Transparency
GÓC SUY NGHĨ CUỐI TUẦN: LÀM TỪ THIỆN CÓ KHÓ KHÔNG???
Những ngày đầu tiên thực hiện dự án Bánh mỳ Saigon 0đ, một người anh lớn kiêm thầy giáo của mình đã nhắn “Làm người tốt đã khó, làm việc tốt còn khó hơn”. Càng ngẫm càng thấy điều anh nói thực sự rất đúng!
Mình chưa bao giờ và cũng không bao giờ mong muốn trở thành một nhà từ thiện chuyên nghiệp (professional philanthropist) dù trước đó thỉnh thoảng cũng đã chủ trì vài dự án tình nguyện dưới danh nghĩa cá nhân hoặc CSR dưới danh nghĩa doanh nghiệp; mình chỉ là một người bình thường muốn làm điều gì đó tốt lành, dù nhỏ bé, cho những người xung quanh mình. Và trong bài viết này, xin chia sẻ đôi điều suy nghĩ về chuyện làm từ thiện.
Nhiều người nghĩ rằng khởi tâm làm một điều tốt lành cho cộng đồng, cho xã hội thì có chi mà khó. Đúng, suy nghĩ tốt đẹp khởi phát trong tâm mỗi người là rất dễ vì bản chất con người là hướng thiện, nhưng chuyển hoá những suy nghĩ đó thành hành động thiện lành cụ thể - kịp thời và hiệu quả là một câu chuyện không hề đơn giản, đặc biệt là khi bạn kêu gọi sự chung sức của nhiều người.
1. Cái khó thứ nhất, đó là ở Việt Nam, chưa có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể chi tiết cho hoạt động từ thiện từ xuất phát từ cá nhân ngoài Nghị định 64/2008/NĐ-CP và vỏn vẹn điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định các cá nhân, tổ chức có thể ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện công việc nhất định, bao gồm việc từ thiện. Và những gì nhà nước không cấm thì người dân được phép làm, mà trăm hoa đua nở, mỗi người tự phát làm theo một cách riêng, theo lý trí và trong nhiều trường hợp là theo cảm tính; mà cảm tính là mảnh đất màu mỡ cho những sai sót.
2. Cái khó thứ hai, đó là việc tổ chức và điều hành một dự án từ thiện, nếu muốn hiệu quả, về bản chất, vất vả không kém gì việc vận hành một doanh nghiệp hoàn chỉnh, có khác chăng thì đó là một doanh nghiệp phi lợi nhuận - có thu, có chi, có quy trình chặt chẽ. Dù bạn làm Bếp từ thiện hay Bánh mỳ Saigon 0đ thì bạn đều phải tổ chức Gây quỹ (Fund-raising), Quản lý ngân sách (Budgeting), Thu mua (Purchasing), Tổ chức chuỗi cung ứng (Logistics), Huy động và quản lý nhân sự (Human Resources), Truyền thông (Media), Lập kế hoạch (Planning) và đặc biệt, Giám sát (Supervising) và Báo cáo (Reporting). Mọi hoạt động đó diễn ra song song và chịu nhiều áp lực về tính bức thiết của thời gian, rất nhanh và dồn dập. Và những kỹ năng đó, không phải ai cũng có hoặc đã biết từ trước. Có thể bạn chưa biết rằng Làm từ thiện ở nước ngoài là một Nghề (Job for Living), được đào tạo bài bản trong trường lớp; thậm chí CEO của các tổ chức từ thiện đa quốc gia còn hưởng lương cao ngất ngưởng chứ họ không hề làm không công như ta nghĩ; tiền quyên góp được họ trừ hết chi phí vận hành trước sau đó mới phân bổ vào các dự án từ thiện.
3. Cái khó thứ ba và lớn nhất, đó là sự MINH BẠCH, là chiến đấu lại chính tham- sân- si trong mỗi con người để tự bảo vệ danh dự của chính mình. Ở một đất nước mà khủng hoảng nào thì cũng đã kết thúc, chỉ có khủng hoảng niềm tin là vẫn kéo dài thì Minh Bạch - Minh Bạch và Minh Bạch luôn là vấn đề sống còn gắn liền với danh dự và uy tín của những người làm từ thiện. Mọi chuyện chỉ đơn giản nếu như 100% nguồn lực là của bạn, tiền từ túi bạn và người làm là người thân, bạn bè hay nhân viên của bạn, sẽ không ai có quyền đòi bạn sao kê cả. Còn khi bạn đã nhận, dù chỉ 100đ từ người khác, tức là bạn đã nhận một trách nhiệm rất lớn trước cộng đồng. Dù có là ngôi sao hạng A hay là bần nông hạng bét như Hoàng Huy thì cũng đừng có nói câu “Anh/Chị không tin em ah?”. Người Việt cực kỳ hay dùng câu đó để chặn đứng nghi ngờ của đối phương. Cá nhân mình quan niệm, niềm tin chỉ có giá trị khi nó được trân trọng và bảo vệ bằng những nguyên tắc. Về luật, chỉ cần người ta góp cho bạn 100đ trong số vài trăm tỷ mà bạn nhận được, người ta vẫn có quyền yêu cầu bạn phải báo cáo, giải trình việc bạn đã dùng số tiền đó làm gì, có đúng như cam kết không đã công bố không (Khoản 1 điều 568 Bộ luật Dân sự 2015)? Ví dụ, bạn kêu gọi tiền để ủng hộ miền Trung lũ lụt, để cứu đói kịp thời cho dân thì 100% số tiền đó phải được phục vụ cho mục đích đó, tại thời điểm đó chứ không thể dùng để xây lớp học hay lắp đặt bình nước ở miền Tây được. Đó là vi phạm pháp luật, dù bản chất vẫn là việc tốt. Nếu người góp tiền không đồng ý, họ có thể khởi kiện bạn và đòi hoàn trả lại tiền (kể cả là 100đ) vì không làm đúng theo nội dung uỷ quyền, căn cứ khoản 2 điều 568 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, cách tốt nhất để không phạm sai lầm và tự bảo vệ mình, đó là luôn công khai và đặt hoạt động mình đã kêu gọi dưới sự giám sát của xã hội. Cây ngay không bao giờ sợ chết đứng, mà cây đang đứng thì không bao giờ sợ chết ngay nếu minh bạch từ đầu. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm gì khuất tất mà không ai biết, muốn không ai biết, tốt nhất đừng làm.
Quay trở lại câu chuyện của Startup Bánh mỳ Saigon 0đ, ngay khi quyết định rằng cần phải dùng uy tín cá nhân để kêu gọi anh em bạn bè gần xa, người quen người lạ chung sức giúp đỡ Saigon, mình đã làm ngay lập tức một số việc dưới đây.
Bước 1: Lập tức di dời toàn bộ tiền cá nhân ra khỏi tài khoản nhận ủng hộ để đảm bảo tài khoản trắng và không ảnh hưởng đến quá trình bạch hoá sau này. Sẽ không có chuyện vì trong đó có tiền lương của tôi nên tôi không thể sao kê. Sao kê online công khai 24/7 ai muốn xem cũng được, không cần phải đòi.
Bước 2: Phân công rõ ràng: người kêu gọi, người nhận tiền và mua hàng. Tiền chỉ đi vào theo một luồng và chỉ ra theo một luồng có thể kiểm soát (chỉ chuyển tiền đến 1 tài khoản duy nhất phục vụ cho việc mua hàng) và người nhận tiền chịu trách nhiệm công khai số hàng hoá đã mua tương ứng với số tiền đã nhận.
Bước 3: Tuyệt đối không rút tiền mặt trong mọi tình huống.
Bước 4: Báo cáo định kỳ về số tiền nhận được, sao kê chi tiết ngay khi có thể.
Bước 5: Khi bắt buộc phải sử dụng tiền mặt trong hoạt động cứu trợ, phải cất tiền cá nhân ở một chỗ riêng, tránh sơ ý tiêu nhầm 1 đồng tiền từ thiện trả 10 đời chưa hết.
Bước 6: Lập văn bản uỷ quyền: Nếu tôi gặp sự cố trong quá trình làm từ thiện, ai sẽ là người được tiếp cận số tiền đang có trong tài khoản này; tiền đó hoàn toàn là tiền từ thiện - không phải di sản cá nhân của tôi để thừa kế trong tình huống xấu nhất
Bước 7: Không kêu gọi “Anh chị hãy tin em” mà kêu gọi “Anh chị hãy cùng giám sát việc em làm, và mở lòng góp ý chân tình cho em những gì em làm chưa tốt hoặc cần cải thiện. Anh chị hãy thực sự từ thiện cùng em, đi cùng em, làm cùng em, dù trực tiếp hay gián tiếp”
Có người nói rằng những người làm từ thiện mùa dịch này là làm màu, mình không hề giận họ, mà thay vào đó, mình thương họ, vì họ đã mất mát quá nhiều niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này, vì họ đã quá sợ hãi trong vỏ ốc ích kỷ của bản ngã để nhận ra rằng không ai đánh đổi mạng sống của mình ra để “làm màu” cả. Nhưng cũng đúng, mình và tất cả các bạn tình nguyện viên Bánh mỳ Saigon 0đ hàng ngày chịu rủi ro phơi nhiễm, đến gần với những người bị xã hội bỏ quên để làm màu, một màu duy nhất, màu của tình yêu thương luôn ngập tràn ở đất Saigon.
Làm từ thiện, khó, rất khó, nhưng mình sẽ vẫn làm với tất cả trí huệ, trái tim và sự tin yêu của anh em bạn bè và cả những người xa lạ đã phó thác nơi mình; làm theo cách để tối nào cũng có thể ngủ ngon trong an lành - thực ra có mỗi một cách thôi: Tử Tế.
#BanhMySaigon0đ #TransparencySavesYou