VNA

Ngưng phán xét

DON’T JUDGE A BOOK JUST BY ITS COVER

Một bài báo cực kỳ xấu xí:

http://vntinnhanh.vn/…/hinh-anh-tiep-vien-vietnam-airlines-…

Bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh trong bài báo này?
“Thật là mất thể diện quốc gia!”
“Thật là thiếu chuyên nghiệp!”
“Thật là …….blah blah…..!"
Đừng vội vã bởi sẽ là muôn ngàn cái “Thật là……” ác ý khác nữa nếu như bạn không biết rằng họ, những tổ bay vừa đáp khẩn cấp sau một chuyến bay bão táp, khi máy bay của họ không đáp đúng điểm đến vì thời tiết xấu và buộc phải chuyến hướng sang một sân bay cách xa dự kiến. Và những áo vàng áo xanh đang ngủ mê mệt kia đã hết mình quần quật làm việc suốt đêm vì sự an toàn và hạnh phúc của hàng trăm gia đình.
Nếu biết điều đó, bạn sẽ thấy những hình ảnh tưởng chừng không đẹp mắt kia lại thật đẹp, thật nhân văn và thật bình yên biết nhường nào.
Họ mơ gì trong những giấc ngủ chập chờn nơi đất khách kia?
“Ba ơi, mẹ đâu rồi, sao mãi chưa về?”
“Con ơi, sao mãi chưa nghỉ phép về với mẹ?”
“Sao không bao giờ thấy bố/mẹ em đi họp phụ huynh hết vậy???”
Xã hội luôn nhìn họ như những cô tiên bay, như những gì hào nhoáng và đẹp đẽ, xã hội luôn bắt họ phải đẹp, phải cười, phải thân thiện 24/7…….nhưng cũng có những phần chưa hoàn chỉnh của xã hội lại quên mất rằng trước khi làm một chức phận nghề nghiệp nào đó, họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng là mẹ là cha của một ai đó, cũng là con của một ông bố bà mẹ nào đó, cũng biết khóc khi hoảng sợ biết cười khi sướng vui, chứ không phải một loại robot thân thiện được lập trình tự động.
Là đẹp đấy, là hào nhoáng, là “sang chảnh” đấy nhưng bạn có chắc bạn có đủ bản lĩnh để làm cái nghề này nếu được đề nghị không???
Là nghề không có khái niệm Tết Nguyên Đán, Tết Độc Lập và cũng chẳng mấy khi có mặt khi cả gia đình cần có mặt, nghề của họ chỉ có 2 loại ngày duy nhất “Ngày bay” và “ngày không bay”; không có khái niệm giờ hành chính hay giờ nghỉ ngơi.
Là những giấc ngủ vội vàng chập chờn nơi góc bếp, là những nụ cười khi lòng đang muốn khóc.
Là những tiếng tin nhắn ting ting báo đi bay bất chợt vỡ tan mọi hẹn hò, dự định.
Là những đợi chờ, mong mỏi chưa bao giờ nghỉ của những người thương yêu nơi mặt đất.
Là những phút giây thót tim khi tàu bay gặp sự cố hay đi vào khu vực thời tiết xấu.
Là tất cả những cay đắng thành lời và có khi chưa bao giờ biết kể cùng ai. Là những hi sinh mà người ngoài cuộc thật khó lòng hiểu hết.
Quay trở lại bài báo đầy ác ý kia, tôi thiết nghĩ chúng ta có quyền giơ máy ảnh lên để ghi lại những gì ta muốn nếu không bị cấm, tuy nhiên phòng chờ hạng Thương Gia (Business Lounge) là không gian nghi ngơi riêng tư đặc biệt, chưa nói đến là không được phép. Quý Lều Báo muốn sao đây? Muốn tiếp viên khi ngủ vẫn phải cười, hay muốn ngủ phải duỗi tay theo đúng kiểu người mẫu??? Hãy luôn thận trọng khi đưa ra bất kỳ lời bình phẩm nào, nhận xét nào bởi vì lời nói đã phát ra thật khó lòng thu lại được. Và khi cần lên tiếng, hãy lên tiếng với tất cả sự công tâm và trong sáng của những người cầm bút – vốn được trao cho sứ mệnh “định hướng dư luận”.
Một số người khi có đủ tiền để trở thành khách CIP thì lại lầm tưởng mình là VIP, có đủ tiền để ngồi hạng C thì lại lầm tưởng mình là Thượng Đế, và là Thượng đế thì được quyền phán xét xàm xí mọi điều khi chẳng cần nghe hết câu chuyện.
Thực ra, để đảm bảo chuẩn mực chuyên nghiệp với mọi hãng hàng không trong tất cả những tình huống bất khả kháng như trên, chỉ cần đại diện hãng hoặc tiếp viên trưởng của tổ bay lên tiếng thông báo và xin phép hành khách trong Business Lounge lúc đó, tôi tin phần đông những hành khách văn minh chắc chắn sẽ đều cảm thông và trân trọng nỗ lực làm việc của phi hành đoàn ngoài trừ thiểu số hành khách yêu thích sự hẹp hòi và xét nét. Thậm chí, nếu là cá nhân tôi, hoàn toàn có thể vui vẻ đứng dậy nhường ghế cho các bạn tiếp viên.
Ranh giới của một nhà báo chân chính và một bồi bút rẻ tiền ngày càng mong manh hơn bao giờ hết, và qua bài báo này mới biết không phải cứ khách hạng C là không có tầm nhìn hạng Z.
Vé hạng C có tiền là mua được, nhưng sự cảm thông và tình người có vẻ quá xa xỉ với một số người, và cứ không phải già đi là có được. Đôi khi lớn tuổi đôi khi chỉ đi kèm với sự suy thoái về nhân cách và đạo đức nghề nghiệp.
Hơn bao giờ hết, những lúc như này, cần tiếng nói kịp thời hợp lý hợp tình của lãnh đạo VNA và Cabin Crew lên tiếng để định hướng đúng dư luận như một cách trân trọng những nỗ lực của các bạn tiếp viên. Đừng im lặng!
Đừng vội phán xét khi bạn chưa hiểu hết vấn đề– đó là bài học và điều mà tất cả những người có cái đầu không chỉ dùng để đội mũ, luôn cần ghi nhớ.

Hoàng Huy
‪#‎ngungphanxet ‪#‎vna ‪#‎vncabincrew