Lockdown
SAIGON 120 NGÀY QUA.
Chỉ còn vài giờ nữa, Saigon sẽ bước ra khỏi phòng ICU sau 120 ngày nguy kịch để tập thở những nhịp thở đầu tiên của cuộc sống bình thường mới, Giãn cách - chốt chặn - giới nghiêm….từ ngày mai sẽ không còn nữa. Nhiều người sướng vui mong chờ, mình cũng thế, nhưng mong chờ trong nhiều kỷ niệm và suy nghĩ.
6 năm sống ở Saigon, nhưng chưa bao giờ mình đi nhiều - hiểu nhiều - và thương Saigon nhiều như 120 ngày vừa qua - những tháng ngày đáng nhớ. Lần đầu tiên trong cuộc đời một đứa sinh ra sau chiến tranh như mình tận mắt chứng kiến những mất mát, thương đau nhiều đến thế, gần đến thế. Và cũng lần đầu tiên mình cảm niệm sâu sắc được rằng chừng nào còn tình yêu thương chừng đó cuộc sống sẽ không bao giờ lụi tắt. Và gì chứ, thứ đó ở Saigon luôn rất nhiều.
Càng đi mình càng thấy Saigon mà không giàu mới là chuyện lạ, không phải vì vị trí địa lý hay tài nguyên, là vì sự hào phòng - rộng lượng vốn có, mà mình hay gọi là khí chất của người Saigon. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, khí chất ấy không mất đi mà còn bừng lên mạnh mẽ. Thành phố không ngủ phút chốc đã biến thành thành phố 0đ, Bữa ăn 0đ, cấp cứu 0đ, bánh mỳ 0đ, oxy 0đ…; và không phải chỉ mùa dịch mới thế mà cả ngày thường, Saigon vẫn vậy, lặng lẽ không đồng, lặng lẽ cho đi những thùng trà đá, những ổ bánh mỳ. Tinh thần hào phóng, rộng lượng có lẽ là nét đẹp nổi bật nhất của miền đất phương Nam này. Người dư dả sẵn sàng cho đi đã đành, mà ngay cả những người khốn khó vẫn vui lòng nhường nhau hộp cơm, chai nước không hề nghĩ suy hay toan tính. Cái sự cho đi ở Saigon nó nhẹ nhàng đến lạ như thể hơi thở mấy trăm năm nay của thành phố này, vẫn đều đều như thế.
Học kỳ Covid không đến một cách vô nghĩa, nó đến để dạy chúng ta biết bao điều: hãy biết trân trọng những gì giản đơn gần gũi nhất, từ nâng niu từng nhịp thở đến năng trò chuyện, chăm sóc mẹ cha mỗi ngày; hãy chậm lại một chút để trở về với những giá trị cơ bản và tự hỏi lại chính mình thật nhẹ nhàng “Bây giờ đã hiểu thế nào là Hạnh Phúc chưa?” và “Có cần nhiều lắm không để được Hạnh Phúc”. Với mình, 120 ngày qua - ở Saigon là quá đủ để vun đắp chắc bền cho lời đáp “Còn được thở đã là Hạnh Phúc, mở mắt ra thấy mẹ cha, thân quyến, bạn bè còn bình an, đã là Hạnh Phúc. Và hãy biết Đủ để được Hạnh Phúc.”
Là một người yêu cuộc sống tĩnh lặng khép kín, chưa bao giờ mình gặp gỡ nhiều người xa lạ nhiều như 120 ngày qua. Chỉ nhìn qua hàng rào thép gai, chỉ nhìn thấy nhau được qua đôi mắt, mình thấy trong những đôi mắt ấy cả sự sợ hãi, tuyệt vọng, khổ đau và rất nhiều những niềm vui nhỏ bé, và hi vọng. Và quan trọng nhất, mình thấy mình trong những đôi mắt ấy. Covid nhắc chúng ta: “Này anh, anh không thể sống một mình đâu. Dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, khoẻ mạnh hay ốm đau, anh vẫn là một thành viên không thể tách rời của xã hội. Vậy nên bớt vị kỷ, bớt vô cảm, bớt sân si, bớt trách móc thế giới xung quanh như thể mình vô can với mọi sự. Covid nó dùng nhịp thở - thứ ai cũng có và cũng cần- để điều chỉnh chúng ta và bắt từng người phải thuộc bài: Chúng ta thật nhỏ bé, và chúng ta luôn cần nương tựa vào nhau trong dòng chảy vô thường của cuộc sống.
Đã có hàng chục ngàn người đã không còn có thể cùng chúng ta đón Ngày mai, đón Bình thường mới, vậy nên dù ngày mai lại đông vui, lại kẹt xe, lại tắc đường nhưng cũng đừng bao giờ lãng quên đã có một khoảng thời gian chúng ta đã sống, như ở Saigon, 120 ngày qua. Nhớ không phải để bi quan, không phải để sợ hãi mà để trân trọng hơn những gì chúng ta đã có lại được sau rất nhiều thương đau. Vì Saigon, vì tất cả chúng ta!
P.S: Ảnh tớ chụp buổi chiều giãn cách cuối cùng ở Saigon, thấy nó giống mình nên chụp lại: mắt luôn mở to và để dành đầu óc cho những điều hay ho.
#Saigon #Covid #LockdownEnds #NewLife
THƯ GỬI BỐ TỪ TÂM DỊCH SAIGON: VÌ CON LÀ CON CỦA BỐ.
Bố thương mến!
Mấy hôm nay trời Saigon mưa rất to nhưng không xoá được nổi nỗi buồn và sự lo lắng bao trùm của hơn 6000 ca F0 mới mỗi ngày, đang ở rất gần, xung quanh con.
Trưa nay con nghe thấy thật nhiều sự lo lắng trong cuộc điện thoại của Bố. Bao năm nay, chúng ta luôn hiểu nhau như những người bạn thân thiết nhất, đủ để hiểu ngay cả những điều không được nói ra. Con thật lòng xin lỗi vì đã làm Bố lo lắng suốt những ngày này nhưng cũng biết ơn vô cùng vì Bố luôn xuất hiện đúng lúc để động viên, không chỉ như một người cha thân thương mà còn như một người bạn thân tình.
Sài Gòn - Bố và Con, dù không phải quê hương nhưng có một sợi dây thân tình đặc biệt, ở đây lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ trọn vẹn của con; những ngày được Bố chở từ Cộng Hoà qua Phú Nhuận học, vừa ngồi trên xe vừa ăn xôi mặn hay cơm tấm nhìn ngắm phố phường, những cơn mưa chiều ào ào nhưng chóng tạnh, chui trong áo mưa nhưng cứ 2 phút lại hỏi “Bố ơi về tới đâu rồi?”. Tất cả những con đường ấy, hôm nay, vẫn sáng đèn, nhưng vắng lặng không một bóng người. Saigon đang ốm nặng lắm Bố ạ.
Con luôn có tình cảm đặc biệt với những nơi con chọn sinh sống, Hải Phòng, London và bây giờ là Saigon. Con thiết tha muốn được là một phần của thành phố này, được sống một cuộc đời trọn vẹn của một công dân, nghĩa tình và trách nhiệm với nơi đã cho mình rất nhiều điều, là nơi có ngôi nhà đầu tiên của riêng con, là quá khứ ngọt ngào, hiện tại thân thương và tương lai tươi sáng. Saigon, đã là nhà của con, và con sẽ vẫn thuỷ chung, sẽ hết mình với thành phố này chừng nào con còn thở.
Vậy nên, dù đặc biệt nguy hiểm, nhưng con và các bạn sẽ vẫn xuống đường, bằng cách này hay cách khác, để tiếp tục chăm sóc cho những cảnh đời mỏi mệt, thiếu đói đến cùng cực khi trái tim bao dung của Saigon đang đập chậm lại và không gánh gồng nổi nữa.
Họ lẩn khuất sau những hàng cây, những trạm xe bus, những gầm cầu, những xóm trọ bị bỏ quên….và, họ đói. Điều con và bạn bè mang tới cho họ không chỉ là bánh mỳ, là chăn ấm mà hơn cả là tình yêu thương của con người. Người ta không nhất thiết phải quen biết thì mới quan tâm, mới tốt với nhau. Là đồng loại, là đồng bào….là đủ để thương nhau không cần điều kiện, nhất là giữa những ngày khó khăn đi vào lịch sử này.
Khi con đi vào sâu trong những hẻm tối nhất để tận mắt chứng kiến của các bạn công nhân đang mắc kẹt lay lắt trong những phòng trọ lụp xụp, con nhớ tới Bố đã luôn là người ở lại sau cùng trong mọi buổi tiệc tùng liên hoan, không phải để say sưa hay chụp hình, mà là để lặng lẽ chia đồ ăn còn lại vào các túi để tặng các cô chú công nhân của Bố mang về.
Khi con bước tới đắp tấm mền cho những người anh em không nhà cửa đang say ngủ trên lề đường, con nhớ tới Bố đã bỏ xe, bỏ qua quần tây áo đẹp để đẩy giùm xích lô chất đầy hàng giữa trưa nắng cho một bác lớn tuổi chỉ vì trông bác ấy tội quá.
Khi con trở về nhà lúc nửa đêm với chiếc giỏ đã hết sạch bánh mỳ, con nhớ tới đã bao nhiêu lần cùng Bố đọc đi đọc lại “Những người khốn khổ”, và lần này, con chọn làm Jean Valjean, để thương Saigon theo cách của mình
Bố hãy an tâm! Con sẽ cố gắng giữ gìn chính con và các bạn như giữ gìn tình yêu thương vô bờ Bố luôn dành cho con. Để có cuộc sống bình yên, chúng ta sẽ không thể né tránh những hi sinh cần thiết. Dù có chuyện gì xảy ra, con cũng sẽ không hối hận vì lựa chọn này của mình. Con muốn dùng chính cuộc đời mình đã thực hành tình yêu thương từ những bài học trong thời gian ngắn ngủi được sống cạnh Bố- người chẳng theo đạo gì nhưng lại gửi con đi học giáo lý ở nhà thờ “Bố không chọn tôn giáo cho con, nhưng chọn gửi con tới nơi dạy tình yêu thương. Học được gì là tuỳ ở con.”
Ở nơi ấy, con vẫn nhớ những câu hát tới tận giờ:
“Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.
Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người.
Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi.
Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.”
Tất cả những điều con nghĩ, những việc con làm, sau cùng, là vì con là con của Bố. Hãy chúc lành cho con để chúng con có thể đi cùng Saigon vượt qua cơn bạo bệnh này! Ngày đầu tiên bình yên, con hứa, sẽ bay về liền và làm beef steak cho Bố ăn; hãy đợi con nhé!
Mong Bố sẽ luôn bình an!
#ForMyDaddy #Saigon #Lockdown #Curfew
XIN HÃY TỬ TẾ ĐẾN TẬN CÙNG!
Hôm nay, không biết bao nhiêu người tag Hy vào những đoạn video clip của một Ziu Túp Bơ cũng đang phát cơm từ thiện ở Saigon những ngày này. Có chút vui vì có người cùng làm một việc tốt để giúp cho người dân Saigon bớt khó khăn, nhưng nhiều chút buồn vì những lời lẽ và quan điểm của bạn ấy, mình xin phép được chia sẻ đôi điều suy nghĩ cá nhân về chuyện làm từ thiện.
1. Làm từ thiện nên là sự trao gửi yêu thương chân tình, chứ không bao giờ nên là sự ban phát người trên - kẻ dưới.
Tổ tiên chúng ta để lại lời dặn rằng “Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hoá ra ăn mày” để nói lên rằng chúng ta hãy biết trân trọng những gì bản thân đang có và có ứng xử khiêm nhường với những người không may gặp khó vì cuộc đời là vô thường vô định; không ai biết trước ngày mai như thế nào. Không vì ta đây có chút điều kiện hơn người để làm từ thiện, mà lên giọng kẻ cả trịch thượng, phán xét, bình phẩm khiếm nhã về những người đang khốn khó. Người ta phải làm cái gì để chứng minh cái sự nghèo sự khổ của bản thân nữa khi mà người ta đã phải đứng đấy để chờ nhận phần ăn từ thiện? Bạn ah, chúng ta không có quyền bình phẩm vè bất cứ ai, ngoài trừ về chính tự thân mình. Hãy trao đi không chỉ một phần cơm hay chiếc bánh mà hãy trao kèm theo đó cả một sự sẻ chia chân thành, với những người đồng bào đang hoạn nạn. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ai cũng cần được tôn trọng!
2. Với người khốn khó, đừng chỉ nói ngôn ngữ, hãy dùng lời ái ngữ.
Trên đời này có ai muốn nghèo, muốn khổ để chìa tay nhận ra cái bánh, hộp cơm? Họ đã phải dẹp lòng tự trọng của con người để nhận sự cứu giúp, đó đã là một sự khổ đau tận cùng trong thâm tâm rồi. Đừng dày xéo họ thêm nữa bằng những ngôn từ vô cảm, lạnh lùng, sắc cạnh. Hãy mỉm cười dù chỉ bằng ánh mắt và chọn lời thân ái để nói với họ rằng:
“Này người anh em, tôi đang đến đây để một lòng giúp bạn khi bạn cần. Đừng ngại ngần, hãy đến đây cầm lấy bánh mà ăn; cầm lấy nước mà uống, rồi những khó khăn này cũng sẽ qua thôi, người anh em ráng giữ sức khoẻ nhé”.
Họ nhận cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, ta cho cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Lời lẽ ấy sẽ vỗ về những tâm hồn đang tạm thời thương tổn vì đói nghèo. Họ cũng như ta, máu đỏ da vàng. Hãy để họ đón nhận lấy phần cơm, tấm bánh mà ăn trong sướng vui, hạnh phúc chứ không phải ăn trong nước mắt tủi nhục.Tặng hoa cho người, tay thơm trước. Ném đất vào người, tay ta dơ trước. Vậy nên nếu đã có tâm làm việc tử tế, xin hãy tử tế đến tận cùng, bạn nhé!
3. Hãy cho đi bằng sự cảm thông và bao dung lớn rộng.
Mình đi bán bánh mỳ mỗi tối, nhiều người họ xin thêm một đôi phần với nhiều lý do, mình biết, họ có thể đang nói dối, không có bố hay mẹ, cháu hay con nào ở nhà cả; có chăng là họ đang lo lắng ngày mai sẽ chẳng có cái mà ăn, “tham” thêm một chút để giữ lấy cái mà để dành. Thường thì mình sẽ không đi đến tận cùng sự thật trong tình huống này, mình chọn ứng xử khờ khạo để giữ lấy bao dung. Nếu mình bóp mẽ họ, họ sẽ có thể không lấy được thêm một phần ăn nhưng nếu lỡ họ nói thật thì sao, tối đó một ổ bánh mỳ phải bẻ làm đôi làm ba, trong khi nếu như mình khờ đi một chút, ai cũng sẽ được no bụng, cái tốt sẽ được trọn vẹn hơn. Saigon những ngày này đã ngột ngạt lắm rồi, đừng để sự nghi ngờ làm bức bối hơn nữa, nhất là những cảnh đời khốn khó. Thiện lương đôi khi là sự khôn ngoan phải biết nhắm mắt khi cần.
Cuộc sống này, chúng ta luôn cần nhau, và chúng ta đều là bằng hữu dù không quen biết, chưa gặp gỡ. Dù anh có đi chiếc xe sang trọng nhiều tỷ thì anh cũng cần đến một người sửa xe rách áo khi lỡ độ đường. Đừng để những định kiến, những ngôn từ vô cảm, những suy nghĩ ngờ vực bao trùm lên hạnh nguyện tốt đẹp mà mỗi chúng ta đang làm. Có nhiều nhặn gì đâu những ngày được sống trên đời, những ngày tay chân khoẻ mạnh, nên ráng mà yêu thương, ráng mà cầu chúc, trao gửi cho nhau những điều tốt lành, để cuộc sống này luôn vui vẻ và đáng sống với mọi kiếp người.
#BanhmySaigon0đ #Cuachokhongbangcachcho
#BeKind
TÂM SỰ VỚI SÀI GÒN
Sài Gòn thương mến!
Đêm nay, Sài Gòn chính thức giãn cách toàn thành phố; mình buồn một cách kỳ lạ, khó giải thích. Cái cảm giác đau xót và lo lắng như thể người thân mình ốm nặng dù không hề gắn với một con người cụ thể. Mọi ký ức với thành phố này cứ như khúc phim tua chậm trong đầu mà không thể nào ngủ được.
Còn nhớ, lần đầu tiên mình đến với Saigon là năm 1993, tròn 5 tuổi. Lần đầu tiên được đi máy bay, lần đầu tiên được đi xa đến thế, kỳ nghỉ hè đầu tiên và cũng là cuối cùng với Mẹ, vì sau chuyến đi đó Mẹ mình bị bệnh nặng và chẳng còn chuyến đi nào sau đó nữa. Với một đứa nhóc đến từ một thành phố nhỏ nhỏ xinh xinh như Hải Phòng, thì Sài Gòn có lẽ là một vương quốc như trong cổ tích. Nào là Thảo Cầm Viên, nào là đường Nguyễn Huệ, thương xá Tax, những con phố lung linh đèn….nhưng điều làm mình nhớ mãi là những cơn mưa chiều Saigon. Mưa chiều Saigon đều đặn như một chiếc đồng hồ, ào ào rồi lại tạnh rất nhanh, sau này mình mới biết cơn mưa ấy cũng giống như người Saigon, chẳng giận ai lâu bao giờ. Một tháng ở Saigon năm ấy, mình giữ kĩ lắm, như một mảnh lành lặn xinh đẹp trong ký ức tuổi thơ nhiều thương đau của mình, ở trong ấy, có Mẹ, khoẻ mạnh và tươi vui.
5 năm sau đó, trở lại Saigon với Bố sau khi Mẹ qua đời. Có lẽ Bố muốn một môi trường sống mới để mình nguôi ngoai đi nỗi đau vắng Mẹ. Saigon cùng với Bố yêu chiều mình hết mực, các bác, các chú, các cô, các anh chị đều vậy. Học lớp 5 với các bạn Saigon trong ngôi trường xinh xinh trên đường Nguyễn Kiệm, kế bên nhà thờ của giáo xứ Phát Diệm; những giọng nói lạ hoá thành quen, những tiếng trêu trọc “Bắc kỳ rốn” ngớt dần đi, rồi chúng nó cũng bắt đầu lôi mình ra con hẻm sát đường tàu sau trường để tập huấn những khoá cơ bản về Phá Lấu Học hay Bột chiên Tuyệt đỉnh ký và đặc biệt là Sà Bì Chưởng - toàn những tuyệt kỹ của ẩm thực phương Nam. Người Saigon thương ai là thương đến lạ, nhất là khi cả cái trường mấy trăm học sinh chỉ có một ông nhõi con nói tiếng Bắc. Cô giáo Saigon áo dài xanh xanh, chạy chiếc Cub 50 xinh xinh chở ông nhõi về tận Cộng Hoà giữa trưa nắng chang chang mà không biết rằng chuyến xe ấy đi theo nhóc con suốt cả cuộc đời. Saigon ơi, sao mà dễ thương thế?
1999: Rời Saigon về lại Hải Phòng sau một trận khóc như mưa, khép 2 năm tươi đẹp.
Người ta nói xàm xí nhưng đôi khi lại đúng lắm: cái gì thuộc về nhau thì sớm muộn vẫn là của nhau. Trời đã định: Hy thuộc về Saigon. Và, thật vậy!
2015: Sau khi lang thang góc biển chân trời chán chê, nhận lời làm việc cho một công ty ở Saigon. Và bay về Saigon trước cả khi về nhà. 6 năm không ở Việt Nam và 16 năm không gặp lại, Saigon vẫn dang tay ôm mình vào lòng, vẫn chân tình thắm thiết như ngày nào. Nhớ những ngày đầu tiên mây mây bay bay còn chẳng dám chạy Honda ra đường, giờ đây tụi bạn Saigon thỉnh thoảng còn phải ngỡ ngàng “Sao tui ở đây lâu gấp đôi ông mà tui không biết chỗ này” và câu trả lời ngỗ ngược đậm nét văn hoá mày-tao của Hải Phòng “Vì mày không yêu Saigon bằng tao!” Đừng đùa, có tí tự hào đấy nhé!
Mình không quen sống ở đâu đó một cách hời hợt, qua loa, sống mà qua loa thì khác nào qua đời ngay cả khi còn sống. Mình xịn hơn Chế Lan Viên ở chỗ “Kể cả khi ta chưa đi, đất đã hoá tâm hồn”. Tâm hồn ấy sướng vui mỗi khi nhìn thấy những thùng trà đá miễn phí chẳng biết của ai đặt bên đường, tâm hồn ấy hơi xấu hổ khi có lần trú mưa cho cậu bé bán vé số 10k mà nó kêu “Dạ con chỉ bán bé số, không xin tiền” rồi chạy biến đi mất; tâm hồn ấy say mê tận hưởng những ngày nắng đẹp, những cơn mưa rào, những trận kẹt xe mệt-gần-chớt mới vìa tới nhà và cả những trận lụt nước ngập ngang bánh xe.
Người Sài Gòn thì sống như tiểu thuyết, thực tế nhưng chân tình, vất vả nhưng hào sảng, thiệt thòi nhiều nhưng cũng không bớt bao dung. Kẻ giàu hay người khó, đều được Saigon đối đãi một cách sòng phẳng. Người Sài Gòn đơn giản từ lời nói đến tận con tim, yêu là yêu, mà ghét là chưa yêu, không loè xoè, không than thở và càng không bao giờ văn vở. Sài Gòn dạy cho con người ta rất nhiều điều nhưng tinh tế nhất trong môn Hãy Cho Đi. Thành phố, ngõ hẻm cần mẫn thị phạm cho người dân, trong từng hơi thở thường ngày của cuộc sống bận rộn, thế nên, ở Saigon cái sự cho đi nó nhẹ nhàng đến lạ.
Mình không biết có phải một mối duyên lành không, nhưng khi mình cùng với các bạn bè lao ra đường để bán bánh mỳ 0đ cho người Saigon giữa những ngày nguy hiểm khắp mọi nơi này, mình bị thôi thúc muốn làm điều gì đó, dù là muối bỏ bể, để đáp lại phần nào ân tình của Saigon đối với mình bao năm tháng qua. Không có ai vừa bán bánh mỳ vừa thỉnh thoảng lại lén khóc một tí như mình cả, mà kệ đi, mưa Sài Gòn giấu không ai nhận ra mình khóc; mà khóc vì thành phố mình yêu quý, vì những người dân lam lũ đáng thương, chắc cũng không có gì xấu.
Nhìn Saigon đang phồn hoa giờ đây lặng ngắt, mình ngơ ngác - thảng thốt - phẫn nộ - rồi buồn tê tái.
Sài Gòn đau, mình đau! Nhưng ráng lên Sài Gòn nhé, chúng mình sẽ cùng vượt qua trận chiến không tiếng súng này….
Thương lắm, Sài Gòn của tui!
2h30, ngày giãn cách đầu tiên.
Ảnh: Quỷ Cốc Tử chộp.
#Saigon #CovidDays #Lockdown #JustStayAtHome