Study

PHẦN 2: CUỘC VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH

“NHÀ ÍT TIỀN VẪN CỐ ĐI DU HỌC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ĐƯỢC, NHƯNG TRONG MƠ....CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC. PHẦN 2: CUỘC VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH

Ba ngày sau khi đến London, đợi cho hết Jet-lag, và tìm hiểu được cách đi lại di chuyển bằng phương tiện công cộng, tôi quyết định đi tìm cái gì đó để làm tranh thủ thời gian còn chưa vào học chính thức. Thực ra với một vốn ngôn ngữ tốt và sự bạo dạn sẵn có - dễ thích nghi với cái mới, tôi chẳng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm gì mấy, từ Vietnam sang London thì cũng chỉ giống như từ Hải Phòng lên Hanoi. Đấy là tôi, còn các bạn khác, tôi không biết.

Với một kinh nghiệm đi làm thêm từ rất rất sớm, dù đúng là không phải con nhà khó khăn, tôi thấy cái sự đi làm thêm là hết sức thú vị. Nó giúp tuổi trẻ được tận hưởng sự thô ráp của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, chuyện bạn có “chịu nổi nhiệt” khi đi làm ở trời Tây không thì lại là khác. Tiền đúng là dễ kiếm, đấy là với người khác; còn bạn có kiếm nổi hay không, thì cũng lại là chuyện khác.

Ở Anh, sẽ có hai sự lựa chọn cho sinh viên quốc tế như Việt Nam. Một, làm cho Tây, mức lương tối thiểu, 20 tiếng/tuần, lương tối thiểu 6 bảng/giờ, tổng cộng kiếm được khoảng 120 bảng và phải đóng thuế, bù lại bạn được pháp luật bảo vệ. 120 bảng là chỉ đủ đi xe bus 1 tuần và đi TESCO mua đồ về tự nấu ăn thôi. Tiền nhà, tiền sách vở, tiền ăn chơi nhảy múa, tiền ăn hàng và vân vân mây mây các loại tiền lặt vặt khác là không đủ đâu. Hai là, làm cho người Việt, muốn làm bao nhiêu thì làm, lương thấp hơn nhiều, tuy nhiên chẳng ai bảo vệ nổi bạn vì chính bạn cũng đang làm sai luật. Tất nhiên là tôi, như đại đa số sinh viên Việt Nam, đã chọn cách kiếm nhiều tiền hơn: làm cho một nhà hàng Việt Nam đông nhất nhì khu Kingsland người Việt ở London.

Lúc đó tôi gầy nhẳng chứ chẳng to lớn như bây giờ; trong khi cái nhà hàng mấy chục bàn đông nườm nượp khách còn hơn cả cái chuỗi Rạn Biển ở Saigon mà một ca chỉ có vỏn vẹn 5 người làm. Mỗi đứa phục vụ cả hai chục cái bàn khách. Mỗi bàn lại cả chục món ăn khác nhau. Một buổi tối một bàn lại có cả vài ba lượt khách. Bạn order nhầm một món thôi thì coi như tối đó bạn đi làm không công luôn. Rồi thì rửa bát, những chồng bát dĩa cao ngang đầu người ùn ùn tràn vào đến mức tôi có buồn đi vệ sinh thì cũng ráng mà đứng đó, vì đi xong quay lại thì không thể nào làm cho kịp. Tay tôi có khi còn trắng hơn Ngọc Trinh vì tối nào cũng được ngâm nước. Bạn phải rửa nhanh hơn máy, vì nếu chậm hơn và không sạch bằng máy thì người ta mua máy cho rồi.

Một môi trường cực kì hỗn loạn, tiếng bước chân chạy, tiếng cười nói, tiếng chửi thề của nhà bếp, tiếng quát tháo, hò hét của bà chủ......nhưng công việc vẫn buộc phải trôi chảy, vì nếu bạn chỉ cần tỏ ra một nét mệt mỏi hay phản ứng, luôn có sẵn vài chục số điện thoại chờ sẵn ngoài kia để thế chân bạn. Tôi nghĩ cái nhà hàng này mà có thuê Robot thì nó cũng lăn vật ra chập điện mà chết. Quả thực là trong vòng có một tuần, những ông anh to lớn gấp đôi tôi xin cùng vào làm đã biến mất sạch sẽ sau tuần lương đầu tiên. Tôi hiểu họ đã đầu hàng, đã gọi điện về nhà cầu cứu hoặc an phận lên thư viện học đợi tiền nhà gửi sang. Tuy nhiên, Robot có thể chết, nhưng tôi thì không, tôi cần phải sống. Trừ khi tôi muốn chết, ngoài ra tôi không chịu để bất kỳ cái hoàn cảnh nào giết tôi cả.

Học ở trường từ 8h đến 5h chiều. Bay như một cơn gió khỏi giảng đường để có mặt ở chỗ làm lúc 5h30, và cày dập mặt đến 11h30. Có những lúc mệt đến mức độ mắt nhìn thấy đầy trăng và sao giữa ban ngày luôn, tôi đành vào nhà vệ sinh ngồi nghỉ 05 phút để kiểm tra xem chân nó còn nằm ở dưới đầu gối không rồi chiến tiếp. Tôi chấp tất cả các thể loại vất vả, gian khổ nhưng tôi không thể sống chung với sự bất công.

Thực tế là người ta sẽ trả lương cho bạn từ 5h30 đến 11h30 tối, nhưng thỉnh thoảng nếu 11h29 khách vẫn vào và họ ngồi đến 2h sáng thì yên tâm là bạn cứ việc ngồi chờ đợi đến mòn mỏi mà không được thêm một xu nào từ chủ. Đấy là lý do vì sao bây giờ tôi không bao giờ đi ăn vào cái giờ người ta sắp đóng cửa, tôi nhìn thấy bóng hình của chính mình ngày xưa trong những bạn phục vụ, tiền có thể mua được một bữa ăn, nhưng chưa chắc mua được sự cảm thông cho đồng loại.

2h sáng, đóng cửa lau dọn xong, trời thì mưa tuyết, hết tàu điện ngầm, hết xe buýt, vừa lạnh vừa vắng, tôi vừa đi vừa khóc, vừa phải hát thật to cho đỡ sợ trên con đường đi bộ về nhà. 4h sáng về đến nhà, xúc một chậu tuyết hoặc một chậu nước đá, cắm cái mặt vào đó cho tỉnh ngủ rồi học bài cho ngày hôm sau. Và vì có rất ít thời gian để học nên tôi buộc phải suy nghĩ cách học thế nào tốn ít thời gian nhất mà hiệu quả, bởi nếu không sẽ bị tụt lại ngay lập tức trên lớp. Sách coursebook các loại thì dày như đại từ điển. Đại học của nước ngoài ngược hoàn toàn với Việt Nam: vào thì dễ nhưng ra cực khó; chứ không phải bạn đóng một đống tiền thì bạn auto có bằng đâu. Ở Anh, thời gian học nhìn thì có vẻ ngắn hơn nhưng thực ra là họ nén cường độ học tập lại rất cao. Học một năm ở Anh áp lực còn hơn bốn năm ở Việt Nam, có khi hơn. Ngủ được vài tiếng, 8h sáng dậy đi học, ngồi trên tàu ngủ bù, tàu cứ giật giật 3-4 cái thì tôi hiểu là đã đến ga cần chuyển tàu, mở mắt lao ngay vào dòng người hối hả. Đó là lý do vì sao bây giờ tôi thường bị phàn nàn là đi bộ quá nhanh so với người khác.

Chưa kể đến chuyện ma cũ bắt nạt ma mới ở chỗ làm. Tôi nhớ tôi không biết đã phải ấn đầu bao nhiêu đứa làm trước vào cái thùng rác trong hẻm đằng sau nhà bếp và trang điểm gấu trúc cho bao nhiêu thằng để chúng nó hiểu là không phải ai cũng chấp nhận im lặng để bị bắt nạt vô cớ. Tôi luôn cố gắng để sống tử tế và không bắt nạt ai, nhưng nếu ai thích gây chuyện; tôi sẽ cho họ phải hối hận không kịp.

Nhưng tôi thấy không ổn, tình trạng này dài lâu tôi sẽ kiệt sức và thành Liệt sỹ trước khi trở thành Thạc sỹ hay cái gì gì đó. Tôi chuyển chỗ làm đến những nơi dễ thở hơn, chấp nhận đi làm xa hơn. Nhưng áp lực học ngày một gia tăng, tôi cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành các projects một cách có chất lượng. Học teamwork với bọn nước ngoài, bạn được phân công phần việc mà không làm cho xong, chúng nó sẽ cười vào mặt bạn thậm chí tẩy chay; và ở môi trường quốc tế, thì hãy hiểu là nó cười vào dân tộc - đất nước của bạn. Với cả, 6 tháng liền kể từ ngày đặt chân đến nước Anh, tôi chẳng nhìn thấy cái Big Ben ở đâu cả dù nó cách chỗ tôi làm 5 trạm xe bus; và tôi chết thèm chết khát một ngày được nghỉ, được ngủ mà không phải cài báo thức. Để giải quyết bài toán đó, tôi quyết định chấp nhận làm cái công việc mà mình ghét nhất: đi làm nails. Vì chỉ cần làm 3 ngày/ tuần là đủ sống khoẻ và có thời gian học hành tử tế, và tận hưởng cuộc sống xung quanh.

Muốn làm được thì buộc phải bỏ tiền ra học. Nhờ một người bạn cũ giới thiệu, tôi cũng kiếm được một chỗ tử tế để học. Học mấy tháng cũng làm được, nhưng chỉ ở mức hết sức bình thường. Tôi cũng chẳng cần biến nó thành một nghề chuyên nghiệp, tôi chỉ cần sống sót qua giai đoạn học hành áp lực này rồi kiếm việc gì đó thú vị hơn để làm. Không nhớ là để cầm được cái bằng trên tay thì tôi đã phải làm mấy ngàn bộ bàn tay, bàn chân của đủ loại khách hàng, đủ màu da quốc tịch. Tôi thực sự không thích công việc đó, tôi thề là tôi không thích, và đến khi nhận được thứ mình muốn, tôi đã đáp hết đồ nghề xuống sông Thames và thề không bao giờ làm nữa. Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi đã học được một câu tiếng Anh ý nghĩa nhất: “We do what we have to do”

Sau đó thì tôi kiếm được một công việc khá hay ho là viết bài thuê cho bọn lười học. Nhờ thế mà tôi vô tình được học thêm bao nhiêu chuyên ngành không phải chính của mình và kiếm khá tiền vì muốn viết bài cho bọn chúng là mình phải đọc sách thì mới hiểu mà viết. Những năm sau này, thông thạo cuộc sống hơn, tôi cũng kiếm được nhiều trò để kiếm tiền hơn; làm vài công việc văn phòng cho Tây, biết mua cái gì siêu rẻ ở Vietnam để mang qua UK bán siêu đắt, lời vài chục lần; biết Vietnam cần cái gì ở UK, và chỉ những người hiểu UK như lòng bàn tay thì mới biết mua ở đâu để gửi về Vietnam bán, bán chỗ nào lời nhiều nhất; thậm chí còn vươn tay về mở business ở Vietnam. Và sau đấy, trong một mùa hè đẹp trời, tôi chuyển sang làm local guide tiếng Việt cho các hãng du lịch của Anh; đây là công việc tôi thích vì nó thoả niềm đam mê đi lại khám phá và sử dụng đến vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá, lịch sử về nước Anh của tôi tích luỹ cả chục năm; và đặc biệt là kiếm được cực kỳ nhiều tiền. Một ngày đi làm guide cho hãng lương bằng cả tuần đi làm các công việc khác full-time. Mùa hè được nghỉ học đồng thời cũng là cao điểm du lịch; đắt show còn hơn ca sỹ vì cả nước Anh chỉ có vài người Việt làm được việc này một cách có uy tín. Tôi có thể một tháng vào lâu đài Windsor một tháng vài lần và kể sự tích về từng viên gạch, từng món đồ trong đó; có đủ vốn để mê hoặc mọi du khách về nền văn hoá lịch sử đầy màu sắc của Anh Quốc. Tuy vậy, không để hết trứng vào một giỏ, tôi vẫn có một công việc chính là làm quản lý cho một nhà hàng Việt Nam có tiếng ở London và tại đó tôi được tha hồ thực hành mọi kiến thức về quản trị và marketing hiện đại mà mình đã học. Tuy nhiên, đừng nghĩ quản lý là giống ở Việt Nam, đứng chỉ tay năm ngón và thu tiền. Bạn sẽ cần biết làm tốt mọi công việc trong chuỗi dịch vụ: thiếu người rửa bát bay vào rửa bát, thiếu người nướng thịt bay vào nướng thịt, thiếu người bartender bay vào pha nước, thiếu người dọn vệ sinh thì bay vào thông cống.....; không biết làm hết thì quản lý nổi ai. Tôi đã lăn lê bò toài bầm dập qua bảy cái nhà hàng để tự tin làm tốt những việc đó, mồ hôi và nước mắt không dễ gì đo được.

Nhưng làm gì thì làm, tôi vẫn luôn tự răn mình: Mình sang đây nhiệm vụ hàng đầu là để học; kiếm được gì thì kiếm, trải nghiệm gì thì trải nghiệm, nhưng học cho có thực chất vẫn là quan trọng nhất. Đừng bao giờ để tiền cám dỗ bạn ra khỏi đường băng của cuộc đời.

Nói tóm lại, khi bạn đã định đi du học thì hơn bao giờ hết hãy trung thực với chính mình, chính tương lai của mình. Và phải trả lời dứt khoát: bạn muốn học để có bằng cấp cống hiến nhiều hơn cho xã hội hay đơn giản là đi xuất khẩu lao động núp bóng dưới hình thức du học để kiếm tiền? Bạn muốn trở về hay bạn muốn nhập cư? Và quan trọng, bạn có đủ bản lĩnh để đi xuyên qua tất cả những điều tương tự như câu chuyện bên trên của tôi không, tất nhiên đó chỉ là một phần rất nhỏ? Không dễ chịu lắm đâu!

Các ông bố bà mẹ có tin là con mình sẽ đủ sức chống chọi ở một nơi bốn bề xa lạ mà không có tiền, hoặc rất ít tiền không? Nếu con bạn là củi, ném vào lửa, chúng sẽ thành than hoa hồng rực; còn nếu là lá, chúng sẽ thành tro bụi. Tất cả những câu hỏi đấy phải được trả lời với tất cả lý trí và sự tỉnh táo của chính bạn, chứ không phải bố mẹ bạn.

Các ông bố bà mẹ nếu mà nhận được chút tiền con cái gửi từ nước ngoài về thì khoan vội mừng, khoan vội khoe làng khoe xóm.....chậm lại một chút, sẽ ngửi thấy mùi mồ hôi mặn chát, mùi tủi cực, và cả mùi của những giọt nước mắt đã bị nuốt vào trong của những câu chuyện không bao giờ được kể ra. Tôi, cũng như hàng ngàn đứa con Vietnam khác xa nhà, đã luôn chỉ nói “Con ổn. Con tự lo được” vì không một ai muốn bố mẹ mình phải lo lắng, thương xót và rất nhiều chuyện, rất nhiều điều sẽ mãi mãi nằm ở bên kia biên giới như những kỷ niệm của những ngày thanh xuân đã qua. Câu chuyện của tôi, chưa bao giờ được kể với gia đình, chỉ là một phần rất nhỏ; tôi tự hào vì nó, những tháng ngày tôi hay nói là cực khổ nhất đời nhưng cũng là giá trị nhất đời. Nhưng có sao đâu, tôi tự chọn thế, và tôi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình; để thắng được chính mình, để bay và tiếp đất trên chính đôi cánh của mình chứ chưa một lần phải “bung dù”. Nếu được làm lại, tôi sẽ vẫn chọn như thế, chẳng sao cả, vui mà.

Gian khó, cám dỗ, áp lực, và cô đơn, là tất cả những người bạn đồng hành sẽ đợi bạn trên con đường du học, nhất là khi bạn có ít tiền. Bạn có dám mơ ước mơ của đời mình không? Cứ mơ đi, tuy nhiên, đừng bao giờ mạo hiểm một cách vô căn cứ, hãy mơ trong sự tính toán và tỉnh táo để không phải ân hận vì quyết định của mình; bằng cách ấy Du học sẽ thực sự là một cuộc vạn lý trường chinh để đời của tuổi trẻ.

Hoàng Huy

Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư https://www.facebook.com/1124978548/posts/10215100857691230?sfns=mo

#ChuyệnDuHoc#Mystories#ThangNamRucRo#London


PHẦN 1: CUỘC CHƠI HAY CUỘC ĐẦU TƯ?

“NHÀ ÍT TIỀN VẪN CỐ ĐI DU HỌC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ĐƯỢC, NHƯNG TRONG MƠ....CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC - PHẦN 1: CUỘC CHƠI HAY CUỘC ĐẦU TƯ?

Trước hết, xin được nói rằng bài viết này không phải là một gáo nước lạnh để dội vào ước mơ du học của các bạn trẻ Vietnam; ngược lại, với tư cách một cựu du học sinh đã từng sống- học- và trải nghiệm đủ lâu để thấu hiểu đến tận cùng về cuộc sống du học sinh, tôi chỉ mong muốn dùng chính những câu chuyện bé nhỏ của mình như một sự chia sẻ của một người trong cuộc để các bạn trẻ và các bậc phụ huynh hãy suy ngẫm một cách thật toàn diện và sâu sắc trước ngưỡng cửa du học, dù là bất kỳ quốc gia nào.

Với tôi, du học không phải là một cuộc vui, phiêu lưu theo trend sang chảnh như mọi người, đặc biệt là các bạn teenager trong nước hay nghĩ: một cuộc sống màu hồng tuyệt vời với những bức ảnh đẹp tuyệt vời, những toà nhà lộng lẫy, hay những quảng trường đẹp hơn tranh. Du học với tôi là một sự đầu tư chiến lược để thay đổi chính tương lai cuộc đời mình; và tôi may mắn là có một cố vấn đầu tư tuyệt vời, chính là Bố mình, một du học sinh Châu Âu thế hệ trước giỏi giang và dày dạn kinh nghiệm, người đã luôn vô tình truyền cảm hứng về một chuyến đi xa qua những câu chuyện không thể chân thật hơn từ những ngày còn bé xíu.

Và đã là đầu tư thì phải có vốn, có các bài toán để tính đến chuyện có lời, và có các phương án xử lý trong mọi tình huống xấu nhất có thể ra.

Trong gia đình tôi, câu mắng nặng lời nhất không phải là chửi rủa, lăng mạ, mà là một câu nói nghe có vẻ rất bình thường ở các gia đình khác: “Con chẳng có kế hoạch gì cả. Đàn ông mà thế ah?”. Và để tránh phải đón nhận câu nói mà với tôi là một sự sỉ nhục ghê gớm ấy, tôi đã âm thầm chuẩn bị bài toán cho riêng mình trong suốt 2 năm liền để bảo vệ trước Daddy Shark ; chứ không thể nổi hứng lên mà đi được, kể cả bạn có dư tiền. Tôi tìm hiểu đến nát các loại hình giáo dục các quốc gia không biết bao nhiêu ngàn giờ search - đọc - sàng lọc - phân tích dữ liệu; tôi mò mẫm vào không chừa một Group hay diễn đàn nào của cộng đồng người Việt và du học sinh bản xứ ở những nước tôi định lựa chọn, tôi liên hệ - tìm gặp bất kỳ ai đã từng đi du học trong vòng 10 năm trở lại để xin được nghe những câu chuyện của họ để đi tìm một bức tranh thật. Không có sự lựa chọn tốt nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất cho mỗi người.

Cuối cùng tôi chọn Vương Quốc Anh - một quốc gia có vẻ đắt đỏ bậc nhất, học phí không hề rẻ tại thời điểm đó vì tổng hoà các yếu tố: thời gian học ngắn nhất - chương trình học phù hợp - điều kiện an ninh/ổn định chính trị - môi trường văn hoá xã hội - khả năng tiếp cận với người thân trong các tình huống khẩn cấp (emergency case)......và quan trọng bậc nhất: điểm hoà vốn rõ ràng nhất và khả năng thu hồi vốn lớn. Bạn có thể không hình dung được rằng quyết định chọn đi du học một nước nào đó còn phải phân tích bối cảnh kinh tế và phát triển của 5 năm trước và sau thời điểm bạn dự kiến tốt nghiệp. Tôi đã nhấn mạnh “Con buộc phải đi Anh trong năm nay, vài tháng nữa có thể con sẽ mất cơ hội vì tổng đầu tư sẽ vượt khả năng chi trả dự kiến của con.” Quả thực tôi đã dự đoán đúng, sau khi tôi đóng full tiền học, đồng bảng Anh vọt từ quãng 26.000 VND/GBP lên gần 35.000 VND/GBP do kinh tế Anh vào guồng hồi phục sau suy thoái. Và lúc trở về, tôi cũng bán tống bán tháo toàn bộ số bảng Anh của mình có chỉ 3 tiếng trước khi công bố kết quả Brexit năm 2016 làm cho đồng Bảng rớt giá thảm hại từ 33.000 VND xuống dưới 30.000 VND.

Nói tóm lại, bạn có thể ghét Toán, bạn có thể dốt Toán, nhưng đứng trước những bài toán lớn của cuộc đời mình thì cố gắng; đừng có tính sai. Sai một ly trong tính toán du học, nó không đi một dặm đâu mà có khi còn chẳng thấy mặt trời luôn.

Về phương án chi trả cho cuộc đại đầu tư lớn nhất đời mình tính đến thời điểm đó, tôi đã xây dựng tới 5 phương án tài chính, trong đó vay tiền Bố được tính tới như phương án dự phòng cuối cùng. Và đến bây giờ, tôi vẫn giữ việc mình đi học thành công mà chưa bao giờ phải dùng tới Phương Án Cuối Cùng đó như một niềm tự hào nho nhỏ cho riêng mình. Vì sao lại nói là “vay” tiền Bố? Vì tôi thực lòng không muốn nhận từ Bố quá nhiều, với tôi, học đại học trong nước đã là đủ để kiếm tiền và tự tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, chỉ cần không lười biếng. Tôi không muốn nhận những đồng tiền từ tài sản của Bố tạo dựng bằng một đời trong sạch làm việc và cống hiến, mặc dù tôi tin Bố sẵn lòng cho tôi nếu tôi xin. Nhưng có vay thì chắc chắn sẽ có trả; còn cho - xin thì chưa chắc đã tạo ra lòng biết ơn.

Kết thúc buổi bảo vệ phương án đầu tư đó, Bố tôi hỏi “Con muốn Bố hỗ trợ gì con?”. Tôi nói “Con chưa muốn Bố trợ giúp gì lúc này, khi con cần tới, nhất định con sẽ gọi. Nhưng nếu có thể, con muốn Bố tặng cho con một món quà làm kỷ niệm.” Bố chở tôi đi mua, tôi chọn một đôi giày bảo hộ lao động có giá 150.000 đ, có mũi bằng sắt bên trong, nó hơi nặng nhưng rất chắc chắn, chịu được nước - chịu được cả tuyết sâu. Tôi muốn trong cuộc vạn lý trường chinh của mình sắp tới nơi xứ người, đôi giày nặng đó sẽ luôn nhắc tôi nhớ về Bố, về đất nước, về những mục đích tốt đẹp rõ ràng mà mình đã vạch ra ban đầu cho chuyến đi này.

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng về tài chính, tôi cất sang một bên để thực sự nhúng mình trải nghiệm vào một cuộc sống tự lập đích thực ở nước ngoài; để thử xem một người tay trắng sẽ xoay sở thế nào ở một đất nước xa lạ không ai biết bạn là ai, là con bố nào mẹ nào. Đúng hơn, là tôi muốn tự mình dạy cho mình một bài học cho “sáng mắt sáng lòng” - phải có một cái gì đấy khác biệt hẳn với cái cảnh cơm ăn không phải xới, đũa không phải lau, thiếu nước có người đút cho ăn, như ở nhà. Hơn nữa, cho đến năm 22 tuổi, tôi vẫn khá tự tin với khả năng xoay xở kiếm tiền của mình trong mọi hoàn cảnh; tôi muốn thử mình sẽ làm được cái trò gì ở xứ này để vẫn học hành đàng hoàng mà vẫn sống được như thể là không có tiền để dành.

Phần 2 của bài viết sẽ kể tiếp về chuyện đôi giày của tôi đã đi những đâu, làm những gì những năm tháng ấy, những điều mắt thấy tai nghe, những gam màu thật nhất của đời sống mưu sinh của du học sinh - những chuyện ít người kể, để mọi người có thể tự suy ngẫm về quyết định cho riêng mình.

Hoàng Huy


Người ơi người ở đừng về..Du học có nên trở về hay không?

NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ......


NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ......

Có vẻ mấy hôm nay, bài dân ca này lại trở lại thành bài hát được yêu thích và bình luận nhiều sau khi báo chí và cộng đồng mạng đưa lên việc TS Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ, rời nước ngoài về quê hương, chỉ vì muốn chuyên tâm làm khoa học, từ chối làm lãnh đạo mà bị coi là "có vấn đề về thần kinh" lại thêm một bài báo phỏng vấn TS Nguyễn Thành Vinh, cựu Á Quân Olympia, về chuyện "Đừng hỏi vì sao chúng tôi không trở về?".

Cộng đồng du học sinh một lần nữa phân hoá khá rõ qua những phát ngôn này.
A. Đúng, về làm gì. Vietnam blah blah.....
B. Không, phải về chứ. Vietnam là quê hương.....
Mình không phải A không phải B mà đơn giản nói tiếng nói của mình. Không động viên người về và cũng không an ủi kẻ đi.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn cá nhân. Không có lựa chọn nào tuyệt đối đúng và cũng không có lựa chọn nào tuyệt đối sai, nhưng về cơ bản, ở một khúc quanh nào đó trên cuộc đời mình, bạn buộc phải lựa chọn- một quyết định của riêng mình. Và một khi đã lựa chọn, xin bạn vui lòng đừng hối hận, đừng dằn vặt bản thân và cũng đừng ồn ào than thân trách phận.

Nếu bạn chọn đúng, ok, chúc mừng bạn, bạn là người may mắn, bạn hãy hạnh phúc với con đường ấy nhé.
Nếu bạn chọn sai, không có nghĩa bạn là người không may mắn, không có nghĩa là bạn có quyền hối hận, trách móc và đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho cơ chế, cho ABC đã làm bạn XYZ. Đó là sự lựa chọn của chính bạn mà.

Cuộc đời không quá dài và không đủ hào phóng để cho mỗi chúng ta nhiều thời gian để có thể nâng lên, đặt xuống nhiều lần những thiệt hơn trong mỗi quyết định của mình.
Cuộc sống hiện đại và nhịp sống cuồn cuộn trôi bây giờ ngày càng giống như đi siêu thị hơn là đi chợ, bạn cần nhanh chóng quyết định- bỏ vào giỏ - thanh toán và đi, hơn là đứng mặc cả, thêm bớt, kỳ kèo để được thêm chút lợi ích nhỏ, sau đó lại hối hận đòi trả lại chính món hàng mình đã mua.

Tuy nhiên, với những bạn đã ra đi bằng học bổng nhà nước bằng tiền thuế của nhân dân, và nhất quyết không chịu trở về và cũng không chịu bồi thường, với cái lý do "là công dân toàn cầu thì ở đâu chẳng đóng góp được" thì tốt nhất các bạn nên nghĩ lại. Muốn trở thành công dân toàn cầu, trước hết bạn phải là công dân có trách nhiệm với chính quốc gia đã sinh ra bạn, đã nuôi bạn lớn khôn, và dành những đồng ngoại tệ quý báu từ mồ hôi của nhân dân để gửi các bạn đi học với niềm kỳ vọng "những hạt giống đỏ" sẽ trở về xây dựng quê hương. Nếu không trở về và cũng không chịu bồi thường, có lẽ tự các bạn đó đã tự đeo cho mình tấm mặt nạ của "những Chí Phèo thời hiện đại" - những tội phạm tham ô mang danh trí thức. Không chỉ chiếm đoạt tiền bạc của ngân sách mà còn là phản bội lòng tin của nhân dân. Các bạn cam kết những gì, hứa hẹn những gì khi "xin" học bổng, các bạn có nhớ không? Nếu không nhớ nổi, xin đừng ký kết vào những điều mình không thực hiện được. Tiền bạc và lòng tin của nhân dân đều có hạn. Đừng chọn cách đó để làm người Việt Nam khác biệt với người Hàn, người Nhật, thậm chí ngay cả với người Trung.

Cá nhân mình, trở về Việt Nam vì.........mình là một người tham lam, và chỉ yêu những gì trọn vẹn.
Trong định nghĩa hạn hẹp của mình, sống và làm việc ở nước ngoài với một môi trường yên bình, thu nhập tốt, xã hội văn minh là một điều may mắn và hạnh phúc, tuy nhiên lại là một thứ hạnh phúc chưa trọn vẹn. Mình chỉ cảm thấy trọn vẹn khi và chỉ khi ở Việt Nam, vậy là mình trở về. Vậy thôi!

"Saigon đối xử với anh như thế nào?"- một cậu em vừa khoe không khí Giáng Sinh ở London nhưng cũng không quên hỏi thăm mình như vậy...
"Sài Gòn ngày nào cũng tử tế với anh bằng rất nhiều thứ nắng ấm mà anh rất thèm rất nhớ khi ở trời Âu, thỉnh thoảng cũng cho giải khát bằng những cơn mưa ào ào như trút nước lúc chiều về. Nóng, kẹt xe dữ lắm, nhưng cơ bản anh thấy vui......"

Và ngoài kia dòng đời vẫn trôi, dù sự lựa chọn của bạn là gì. Hãy mỉm cười và đi về phía trước.

Hoàng Huy


Học để làm gì?

Viết nhân mùa khai trường thứ 20: HỌC ĐỂ LÀM GÌ??

Viết nhân mùa khai trường thứ 20:  HỌC ĐỂ LÀM GÌ??

 

Hôm nay, 5/9/2013, ngày khai trường lần thứ 20 của mình (mặc dù ở Vietnam người ta phải khai giảng sớm để chạy cho kịp chương trình, còn bên này thì hình như chẳng có khai giảng, chỉ có cái gọi là Enrollment Day – Ngày nhập học – nhận lớp, nhưng mình vẫn luôn mặc định ngày này là sự khởi đầu của một năm học mới).

Và vẫn luôn tự hỏi và đi tìm câu trả lời một câu hỏi quan trọng:Học để làm gì???

 

Nhớ lại…..

Chuẩn bị vào cấp 1 (lần đầu tiên hỏi phụ huynh):

Con: Mẹ ơi, mai con sắp phải đi học ạ, nghỉ hè thêm được không, con thích ở nhà hơn, mà học để làm gì hả mẹ???

Mẹ: Phải đi học chứ con, các bạn con đều đi học, con phải đi học để biết chữ, để trở thành người tốt,thành người hiểu biết.

Sau mới biết mẹ trả lời chưa đủ: Một số người còn biết chữ trước cả khi đi học, báo đài đăng nhiều; và có cả những người, học hành không đếnnơi đến chốn thậm chí chưa bao giờ đi học, họ vẫn là những người rất tốt và cũng rất hiểu biết.

 

Thật vậy, hầu hết chúng ta đều đi học, dù là 1 năm hay 12 năm hay cả cuộc đời nhưng có lẽ ít người dành thời gian mà tự định nghĩa cho nghiêm túc một điều vô cùng quan trọng: Học để làm gì???

Mỗi người có một cách trả lời riêng nhưng với mình, hình như đó mỗi câu trả lời chỉ nói một ý, chưa bao quát hết được ý nghĩa to lớn của sự học.

 

Rất nhiều người nói học để làm giàu, nhưng thực tế nhiều người giàu có mà không hề qua trường lớp, hoặc một số người khác vì may mắn (trúng độcđắc chẳng hạn) đột ngột trở nên giàu có mà chẳng cần phải học. Và cũng có rất nhiều người học nhưng cũng chẳng giàu. Nhưng lại có rất nhiều tỷ phú đã rất giàu có nhưng vẫn tiếp tục học? Vậy học để làm gì?

 

Khẩu hiệu ở Vietnam nói: Học để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc,để ngày mai lập nghiệp. Vậy thì những người không quốc tịch (stateless) thì không cần phải học rồi, bởi vì họ đâu có Tổ Quốc nào đâu để xây dựng và bảo vệ.Và nhiều người nghỉ hưu và thành đạt họ vẫn tiếp tục học, mặc dù họ đã lập nghiệp xong rồi? Vậy học để làm gì?

 

Một số thầy cô giáo nói: Học để sau này có nghề nghiệp, có thể nuôi sống bản thân và gia đình.  Vậy thì thôi, mai sẽ nghỉ, không học nữa, vì mình đã có nghề nghiệp rồi, thu nhập tốt rồi. Thế mà bao nhiêu người vẫn theo học các lớp vừa học vừa làm? Vậy học để làm gì?

 

Trong trại cải tạo nói: Học để hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt. Nhưng vẫn có người thụ án chung thân (có thể sẽ không bao giờ trở lại thành công dân nữa), thậm chí chờ ra pháp trường (có thể sẽ không bao giờ trở lại làm người nữa), vẫn tiếp tục học. Vậy học để làm gì?

 

Mình nói: HỌC ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO –ĐƯỢC GIẢI THOÁT

(Learning sets you free from many things. At least, it gradually sets you free from what you haven't known )

Thật vậy, suy cho cùng, cái đích cao nhất của sự học là mang lại cho chính chúng ta tự do hoặc nhiều tự do hơn trong cuộc sống này.

  • Ngày bé, nếu bạn học được cách tự rửa tay, bạn sẽ không cần mẹ giúp

(When you were a young boy/girl, learning how to wash your hands properly sets you free from your mom’s help to do that)

  • Nếu bạn học và biết lái xe, chắc chắn không thể làm giàu ngay được nhưng sẽ làm cho bạn không bị ràng buộc bởi người tài xế.

(Learning how to drive sets you free from drivers)

  • Nếu bạn học và kiếm được tiền, thậm chí làm giàu được từ những gì bạn học, bạn sẽ không bị rang buộc bởi sự đói nghèo, thiếu thốn.

(Learning how to make money sets you free from poverty)

  • Nếu bạn học và thông thạo ngoại ngữ, bạn sẽ không bị ràng buộc bởi những cuốn từ điển và những người phiên dịch

(Learning a language sets you free from translator and dictionaries)

  • Nếu bạn học chơi một nhạc cụ, chắc khó mà làm giàu được hay đảm bảo bạn là một công dân tốt, nhưng chắc chắn làm cho tâm hồn bạn được giải thoát khỏi sự nhàm chán và mệt mỏi.

(Learning how to play the musical instrument sets your soul free from boredom and tiredness)

  • Nếu bạn học được cách kiên nhẫn, bạn sẽ được giải thoát khỏi những quyết định sai lầm vội vã

(Learning how to be patient sets you free from wrong decisions made in a rush)

  • Nếu bạn học được cách chấp nhận cuộc sống, bạn sẽđược giải thoát khỏi sự thất vọng, bất mãn

(Learning how to accept the way your life is going on sets you free from disappointing moments)

Nói chung, với mình, học là phương tiện ngắn nhất để tìm kiếm tự do, có thể là tự do cho một cá nhân hay cho cả một dân tộc. Đó là lý do ta rất nên đi học, và càng cần phải học khi thấy cuộc sống của mình còn thiếu thốn những sự tự do cần thiết.

 

Còn bạn, bạn đang học để làm gì????

 

 

Southampton, Vương Quốc Anh ngày 05/09/2013

 

Hoàng Huy.