Saigon
SAIGON 120 NGÀY QUA.
Chỉ còn vài giờ nữa, Saigon sẽ bước ra khỏi phòng ICU sau 120 ngày nguy kịch để tập thở những nhịp thở đầu tiên của cuộc sống bình thường mới, Giãn cách - chốt chặn - giới nghiêm….từ ngày mai sẽ không còn nữa. Nhiều người sướng vui mong chờ, mình cũng thế, nhưng mong chờ trong nhiều kỷ niệm và suy nghĩ.
6 năm sống ở Saigon, nhưng chưa bao giờ mình đi nhiều - hiểu nhiều - và thương Saigon nhiều như 120 ngày vừa qua - những tháng ngày đáng nhớ. Lần đầu tiên trong cuộc đời một đứa sinh ra sau chiến tranh như mình tận mắt chứng kiến những mất mát, thương đau nhiều đến thế, gần đến thế. Và cũng lần đầu tiên mình cảm niệm sâu sắc được rằng chừng nào còn tình yêu thương chừng đó cuộc sống sẽ không bao giờ lụi tắt. Và gì chứ, thứ đó ở Saigon luôn rất nhiều.
Càng đi mình càng thấy Saigon mà không giàu mới là chuyện lạ, không phải vì vị trí địa lý hay tài nguyên, là vì sự hào phòng - rộng lượng vốn có, mà mình hay gọi là khí chất của người Saigon. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, khí chất ấy không mất đi mà còn bừng lên mạnh mẽ. Thành phố không ngủ phút chốc đã biến thành thành phố 0đ, Bữa ăn 0đ, cấp cứu 0đ, bánh mỳ 0đ, oxy 0đ…; và không phải chỉ mùa dịch mới thế mà cả ngày thường, Saigon vẫn vậy, lặng lẽ không đồng, lặng lẽ cho đi những thùng trà đá, những ổ bánh mỳ. Tinh thần hào phóng, rộng lượng có lẽ là nét đẹp nổi bật nhất của miền đất phương Nam này. Người dư dả sẵn sàng cho đi đã đành, mà ngay cả những người khốn khó vẫn vui lòng nhường nhau hộp cơm, chai nước không hề nghĩ suy hay toan tính. Cái sự cho đi ở Saigon nó nhẹ nhàng đến lạ như thể hơi thở mấy trăm năm nay của thành phố này, vẫn đều đều như thế.
Học kỳ Covid không đến một cách vô nghĩa, nó đến để dạy chúng ta biết bao điều: hãy biết trân trọng những gì giản đơn gần gũi nhất, từ nâng niu từng nhịp thở đến năng trò chuyện, chăm sóc mẹ cha mỗi ngày; hãy chậm lại một chút để trở về với những giá trị cơ bản và tự hỏi lại chính mình thật nhẹ nhàng “Bây giờ đã hiểu thế nào là Hạnh Phúc chưa?” và “Có cần nhiều lắm không để được Hạnh Phúc”. Với mình, 120 ngày qua - ở Saigon là quá đủ để vun đắp chắc bền cho lời đáp “Còn được thở đã là Hạnh Phúc, mở mắt ra thấy mẹ cha, thân quyến, bạn bè còn bình an, đã là Hạnh Phúc. Và hãy biết Đủ để được Hạnh Phúc.”
Là một người yêu cuộc sống tĩnh lặng khép kín, chưa bao giờ mình gặp gỡ nhiều người xa lạ nhiều như 120 ngày qua. Chỉ nhìn qua hàng rào thép gai, chỉ nhìn thấy nhau được qua đôi mắt, mình thấy trong những đôi mắt ấy cả sự sợ hãi, tuyệt vọng, khổ đau và rất nhiều những niềm vui nhỏ bé, và hi vọng. Và quan trọng nhất, mình thấy mình trong những đôi mắt ấy. Covid nhắc chúng ta: “Này anh, anh không thể sống một mình đâu. Dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, khoẻ mạnh hay ốm đau, anh vẫn là một thành viên không thể tách rời của xã hội. Vậy nên bớt vị kỷ, bớt vô cảm, bớt sân si, bớt trách móc thế giới xung quanh như thể mình vô can với mọi sự. Covid nó dùng nhịp thở - thứ ai cũng có và cũng cần- để điều chỉnh chúng ta và bắt từng người phải thuộc bài: Chúng ta thật nhỏ bé, và chúng ta luôn cần nương tựa vào nhau trong dòng chảy vô thường của cuộc sống.
Đã có hàng chục ngàn người đã không còn có thể cùng chúng ta đón Ngày mai, đón Bình thường mới, vậy nên dù ngày mai lại đông vui, lại kẹt xe, lại tắc đường nhưng cũng đừng bao giờ lãng quên đã có một khoảng thời gian chúng ta đã sống, như ở Saigon, 120 ngày qua. Nhớ không phải để bi quan, không phải để sợ hãi mà để trân trọng hơn những gì chúng ta đã có lại được sau rất nhiều thương đau. Vì Saigon, vì tất cả chúng ta!
P.S: Ảnh tớ chụp buổi chiều giãn cách cuối cùng ở Saigon, thấy nó giống mình nên chụp lại: mắt luôn mở to và để dành đầu óc cho những điều hay ho.
#Saigon #Covid #LockdownEnds #NewLife
GÓC SUY NGHĨ CUỐI TUẦN: LÀM TỪ THIỆN CÓ KHÓ KHÔNG???
Những ngày đầu tiên thực hiện dự án Bánh mỳ Saigon 0đ, một người anh lớn kiêm thầy giáo của mình đã nhắn “Làm người tốt đã khó, làm việc tốt còn khó hơn”. Càng ngẫm càng thấy điều anh nói thực sự rất đúng!
Mình chưa bao giờ và cũng không bao giờ mong muốn trở thành một nhà từ thiện chuyên nghiệp (professional philanthropist) dù trước đó thỉnh thoảng cũng đã chủ trì vài dự án tình nguyện dưới danh nghĩa cá nhân hoặc CSR dưới danh nghĩa doanh nghiệp; mình chỉ là một người bình thường muốn làm điều gì đó tốt lành, dù nhỏ bé, cho những người xung quanh mình. Và trong bài viết này, xin chia sẻ đôi điều suy nghĩ về chuyện làm từ thiện.
Nhiều người nghĩ rằng khởi tâm làm một điều tốt lành cho cộng đồng, cho xã hội thì có chi mà khó. Đúng, suy nghĩ tốt đẹp khởi phát trong tâm mỗi người là rất dễ vì bản chất con người là hướng thiện, nhưng chuyển hoá những suy nghĩ đó thành hành động thiện lành cụ thể - kịp thời và hiệu quả là một câu chuyện không hề đơn giản, đặc biệt là khi bạn kêu gọi sự chung sức của nhiều người.
1. Cái khó thứ nhất, đó là ở Việt Nam, chưa có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể chi tiết cho hoạt động từ thiện từ xuất phát từ cá nhân ngoài Nghị định 64/2008/NĐ-CP và vỏn vẹn điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định các cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện công việc nhất định, bao gồm việc từ thiện. Và những gì nhà nước không cấm thì người dân được phép làm, mà trăm hoa đua nở, mỗi người tự phát làm theo một cách riêng, theo lý trí và trong nhiều trường hợp là theo cảm tính; mà cảm tính là mảnh đất màu mỡ cho những sai sót.
2. Cái khó thứ hai, đó là việc tổ chức và điều hành một dự án từ thiện, nếu muốn hiệu quả, về bản chất, vất vả không kém gì việc vận hành một doanh nghiệp hoàn chỉnh, có khác chăng thì đó là một doanh nghiệp phi lợi nhuận - có thu, có chi, có quy trình chặt chẽ. Dù bạn làm Bếp từ thiện hay Bánh mỳ Saigon 0đ thì bạn đều phải tổ chức Gây quỹ (Fund-raising), Quản lý ngân sách (Budgeting), Thu mua (Purchasing), Tổ chức chuỗi cung ứng (Logistics), Huy động và quản lý nhân sự (Human Resources), Truyền thông (Media), Lập kế hoạch (Planning) và đặc biệt, Giám sát (Supervising) và Báo cáo (Reporting). Mọi hoạt động đó diễn ra song song và chịu nhiều áp lực về tính bức thiết của thời gian, rất nhanh và dồn dập. Và những kỹ năng đó, không phải ai cũng có hoặc đã biết từ trước. Có thể bạn chưa biết rằng Làm từ thiện ở nước ngoài là một Nghề (Job for Living), được đào tạo bài bản trong trường lớp; thậm chí CEO của các tổ chức từ thiện đa quốc gia còn hưởng lương cao ngất ngưởng chứ họ không hề làm không công như ta nghĩ; tiền quyên góp được họ trừ hết chi phí vận hành trước sau đó mới phân bổ vào các dự án từ thiện.
3. Cái khó thứ ba và lớn nhất, đó là sự MINH BẠCH, là chiến đấu lại chính tham- sân- si trong mỗi con người để tự bảo vệ danh dự của chính mình. Ở một đất nước mà khủng hoảng nào thì cũng đã kết thúc, chỉ có khủng hoảng niềm tin là vẫn kéo dài thì Minh Bạch - Minh Bạch và Minh Bạch luôn là vấn đề sống còn gắn liền với danh dự và uy tín của những người làm từ thiện. Mọi chuyện chỉ đơn giản nếu như 100% nguồn lực là của bạn, tiền từ túi bạn và người làm là người thân, bạn bè hay nhân viên của bạn, sẽ không ai có quyền đòi bạn sao kê cả. Còn khi bạn đã nhận, dù chỉ 100đ từ người khác, tức là bạn đã nhận một trách nhiệm rất lớn trước cộng đồng. Dù có là ngôi sao hạng A hay là bần nông hạng bét như Hoàng Huy thì cũng đừng có nói câu “Anh/Chị không tin em ah?”. Người Việt cực kỳ hay dùng câu đó để chặn đứng nghi ngờ của đối phương. Cá nhân mình quan niệm, niềm tin chỉ có giá trị khi nó được trân trọng và bảo vệ bằng những nguyên tắc. Về luật, chỉ cần người ta góp cho bạn 100đ trong số vài trăm tỷ mà bạn nhận được, người ta vẫn có quyền yêu cầu bạn phải báo cáo, giải trình việc bạn đã dùng số tiền đó làm gì, có đúng như cam kết không đã công bố không (Khoản 1 điều 568 Bộ luật Dân sự 2015)? Ví dụ, bạn kêu gọi tiền để ủng hộ miền Trung lũ lụt, để cứu đói kịp thời cho dân thì 100% số tiền đó phải được phục vụ cho mục đích đó, tại thời điểm đó chứ không thể dùng để xây lớp học hay lắp đặt bình nước ở miền Tây được. Đó là vi phạm pháp luật, dù bản chất vẫn là việc tốt. Nếu người góp tiền không đồng ý, họ có thể khởi kiện bạn và đòi hoàn trả lại tiền (kể cả là 100đ) vì không làm đúng theo nội dung uỷ quyền, căn cứ khoản 2 điều 568 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, cách tốt nhất để không phạm sai lầm và tự bảo vệ mình, đó là luôn công khai và đặt hoạt động mình đã kêu gọi dưới sự giám sát của xã hội. Cây ngay không bao giờ sợ chết đứng, mà cây đang đứng thì không bao giờ sợ chết ngay nếu minh bạch từ đầu. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm gì khuất tất mà không ai biết, muốn không ai biết, tốt nhất đừng làm.
Quay trở lại câu chuyện của Startup Bánh mỳ Saigon 0đ, ngay khi quyết định rằng cần phải dùng uy tín cá nhân để kêu gọi anh em bạn bè gần xa, người quen người lạ chung sức giúp đỡ Saigon, mình đã làm ngay lập tức một số việc dưới đây.
Bước 1: Lập tức di dời toàn bộ tiền cá nhân ra khỏi tài khoản nhận ủng hộ để đảm bảo tài khoản trắng và không ảnh hưởng đến quá trình bạch hoá sau này. Sẽ không có chuyện vì trong đó có tiền lương của tôi nên tôi không thể sao kê. Sao kê online công khai 24/7 ai muốn xem cũng được, không cần phải đòi.
Bước 2: Phân công rõ ràng: người kêu gọi, người nhận tiền và mua hàng. Tiền chỉ đi vào theo một luồng và chỉ ra theo một luồng có thể kiểm soát (chỉ chuyển tiền đến 1 tài khoản duy nhất phục vụ cho việc mua hàng) và người nhận tiền chịu trách nhiệm công khai số hàng hoá đã mua tương ứng với số tiền đã nhận.
Bước 3: Tuyệt đối không rút tiền mặt trong mọi tình huống.
Bước 4: Báo cáo định kỳ về số tiền nhận được, sao kê chi tiết ngay khi có thể.
Bước 5: Khi bắt buộc phải sử dụng tiền mặt trong hoạt động cứu trợ, phải cất tiền cá nhân ở một chỗ riêng, tránh sơ ý tiêu nhầm 1 đồng tiền từ thiện trả 10 đời chưa hết.
Bước 6: Lập văn bản uỷ quyền: Nếu tôi gặp sự cố trong quá trình làm từ thiện, ai sẽ là người được tiếp cận số tiền đang có trong tài khoản này; tiền đó hoàn toàn là tiền từ thiện - không phải di sản cá nhân của tôi để thừa kế trong tình huống xấu nhất
Bước 7: Không kêu gọi “Anh chị hãy tin em” mà kêu gọi “Anh chị hãy cùng giám sát việc em làm, và mở lòng góp ý chân tình cho em những gì em làm chưa tốt hoặc cần cải thiện. Anh chị hãy thực sự từ thiện cùng em, đi cùng em, làm cùng em, dù trực tiếp hay gián tiếp”
Có người nói rằng những người làm từ thiện mùa dịch này là làm màu, mình không hề giận họ, mà thay vào đó, mình thương họ, vì họ đã mất mát quá nhiều niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này, vì họ đã quá sợ hãi trong vỏ ốc ích kỷ của bản ngã để nhận ra rằng không ai đánh đổi mạng sống của mình ra để “làm màu” cả. Nhưng cũng đúng, mình và tất cả các bạn tình nguyện viên Bánh mỳ Saigon 0đ hàng ngày chịu rủi ro phơi nhiễm, đến gần với những người bị xã hội bỏ quên để làm màu, một màu duy nhất, màu của tình yêu thương luôn ngập tràn ở đất Saigon.
Làm từ thiện, khó, rất khó, nhưng mình sẽ vẫn làm với tất cả trí huệ, trái tim và sự tin yêu của anh em bạn bè và cả những người xa lạ đã phó thác nơi mình; làm theo cách để tối nào cũng có thể ngủ ngon trong an lành - thực ra có mỗi một cách thôi: Tử Tế.
#BanhMySaigon0đ #TransparencySavesYou
THƯ GỬI BỐ TỪ TÂM DỊCH SAIGON: VÌ CON LÀ CON CỦA BỐ.
Bố thương mến!
Mấy hôm nay trời Saigon mưa rất to nhưng không xoá được nổi nỗi buồn và sự lo lắng bao trùm của hơn 6000 ca F0 mới mỗi ngày, đang ở rất gần, xung quanh con.
Trưa nay con nghe thấy thật nhiều sự lo lắng trong cuộc điện thoại của Bố. Bao năm nay, chúng ta luôn hiểu nhau như những người bạn thân thiết nhất, đủ để hiểu ngay cả những điều không được nói ra. Con thật lòng xin lỗi vì đã làm Bố lo lắng suốt những ngày này nhưng cũng biết ơn vô cùng vì Bố luôn xuất hiện đúng lúc để động viên, không chỉ như một người cha thân thương mà còn như một người bạn thân tình.
Sài Gòn - Bố và Con, dù không phải quê hương nhưng có một sợi dây thân tình đặc biệt, ở đây lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ trọn vẹn của con; những ngày được Bố chở từ Cộng Hoà qua Phú Nhuận học, vừa ngồi trên xe vừa ăn xôi mặn hay cơm tấm nhìn ngắm phố phường, những cơn mưa chiều ào ào nhưng chóng tạnh, chui trong áo mưa nhưng cứ 2 phút lại hỏi “Bố ơi về tới đâu rồi?”. Tất cả những con đường ấy, hôm nay, vẫn sáng đèn, nhưng vắng lặng không một bóng người. Saigon đang ốm nặng lắm Bố ạ.
Con luôn có tình cảm đặc biệt với những nơi con chọn sinh sống, Hải Phòng, London và bây giờ là Saigon. Con thiết tha muốn được là một phần của thành phố này, được sống một cuộc đời trọn vẹn của một công dân, nghĩa tình và trách nhiệm với nơi đã cho mình rất nhiều điều, là nơi có ngôi nhà đầu tiên của riêng con, là quá khứ ngọt ngào, hiện tại thân thương và tương lai tươi sáng. Saigon, đã là nhà của con, và con sẽ vẫn thuỷ chung, sẽ hết mình với thành phố này chừng nào con còn thở.
Vậy nên, dù đặc biệt nguy hiểm, nhưng con và các bạn sẽ vẫn xuống đường, bằng cách này hay cách khác, để tiếp tục chăm sóc cho những cảnh đời mỏi mệt, thiếu đói đến cùng cực khi trái tim bao dung của Saigon đang đập chậm lại và không gánh gồng nổi nữa.
Họ lẩn khuất sau những hàng cây, những trạm xe bus, những gầm cầu, những xóm trọ bị bỏ quên….và, họ đói. Điều con và bạn bè mang tới cho họ không chỉ là bánh mỳ, là chăn ấm mà hơn cả là tình yêu thương của con người. Người ta không nhất thiết phải quen biết thì mới quan tâm, mới tốt với nhau. Là đồng loại, là đồng bào….là đủ để thương nhau không cần điều kiện, nhất là giữa những ngày khó khăn đi vào lịch sử này.
Khi con đi vào sâu trong những hẻm tối nhất để tận mắt chứng kiến của các bạn công nhân đang mắc kẹt lay lắt trong những phòng trọ lụp xụp, con nhớ tới Bố đã luôn là người ở lại sau cùng trong mọi buổi tiệc tùng liên hoan, không phải để say sưa hay chụp hình, mà là để lặng lẽ chia đồ ăn còn lại vào các túi để tặng các cô chú công nhân của Bố mang về.
Khi con bước tới đắp tấm mền cho những người anh em không nhà cửa đang say ngủ trên lề đường, con nhớ tới Bố đã bỏ xe, bỏ qua quần tây áo đẹp để đẩy giùm xích lô chất đầy hàng giữa trưa nắng cho một bác lớn tuổi chỉ vì trông bác ấy tội quá.
Khi con trở về nhà lúc nửa đêm với chiếc giỏ đã hết sạch bánh mỳ, con nhớ tới đã bao nhiêu lần cùng Bố đọc đi đọc lại “Những người khốn khổ”, và lần này, con chọn làm Jean Valjean, để thương Saigon theo cách của mình
Bố hãy an tâm! Con sẽ cố gắng giữ gìn chính con và các bạn như giữ gìn tình yêu thương vô bờ Bố luôn dành cho con. Để có cuộc sống bình yên, chúng ta sẽ không thể né tránh những hi sinh cần thiết. Dù có chuyện gì xảy ra, con cũng sẽ không hối hận vì lựa chọn này của mình. Con muốn dùng chính cuộc đời mình đã thực hành tình yêu thương từ những bài học trong thời gian ngắn ngủi được sống cạnh Bố- người chẳng theo đạo gì nhưng lại gửi con đi học giáo lý ở nhà thờ “Bố không chọn tôn giáo cho con, nhưng chọn gửi con tới nơi dạy tình yêu thương. Học được gì là tuỳ ở con.”
Ở nơi ấy, con vẫn nhớ những câu hát tới tận giờ:
“Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.
Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người.
Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi.
Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.”
Tất cả những điều con nghĩ, những việc con làm, sau cùng, là vì con là con của Bố. Hãy chúc lành cho con để chúng con có thể đi cùng Saigon vượt qua cơn bạo bệnh này! Ngày đầu tiên bình yên, con hứa, sẽ bay về liền và làm beef steak cho Bố ăn; hãy đợi con nhé!
Mong Bố sẽ luôn bình an!
#ForMyDaddy #Saigon #Lockdown #Curfew
TÂM SỰ VỚI SÀI GÒN
Sài Gòn thương mến!
Đêm nay, Sài Gòn chính thức giãn cách toàn thành phố; mình buồn một cách kỳ lạ, khó giải thích. Cái cảm giác đau xót và lo lắng như thể người thân mình ốm nặng dù không hề gắn với một con người cụ thể. Mọi ký ức với thành phố này cứ như khúc phim tua chậm trong đầu mà không thể nào ngủ được.
Còn nhớ, lần đầu tiên mình đến với Saigon là năm 1993, tròn 5 tuổi. Lần đầu tiên được đi máy bay, lần đầu tiên được đi xa đến thế, kỳ nghỉ hè đầu tiên và cũng là cuối cùng với Mẹ, vì sau chuyến đi đó Mẹ mình bị bệnh nặng và chẳng còn chuyến đi nào sau đó nữa. Với một đứa nhóc đến từ một thành phố nhỏ nhỏ xinh xinh như Hải Phòng, thì Sài Gòn có lẽ là một vương quốc như trong cổ tích. Nào là Thảo Cầm Viên, nào là đường Nguyễn Huệ, thương xá Tax, những con phố lung linh đèn….nhưng điều làm mình nhớ mãi là những cơn mưa chiều Saigon. Mưa chiều Saigon đều đặn như một chiếc đồng hồ, ào ào rồi lại tạnh rất nhanh, sau này mình mới biết cơn mưa ấy cũng giống như người Saigon, chẳng giận ai lâu bao giờ. Một tháng ở Saigon năm ấy, mình giữ kĩ lắm, như một mảnh lành lặn xinh đẹp trong ký ức tuổi thơ nhiều thương đau của mình, ở trong ấy, có Mẹ, khoẻ mạnh và tươi vui.
5 năm sau đó, trở lại Saigon với Bố sau khi Mẹ qua đời. Có lẽ Bố muốn một môi trường sống mới để mình nguôi ngoai đi nỗi đau vắng Mẹ. Saigon cùng với Bố yêu chiều mình hết mực, các bác, các chú, các cô, các anh chị đều vậy. Học lớp 5 với các bạn Saigon trong ngôi trường xinh xinh trên đường Nguyễn Kiệm, kế bên nhà thờ của giáo xứ Phát Diệm; những giọng nói lạ hoá thành quen, những tiếng trêu trọc “Bắc kỳ rốn” ngớt dần đi, rồi chúng nó cũng bắt đầu lôi mình ra con hẻm sát đường tàu sau trường để tập huấn những khoá cơ bản về Phá Lấu Học hay Bột chiên Tuyệt đỉnh ký và đặc biệt là Sà Bì Chưởng - toàn những tuyệt kỹ của ẩm thực phương Nam. Người Saigon thương ai là thương đến lạ, nhất là khi cả cái trường mấy trăm học sinh chỉ có một ông nhõi con nói tiếng Bắc. Cô giáo Saigon áo dài xanh xanh, chạy chiếc Cub 50 xinh xinh chở ông nhõi về tận Cộng Hoà giữa trưa nắng chang chang mà không biết rằng chuyến xe ấy đi theo nhóc con suốt cả cuộc đời. Saigon ơi, sao mà dễ thương thế?
1999: Rời Saigon về lại Hải Phòng sau một trận khóc như mưa, khép 2 năm tươi đẹp.
Người ta nói xàm xí nhưng đôi khi lại đúng lắm: cái gì thuộc về nhau thì sớm muộn vẫn là của nhau. Trời đã định: Hy thuộc về Saigon. Và, thật vậy!
2015: Sau khi lang thang góc biển chân trời chán chê, nhận lời làm việc cho một công ty ở Saigon. Và bay về Saigon trước cả khi về nhà. 6 năm không ở Việt Nam và 16 năm không gặp lại, Saigon vẫn dang tay ôm mình vào lòng, vẫn chân tình thắm thiết như ngày nào. Nhớ những ngày đầu tiên mây mây bay bay còn chẳng dám chạy Honda ra đường, giờ đây tụi bạn Saigon thỉnh thoảng còn phải ngỡ ngàng “Sao tui ở đây lâu gấp đôi ông mà tui không biết chỗ này” và câu trả lời ngỗ ngược đậm nét văn hoá mày-tao của Hải Phòng “Vì mày không yêu Saigon bằng tao!” Đừng đùa, có tí tự hào đấy nhé!
Mình không quen sống ở đâu đó một cách hời hợt, qua loa, sống mà qua loa thì khác nào qua đời ngay cả khi còn sống. Mình xịn hơn Chế Lan Viên ở chỗ “Kể cả khi ta chưa đi, đất đã hoá tâm hồn”. Tâm hồn ấy sướng vui mỗi khi nhìn thấy những thùng trà đá miễn phí chẳng biết của ai đặt bên đường, tâm hồn ấy hơi xấu hổ khi có lần trú mưa cho cậu bé bán vé số 10k mà nó kêu “Dạ con chỉ bán bé số, không xin tiền” rồi chạy biến đi mất; tâm hồn ấy say mê tận hưởng những ngày nắng đẹp, những cơn mưa rào, những trận kẹt xe mệt-gần-chớt mới vìa tới nhà và cả những trận lụt nước ngập ngang bánh xe.
Người Sài Gòn thì sống như tiểu thuyết, thực tế nhưng chân tình, vất vả nhưng hào sảng, thiệt thòi nhiều nhưng cũng không bớt bao dung. Kẻ giàu hay người khó, đều được Saigon đối đãi một cách sòng phẳng. Người Sài Gòn đơn giản từ lời nói đến tận con tim, yêu là yêu, mà ghét là chưa yêu, không loè xoè, không than thở và càng không bao giờ văn vở. Sài Gòn dạy cho con người ta rất nhiều điều nhưng tinh tế nhất trong môn Hãy Cho Đi. Thành phố, ngõ hẻm cần mẫn thị phạm cho người dân, trong từng hơi thở thường ngày của cuộc sống bận rộn, thế nên, ở Saigon cái sự cho đi nó nhẹ nhàng đến lạ.
Mình không biết có phải một mối duyên lành không, nhưng khi mình cùng với các bạn bè lao ra đường để bán bánh mỳ 0đ cho người Saigon giữa những ngày nguy hiểm khắp mọi nơi này, mình bị thôi thúc muốn làm điều gì đó, dù là muối bỏ bể, để đáp lại phần nào ân tình của Saigon đối với mình bao năm tháng qua. Không có ai vừa bán bánh mỳ vừa thỉnh thoảng lại lén khóc một tí như mình cả, mà kệ đi, mưa Sài Gòn giấu không ai nhận ra mình khóc; mà khóc vì thành phố mình yêu quý, vì những người dân lam lũ đáng thương, chắc cũng không có gì xấu.
Nhìn Saigon đang phồn hoa giờ đây lặng ngắt, mình ngơ ngác - thảng thốt - phẫn nộ - rồi buồn tê tái.
Sài Gòn đau, mình đau! Nhưng ráng lên Sài Gòn nhé, chúng mình sẽ cùng vượt qua trận chiến không tiếng súng này….
Thương lắm, Sài Gòn của tui!
2h30, ngày giãn cách đầu tiên.
Ảnh: Quỷ Cốc Tử chộp.
#Saigon #CovidDays #Lockdown #JustStayAtHome
“BỮA NAY, SÀI GÒN BỊNH....”
Mấy hôm nay Saigon trầm lắng lạ thường, con đường Lê Thánh Tôn bên hông chợ Bến Thành bình thường tấp nập là thế mà giờ đây người xe thưa thớt; hàng quán liêu xiêu bên tấm biển quốc dân “Chỉ bán mang về”....Uh nhỉ, Sài Gòn bữa nay bịnh!
Gò Vấp đau một chút, Quận Ba đau một chút, rồi cả những quận khác nữa đua nhau đổ bệnh nhanh như một cơn mưa đầu mùa. Sài Gòn bước vào cơn sốt mệt mỏi nhất sau gần hai năm sống chung với con Cô Zít (uh thì là Covid, nhưng người Saigon thì sẽ gọi là Cô Zít).
Thỉnh thoảng chỉ một tiếng còi xe cứu thương ở xa xa vọng lại thôi cũng đủ làm ai đó xốn xang, hoảng hốt; bầu không khí đặc quánh những âu lo. Người ta nói Cô Zít lan đi bằng đường không khí, còn lo lắng hình như lan truyền bằng đường ánh mắt. Người lạ hay người quen thì bây giờ cũng chỉ nhận được ra nhau bằng đôi mắt, nụ cười giấu đi sau lớp khẩu trang mất rồi. Chào nhau bằng ánh mắt, cười đùa cũng chỉ bằng ánh mắt, vui đến mấy cũng không giấu nổi lo âu, ah mà hình như chẳng có gì để vui cả; vui sao nổi khi thành phố thương yêu nơi mình sống, đang bị mệt.
Tự dưng mình nhớ tới ngày xưa đi mẫu giáo, hồi lớp lá lớp cành gì đó, có lần buổi chiều còn đang chạy nhảy nô đùa như giặc ở trường, thế mà tối về đã lăn vật sốt hầm hập nằm co ro, rên hừ hừ, như con chó con trong vòng tay Mẹ. Sài Gòn mấy bữa nay cũng thế, có khác gì đâu. Thương!
Chúng ta ai lớn nổi mà không trải qua vài trận ốm như thế, Saigon sẽ lại khoẻ lại thôi, sau một vài tuần nữa. Thành phố đầu tàu, hòn ngọc Viễn Đông, trung tâm kinh tế thì hôm nay cũng đã bị mệt rồi, để cho Saigon nghỉ một lúc. Bây giờ, người ta mới hiểu hết ý nghĩa đắt giá của từ “An Yên” - Muốn được An toàn thì hãy ngồi Yên, nếu mệt quá nữa, thì nằm Yên. Saigon đang cần chúng mình chia sẻ, mỗi đứa bớt nghịch ngợm đi xíu, bớt đi lại chạy nhảy, để yên cho Saigon nghỉ ngơi còn mau khỏi bịnh. Các tỉnh thành khác cũng bớt bớt ghé thăm Saigon lúc này, để yên cho Saigon được nghỉ, Saigon không muốn phiền cho ai nên nhớ nhau thì Facetime, Google Meet, không thì viết thơ cũng được, khoan gặp, lúc khoẻ lại vui sau cũng chưa muộn.
Thương nhau tới 25/8 này là tròn 6 năm rồi, Saigon chưa bao giờ làm mình thất vọng, và vẫn thuỷ chung dù thỉnh thoảng cũng có gặp vài người lật lọng. Đi đâu bay về Saigon là cũng xí ghế Window để lúc gần hạ cánh nhìn thấy Thảo Điền, nhìn thấy cầu Bình Lợi đỏ chót nhỏ xinh như một món đồ chơi sống động, nhìn thấy người Saigon hối hả nối đuôi nhau mỗi giờ tan tầm.
Sau trận Saigon ốm này, mình hứa sẽ không càm ràm mỗi lần kẹt xe, tắc đường nữa, vì hôm nay đứng ở ngã tư, một mình, lặng lẽ, tự dưng thấy thèm, thấy nhớ cái cảm giác đông đông khó chịu mọi ngày. Saigon mà vắng thiệt là không có hợp mắt, đông nó quen rồi, giờ tự nhiên vắng ngắt nhìn như Tây mặc áo bà ba, lạ - nhưng không đẹp! Mấy bạn trẻ bây giờ hay nói “Có không giữ, mất đừng tìm” - giờ mình sợ thiệt rồi, sẽ giữ thật chặt, thật kỹ một Saigon bình dị, đông đúc, ồn ào nhưng thân thương của mọi ngày, chứ Saigon cứ im im thế này, cũng mệt. Work from Home thì cũng nhàn thật đấy những sẽ không bao giờ vui được bằng Work in Saigon!
Thôi thì ốm nốt vài bữa nữa thôi rồi mau mau khoẻ lại thật nhanh để mọi người cùng được cười trở lại, ráng lên Saigon nha! Thương!
#Saigon #CovidDays #CityGotSick #Memory #CityWhereILive #Hopeful
Ảnh Saigon mùa hoa chò bay của nhiếp ảnh gia - travel blogger Quỷ Cốc Tử Ngo Tran Hai An, đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả
NẮNG - MƯA & CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ NGƯỜI SÀI GÒN.
NẮNG - MƯA & CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ NGƯỜI SÀI GÒN.
Hình như mình vừa ở Saigon được tròn một năm. Uh, một năm rồi đấy chứ.
Và "Nắng" nhắc nhở mình điều ấy, sự may mắn khó nói thành lời khi đã lựa chọn thành phố này làm điểm dừng chân và cũng là điểm bắt đầu.
Không kỹ xảo hoành tráng, không cảnh nóng dồn dập, Nắng chỉ có chan chứa tình, tình mẫu tử thiêng liêng, sức mạnh diệu kỳ của tình yêu thương, mà đặc biệt nữa là cái tình rất riêng của người Saigon.
Có lẽ người ở vùng khác, miền khác chưa từng tới và sống ở Saigon xem phim sẽ không có cảm nhận giống mình, nhưng mình có niềm tin rằng khi dựng kịch bản cho Nắng, đạo diễn và biên kịch khá.....nhàn. Vì họ chẳng phải nghĩ nhiều về cảnh trí, bối cảnh chỉ bê nguyên cái cuộc sống thường ngày lên phim là đủ, thường ngày người Sài Gòn cũng tình vậy mà.
Chú Ba bán hủ tiếu, hay bà chủ ve chai hay thương người, và đặc biệt là Mưa......họ không phải những nhân vật bước ra từ điện ảnh, mà là hơi thở nồng ấm và nghĩa tình của Saigon điềm nhiên nhẹ bước vào phim. "Mưa bán vé số, Mưa không ăn mày...." - câu nói ấy của cô bé thiểu năng Mưa khi từ chối sự giúp đỡ của bà con láng giềng khi bị kẻ xấu giật mất hết vé số làm mình giật mình nhớ lại một sự bối rối của bản thân vào một chiều mưa cách đây cũng đã lâu trên đường Lê Văn Sỹ. Trú mưa cùng với một cậu bé bán vé số còn mặc nguyên đồng phục học sinh, cậu ấy cứ nài mua nhưng mình nói "Chú không mua, nhưng chú cho con tiền này". Cậu bé đã chẳng lấy làm mình bỗng nhiên thấy lạ. Người Sài Gòn lạ nhỉ? Nhưng rồi một năm qua đi, mình không cố cái giải thích cái sự lạ ấy bằng những logic lý lẽ này nọ mà hài lòng chấp nhận rằng: Người Saigon là thế, đơn giản vậy thôi!
Ở Saigon còn có nhiều người nghèo nhưng ít người khổ - cái kết luận tưởng chừng rất vô lý ấy là kết quả quan sát riêng của mình sau bao ngày ngược xuôi trên thành phố này, và mỗi ngày qua, càng đi càng thấy, cái niềm tin ấy lại càng lớn lên. Mình có cái thói quen lúc rảnh rỗi từ nhỏ mà đến giờ cũng chẳng bỏ được là hay quan sát gương mặt của mọi người và nhìn sâu vào mắt họ để giả vờ đoán xem họ đang nghĩ gì và đời sống tinh thần ra sao....Nhiều gương mặt lam lũ, làn da đen xạm, chịu nhiều vất vả để mưu sinh nhưng ít có thấy nét khổ, ít có nghe tiếng than vì hình như dù khó khăn đến mấy, ai ở đây cũng hiểu rằng, tin rằng: ở Saigon, họ luôn còn có ngày mai để hi vọng.
Saigon là một thành phố lạ kỳ, nhiều người tìm đến đây để thành công, và cả những kẻ thất bại cũng tìm về đây để làm lại từ đầu. Sài Gòn rộng mở và bao dung đến kỳ lạ như một bà mẹ Nam Bộ luôn mỉm cười ôm vào lòng những đứa con từ muôn nơi trở về. Saigon không cần Bitexco, không cần Phú Mỹ Hưng, Saigon vẫn đẹp. Đẹp nhờ những dây áo mưa, những thùng trà đá miễn phí và những tấm biển chỉ đường dễ-thương-không-chịu-được; đẹp nhờ tiếng nói – tiếng cười – và sự chân tình đại trà mà ai ai cũng để sẵn trong mình như một bộ phục trang thường nhật.
"Nắng" - "Mưa" đều có màu của hi vọng.
Và cả hai thứ ấy Saigon đều nhiều….
Hoàng Huy
CÂU CHUYỆN NGÀY CHỦ NHẬT: SÀI GÒN ĐẸP......TRONG MẮT AI????
Tôi là một người khá kỳ cục, tôi thật không thể sống ở một nơi mà tôi không cảm thấy yêu được. Sống ở một nơi nào đó, hoặc là tôi sớm muộn phải tìm ra thứ để tôi cảm thấy tôi yêu nơi ấy, hoặc là tôi sẽ rời đi chốn khác. Mà đã yêu là phải yêu chết hẳn ở trong lòng.
Lạ thật!
Sài Gòn cũng không là ngoại lệ.....
Tôi cứ đi tìm mãi xem vẻ đẹp của Sài Gòn nằm ở đâu.
Tôi chưa thấy Nhà thờ Đức Bà đẹp, hay bởi vì tôi đã từng thấy những thánh đường rộng lớn ở Châu Âu.
Tôi chưa thấy Bitexco đẹp, hay bởi vì tôi đã từng quen lối lên The Shard.
Tôi chưa thấy đường hoa Nguyễn Huệ đẹp, hay vì tôi đã trót quá nhiều lần tản bộ cả chiều trên The Mall.
Tôi chưa thấy nhưng không có nghĩa là tôi ngưng đi tìm.
Và cuối cùng tôi tìm thấy cái đẹp của Sài Gòn ở một góc phố nhỏ trên con đường quen thuộc thi thoảng tôi vẫn đi ăn trưa.
Tôi dừng lại và bỏ qua tới ba bốn lần đèn đỏ chỉ để nhìn bà cụ trong tấm hình từ từ rót nước vào cái chai nhỏ, trước khi tiếp tục nửa ngày mưu sinh với những tờ vé số.
Có là kỳ cục không khi lúc ấy tôi không nghe thấy tiếng xe cộ xung quanh, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng của nắng lọt từ trên những tầng cây cao rơi tí tách trên mái tóc đã nhiều phần bạc của bà lão, ồn ào hơn tí chút là tiếng chảy đều đều của một tinh thần nhân văn bất tận mà có khi bận rộn quá ta chẳng chịu lắng nghe dù bắt gặp mỗi ngày.
Người Sài Gòn sống tình quá ......
Nói đến thành phố đáng sống, người ta hay ngợi ca Copenhagen - Đan Mạch hay những thành phố châu Âu yên bình hay Bắc Mỹ sôi động. Nhưng trong bảng xếp hạng có phần lạ lùng của tôi, đã chính thức có tên Sài Gòn. Với tôi, thành phố đáng sống không nhất thiết phải có tàu điện ngầm, phải có nhiều cây xanh, không nhất thiết phải có những khoảng trời lớn rộng....đơn giản chỉ cần ở nơi ấy ngay cả những người xa lạ cũng biết quan tâm đến nhau, cũng biết sẻ chia vì nhau. Chỉ vậy thôi, là đủ.
Tôi không kịp nhớ mặt người đàn ông da nâu sạm phóng xe ngược đường tôi và nói "Anh ơi đèn xe kìa". Uh nhỉ, người đàn ông vô danh ấy không biết tôi là ai nhưng vẫn lo tôi sẽ bị phạt và mất an toàn khi quên bật đèn.
Tôi không bao giờ biết tên người nào đó đã ngày ngày bỏ công mang thùng nước kia để dưới bóng cây. Uh nhỉ, người tốt ấy lo những bà cụ bán vé số, hay những cháu học sinh lỡ đường sẽ liêu xiêu trong cơn khát của nắng nóng miền nhiệt đới.
Nhưng tôi đã bắt đầu biết yêu những người không thân quen ấy.
Và cũng lạ kỳ thật, chẳng hiểu sao tôi chỉ thích gọi Sài Gòn bằng cái tên của những ngày xưa cũ thay vì cần phải gọi cho đúng. Cái tên ấy theo tôi từ thưở lên năm lên ba khi mà Sài Gòn còn là một miền đất xa xôi với người miền Bắc.
Đừng nhắc tôi Sài Gòn kẹt xe ghê lắm, ngày nào tôi chẳng hoà mình trong dòng sông bất tận ấy 2 lần 1 ngày. Không kẹt xe sao biết được người Sài Gòn kiên nhẫn lắm, ít khi bấm còi inh ỏi.
Đừng nhắc tôi Sài Gòn mưa lụt lắm, tôi đâu phải chưa bị ướt hết lần nào? Không bị ướt sao biết được mưa Sài Gòn mau tới mau qua như thế nào?
Nhưng cuộc đời này là thế, yêu là yêu thôi, bạn nhỉ?
Hãy đóng báo mạng lại, tắt Facebook thường xuyên hơn, và bước ra cuộc đời mỗi ngày, bạn sẽ nghe thấy đủ thứ thanh âm tuyệt vời của cuộc sống mà tiếng gió đều đều từ những căn phòng điều hoà, những ô cửa cao ốc luôn chỉ thích ghìm chân bạn trong sự tù túng mang tên Hiện Đại.
Và bằng cách ấy, Sài Gòn đẹp trong mắt tôi.