Hygge
LÀ CHÁN HAY LÀ YÊU???
Người ta hay nói “Đi du lịch là đi từ nơi chán của mình đến nơi chán của người khác.” Câu này nghe vui vui nhưng không đúng với mình, mình chưa bao giờ chán cái “nơi của mình” cả - mà luôn yêu thiết tha căn nhà màu xanh của mình và thành phố nơi mình đang sống, Saigon đầy nắng.
Từng ngày từng giờ sống ở đó, đều thấy nó đẹp, nó thú vị theo cách riêng. Buổi sáng sớm, mình thường ngồi một mình với ly trà đen nóng ấm trong im lặng và nhìn ngắm từng góc nhỏ trong căn nhà, chỉ thế thôi.
Nhìn mặt trời ngại ngùng nhón những bước chân đầu tiên xuống ban công để lén nhìn cây hương thảo vừa mới tắm, trêu ghẹo cây cẩm tú cầu non vừa mới ra bông lần đầu, nhìn ngắm cái sofa màu xanh phủ tấm thảm len ưa thích rồi cái ghế Papasan mà mình hay nằm cuộn tròn trong đó như con mèo nằm trong ổ, rồi những bức tranh Van Gogh treo dọc hành lang….quá nhiều thứ để ngắm.
Ai cũng sống trong một căn nhà nào đó, nhưng không phải ai cũng để tâm “thưởng thức” nó. Nếu nhà bạn, thành phố của bạn, nơi đang ấp ôm bạn mỗi ngày mà bạn còn không yêu, thì có chắc bạn sẽ thực sự yêu được một ngôi nhà của người khác, một thành phố lạ??
Và theo một cách ngược lại với câu nói lúc đầu, đi du lịch là cách để mình càng thêm yêu ngôi nhà - yêu thành phố nơi mình đang sống. Khi bước chân đi với đôi mắt và trái tim rộng mở, ta thực sự đón nhận được rất nhiều điều. Đi tới một thành phố lạ, ăn mấy món ăn lạ….thích không? Thích chứ, nhưng hỏi rằng có ngon bằng bữa cơm nhà nấu không, phô mai có ăn hàng ngày thay cơm được không thì chắc chắn….không.
Nhớ chuyến đi Châu Âu năm trước, mình đã chi cả chục triệu đồng cho một bữa tối rất rất sang trọng ở Paris, ngồi ăn trên tháp Eiffel và ngắm cả kinh đô ánh sáng dưới chân mình - một trải nghiệm để đời, nhưng lạ kỳ thay việc đầu tiên khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất là chạy thẳng ra Hồng Hà chỉ để ăn hết một mẹt bún đậu. Đó, đi du lịch sẽ dạy cho bạn thấy rằng chục triệu đôi khi vẫn không có giá bằng một trăm ngàn đâu, đó cái giá của cảm xúc thân quen. Đi các nước Châu Âu, thấy nhà nào cũng có ban công đầy hoa, không cầu kỳ nhưng rất đẹp; mình cũng làm được như vậy cho ngôi nhà của mình. Và còn làm được hơn thế vì Saigon không có mùa đông, mùa nào hoa đó, không cần phải đợi tới mùa xuân-hè ấm áp. Đi thăm các thư viện đẹp nhất thế giới, mình có thêm động lực và cảm hứng để làm cho phòng thư viện của mình càng ngày càng thêm cuốn hút, là góc hygge nhất của ngôi nhà.
Thỉnh thoảng đi du lịch lâu lâu chút, bạn sẽ điều trị được hội chứng “Xa thương gần thường” để lúc trở về thêm yêu ngôi nhà - yêu thành phố của mình hơn một chút. Saigon chưa chắc kẹt xe bằng Paris đâu, và còn lâu mới ngập bằng Venice, chỉ nghĩ thế thôi là lại bao dung với Saigon hơn một chút giờ tan tầm. Chứng than vãn cũng từ đó mà dứt. Than cái gì, yêu đi!
Với mình, đi du lịch còn chính là đi học. Chẳng phải khi chúng ta còn nhỏ, thỉnh thoảng trường mẫu giáo vẫn dẫn ta đi dã ngoại, đi bảo tàng, đi thăm quan đó sao??? Cứ vào cuối năm, khi ngồi làm dự toán ngân sách cá nhân cho năm kế tiếp, mình luôn xếp các chi phí du lịch vào Account: Personal Development Expenses (Các loại chi phí dành cho Phát triển bản thân) - trong đó chỉ có 3 mục: Chi mua sách - Chi đi học và Chi du lịch. Du lịch là một dạng phim tài liệu sống động và nhiều tri thức, với đôi mắt là máy quay vi diệu nhất ghi lại những điều chưa có trong sách vở.
Mỗi bước chân đi là một bài học mới, học nhập gia tuỳ tục, học văn hoá ứng xử và quan trọng hơn cả là học cách tôn trọng sự khác biệt - một kỹ năng quan trọng của đời sống hiện đại - của thế giới văn minh. Khi rời khỏi vùng an toàn của mình đến một nơi hoàn toàn xa lạ, văn hoá khác, pháp luật khác, ngôn ngữ khác…là một dịp để bạn rèn luyện kỹ năng thích ứng của bản thân với môi trường xung quanh. Cũng giống như một quân đội, bạn luôn cần định kỳ kiểm tra “tình trạng sẵn sàng chiến đấu” - “chiến đấu” với những điều mới lạ đang bủa vây lấy bạn.
Thế đấy, du lịch không phải là chuyện rong chơi đây đó tiêu phí tháng ngày, càng không phải để chạy trốn khỏi sự nhàm chán - quen thuộc. Du lịch trong chánh niệm, trong cái nhìn rộng mở về thế giới lại là cách để ta thêm trân trọng những gì mình đang có, làm đẹp hơn cho những gì mình đang có, và dám ước mơ cho những gì mình chưa có.
Bằng cách đó, du lịch là đi thật xa để trở về, không phải chỉ là trở về nhà, mà còn là trở về bên trong sâu thẳm mỗi người, để thấy rằng cuộc đời là chân trời bất tận những điều đáng để ta yêu.
Châu Âu, một ngày nắng đẹp.
ACCEPT /əkˈsept/ (verb): CHẤP NHẬN
Để thành người và kiếm sống, từ nhỏ tới lớn, mỗi chúng ta phải học biết bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kỹ năng từ nhà trường cho tới hè phố, từ mẹ cha, thầy cô cho đến người đời…Nhưng giàu có, thành công hay nổi tiếng nhất, lại chưa chắc đã đồng nghĩa với Hạnh Phúc. Chuyện gì xảy ra vậy?
Rồi một ngày tôi nhận ra, có lẽ là do chúng ta chưa học xong một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc đời: kỹ năng chấp nhận (accepting skill)
Thật vậy, mọi khổ đau, bất an, sân si hay phiền não suy cho cùng đều là do con người không chịu chấp nhận một hay nhiều thực tại cuộc sống, mà bỏ tâm lêu lổng đuổi theo những gì chưa có, khi có rồi lại muốn có hơn, có thêm, có tất cả. Chấp nhận, muôn đời là khó, nhất là chấp nhận những điều không hoàn hảo, thiếu sót của chính bản thân mình.
Nếu tôi là một diễn viên đang ôm giấc mộng hào quang và rồi người ta chê vở diễn tôi đóng chưa hay sau biết bao nhiêu đêm dài luyện tập miệt mài; cũng bực tức lắm chứ, nhưng tôi sẽ chấp nhận đối diện và nhìn sâu vào lời khen tiếng chê đó để hiểu rằng: khen là thương, và chê cũng là thương. Để buông được lời chê chân chính, tức là người ta đã dành thời gian quý giá để xem tác phẩm của tôi, và mong đợi một sự nỗ lực lớn hơn. Điều gì đáng sợ hơn cả tiếng chê? Sự im lặng. Tôi xin chấp nhận sự chưa hoàn hảo ấy và sẽ trở lại với một sự cố gắng lớn hơn, cũng không có gì to tát cả, bởi “nhân vô thập toàn”.
Nếu tôi là một người đang ôm một khối khổ đau trong mình và rồi xoay xở đủ mọi cách, tôi vẫn không thoát khỏi nó. Trước tiên, tôi yêu thương chấp nhận nó như một phần của tôi, không thể tách rời, vậy nên tôi cũng không thể chạy trốn. Tôi không thể dùng tay phải che mắt để cố quên đi rằng tay trái tôi đang bị đau. Người ta hay nói “Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” là vậy, rượu chè - bạn bè - những cuộc vui hay những lời an ủi bên ngoài chỉ là liều thuốc giảm đau nhất thời hay tệ hơn là giả dược - không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Để chữa lành, trước hết, tôi cần có mặt ở đó với chính mình, chấp nhận nó, chăm sóc nó từ tâm và vết thương cũng sẽ lành, cũng không có gì to tát cả bởi “hết mưa là nắng hửng lên thôi”.
Nếu tôi là một người trẻ đang ôm ước vọng thành công và rồi nhận ra xung quanh toàn những người…..thành công hơn. Là một con người, ai rồi cũng sẽ đi qua mọi nấc thang cảm xúc: ghen tị, đố kị, thất vọng rồi tự ti về bản thân. Nhưng mọi chuyện chỉ có thể khác, nếu tôi đặt chân tới nấc thang: Chấp nhận. Tôi chấp nhận rằng tôi còn kém cỏi và còn cần nhiều nỗ lực hơn. Tôi chấp nhận thành công không phải là thước đo người với người, mà chỉ là thước đo mình với mình. Tôi chấp nhận là ngày hôm nay tôi chưa được như bao người, nhưng tôi ngày mai chắc chắn sẽ khác tôi ngày hôm nay. Tôi vui vẻ chấp nhận sự hiện diện những người thành công hơn ở xung quanh tôi để biết rằng măng đang mọc giữa rừng tre. Tôi chấp nhận những mặt hạn chế của mình trước khi đi tìm những thế mạnh của mình. Tôi học cách chấp nhận chính mình ngay trước khi cuộc đời chấp nhận tôi, cũng không có gì to tát cả, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.
Tôi trở về sau kì nghỉ và nhận ra những bông cẩm tú cầu tôi trồng trước Tết đã héo rũ vì hơn 10 ngày tôi đã không có mặt ở nhà để tưới tẩm, chăm sóc nó mỗi ngày. Cứ trách mình đã đi lâu, đã bỏ mặc nó với nắng sớm và gió trời ban công, tôi chấp nhận rằng nó đã héo mất rồi và không còn rực rỡ được nữa. Và tôi bắt đầu ngắt hết những nụ hoa đã rủ, trút bỏ những chiếc lá đã khô, cắt những cành đã héo và chấp nhận tưới tẩm, chăm bẵm nó lại từ đầu với tình yêu, sự quan tâm và háo hức như khi mới mua về, tôi tin chỉ vài hôm nữa, cẩm tú cầu sẽ lại cười với tôi, cũng không có gì to tát cả, bởi hoa tàn rồi lại nở xưa giờ vẫn thế, vô thường.
Bằng cách ấy, tôi chấp nhận rằng Hạnh phúc đang ở ngay đây, và tú cầu đã nở sẵn trong lòng.
CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM: TẾT Ở TRONG LÒNG.
Với một người ngày nào cũng là Tết như mình thì Tết không có gì đặc biệt ngoài việc được trọn vẹn dành thời gian bên gia đình, được quanh quẩn bên Bố như con mèo con cọ đầu vào chân chủ sau bao ngày lang thang xa cách, và cũng là dịp tĩnh lặng để dọn dẹp khu vườn tâm trí bên trong chuẩn bị cho một năm mới an yên xanh mát. Thực ra thì ngày nào mình cũng âm thầm chăm sóc cho khu vườn ấy để bản thân luôn được tận hưởng sự thảnh thơi, nhẹ nhàng trong từng phút giây giữa điệp trùng công việc, mình trang hoàng nơi ấy bằng những điều tốt đẹp nhỏ bé bắt gặp trong cuộc sống thường ngày như cái cách người ta gom từng chú đom đóm để làm sáng cả khu rừng.
Sáng sớm ngày mồng Một, đứng sau một bà cụ tóc bạc trắng trong sân chùa trước tượng Đức Phật Bổn Sư, bà cụ khấn thành tiếng rõ to át cả tiếng người khác, vài người có vẻ khó chịu trong đó có mình, nhưng đến khi nghe thấy “Xin Phật phù hộ cho con trai con tên là……và con dâu tên là…và hai cháu XX YY được mạnh khoẻ, bình an. Con trai con đang bị bệnh tim phải phẫu thuật, xin Trời Phật linh thiêng chuyển hết bệnh tật cho con gánh thay, con già rồi chết cũng được, chỉ mong cho con con được khoẻ mạnh tiếp tục sống để nuôi vợ nuôi con”. Không biết Phật có thấy bà lão ngân ngấn nước mắt không, nhưng vài người sững lại trong đó có mình. Quả thực là trên đời này không có gì đẹp hơn Tình mẫu tử, nó đẹp hơn tất thảy những bông hoa mùa xuân, và ấm áp hơn tất cả những tia nắng đầu tiên của ngày năm mới. Lời khấn nguyện của bà lão như hồi chuông chánh niệm đưa mình về thực tại: giữa muôn vàn những điều có giá mà chúng ta vật lộn để đua tranh mỗi ngày có một điều vô giá mà nhiều khi chợt quên mất: người thân của chúng ta còn mạnh khoẻ và ở đây. Họ còn ở đó bên ta, có mặt cho ta, xin đừng hờ hững, xin đừng xem thường và đừng bắt họ chờ đợi. Bây giờ và ở đây, hãy trân quý từng phút giây có nhau.
Chiều tối ngày mồng Hai, ngồi ở một quán ven đường để ăn món ăn ưa thích, minh thấy lạ là ngoài bà chủ quán thì còn lại toàn là “nhân sự” trẻ con. Bọn nhóc chắc chỉ lớp 1 lớp 2, đứa lớn nhất chắc lớp 3 tất bật như những lao động thực thụ. Đứa thì mang rau cho khách, đứa thì lấy nước. Không xúng xính quần áo đẹp, không ngóng trông bao lì xì, đám trẻ của một gia đình buôn bán bước vào đời thật sớm khi mà nét vô tư vẫn còn đầy trong ánh mắt xanh trong. Tụi nhỏ vui vẻ, nhanh nhẹn và có phần hăng hái trong việc được giúp mẹ bán hàng ngày Tết mà không một lời trách móc. Mình nhìn sâu thấy bóng hình những công dân trưởng thành và năng động của ngày mai; thành công hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắc sẽ thành nhân bởi vì không có gì có thể ngăn nổi sự phát triển và tự tin vào đời của những đứa trẻ sớm hiểu chuyện. Tụi nhỏ vài hôm sẽ quên mất năm nay thu được bao nhiêu tiền lì xì, nhưng vài chục năm nữa anh em chúng sẽ vẫn nhớ đã từng cùng với mẹ là “lao động chính” đích thực ngày Tết như thế nào. Mấy nhóc không chỉ đưa cho mình một món ăn, mà đã đưa cho mình cả một mùa xuân về.
Cuộc sống vẫn luôn như vậy, như một cây thường xuân xanh ngắt không ngừng vươn cao, dù nắng gắt hay mưa giông thì vẫn bám chặt vào từng năm tháng với những điều tốt đẹp nhỏ bé luôn ở đó quanh ta bất kể ta có nhận ra hay không. Có khổ đau, có vất vả, có chông gai nhưng trong khổ đau có sẵn mầm của hạnh phúc, trong vất vả ươm sẵn mầm của thành công, và sau chông gai thường là hoa nở rực rỡ. Mở rộng trái tim, nhìn trong tỉnh thức, ta nhận ra Tết đã ở trong lòng…
Mong một năm mới An sẽ đến với muôn nhà, và dù bận đến mấy, khó đến mấy, mệt đến mấy cũng đừng quên ngắm nhìn thế giới xung quanh để thấy rằng, dù có thế nào, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, đã ở sẵn đó và chờ ta nhận ra trong hạnh phúc - một thứ hạnh phúc không cần đấu tranh, giành giật, hạnh phúc của những trái tim hồng.
VỆT NẮNG CUỐI CHIỀU
Bức ảnh này làm mình thích quá, dù là đã chụp vội trong một chuyến bay gần đây trước khi là hành khách cuối cùng boarding vì chỉ có mặt ở sân bay trước 20 phút cất cánh.Vội nhưng đẹp thì vẫn cứ phải nấn ná lại mà ngắm mà chụp, ikigai của mình không cho phép bỏ qua niềm vui từ những điều nhỏ bé; một chiếc view đẹp hay gặp một đứa bé cười với mình thì cũng đủ vui vui cả ngày. Lịch của mình hầu như không có thứ Hai vì mình High cả tuần. Tưởng sống hạnh phúc là đơn giản ai ngờ đơn giản thật, dễ tìm thấy niềm vui từ thế giới muôn màu, cái gì trong mắt mình cũng là điều kỳ diệu của cuộc sống dù với người khác thì cũng là tầm thường thôi, hoặc do quá bận hoặc quá thờ ơ.
Chẳng hiểu từ bao giờ, hình như là từ ngày còn bé xíu, mình đã thích nhìn ngắm những chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh. Nhớ mãi chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời - lần đầu tiên được lên bầu trời - là chuyến bay với Mẹ lúc 5 tuổi từ HPH vào SGN trên máy bay Hà Lan Fokker 70 của Vietnam Airlines (bây giờ loại máy bay ấy VNA đã ngừng khai thác). Mùa hè 1993, có một thằng bé cả tuần không ngủ được vì nghĩ đến việc sắp được đi máy bay vào cái thời chỉ cần được đi tàu hoả từ HPH lên HAN thôi là đủ vui mấy ngày. Bọn trẻ con bây giờ hình như vẫn thế, không biết các cháu có High như mình ngày xưa không?
Lớn lên xíu thì khi học cấp 3 thỉnh thoảng vẫn đạp xe xuống tận gần sân bay Cát Bi - nơi duy nhất ở Hải Phòng có thể nhìn ngắm thoải mái những chiếc máy bay cất và hạ cánh. Lúc đó mình chưa hề biết rằng thực sự chỉ có lúc cất và hạ cánh thì phi công mới thực sự lái, và đó cũng là lúc quan trọng nhất, nguy hiểm nhất đối với một chuyến bay; cũng giống như cuộc đời một con người, đẹp nhất - quan trọng nhất là khi còn trẻ con (lúc gieo hạt) và khi về già (lúc hái quả).
Trong cái nhìn tương tức (interbeing) của mình, mình không chỉ nhìn những chiếc máy bay như những khối động cơ khổng lồ - niềm tự hào của trí tuệ loài người, bao nhiêu ngàn năm mơ ước được bay lên chạm tới bầu trời; mình nhìn thấy mỗi lần cất cánh là bao nhiêu người đi xa, có những người ngồi trên chuyến bay ấy sẽ đi rất xa và rất lâu khỏi quê hương, những du học sinh, những người lao động nước ngoài và cả những người đi định cư xứ người….Những chuyến bay cất cánh lên, trọng tải lớn nhất là niềm tin và hi vọng vào tương lai, và có cả một ít hàng rời là nỗi buồn chia ly, tạm biệt của người ở lại. Ai cũng có những ước mơ riêng, đều rất đẹp. Thượng Đế ưu ái cho con người biết ước mơ, khác với các loài vật khác, và Ngài dạy con người làm ra máy bay, để chở những ước mơ ấy đi xa hơn, nhanh hơn.
Còn khi máy bay hạ cánh, nó chở gì? Nó chở biết bao nhiêu niềm háo hức, mong chờ được trở về, được đoàn tụ, được hít thở không khí quê hương cho thoả thích, được ôm vào lòng những người thương yêu. Có những người trên chuyến bay ấy, lâu lắm rồi chưa được về nhà, có khi là cả nửa đời người, là vài chục năm, khi đi là thiếu niên khi trở về mái đầu đã bạc, ước mơ ướt gối mấy chục năm xa nhà là một chuyến bay trở về. Vài phút nữa thôi, khi chiếc máy bay hạ càng, giảm độ cao, và từ từ chạm xuống mặt đất cũng là lúc họ được chạm xuống quê hương, chạm xuống ký ức thân thương, chạm đến những người thương yêu đang háo hức ôm hoa chờ ngoài cửa Arrival (Ga đến). Đẹp lắm chứ, mình thích nhìn người ta ôm nhau khi kết thúc một chuyến bay, có thể là một cặp đôi yêu xa bao ngày mong nhớ, có thể là một đứa con đi học xa nhà được gặp lại cha mẹ.
Và Thượng Đế có vẻ rất cưng chiều mình, một cách thật vô tình, Ngài sắp đặt để mình làm những công việc đều liên quan đến hàng không - du lịch, không ít thì cực nhiều, đều gắn bó với máy bay, với bầu trời dù trực tiếp hay gián tiếp bất kể 27 năm đầu đời mình chưa bao giờ mơ hay thoáng nghĩ đến việc sẽ làm cái gì đó liên quan đến hàng không. Cảm ơn Trời đất đã ôm ấp và tặng quà cho cậu bé mê bầu trời năm nào.
Giờ cậu bé đó quá quen thuộc với máy bay, mỗi năm bay vài chục chuyến, xa có gần có, không còn lạ lẫm hay bỡ ngỡ nữa nhưng sự háo hức vẫn còn nguyên vẹn, tình yêu với bầu trời và những lần cất cánh vẫn chưa bao giờ bị offloaded. Và dù bận rộn đến mấy, áp lực đến mấy, vội vã đến mấy, cậu sẽ vẫn cho phép bản thân say mê nhìn ngắm những điều kỳ diệu như vệt nắng cuối chiều tuyệt đẹp như trong ảnh, bằng cách ấy cậu sống vui vẻ và trọn vẹn trong từng phút giây; cậu háo hức khi cất cánh ở buổi đầu của cuộc đời, mải mê ngắm nhìn trời xanh mây trắng từ 30.000ft những ngày thanh xuân rực rỡ và cũng sẽ an yên đợi chờ đến giây phút hạ cánh, cậu yêu chuyến bay của đời mình, bằng cách ấy, vệt nắng dù có là cuối chiều cũng đẹp, cũng bình yên.
#LoveTheSky #LoveTheLife #Hygge #Peacefulness #Myfoto