Mindfulness

LÀ CHÁN HAY LÀ YÊU???

Người ta hay nói “Đi du lịch là đi từ nơi chán của mình đến nơi chán của người khác.” Câu này nghe vui vui nhưng không đúng với mình, mình chưa bao giờ chán cái “nơi của mình” cả - mà luôn yêu thiết tha căn nhà màu xanh của mình và thành phố nơi mình đang sống, Saigon đầy nắng.

Từng ngày từng giờ sống ở đó, đều thấy nó đẹp, nó thú vị theo cách riêng. Buổi sáng sớm, mình thường ngồi một mình với ly trà đen nóng ấm trong im lặng và nhìn ngắm từng góc nhỏ trong căn nhà, chỉ thế thôi.
Nhìn mặt trời ngại ngùng nhón những bước chân đầu tiên xuống ban công để lén nhìn cây hương thảo vừa mới tắm, trêu ghẹo cây cẩm tú cầu non vừa mới ra bông lần đầu, nhìn ngắm cái sofa màu xanh phủ tấm thảm len ưa thích rồi cái ghế Papasan mà mình hay nằm cuộn tròn trong đó như con mèo nằm trong ổ, rồi những bức tranh Van Gogh treo dọc hành lang….quá nhiều thứ để ngắm.

Ai cũng sống trong một căn nhà nào đó, nhưng không phải ai cũng để tâm “thưởng thức” nó. Nếu nhà bạn, thành phố của bạn, nơi đang ấp ôm bạn mỗi ngày mà bạn còn không yêu, thì có chắc bạn sẽ thực sự yêu được một ngôi nhà của người khác, một thành phố lạ??

Và theo một cách ngược lại với câu nói lúc đầu, đi du lịch là cách để mình càng thêm yêu ngôi nhà - yêu thành phố nơi mình đang sống. Khi bước chân đi với đôi mắt và trái tim rộng mở, ta thực sự đón nhận được rất nhiều điều. Đi tới một thành phố lạ, ăn mấy món ăn lạ….thích không? Thích chứ, nhưng hỏi rằng có ngon bằng bữa cơm nhà nấu không, phô mai có ăn hàng ngày thay cơm được không thì chắc chắn….không.

Nhớ chuyến đi Châu Âu năm trước, mình đã chi cả chục triệu đồng cho một bữa tối rất rất sang trọng ở Paris, ngồi ăn trên tháp Eiffel và ngắm cả kinh đô ánh sáng dưới chân mình - một trải nghiệm để đời, nhưng lạ kỳ thay việc đầu tiên khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất là chạy thẳng ra Hồng Hà chỉ để ăn hết một mẹt bún đậu. Đó, đi du lịch sẽ dạy cho bạn thấy rằng chục triệu đôi khi vẫn không có giá bằng một trăm ngàn đâu, đó cái giá của cảm xúc thân quen. Đi các nước Châu Âu, thấy nhà nào cũng có ban công đầy hoa, không cầu kỳ nhưng rất đẹp; mình cũng làm được như vậy cho ngôi nhà của mình. Và còn làm được hơn thế vì Saigon không có mùa đông, mùa nào hoa đó, không cần phải đợi tới mùa xuân-hè ấm áp. Đi thăm các thư viện đẹp nhất thế giới, mình có thêm động lực và cảm hứng để làm cho phòng thư viện của mình càng ngày càng thêm cuốn hút, là góc hygge nhất của ngôi nhà.

Thỉnh thoảng đi du lịch lâu lâu chút, bạn sẽ điều trị được hội chứng “Xa thương gần thường” để lúc trở về thêm yêu ngôi nhà - yêu thành phố của mình hơn một chút. Saigon chưa chắc kẹt xe bằng Paris đâu, và còn lâu mới ngập bằng Venice, chỉ nghĩ thế thôi là lại bao dung với Saigon hơn một chút giờ tan tầm. Chứng than vãn cũng từ đó mà dứt. Than cái gì, yêu đi!

Với mình, đi du lịch còn chính là đi học. Chẳng phải khi chúng ta còn nhỏ, thỉnh thoảng trường mẫu giáo vẫn dẫn ta đi dã ngoại, đi bảo tàng, đi thăm quan đó sao??? Cứ vào cuối năm, khi ngồi làm dự toán ngân sách cá nhân cho năm kế tiếp, mình luôn xếp các chi phí du lịch vào Account: Personal Development Expenses (Các loại chi phí dành cho Phát triển bản thân) - trong đó chỉ có 3 mục: Chi mua sách - Chi đi học và Chi du lịch. Du lịch là một dạng phim tài liệu sống động và nhiều tri thức, với đôi mắt là máy quay vi diệu nhất ghi lại những điều chưa có trong sách vở.

Mỗi bước chân đi là một bài học mới, học nhập gia tuỳ tục, học văn hoá ứng xử và quan trọng hơn cả là học cách tôn trọng sự khác biệt - một kỹ năng quan trọng của đời sống hiện đại - của thế giới văn minh. Khi rời khỏi vùng an toàn của mình đến một nơi hoàn toàn xa lạ, văn hoá khác, pháp luật khác, ngôn ngữ khác…là một dịp để bạn rèn luyện kỹ năng thích ứng của bản thân với môi trường xung quanh. Cũng giống như một quân đội, bạn luôn cần định kỳ kiểm tra “tình trạng sẵn sàng chiến đấu” - “chiến đấu” với những điều mới lạ đang bủa vây lấy bạn.

Thế đấy, du lịch không phải là chuyện rong chơi đây đó tiêu phí tháng ngày, càng không phải để chạy trốn khỏi sự nhàm chán - quen thuộc. Du lịch trong chánh niệm, trong cái nhìn rộng mở về thế giới lại là cách để ta thêm trân trọng những gì mình đang có, làm đẹp hơn cho những gì mình đang có, và dám ước mơ cho những gì mình chưa có.

Bằng cách đó, du lịch là đi thật xa để trở về, không phải chỉ là trở về nhà, mà còn là trở về bên trong sâu thẳm mỗi người, để thấy rằng cuộc đời là chân trời bất tận những điều đáng để ta yêu.

Châu Âu, một ngày nắng đẹp.

Hoàng Huy


CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM: TẾT Ở TRONG LÒNG.

Với một người ngày nào cũng là Tết như mình thì Tết không có gì đặc biệt ngoài việc được trọn vẹn dành thời gian bên gia đình, được quanh quẩn bên Bố như con mèo con cọ đầu vào chân chủ sau bao ngày lang thang xa cách, và cũng là dịp tĩnh lặng để dọn dẹp khu vườn tâm trí bên trong chuẩn bị cho một năm mới an yên xanh mát. Thực ra thì ngày nào mình cũng âm thầm chăm sóc cho khu vườn ấy để bản thân luôn được tận hưởng sự thảnh thơi, nhẹ nhàng trong từng phút giây giữa điệp trùng công việc, mình trang hoàng nơi ấy bằng những điều tốt đẹp nhỏ bé bắt gặp trong cuộc sống thường ngày như cái cách người ta gom từng chú đom đóm để làm sáng cả khu rừng.

Sáng sớm ngày mồng Một, đứng sau một bà cụ tóc bạc trắng trong sân chùa trước tượng Đức Phật Bổn Sư, bà cụ khấn thành tiếng rõ to át cả tiếng người khác, vài người có vẻ khó chịu trong đó có mình, nhưng đến khi nghe thấy “Xin Phật phù hộ cho con trai con tên là……và con dâu tên là…và hai cháu XX YY được mạnh khoẻ, bình an. Con trai con đang bị bệnh tim phải phẫu thuật, xin Trời Phật linh thiêng chuyển hết bệnh tật cho con gánh thay, con già rồi chết cũng được, chỉ mong cho con con được khoẻ mạnh tiếp tục sống để nuôi vợ nuôi con”. Không biết Phật có thấy bà lão ngân ngấn nước mắt không, nhưng vài người sững lại trong đó có mình. Quả thực là trên đời này không có gì đẹp hơn Tình mẫu tử, nó đẹp hơn tất thảy những bông hoa mùa xuân, và ấm áp hơn tất cả những tia nắng đầu tiên của ngày năm mới. Lời khấn nguyện của bà lão như hồi chuông chánh niệm đưa mình về thực tại: giữa muôn vàn những điều có giá mà chúng ta vật lộn để đua tranh mỗi ngày có một điều vô giá mà nhiều khi chợt quên mất: người thân của chúng ta còn mạnh khoẻ và ở đây. Họ còn ở đó bên ta, có mặt cho ta, xin đừng hờ hững, xin đừng xem thường và đừng bắt họ chờ đợi. Bây giờ và ở đây, hãy trân quý từng phút giây có nhau.

Chiều tối ngày mồng Hai, ngồi ở một quán ven đường để ăn món ăn ưa thích, minh thấy lạ là ngoài bà chủ quán thì còn lại toàn là “nhân sự” trẻ con. Bọn nhóc chắc chỉ lớp 1 lớp 2, đứa lớn nhất chắc lớp 3 tất bật như những lao động thực thụ. Đứa thì mang rau cho khách, đứa thì lấy nước. Không xúng xính quần áo đẹp, không ngóng trông bao lì xì, đám trẻ của một gia đình buôn bán bước vào đời thật sớm khi mà nét vô tư vẫn còn đầy trong ánh mắt xanh trong. Tụi nhỏ vui vẻ, nhanh nhẹn và có phần hăng hái trong việc được giúp mẹ bán hàng ngày Tết mà không một lời trách móc. Mình nhìn sâu thấy bóng hình những công dân trưởng thành và năng động của ngày mai; thành công hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắc sẽ thành nhân bởi vì không có gì có thể ngăn nổi sự phát triển và tự tin vào đời của những đứa trẻ sớm hiểu chuyện. Tụi nhỏ vài hôm sẽ quên mất năm nay thu được bao nhiêu tiền lì xì, nhưng vài chục năm nữa anh em chúng sẽ vẫn nhớ đã từng cùng với mẹ là “lao động chính” đích thực ngày Tết như thế nào. Mấy nhóc không chỉ đưa cho mình một món ăn, mà đã đưa cho mình cả một mùa xuân về.

Cuộc sống vẫn luôn như vậy, như một cây thường xuân xanh ngắt không ngừng vươn cao, dù nắng gắt hay mưa giông thì vẫn bám chặt vào từng năm tháng với những điều tốt đẹp nhỏ bé luôn ở đó quanh ta bất kể ta có nhận ra hay không. Có khổ đau, có vất vả, có chông gai nhưng trong khổ đau có sẵn mầm của hạnh phúc, trong vất vả ươm sẵn mầm của thành công, và sau chông gai thường là hoa nở rực rỡ. Mở rộng trái tim, nhìn trong tỉnh thức, ta nhận ra Tết đã ở trong lòng…

Mong một năm mới An sẽ đến với muôn nhà, và dù bận đến mấy, khó đến mấy, mệt đến mấy cũng đừng quên ngắm nhìn thế giới xung quanh để thấy rằng, dù có thế nào, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, đã ở sẵn đó và chờ ta nhận ra trong hạnh phúc - một thứ hạnh phúc không cần đấu tranh, giành giật, hạnh phúc của những trái tim hồng.

Hoàng Huy


THE LONG WALK

Đây là một bức ảnh mà mình rất yêu thích đã chụp vào những ngày cuối tháng 5, 2015 tại con đường trải sỏi trắng đẹp như mơ nằm phía sau lâu đài Windsor mà mình vô tình phát hiện ra. Nó có tên là The Long Walk, dài thăm thẳm như bất tận về phía chân trời như thể không có điểm dừng. Mình đã đi bộ trên con đường đó rất lâu trong tĩnh lặng và nghĩ thật nhiều về Cuộc sống. Những ý nghĩ của ngày đẹp trời đó vẫn vẹn nguyên và sống động, vì mình đã luôn sống với nó mỗi ngày.

Hoá ra cuộc sống của mỗi chúng ta đều là một The Long Walk. Người trẻ đi nhanh, người già đi chậm, người giàu đi ngựa xe, người chưa giàu thì đi bộ….nhưng tất cả chúng ta đều cần phải tiến về phía trước, và đi theo cách riêng của mình.

Những năm 20 tuổi, mình cứ nghĩ thành công, hạnh phúc là cái gì đẹp đẽ, huyền ảo nằm ở phía xa của con đường, hãy đi thật nhanh với 100% đam mê và năng lượng để nhanh chóng nhìn thấy nó. Nghĩ như thế, mình đã học tập và làm việc quần quật bởi bận rộn là biểu hiện sống động nhất của sự sống.

Qua đến khúc quanh 30 tuổi, mình nhận ra hoá ra Hạnh phúc không nằm ở phía cuối con đường, nó nằm dưới chân mình, nó giản dị như những viên sỏi trắng ở The Long Walk, nó lặng im như những chiếc lá xanh hai bên hàng cây, nó đáng yêu như tiếng cười của những em bé đang được công kênh trên vai bố mẹ….nó đã luôn ở đó, bây giờ và ở đây, chờ chúng ta cảm nhận và tận hưởng. Chỉ có điều trái tim có đủ rộng mở để đón chào hay không? Tham vọng quá có khi quên, và bận rộn quá có khi bỏ lỡ nhưng chậm rãi quá có khi lại đánh mất cơ hội, Hạnh phúc được gói gọn trong sự cân bằng và vừa đủ, Lagom!!!

Như một trò đùa cần thiết của số phận, cứ vài năm, mình lại bị thôi thúc để vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình để chinh phục những phần thưởng mới. Nó cũng như con bướm phải tạm biệt sự ấm áp bình yên của tổ kén để vỗ cánh bay đi. Không hề dễ chịu nhưng chắc chắn là cần thiết. Mình đã quá quen với những cuộc phiêu lưu có báo trước và luôn giữ cho bản thân tràn đầy sự háo hức với những thử thách mới nhưng cũng không bỏ quên Ikigai - niềm vui sống của riêng mình.

Thật may mắn vì Mẹ đã sinh ra mình vào đúng hôm nay, 1/6. Một ngày mang thông điệp nhắc nhắc nhở mọi người về cuộc sống: Chúng ta, ai cũng đã từng là trẻ con, là thiên thần. Dù cuộc sống có vất vả đến mấy, hãy luôn giữ tâm hồn mình hồn nhiên như trẻ thơ; và dù các ông bố bà mẹ có bận đến mấy, ngày hôm nay cũng chậm lại một chút để dành thời gian với những đứa con thân yêu của mình và tôn vinh quyền được làm trẻ con của tụi nó.

Và mình của tuổi 34 sẽ vẫn luôn như thế, vẫn chọn không khôn ngoan khi không cần thiết, giữ nguyên sự hồn nhiên vô tư thường trực để trọn vẹn thật nhiều những niềm vui nho nhỏ, vẫn xem hoạt hình và vẫn mặc những cái áo voi gấu nhí nhố đơn giản là vì mình thích, và dù chậm nhanh, trườn bò hay đi bộ, sẽ vẫn luôn tiến về phía trước trên con đường The Long Walk - cuộc sống mến thương mà Bố Mẹ đã ban tặng cho mình.

Oh dear, happy birthday to me!!!

Hoàng Huy

— feeling happy at The Long Walk - Windsor Castle.

An


Trong buổi thiền hành sáng nay, mình tình cờ bắt gặp bông hoa nhỏ này trong khuôn viên chùa và dừng lại rất lâu để nhìn ngắm em. Em chưa phải là một bông hoa hoàn chỉnh dù đã thấp thoáng mang dáng hình của một bông hoa; không nghi ngờ gì nữa, có lẽ chỉ vài tháng tới, em sẽ hoá thành một bông hướng dương cực kỳ xinh đẹp, kiêu hãnh dưới ánh mặt trời.

Không biết lúc đó, em còn nhớ tới những ngày em còn là chiếc hạt bé xinh kề vai sát cánh với hơn 2000 hạt khác trong nhuỵ lớn của hoa Mẹ.

Không biết lúc đó, em còn nhớ tới dòng nước ấm 3 sôi 2 lạnh đã ấp ôm em suốt 8 tiếng đầu đời để nảy mầm, khai nở một cuộc đời mới như một cây hoa độc lập.

Không biết lúc đó, em có còn nhớ tới bóng dáng người đã bao ngày tưới nước, bón phân, dọn cỏ, chở che để chờ em ngày nay cứng vững, hiên ngang đứng thẳng giữa trời.

Chúng ta cũng vậy, ai cũng là một bông hướng dương xinh đẹp trong cuộc đời này, bất kể màu da, chủng tộc, giàu nghèo hay trình độ. Và chúng ta cũng không tự nhiên mà thành được “hướng dương” như hôm nay.

Bông hoa mẹ là cha mẹ bao ngày sinh thành, dưỡng dục; 2000 hạt nhỏ như anh em trong nhà; dòng nước ấm như thầy cô dạy dỗ; người chăm tưới như những người tốt ta đủ duyên lành để được gặp trong đời; và cả những cơn mưa, những đợt gió lạnh nữa - những khó khăn, thử thách nếu không vùi dập nổi thì lại làm ta khôn lớn từng ngày, mạnh mẽ và cứng vững hơn. Quên mất những điều đó, ta không còn là ta nữa.

Hướng dương là một loài hoa AN đến lạ. Sau thảm hoạ sóng thần tàn phá các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản; hàng triệu bông hoa hướng dương đã được trồng mới, bởi lẽ loài hoa tưởng chừng như yếu ớt này lại làm được một điều phi thường: hấp thụ các chất bức xạ hạt nhân để làm không khí trở lại trong lành, hồi sinh cuộc sống yên bình.

Con người cũng vậy, dù cuộc sống có tăm tối tới đâu, vẫn luôn có chỗ cho niềm tin và hi vọng về những điều tốt đẹp. Trời đất cho chúng ta biết lạc quan, cũng giống như cho hướng dương luôn biết tìm về hướng có ánh sáng mặt trời. Bình tĩnh sống, lặng lẽ cống hiến và điềm nhiêm toả sáng, chúng ta đã là hướng dương.

An, là điều duy nhất mình gửi gắm trong những lời cầu nguyện đầu năm. An không chỉ cho riêng mình hay gia đình mình, mà là An cho tất cả chúng ta. Covid dạy cho chúng ta một bài học ngàn năm không quên: Không ai hay quốc gia nào có thể An một mình được, vì chúng ta, luôn cần có nhau, nương tựa vào nhau và sống vì nhau.

Chúc bạn của tôi, dù quen hay lạ, dù gặp hay chưa, hãy luôn sống như bông hoa hướng dương kiêu hãnh tuyệt vời, luôn tìm được An hài hoà trong cái An chung của đồng loại, và sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của sự VỪA ĐỦ trong cuộc sống tuyệt vời này.

Chúc mừng năm mới 2022!

02/02/2022

Hoàng Huy


HẠNH PHÚC CẦM TAY

Sáng nay mình dậy sớm và đọc vài bài trong cuốn “Hạnh phúc cầm tay” của Thầy - cuốn sách ưa thích mình thường đọc trong những lúc mỏi mệt hay hỗn loạn nhất, như một cách riêng để tiễn Thầy một đoạn trong cuộc thong dong mới mà Thầy mới chỉ bắt đầu hôm qua, một sự tiếp nối đầy mới mẻ.

Cả cuộc đời Thầy rao giảng về Vô thường và bây giờ Thầy đã thành một phần của Vô thường. Đọc Thầy thì hiểu rằng Thầy không mất đi nên chúng ta cũng không vì đó mà buồn, Thầy vẫn đang còn đây, bây giờ và ở đây, trong trang sách này và trong mỗi chúng ta dù có khi bạn đã chỉ vô tình nghe một câu nào đó của Thầy rồi ghi nhớ nó, dù không biết đó là Thầy nhưng Thầy vẫn ở trong bạn.

Có lẽ sau Bố Mẹ, người có ảnh hưởng to lớn nhất đến đời sống tinh thần của mình là Sư ông - cách gọi thân thương mà hàng triệu người đã dành cho Thầy, dù chỉ là qua những trang sách. Mình mới chỉ đọc chắc được vài chục trong số hơn 100 cuốn sách mà Thầy để lại, nhưng chỉ cần mẫn thực hành một vài trong số đó thôi, với một trái tim rộng mở, là đủ mở ra những điều kỳ diệu trong đời sống của mỗi người, giản dị mà kỳ diệu, kỳ diệu mà giản dị. Hạnh phúc và an lạc, mấy thứ người ta hay lên đền lên chùa kêu cầu, hoá ra lại là những đứa trẻ nghịch ngợm thích chơi trốn tìm, chúng trốn ở nơi ta khó tìm và bất ngờ nhất, trong chính mỗi chúng ta. Thầy nhẹ nhàng mách nước, chúng ta nhẹ nhàng tìm về, đặt chúng lên ngai vàng sáng rõ nhất của vũ trụ: bây giờ và ở đây, rồi chiêm ngưỡng mỗi ngày.

Cuộc sống ai mà tránh né được khổ đau, giàu- nghèo- già - trẻ, người nhiều kẻ ít nhưng ai cũng có….Thầy nhẹ nhàng thúc giục chúng ta đừng chối bỏ nó, đừng chạy trốn khỏi nó, hãy trở về ấp ôm nó - ấp ôm đứa trẻ đang bị tổn thương trong mỗi người, và rồi dùng tình yêu thương sưởi ấm vỗ về trong chánh niệm, cho nó biết ta đã về đây và hoàn toàn có mặt cho nó. Phải chữa lành được cho mình, ta mới đủ hiểu đủ thương để chữa cho người, cho ba mẹ, anh em, cho bạn bè, và cho cả những người ta chưa biết.

Mình rất thích một ý niệm - một từ tiếng Anh nhưng lại không có trong tiếng Anh, interbeing (tương tức) mà Thầy đã giới thiệu. Cầm một trang sách này ta thấy gì? Ta thấy tờ giấy, thấy dòng mực in hay thấy cả cánh rừng và đại dương, thấy gương mặt mỏi mệt sau giờ tan ca của người thợ in hay thấy sự mừng vui của người mẹ thấy con về ăn cơm. Thấy càng nhiều ta càng hiểu, hiểu càng nhiều ta càng thương…Chúng ta luôn cần có nhau, luôn có trong nhau, luôn dành tặng nhau trong ý niệm interbeing đó, trong quả ngọt tư duy Thầy đã hái tặng mỗi người.

Còn nhiều lắm những điều Thầy đã dạy đã vô tình mang đến cho thế giới tinh thần của mình và lời Thầy như một bản đồ từ tâm cho những lần ta vô tình đi lạc vào giữa khổ đau, si mê hay sân hận; ta chỉ việc làm theo, là lại tìm được về với Chánh niệm (Mindfulness) tránh xa được vô minh.

Thầy sẽ luôn ở đây trong chúng con, chứ không phải trong bảo tháp hay trong mây bay.

Cảm ơn Thầy đã bước vào đời sống của con và mong Thầy sẽ an vui nhẹ bước trong cuộc rong chơi tươi mới lần này.

Hoàng Huy