Sport
“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”
“DŨNG ƠI! TIỀN SẠCH KÌA, MAU KIẾM ĐI EM!”
Đó chính xác là câu mà tôi muốn nói với Bùi Tiến Dũng và các cầu thủ U23 Việt Nam ngay lúc này, không phải với danh nghĩa một người hâm mộ (thực ra tôi không mê bóng đá lắm) mà là với tư cách một người làm kinh doanh và marketing chuyên nghiệp.
Mấy hôm nay, mạng xã hội xôn xao vì một cái bảng báo giá quảng cáo của thủ môn Tiến Dũng do một công ty truyền thông tung lên.
Nếu không xét đến chuyện bất đồng về quyền khai thác hình ảnh cầu thủ giữa CLB chủ quản và công ty truyền thông O kia, thì với tất cả những người làm trong nghề truyền thông và marketing đều phải thừa nhận rằng đây chính là thời điểm VÀNG để Tiến Dũng cũng như các bạn tuyển U23 có thể kiếm tiền, và tuyệt nhiên không thể bỏ lỡ. Một số người nói rằng Tiến Dũng quảng cáo như thế này, tại thời điểm này là “bán lúa non”, tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy vì những lý do sau:
Trong marketing hiện đại, tên tuổi và hình ảnh của các cầu thủ, các động viên thể thao nổi tiếng được định vị như một THƯƠNG HIỆU độc lập, được định giá tương đương như THƯƠNG HIỆU của các nhãn hàng. Tức là cái tên Bùi Tiến Dũng cũng được định vị như Samsung, Apple hay Vinamilk trong mắt người tiêu dùng. Và cái mà họ bán, chính là bán dịch vụ quảng cáo – họ san sẻ sự nổi tiếng của họ cho các nhãn hàng thuê họ làm đại diện thương hiệu
Những thời điểm VÀNG của THƯƠNG HIỆU cầu thủ, chính là thời điểm anh ta và đội bóng vừa giành chiến thắng, mọi người đổ dồn sự chú ý vào họ, tần suất xuất hiện trên truyền thông dày đặc. Những thời điểm VÀNG này có thể lặp đi lặp lại nếu các cầu thủ và đội bóng tiếp tục giành chiến thăng trong tương lai, và tương lai thì không ai nói trước được cả, nhưng dư chấn truyền thông khổng lồ sau chiến thắng vừa rồi của U23 là cái đang hiện hữu. Và người Anh có câu: “A bird in the hand is worth two in the bush” (Một con chim trong tay bằng hai con chim trong bụi). Chúng ta không bi quan về tương lai, nhưng cũng đừng bỏ lỡ những cơ hội đang hiện có ngay trước mắt, vì có những cơ hội nhiều khi chỉ xuất hiện một lần trong đời, và cơ hội chỉ dành cho những người đã sẵn sàng.
Marketing không phải là một môn nghệ thuật mà là cuộc chiến thực sự về tranh giành sự chú ý của công chúng, và chỉ có người nhanh nhạy và tinh khôn nhất mới có thể dành chiến thắng.
Hãy cùng phân tích, nguồn thu nhập hợp pháp của một cầu thủ nổi tiếng ở Việt Nam sẽ đến từ đầu:
1. Các hợp đồng chuyển nhượng giữa các CLB: Thường là số tiền khủng, nhưng không phải các cầu thủ được hưởng 100%, nếu như không nói là không đáng kể, mà phần lớn lợi nhuận thuộc về các ông bầu- các chủ đội bóng.
2. Tiền lương: Thường là không đáng kể, chỉ giúp cầu thủ chi trả các nhu cầu cuộc sống của bản thân- gia đình và khó có thể tích lũy làm vốn hay dự phòng rủi ro.
3. Tiền thưởng: Ngay cả khi chiến thắng, một tỷ lệ rất lớn các khoản tiền thưởng lại đến từ những “con ma nhà họ Hứa” – những công ty, tổ chức, cá nhân thiếu tự trọng với lời hứa của mình.
4. Tiền từ quảng cáo: Đây là nguồn thu nhập chủ động lớn nhất mà cầu thủ có thể kiếm được bằng chính mồ hôi, công sức lao động của mình – ngoài bóng đá. Và nếu được đầu tư và tính toán bài bản, đây chắc chắn là nguồn thu nhập lớn nhất
Bóng đá Việt Nam rất khác và rất chậm so với thế giới. Ở các nước có nền bóng đá đặc biệt phát triển không chỉ đơn giản vì họ đá hay, có các thế hệ cầu thủ tài năng, và quan trọng hơn cả, họ tổ chức bóng đá như một nền công nghiệp thực thụ. Mỗi một đội bóng không chỉ đơn thuần là một câu lạc bộ thể thao mà thực chất là một tập đoàn đầu tư khổng lồ: họ kiếm tiền từ tiền bán vé, từ phí thành viên của người hâm mộ, và tiền quảng cáo, kinh doanh cầu thủ…..Họ kiêm luôn cả nhiệm vụ là “bầu show” – là người đại diện thương hiệu cho các cầu thủ, chủ động đi tìm về những hợp đồng quảng cáo béo bở cho cầu thủ của họ, và tất nhiên có thu về một tỷ lệ phần trăm nhất định, nhưng cả cầu thủ và đội bóng đều có lợi. Đến khi cầu thủ nổi tiếng ở mức độ đủ lớn hoặc không đạt được thỏa thuận được với CLB, họ có thể thuê một công ty quản lý thương hiệu riêng cho mình. Ở Anh – quê hương của bóng đá, người ta còn định nghĩa vui “Bóng đá là môn thể thao của 22 ông triệu phú mặc quần đùi tranh nhau một quả bóng.” là vậy. Và họ cũng có như những tên tuổi vàng vẫn có thể sống ngon từ thương hiệu cá nhân như David Beckham, ngay cả khi đã giã từ đỉnh cao của bóng đá, vẫn có thể kiếm tới hơn 100 triệu bảng Anh mỗi năm từ quảng cáo.
Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam, phần đông xuất thân nông thôn, không phải ai cũng biết khai thác nguồn thu nhập thứ tư này một cách bài bản và hiệu quả. Trong khi việc này rất phức tạp và cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp của cả một ekip lớn. Các CLB chủ quản, thường xuất thân chỉ là từ làm thể thao, không thể nào có đủ sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong ngành truyền thông –quảng cáo như những người trong ngành. Vậy có nên chăng có thể cởi trói từ trong tư duy mà suy nghĩ rộng mở ra rằng: nếu tôi không làm được tốt, tôi sẵn sàng lùi lại để cho người có thể làm tốt hơn tôi làm, tất nhiên là phải tôn trọng về sự cân bằng quyền lợi giữa cá nhân và đội bóng.
Hãy nghĩ cho các em và nghĩ cho cả tương lai của nền bóng đá nước nhà, một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận đó là: Muốn chuyên nghiệp, phải có tiền; và chỉ có tiền sạch mới có đủ sức mạnh đẩy lùi tiền bẩn. Vòng đời của những người làm thể thao đỉnh cao rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 10 năm. Chúng ta đã có bao nhiêu tuyển thủ phải ngồi lề đường bán rau, bao nhiêu nữ hoàng điền kinh phải sống trong khó khăn khi ánh hào quang đã tắt hoặc không may gặp chấn thương mà phải ngừng cống hiến, như vậy chưa đủ sao? Hay chúng ta đòi họ vẫn phải đá hay, vẫn phải cống hiến và chiến thắng ngay cả khi bụng đang đói, nhà đang dột??? Và ngay khi họ có thể tự tay kiếm những đồng tiền chân chính ngoài chuyên môn thì lại lao vào phán xét, đánh giá...
Những câu chuyện buồn đó phần nào cũng có phần trách nhiệm của công chúng. Người hâm mộ cũng đừng vì cái ích kỷ nửa vời của mình mà đưa ra những lời khuyên chân-không-chạm-đất kiểu như: “Hãy tập trung đá bóng, từ từ sẽ có mọi thứ”. Đúng, hãy tập trung đá bóng, vì đó là con đường đam mê mà các em đã chọn, đem lại cho các em danh tiếng và sự ngưỡng mộ, nhưng cũng đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng đang bày ngay trước mắt để kiếm những đồng tiền chân chính. Miễn không phải bán độ, không phải những gì mờ ám, thì hãy cứ ngẩng cao đầu mà tiến lên, mà xây dựng một cuộc sống tốt nhất, đàng hoàng nhất cho chính mình, vì cuộc đời mỗi chúng ta đều không quá dài để mà “Giá như….”, để mà “tiếc nuối”
Hoàng Huy.