Tet
CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM: TẾT Ở TRONG LÒNG.
Với một người ngày nào cũng là Tết như mình thì Tết không có gì đặc biệt ngoài việc được trọn vẹn dành thời gian bên gia đình, được quanh quẩn bên Bố như con mèo con cọ đầu vào chân chủ sau bao ngày lang thang xa cách, và cũng là dịp tĩnh lặng để dọn dẹp khu vườn tâm trí bên trong chuẩn bị cho một năm mới an yên xanh mát. Thực ra thì ngày nào mình cũng âm thầm chăm sóc cho khu vườn ấy để bản thân luôn được tận hưởng sự thảnh thơi, nhẹ nhàng trong từng phút giây giữa điệp trùng công việc, mình trang hoàng nơi ấy bằng những điều tốt đẹp nhỏ bé bắt gặp trong cuộc sống thường ngày như cái cách người ta gom từng chú đom đóm để làm sáng cả khu rừng.
Sáng sớm ngày mồng Một, đứng sau một bà cụ tóc bạc trắng trong sân chùa trước tượng Đức Phật Bổn Sư, bà cụ khấn thành tiếng rõ to át cả tiếng người khác, vài người có vẻ khó chịu trong đó có mình, nhưng đến khi nghe thấy “Xin Phật phù hộ cho con trai con tên là……và con dâu tên là…và hai cháu XX YY được mạnh khoẻ, bình an. Con trai con đang bị bệnh tim phải phẫu thuật, xin Trời Phật linh thiêng chuyển hết bệnh tật cho con gánh thay, con già rồi chết cũng được, chỉ mong cho con con được khoẻ mạnh tiếp tục sống để nuôi vợ nuôi con”. Không biết Phật có thấy bà lão ngân ngấn nước mắt không, nhưng vài người sững lại trong đó có mình. Quả thực là trên đời này không có gì đẹp hơn Tình mẫu tử, nó đẹp hơn tất thảy những bông hoa mùa xuân, và ấm áp hơn tất cả những tia nắng đầu tiên của ngày năm mới. Lời khấn nguyện của bà lão như hồi chuông chánh niệm đưa mình về thực tại: giữa muôn vàn những điều có giá mà chúng ta vật lộn để đua tranh mỗi ngày có một điều vô giá mà nhiều khi chợt quên mất: người thân của chúng ta còn mạnh khoẻ và ở đây. Họ còn ở đó bên ta, có mặt cho ta, xin đừng hờ hững, xin đừng xem thường và đừng bắt họ chờ đợi. Bây giờ và ở đây, hãy trân quý từng phút giây có nhau.
Chiều tối ngày mồng Hai, ngồi ở một quán ven đường để ăn món ăn ưa thích, minh thấy lạ là ngoài bà chủ quán thì còn lại toàn là “nhân sự” trẻ con. Bọn nhóc chắc chỉ lớp 1 lớp 2, đứa lớn nhất chắc lớp 3 tất bật như những lao động thực thụ. Đứa thì mang rau cho khách, đứa thì lấy nước. Không xúng xính quần áo đẹp, không ngóng trông bao lì xì, đám trẻ của một gia đình buôn bán bước vào đời thật sớm khi mà nét vô tư vẫn còn đầy trong ánh mắt xanh trong. Tụi nhỏ vui vẻ, nhanh nhẹn và có phần hăng hái trong việc được giúp mẹ bán hàng ngày Tết mà không một lời trách móc. Mình nhìn sâu thấy bóng hình những công dân trưởng thành và năng động của ngày mai; thành công hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắc sẽ thành nhân bởi vì không có gì có thể ngăn nổi sự phát triển và tự tin vào đời của những đứa trẻ sớm hiểu chuyện. Tụi nhỏ vài hôm sẽ quên mất năm nay thu được bao nhiêu tiền lì xì, nhưng vài chục năm nữa anh em chúng sẽ vẫn nhớ đã từng cùng với mẹ là “lao động chính” đích thực ngày Tết như thế nào. Mấy nhóc không chỉ đưa cho mình một món ăn, mà đã đưa cho mình cả một mùa xuân về.
Cuộc sống vẫn luôn như vậy, như một cây thường xuân xanh ngắt không ngừng vươn cao, dù nắng gắt hay mưa giông thì vẫn bám chặt vào từng năm tháng với những điều tốt đẹp nhỏ bé luôn ở đó quanh ta bất kể ta có nhận ra hay không. Có khổ đau, có vất vả, có chông gai nhưng trong khổ đau có sẵn mầm của hạnh phúc, trong vất vả ươm sẵn mầm của thành công, và sau chông gai thường là hoa nở rực rỡ. Mở rộng trái tim, nhìn trong tỉnh thức, ta nhận ra Tết đã ở trong lòng…
Mong một năm mới An sẽ đến với muôn nhà, và dù bận đến mấy, khó đến mấy, mệt đến mấy cũng đừng quên ngắm nhìn thế giới xung quanh để thấy rằng, dù có thế nào, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, đã ở sẵn đó và chờ ta nhận ra trong hạnh phúc - một thứ hạnh phúc không cần đấu tranh, giành giật, hạnh phúc của những trái tim hồng.
LỜI TẠM BIỆT KHÓ NÓI
Mỗi năm, mình chắc phải nói đến vài ngàn lần “Tạm biệt!”, với bạn bè, đồng nghiệp, mỗi ngày…Nhưng hôm nay, để Tạm biệt người bạn thân thiết nhất để tiếp tục một hành trình năm mới, sao mà thật khó - cái khó chung của những đứa con sống xa bố mẹ mỗi khi lên đường.
Tết vui thật đấy, nhưng khi con cái chào Tạm biệt để lên đường thì cũng là lúc mùa xuân của cha mẹ chợt tắt, và những tháng ngày ra ngóng vào trông lại bắt đầu. Một năm của những người có con xa nhà, hình như không có đủ 4 mùa, chỉ còn lại có 2 mùa: Mùa chờ đợi và Mùa đoàn viên.
Lần trước chia tay, mình nói Tạm biệt và rồi 720 ngày sau bố con không được gặp nhau vì Covid đột ngột ập đến, những chuyến bay thưa thớt dần, rồi những ngày Saigon liêu xiêu vì đại dịch. Thế nên, lần này mình sợ. Tạm biệt - ấy là bao lâu?
Công nghệ hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế tình thân, không thể thay thế những buổi chiều đông lạnh ngồi uống với Bố chén trà cúc và kể cho Bố những cuộc phiêu lưu, những sự chuyển xoay mà mình đã đi qua. Ở cạnh Bố mình được cái quyền bất khả xâm phạm: quyền được nhỏ lại, được thương. Bố vẫn như chiếc radio bền bỉ của lịch sử - của truyền thống cha ông - của những năm tháng thanh xuân rực rỡ trời Âu và mình thì vẫn là thính giả trung thành bậc nhất. Ngày thơ bé nghe để lấy học khôn để lớn, giờ trưởng thành thì lắng nghe để thu lại những ký ức, để luôn nhớ được rằng mình đã may mắn có một người cha tuyệt vời đến thế. Dù Bố có nói 5 lần một câu chuyện cũ, mình vẫn háo hức nghe, để Bố biết rằng mình đang toàn tâm có mặt ở cạnh Bố, bây giờ và ở đây. Sự hiện diện của Bố trong phút giây hiện tại là món quà vô giá nhất.
Năm nay là tròn 24 năm câu chuyện Gia đình của mình chỉ còn hai nhân vật: Bố và Con, 24 năm Bố thực hiện xuất sắc cả hai vai trò vừa làm Cha vừa làm Mẹ; vẫn chưa có tấm huân chương nào được trao. Dù vào Nam ra Bắc, đi Tây về Đông, Bố luôn ở đó, đợi chờ, nhẫn nại và bao dung: cả 12 năm được ở gần Bố và lẫn 12 năm chỉ sống xa nhà.
Có lẽ, cũng cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời gian, sự bất ngờ của cuộc sống, hôm nay Bố nhất định đòi tiễn mình ra sân bay dù chỉ là một chặng bay nội địa ngắn ngủi và mình ra sức ngăn cản vì sợ trời lạnh. Bố đã tiễn mình bao lần, lần nào cũng đợi khuất bóng sau phòng cách ly mới chịu ra về. Chỉ dám ôm Bố một cái thật chặt và mong đất trời gìn giữ Bố để thật nhiều cái Tết nữa sẽ vẫn còn Bố ở bên, để được thương, để được là đồng minh thân cận nhất trần đời của Bố.
Tạm biệt Bố và Hải Phòng thân thương!
Một hành trình mới, lại bắt đầu.
An
Trong buổi thiền hành sáng nay, mình tình cờ bắt gặp bông hoa nhỏ này trong khuôn viên chùa và dừng lại rất lâu để nhìn ngắm em. Em chưa phải là một bông hoa hoàn chỉnh dù đã thấp thoáng mang dáng hình của một bông hoa; không nghi ngờ gì nữa, có lẽ chỉ vài tháng tới, em sẽ hoá thành một bông hướng dương cực kỳ xinh đẹp, kiêu hãnh dưới ánh mặt trời.
Không biết lúc đó, em còn nhớ tới những ngày em còn là chiếc hạt bé xinh kề vai sát cánh với hơn 2000 hạt khác trong nhuỵ lớn của hoa Mẹ.
Không biết lúc đó, em còn nhớ tới dòng nước ấm 3 sôi 2 lạnh đã ấp ôm em suốt 8 tiếng đầu đời để nảy mầm, khai nở một cuộc đời mới như một cây hoa độc lập.
Không biết lúc đó, em có còn nhớ tới bóng dáng người đã bao ngày tưới nước, bón phân, dọn cỏ, chở che để chờ em ngày nay cứng vững, hiên ngang đứng thẳng giữa trời.
Chúng ta cũng vậy, ai cũng là một bông hướng dương xinh đẹp trong cuộc đời này, bất kể màu da, chủng tộc, giàu nghèo hay trình độ. Và chúng ta cũng không tự nhiên mà thành được “hướng dương” như hôm nay.
Bông hoa mẹ là cha mẹ bao ngày sinh thành, dưỡng dục; 2000 hạt nhỏ như anh em trong nhà; dòng nước ấm như thầy cô dạy dỗ; người chăm tưới như những người tốt ta đủ duyên lành để được gặp trong đời; và cả những cơn mưa, những đợt gió lạnh nữa - những khó khăn, thử thách nếu không vùi dập nổi thì lại làm ta khôn lớn từng ngày, mạnh mẽ và cứng vững hơn. Quên mất những điều đó, ta không còn là ta nữa.
Hướng dương là một loài hoa AN đến lạ. Sau thảm hoạ sóng thần tàn phá các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản; hàng triệu bông hoa hướng dương đã được trồng mới, bởi lẽ loài hoa tưởng chừng như yếu ớt này lại làm được một điều phi thường: hấp thụ các chất bức xạ hạt nhân để làm không khí trở lại trong lành, hồi sinh cuộc sống yên bình.
Con người cũng vậy, dù cuộc sống có tăm tối tới đâu, vẫn luôn có chỗ cho niềm tin và hi vọng về những điều tốt đẹp. Trời đất cho chúng ta biết lạc quan, cũng giống như cho hướng dương luôn biết tìm về hướng có ánh sáng mặt trời. Bình tĩnh sống, lặng lẽ cống hiến và điềm nhiêm toả sáng, chúng ta đã là hướng dương.
An, là điều duy nhất mình gửi gắm trong những lời cầu nguyện đầu năm. An không chỉ cho riêng mình hay gia đình mình, mà là An cho tất cả chúng ta. Covid dạy cho chúng ta một bài học ngàn năm không quên: Không ai hay quốc gia nào có thể An một mình được, vì chúng ta, luôn cần có nhau, nương tựa vào nhau và sống vì nhau.
Chúc bạn của tôi, dù quen hay lạ, dù gặp hay chưa, hãy luôn sống như bông hoa hướng dương kiêu hãnh tuyệt vời, luôn tìm được An hài hoà trong cái An chung của đồng loại, và sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của sự VỪA ĐỦ trong cuộc sống tuyệt vời này.
Chúc mừng năm mới 2022!
02/02/2022
TẾT TRONG YÊN LẶNG
Năm nay là năm thứ hai mình thực hành Tết trong yên lặng, và mình cảm nhận được đủ đầy hơn mùi vị của hạnh phúc từ điều đó.
Yên lặng trước những tiếng zô zô chúc tụng, yên lặng trước những tiệc tùng triền miên, yên lặng giữa những ồn ào vội vã của đám đông, yên lặng làm ta nghe được nhiều hơn; nghe được tất thảy và nghe được chính mình, những điều mà ngày thường chưa kịp nói đã bị hơi thở gấp gáp của cuộc sống cuốn phăng đi. Yên lặng không phải là chạy trốn, yên lặng là gieo hạt để an nhiên nảy mầm.
Một năm với quá nhiều những chuyến đi triền miên sẽ làm ta muốn thương yêu ngôi nhà của mình hơn bao giờ hết. Tiếc cho khóm hoa trước nhà tươi đẹp cả năm mà vắng thưa người ngắm, mình đi về thì hoa cũng đã ngủ rồi. Thương cho nắng ngoài ban công, rớt xuống quanh năm mà chỉ được hứng đầy đôi lúc. Tội cho những vị trà mới lạ khắp bốn phương đã sưu tầm được về nơi góc bếp mà còn chưa kịp nếm qua..
Ngoài kia thì sao?
Tết là dịp hiếm hoi nhất trong năm cho mình cơ hội được lặng ngắm một Saigon bình lặng; Saigon những ngày này được tạm thời trút bỏ gánh nặng là anh Hai của cả nước khi những đứa em lần lượt về quê nhà đón Tết; Saigon được nghỉ ngơi - được giải phóng dù chỉ trong vài ngày, một thoáng thảnh thơi, sau cả năm trọn vẹn nghĩa tình, gồng gánh áo cơm cho hơn 10 triệu con người.
Tết đẹp vì nhìn ai cũng vui, cũng lấp lánh nơi đáy mắt màu của hi vọng, dù đang là bệnh tật hay khốn cùng. Tết tinh tế nhắc khéo người ta: còn hi vọng là còn tất cả, mất gì thì mất chứ đừng bao giờ đánh rơi hi vọng. Tết nhiều khi làm người ta bận rộn một cách không cần thiết mà quên đi một việc quan trọng: giữ tâm trí trong trẻo và yên bình, sẵn sàng cho một khởi đầu mới. Sự tĩnh lặng từ giúp ta thanh lọc thật nhẹ, thật sâu những lo âu, phiền não để lưu giữ lại những gì thảnh thơi, yên bình nhất cho riêng mình.
Đã từ nhiều năm nay, mình chọn sống theo kiểu “Tết hoá ngày bình thường, và bình thường hoá ngày Tết”, thấy hạnh phúc, thoải mái hơn hẳn. Nhà dọn được đến đâu thì dọn, mệt thì ngưng. Nấu được món gì thì ăn món đó, nhiều thì nghỉ. Thích gì thì làm ngay, chẳng cần đợi Tết làm cớ.
Cần cố gì thì cố ngay, chẳng cần đợi năm sau mới cố. Cứ như thế, ngày nào cũng là Tết, mà Tết cũng giống ngày nào. Nhẹ nhàng và an vui.
Đôi hôm nữa, dù có níu kéo thì Tết cũng sẽ tạm dời đi, tận năm sau mới lại. Dù có chăm xé lịch hay không thì Tết sẽ vẫn đều đặn tới. Tới để nhắc chúng ta về dòng chảy không ngừng của thời gian, nhắc chúng ta hãy thương nhau, yêu nhau, tha thứ nhau mỗi ngày chứ đừng chờ đến Tết, nhắc chúng ta giữ gìn mình và giữ gìn đời trong trân trọng và biết ơn, giữa ồn ào cũng như khi thinh lặng.
Đón Tết vào mình và đón mình vào Tết, của mỗi ngày và của mỗi chúng ta.
Mùa xuân mới đang bắt đầu....
#Tet#PeacefulNewYear#Quietness#Saigon#FirstPost2020
Tết - mùa thứ năm.
Hôm nay một bạn khoai Tây hỏi mình "What's your Tet ?" (Tết của chúng mày là cái gì thế?) chắc tại nó cứ nghe thấy người Việt cứ nhắc đến từ đó và mang thứ bánh màu xanh gói trong lá cây ra ăn với nhau.
Mình đã trả lời "Just for me, Tet is the fifth season in a year" (Với tao, Tết là mùa thứ năm trong một năm).
Thật vậy, nói Tết là mùa xuân thì cũng chỉ đúng với người Việt thôi, còn người Châu Âu lại ăn Tết vào mùa đông tuyết rơi, người Úc châu lại đón Tết giữa nắng chói chang, và ở đâu đó trong rừng rậm châu Phi, có bộ lạc còn đón Tết của họ vào giữa mùa thu, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Vậy nên nói Tết là mùa thứ năm, một thứ mùa lạ, mùa riêng cũng là đúng.
Mùa thứ năm ấy.....
.......có thể gọi gọi là mùa yêu thương, vì mọi giận hờn đua tranh trong cả một năm đều gác lại, nhường chỗ cho yêu thương đong đầy.Ai cũng cố gắng rộng mở, bao dung, bỏ qua những chuyện cũ, tha lỗi cho nhau, trao nhau những nụ cười ngày Tết.
Mùa thứ năm ấy......
......là mùa tưởng nhớ, là dịp của để cháu con nhớ về tổ tiên, ông bà; con cái nhớ về cha mẹ, để hiện tại bày tỏ lòng thành kính của mình với quá khứ.
Mùa thứ năm ấy.....
......là mùa hi vọng, mọi thất bại, rủi ro, những chuyện buồn của một năm đã qua sẽ được để lại, những nguyện cầu, ước vọng cho một năm mới tốt lành hơn sẽ đến.
Nhưng, mùa thứ năm ấy....
.....với những người con xa quê như mình thì lại gọi là mùa trở về- mùa đoàn viên. Người không trở về tức là không có Tết. Dù có đủ đầy vật chất đến mấy mà không trở về thì cũng có nghĩa là Tết chưa tới.
Với những kẻ tha hương,trong cả năm họ có thể trốn chạy nỗi nhớ nhà trong bộn bề công việc, giữa những lo toan trăm bề, nhưng khi Tết đến Xuân về, thì chỉ còn trần trụi lại nỗi nhớ nghẹn lòng về quê hương, gia đình. Đã bốn cái Tết xa nhà, cũng đã đủ cứng vững để cầm giữ những cảm xúc, học được cách ăn Tết bằng ký ức, hồi tưởng nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về thời khắc giao thời thiêng liêng mà mình vẫn còn ở rất xa. Với mình, đã xa rồi cái tuổi háo hức đợi chờ Tết đến để được mừng tuổi, để được đưa đi chơi………….chỉ mong được trở về, được chăm lo đủ đầy cho gia đình thương yêu; Tết là tấm áo mới cho Bố, là cành hải đường đẹp nhất cho ông nội, là buổi chiều cuối năm đứng bên mộ Mẹ để báo cáo những việc đã làm được trong một năm.
Thêm một mùa thứ năm nữa đi xa, thêm một mùa đoàn viên chưa trọn vẹn, nhưng hẹn sẽ trở về để đắp đầy lại những nhớ nhung, xa cách.
Yêu thương vô cùng, Việt Nam – nơi giữ Tết của tôi. Chúc mừng năm mới.
Viết từ nơi Tết chưa về.