Jobs

My first 7 jobs

NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÁNG NHỚ & NHỮNG BÀI HỌC ĐỂ ĐỜI CỦA TÔI: DREAM BIG BUT START DOING LITTLE THINGS.

NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÁNG NHỚ & NHỮNG BÀI HỌC ĐỂ ĐỜI CỦA TÔI: DREAM BIG BUT START DOING LITTLE THINGS.

Mấy hôm nay trên Facebook đang có trò #firstsevenjobs kể về 7 công việc đầu tiên trong cuộc đời làm mình lại nhớ về những dặm đường nghề nghiệp đã qua.
Nhiều người quen biết nói sống như mình :chán chết , vì mình chẳng ham mê và cũng chẳng nghiện cái gì cả. Có vẻ hơi vô vị? Không, mình cũng có hẳn “tứ đổ tường” riêng để tận hưởng cuộc sống : “Đọc được nhiều sách – Ăn được nhiều món ngon – Đi được nhiều nơi và Làm được nhiều nghề”.
Và hôm nay xin kể về cái sự “sung sướng” cuối cùng: được làm nhiều nghề. Số lượng nghề mình đã làm có khi đã gấp rưỡi tuổi đời của mình, thế nên ở đây chỉ là một số những công việc đáng nhớ (không hẳn là đầu tiên) mà đã dạy cho mình những bài học cuộc đời quý giá
1. Công việc đầu tiên và ông chủ đầu tiên của mình không ai khác chính là Bố.
Ngày ấy mình học cuối cấp 2 và đầu cấp 3, nhà mình mua một miếng đất rất rộng ở ngoại ô, nền rất thấp, cần phải đổ rất nhiều cát thì mới có thể nâng cao lên để làm các việc khác. Và Bố thuê mình vận chuyển những đống cát ấy đổ vào trong vườn, và bố cũng cùng làm. Vì sao lại là là “thuê”? Vì ở nhà mình, luôn phân định cực kỳ rõ ràng: “Bố không cho con bất cứ một thứ gì hết ngoài chuyện học và một lý lịch trong sạch. Bố không tham ô, tham nhũng hay làm bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến tương lai của con; và con được quyền học cho đến khi nào con muốn. Nhà là nhà của bố, và con được quyền ở đây cho tới năm 18 tuổi, còn sau đó con sẽ phải tự vận động tạo dựng riêng ngôi nhà của mình, hoặc nếu con không ngoan và không cố gắng, bố sẽ mời con ra khỏi nhà vì pháp luật chỉ quy định bố mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi con cái đến khi thành công dân. Những việc gì không thuộc bổn phận-trách nhiệm của con, ví dụ như lao động ngoài giờ học cùng với Bố, nếu con đồng ý làm, con sẽ được trả công như giá thị trường.” Tất nhiên là bố nói là bố làm thật, chứ không hề đùa. Hơn nữa lúc ấy, chỉ vài chục ngàn cho một buổi làm việc cuối tuần hoặc sau giờ học cũng là một số tiền kha khá lúc bấy giờ; hơn nữa bố làm việc mà con ngồi chơi thì phản cảm vô cùng thế nên là làm. Mình không nhớ nổi bao nhiêu mét khối cát đã được hai bố con chuyển vào trong suốt những năm tháng ấy, cứ con xúc bố kéo xe và lúc mệt thì đổi ngược lại; nhưng mình nhớ rất rõ để kiếm được 50.000đ/buổi bằng lao động tay chân thuần túy thì vị của mồ hôi mặn như thế nào. Sau mỗi buổi làm việc, bao giờ Bố cũng nói: Con thấy không, những người thợ lao động chân tay, làm việc vất vả quần quật như thế mà cũng chỉ kiếm được chừng đó tiền, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, cho nên nếu như con không có đủ sức khỏe để làm những công việc này, con chỉ có một con đường độc đạo: đó là học thật tốt để có năng lực làm việc bằng trí óc
Làm việc với Bố rất vui, vì ông chủ này luôn biết động viên nhân viên cực kỳ hiệu quả. Khi xúc đến những xẻng cát cuối cùng, bao giờ Bố cũng hát một bài hát từ thời Điện Biên trong đó có câu “Sắp đến đích rồi đồng chí pháo binh ơi……” rồi nói “Con có biết sắp đến đích tức là gì không, tức là con sắp được lĩnh tiền và sắp được nghỉ ngơi. Cố lên!” Đó luôn là những kỷ niệm ấu thơ đẹp và đáng nhớ nhất về những đồng tiền lao động chân chính đầu tiên. Số tiền từ những buổi làm công đó đã giúp mình mua được vô vàn sách cũ và tạp chí song ngữ Heritage (Inflight magazine của Vietnam Airlines) và Vietnamnews về để đọc luyện tiếng Anh (hình như lúc ấy Heritage có 2.000đ cuốn, còn Vietnamnews có………3.000đ/kg)
Một lần khác, khi còn đang học cấp 2, Bố mình mua thêm 01 miếng đất phía sau nhà, cần phải làm hàng rào lại để giữ chủ quyền. Bố định thuê người làm mất mấy trăm ngàn, thế là mình nhẩm tính rồi thầu lại nhận làm. Tất nhiên là mình nhận thế thôi, nhưng mình………..không làm, mà đến lớp thuê 02 cậu bạn ham chơi điện tử nhất đến làm, một buổi chiều đã xong. Trả công xong mình lời tới mấy trăm ngàn bỏ túi. Bài học tiếp theo: Muốn làm giàu, đừng chỉ dùng sức lao động, thêm một chút trí khôn, kết quả sẽ rất khác.
Lúc ấy quả thật mình không hiểu vì sao Bố lại mất thời gian tự thân làm những việc chân tay đó và thuê mình làm cùng; nhưng bây giờ thì hiểu rất rõ, đó chính là những bài học đầu tiên mà Bố dạy mình và giá trị của đồng tiền, và biết trân trọng những đồng tiền từ lao động chân chính mà thêm động lực học tập.
2. Công việc thứ hai: Nhân viên đánh máy.
Năm 2006, vừa tốt nghiệp THPT và thi ĐH xong, mình đứng giữa 2 lựa chọn: hoặc là ở nhà nhìn thời gian trôi –ăn chơi nhảy múa chờ kết quả thi đại học, hoặc là phải làm cho bản thân thật bận để quên đi áp lực và sự nhàm chán của việc chờ đợi. Phải đi làm thôi, trong đầu mình lóe lên suy nghĩ đấy, nhưng làm gì thì chưa biết. Tình cờ một lần đi qua ngã tư Thành Đội, thấy người ta tuyển nhân viên đánh máy vi tính, mình đánh liều vào xin thử vì mình đánh máy rất nhanh do Bố cho đi học tin học từ sớm. Làm việc từ 7h sáng đến 7h tối, không nghỉ ngày nào hết, và lương 700.000đ/tháng, đạp xe một ngày 4 lượt (trưa về ăn trưa), tổng cộng 20km, mình nói với ông chủ: cháu chưa làm ở đâu cả, chú nhận cháu đi, cháu chỉ cần 600 ngàn thôi. Vất vả kinh khủng, trúng tháng 7 âm lịch trời mưa tầm tã, nước ngập đến nửa bánh xe, đến chỗ làm hôm nào mưa thì ngồi tát nước gần chết vì cửa hàng nằm ở góc ngã tư chỗ trũng nhất. Đổi lại, ngoài chuyện đánh máy siêu nhanh, sau 01 tháng đó mình đã học được cách sử dụng từ máy photo khổ A0 cũng như tất cả các loại máy văn phòng hiện đại nhất vì đó là cửa hàng lớn nhất thành phố. Hơn thế nữa, giữa những gian khó là những cơ hội rất tuyệt vời. Một ngày đẹp trời, có một bác lớn tuổi vào hỏi ở đây có dịch thuật không, tất nhiên là cửa hàng photocopy thì làm gì có dịch vụ đó, nhưng mình thì có J. Bác nhờ mình dịch 50 trang trong một cuốn sách tên là Life in the UK do con trai sống bên Anh gửi về, sau này mới biết đó là cuốn sách dùng đi thi nhập quốc tịch Anh, 70.000đ/trang. Thế là mình hì hụi ban ngày đi làm, tối về dịch cuốn sách đó để kịp giao hàng. Tổng cộng tháng đó mình kiếm được 4.200.000đ (do ông chủ vẫn trả đủ 700.000đ lương tháng). Đó được coi là tháng lương đầu tiên trong cuộc đời mình năm 18 tuổi. Một tháng sau đỗ ĐH, mình xin nghỉ. 50 trang bản dịch cuốn sách kia sau này khi sang Anh du học mình bán lại nhiều lần cho nhiều người kiếm được số tiền lớn hơn 3.500.000đ kia rất nhiều lần. Bài học từ những ngày tháng gian khó ấy đó là đừng coi thường bất kỳ công việc nào, cơ hội luôn vây quanh vấn đề là bạn có sẵn sàng để đón bắt không, hãy cống hiến cho cuộc đời, cuộc đời sớm muộn cũng cảm ơn bạn một cách thích đáng.
3. Công việc thứ ba: Làm nhà hàng.
Khi đi du học Anh, giống như nhiều bạn khác mới sang, mình cũng đi làm thêm và làm ở nhiều nhà hàng Vietnam. Bài học nhập môn ở những nhà hàng này không phải là Toán Cao Cấp hay Kinh Tế Vĩ Mô, mà là………….chùi toilet. Ông chủ rất dễ thương và thường hay dạy bọn mình một điều mà sau này mình thấy vô cùng đúng dù lúc ấy nhiều người cùng làm, các thạc sỹ - tiến sỹ tương lai của Vietnam, coi đó là một sự sỉ nhục-nhạo báng ghê gớm: “Dù sau này bọn em có là tổng giám đốc, thì bây giờ cũng phải học cách chùi toilet cho thật sạch”. Mình thì chẳng cảm thấy có gì xấu hổ vì điều đó quá đúng. Một sự nghiệp lớn không bao giờ có ngay qua một đêm mà là thành quả của biết bao ngày nỗ lực không ngừng- đó là mới thực là một sự nghiệp bền vững. Muốn làm việc lớn, hãy học cách làm những việc nhỏ nhất bằng tất cả trách nhiệm và khả năng của mình. Bây giờ nhiều bạn trẻ hay lắm nhé, ngủ thì đến 12 giờ trưa chưa dậy, đêm thì miệt mài cày games, sách một năm không đọc quá chục cuốn, nhưng cứ mở miệng ra là nói chuyện những start-up triệu đô. Đi phỏng vấn thì câu đầu tiên luôn hỏi: “Lương nhiêu? Lương nhiêu?”…..Thật kỳ lạ! Mỗi cuộc tuyển dụng thực ra là một cuộc mua bán năng lực làm việc, tại sao bạn chưa cống hiến mà đã đòi hỏi – tại sao bạn chưa giao hàng mà đã lớn tiếng mặc cả thấp cao??? Vậy nên bây giờ mới những bạn trẻ hơn mình, luôn chỉ có một lời khuyên rất chân thành: “Dreaming big is good but start doing little thing. Just do it!” (Ước mơ lớn lao là điều rất tốt – nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất. Chỉ vậy thôi!).

Vậy đó, sau này khi đã làm qua hơn 40 nghề có lẻ, mình càng có niềm tin sắt đá là tính cách và con người của mỗi chúng ta không chỉ được hình thành từ bố mẹ, bạn bè, nhà trường…..mà còn một phần rất lớn là từ những ông chủ - những nghề nghiệp chúng ta đã từng làm qua. Mình quan niệm mỗi người chủ dù hiền hòa hay khắc nghiệt, họ đều sẽ là thầy ta, dù muốn hay không họ cũng sẽ dạy cho bản thân ta những bài học thực tế trên cả tuyệt vời. Nếu như việc xúc cát cho bố năm xưa, mình không làm, mình sẽ không biết thể nào là chịu khổ chịu khó- không biết thế nào là giá trị của đồng tiền lao động; nếu như mình không đội mưa vượt đường lụt đi làm đánh máy, mình sẽ không biết thế nào là bền gan vững chí để kiên trì đón đầu cơ hội, nếu như mình không đi làm nhà hàng những năm tháng đi du học, mình sẽ không rèn luyện được sự nhẫn nại chịu đựng như bây giờ, và luôn giữ được sự điềm tĩnh trong mọi tình huống cần thiết. Nếu bạn coi nghề nghiệp – việc làm chỉ là chuyện mưu sinh, kiếm sống – nó mãi mãi chỉ là cái cần câu cơm buồn tẻ; nhưng nếu bạn yêu những việc mình làm và sống hết mình với nó, dù làm những việc nhỏ bé nhất, bạn sẽ chẳng bao giờ phải làm việc cả, bạn chỉ tận hưởng thôi vì mỗi một nghề là một cuộc hành trình hấp dẫn mà cuộc đời dành tặng riêng cho bạn.
#Firstsevenjobs