Marketing

“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”

“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”

“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”

Đó chính xác là câu mà tôi muốn nói với Bùi Tiến Dũng và các cầu thủ U23 Việt Nam ngay lúc này, không phải với danh nghĩa một người hâm mộ (thực ra tôi không mê bóng đá lắm) mà là với tư cách một người làm kinh doanh và marketing chuyên nghiệp.
Mấy hôm nay, mạng xã hội xôn xao vì một cái bảng báo giá quảng cáo của thủ môn Tiến Dũng do một công ty truyền thông tung lên.
Nếu không xét đến chuyện bất đồng về quyền khai thác hình ảnh cầu thủ giữa CLB chủ quản và công ty truyền thông O kia, thì với tất cả những người làm trong nghề truyền thông và marketing đều phải thừa nhận rằng đây chính là thời điểm VÀNG để Tiến Dũng cũng như các bạn tuyển U23 có thể kiếm tiền, và tuyệt nhiên không thể bỏ lỡ. Một số người nói rằng Tiến Dũng quảng cáo như thế này, tại thời điểm này là “bán lúa non”, tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy vì những lý do sau:
Trong marketing hiện đại, tên tuổi và hình ảnh của các cầu thủ, các động viên thể thao nổi tiếng được định vị như một THƯƠNG HIỆU độc lập, được định giá tương đương như THƯƠNG HIỆU của các nhãn hàng. Tức là cái tên Bùi Tiến Dũng cũng được định vị như Samsung, Apple hay Vinamilk trong mắt người tiêu dùng. Và cái mà họ bán, chính là bán dịch vụ quảng cáo – họ san sẻ sự nổi tiếng của họ cho các nhãn hàng thuê họ làm đại diện thương hiệu

Những thời điểm VÀNG của THƯƠNG HIỆU cầu thủ, chính là thời điểm anh ta và đội bóng vừa giành chiến thắng, mọi người đổ dồn sự chú ý vào họ, tần suất xuất hiện trên truyền thông dày đặc. Những thời điểm VÀNG này có thể lặp đi lặp lại nếu các cầu thủ và đội bóng tiếp tục giành chiến thăng trong tương lai, và tương lai thì không ai nói trước được cả, nhưng dư chấn truyền thông khổng lồ sau chiến thắng vừa rồi của U23 là cái đang hiện hữu. Và người Anh có câu: “A bird in the hand is worth two in the bush” (Một con chim trong tay bằng hai con chim trong bụi). Chúng ta không bi quan về tương lai, nhưng cũng đừng bỏ lỡ những cơ hội đang hiện có ngay trước mắt, vì có những cơ hội nhiều khi chỉ xuất hiện một lần trong đời, và cơ hội chỉ dành cho những người đã sẵn sàng.

Marketing không phải là một môn nghệ thuật mà là cuộc chiến thực sự về tranh giành sự chú ý của công chúng, và chỉ có người nhanh nhạy và tinh khôn nhất mới có thể dành chiến thắng.
Hãy cùng phân tích, nguồn thu nhập hợp pháp của một cầu thủ nổi tiếng ở Việt Nam sẽ đến từ đầu:
1. Các hợp đồng chuyển nhượng giữa các CLB: Thường là số tiền khủng, nhưng không phải các cầu thủ được hưởng 100%, nếu như không nói là không đáng kể, mà phần lớn lợi nhuận thuộc về các ông bầu- các chủ đội bóng.
2. Tiền lương: Thường là không đáng kể, chỉ giúp cầu thủ chi trả các nhu cầu cuộc sống của bản thân- gia đình và khó có thể tích lũy làm vốn hay dự phòng rủi ro.
3. Tiền thưởng: Ngay cả khi chiến thắng, một tỷ lệ rất lớn các khoản tiền thưởng lại đến từ những “con ma nhà họ Hứa” – những công ty, tổ chức, cá nhân thiếu tự trọng với lời hứa của mình.
4. Tiền từ quảng cáo: Đây là nguồn thu nhập chủ động lớn nhất mà cầu thủ có thể kiếm được bằng chính mồ hôi, công sức lao động của mình – ngoài bóng đá. Và nếu được đầu tư và tính toán bài bản, đây chắc chắn là nguồn thu nhập lớn nhất

Bóng đá Việt Nam rất khác và rất chậm so với thế giới. Ở các nước có nền bóng đá đặc biệt phát triển không chỉ đơn giản vì họ đá hay, có các thế hệ cầu thủ tài năng, và quan trọng hơn cả, họ tổ chức bóng đá như một nền công nghiệp thực thụ. Mỗi một đội bóng không chỉ đơn thuần là một câu lạc bộ thể thao mà thực chất là một tập đoàn đầu tư khổng lồ: họ kiếm tiền từ tiền bán vé, từ phí thành viên của người hâm mộ, và tiền quảng cáo, kinh doanh cầu thủ…..Họ kiêm luôn cả nhiệm vụ là “bầu show” – là người đại diện thương hiệu cho các cầu thủ, chủ động đi tìm về những hợp đồng quảng cáo béo bở cho cầu thủ của họ, và tất nhiên có thu về một tỷ lệ phần trăm nhất định, nhưng cả cầu thủ và đội bóng đều có lợi. Đến khi cầu thủ nổi tiếng ở mức độ đủ lớn hoặc không đạt được thỏa thuận được với CLB, họ có thể thuê một công ty quản lý thương hiệu riêng cho mình. Ở Anh – quê hương của bóng đá, người ta còn định nghĩa vui “Bóng đá là môn thể thao của 22 ông triệu phú mặc quần đùi tranh nhau một quả bóng.” là vậy. Và họ cũng có như những tên tuổi vàng vẫn có thể sống ngon từ thương hiệu cá nhân như David Beckham, ngay cả khi đã giã từ đỉnh cao của bóng đá, vẫn có thể kiếm tới hơn 100 triệu bảng Anh mỗi năm từ quảng cáo.

Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam, phần đông xuất thân nông thôn, không phải ai cũng biết khai thác nguồn thu nhập thứ tư này một cách bài bản và hiệu quả. Trong khi việc này rất phức tạp và cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp của cả một ekip lớn. Các CLB chủ quản, thường xuất thân chỉ là từ làm thể thao, không thể nào có đủ sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong ngành truyền thông –quảng cáo như những người trong ngành. Vậy có nên chăng có thể cởi trói từ trong tư duy mà suy nghĩ rộng mở ra rằng: nếu tôi không làm được tốt, tôi sẵn sàng lùi lại để cho người có thể làm tốt hơn tôi làm, tất nhiên là phải tôn trọng về sự cân bằng quyền lợi giữa cá nhân và đội bóng.

Hãy nghĩ cho các em và nghĩ cho cả tương lai của nền bóng đá nước nhà, một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận đó là: Muốn chuyên nghiệp, phải có tiền; và chỉ có tiền sạch mới có đủ sức mạnh đẩy lùi tiền bẩn. Vòng đời của những người làm thể thao đỉnh cao rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 10 năm. Chúng ta đã có bao nhiêu tuyển thủ phải ngồi lề đường bán rau, bao nhiêu nữ hoàng điền kinh phải sống trong khó khăn khi ánh hào quang đã tắt hoặc không may gặp chấn thương mà phải ngừng cống hiến, như vậy chưa đủ sao? Hay chúng ta đòi họ vẫn phải đá hay, vẫn phải cống hiến và chiến thắng ngay cả khi bụng đang đói, nhà đang dột??? Và ngay khi họ có thể tự tay kiếm những đồng tiền chân chính ngoài chuyên môn thì lại lao vào phán xét, đánh giá...

Những câu chuyện buồn đó phần nào cũng có phần trách nhiệm của công chúng. Người hâm mộ cũng đừng vì cái ích kỷ nửa vời của mình mà đưa ra những lời khuyên chân-không-chạm-đất kiểu như: “Hãy tập trung đá bóng, từ từ sẽ có mọi thứ”. Đúng, hãy tập trung đá bóng, vì đó là con đường đam mê mà các em đã chọn, đem lại cho các em danh tiếng và sự ngưỡng mộ, nhưng cũng đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng đang bày ngay trước mắt để kiếm những đồng tiền chân chính. Miễn không phải bán độ, không phải những gì mờ ám, thì hãy cứ ngẩng cao đầu mà tiến lên, mà xây dựng một cuộc sống tốt nhất, đàng hoàng nhất cho chính mình, vì cuộc đời mỗi chúng ta đều không quá dài để mà “Giá như….”, để mà “tiếc nuối”

Hoàng Huy.


UBER - GRAB vs VINASUN & CÂU CHUYỆN KINH DOANH KIỂU VIETNAM

UBER - GRAB vs VINASUN & CÂU CHUYỆN KINH DOANH KIỂU VIETNAM

UBER - GRAB vs VINASUN & CÂU CHUYỆN KINH DOANH KIỂU VIETNAM

Sáng có việc phải chạy đi Biên Hoà, gọi một chiếc Uber cho tiện, ngồi trong xe nhìn thấy một chiếc taxi Vinasun dán khẩu hiệu như trong hình, đang uống nước mà tôi suýt phì cười vì các bạn Vinasun "dễ thương" quá đi mất.

Nếu là giám đốc Marketing của Uber hay Grab, tôi sẽ ngay lập tức gửi thư cảm ơn và hoa tươi để bày tỏ sự cảm kích trước chiến dịch quảng cáo miễn phí mà Vinasun trong cơn hoảng loạn giãy chết đã hào phóng dành tặng cho các bãng taxi công nghệ. Đồng thời sẵn sàng chi thêm ngân sách để phía bạn có thể in câu khẩu hiệu trên to hơn nữa, nếu phủ toàn thân xe thì quá tốt.

Nhân dịp này, Uber và Grab nên liên minh lại tung ra chiến dịch Marketing: Better Care - Better Fare (Tận tâm hơn - Giá tốt hơn) - dán trên tất cả các xe trên cả nước để cảm tạ lại tấm lòng của Vinasun; nhập mã RIPVinasun để nhận ngay chuyến xe Uber miễn phí trị giá 40k. Đồng thời đưa chương trình ưu đãi Truely Care - Truely Fair ( Thật tâm chăm sóc- Công bằng chính hãng): Tặng ngay phí 3 tháng đầu tiên nếu lái xe mới đã từng là tài xế của Vinasun chuyển sang.

Trong thời đại thế giới phẳng, cả thế giới đang tiến tới một nền kinh tế không biên giới thì không có chỗ cho sự bảo thủ và chậm tiến, càng không có chỗ cho những sự ưu ái đi ngược quy luật thị trường. Những hô hào khẩu hiệu kiểu người Việt hãy dùng hàng Việt đã không còn phù hợp; người Việt được quyền sử dụng hàng tốt chứ không việc gì phải chi dùng đồng tiền của mình vì bất kỳ một sự chiếu cố nào hết. Muốn tận dụng sự tự tôn dân tộc trong kinh doanh thì trước hết chất lượng và giá trị sản phẩm, dịch vụ tối thiểu phải tương đương với các đối thủ ngoại. Nếu không làm được điều đó, khẩu hiệu sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu. Một doanh nghiệp cũng như một dân tộc, muốn mạnh, trước hết cần phải biết tự trọng.

Vinasun kêu gọi Uber & Grab tuân thủ pháp luật nhưng các hãng taxi công nghệ có giấy phép kinh doanh, có pháp nhân và quan trọng nhất là có đóng thuế cho nhà nước đầy đủ thì cái duy nhất họ cần tuân thủ đó là quy luật thị trường: khách hàng được quyền sử dụng dịch vụ tốt nhất với giá hợp lý nhất. Doanh nghiệp nào không thoả mãn được điều đó, bị đào thải chỉ là câu chuyện sớm chiều mà không sự ăn vạ, than vãn nào có thể cứu giúp được.

Người người - nhà nhà - ngành ngành hô hào chúng ta phải tiến nhanh đến đón đầu đợt sóng mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Bốn-chấm- không) , nhưng tôi tự hỏi sẽ tiến đi đâu- tiến kiểu gì khi mà tư duy kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang là 0.4 (Không- Chấm - Bốn)???

Qua cơn giận lẫy vừa ngộ nghĩnh và lố bịch còn hơn Chí Phèo của Vinasun, chúng ta càng thấy lộ rõ những điểm yếu cốt tử trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập: trước khi Thua về công nghệ, về vốn, và kinh nghiệm , thì đã Thua ngay trên sân nhà ở tâm thế và tầm nhìn của những người đứng đầu doanh nghiệp. Làm giám đốc thì dễ, nhưng làm doanh nhân (entrepreneur) cho đúng nghĩa thì cực khó là vậy. Thay vì tập trung tâm- trí- lực để tự chuyển mình thích nghi với mức độ cạnh tranh gia tăng của thị trường thì nhiều ông chủ Việt lại nỗ lực nông nghiệp hoá nền kinh tế bằng những chiêu trò mà bây giờ đến các cháu mẫu giáo còn không còn chơi như trên.
Một đứa trẻ nếu không thấy bạn chơi với mình, nó cũng biết tự xem lại mình chứ cũng không giăng biển yêu cầu các bạn không được chơi với bạn khác, chỉ được chơi với tớ thôi.

Đỉnh cao của sự ngưỡng mộ là bắt chước, và đỉnh cao của sự bất lực là.........chửi đổng.Và Uber & Grab họ cũng đang sử dụng một đỉnh cao khác để đối đáp lại cho sự bất mãn mang đậm nét ao làng của mấy hãng taxi truyền thống: Đỉnh cao của sự khinh bỉ là im lặng.

Đáng lắm, Vinasun!

Either Die or Do something better!

Hoàng Huy

 


Con ruổi Tân Hiệp Phát

CON RUỒI – tân hiệp phát VÀ SỰ “KHÔN NGOAN” TRỜI ĐÁNH.

Mấy hôm nay theo dõi cuộc chiến chưa hồi kết giữa con ruồi Tân Hiệp Phát và dư luận trong nước, chúng ta càng thấy rõ được sự lúng túng không đáng có ở một tập đoàn tiêu dùng hàng đầu trong cách quản trị và xử trí khủng hoảng. Một trong những điểm yếu cốt tử của rất nhiều các doanh nghiệp Vietnam hiện nay.
Hơi buồn một chút khi sáng nay đọc tin, trong giới lãnh đạo của Tân Hiệp Phát có hẳn một 8x được đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh tại nước ngoài, thậm chí đã từng theo học tại Ha Vớt (Havard) tuy nhiên có lẽ bạn ấy đã không vớt nổi tên tuổi của công ty trong tình huống này mà thậm chí còn nhấn chìm thêm nhiều điều quan trọng khác. Có khi học hời hợt đã dẫn đến hành hông hay…..

Thực tế bản chất của vụ việc con ruồi chỉ nhỏ như con ruồi nhưng nhờ sự “khôn ngoan” quá mức cần thiết của các nhà lãnh đạo Tân Hiệp Phát, nó đã biến thành một khủng long xấu xí trong mắt dư luận.
Việc sản phẩm bị lỗi và bị khách hàng phát hiện không có gì là mới, các tập đoàn, tên tuổi lớn trên thế giới đều đã từng trải qua, Coca Cola, McDonald, hay Burger King đều đã từng gặp những vấn đề tương tự, hoàn toàn giống như việc con người có lúc khoẻ mạnh lúc yếu đau. Tuy nhiên, cách thức đối phó với những scandal như vậy luôn là câu hỏi đau đầu với các nhà quản trị, là cuộc đấu trí căng thẳng giữa doanh nghiệp với giới truyền thông và khách hàng.
Có bao giờ bạn tự hỏi: Bạn sẽ làm gì nếu bạn là CEO Tân Hiệp Phát trong tình thế này?

Hãy ghi nhớ trong nguy luôn có cơ, trong biến động luôn ẩn chứa cơ hội. Hơn bao giờ hết, những lúc như thế này chỉ có sự điềm tĩnh, bản lĩnh, và sự ứng biến linh hoạt và khôn khéo của người đứng đầu mới có thể dẫn dắt doanh nghiệp đi qua khủng hoảng với tổn thất thấp nhất, và không làm tổn hại đến những giá trị cốt lõi.

Trước hết phải biến bị động thành chủ động, và dập tắt ngay, không để khủng hoảng leo thang.
Qua báo chí, mọi người ai cũng thấy rằng rõ ràng Tân Hiệp Phát đã chủ động trong cách “xử lý” anh khách hàng chủ quán cơm kia. Không, thực tế, Tân Hiệp Phát đã hoàn toàn ở thế bị động trong cách giải quyết vụ việc. Họ bị kéo theo chuyện đàm phán, ngã giá và cuối cùng phải đóng vai một doanh nghiệp chân chính bị kẻ xấu tống tiền để mượn tay pháp luật phản công. Chính bằng cách “dập lửa” vội vàng và thiếu tính toán đó, Tân Hiệp Phát đã xách nhầm xô dầu thay vì xô nước để tiếp tục dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Việc đánh giá đúng về tình huống là nhân tố quyết định giải pháp cho vấn đề. Đã xác định đây là một vụ việc sẽ dẫn đến tổn thất, thay vì khoanh vùng tổn thất để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất, bảo toàn danh tiếng (reputation) của doanh nghiệp, Tân Hiệp Phát đã quá tham lam khi lựa chọn phương án: tổn thất buộc phải bằng 0.
Tại sao thay vì cử người xuống miền Tây đàm phán, trao tiền và giăng bẫy vị khách kia, Tân Hiệp Phát không trọng thị mời anh ta về trụ sở tập đoàn, tiến hành đàm phán với tinh thần cầu thị, chốt thiệt hại….sau đó CHỦ ĐỘNG tổ chức họp báo: Tân Hiệp Phát thưởng ngay xxx triệu đồng cho khách hàng nhờ đã phát hiện lỗi trong sản phẩm và báo cho hãng. Đồng thời, công khai xin lỗi khách hàng, phát thông cáo báo chí, thư lỗi công khai trên website công ty và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời công bố: Công ty sẵn sàng thưởng ngay 1 tỷ đồng nếu lần sau phát hiện được phẩm của THP có lỗi và thông báo cho hãng qua đường dây nóng. Thậm chí cần phải cho "nổ cầu chì": “chảm” ngay công khai trưởng bộ phận giám sát sản xuất, kíp trưởng sản xuất của lô hàng có sản phẩm bị vấn đề.
Và nếu ở mức độ nghiêm trọng hơn: có thể phải chủ động tạm dừng sản xuất và triệu hồi nhãn hàng bị lỗi để điều tra.
Lấy nhu chế cương có lẽ bài học không nên quên trong giải quyết khủng hoảng.

Bạn sẽ thấy làm như thế, Tân Hiệp Phát có vẻ sẽ tốn rất nhiều tiền?
Không, Tân Hiệp Phát sẽ được nhiều hơn con số họ mất. Khách hàng sẽ thấy được sự chân thành- trung thực và chính trực trong kinh doanh – yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Khách hàng sẽ cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe. Ai mà không thích ý kiến của mình có sức nặng và được trân trọng chứ? Dư luận sẽ hài lòng với một cách ứng xử hợp tình, hợp lý của một doanh nghiệp tầm vóc.

Bạn sẽ nghĩ như thế sẽ làm tiền lệ xấu cho những lần sau?
Không, cách giải quyết đó chỉ mang tính chữa cháy, còn quan trọng hơn cả Tân Hiệp Phát phải “phòng cháy” kiểm soát chặt chẽ, chuẩn hoá chất lượng theo đúng cam kết với khách hàng nếu thực sự muốn kinh doanh bền vững. Để minh chứng rằng sự cố vừa qua chỉ mang tính nhất thời, không phải lỗi mang tính hệ thống hay chủ quan cố ý. Dù rằng có treo thưởng 1 tỷ, bạn cũng sẽ không bao giờ tìm thấy con ruồi vàng thứ hai trong sản phẩm của họ.

Người Việt Nam với đặc tính "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại" ý văn học là........nhanh quên khi họ lại có những mối quan tâm mới, mọi việc sẽ sớm trở lại quỹ đạo.
Mất bao lâu để THP trở lại tiếp tục ghi bàn thêm nữa trong tương lai kinh doanh, nhưng ít nhất họ sẽ không bị thủng lưới ê chề như con đường sai lầm họ đang chọn. Thảm cảnh sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi cổ phiếu của THP lên sàn. Thị trường sẽ vẫy tay chào họ bằng một màu đỏ thắm không hề dễ chịu

Khách hàng bây giờ sẽ không nhớ đến con ruồi và chỉ nhớ đến một Tân Hiệp Phát hết sức lưu manh và thủ đoạn

Không có sự thành công nào có thể ngủ ngon trong bức màn dối trá.
Với truyền thống ném bạc đâm toạc tờ giấy, mượn tay môi trường pháp lý chưa thực sự minh bạch để “xử” khách hàng, Tân Hiệp Phát càng cố lên gân để thể hiện ta đây là một tay chơi rắn mặt và không biết sợ. Và họ chẳng hề biết rằng sử dụng thủ đoạn đối với khách hàng, chọn đối đầu hơn đối thoại, hình sư hoá vấn đề dân sự thực sự thể hiện cách làm ăn rất tiểu nông và chưa bao giờ là một sự lựa chọn khôn ngoan.

Một cá nhân hay một tập đoàn kinh doanh hùng mạnh và dũng cảm không phải là kẻ không biết sợ bất cứ đối thử nào mà phải là kẻ biết sơ đúng lúc và đúng cách.

Một công ty chỉ nên đối đầu với khách hàng khi hôm sau họ muốn biến mất khỏi thị trường.
Vậy nên, Tân Hiệp Phát, hãy tập làm một công ty dũng cảm và chính trực.


Luận thuyết Marketing: BÁNH BAO VÀ BẦU TRỜI

Dạo này kinh tế khó khăn, có hãng hàng không sáng tạo không chỉ kinh doanh dịch vụ truyền thống chính mà còn chuyển sang bán cả.........bánh bao, bánh dày. Cũng được, nhưng mà hàng không giá rẻ, trong khi bánh bao và bánh dày thì giá có vẻ hơi đắt.
Chắc nhiều người sẽ không hiểu được thông điệp marketing hết sức "sâu" và "sắc" của họ, nhưng mình thì hiểu theo kiểu của mình.
Bánh dày là một biểu tượng thuần Việt có từ ngàn đời, từ thời vua Hùng, không những tượng trưng cho cội nguồn văn hoá Việt mà còn là biểu tượng của bầu trời theo quan niệm "trời tròn đất vuông" .
Mà làm hàng không thì rõ ràng là gắn với bầu trời còn gì. Thế nên thông điệp rất rõ ràng:
"Think about IT, think about US" (Nghĩ về cái ấy, đấy là CHÚNG TÔI)
Người tạo ra chiến dịch marketing này không những là một người "thâm thuý",yêu và muốn quảng bá văn hoá Việt mà còn giỏi về triết lý kinh doanh (business philosophy) khi không chỉ chọn một cặp bánh bao to nhất, tròn nhất để quảng cáo, mà chọn cả dàn bánh bao nhiều chiếc, nhiều cỡ. Phải chẳng có ngụ ý là: bánh bao còn có cái to, cái nhỏ, cái tròn, cái chưa được tròn, tức là bầu trời thì cũng có lúc tròn lúc méo, thế nên các chuyến bay của chúng tôi có lúc chậm, lúc nhanh, lúc huỷ, lúc nhầm địa điểm thì cũng là chuyện bình thường như trời đất, bà con cũng thông cảm, việc gì cứ phải xoắn xít hết cả lên. Hehe. Không biết có ai hiểu kiểu như mình không?

P.S: Thành thật xin lỗi các giáo sư đã dạy em môn Marketing và Business Philosophy vì đã không áp dụng lý thuyết của các thầy vào phân tích trường hợp này. Vì cái sự làm ăn ở nước em bây giờ nó khác với thế giới, một mình một quỹ đạo nên muốn làm cái gì dù trên trời hay dưới mặt đất cũng phải bám vào "xôi" và "bánh" mới phát được.
Thật đúng là nỗ lực thành công của vạn người đàn ông đôi khi không bằng cái lắc mông của người phụ nữ.