Music

Chuyện học đàn Hoàng Đức Huy

Viết cho năm học thứ 20: Chuyện học đàn.

"Được làm những gì mình thích là một niềm hạnh phúc"....chẳng biết ai đó đã nói với mình điều đó từ rất lâu rồi,nhưng mình vẫn luôn tâm niệm đó là một chân lý hiển nhiên đúng.

 

Và bỗng một ngày của tuổi 25, mình chợt nhận ra khoảng trời hạnh phúc của mình vẫn bị khuyết một miếng khá to khi một ước mơcủa mình từ hồi còn bé vẫn chưa thành hiện thực: biết chơi một loại nhạccụ.

 

Ngày bé, mặc dù bố đã từng chơi guitar và mẹ thậm chí chơi đàn bầu rất điêu luyện, có nhiều bạn bè là nghệ sỹ nhưng khônghiểu sao cái ước vọng chính đáng được học một loại nhạc cụ của mình nó bị vứt xó và đè bẹp không thương tiếc bởi cái vòng luẩn quẩn của nền giáo dục "tiên tiến" nước nhà: học - lên lớp - chuyển cấp - học - lên lớp.

 

Cái ước mơ học đàn của cậu học sinh tiểu học ngàynào bị bầm dập và vùi trong quên lãng.

 

Và năm nay, khi đã học đến cái cấp không còn lớpnào để lên nữa, mình đã quyết định việc học đàn trở thành một trong “NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY”. Đúng là phải ngay và luôn vì không nhanh thì tuổi trẻ sẽ qua đi trong một sự tiếc nuối không hề nhỏ: vẫn chưa biết chơi đàn và mãi mãi không biết chơi đàn. Tiếc nuối vì những điều mình có thể đã làm được nhưng không làm là một sự tiếc nuối khó tiêu tan theo thời gian. Người ta thường hay nói, nếu bạn muốn làm điều gì đó mà cho đến tuổi 25 bạn vẫn chưa làm, chưa thử, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được. Và mình thì không muốn thế.

 

Thích mê Canon in D, Song from a secret garden và rất nhiều giai điệu không lời mê ly nữa, mình đã chọn Violin- nữ hoàng của dàn nhạc giao hưởng, âm thanh du dương nhất và cũng gần như là khó nhất. Chinh phục những điều khó khăn và có nhiều thách thức luôn làm cho mình cảm thấy rất hưng phấn và cuốn hút. Cái khát khao tự chơi được một bản nhạc yêu thích hình như bây giờ đã cao lớn hơn cả cái tuổi 25 của mình.

 

Nhiều khi đi làm bước nhanh qua những người nghệsĩ đường phố chơi đàn trong bến tàu điện ngầm London, bị cuốn theo những giai điệu cuộc sống tươi đẹp mà họ đang cống hiến cho cuộc đời, thấy tâm hồn mình có khi còn nghèo hơn số tiền lẻ trong cái mũ của họ.

 

Sự nghèo khó về vật chất luôn dễ giải quyết hơn sự nghèo đói về tâm hồn. Khi tâm hồn ta nghèo đói, ta thèm lắm một cuốn sách hay để đọc ngấu nghiến, ta khát khao một bản nhạc hay để làm dịu mát những ưu sầu. Đó là những người bạn luôn bên ta và chắc chắn chẳng bao giờ bỏ ta, kiên trì dẫn đường ta đến những bờ vui, đi qua nuỗi buồn mà chẳng bao giờ đòi hỏi trả công.

Người ta chỉ thực sự trở nên giàu có khi nào với họ chuyện có nhiều tiền hay không có xu nào đều không còn quan trọng nữa. Và dường như âm nhạc là một trong những con đường ngắn nhất đưa con người ta đạt được đến tuệ giác ấy. Khi một đại gia hay một anh hát rong chơi đàn, họ đều bình đẳng vì họ đều là những người yêu nhạc, là những nghệ sĩ, tiền bạc – quyền lực rớt xuống, và tiếng đàn ngân lên.

 

25 tuổi, đã quá muộn để trở thành một nghệ sĩ hay một người chơi violin xuất sắc, nhưng muộn còn hơn không, ít nhiều mình cũng sẽ cố để chơi được những bản nhạc mình thích, chơi không vì biểu diễn mà chơi cho chính mình, cho tâm hồn khát của mình, ít nhiều mình cũng sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì chưa thử làm một điều mình thích.

 

Những thanh âm diệu kỳ từ cây đàn cuốn mình bay lên khỏi những lo lắng, toan tính, vất vả của cuộc sống vật chất hiện đại đến với một cõi riêng. Ở cõi ấy, ta sẽ gặp Bach, gặp Mozart, gặp Trịnh và gặp muôn triệu những tâm hồn yêu nhạc của bao đời.

 

Âm nhạc tự bao giờ đã làm được, làm một cách xuất sắc điều mà các nhà ngôn ngữ học chưa bao giờ làm được: làm cho cả thế giới hiểu nhau bất kể màu da, sắc tộc; làm cho hiện tại hiểu quá khứ, làm cho nỗi buồn hiểu rằng đời còn nhiều niềm vui………..

 

Hôm nay, cầm vĩ lên chơi xong bài Amazing Grace chợt nhận ra trong lòng mình cũng đã thấy một chút gì đó “amazing happiness”…..