Peacefulness
VỆT NẮNG CUỐI CHIỀU
Bức ảnh này làm mình thích quá, dù là đã chụp vội trong một chuyến bay gần đây trước khi là hành khách cuối cùng boarding vì chỉ có mặt ở sân bay trước 20 phút cất cánh.Vội nhưng đẹp thì vẫn cứ phải nấn ná lại mà ngắm mà chụp, ikigai của mình không cho phép bỏ qua niềm vui từ những điều nhỏ bé; một chiếc view đẹp hay gặp một đứa bé cười với mình thì cũng đủ vui vui cả ngày. Lịch của mình hầu như không có thứ Hai vì mình High cả tuần. Tưởng sống hạnh phúc là đơn giản ai ngờ đơn giản thật, dễ tìm thấy niềm vui từ thế giới muôn màu, cái gì trong mắt mình cũng là điều kỳ diệu của cuộc sống dù với người khác thì cũng là tầm thường thôi, hoặc do quá bận hoặc quá thờ ơ.
Chẳng hiểu từ bao giờ, hình như là từ ngày còn bé xíu, mình đã thích nhìn ngắm những chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh. Nhớ mãi chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời - lần đầu tiên được lên bầu trời - là chuyến bay với Mẹ lúc 5 tuổi từ HPH vào SGN trên máy bay Hà Lan Fokker 70 của Vietnam Airlines (bây giờ loại máy bay ấy VNA đã ngừng khai thác). Mùa hè 1993, có một thằng bé cả tuần không ngủ được vì nghĩ đến việc sắp được đi máy bay vào cái thời chỉ cần được đi tàu hoả từ HPH lên HAN thôi là đủ vui mấy ngày. Bọn trẻ con bây giờ hình như vẫn thế, không biết các cháu có High như mình ngày xưa không?
Lớn lên xíu thì khi học cấp 3 thỉnh thoảng vẫn đạp xe xuống tận gần sân bay Cát Bi - nơi duy nhất ở Hải Phòng có thể nhìn ngắm thoải mái những chiếc máy bay cất và hạ cánh. Lúc đó mình chưa hề biết rằng thực sự chỉ có lúc cất và hạ cánh thì phi công mới thực sự lái, và đó cũng là lúc quan trọng nhất, nguy hiểm nhất đối với một chuyến bay; cũng giống như cuộc đời một con người, đẹp nhất - quan trọng nhất là khi còn trẻ con (lúc gieo hạt) và khi về già (lúc hái quả).
Trong cái nhìn tương tức (interbeing) của mình, mình không chỉ nhìn những chiếc máy bay như những khối động cơ khổng lồ - niềm tự hào của trí tuệ loài người, bao nhiêu ngàn năm mơ ước được bay lên chạm tới bầu trời; mình nhìn thấy mỗi lần cất cánh là bao nhiêu người đi xa, có những người ngồi trên chuyến bay ấy sẽ đi rất xa và rất lâu khỏi quê hương, những du học sinh, những người lao động nước ngoài và cả những người đi định cư xứ người….Những chuyến bay cất cánh lên, trọng tải lớn nhất là niềm tin và hi vọng vào tương lai, và có cả một ít hàng rời là nỗi buồn chia ly, tạm biệt của người ở lại. Ai cũng có những ước mơ riêng, đều rất đẹp. Thượng Đế ưu ái cho con người biết ước mơ, khác với các loài vật khác, và Ngài dạy con người làm ra máy bay, để chở những ước mơ ấy đi xa hơn, nhanh hơn.
Còn khi máy bay hạ cánh, nó chở gì? Nó chở biết bao nhiêu niềm háo hức, mong chờ được trở về, được đoàn tụ, được hít thở không khí quê hương cho thoả thích, được ôm vào lòng những người thương yêu. Có những người trên chuyến bay ấy, lâu lắm rồi chưa được về nhà, có khi là cả nửa đời người, là vài chục năm, khi đi là thiếu niên khi trở về mái đầu đã bạc, ước mơ ướt gối mấy chục năm xa nhà là một chuyến bay trở về. Vài phút nữa thôi, khi chiếc máy bay hạ càng, giảm độ cao, và từ từ chạm xuống mặt đất cũng là lúc họ được chạm xuống quê hương, chạm xuống ký ức thân thương, chạm đến những người thương yêu đang háo hức ôm hoa chờ ngoài cửa Arrival (Ga đến). Đẹp lắm chứ, mình thích nhìn người ta ôm nhau khi kết thúc một chuyến bay, có thể là một cặp đôi yêu xa bao ngày mong nhớ, có thể là một đứa con đi học xa nhà được gặp lại cha mẹ.
Và Thượng Đế có vẻ rất cưng chiều mình, một cách thật vô tình, Ngài sắp đặt để mình làm những công việc đều liên quan đến hàng không - du lịch, không ít thì cực nhiều, đều gắn bó với máy bay, với bầu trời dù trực tiếp hay gián tiếp bất kể 27 năm đầu đời mình chưa bao giờ mơ hay thoáng nghĩ đến việc sẽ làm cái gì đó liên quan đến hàng không. Cảm ơn Trời đất đã ôm ấp và tặng quà cho cậu bé mê bầu trời năm nào.
Giờ cậu bé đó quá quen thuộc với máy bay, mỗi năm bay vài chục chuyến, xa có gần có, không còn lạ lẫm hay bỡ ngỡ nữa nhưng sự háo hức vẫn còn nguyên vẹn, tình yêu với bầu trời và những lần cất cánh vẫn chưa bao giờ bị offloaded. Và dù bận rộn đến mấy, áp lực đến mấy, vội vã đến mấy, cậu sẽ vẫn cho phép bản thân say mê nhìn ngắm những điều kỳ diệu như vệt nắng cuối chiều tuyệt đẹp như trong ảnh, bằng cách ấy cậu sống vui vẻ và trọn vẹn trong từng phút giây; cậu háo hức khi cất cánh ở buổi đầu của cuộc đời, mải mê ngắm nhìn trời xanh mây trắng từ 30.000ft những ngày thanh xuân rực rỡ và cũng sẽ an yên đợi chờ đến giây phút hạ cánh, cậu yêu chuyến bay của đời mình, bằng cách ấy, vệt nắng dù có là cuối chiều cũng đẹp, cũng bình yên.
#LoveTheSky #LoveTheLife #Hygge #Peacefulness #Myfoto
An
Trong buổi thiền hành sáng nay, mình tình cờ bắt gặp bông hoa nhỏ này trong khuôn viên chùa và dừng lại rất lâu để nhìn ngắm em. Em chưa phải là một bông hoa hoàn chỉnh dù đã thấp thoáng mang dáng hình của một bông hoa; không nghi ngờ gì nữa, có lẽ chỉ vài tháng tới, em sẽ hoá thành một bông hướng dương cực kỳ xinh đẹp, kiêu hãnh dưới ánh mặt trời.
Không biết lúc đó, em còn nhớ tới những ngày em còn là chiếc hạt bé xinh kề vai sát cánh với hơn 2000 hạt khác trong nhuỵ lớn của hoa Mẹ.
Không biết lúc đó, em còn nhớ tới dòng nước ấm 3 sôi 2 lạnh đã ấp ôm em suốt 8 tiếng đầu đời để nảy mầm, khai nở một cuộc đời mới như một cây hoa độc lập.
Không biết lúc đó, em có còn nhớ tới bóng dáng người đã bao ngày tưới nước, bón phân, dọn cỏ, chở che để chờ em ngày nay cứng vững, hiên ngang đứng thẳng giữa trời.
Chúng ta cũng vậy, ai cũng là một bông hướng dương xinh đẹp trong cuộc đời này, bất kể màu da, chủng tộc, giàu nghèo hay trình độ. Và chúng ta cũng không tự nhiên mà thành được “hướng dương” như hôm nay.
Bông hoa mẹ là cha mẹ bao ngày sinh thành, dưỡng dục; 2000 hạt nhỏ như anh em trong nhà; dòng nước ấm như thầy cô dạy dỗ; người chăm tưới như những người tốt ta đủ duyên lành để được gặp trong đời; và cả những cơn mưa, những đợt gió lạnh nữa - những khó khăn, thử thách nếu không vùi dập nổi thì lại làm ta khôn lớn từng ngày, mạnh mẽ và cứng vững hơn. Quên mất những điều đó, ta không còn là ta nữa.
Hướng dương là một loài hoa AN đến lạ. Sau thảm hoạ sóng thần tàn phá các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản; hàng triệu bông hoa hướng dương đã được trồng mới, bởi lẽ loài hoa tưởng chừng như yếu ớt này lại làm được một điều phi thường: hấp thụ các chất bức xạ hạt nhân để làm không khí trở lại trong lành, hồi sinh cuộc sống yên bình.
Con người cũng vậy, dù cuộc sống có tăm tối tới đâu, vẫn luôn có chỗ cho niềm tin và hi vọng về những điều tốt đẹp. Trời đất cho chúng ta biết lạc quan, cũng giống như cho hướng dương luôn biết tìm về hướng có ánh sáng mặt trời. Bình tĩnh sống, lặng lẽ cống hiến và điềm nhiêm toả sáng, chúng ta đã là hướng dương.
An, là điều duy nhất mình gửi gắm trong những lời cầu nguyện đầu năm. An không chỉ cho riêng mình hay gia đình mình, mà là An cho tất cả chúng ta. Covid dạy cho chúng ta một bài học ngàn năm không quên: Không ai hay quốc gia nào có thể An một mình được, vì chúng ta, luôn cần có nhau, nương tựa vào nhau và sống vì nhau.
Chúc bạn của tôi, dù quen hay lạ, dù gặp hay chưa, hãy luôn sống như bông hoa hướng dương kiêu hãnh tuyệt vời, luôn tìm được An hài hoà trong cái An chung của đồng loại, và sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của sự VỪA ĐỦ trong cuộc sống tuyệt vời này.
Chúc mừng năm mới 2022!
02/02/2022
SAIGON 120 NGÀY QUA.
Chỉ còn vài giờ nữa, Saigon sẽ bước ra khỏi phòng ICU sau 120 ngày nguy kịch để tập thở những nhịp thở đầu tiên của cuộc sống bình thường mới, Giãn cách - chốt chặn - giới nghiêm….từ ngày mai sẽ không còn nữa. Nhiều người sướng vui mong chờ, mình cũng thế, nhưng mong chờ trong nhiều kỷ niệm và suy nghĩ.
6 năm sống ở Saigon, nhưng chưa bao giờ mình đi nhiều - hiểu nhiều - và thương Saigon nhiều như 120 ngày vừa qua - những tháng ngày đáng nhớ. Lần đầu tiên trong cuộc đời một đứa sinh ra sau chiến tranh như mình tận mắt chứng kiến những mất mát, thương đau nhiều đến thế, gần đến thế. Và cũng lần đầu tiên mình cảm niệm sâu sắc được rằng chừng nào còn tình yêu thương chừng đó cuộc sống sẽ không bao giờ lụi tắt. Và gì chứ, thứ đó ở Saigon luôn rất nhiều.
Càng đi mình càng thấy Saigon mà không giàu mới là chuyện lạ, không phải vì vị trí địa lý hay tài nguyên, là vì sự hào phòng - rộng lượng vốn có, mà mình hay gọi là khí chất của người Saigon. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, khí chất ấy không mất đi mà còn bừng lên mạnh mẽ. Thành phố không ngủ phút chốc đã biến thành thành phố 0đ, Bữa ăn 0đ, cấp cứu 0đ, bánh mỳ 0đ, oxy 0đ…; và không phải chỉ mùa dịch mới thế mà cả ngày thường, Saigon vẫn vậy, lặng lẽ không đồng, lặng lẽ cho đi những thùng trà đá, những ổ bánh mỳ. Tinh thần hào phóng, rộng lượng có lẽ là nét đẹp nổi bật nhất của miền đất phương Nam này. Người dư dả sẵn sàng cho đi đã đành, mà ngay cả những người khốn khó vẫn vui lòng nhường nhau hộp cơm, chai nước không hề nghĩ suy hay toan tính. Cái sự cho đi ở Saigon nó nhẹ nhàng đến lạ như thể hơi thở mấy trăm năm nay của thành phố này, vẫn đều đều như thế.
Học kỳ Covid không đến một cách vô nghĩa, nó đến để dạy chúng ta biết bao điều: hãy biết trân trọng những gì giản đơn gần gũi nhất, từ nâng niu từng nhịp thở đến năng trò chuyện, chăm sóc mẹ cha mỗi ngày; hãy chậm lại một chút để trở về với những giá trị cơ bản và tự hỏi lại chính mình thật nhẹ nhàng “Bây giờ đã hiểu thế nào là Hạnh Phúc chưa?” và “Có cần nhiều lắm không để được Hạnh Phúc”. Với mình, 120 ngày qua - ở Saigon là quá đủ để vun đắp chắc bền cho lời đáp “Còn được thở đã là Hạnh Phúc, mở mắt ra thấy mẹ cha, thân quyến, bạn bè còn bình an, đã là Hạnh Phúc. Và hãy biết Đủ để được Hạnh Phúc.”
Là một người yêu cuộc sống tĩnh lặng khép kín, chưa bao giờ mình gặp gỡ nhiều người xa lạ nhiều như 120 ngày qua. Chỉ nhìn qua hàng rào thép gai, chỉ nhìn thấy nhau được qua đôi mắt, mình thấy trong những đôi mắt ấy cả sự sợ hãi, tuyệt vọng, khổ đau và rất nhiều những niềm vui nhỏ bé, và hi vọng. Và quan trọng nhất, mình thấy mình trong những đôi mắt ấy. Covid nhắc chúng ta: “Này anh, anh không thể sống một mình đâu. Dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, khoẻ mạnh hay ốm đau, anh vẫn là một thành viên không thể tách rời của xã hội. Vậy nên bớt vị kỷ, bớt vô cảm, bớt sân si, bớt trách móc thế giới xung quanh như thể mình vô can với mọi sự. Covid nó dùng nhịp thở - thứ ai cũng có và cũng cần- để điều chỉnh chúng ta và bắt từng người phải thuộc bài: Chúng ta thật nhỏ bé, và chúng ta luôn cần nương tựa vào nhau trong dòng chảy vô thường của cuộc sống.
Đã có hàng chục ngàn người đã không còn có thể cùng chúng ta đón Ngày mai, đón Bình thường mới, vậy nên dù ngày mai lại đông vui, lại kẹt xe, lại tắc đường nhưng cũng đừng bao giờ lãng quên đã có một khoảng thời gian chúng ta đã sống, như ở Saigon, 120 ngày qua. Nhớ không phải để bi quan, không phải để sợ hãi mà để trân trọng hơn những gì chúng ta đã có lại được sau rất nhiều thương đau. Vì Saigon, vì tất cả chúng ta!
P.S: Ảnh tớ chụp buổi chiều giãn cách cuối cùng ở Saigon, thấy nó giống mình nên chụp lại: mắt luôn mở to và để dành đầu óc cho những điều hay ho.
#Saigon #Covid #LockdownEnds #NewLife