Kindness
XIN HÃY TỬ TẾ ĐẾN TẬN CÙNG!
Hôm nay, không biết bao nhiêu người tag Hy vào những đoạn video clip của một Ziu Túp Bơ cũng đang phát cơm từ thiện ở Saigon những ngày này. Có chút vui vì có người cùng làm một việc tốt để giúp cho người dân Saigon bớt khó khăn, nhưng nhiều chút buồn vì những lời lẽ và quan điểm của bạn ấy, mình xin phép được chia sẻ đôi điều suy nghĩ cá nhân về chuyện làm từ thiện.
1. Làm từ thiện nên là sự trao gửi yêu thương chân tình, chứ không bao giờ nên là sự ban phát người trên - kẻ dưới.
Tổ tiên chúng ta để lại lời dặn rằng “Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hoá ra ăn mày” để nói lên rằng chúng ta hãy biết trân trọng những gì bản thân đang có và có ứng xử khiêm nhường với những người không may gặp khó vì cuộc đời là vô thường vô định; không ai biết trước ngày mai như thế nào. Không vì ta đây có chút điều kiện hơn người để làm từ thiện, mà lên giọng kẻ cả trịch thượng, phán xét, bình phẩm khiếm nhã về những người đang khốn khó. Người ta phải làm cái gì để chứng minh cái sự nghèo sự khổ của bản thân nữa khi mà người ta đã phải đứng đấy để chờ nhận phần ăn từ thiện? Bạn ah, chúng ta không có quyền bình phẩm vè bất cứ ai, ngoài trừ về chính tự thân mình. Hãy trao đi không chỉ một phần cơm hay chiếc bánh mà hãy trao kèm theo đó cả một sự sẻ chia chân thành, với những người đồng bào đang hoạn nạn. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ai cũng cần được tôn trọng!
2. Với người khốn khó, đừng chỉ nói ngôn ngữ, hãy dùng lời ái ngữ.
Trên đời này có ai muốn nghèo, muốn khổ để chìa tay nhận ra cái bánh, hộp cơm? Họ đã phải dẹp lòng tự trọng của con người để nhận sự cứu giúp, đó đã là một sự khổ đau tận cùng trong thâm tâm rồi. Đừng dày xéo họ thêm nữa bằng những ngôn từ vô cảm, lạnh lùng, sắc cạnh. Hãy mỉm cười dù chỉ bằng ánh mắt và chọn lời thân ái để nói với họ rằng:
“Này người anh em, tôi đang đến đây để một lòng giúp bạn khi bạn cần. Đừng ngại ngần, hãy đến đây cầm lấy bánh mà ăn; cầm lấy nước mà uống, rồi những khó khăn này cũng sẽ qua thôi, người anh em ráng giữ sức khoẻ nhé”.
Họ nhận cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, ta cho cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Lời lẽ ấy sẽ vỗ về những tâm hồn đang tạm thời thương tổn vì đói nghèo. Họ cũng như ta, máu đỏ da vàng. Hãy để họ đón nhận lấy phần cơm, tấm bánh mà ăn trong sướng vui, hạnh phúc chứ không phải ăn trong nước mắt tủi nhục.Tặng hoa cho người, tay thơm trước. Ném đất vào người, tay ta dơ trước. Vậy nên nếu đã có tâm làm việc tử tế, xin hãy tử tế đến tận cùng, bạn nhé!
3. Hãy cho đi bằng sự cảm thông và bao dung lớn rộng.
Mình đi bán bánh mỳ mỗi tối, nhiều người họ xin thêm một đôi phần với nhiều lý do, mình biết, họ có thể đang nói dối, không có bố hay mẹ, cháu hay con nào ở nhà cả; có chăng là họ đang lo lắng ngày mai sẽ chẳng có cái mà ăn, “tham” thêm một chút để giữ lấy cái mà để dành. Thường thì mình sẽ không đi đến tận cùng sự thật trong tình huống này, mình chọn ứng xử khờ khạo để giữ lấy bao dung. Nếu mình bóp mẽ họ, họ sẽ có thể không lấy được thêm một phần ăn nhưng nếu lỡ họ nói thật thì sao, tối đó một ổ bánh mỳ phải bẻ làm đôi làm ba, trong khi nếu như mình khờ đi một chút, ai cũng sẽ được no bụng, cái tốt sẽ được trọn vẹn hơn. Saigon những ngày này đã ngột ngạt lắm rồi, đừng để sự nghi ngờ làm bức bối hơn nữa, nhất là những cảnh đời khốn khó. Thiện lương đôi khi là sự khôn ngoan phải biết nhắm mắt khi cần.
Cuộc sống này, chúng ta luôn cần nhau, và chúng ta đều là bằng hữu dù không quen biết, chưa gặp gỡ. Dù anh có đi chiếc xe sang trọng nhiều tỷ thì anh cũng cần đến một người sửa xe rách áo khi lỡ độ đường. Đừng để những định kiến, những ngôn từ vô cảm, những suy nghĩ ngờ vực bao trùm lên hạnh nguyện tốt đẹp mà mỗi chúng ta đang làm. Có nhiều nhặn gì đâu những ngày được sống trên đời, những ngày tay chân khoẻ mạnh, nên ráng mà yêu thương, ráng mà cầu chúc, trao gửi cho nhau những điều tốt lành, để cuộc sống này luôn vui vẻ và đáng sống với mọi kiếp người.
#BanhmySaigon0đ #Cuachokhongbangcachcho
#BeKind
YOU GET WHAT YOU GIVE.....
Tuần trước một người đàn ông vào mua hàng và rồi phát hiện ra đã bỏ quên mất ví, nên không thể có cả thẻ hay tiền mặt để trả. Thật là một tình huống bối rối mà chắc bạn, tôi, chúng ta đều đã từng gặp phải trong đời!
Chúng tôi đã không đập bàn đập ghế, đã không quát tháo gây áp lực, không bắt ép người đàn ông đứng tuổi ấy để lại một thứ gì để làm tin ông sẽ quay lại và thanh toán hoá đơn ấy.
Chúng tôi đã không thể và không muốn làm gì khác ngoài mỉm cười, và nói "It is not really a problem Sir, you can come back to pay us later"
(Không có gì to tát đâu ngài, ngài có thể quay lại và trả cho chúng tôi sau cũng được)
Chúng tôi đã tạm ứng lòng tin của mình cho người đàn ông ấy, và cố gắng không làm cho ông cảm thấy bối rối hơn nữa. £7.5 không đáng để làm cho một người đàn ông thấy khó xử. Tại thời điểm đó, ông không có tiền trả, nhưng qua cách ứng xử thẳng thắn và trung thực, chúng tôi có niềm tin rằng đây vẫn là một Thượng Đế đáng tin cậy.
Và sáng nay, một phong bì nhỏ nằm trước cửa với một tấm bưu thiếp như trong hình, £10, một hoá đơn (bill) mua hàng, và một lời nhắn thật dễ thương đủ làm cho chúng tôi mừng vui cả ngày; đóng dấu bưu điện gửi từ Hull một thành phố rất xa London
"Very many thanks for your patience and......
From the man without a wallet"
(Vô cùng cảm ơn các bạn vì lòng kiên nhẫn...
Từ người đàn ông quên ví)
Chúng tôi không mừng vui vì thu lại được £10, chúng tôi vui vì lòng tin của chúng tôi đã được tạm ứng đúng người và được đáp lại theo cách của một người lịch sự, tử tế và trung thực nên làm. Chúng tôi được nhận lại nhiều hơn những gì chúng tôi cho đi.
Ngay cả khi niềm tin bị cuộc sống không ngừng thách thức, chúng ta có sẵn lòng và dũng cảm tạm ứng lòng tin và sự tử tế cho nhau vì một cuộc sống nhiều niềm vui hơn không?
Niềm tin ta dành cho nhau cũng như mua một tờ vé số, có thể trúng, và rất nhiều khả năng không thể trúng, nhưng quan trọng hơn cả, nó giúp cho ta hi vọng. Và chúng ta cần điều đó để sống.....Vậy thôi.
TỬ TẾ.
Trong một bài thuyết trình gần đây trước thầy giáo của mình, để trả lời cho câu hỏi “Đất nước của anh đang thiếu cái gì để phát triển xứng tầm với tiềm năng?”. Vì chuyên môn của ngành học, tôi đã buộc phải đưa ra rất nhiều lý do “dối lòng” mà tôi không thực sự nghĩ như thế, miệng nói rằng “Vietnam thiếu đầu tư vào R&D, đầu tư vào giáo dục nghề, hạ tầng nhiều hạn chế………bla bla; nhưng thực tâm, tôi chỉ muốn trả lời cho không chỉ ông thầy Tây của mình, mà còn muốn cho bạn bè tôi, những người Việt nghe một điều không thể thật hơn: Đất nước chúng ta đang không phát triển được trước hết vì chúng ta đang thiếu trầm trọng ……SỰ TỬ TẾ.
Ít có một bộ phim nào làm tôi phải xem đi xem lại đến nhiều lần, nghĩ đến nhiều ngày như bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Hoá ra, câu chuyện Tử tế từ khi tôi còn chưa kịp chào đời, cách đây gần 30 năm đã là một câu chuyện thời sự, và có vẻ như câu chuyện xã hội đó chưa hề bớt nóng mà còn kịch tính hơn khi nồng độ TỬ TẾ trong dòng máu dân tộc đang ngày càng xuống thấp ở mức báo động và trở thành một thứ hiếm dần đi.
Nói đến sự tử tế, người ta thường hay nghĩ ngay đến chuyện đối tốt với một ai đó, nhất là những người xa lạ.
Tử tế là cái tốt chân thành, với hương vị thơm thảo vẹn nguyên của mối quan hệ người-người.
Nhưng những chuyện người ta nhặt tiền rơi của nhau, cướp công khai của nhau, hôi của của nhau đã không còn là hiếm trên các mặt báo đang gióng lên những hồi chuông đáng sợ, làm hoang mang đến cả những người tử tế lạc quan cuối cùng.
Uh nhỉ, xã hội mình đã như thế này từ bao giờ?
Mầm mống của sự thiếu tử tế phải chăng chính là sự buông thả chính bản thân mình của mỗi chúng ta với cuộc sống, thờ ơ quay lưng lại với những giá trị đạo đức cốt lõi.
Tôi biết nhiều người, khi còn khó khăn, họ mang sự tử tế của bản thân tạm thời thế chấp lấy cơm-áo-gạo-tiền để sống qua ngày và qua cơn nguy khốn, họ tự hứa với lòng mình, khi nào khá hơn sẽ thôi không làm những việc kém tử tế nữa, sẽ tử tế bù, thế rồi như một thói quen, khi có đủ rồi, thừa rồi, họ cũng chẳng thèm chuộc lại sự tử tế nữa, có lẽ họ quên, có thể lắm chứ, nhưng tôi tin, phần đông trong số họ đang ăn miếng trả miếng: xã hội có tử tế gì với tôi mà tôi phải tử tế lại một cách vô điều kiện. Và cứ thế, cứ thế, chúng ta đang lây nhiễm rất nhanh cái sự không tử tế. Hôm trước cái sự không tử tế nó còn lảng vảng ở đầu phố nơi có một chị bán rau nào đó chạy mưa đánh rơi tiền mà không ai nhặt trả lại, hôm qua sự không tử tế đã lởn vởn ở trước cửa nhà bạn khi bạn vô tình để quên chìa khoá trên xe, mà bao người đi qua nhìn thấy không ai những nhắc nhở, và hôm nay hay có thể ngày mai, rất có thể cái thiếu tử tế nó sẽ chễnh chệ ngồi ngay trong mâm cơm gia đình của bạn.
Sự thiếu tử tế đang lây nhiễm rất nhanh từ áo vàng, áo xanh…….thậm chí bén mảng đến cả áo cà sa nữa. Người ta đã bắt đầu nghe thấy những pháp danh rất lạ phía sau cửa thiền nơi tưởng chừng như không có gì ngoài đạo hạnh, từ bi, và TỬ TẾ: Thích Thể Hiện, Thích Ai-Phôn, Thích Vơ-Tu, Thích Chơi Ngông…….
Và lây nhiễm vẫn chưa đáng sợ bằng di truyền, nếu cứ tiếp tục, chẳng mấy chốc sẽ di truyền sang áo trắng. Đó là điều tồi tệ nhất!
Nhiều người nói với tôi, nói chuyện tử tế thì dễ lắm, nhưng thời buổi khó khăn này, sống được cho tử tế thì khó đấy. Phải, khó lắm, tử tế dễ làm sao được khi bây giờ từ tấm bé đã phải chứng kiến sự không tử tế ngay từ trong trường mẫu giáo nơi có những phần ăn bị cắt xén, và những màn ngược đãi còn hơn trong phim. Và khi lớn lên sẽ chỉ thi Toán, Lý, Hoá, Văn, Anh….để vào đời chứ có nào đâu có phải thi Đạo Đức hay Giáo dục Công dân?
Nghèo thì tử tế làm sao nổi, thế nhưng bây giờ người ta còn thấy được chuyện không tử tế trong thế giới người giàu. Hoá ra chuyện giàu nghèo có vẻ ít liên quan trong sự định đoạt sự tử tế trong xã hội.
Chúng ta là sống trong một đất nước được nuông chiều, chúng ta ung dung móc dầu lên bán, ung dung trên chiến thắng ngoại xâm, và vẫn ung dung giậm chân tại chỗ cho đến giật mình nhận ra ngay cả mấy anh láng giềng ta hay coi là đám đàn em chiếu dưới cũng đang chuẩn bị vượt ta. Vì đâu? Vì không học tử tế, không làm tử tế, không sống tử tế, và vì sự im lặng và buông xuôi quá lâu của những người tử tế trước sự không tử tế trong xã hội?
Tôi đã từng được nghe những người sống qua giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, như bố mẹ tôi, như các thầy cô lớn tuổi của tôi……đều nói rằng: Thời đó người ta tử tế với nhau hơn bây giờ.
Chẳng có lẽ không còn cách nào khác để chúng ta tìm lại được sự tử tế đang dần mất?
Phải chăng đã đến lúc mỗi chúng ta phải có mệnh lệnh TỬ TẾ cho chính mình, thứ mệnh lệnh mà chỉ chính ta có thể ra được, chứ không phải là từ một cấp trên hay một đấng tối linh nào đó. Chúng ta sẽ chẳng thể đòi hỏi có một xã hội tử tế nếu như tự thân chúng ta không cố gắng để tử tế.
Kháng sinh sẽ làm cho cơ thể mỏi mệt trước khi khoẻ mạnh trở lại, và mệnh lệnh tử tế cũng vậy, nó đôi khi sẽ làm cho ta khó khăn và thiệt thòi trước khi tặng cho ta một cuộc đời thanh thản.
Bạn có sẵn sàng để ra mệnh lệnh Tử Tế cho chính mình, Tử Tế để Tồn Tại?