NewDayNewLesson
TẠM BIỆT 2020: HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ...
Sẽ có người nói 2020 có đối xử với chúng mình ra gì đâu mà phải chào hỏi - tạm biệt nó, combo thiên tai và dịch bệnh nguyên năm, cuộc sống bao người lao đao khổ cực. Nhưng mình thì nghĩ khác, cuộc sống của chúng ta như một ngôi nhà, mỗi một năm tới giống như một vị khách ghé chơi, có người lịch sự nhưng cũng có người thô lỗ, có người mang tới quà nhưng cũng có người để lại rác; mình luôn chọn sống như một chủ nhà thân thiện, như cách trân trọng từng phút-giây-tháng- năm Được sống dưới ánh mặt trời.
Trong lúc bạn còn đang ngồi tiếc nuối năm rồi bị mất bao nhiêu tiền, bị bể nhất bao nhiêu cơ hội làm ăn thì bên kia địa cầu, có rất nhiều đất nước, họ vẫn chưa kịp đếm hết bao nhiêu công dân đã mất đi, bao nhiêu gia đình khổ đau chia lìa vì Covid.
Trong lúc bạn còn đang mong chờ bao giờ bầu trời an toàn mở lại để đi du lịch check-in đó đây, cho thoả nỗi cuồng chân ngứa cẳng thì tụi nhỏ ở Trà Leng hay ở những vùng sạt lở vì lũ lụt chỉ mong chờ bao giờ những ngôi trường đã bị vùi sập sẽ mở trở lại để lại được đi học.
Thế đấy, là người, ai mà chẳng có những khổ đau, lúc này lúc khác trong đời, nhưng khi quán chiếu nỗi khổ niềm đau của bản thân mình với nỗi đau của muôn người, ta lại thấy mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc bội phần; và ta chẳng còn muốn làm ông A bà B nữa mà chỉ muốn ta được là ta, tự ôm ấp và chữa lành những khó khăn của riêng mình.
2020 như một cơn mưa rào bất chợt đến và gột rửa đi mọi sự phù phiếm, hời hợt của bề ngoài để đưa tất cả chúng ta về với những giá trị cơ bản của cuộc sống: một chữ An. Ra đường đi làm mong được An toàn, công việc trôi chảy mong được An tâm, và tối về đi ngủ mong được An tịnh trong tâm hồn. 2020 nhắc nhở chúng ta những điều thường bị xem nhẹ, phớt lờ theo một cách nghiêm khắc nhất; bắt chúng ta phải thừa nhận sự bé nhỏ của mình, giảm bớt đi sự hỗn hào, ngỗ ngược của mình trước Mẹ Trái Đất. Và ai thì cũng đã có những bài học riêng cho mình, dù ít hay nhiều.
2020 với mình ý nghĩa lắm. Không chỉ câu chuyện về những “giấc mơ muộn của tuổi trẻ” với những chuyến đi hàng ngàn km ngang dọc Việt Nam từ Tây Nguyên tới Tây Bắc đầy ắp trải nghiệm ; mà còn là bài kiểm tra lớn với chính mình dù chỉ có một câu hỏi: “Mình có dám sống và dám luôn là chính mình không?”. Mình nhận ra sự mong manh của vùng an toàn 825 (Eight-To-Five) và chấp nhận chủ động bước ra khỏi nó để chinh phục một mục tiêu mới rõ ràng hơn, để được luôn chính mình, được sống thành thật với những gì mình tin là lẽ phải và xứng đáng. Và như tất cả mọi lần trong đời, mình chẳng bao giờ hối tiếc.
2020 mình nhận ra câu nói quyền lực nhất đối với mình không phải là “Hy được tăng lương” hay “Hy được lên chức” mà là “Bố rất nhớ các con!” - chỉ cần nghe đến thế thôi là bỏ hết, về, ngay và luôn, để được ôm lấy Papa thật chặt như Papa đã từng bỏ bê cả thế giới để về ôm mình ngày thơ bé. Tuổi già năm nay đã đùa cợt với Papa nhiều hơn với những câu hỏi lặp đi đi lặp lại 3 lần trong một bữa ăn, và mình vẫn luôn chăm chỉ trả lời như lần đầu nghe thấy; nhưng Papa vẫn chất như một Big City Boiz thứ thiệt khi động viên mình “Dù giàu hay nghèo, bận rộn hay rảnh rang, con hãy luôn nhớ Thương yêu là nguồn lực để phát triển, không có thương yêu, mọi sự phát triển sẽ chỉ như cái cây có lá mà không có hoa.”
2020, sau nhiều năm học ngoại ngữ, mình dành nhiều thời gian hơn cho nội ngữ - cho tiếng nói bên trong và cho ái ngữ. Nghe chính mình nhiều hơn để hiểu cuộc đời rộng hơn. Là học xin lỗi trước khi sửa lỗi, là học buông bỏ khi quá tham lam, là dám nói Không để được hạnh phúc hơn tất thảy những người nói Có, là học dũng cảm khi đáng lẽ phải sợ hãi....là học những bài học mà vì đời bận rộn ta thường hay “trốn tiết”.
2020 không đáng bị lãng quên, mình sẽ ghi nhớ nó như một con sóng lớn của cuộc đời mà ta luôn có hai lựa chọn: cưỡi lên nó và vượt lên trong hi vọng hay bị nó nhấn chìm trong sự u ám tự thân. Không có gì thay đổi, 12h khuya nay nó sẽ rời đi và không bao giờ trở lại, nó đã xong sứ mệnh của nó, còn chúng ta thì vẫn phải bận rộn với sứ mệnh của mình: mạnh mẽ sống cho nhau, mạnh mẽ yêu thương nhau, và mạnh mẽ cảm thông nhau.
Mình mong gì cho năm 2021 ? Mình không mong gì cho bản thân, vì mình luôn bình thản như xưa giờ vẫn vậy, biết đủ là đủ và điềm nhiên đón nhận những gì sẽ tới. Nhưng tất cả mong ước của mình trong đêm nay sẽ dành để chờ đón một sự bình an cho tất cả mọi người, bình an cho người thương mình - quen biết mình, và bình an gấp đôi cho những người chưa thương mình - chưa quen biết mình. An của mình nằm trong an của tất cả. Biết chúc nhau gì đây? Hay là chúc chúng mình hãy cùng sống hết mình trong mỗi ngày mới, thay vì lặp đi lặp lại một ngày cũ chán ngắt 364 lần rồi gọi đó là một năm. Tạm biệt nhé 2020!
Và ngày mai, là một ngày mới, đang tới rất gần!
Happy New Year!
#Bye2020 #TheLastPostof2020 #HappyNewYear #Appreciation
NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN......TIỀN CỦA NGƯỜI TRẺ
NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN......TIỀN CỦA NGƯỜI TRẺ
Mình có cái may là trong friendlist có rất nhiều người trẻ nên Newsfeed thể hiện sống động nhịp sống và hơi thở của tuổi trẻ, lại được làm việc cùng với nhiều bạn 9x nên tha hồ quan sát và cảm nhận cái thế giới quan rất thú vị của các bạn. Và hai trong số những chủ đề chưa bao giờ ngừng hot với rất nhiều các bạn trẻ đó là than vãn: không có người yêu (FA, thật & giả) và kế tiếp đó là than hết tiền-thiếu tiền-ít tiền.....Hôm nay, 30 Tết, nói câu chuyện thứ hai là thích hợp hơn cả.
Người trẻ, với sức tiêu dùng mạnh, độ ham thích với cái mới cao trong khi thu nhập còn hạn chế thế nên những lúc bối rối về mặt tiền bạc là không thể nào tránh khỏi. Và mình cũng đã đi qua đầy đủ những cung bậc như thế, cả ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài thế nên chắc vài kinh nghiệm nhỏ của mình chắc ít nhiều có ích với những ai cần nó.
Nếu bạn đã đủ 18 tuổi và còn đi học dưới sự chu cấp của bố mẹ, tốt nhất đừng nên than, vì như thế vô duyên lắm. Bởi lẽ, theo luật, sự trợ cấp đấy là không bắt buộc, bố mẹ thương và ủng hộ bạn, họ có thể cho bạn một chút tiền nhưng đó không còn là nghĩa vụ nữa. Và người Anh có câu "Beggars cannot be chosers" (Ăn mày còn đòi xôi khúc). Nhận chu cấp và than vãn, vô tình bạn có thể làm bố mẹ buồn hoặc tệ hơn là gây một áp lực vô lý đối với họ, những người duy nhất trên đời yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Nếu bạn đã đi làm, càng không nên than hết tiền, vì càng than sẽ càng làm cho nhiều người biết cái yếu của bạn trong việc lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống. Không một chàng trai hay cô gái nào hứng thú với một đối tác không biết sắp xếp cuộc sống ngay cả khi còn độc thân. Và cơ bản, than không thay đổi được bản chất của vấn đề (trừ khi bạn thích than để "thả thính" J). Bạn đã kiếm tiền nhưng chưa đủ, đó là dấu hiệu bạn cần xem lại chi tiêu và cần cố gắng hơn.
Vậy thì phải làm gì để vẫn có thể sống tốt trong điều kiện tài chính còn hạn chế?
1. Hãy tính lại
Tổ chức lại cách chi tiêu theo chu kỳ thu nhập, nếu bạn lĩnh lương theo tuần hay theo tháng thì bạn làm theo chu kỳ đó. Hãy liệt kê tất cả các khoản mục bạn cần phải chi một tháng thành hai loại (Compulsory & Optional: Bắt buộc và Không bắt buộc) hoặc Needs & Wants
Bắt buộc là: Ăn - Ở (Nếu bạn phải thuê nhà) - Đi lại - Bills (các loại hoá đơn)....những nhu cầu thiết yếu bạn cần phải chi để tồn tại. Thường đây sẽ là một con số tương đối cố định theo từng năm, chỉ thay đổi theo lạm phát.
Không bắt buộc là: Giải trí - Kết nối- Shopping....những nhu cầu mà nếu bị gián đoạn, cuộc sống của bạn không bị xáo trộn ngay lập tức.
Phân bổ tối đa 60% thu nhập của bạn cho mục này: Chi phí cuộc sống, theo thứ tự Bắt Buộc trước, Tuỳ chọn sau. Nếu bạn phân bổ rồi mà vẫn không đủ, đừng lo, thiếu thốn sẽ là động lực để phát triển, nhưng ít nhất bạn đã kiểm soát được việc chi tiêu của mình. 60% thu nhập này dạy bạn bài học cơ bản về những giá trị thiết yếu của cuộc sống.
2. Hãy đầu tư:
Đừng cứ nghe đến từ "đầu tư" là nghĩ ngay đến chứng khoán, bất động sản hay bitcoin gì đấy, xa xôi quá. Với người trẻ, đầu tư hàng đầu phải là đầu tư cho chính bản thân mình. Một khoá học kỹ năng hay ngoại ngữ, những cuốn sách hay và bổ ích, một chuyến du lịch.......Tất cả những thứ làm bạn "giàu có" hơn về kiến thức, năng lực làm việc và trải nghiệm cuộc sống. Đây là sự đầu tư bền vững và siêu lợi nhuận, hãy dành ít nhất 20% thu nhập của bạn cho điều này. 20% này nhắc bạn không được bằng lòng với ngày hôm nay, hãy vươn lên.
3. Hãy nghĩ đến ngày mai.
Cuộc sống là vô thường, không ai biết trước được ngày mai ra sao, có thể là đầy cơ hội nhưng có thể là rủi ro, bất trắc. Bạn chỉ có thể vượt qua những rủi ro nếu như bạn đã luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho tình huống xấu nhất. Ốm đau, thay đổi việc làm, hay những điều còn tệ hơn nữa.....là những trải nghiệm không hề dễ chịu và chẳng ai muốn. 20% thu nhập còn lại của bạn chính là dành cho việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Và hãy mua bảo hiểm ngay cả khi đang khoẻ mạnh nhất, đừng biến mình thành gánh nặng cho người thân nếu không may gặp vấn đề về sức khoẻ. Quan trọng nhất, đừng động đến khoản tiền này chỉ vì bạn thích một cái váy đẹp hay muốn đổi điện thoại mới; vì bạn cần có một cái phao cứu sinh tương đương chi phí cuộc sống tối thiểu từ 6-12 tháng trong những tình huống khẩn cấp. 20% cuối cùng này cho bạn bản lĩnh đối mặt với những điều không mong muốn.
4. Hãy đừng ngồi im và than vãn
Tuổi trẻ chẳng có gì ngoài thời gian, trí lực và nhiệt huyết. Hãy tìm mọi cách chuyển đổi những thứ đó thành tiền. Ngoài 8h vàng ngọc đã bán cho cơ quan, bạn hoàn toàn có thể tìm một nguồn thu nhập phụ từ những kỹ năng hoặc năng lực của mình, dù ít hay nhiều, bạn cũng đã bớt bị động hơn là chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất.
5. Hãy nói không với Nợ.
Trừ khi bạn là nhà đầu tư quen sống chung với những khoản nợ, hoặc là nếu không vay thì bạn nguy cấp, thì tốt nhất hãy cố gắng nói không với Nợ. Các khoản nợ dù lặt vặt nhưng cũng sẽ làm những bê bối tài chính cá nhân của bạn kéo dài và phức tạp hơn nếu bạn không quản lý tốt. Và dù trong tình huống nào, cũng đừng lạm dụng thứ tài sản quý giá nhất của mình: uy tín và danh dự của bản thân. Không sử dụng thẻ tín dụng cho tới chừng nào bạn tự tin với khả năng kiểm soát chi tiêu của bản thân.
Dù thu nhập bạn tăng hay giảm: hãy luôn tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu 60-20-20 này cho đến khi bạn đủ tự tin về tài chính và có thể làm chủ chuyện chi tiêu cá nhân một cách khoa học.
Có một nghịch lý mình phát hiện ra là phần đông các ông bố bà mẹ Vietnam thường dúi tiền vào tay con nhưng rất ít người cùng ngồi xuống và trao đổi với con cách quản lý và sử dụng đồng tiền, để đến khi bước vào đời đa số các bạn trẻ đều lúng túng với đồng tiền, làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa. Nhưng cũng chẳng sao, vì những gì chưa được dạy thì ta sẽ học, chẳng bao giờ là muộn.
Chúc các bạn trẻ một năm mới thịnh vượng theo cách của bạn, không còn "bán than", nhất là chuyện tiền bạc.
Hoàng Huy
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
(Lâu lâu viết nhảm nhí cho mình để tạm biệt năm 2017)
Kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm, đáp chuyến bay muộn về với Bố cho kịp bữa cơm chiều, về với nơi thân thương mà không gì thay thế được, tự nhiên trong lòng nhẹ bẫng.
Ngoảnh đầu nhìn lại, một năm nữa đã chảy qua nhanh như một chớp mắt...Vài ngày nữa, một năm mới sang, mình sẽ miễn cưỡng phải dọn vào sống chung với cái tuổi 30 chật chội, không thích lắm đâu, tuổi của những bước ngoặt, tuổi đến hạn quyết toán những gì còn sót lại của thanh xuân.
Thanh xuân với mình là một dạng vốn, bằng một cách rất công bằng, cuộc đời cấp cho tất cả chúng ta, tuyệt đối không thể vay mượn, chia sẻ và luôn đòi hỏi chúng ta phải là những nhà đầu tư thông thái nếu như không muốn nhận những cái kết tê tái...
Ngồi trên máy bay, mình thử tự hỏi mình cái câu hỏi thời thượng mà rất hay các bạn trẻ bây giờ hay hỏi đùa nhau "Ta đã dùng cả tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?"
Để yêu??? Trẻ là phải yêu, không yêu cũng là một cách phí hoài tuổi trẻ. Mình cũng yêu, cũng rồ dại, cũng vô tư, cũng cuồng nhiệt, và tất nhiên cũng......sai lầm. Nhưng sau cùng mình thấy rằng: Tình yêu hoá ra cũng giống như chuyện lái xe. Không quan trọng lắm chuyện bạn đi xe gì, mà quan trọng bạn có đến đích an toàn hay không? Bạn lái xe bằng gì? Sự tỉnh táo và khôn ngoan hay sự mù quáng và vội vã? Lãng mạn, cuồng nhiệt sớm muộn rồi cũng có thể qua đi, nhưng cái quan trọng nhất sẽ vẫn là nồng độ hạnh phúc trong hơi thở những người trong cuộc. Không ai vẫy bạn lại để đo cái nồng độ ấy đâu, nhưng hãy luôn đảm bảo mình được hạnh phúc và bình yên nhất - nếu hai điều đó không còn, thì hãy dũng cảm bước ra, càng sớm càng tốt. Đừng cố gắng nhẫn nhịn, đừng tập tành hi sinh, và đừng cố diễn 24/7, tội lắm, cả mình cả người ta. Hãy yêu bằng tất cả sự trần trụi của cảm xúc nhưng cũng đừng bao giờ tự cho phép mình hoài nghi tình cảm tốt đẹp của những người quanh ta chỉ vì đôi lần của ngày hôm qua chưa được êm đẹp...
Để học hỏi??? Trẻ mà thiếu vắng đi sự học thì chỉ để lại cho tuổi già sự tiếc nuối. Mình thì chẳng bao giờ muốn tiếc nuối về bất kỳ điều gì nên mình học như thể đó là nhu cầu ăn-ngủ mỗi ngày, chứ chẳng vì mảnh bằng nào cả. Mình không chịu được cái tối tăm khi mất điện, và cũng quyết không thoả hiệp một cuộc sống quá bức bối vì thiếu hiểu biết. Học từ một tờ báo cũ, từ một ông lão bán vé số, hay học từ những ngôi trường danh tiếng, học từ những trận chửi mắng té tát của người đời.....thì đều là những học phần bắt buộc của đại giảng đường cuộc sống. Tiêu tốn cả thanh xuân để đi học để rồi nhận ra sự thật phũ phãng rằng hoá ra ta luôn ngu dốt hơn mình tưởng, và sẽ chỉ nên ngưng học khi ngưng thở để tránh cho sự dốt nát không ngừng lạm phát.
Để đi??? Tuổi trẻ là những chuyến đi, nếu không đi ta sẽ quên mất mình đã từng trẻ. Mình lang thang khắp nơi, từ thế giới phồn hoa của những người giàu đến những nơi chẳng có gì ngoài sỏi đá. Nhưng rồi, sau mỗi chuyến đi, mình lại nhận thấy chuyến đi về nhà - về đất nước nơi ta đã sinh ra - đi ngược về trong sâu thẳm chính bản thân mình là những chuyến đi đáng mong đợi nhất. Đi xa để trở về là vậy. Đi! Nhất định phải đi để thấy gia đình & đất nước mình là những thứ không dễ gì từ bỏ được đâu; để thấy những gì đẹp nhất hoá ra là những gì thân thương, giản dị nhất. Vậy nên, hãy đi đi!
Để kiếm tiền??? Mình đã từng đạp tuyết xuyên đêm đi nhặt từng xu lẻ nơi xứ người, và tất nhiên, cũng từng lăn qua lăn lại trên những chiếc giường trải đầy tiền như một trò trẻ con rất nhảm nhí để trả thù những ngày khốn khó. Mình nhẫn nhịn với mọi thứ trong đời, trừ cái nghèo và sự thiếu thốn nên say mê chuyện kiếm tiền như một bản năng sinh tồn để thử thách chính mình trong mọi hoàn cảnh. Sau cùng, mình nhận ra hoá ra chúng ta không cần phải có quá nhiều tiền để hạnh phúc như chúng ta vẫn thường tự huyễn hoặc bản thân đâu. Hãy biết Đủ và phải trả lời cho chính mình bằng được câu hỏi: "Sau sự giàu có và thành đạt là gì?" - Phải là HẠNH PHÚC, nhất định phải là HẠNH PHÚC, không chỉ cho bản thân và gia đình, mà còn phải là cho những người quanh ta. Người ta khuỵa ngã vì kiếm tiền sai cách nhiều, nhưng một số đông hơn nhiều lần lại sụp đổ vì tiêu tiền sai cách. Không định nghĩa cho đúng, tiền bạc sẽ chỉ là ngọn nguồn của đau khổ, sớm hay muộn.
Mình đã dùng tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?
Mình đã đầu tư sạch sẽ không thiếu một phút nào cho chuyện kiếm tìm tự do và tìm kiếm chính mình.
Chúng ta ai cũng nhìn thấy chính mình trong gương mỗi sáng nhưng không phải ai cũng hiểu được bản thân mình, tìm kiếm được chính mình, biết mình cần gì, muốn gì, khát khao gì?Thanh xuân chính là lúc ta đi tìm ta, tìm sao cho trọn vẹn như cái cách đi tìm lần lượt những mảnh ghép lộn xộn để xếp cho thành hình một Cuộc sống cho đáng sống.
"Tự do" sau cùng không phải do ai đó ban phát cho ta mà do mình tự tặng cho chính mình qua năm tháng, qua học hành, qua yêu thương, mất mát và trải nghiệm. Thung thăng đi giữa phố đông với vài xu lẻ hay tài khoản nhiều số; ngồi xe sang hay cuốc bộ, bực tức hay thảnh thơi.....ta sẽ vẫn luôn cần là ta, chung thuỷ với nhân cách mình đã chọn, bình thản và an yên, và khi ấy thanh xuân đã được tiêu xài ý nghĩa, dù chẳng bao giờ lấy lại được nữa.
HAPPY NEW YEAR EVERYONE!!!!
Hoàng Huy.
#NewYear #WhereismyYouth #Days4Family
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"BỐ CHO CON CÁI GÌ???"
"Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi….”
Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.
"Bố cho con cái gì?" - Nhớ một thời trẻ trâu, tôi đã có đủ "dũng cảm" hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.
Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn
"Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình- con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết"
Tôi, hơi shock, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói "lên dây cót" cho chàng sinh viên mới.
Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300k/ tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.
6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.
Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé.....và con đang....... ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ........luôn thuộc về con. Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.
Không tự ái - không phiền lòng - tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.
Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy "Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế...". Và bố tôi chỉnh ngay "Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện."
Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật J
Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.
Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.
Hay câu chuyện về loài đại bàng: đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.
Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ. Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.
Bạn không có tiền học đại học? Ok, fine. Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.
Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ……và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.
Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”
Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà Bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.
Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.
Hoàng Huy.
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI CÙNG TUỔI....
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI CÙNG TUỔI....
Chào Dư!
Chúng mình cùng 88 cùng tuổi Mậu Thìn đấy nên tớ sẽ gọi Dư là cậu nhé, như một người bạn đồng niên dũng cảm.
Hôm nay tớ đang trong một kỳ nghỉ ở xa, mở mạng lên tình cờ thấy câu chuyện về hoàn cảnh và sự ra đi của cậu trên Facebook một người bạn, tớ ám ảnh và xúc động mà chẳng thể ngủ lại được nữa nên tớ quyết định vài dòng cho cậu, một người chưa từng quen biết.
Người ta nói cậu nghèo lắm
Người ta nói cậu vất vả lắm....
Còn riêng tớ nghĩ cậu là người may mắn lắm, Dư ạ.
Không phải thứ may mắn tầm thường loại 2 kiểu có bố làm quan chức, có nhà đẹp, có siêu xe hay trúng độc đắc, cậu may mắn vì biết rõ ước mơ của mình là gì và được sống hết mình và được chết vì ước mơ ấy. Rất nhiều người trẻ dù có đủ đầy hơn, có hoàn cảnh tốt hơn, chưa chắc có được cái may mắn đó. Ngày qua ngày, họ sống một cuộc đời nhàn nhạt - muốn đến đâu thì đến, vô định và cũng vô vị. Cứ tồn tại và hít thở thôi, còn sống thì để bố mẹ lo đến chết. Biết được mình sống chết vì cái gì, biết mình muốn thành cái gì trong tương lai và dám đi đến tận cùng của ước mơ - không phải ai cũng tự trả lời được, nhất là ở nước mình
Tớ có đọc đâu đó có nhiều kẻ ác ý, thậm chí có vài người còn là đồng nghiệp của cậu, họ nói cậu muốn tranh thủ lúc thiên tai bão lũ săn bài săn ảnh.....để kiếm tiền, có gì đâu mà phải tri ân với cả ồn ào. Tớ mong rằng từ trên trời xanh, cậu sẽ rộng lòng tha thứ, đừng trách họ vì cuộc đời vốn là thế, luôn có những kẻ đầy những suy nghĩ đố kỵ, và u ám về cuộc đời. Dù họ có giàu có hay quyền lực đến mấy, trong mắt tớ họ mãi mãi chỉ là những kẻ thấp hèn - cứ để họ ở yên trong cái hố sâu sân si của lòng vị kỷ.
Kiếm tiền không phải là cái gì xấu xa - tội lỗi cả, miễn là đồng tiền đó sạch sẽ và lương thiện. Mình thắc mắc những người ưa phán xét đó họ cần bao nhiêu tiền để sẵn sàng đội mưa - đội bão để dũng cảm đi "kiếm tiền" như cậu??? Chắc là họ sẽ chọn những cách kiếm tiền dễ dàng hơn: ngồi trong một căn phòng máy lạnh an toàn, copy hình ảnh - tin bài trên mạng để rồi truyền đi khắp mọi nơi như thể chính họ đang ở giữa vùng rốn lũ; bằng cách ấy, lượt view càng lên cao - lòng tự trọng nghề nghiệp càng xuống thấp.
Nếu không có những người dũng cảm như cậu, người miền xuôi sẽ chẳng bao giờ hình dung biết được một cơn lũ ở vùng cao sức tàn phá khủng khiếp như thế nào, đồng bào khốn khổ ra sao...
Tớ luôn quan niệm: chất lượng cuộc sống là quan trọng hơn độ dài cuộc sống. Tớ là thuộc kiểu người chọn sống 50 năm ý nghĩa hơn là 100 năm mờ nhạt. Cái chết suy cho cùng không phải là điều đáng sợ nhất, điều đáng sợ nhất là đến khi chết ta không nhớ là mình đã từng thực sự sống. Tớ cũng có đủ loại ước mơ cho riêng mình, to có nhỏ có, mơ mộng có, điên rồ có - và tớ luôn nghiêm túc và thành thật với chúng; giờ thì tớ đang theo đuổi sự thành đạt bằng nghề nghiệp và học vấn của mình. Thành đạt thì chưa chắc đã hạnh phúc đâu; nhưng ít nhất phải thành đạt trong sự soi sáng của hiểu biết thì mới có năng lực để giúp được chính mình và nhiều người quanh mình một cách thiết thực nhất trước khi có những cống hiến lớn hơn để trả ơn cuộc sống.
Không có một ước mơ, đời chúng ta sẽ như nước lọc chứ chẳng thể nào là rượu vang được
Tớ cũng đã làm đủ nghề để kiếm sống để nuôi ước mơ của mình, từng ăn một bữa sống cả ngày, từng ở trong một căn phòng mở cửa ra là bước lên giường vì phòng chỉ đủ kê 1 chiếc giường duy nhất, từng mấy năm liền chết thèm chết nhạt được một ngày Chủ nhật được nghỉ ngơi trọn vẹn. Và tớ chẳng có gì phải giấu diếm hay xấu hổ vì những ngày đã qua mà còn hết sức tự hào và biết ơn những tháng ngày gian khổ ấy. Vì không có mồ hôi rơi - nước mắt rơi những ngày ấy, sẽ chẳng bao giờ có ngày hôm nay.
Nếu còn tiếp tục con đường đang dang dở, tớ rất tin nhất định cậu sẽ trở thành một nhà báo có tâm - có tầm - có bản lĩnh của một người làm nghề chân chính.
Được sống đến cùng,hay được chết vì đam mê của mình cũng là một điều hạnh phúc.
Ngủ ngon Dư nhé, giữa lòng quê hương, giữa tâm trí bạn bè, những người quen và không quen nhưng đều vô cùng ngưỡng mộ cậu - một người trẻ đã sống một đời trọn vẹn hạnh phúc, trọn vẹn mê say và hoài bão.
Hoàng Huy.
IP MAN & BÀI HỌC VỀ SỨC MẠNH
Hiếm có một bộ phim nào khiến mình suy nghĩ nhiều sau khi xem như Diệp Vấn, có những bài học mà nhiều khi vì quá bận rộn với những đam mê riêng mà chúng ta đã nhầm hoặc chưa nhận thấy.
Một bộ phim võ thuật tuyệt đỉnh thường làm người nghĩ đến sức mạnh quyền cước như vũ bão. Nhưng khi bộ phim khép lại, điều làm mình phải nghĩ mãi lại không sức nặng nắm đấm của Mike Tyson hay những cú ra đòn Vịnh Xuân ảo diệu của Diệp Sư phụ mà là những bài học trầm lắng về Sức mạnh.
Vậy trong cuộc sống này, sức mạnh thực ra là gì?
Đã bao giờ chúng ta tự nghĩ rằng mình là kẻ mạnh mẽ.
Như nhiều người, đã có lúc mình ngây ngô hiểu rằng ta đây đã hiểu hết về sức mạnh, nhưng không phải.
Sức mạnh hoá ra không phải là để làm người khác kinh sợ mà là để làm người khác mỉm cười. Sức mạnh không được phép làm người ta xa nhau, mà phải làm người ta hạnh phúc hơn, mới là thứ sức mạnh nhân văn chân chính.
Sức mạnh hoá ra không phải là để theo đuổi đến cùng những thứ hư vô, ảo ảnh mà là sẵn sàng nhẹ nhàng buông bỏ nắm giữ thật chặt những điều giản dị ở cạnh bên.
Sức mạnh hoá ra không phải là để đánh thắng mọi đối thủ mà là để không thua chính mình, không thua cái tôi, thua sự sĩ diện, thua những ảo tưởng huyễn hoặc mà đôi khi chính chúng ta vô tình vẽ ra.
Sức mạnh hoá ra không phải là để chiến thắng bằng mọi giá mà để biết thua đúng lúc. Học thua để thắng là điều không phải điều mà ai cũng làm được
Sức mạnh của tình yêu thương và sự nhường nhịn trân quý không giúp chúng ta luôn hô vang: "Tôi là người mạnh mẽ bất bại" nhưng giúp ta có bản lĩnh đứng trước những người mình thương yêu nói cho một câu "Tôi sai rồi. Tôi xin lỗi" khi vô tình ta làm họ buồn và tổn thương.
"Sau cùng, điều quan trọng nhất vẫn là người ở bên cạnh mình"
Và theo cách ấy, tôi biết, mình đã thua hơn một lần trong đời. Nhưng cũng không bao giờ là muộn cho một lời xin lỗi chân thành khi chúng ta đều còn đứng chung dưới một bầu trời.
Vì.....đời có bao lâu mà hững hờ.
TẠM BIỆT NHÉ 2015!
TẠM BIỆT NHÉ 2015!
2015 sẽ mãi mãi là một năm đáng nhớ trong cuộc đời mình, một năm của những sự thay đổi.
Là năm của ngày trở về với đất nước, với gia đình sau nhiều năm xa cách, là vỡ oà cho những nỗi nhớ đong đầy.
Là năm của những lời chia tay đầy tiếc nuối với những ngày tươi đẹp, để đi kiếm tìm những ngày tươi đẹp hơn nữa trên chính quê hương mình.
Là năm của những dại dột vội vàng, của những sai lầm ngờ nghệch...
Nhưng cũng là năm của những khởi đầu mới đầy hi vọng, của những người bạn mới, thách thức mới, và tất nhiên những cơ hội mới.
Là những buồn vui đã khép lại, là tiếng khe khẽ những bước chân cuối cùng sắp rời đi trong vài giờ nữa. Chầm chậm...
Nhưng mỗi năm qua đi sẽ mãi chỉ là sự chảy trôi vô nghĩa của thời gian nếu như mỗi chúng ta không tự tìm lấy được cho mình những bài học cần có trong cuộc đời để không già quá sớm, khôn quá muộn.
2015 đã dạy mình những gì???
1.Người duy nhất được quyền làm bạn buồn là chính bạn. Chính vì thế đừng quá bận tâm đến những người nghĩ rằng họ có thể làm bạn buồn.
2. Dù bạn không bao giờ có ý định gạt ai, nhưng không có nghĩa là người khác sẽ không bao giờ gạt bạn. Tuy nhiên không nên vì thế mà mất niềm tin với những người xung quanh. Với người thiếu tử tế càng cần tử tế. Với người thiếu trung thực, càng cần trung thực. Vì cuộc sống cũng tươi đẹp như bầu trời, trời London không toàn mưa, và trời Sài Gòn cũng đâu toàn nắng.
3.Nếu ai đó càng ồn ào với bạn, hãy dành tặng họ sự im lặng để họ thấy rằng đôi khi sự ồn ào quá mức của họ là không cần thiết.
4. Cuộc đời đúng là một cuốn sách, hình như bạn không được chọn nội dung, tuy nhiên bạn được quyền quyết định cách đọc và hiểu nó như thế nào. Nhiều người đọc xong Những người khốn khổ thì mỉm cười, một số ít thì oà khóc, một số người thì lặng thinh. Cuốn sách cuộc đời bạn cần phải được đọc theo cách riêng của bạn.
5.Đừng bao giờ xem nhẹ những lời khuyên của bố mẹ. Và lời khuyên của Bố mình lại giành giải lời khuyên của năm : Đừng bao giờ chỉ có một phương án, hãy làm cho mọi người hiểu rằng bạn chỉ có hai phương án, trong khi thực tế bạn cần nhiều hơn thế.
6. Khác với sự tử tế, sự quan tâm là một thứ tài nguyên có hạn, đừng phung phí nó cho những người coi thường điều đó.
7. Đừng trốn chạy những sai lầm của chính bạn, không thoát được đâu. Hãy đối diện với nó, và thành thật với chính mình, đó là cách tốt nhất để bạn lớn khôn.
Cảm ơn 2015 với những bài học để đời để mình có thể lớn lên trong từng phút và mạnh mẽ hơn đi về hướng mặt trời.
Tạm biệt nhé 2015, chào 2016, hãy mỉm cười với chúng tôi.
Ảnh chụp buổi chiều hoàng hôn cuối cùng của 2015.
CÂU CHUYỆN NGÀY CHỦ NHẬT: SÀI GÒN ĐẸP......TRONG MẮT AI????
Tôi là một người khá kỳ cục, tôi thật không thể sống ở một nơi mà tôi không cảm thấy yêu được. Sống ở một nơi nào đó, hoặc là tôi sớm muộn phải tìm ra thứ để tôi cảm thấy tôi yêu nơi ấy, hoặc là tôi sẽ rời đi chốn khác. Mà đã yêu là phải yêu chết hẳn ở trong lòng.
Lạ thật!
Sài Gòn cũng không là ngoại lệ.....
Tôi cứ đi tìm mãi xem vẻ đẹp của Sài Gòn nằm ở đâu.
Tôi chưa thấy Nhà thờ Đức Bà đẹp, hay bởi vì tôi đã từng thấy những thánh đường rộng lớn ở Châu Âu.
Tôi chưa thấy Bitexco đẹp, hay bởi vì tôi đã từng quen lối lên The Shard.
Tôi chưa thấy đường hoa Nguyễn Huệ đẹp, hay vì tôi đã trót quá nhiều lần tản bộ cả chiều trên The Mall.
Tôi chưa thấy nhưng không có nghĩa là tôi ngưng đi tìm.
Và cuối cùng tôi tìm thấy cái đẹp của Sài Gòn ở một góc phố nhỏ trên con đường quen thuộc thi thoảng tôi vẫn đi ăn trưa.
Tôi dừng lại và bỏ qua tới ba bốn lần đèn đỏ chỉ để nhìn bà cụ trong tấm hình từ từ rót nước vào cái chai nhỏ, trước khi tiếp tục nửa ngày mưu sinh với những tờ vé số.
Có là kỳ cục không khi lúc ấy tôi không nghe thấy tiếng xe cộ xung quanh, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng của nắng lọt từ trên những tầng cây cao rơi tí tách trên mái tóc đã nhiều phần bạc của bà lão, ồn ào hơn tí chút là tiếng chảy đều đều của một tinh thần nhân văn bất tận mà có khi bận rộn quá ta chẳng chịu lắng nghe dù bắt gặp mỗi ngày.
Người Sài Gòn sống tình quá ......
Nói đến thành phố đáng sống, người ta hay ngợi ca Copenhagen - Đan Mạch hay những thành phố châu Âu yên bình hay Bắc Mỹ sôi động. Nhưng trong bảng xếp hạng có phần lạ lùng của tôi, đã chính thức có tên Sài Gòn. Với tôi, thành phố đáng sống không nhất thiết phải có tàu điện ngầm, phải có nhiều cây xanh, không nhất thiết phải có những khoảng trời lớn rộng....đơn giản chỉ cần ở nơi ấy ngay cả những người xa lạ cũng biết quan tâm đến nhau, cũng biết sẻ chia vì nhau. Chỉ vậy thôi, là đủ.
Tôi không kịp nhớ mặt người đàn ông da nâu sạm phóng xe ngược đường tôi và nói "Anh ơi đèn xe kìa". Uh nhỉ, người đàn ông vô danh ấy không biết tôi là ai nhưng vẫn lo tôi sẽ bị phạt và mất an toàn khi quên bật đèn.
Tôi không bao giờ biết tên người nào đó đã ngày ngày bỏ công mang thùng nước kia để dưới bóng cây. Uh nhỉ, người tốt ấy lo những bà cụ bán vé số, hay những cháu học sinh lỡ đường sẽ liêu xiêu trong cơn khát của nắng nóng miền nhiệt đới.
Nhưng tôi đã bắt đầu biết yêu những người không thân quen ấy.
Và cũng lạ kỳ thật, chẳng hiểu sao tôi chỉ thích gọi Sài Gòn bằng cái tên của những ngày xưa cũ thay vì cần phải gọi cho đúng. Cái tên ấy theo tôi từ thưở lên năm lên ba khi mà Sài Gòn còn là một miền đất xa xôi với người miền Bắc.
Đừng nhắc tôi Sài Gòn kẹt xe ghê lắm, ngày nào tôi chẳng hoà mình trong dòng sông bất tận ấy 2 lần 1 ngày. Không kẹt xe sao biết được người Sài Gòn kiên nhẫn lắm, ít khi bấm còi inh ỏi.
Đừng nhắc tôi Sài Gòn mưa lụt lắm, tôi đâu phải chưa bị ướt hết lần nào? Không bị ướt sao biết được mưa Sài Gòn mau tới mau qua như thế nào?
Nhưng cuộc đời này là thế, yêu là yêu thôi, bạn nhỉ?
Hãy đóng báo mạng lại, tắt Facebook thường xuyên hơn, và bước ra cuộc đời mỗi ngày, bạn sẽ nghe thấy đủ thứ thanh âm tuyệt vời của cuộc sống mà tiếng gió đều đều từ những căn phòng điều hoà, những ô cửa cao ốc luôn chỉ thích ghìm chân bạn trong sự tù túng mang tên Hiện Đại.
Và bằng cách ấy, Sài Gòn đẹp trong mắt tôi.
QUÂN TỬ
Mình từ bé đến lớn rất thích xem thi đấu quyền anh (boxing) dù mình chưa bao giờ là người ưa bạo lực. Môn thể thao Tây phương này quả thật chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn đậm nét Á Đông hơn là chuyện hai con người lao vào nhau đấm đá dữ dội, đặc biệt hơn cả là bài học về tinh thần quân tử.
Xem quyền anh cốt để hiểu: Thật ra trên đời, thế nào là sức mạnh?
Sức mạnh hoá ra không nằm ở những cú đấm như vũ bão kia mà sức mạnh nằm trong cái chìa tay nâng dậy đầy hoà khí dành cho đối thủ đã ngã. Đó là sức mạnh của lòng Nhân - phẩm chất hàng đầu trong Ngũ Thường: Nhân- Lễ- Nghĩa-Trí- Tín mà người quân tử luôn cần phải có. Đó là cái mầm thương yêu tươi đẹp nở giữa một trong thứ xấu xí nhất trong thế giới loài người: bạo lực.
Sức mạnh hoá ra không nằm ở tốc độ ra đòn mà nằm ở sự kiềm chế bản thân, dập tắt kịp thời sự giận dữ của bản ngã, dừng tay ngay khi đối thủ đã ngã, không vì quán tính phản đòn mà đánh đến cùng trả đũa khi đối thủ đã giơ găng xin hàng. Đó là sức mạnh của chữ Tín: lời nói nhất quán với việc làm, tuân thủ luật chơi chung.
Sức mạnh hoá ra không nằm ở thân thủ linh hoạt mà nằm ở sự buông bỏ hận thù sau khi trận đấu kết thúc, không mang theo sự tức tối, cay cú ra khỏi sàn đấu. Hết là hết. Sức mạnh không phải là khả năng đánh bại kẻ khác, sức mạnh là để mình không tự đánh bại chính mình bằng những sân si hèn kém.
Được nuôi dưỡng cả ngàn năm trong tinh thần Nho giáo, chùa chiền ba miền đều có khắp nơi, nhang khói chưa bao giờ hết nghi ngút và luôn tự hào về tinh thần thượng võ của dân tộc, thế nhưng không ít người Việt vẫn không thấm nhuần được cả tinh thần quân tử lẫn lòng từ bi hỉ xả của nhà Phật, họ vẫn khư khư đeo găng dù đã thắng cuộc và nặng lòng sân hận dù trọng tài lịch sử đã tuyên bố trận đấu đã kết thúc.
Thiết nghĩ làm một người quân tử muôn đời là khó, phải biết tu thân luyện mình không ngừng nghỉ, thì phấn đấu để trở thành một quốc gia - một dân tộc có tính thần "quân tử" còn khó hơn bội phần. Khó nhưng vẫn phải làm nếu muốn "trị quốc" "bình thiên hạ" và ngẩng mặt đứng hiên ngang giữa lòng thế giới.
Chiến tranh khác với quyền anh là để lại những vết thương không bao giờ liền sẹo, mà chỉ có thời gian và tinh thần bao dung, ứng xử quân tử mới có thể làm nguôi ngoai đi phần nào. Thể chế và tư tưởng luôn là số nhiều, nhưng quê hương và dân tộc thì mỗi người luôn chỉ được chọn một mà thôi. Khi mà mọi thứ chủ nghĩa trên thế giới này đều đã còm cõi về hưu, thì vẫn luôn chỉ còn chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước thuần khiết cần mẫn làm việc.
Hãy buông đi hỡi cả hai cánh tay đều đã bị thương và mỏi mệt, để......."Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người" - một ước mơ chưa bao giờ trọn vẹn
YOU GET WHAT YOU GIVE.....
Tuần trước một người đàn ông vào mua hàng và rồi phát hiện ra đã bỏ quên mất ví, nên không thể có cả thẻ hay tiền mặt để trả. Thật là một tình huống bối rối mà chắc bạn, tôi, chúng ta đều đã từng gặp phải trong đời!
Chúng tôi đã không đập bàn đập ghế, đã không quát tháo gây áp lực, không bắt ép người đàn ông đứng tuổi ấy để lại một thứ gì để làm tin ông sẽ quay lại và thanh toán hoá đơn ấy.
Chúng tôi đã không thể và không muốn làm gì khác ngoài mỉm cười, và nói "It is not really a problem Sir, you can come back to pay us later"
(Không có gì to tát đâu ngài, ngài có thể quay lại và trả cho chúng tôi sau cũng được)
Chúng tôi đã tạm ứng lòng tin của mình cho người đàn ông ấy, và cố gắng không làm cho ông cảm thấy bối rối hơn nữa. £7.5 không đáng để làm cho một người đàn ông thấy khó xử. Tại thời điểm đó, ông không có tiền trả, nhưng qua cách ứng xử thẳng thắn và trung thực, chúng tôi có niềm tin rằng đây vẫn là một Thượng Đế đáng tin cậy.
Và sáng nay, một phong bì nhỏ nằm trước cửa với một tấm bưu thiếp như trong hình, £10, một hoá đơn (bill) mua hàng, và một lời nhắn thật dễ thương đủ làm cho chúng tôi mừng vui cả ngày; đóng dấu bưu điện gửi từ Hull một thành phố rất xa London
"Very many thanks for your patience and......
From the man without a wallet"
(Vô cùng cảm ơn các bạn vì lòng kiên nhẫn...
Từ người đàn ông quên ví)
Chúng tôi không mừng vui vì thu lại được £10, chúng tôi vui vì lòng tin của chúng tôi đã được tạm ứng đúng người và được đáp lại theo cách của một người lịch sự, tử tế và trung thực nên làm. Chúng tôi được nhận lại nhiều hơn những gì chúng tôi cho đi.
Ngay cả khi niềm tin bị cuộc sống không ngừng thách thức, chúng ta có sẵn lòng và dũng cảm tạm ứng lòng tin và sự tử tế cho nhau vì một cuộc sống nhiều niềm vui hơn không?
Niềm tin ta dành cho nhau cũng như mua một tờ vé số, có thể trúng, và rất nhiều khả năng không thể trúng, nhưng quan trọng hơn cả, nó giúp cho ta hi vọng. Và chúng ta cần điều đó để sống.....Vậy thôi.
Ngày đẹp trời
Sáng nào đi làm mình cũng phải đi xe bus và luôn mong muốn được gặp người ấy. Một bác tài xế xe bus già, hói đầu, nhưng mình tin rằng đó là người lái xe yêu đời và lịch sự nhất thế giới. Bác ấy cần mẫn nói "Good morning, have a nice day" (Chào bạn, chúc bạn một ngày mới tốt lành) khuyến mại thêm một nụ cười không thể thân thiện hơn với TỪNG hành khách lên xe khi bạn chạm thẻ Oyster để bắt đầu một hành trình mới, và cũng bác ấy nói "Good bye. Take care" với TỪNG hành khách khi họ xuống các trạm dừng và hoà vào dòng người vội vã. Mình tin chắc TFL (Sở giao thông London) họ không yêu cầu, và cũng không trả thêm tiền để lái xe làm việc đó, bằng chứng là mình đi hàng trăm tuyến xe, hàng ngàn lượt mỗi năm nhưng riêng chỉ mình bác lái xe ấy làm được điều đó. Một ca làm việc của họ trong buồng lái kín kéo dài ít nhất nửa ngày và gặp gỡ với cả ngàn hành khách. Ít nhất 2 năm nay khi mình thường xuyên sử dụng tuyến xe này, chưa bao giờ mình thấy bác ấy quên điều đó, dù nắng hay mưa, tuyết rơi hay nóng gắt, xe đông hay vắng....
Vậy đấy, để yêu đời và làm đời yêu mình, truyền được cảm hứng tốt đẹp về cuộc sống cho người khác, bạn không nhất thiết phải trở thành thánh nhân,một nhà lãnh đạo cấp cao, một diễn giả hay nhà văn nổi tiếng......dù là ai, một bác bán rau hay người lái xe, bạn sẽ vẫn có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Bạn muốn thử không? Đôi khi phép màu không tốn công khổ luyện mà chỉ là vài câu nói đơn giản mà ai cũng biết nhưng đôi khi lại hay quên.
Hôm nay, hết ca làm việc, bác ấy lại ra phía sau xe ngồi như một hành khách thường để trở về nhà. Trước khi xuống bến, mình xuống đó chỉ để bắt tay bác ấy và nói "Good bye and thank you", bác ấy hỏi "For what?"(vì điều gì thế nhỉ?) - "for being our friendly driver" (cảm ơn vì bác là người tài xế thân thiện của chúng tôi).
Mình và bác ấy đều cười trước khi hoà vào dòng sông người tấp nập ngoài kia.
Hôm nay, London nắng rơi đầy......
CHUYỆN CÁI GHẾ
CHUYỆN CÁI GHẾ
Có những chiếc ghế khi ngồi lên mang lại cho người ta cảm giác bình an, thanh thản và một thứ hạnh phúc bình dị mà vô giá.
Lại cũng có những chiếc ghế ngồi lên mang lại cho người ta tiếng chửi, tiếng tức giận, tiếng dè bỉu của những mấy chục triệu người.
Bạn chọn chiếc ghế nào?
Trong thời buổi mật ít ruồi nhiều, ghế ít đít nhiều, thay vì cạnh tranh, giành giật nhau để giành lấy mộtchiếc ghế của người khác ban tặng, tại sao chúng ta không thử tự đóng lấy một chiếc ghế cho chính mình?
Bốn chân ghế:
Học tập TỬ TẾ - Làm việc TỬ TẾ - Suy nghĩ TỬ TẾ - Hành động TỬ TẾ.
Dựa lưng vào nền tảng đạo đức, và chạm chân xuống thực tế cuộc sống.
Ngửa mặt lên phải thấy bầu trời, chứ không phải thấy một cái dù. Dù to đến mấy cũng không thế nổi bầu trời lớn rộng.
Cúi măt xuống phải thấy mặt đất bao la, chứ không phải mấy thằng đang lúi húi lau giày cho bạn. Không có kẻ nào lau giày miễn phí cho bạn cả đời.
Đấy, đấy mới là ghế của thế kỉ 21, ghế của xu thế thời đại.
Dù có chưa đẹp, chưa sang trọng, không sơn son thếp vàng, nhưng đó là chiếc ghế của riêng bạn, không thèm tiếng khen và chẳng ngại tiếng chê.
Còn nếu không, bạn hãy ngồi bệt, ngồi đất, vưa không sợ ngã vừa không sợ bị giành giật, hãy nhường chiếc ghế đẹp cho những người xứng đáng ngồi. Chẳng phải khi sinh ra, tất cả chúng ta đều đã bò lê bò càng trên mặt đất đó sao?
Hãy tìm lại sự tự do nguyên thuỷ cho chính mình.
Đừng cố ngồi và ngồi cố những chiếc ghế không thực sự là của mình.
Suy cho cùng, đó cũng là sự TỬ TẾ tối thiểu mà mỗi chúng ta đều làm được, nhỉ?
Từ nơi ngồi đất cũng như ngồi ghế....
Chúc mọi người trong năm mới sẽ tự tìm, tự đóng và tự thấy yêu "cái ghế" của riêng mình.
Sống với Đời
Bố vẫn thường dạy mình : “Hãy cống hiến, giúp đỡ cuộc đời rồi sẽ có lúc cuộc đời sẽ lại cảm ơn mình.” Lời dạy ấy mình đã được nghe từ khi chưa kịp lớn để hiểu cho đến lúc trưởng thành về tư duy đủ để cảm nhận sâu sắc tính nhân văn nằm sâu trong đó. Và đến ngày hôm nay, trải nghiệm đã thực sự khẳng định cho mình biết rằng chân lý ấy luôn hiện diện trong cuộc sống này bất kể ta có nhận ra hay không.
Đứng giữa đất trời rộng lớn và biển đời bao la, không ai dám lớn tiếng khẳng định rằng: Suốt cả cuộc đời này, tôi luôn là người mạnh mẽ, tôi không bao giờ cần tới sự giúp đỡ. Quyền lực, tiền bạc và địa vị xã hội cũng chỉ là những tấm áo khoác lạnh lùng bề ngoài phủ bên trong một trái tim nóng.Và đã là trái tim nóng thì có lẽ chỉ có hai loại người mà như Banzac nói : “người mạnh nhất và kẻ yếu nhất” là không biết sợ, đáng tiếc rằng đại đa số chúng ta đều đang đứng ở giữa: không phải là người yếu nhất nhưng cũng chưa phải là kẻ mạnh nhất, điều đó đồng nghĩa với một phút giây nào đó giữa dòng đời, ta cũng đã hoặc sẽ sợ hãi, hoang mang, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, khốn khó. Với những người có bản lĩnh mạnh mẽ, ý chí kiên cường, họ sẽ nhanh chóng tự vượt ra khỏi cái chếnh choáng, vô định hướng đấy để tìm ra một hướng đi mới, hay đúng hơn là một lối thoát. Còn phần đông còn lại sẽ rất cần một bàn tay chìa ra hay đơn giản hơn là một sự chỉ đường dẫn lối. Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống như thế, ai đã chìa tay ra với bạn? Ai đã chỉ đường cho bạn? Đó rất có thể là người thân, bạn bè, và những mối quan hệ quen biết; nhưng cũng hoàn toàn cũng có thể là từ một người hoàn toàn xa lạ. Cũng sẽ phải hoài nghi, tuy nhiên nhiều khi hoàn cảnh sẽ vẫn buộc bạn phải đón nhận sự giúp đỡ từ người đó khi mà sự hoài nghi đó còn chưa kịp chấm dứt. Họ là ai? Là người như thế nào? Họ mong muốn gì đằng sau sự giúp đỡ này hay nói cách khác, tại sao họ lại sẵn sàng giúp đỡ bạn??? Và khi bạn nhận ra rằng: Họ chẳng có mối liên hệ xã hội nào với bạn, họ chẳng hề suy tính gì về sự giúp đỡ họ đang dành cho bạn; bạn nghĩ sao???
Sự giúp đỡ chân chính và chí tình sẽ chỉ giữ được ý nghĩa tốt đẹp của nó nếu như xuất phát từ một động cơ trong sáng, vô tư và không nhằm tới sự hồi đáp. Nếu không phải vì như vậy, sẽ là sự trao đổi.
Khi tiếp nhận sự giúp đỡ từ một ai đó, theo quán tính đạo đức của xã hội loài người từ ngàn đời nay, lòng biết ơn sẽ xuất hiện như một lẽ thường và được thể hiện theo nhiều cách khác nhau tùy theo bối cảnh giáo dục và trình độ văn hóa ứng xử của mỗi người. Hình thức đơn giản và phổ biến nhất xuất hiện trong mọi ngôn ngữ trên thế giới: “Thank – Danker – Xie xie – Arigato.......” và CẢM ƠN. Điều đó lại thêm một minh chứng cho thấy rằng lời cảm ơn hay suy rộng ra là sự biểu đạt lòng biết ơn là một điểm tương đồng không thể thiếu trong nền văn minh phi biên giới của nhân loại. Người nhận lời cảm ơn từ bạn sẽ không giàu lên hay nghèo đi từ lời nói ấy, nhưng chắc chắn họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự giúp đỡ của họ là có ý nghĩa và đã được ghi nhận, đồng thời cũng thể hiện rằng bạn là người có văn hóa. Do đó, lời cảm ơn mang giá trị lớn hơn nhiều lần hơn ý nghĩa từ vựng của nó.
Mình đã đọc được ở đâu đó một câu nói mà càng nghĩ lại càng thấy có ý nghĩa: “Lòng biết ơn là khởi nguồn của đạo đức.” Thật vậy, lòng biết ơn với mẹ cha sẽ dẫn đến sự hiếu nghĩa, lòng biết ơn với những người đã sáng tạo ra của cải vật chất sẽ đem lại tính tiết kiệm, trân trọng giá trị lao động, lòng biết ơn với Tổ Quốc là tiền đề của lòng yêu nước, và tất nhiên, những người biết ơn Cuộc đời sẽ biết cách để sống như một người lương thiện, một công dân tốt để làm đẹp cho đời.
Bạn có bao giờ cho rằng lòng biết ơn chỉ có giá như một món nợ? Đừng nghĩ vậy, bởi lẽ lòng biết ơn nằm ngoài quy luật giá trị, bởi lẽ giá trị bạn được giúp đỡ luôn luôn lớn hơn giá trị bạn ngộ nhận rằng mình đã “trả lại” được. Do đó, lòng biết ơn là một giá trị thặng dư vô hình đặc trưng của tình cảm con người. Vậy nên người Việt mới có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Đã bao giờ vì quá “vội vàng” mà bạn quên bày tỏ lòng biết ơn của mình với người đã giúp đỡ bạn dù chỉ bằng lời nói, đã bao giờ bạn dành một phút để nhìn lại văn hóa ứng xử của bản thân đối với họ và thử hình dung mình sẽ ra sao nếu tại thời điểm đó họ không giúp đỡ? Làm như vậy, bạn sẽ luôn biết trân trọng nhân cách của chính mình và hiểu được rằng nếu bạn không vô tâm với cuộc đời, cuộc đời sẽ không bao giờ vô tâm với bạn.
Hiểu và trải nghiệm hết câu nói của bố, mình sẽ vẫn cố gắng để luôn“Cống hiến, giúp đỡ cuộc đời để rồi dù cuộc đời vì quá bận rộn mà chưa kịp cảm ơn lại mình, thì mình vẫn kịp tận hưởng niềm vui và hạnh phúc vì góp phần làm cho cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn.”. Nhìn đời bằng ánh mắt bao dung hơn, cởi mở tấm lòng rộng lượng hơn để thấy rằng mỗi ngày đều là một ngày vui nếu như bạn đã làm được một gì đó tốt cho một ai đó, dù là không quen biết và dù họ vội bước đi mà “chưa kịp” cảm ơn bạn.