Hardship
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình- con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"
Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300k/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé.....và con đang....... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ........luôn thuộc về con. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật J
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Ok, fine. Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.
Hoàng Huy.
Những tháng ngày đã qua.......
6h30, ngày 16 tháng 09 năm 2010
London dần hiện ra, mờ ảo và rồi rõ nét qua khung cửa sổ nhỏ bé....Đầy thơ mộng, yên bình, và tinh khôi trong một buổi sớm mùa thu. Cuối cùng thì chiếc Boeing 777 cũng đã nhẹ nhàng hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Heathrow sau một chặng đường dài.
Chỉnh lại đồng hồ theo múi giờ mới, đeo balo lên vai, và tự tin bước ra khỏi sân bay nhé.
Chào Vương Quốc Anh, mình đã tới đây rồi sau bao ngày mong đợi.
Trong vali kia là hành lý, và sách vở; còn đây, trong tim mình là đầy chật những ước mơ và khát vọng của một người trẻ trên hành trình kiếm tìm tự do.
Không biết sẽ đến được đâu, nhưng trước hết cứ cần phải đi đã.
Hãy mỉm cười nào, một cuộc hành trình mới đầy thử thách đã thực sự bắt đầu.........
(...............Những dòng đầu tiên mình đã viết khi đặt chân xuống Vương Quốc Anh.........)
6h30, ngày 16 tháng 09 năm 2012
Nắng nghiêng dần, nghiêng dần cho đến khi đủ lách mình qua khung cửa sổ bé tí hin.
Sáng nay lại một buổi thức giấc sớm như mọi ngày, nhưng không cần phải vội vã đi làm, hôm nay là Chủ nhật, một Chủ nhật đặc biệt, vậy là đã tròn 2 năm rồi kể từ ngày mình rời gia đình thương yêu, rời quê hương Vietnam máu thịt để đến với miền đất mới này.
Không biết tự bao giờ,ngày 16 tháng 9 đã được thêm vào chuỗi sự kiện của cuộc đời mình như một cái mốc quan trọng trong cuộc chạy đua với chính mình, một cuộc chạy đua đến giờ vẫn chưa kết thúc.
Một tuần trước, nhận được bưu phẩm đặc biệt, một chiếc phong bì lớn. Không háo hức mở ra xem ngay như mọi lần, bởi lẽ mình đã biết trong đó chứa đựng điều gì. Lặng đi trong khoảnh khắc. Lúng túng không biết nên mỉm cười trước hay để mặc cho cảm xúc tràn ra nơi khóe mắt. Một sự lúng túng của HẠNH PHÚC dâng đầy. Giấy chứng nhận vào đời của mình không phải là Bằng tốt nghiệp đại học, mà là chiếc phong bì đang trước mắt. Có lẽ với nhiều người, nó thật bình thường, có gì hơn là một tờ giấy đẹp trang trọng ghi tên của chính mình bên trên học vị. Uh, một tờ giấy thôi mà.
Nhưng với mình,
...........đó không đơn giản chỉ là một tấm bằng tốt nghiệp Thạc sỹ thông thường, hơn trên hết, nó là giấy chứng nhận rằng hai năm qua mình đã sống và cố gắng không hề vô nghĩa nơi xứ người. Nó là đứa con yêu bé bỏng của Ước mơ Khát vọng và 730 ngày cố gắng không ngừng nghỉ của mình.
Chưa bao giờ trong cuộc đời mình có thể cảm nhận được một tấm giấy có thể chứa đựng nhiều đến thế.
......Chứa được cả những ngày mưa phập phù trên con đường quen bước tới trường.
...Chứa được cả màu trắng của tuyết rơi trên con dốc khuya dẫn về nhà sau ngày dài làm việc mệt mỏi.
.........Chứa được cả ánh đèn bé nhỏ chưa bao giờ biết tắt những đêm thâu học miệt mài bên trang sách.
Chứa được cả cái cảm giác nao nao quay cuồng khi phải hoàn thành bài tập trước khi mặt trời mọc, chứa được cả đôi mắt trũng sâu sau 12 ngày đêm hầu như quên ngủ để cho ra đời luận văn cuối khóa.
Tất cả vẫn như thật gần, thật gần, gần đủ để ngửi được mùi mồ hôi, mùi khói bếp, mùi công sở...và cả thứ tạm gọi là mùi nước mắt.
Thầm tự cảm ơn chính mình vì đã không ngã lòng khi tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng, vì đã kịp nhắc nhở vì sao mình đang ở đây, cách xa những yêu thương. Chỉ một mình thôi chạy trên đường pitch không một khán giả, nhưng dù sao thì mình cũng đã không ngã gục trước khi về đích. Và đây, tấm huy chương của mình. Chưa bao giờ mình cảm thấy tự xứng đáng với điều gì hơn thế.
Đi xa, hóa ra đi du học không chỉ đơn thuần là đến một nơi rất xa và cố kiếm cho được một tấm bằng. Đi xa là để gần hơn, để nhìn rõ những thứ mà đôi khi ở gần quá ta không cảm nhận được.
Đi xa là để đong đầy hơn những nỗi nhớ, những yêu thương mà phút giây nào đó ở gần ta chợt sao lãng.
Đi xa là để ta biết ta luôn được là đứa con bé nhỏ trong lòng bố mẹ, là giữa đất trời rộng lớn này người ta luôn nên yêu thương hơn tất thảy là mẹ cha.
Đi xa là để in sâu hơn bóng hình Tổ Quốc, là để thấy màu hoa phượng đỏ hơn, là để thấy nắng tháng Năm gắt hơn dù quanh đang là tuyết phủ.
Đi xa là để tập cho lòng mình cứng vững dù cô đơn, chân không biết yếu mềm dù mỏi mệt
Đi xa là để thấy mình đã lớn lên.......
Yêu thương lắm những tháng ngày đã qua...........