáo nhân dân” ở đây không phải danh hiệu của Nhà nước phong tặng, mà là tôi phong tặng với tất cả lòng ngưỡng mộ, vì trong mắt tôi - một người may mắn được đi nhiều nơi và gặp gỡ biết bao nhiêu nhà giáo trên khắp cả nước, họ - những thầy cô giáo trẻ thuộc thế hệ 8X- 9X mà tôi biết, thực sự là nhà giáo của nhân dân.
Đầu tiên phải kể đến Chị - một người chị mà tôi vô cùng quý mến và được gặp gỡ ở buổi đầu của cuộc đời, những ngày đầu tiên chập chững đi làm. Từ một tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi xuôi xuống Hải Phòng, tất nhiên không phải để làm nghề giáo mà là một công việc khác. Vượt qua bao nhiêu khổ cực, gian nan, và cả tủi nhục…sau hàng chục năm không ngừng học hỏi, giờ chị đã có cả trung tâm ngoại ngữ cả ngàn học sinh theo học và vô cùng uy tín ở đất Cảng. Tôi ngưỡng mộ chị không phải vì thành công của ngày hôm nay, mà vì tôi đã chứng kiến toàn bộ quá trình vượt lên chính mình và tinh thần ham học hỏi của chị. Ai mà có thể hình dung được một cô giáo nhỏ bé, không biết có được nổi 40kg không nhưng nắng cũng như mưa, mùa đông giá rét cũng như mùa hè đổ lửa, một mình một xe chạy về Đặng Cương, chạy về Vĩnh Bảo…những điểm trường ngoại thành xa xôi, và có khi thù lao còn chẳng có. Chị chỉ nói “Được dạy là tốt rồi em ạ, càng dạy mình càng giỏi hơn.”. Bây giờ thành bà chủ lớn, chị vẫn không ngừng dạy, và không bao giờ xa rời chuyện dạy. Phải ngồi trong lớp của chị mới hiểu được rằng người phụ nữ nhỏ bé này sinh ra là để dạy học. Tôi có một lời hứa với chị, rằng dù em ở bất kỳ đâu, bất kỳ múi giờ nào và đang làm gì, chỉ cần chị nhắn tin hỏi, em biết, em sẽ trả lời ngay-lập-tức. Và hơn chục năm qua, tôi đã trọn vẹn lời hứa của mình vì tôi tin rằng giúp chị là hạnh phúc nhỏ bé của bản thân khi giúp được một người yêu nghề đến vậy. Tôi không nhắc tên Chị, nhưng cảm ơn chị đã dạy tôi bài học lớn về tinh thần ham học hỏi và tình yêu lớn với nghề dạy học.
Người thứ hai, một Thầy giáo nổi tiếng mà nhiều người đã biết. Dù người ta có gọi anh là gì, là “tư bản giáo dục” (dù rằng nếu nhẩm tính thì vợ chồng anh là tư bản thật) thì tôi vẫn muốn gọi anh là “Lão nông sư phạm”. Học ở Pháp, học tiến sĩ ở Nhật, cả gia đình anh trở về Việt Nam với giấc mơ lớn về giáo dục cho nước nhà. Tôi có may mắn được đến thăm quan trường của anh 2 lần. Một lần ở Keanangnam và một lần ở trên đồi. Nhìn một ông giáo trẻ, quần ống thấp ống cao vác cuốc lên đồi, say sưa nói về một ngôi trường mà ở đó học sinh được là chính mình, và hơn hết, được dạy dỗ và lớn lên trong hạnh phúc. Spring Hills -Trường Đồi, của anh đã thành hình và ngày ngày âm thầm ươm trồng hạnh phúc. Nếu bạn không tin, cứ lên Hoà Lạc, hỏi tới trường của anh, nhìn sâu vào ánh mắt nụ cười của tụi trẻ con, bạn sẽ thấy rất đúng. Quan điểm giáo dục và cách làm của anh có thể nhiều người nghĩ rằng anh là Đôn Quixote - chàng hiệp sỹ mộng mơ trong giáo dục, ngày đêm đi ngược đường ngược nắng để theo đuổi một triết lý giáo dục rất tiến bộ. Cảm ơn Anh đã dạy tôi bài học lớn vì tinh thần kiên định theo đuổi lý tưởng, gieo mầm ước mơ cho thế hệ sau, ai nói gì mặc ai, ta cứ âm thầm tiến bước theo niềm tin vững chãi của mình.
Người thứ ba, là một cô giáo Hanoi trẻ. Tôi chỉ được gặp gỡ em một lần duy nhất cách đây nhiều năm sau khi cả hai anh em đều mới từ nước ngoài trở về. Em được đào tạo bài bản ở Mỹ về sư phạm, có kinh nghiệm, có chồng Mỹ nhưng vẫn gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở quê nhà. Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm đó, cô giáo trẻ của trường Liên cấp Olympia đã truyền lửa cho tôi khi kể những câu chuyện, những ấp ủ của em về giáo dục. Bao nhiêu năm
âm thầm dõi theo những bước đi của em, cô giáo trẻ ngày nào giờ đây đã trở thành một chuyên gia - giám khảo hàng đầu về Debating (Tranh biện)- một kỹ năng còn khá mới mẻ với học sinh- sinh viên Việt Nam; học trò của em chiến thắng khắp nơi trên đấu trường quốc tế, rạng danh tài trí Việt Nam. Cảm ơn Em đã dạy cho tôi bài học lớn về sự hết mình theo đuổi đam mê với tình yêu thuần khiết với học trò.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có cuốn sách rất hay: “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, điều đó còn đẹp đẽ hơn ở Việt Nam. Giữa bao nhiêu nghịch cảnh, áp lực, thiếu thốn, những người thầy người cô dù gặp bao nhiêu khó khăn….cũng chưa bao giờ hết yêu thương học trò, dành cho học trò những năm tháng đẹp nhất của đời mình. Ngày ngày ngắm nhìn bạn bè tôi - những nhà giáo trẻ đang âm thầm cống hiến, như con tằm rút ruột nhả tơ dệt lên những tấm lụa tri thức đẹp nhất cho đời, ai bi quan thì bi quan, ai than thở thì than thở, tôi nhất quyết tin rằng cuộc đời sẽ vẫn luôn tươi đẹp.
Mỗi sáng sớm tinh mơ, trong morning routines (tạm gọi là nghi thức buổi sáng nhỉ?) của mình, tôi luôn có 5 phút Biết ơn (5 minutes of Gratitude) để tự nhắc mình những điều cơ bản của cuộc sống, trong đó có:
“Xin cảm ơn vì đã cho con được biết đến những người Thầy của con, đáng kính và bao dung, đã dạy dỗ và yêu thương, để cho con được trở thành như hôm nay, sẵn lòng dạy dỗ và yêu thương”
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả các thầy cô giáo cũ, các bạn bè đang kiên định theo đuổi sự nghiệp trồng người….đã và đang cống hiến âm thầm để lại cho đời sau những thế hệ tốt đẹp. Happy Teacher Day!
#HappyTeacherDay #DayofGratitude
HẠNH PHÚC CẦM TAY
Sáng nay mình dậy sớm và đọc vài bài trong cuốn “Hạnh phúc cầm tay” của Thầy - cuốn sách ưa thích mình thường đọc trong những lúc mỏi mệt hay hỗn loạn nhất, như một cách riêng để tiễn Thầy một đoạn trong cuộc thong dong mới mà Thầy mới chỉ bắt đầu hôm qua, một sự tiếp nối đầy mới mẻ.
Cả cuộc đời Thầy rao giảng về Vô thường và bây giờ Thầy đã thành một phần của Vô thường. Đọc Thầy thì hiểu rằng Thầy không mất đi nên chúng ta cũng không vì đó mà buồn, Thầy vẫn đang còn đây, bây giờ và ở đây, trong trang sách này và trong mỗi chúng ta dù có khi bạn đã chỉ vô tình nghe một câu nào đó của Thầy rồi ghi nhớ nó, dù không biết đó là Thầy nhưng Thầy vẫn ở trong bạn.
Có lẽ sau Bố Mẹ, người có ảnh hưởng to lớn nhất đến đời sống tinh thần của mình là Sư ông - cách gọi thân thương mà hàng triệu người đã dành cho Thầy, dù chỉ là qua những trang sách. Mình mới chỉ đọc chắc được vài chục trong số hơn 100 cuốn sách mà Thầy để lại, nhưng chỉ cần mẫn thực hành một vài trong số đó thôi, với một trái tim rộng mở, là đủ mở ra những điều kỳ diệu trong đời sống của mỗi người, giản dị mà kỳ diệu, kỳ diệu mà giản dị. Hạnh phúc và an lạc, mấy thứ người ta hay lên đền lên chùa kêu cầu, hoá ra lại là những đứa trẻ nghịch ngợm thích chơi trốn tìm, chúng trốn ở nơi ta khó tìm và bất ngờ nhất, trong chính mỗi chúng ta. Thầy nhẹ nhàng mách nước, chúng ta nhẹ nhàng tìm về, đặt chúng lên ngai vàng sáng rõ nhất của vũ trụ: bây giờ và ở đây, rồi chiêm ngưỡng mỗi ngày.
Cuộc sống ai mà tránh né được khổ đau, giàu- nghèo- già - trẻ, người nhiều kẻ ít nhưng ai cũng có….Thầy nhẹ nhàng thúc giục chúng ta đừng chối bỏ nó, đừng chạy trốn khỏi nó, hãy trở về ấp ôm nó - ấp ôm đứa trẻ đang bị tổn thương trong mỗi người, và rồi dùng tình yêu thương sưởi ấm vỗ về trong chánh niệm, cho nó biết ta đã về đây và hoàn toàn có mặt cho nó. Phải chữa lành được cho mình, ta mới đủ hiểu đủ thương để chữa cho người, cho ba mẹ, anh em, cho bạn bè, và cho cả những người ta chưa biết.
Mình rất thích một ý niệm - một từ tiếng Anh nhưng lại không có trong tiếng Anh, interbeing (tương tức) mà Thầy đã giới thiệu. Cầm một trang sách này ta thấy gì? Ta thấy tờ giấy, thấy dòng mực in hay thấy cả cánh rừng và đại dương, thấy gương mặt mỏi mệt sau giờ tan ca của người thợ in hay thấy sự mừng vui của người mẹ thấy con về ăn cơm. Thấy càng nhiều ta càng hiểu, hiểu càng nhiều ta càng thương…Chúng ta luôn cần có nhau, luôn có trong nhau, luôn dành tặng nhau trong ý niệm interbeing đó, trong quả ngọt tư duy Thầy đã hái tặng mỗi người.
Còn nhiều lắm những điều Thầy đã dạy đã vô tình mang đến cho thế giới tinh thần của mình và lời Thầy như một bản đồ từ tâm cho những lần ta vô tình đi lạc vào giữa khổ đau, si mê hay sân hận; ta chỉ việc làm theo, là lại tìm được về với Chánh niệm (Mindfulness) tránh xa được vô minh.
Thầy sẽ luôn ở đây trong chúng con, chứ không phải trong bảo tháp hay trong mây bay.
Cảm ơn Thầy đã bước vào đời sống của con và mong Thầy sẽ an vui nhẹ bước trong cuộc rong chơi tươi mới lần này.