Youth
CÓ NÊN BỊA CV ĐỂ ĐI XIN VIỆC KHÔNG????
(Bài này dành cho sinh viên các lớp SSG104 của toy)
“Không! Không! Và tuyệt đối Không!
Những gì quan trọng nhắc lại ba lần.”
Sinh viên thân mến, những người bạn nhỏ của tôi!
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, chúng ta đều nên đi…..đổ rác để sáng mai khi thức dậy, chúng ta đón một ngày tươi mới thật trong lành và sạch sẽ. Tương tự như vậy, khi mỗi ngày khép lại, ta lại càng nên thanh lọc tâm trí mình, cất giữ đi những gì tốt đẹp và loại bỏ đi những gì xấu độc trong biển thông tin mà dù vô tình hay chủ ý, ta đọc-nghe-xem mỗi ngày. Và “Bịch rác” của ngày hôm nay cần vứt bỏ là một đoạn clip trên Youtube của một cô nàng nào đó kể chuyện “Tôi đã bịa CV khi đi xin việc như thế nào?”.
Suốt 3 năm nay, trong giờ dạy của mình về nghệ thuật xây dựng CV và phỏng vấn tuyển dụng, tôi thường hay nói: “Khi bước vào phòng phỏng vấn, ngoài phong thái đĩnh đạc, tự tin, bạn hãy tấn công phủ đầu nhà tuyển dụng ngay cả khi họ chưa kịp đưa ra câu hỏi nào bằng cách: Hãy tặng quà cho họ!”
Quà gì đây?
Không phải hoa, không phải quà tặng vật chất, món quà đầu tiên mà chúng ta có thể tặng cho người sếp tương lai của mình chính là nụ cười. Và nụ cười đẹp nhất chỉ có thể là nụ cười của sự khiêm nhường và chính trực.
Một bản CV dù viết bằng ngôn ngữ gì, trình bày xấu đẹp như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò của một tờ giấy gói kẹo. Một tờ giấy lấp lánh gói lấy một viên chocolate thượng hạng, nó sẽ làm nâng giá trị của viên kẹo thêm đôi phần. Và điều tốt nhất và duy nhất chúng ta có thể làm, đó là học thực lực - làm thực tài - cống hiến thực tâm, để tự thân mình là một viên kẹo thơm ngon, hảo hạng nhất mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng thèm muốn bạn là một phần trong tổ chức của họ. Kể cả có dùng giấy gói mạ vàng để gói một viên sỏi, thì viên sỏi vẫn mãi mãi là viên sỏi, chứ không dễ gì lẫn lộn trong một đám chocolate khác.
Phỏng vấn bản chất là một cuộc thương lượng - mặc cả -mua bán khả năng lao động. Bạn có trí tuệ - thời gian - năng lực - kinh nghiệm và nếu xịn hơn, là cả tâm huyết; còn nhà tuyển dụng họ có tiền - có môi trường thuận lợi để bạn học hỏi và phát triển. Một sự trao đổi sòng phẳng và ngang giá, không có ai xin ai, và cũng không có ai cho ai, dù rằng trong tiếng Việt đã để lại một từ xem ra không còn phù hợp với thời đại “đi xin việc” hay “đơn xin việc”. Vậy với CV giả, bạn định bán hàng giả để lấy tiền thật sao???? Nếu bạn bị bại lộ và phát hiện, thì nguyên nhân thất bại không phải là kỹ năng hay chuyên môn của bạn, mà là vấn đề đạo đức, và, nghiêm trọng.
Mấy chàng trai trên mạng hẹn hò có thể lơ ngơ để bị lùa mất đôi ba trăm ngàn taxi nhưng các chủ doanh nghiệp thực thụ thì dù 1đ cũng không dễ lấy được của họ, bởi lẽ chẳng có ai ngờ nghệch mà có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh như biển cả hiện nay. Vậy nên, ta lại quay về với câu nói của người xưa “Khôn ngoan chẳng lại thật thà” hay “Một tay không che nổi bầu trời”.
Bạn bán gì cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn? Bán sức lao động ah hay thành tựu? Không, bạn đã làm
cho người ta ngày nào giờ nào đâu? Thành tựu của bạn chỉ là thì quá khứ, nó không ý nghĩa nhiều với ông chủ tương lai. Chính xác thì cái mà bạn bán là “tiềm năng cống hiến” cho công ty/tổ chức mà bạn đang ứng tuyển vào.
Và hơn 10 năm qua, như một nhà quản lý ở nhiều cấp độ, phỏng vấn hàng trăm ứng viên trong nước và nước ngoài cho đủ loại vị trí công việc, tôi đã luôn đề cao tiềm năng đạo đức cao hơn cả tiềm năng chuyên môn- kinh nghiệm. Sự trung thực -chân thành - cầu tiến - ham học hỏi- sẵn sàng chấp nhận thử thách sẽ làm điểm cộng đủ nặng để bù đắp cho tuổi trẻ - sự non nớt và thiếu kinh nghiệm. Không việc gì phải giả dối, không việc gì phải bán rẻ danh dự của mình, càng trẻ càng non càng cần phải có khí chất và tính chuyên nghiệp. Nói dối, là thứ thuốc phiện không màu. Dối gạt được đôi ba lần ta thấy mình thật ngầu bởi lẽ dối cha mẹ dễ được bỏ qua, dối thầy cô dễ được tha thứ nhưng rồi một ngày bạn nhận ra, dối chính cuộc đời mình là thứ tồi tệ nhất.
Vậy nên, lesson takeaway (bài học gói về) của Thầy cho các bạn vẫn như mọi khi: “Hữu xạ tự nhiên hương” - Chỉ cần ta âm thầm học tập, cố gắng mỗi ngày để bản thân mình là “xạ”, là chính mình, là sự vượt trội hay giá trị tự thân khác biệt thì chẳng cần lo, sớm muộn cũng sẽ có “hương” - sự thành công, tiếng thơm của một con người chính trực, thực tài mà xã hội nào cũng phải ghi nhận, một mùi hương của sự tử tế và thảnh thơi.
Luôn yêu quý các bạn, các “khách hàng” đặc biệt của tôi!
#NewDayNewLessons #ForMyStudents #Integrity #SSG104
HOW MUCH YOU HAVE CHANGED? CHÚNG MÌNH ĐÃ ĐỔI THAY NHƯ THẾ NÀO?
Cả tuần nay dân mạng rần rần với thử thách “10 năm: Ngày ấy - Bây giờ” để thấy Cuộc đời đã xài chúng ta “hao” như thế nào? Người dậy thì trót lọt thì mừng vui nhìn lại ngày xưa mình Hai Lúa như thế nào, người không còn trẻ thì ngậm ngùi thầm trách cứ về một thời thanh xuân chưa có app.....nhưng đằng sau một trend vui vui là một lời nhắc nhở khe khẽ: Đời chúng mình còn mấy lần mười năm như thế? Và sau mỗi lần mười năm như thế, chúng mình đã đổi thay như thế nào?
Khi trưng lên hai tấm hình cạnh nhau, chúng ta mới giật mình thảng thốt trước dòng chảy thầm lặng nhưng quyền lực của thời gian. Không ai im ắng bằng nó nhưng cũng không ai kiên định với công việc bằng nó: bào mòn tất cả.
Bề ngoài là vậy, nhưng nếu có một chiếc máy ảnh thần kỳ để chụp lại tâm hồn của hai lần 10 năm như vậy và đặt cạnh nhau, bạn có nhận ra chính mình không?
Thường người ta dễ nhận ra sự đổi thay của người khác, nhưng lại khó nhận ra sự thay đổi của chính mình, bên ngoài đã khó, bên trong còn khó hơn.
10 năm có thể biến một người ít nói thành hoạt ngôn, rồi lại trầm lặng.
10 năm có thể biến những tính cách sôi nổi nhất thành những tảng băng lạnh lùng nhất, và ngược lại..
Chuyện gì cũng có thể xảy ra, và việc duy nhất chúng ta có thể làm là sống chung với sự thay đổi. Người tích cực thì thay đổi đời, còn người tiêu cực thì bị đời thay đổi. Có những thay đổi đến rồi đi, và cũng có những thứ chẳng có gì thay đổi nổi mà chúng ta hay gọi là Bản chất, là tính cách, là đạo đức, hay nói một cách tinh vi hơn là giá trị cốt lõi. Nhưng trong phần lớn các tình huống, chúng ta luôn có quyền được lựa chọn: thay đổi hay không?
10 năm qua, mình đã chọn một số thứ không-thay-đổi mà chưa thấy cảm thấy ân hận lắm.
Chọn là người không xã giao vì mình thấy việc tìm hiểu chính bản thân là khó nhất, là cần nhất, là thiết thực nhất, hơn là tìm hiểu thế giới riêng tư của thiên hạ. Những mối quan hệ cũng như sách, cần ít nhưng tốt. Và gần đây khoa học đã chứng minh, trung bình cứ 7 năm, bạn sẽ thấy một số người bạn dù thân hay sơ sẽ biến mất, thay bằng những những người bạn mới. Vậy nên chi bằng, ngay tại đây và trong lúc này, chúng ta dành thời gian để chăm chút kỹ hơn cho số ít mối quan hệ thân tình để một mai người bạn ấy vì lý do gì đó có rời xa ta thì cũng không có gì tiếc nuối vì đã dốc trọn chân tình. Và thật quan trọng, trước khi làm bạn với người, ai cũng cần học cách làm bạn với chính mình. Người cô đơn nhất không phải là người ít bạn mà là người đến chính bản thân mình cũng không hiểu nổi mình cần gì, muốn gì. Hiểu mình chưa đủ sao có thể hiểu người, hiểu đời.
Chọn sống hết mình với những gì mình thực sự thích thú, đam mê và có khả năng hơn là cái gì cũng thử, kể cả với những gì mình không thích. Con cá không thể trèo cây và con chim không thể bơi lội, cũng như chúng ta không thể giỏi tất cả mọi thứ, hãy thừa nhận giới hạn của bản thân để rồi chọn lọc và dành thời gian nhiều nhất cho những gì mình giỏi nhất để có thể đi xa nhất.
Chọn luôn giữ niềm tin trong sáng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bạn có thể gặp 9 người vừa lừa gạt bạn, và người thứ 10 bước tới, nên giữ ánh nhìn thù địch, hoài nghi - ngờ vực trong bùng nhùng những thuyết âm mưu hay nên giữ một cái nhìn xanh trong mà vô tư chào đón họ như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra trước đó, tất cả là sự lựa chọn của bạn. Mình luôn chọn cách hai, nếu ai đó chưa làm điều gì xấu, với mình, họ sẽ vẫn luôn là người tốt. Dù là cái tốt ấy là do mỗi chúng ta tạm ứng niềm tin cho họ. Hãy cứ hào phóng tạm ứng đi, đừng tiếc nuối hi vọng vào những điều tốt đẹp còn hơn là sống trong lo âu và ngờ vực.
Thay đổi, dù tốt hơn hay xấu đi, nó sẽ vẫn xảy ra đều đặn như mặt trời phải lên và phải lặn mỗi ngày, chúng ta không ngăn cản được và sẽ vẫn luôn có những quyền lựa chọn cho riêng mình, dù ít ỏi thôi, nhưng vẫn luôn có. Sống thì có nhiều cách, nhưng sống để mình luôn nhận ra chính mình thì chỉ có một thôi.
Còn bạn thì sao, bạn cũng có những lựa chọn không- thay- đổi cho riêng mình chứ?
Hoàng Huy
#Howmuchyouhavechangedchallenge #BePositive
“VUI LÀ HẠNH PHÚC, MÀ HẠNH PHÚC LÀ SỐ 00”
“VUI LÀ HẠNH PHÚC, MÀ HẠNH PHÚC LÀ SỐ 00”
Nói vậy không có nghĩa là mình xui các bạn chiều nay đánh đề con 00 như nhân vật Ròm trong bộ phim cùng tên đang hot ngoài rạp xui cả một khu chung cư đánh con 41; mà chỉ là vài suy nghĩ tẻ nhạt của mình về hai từ Hạnh Phúc.
Nếu phải gọi Hạnh Phúc bằng một số báo danh, bạn sẽ chọn con số gì?
Những năm tuổi 20, mình nghĩ Hạnh Phúc sẽ là 09, là Không Chín chứ không phải là Mười. 9 là con số có vị trí không nhỏ trong hệ thập phân, đủ lớn để bọn số 1 số 2 phải thèm muốn và phấn đấu vươn lên. Nhưng vì 9 vẫn chưa phải là to nhất, nó lại phải cố gắng để ngoi lên 10 như một đích đến. Mình thích 9 chứ không phải 10 vì nó biểu tượng cho sự vươn lên không ngừng nghỉ như bông hướng dương luôn biết tìm về phía mặt trời , không được hài lòng với bản thân để rồi ngủ quên trong khoảng thời gian quý giá nhất của cuộc đời: Tuổi trẻ. Và chúng ta cảm niệm được Hạnh Phúc trên con đường vận động từ 0 đến 9, thật vậy, nó là một quá trình - một con đường hơn là một điểm đến. Giống như con đường bạn đi từ Hanoi lên Hà Giang, bạn cứ mải miết mong chờ lên Lũng Cú để ngắm bình mình hay hoàng hôn, để được vui, được cười, được wow wow với một sự kỳ vĩ nhất định nào đó, nhưng rồi ta lại chợt nhận ra, ta đã vui, đã cười, đã si mê trong suốt hành trình đấy chứ, đâu cứ phải lên đến đỉnh mới là được vui. Ngược lại, mình lại không thích số 10 - biểu tượng của đỉnh cao nhất, của sự hoàn hảo. Vì chẳng có ai là hoàn hảo cả. Nó là vinh quang, nó là rực rỡ, nhưng cũng được coi là đỉnh cao nhất, mà bên kia của đỉnh cao nhất, hoàn toàn có thể là vực thẳm đang chờ những bước chân chủ quan. Thật vậy, người ta thường vấp ngã trên đỉnh cao chứ mấy ai vấp ngã trên đường bằng. Oh, đó là câu chuyện của tuổi 20 thôi.
Tuổi 30, định nghĩa Hạnh Phúc của mình đã bớt xanh hơn những ngày chưa chín. Hạnh Phúc phải là 00 - là sự quân bình tĩnh lặng giữa Được và Mất, giữa Tất cả và Không có gì, giữa Tham vọng và Giản đơn...Đi, sống và xuyên qua những thái cực ấy trong từng ngày từng giờ, bạn có thấy mình cảm thấy an yên thực sự không? Dù bụng đang đói hay đứng trước một bàn tiệc đầy đồ ngon, bạn có thấy lòng xao động không? Từ không có gì, rồi có gì, nhưng rồi lại không có gì, bạn có thấy khổ đau không? Nếu bạn vẫn là bạn, vẫn điềm tĩnh vui sống, vẫn nhất quán trong sự thành thật với bản thân....thì rõ ràng là bạn đang Hạnh Phúc chứ còn gì nữa, một cảm niệm Hạnh Phúc bình dị và bền lâu. Chúng ta là ai? Chúng ta có thể là tất cả, nhưng chúng ta cũng có thể là không-là-gì. Là tất cả với chính mình, với những người thương của mình; nhưng lại không là gì với những người lạnh nhạt. Một ngày chúng ta phải chạy qua chạy lại giữa hai cái giá trị đó liên hồi đến phát mệt; nên nhận thức được điều bé nhỏ ấy thì sẽ chẳng còn mệt lắm đâu, mà còn Hạnh Phúc.
Có bạn bè, anh chị thương quý nhắn tin hỏi Hy đi đâu mà cả tháng nay mất tích, có ổn không, có sao không? Thật ra là do Hy bận Hạnh Phúc theo cách của mình, bận rộn sửa soạn lại cuộc sống bên trong của mình sau những ngày lộn xộn với bản thân. Bận yêu mình hơn, chơi Facebook ít hơn, mỗi ngày chỉ 30 phút/2 lần 1 ngày để update những gì cần thiết, bận dậy thật sớm, bận chạy bộ, bận nấu bữa trưa, bận đọc sách, bận suy nghĩ về những điều tốt đẹp cho bản thân, suy nghĩ về những gì cần thiết và chưa cần thiết, bận lau bụi trên những giá sách mà lâu nay mình ngược đãi nó.....bận như thế thì là bận Hạnh Phúc chứ gì nữa. 00 là sự phẳng lặng trong tâm hồn giữa những ngày cả thế gian đang dậy sóng vì con Tuesday mang tên Covid.
Còn bạn, Hạnh phúc của bạn số mấy?
Hoàng Huy
P.S: Minh hoạ bằng tấm hình cũ để bạn bè nhớ lại chân lý rằng: sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng bản chất hề hước và cà chớn của Hy thì chửa biết bao giờ mới hết. Chả biết chết thì có hết không, chứ đã làm Ma rồi còn làm Lé trêu Diêm Vương thì sớm muộn gì ổng cũng đuổi lên sống tiếp
Happy Weekend!
#WanderingThoughts #ThinkAboutHappiness
“NHÀ ÍT TIỀN VẪN CỐ ĐI DU HỌC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? ĐƯỢC, NHƯNG TRONG MƠ....CÂU CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC. PHẦN 2: CUỘC VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH
Ba ngày sau khi đến London, đợi cho hết Jet-lag, và tìm hiểu được cách đi lại di chuyển bằng phương tiện công cộng, tôi quyết định đi tìm cái gì đó để làm tranh thủ thời gian còn chưa vào học chính thức. Thực ra với một vốn ngôn ngữ tốt và sự bạo dạn sẵn có - dễ thích nghi với cái mới, tôi chẳng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm gì mấy, từ Vietnam sang London thì cũng chỉ giống như từ Hải Phòng lên Hanoi. Đấy là tôi, còn các bạn khác, tôi không biết.
Với một kinh nghiệm đi làm thêm từ rất rất sớm, dù đúng là không phải con nhà khó khăn, tôi thấy cái sự đi làm thêm là hết sức thú vị. Nó giúp tuổi trẻ được tận hưởng sự thô ráp của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, chuyện bạn có “chịu nổi nhiệt” khi đi làm ở trời Tây không thì lại là khác. Tiền đúng là dễ kiếm, đấy là với người khác; còn bạn có kiếm nổi hay không, thì cũng lại là chuyện khác.
Ở Anh, sẽ có hai sự lựa chọn cho sinh viên quốc tế như Việt Nam. Một, làm cho Tây, mức lương tối thiểu, 20 tiếng/tuần, lương tối thiểu 6 bảng/giờ, tổng cộng kiếm được khoảng 120 bảng và phải đóng thuế, bù lại bạn được pháp luật bảo vệ. 120 bảng là chỉ đủ đi xe bus 1 tuần và đi TESCO mua đồ về tự nấu ăn thôi. Tiền nhà, tiền sách vở, tiền ăn chơi nhảy múa, tiền ăn hàng và vân vân mây mây các loại tiền lặt vặt khác là không đủ đâu. Hai là, làm cho người Việt, muốn làm bao nhiêu thì làm, lương thấp hơn nhiều, tuy nhiên chẳng ai bảo vệ nổi bạn vì chính bạn cũng đang làm sai luật. Tất nhiên là tôi, như đại đa số sinh viên Việt Nam, đã chọn cách kiếm nhiều tiền hơn: làm cho một nhà hàng Việt Nam đông nhất nhì khu Kingsland người Việt ở London.
Lúc đó tôi gầy nhẳng chứ chẳng to lớn như bây giờ; trong khi cái nhà hàng mấy chục bàn đông nườm nượp khách còn hơn cả cái chuỗi Rạn Biển ở Saigon mà một ca chỉ có vỏn vẹn 5 người làm. Mỗi đứa phục vụ cả hai chục cái bàn khách. Mỗi bàn lại cả chục món ăn khác nhau. Một buổi tối một bàn lại có cả vài ba lượt khách. Bạn order nhầm một món thôi thì coi như tối đó bạn đi làm không công luôn. Rồi thì rửa bát, những chồng bát dĩa cao ngang đầu người ùn ùn tràn vào đến mức tôi có buồn đi vệ sinh thì cũng ráng mà đứng đó, vì đi xong quay lại thì không thể nào làm cho kịp. Tay tôi có khi còn trắng hơn Ngọc Trinh vì tối nào cũng được ngâm nước. Bạn phải rửa nhanh hơn máy, vì nếu chậm hơn và không sạch bằng máy thì người ta mua máy cho rồi.
Một môi trường cực kì hỗn loạn, tiếng bước chân chạy, tiếng cười nói, tiếng chửi thề của nhà bếp, tiếng quát tháo, hò hét của bà chủ......nhưng công việc vẫn buộc phải trôi chảy, vì nếu bạn chỉ cần tỏ ra một nét mệt mỏi hay phản ứng, luôn có sẵn vài chục số điện thoại chờ sẵn ngoài kia để thế chân bạn. Tôi nghĩ cái nhà hàng này mà có thuê Robot thì nó cũng lăn vật ra chập điện mà chết. Quả thực là trong vòng có một tuần, những ông anh to lớn gấp đôi tôi xin cùng vào làm đã biến mất sạch sẽ sau tuần lương đầu tiên. Tôi hiểu họ đã đầu hàng, đã gọi điện về nhà cầu cứu hoặc an phận lên thư viện học đợi tiền nhà gửi sang. Tuy nhiên, Robot có thể chết, nhưng tôi thì không, tôi cần phải sống. Trừ khi tôi muốn chết, ngoài ra tôi không chịu để bất kỳ cái hoàn cảnh nào giết tôi cả.
Học ở trường từ 8h đến 5h chiều. Bay như một cơn gió khỏi giảng đường để có mặt ở chỗ làm lúc 5h30, và cày dập mặt đến 11h30. Có những lúc mệt đến mức độ mắt nhìn thấy đầy trăng và sao giữa ban ngày luôn, tôi đành vào nhà vệ sinh ngồi nghỉ 05 phút để kiểm tra xem chân nó còn nằm ở dưới đầu gối không rồi chiến tiếp. Tôi chấp tất cả các thể loại vất vả, gian khổ nhưng tôi không thể sống chung với sự bất công.
Thực tế là người ta sẽ trả lương cho bạn từ 5h30 đến 11h30 tối, nhưng thỉnh thoảng nếu 11h29 khách vẫn vào và họ ngồi đến 2h sáng thì yên tâm là bạn cứ việc ngồi chờ đợi đến mòn mỏi mà không được thêm một xu nào từ chủ. Đấy là lý do vì sao bây giờ tôi không bao giờ đi ăn vào cái giờ người ta sắp đóng cửa, tôi nhìn thấy bóng hình của chính mình ngày xưa trong những bạn phục vụ, tiền có thể mua được một bữa ăn, nhưng chưa chắc mua được sự cảm thông cho đồng loại.
2h sáng, đóng cửa lau dọn xong, trời thì mưa tuyết, hết tàu điện ngầm, hết xe buýt, vừa lạnh vừa vắng, tôi vừa đi vừa khóc, vừa phải hát thật to cho đỡ sợ trên con đường đi bộ về nhà. 4h sáng về đến nhà, xúc một chậu tuyết hoặc một chậu nước đá, cắm cái mặt vào đó cho tỉnh ngủ rồi học bài cho ngày hôm sau. Và vì có rất ít thời gian để học nên tôi buộc phải suy nghĩ cách học thế nào tốn ít thời gian nhất mà hiệu quả, bởi nếu không sẽ bị tụt lại ngay lập tức trên lớp. Sách coursebook các loại thì dày như đại từ điển. Đại học của nước ngoài ngược hoàn toàn với Việt Nam: vào thì dễ nhưng ra cực khó; chứ không phải bạn đóng một đống tiền thì bạn auto có bằng đâu. Ở Anh, thời gian học nhìn thì có vẻ ngắn hơn nhưng thực ra là họ nén cường độ học tập lại rất cao. Học một năm ở Anh áp lực còn hơn bốn năm ở Việt Nam, có khi hơn. Ngủ được vài tiếng, 8h sáng dậy đi học, ngồi trên tàu ngủ bù, tàu cứ giật giật 3-4 cái thì tôi hiểu là đã đến ga cần chuyển tàu, mở mắt lao ngay vào dòng người hối hả. Đó là lý do vì sao bây giờ tôi thường bị phàn nàn là đi bộ quá nhanh so với người khác.
Chưa kể đến chuyện ma cũ bắt nạt ma mới ở chỗ làm. Tôi nhớ tôi không biết đã phải ấn đầu bao nhiêu đứa làm trước vào cái thùng rác trong hẻm đằng sau nhà bếp và trang điểm gấu trúc cho bao nhiêu thằng để chúng nó hiểu là không phải ai cũng chấp nhận im lặng để bị bắt nạt vô cớ. Tôi luôn cố gắng để sống tử tế và không bắt nạt ai, nhưng nếu ai thích gây chuyện; tôi sẽ cho họ phải hối hận không kịp.
Nhưng tôi thấy không ổn, tình trạng này dài lâu tôi sẽ kiệt sức và thành Liệt sỹ trước khi trở thành Thạc sỹ hay cái gì gì đó. Tôi chuyển chỗ làm đến những nơi dễ thở hơn, chấp nhận đi làm xa hơn. Nhưng áp lực học ngày một gia tăng, tôi cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành các projects một cách có chất lượng. Học teamwork với bọn nước ngoài, bạn được phân công phần việc mà không làm cho xong, chúng nó sẽ cười vào mặt bạn thậm chí tẩy chay; và ở môi trường quốc tế, thì hãy hiểu là nó cười vào dân tộc - đất nước của bạn. Với cả, 6 tháng liền kể từ ngày đặt chân đến nước Anh, tôi chẳng nhìn thấy cái Big Ben ở đâu cả dù nó cách chỗ tôi làm 5 trạm xe bus; và tôi chết thèm chết khát một ngày được nghỉ, được ngủ mà không phải cài báo thức. Để giải quyết bài toán đó, tôi quyết định chấp nhận làm cái công việc mà mình ghét nhất: đi làm nails. Vì chỉ cần làm 3 ngày/ tuần là đủ sống khoẻ và có thời gian học hành tử tế, và tận hưởng cuộc sống xung quanh.
Muốn làm được thì buộc phải bỏ tiền ra học. Nhờ một người bạn cũ giới thiệu, tôi cũng kiếm được một chỗ tử tế để học. Học mấy tháng cũng làm được, nhưng chỉ ở mức hết sức bình thường. Tôi cũng chẳng cần biến nó thành một nghề chuyên nghiệp, tôi chỉ cần sống sót qua giai đoạn học hành áp lực này rồi kiếm việc gì đó thú vị hơn để làm. Không nhớ là để cầm được cái bằng trên tay thì tôi đã phải làm mấy ngàn bộ bàn tay, bàn chân của đủ loại khách hàng, đủ màu da quốc tịch. Tôi thực sự không thích công việc đó, tôi thề là tôi không thích, và đến khi nhận được thứ mình muốn, tôi đã đáp hết đồ nghề xuống sông Thames và thề không bao giờ làm nữa. Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi đã học được một câu tiếng Anh ý nghĩa nhất: “We do what we have to do”
Sau đó thì tôi kiếm được một công việc khá hay ho là viết bài thuê cho bọn lười học. Nhờ thế mà tôi vô tình được học thêm bao nhiêu chuyên ngành không phải chính của mình và kiếm khá tiền vì muốn viết bài cho bọn chúng là mình phải đọc sách thì mới hiểu mà viết. Những năm sau này, thông thạo cuộc sống hơn, tôi cũng kiếm được nhiều trò để kiếm tiền hơn; làm vài công việc văn phòng cho Tây, biết mua cái gì siêu rẻ ở Vietnam để mang qua UK bán siêu đắt, lời vài chục lần; biết Vietnam cần cái gì ở UK, và chỉ những người hiểu UK như lòng bàn tay thì mới biết mua ở đâu để gửi về Vietnam bán, bán chỗ nào lời nhiều nhất; thậm chí còn vươn tay về mở business ở Vietnam. Và sau đấy, trong một mùa hè đẹp trời, tôi chuyển sang làm local guide tiếng Việt cho các hãng du lịch của Anh; đây là công việc tôi thích vì nó thoả niềm đam mê đi lại khám phá và sử dụng đến vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá, lịch sử về nước Anh của tôi tích luỹ cả chục năm; và đặc biệt là kiếm được cực kỳ nhiều tiền. Một ngày đi làm guide cho hãng lương bằng cả tuần đi làm các công việc khác full-time. Mùa hè được nghỉ học đồng thời cũng là cao điểm du lịch; đắt show còn hơn ca sỹ vì cả nước Anh chỉ có vài người Việt làm được việc này một cách có uy tín. Tôi có thể một tháng vào lâu đài Windsor một tháng vài lần và kể sự tích về từng viên gạch, từng món đồ trong đó; có đủ vốn để mê hoặc mọi du khách về nền văn hoá lịch sử đầy màu sắc của Anh Quốc. Tuy vậy, không để hết trứng vào một giỏ, tôi vẫn có một công việc chính là làm quản lý cho một nhà hàng Việt Nam có tiếng ở London và tại đó tôi được tha hồ thực hành mọi kiến thức về quản trị và marketing hiện đại mà mình đã học. Tuy nhiên, đừng nghĩ quản lý là giống ở Việt Nam, đứng chỉ tay năm ngón và thu tiền. Bạn sẽ cần biết làm tốt mọi công việc trong chuỗi dịch vụ: thiếu người rửa bát bay vào rửa bát, thiếu người nướng thịt bay vào nướng thịt, thiếu người bartender bay vào pha nước, thiếu người dọn vệ sinh thì bay vào thông cống.....; không biết làm hết thì quản lý nổi ai. Tôi đã lăn lê bò toài bầm dập qua bảy cái nhà hàng để tự tin làm tốt những việc đó, mồ hôi và nước mắt không dễ gì đo được.
Nhưng làm gì thì làm, tôi vẫn luôn tự răn mình: Mình sang đây nhiệm vụ hàng đầu là để học; kiếm được gì thì kiếm, trải nghiệm gì thì trải nghiệm, nhưng học cho có thực chất vẫn là quan trọng nhất. Đừng bao giờ để tiền cám dỗ bạn ra khỏi đường băng của cuộc đời.
Nói tóm lại, khi bạn đã định đi du học thì hơn bao giờ hết hãy trung thực với chính mình, chính tương lai của mình. Và phải trả lời dứt khoát: bạn muốn học để có bằng cấp cống hiến nhiều hơn cho xã hội hay đơn giản là đi xuất khẩu lao động núp bóng dưới hình thức du học để kiếm tiền? Bạn muốn trở về hay bạn muốn nhập cư? Và quan trọng, bạn có đủ bản lĩnh để đi xuyên qua tất cả những điều tương tự như câu chuyện bên trên của tôi không, tất nhiên đó chỉ là một phần rất nhỏ? Không dễ chịu lắm đâu!
Các ông bố bà mẹ có tin là con mình sẽ đủ sức chống chọi ở một nơi bốn bề xa lạ mà không có tiền, hoặc rất ít tiền không? Nếu con bạn là củi, ném vào lửa, chúng sẽ thành than hoa hồng rực; còn nếu là lá, chúng sẽ thành tro bụi. Tất cả những câu hỏi đấy phải được trả lời với tất cả lý trí và sự tỉnh táo của chính bạn, chứ không phải bố mẹ bạn.
Các ông bố bà mẹ nếu mà nhận được chút tiền con cái gửi từ nước ngoài về thì khoan vội mừng, khoan vội khoe làng khoe xóm.....chậm lại một chút, sẽ ngửi thấy mùi mồ hôi mặn chát, mùi tủi cực, và cả mùi của những giọt nước mắt đã bị nuốt vào trong của những câu chuyện không bao giờ được kể ra. Tôi, cũng như hàng ngàn đứa con Vietnam khác xa nhà, đã luôn chỉ nói “Con ổn. Con tự lo được” vì không một ai muốn bố mẹ mình phải lo lắng, thương xót và rất nhiều chuyện, rất nhiều điều sẽ mãi mãi nằm ở bên kia biên giới như những kỷ niệm của những ngày thanh xuân đã qua. Câu chuyện của tôi, chưa bao giờ được kể với gia đình, chỉ là một phần rất nhỏ; tôi tự hào vì nó, những tháng ngày tôi hay nói là cực khổ nhất đời nhưng cũng là giá trị nhất đời. Nhưng có sao đâu, tôi tự chọn thế, và tôi hạnh phúc với sự lựa chọn của mình; để thắng được chính mình, để bay và tiếp đất trên chính đôi cánh của mình chứ chưa một lần phải “bung dù”. Nếu được làm lại, tôi sẽ vẫn chọn như thế, chẳng sao cả, vui mà.
Gian khó, cám dỗ, áp lực, và cô đơn, là tất cả những người bạn đồng hành sẽ đợi bạn trên con đường du học, nhất là khi bạn có ít tiền. Bạn có dám mơ ước mơ của đời mình không? Cứ mơ đi, tuy nhiên, đừng bao giờ mạo hiểm một cách vô căn cứ, hãy mơ trong sự tính toán và tỉnh táo để không phải ân hận vì quyết định của mình; bằng cách ấy Du học sẽ thực sự là một cuộc vạn lý trường chinh để đời của tuổi trẻ.
Phần 1: Cuộc chơi hay cuộc đầu tư https://www.facebook.com/1124978548/posts/10215100857691230?sfns=mo
#ChuyệnDuHoc#Mystories#ThangNamRucRo#London
THÀNH CÔNG SỚM LÀ THUỐC PHIỆN CỦA TUỔI TRẺ
Khi sắp sửa không còn được coi là người trẻ nhưng vẫn ngày ngày được làm việc, tiếp xúc với nhiều người trẻ.....tôi thấy mình may mắn khi được chứng kiến sự giống nhau và khác nhau giữa các thế hệ: nhìn vào các em hôm nay, tôi thấy mình của 5 hay 10 năm trước: chung nhau những đam mê cuồng nhiệt và giống nhau cả một số điều dại khờ, ngốc xít. Trả học phí cũng kha khá bằng những tháng năm rực rỡ của mình, tôi cũng để dành được một số bài học để đời, chia sẻ lên đây, để biết đâu sẽ là ít nhiều có ý nghĩa với một ai đó vẫn-còn-đang-trẻ
1. Hãy sẵn sàng “để được” bóc lột
Thời nào cũng thế, giữa tuổi ăn tuổi chơi, mà bị sếp kêu “Em ơi làm thêm cái này đi” “Làm cho xong rồi mới về nhé”....thì y như rằng ông bà sếp đó sẽ rất dễ bị đám nhân viên trẻ dán mác là “bóc lột”. Nếu ai đó “bóc” thời gian và “lột” công sức, kiến thức hay kỹ năng của bạn cho một công việc chân chính có trả công sòng phẳng, thì cũng là lúc họ đang trao tặng cho bạn kinh nghiệm mà những người ngồi không chẳng bao giờ có được. Đối với người trẻ, điều đáng sợ nhất là không có gì để người ta bóc lột. Thất tình không dễ gây bất bình bằng thất nghiệp.
Thế nên nếu bạn có một việc làm, hãy tự nhắc mình mỗi ngày về điều may mắn đó, vì mỗi năm Vietnam có ít nhất 200.000 tân cử nhân không có được điều may mắn đó: bị-bóc-lột; và hàng chục ngàn người khác tốn rất nhiều tiền để sang xứ người để được người ta bóc lột. Lao động là vinh quang hay là bóc lột, tất cả là do cách nghĩ của bạn.
2. ”Thành công sớm là thuốc phiện của tuổi trẻ, giúp bạn thăng hoa nhưng cũng có thể.....chôn vùi bạn.”
Hơn bất kỳ giai đoạn nào của đời người, người trẻ khao khát thành công sớm hơn thứ gì khác. Quả thật nó là một thứ chất gây nghiện đầy cuốn hút; khi mà chúng bạn còn ngơ ngác nơi giảng đường hay dò dẫm bước vào đời mà bạn đã có được chút thành tựu nổi bật: vài giải học sinh giỏi, vài lần được tuyên dương, hay dịch được một cuốn sách khó hay đơn giản là sự nổi trội được ghi nhận hơn bạn bè ở một lĩnh vực nào đó.
Tôi đã bỏ khá nhiều thời gian để đi tìm câu trả lời “Vì sao những đứa bạn học giỏi nhất lớp của mình ở các cấp sau này khi ra trường không phải những nhân vật thành công nhất?”
Nghe có vẻ vô lý, nhưng từ vô minh đến tường minh, tôi đã hiểu rằng một trong những nguyên nhân rất lớn một phần là vì........họ đã vô tình thành công sớm và tâm lý “ăn mừng” của họ kéo dài quá lâu. Ôm khư khư ánh hào quang đó quá lâu, bạn sẽ dễ bị nhiễm ảo giác tâm lý: “Ta giỏi lắm, ta vĩ đại lắm, ta có thể thay đổi thế giới” và ta chẳng cần cố gắng gì thêm nữa cả. No-No-No!
Trong khi bạn còn đang say giấc trong cơ mê của những chiến thắng còi, thì hàng trăm, hàng ngàn những người có vẻ kém hơn bạn, ít ồn ào hơn, thì lại “biết thân biết phận” nên sẽ chuyên tâm vào một mục tiêu thực tế gần gũi hơn, và càng cọ xát nhiều với những thất bại, khả năng thành công của họ lại càng lên cao, vì chẳng ai là thất bại trừ khi họ không học được gì từ những thất bại đó.
Thành công giống như đại dương, nó không có giới hạn, và việc thành công sớm rất có thể sẽ thu hẹp định nghĩa của bạn về thành công đích thực nếu bạn ngủ quá lâu với nó. Giống kiểu bạn có tấm huy chương và bạn được mời đứng lên một cái bục, và bạn nghĩ rằng cái bục đó đã là đỉnh núi, trong khi đỉnh núi đích thực thì nó chẳng bao giờ chịu đứng yên như cái bục, và âm thầm cao hơn mỗi ngày. Tự ti có thể làm bạn chậm bước so với cuộc đời, nhưng quá tự tin thì có khi loại bạn hẳn ra khỏi cuộc đua ngay cả khi bạn đang ở những chặng đua cuối.
3. Tôi chọn ai làm sếp của tôi, người đó là Thầy của tôi.
Tổng kết những điều may mắn nhất cho tuổi trẻ của mình, tôi thấy rằng việc có gia đình - thầy cô - và những người sếp khó tính, nghiêm khắc....là cực kỳ quan trọng. Bất cứ khi nào được phép lựa chọn, trừ khi không làm thì chết đói, thì tôi luôn đặt ra tiêu chí “chọn Sếp” cho mình: Ai là Sếp của tôi, thì họ chắc chắn tử tế và có điều gì đó giỏi giang hơn người, đáng để cho tôi phải học hỏi. Không nhất thiết phải là những điều vĩ mô, lý thuyết to tát....mà nhiều khi chỉ là những điều hết sức giản đơn mà tôi chưa biết. Sếp của tôi đã từng là một anh chủ quán photocopy, một người chủ bếp, hay một thầy giáo.....vài chục người như vậy, cho tới những nhà quản trị doanh nghiệp cấp cao dày dạn kinh nghiệm. Họ lướt qua cuộc đời tôi như những cơn gió, nhưng những gì họ để lại cho tôi là một phần sự tinh hoa trong nghề nghiệp và cuộc sống của họ. Nhờ công việc và tiếp xúc, họ sẽ vô tình gợi mở ra vô số những bài học để đời mà có tiền chưa chắc bạn đã học được ở các trường đại học danh tiếng. Họ chưa chắc đã nhớ hay tự hào về tôi, nhưng tôi luôn biết ơn và tự hào khi đã từng được là nhân viên của họ. Tất cả những người từng làm Sếp của tôi đều giống nhau ở một điểm: cực kỳ nghiêm khắc - không ngừng đòi hỏi - và ý chí hơn người. Nghiêm khắc có thể làm bạn khó chịu chốc lát, nhưng hãy để thời gian làm bạn hiểu rằng nghiêm khắc cũng là hiện thân đẹp đẽ của tình yêu thương. Nếu họ không thích bạn, họ sa thải bạn, thế là xong, nhưng nếu họ còn bỏ công bỏ sức la mắng bạn một chút để bạn nhận ra cái chưa hoàn hảo của mình, thì chẳng phải họ đang thương bạn bằng ngôn ngữ của họ hay sao??? Sự nghiêm khắc cũng chính là là chất kiềm quan trọng để trung hoà những ngày tuổi trẻ bồng bột đầy acid của bạn.
Nói tóm lại, đúng là “Thanh xuân như một chén trà”. Một chén trà chỉ ngon nhất, trọn vẹn nhất cả về hương sắc, mùi vị khi nó còn vừa đủ nóng - cũng giống như những nồng nhiệt, đam mê, và cả những dại khờ của tuổi trẻ. Và mỗi chúng ta đều chỉ được cuộc đời rót cho một chén duy nhất, hãy tận hưởng và nhấm nháp theo cách của mình, nhưng đừng để phải hối tiếc và cũng đừng quên......“Ngủ lâu lâu chút hết bà thanh xuân”.
“CHO NÓ ỔN ĐỊNH....” - CÂU NÀY SIZE PHẾT!
“Vì sao em tốt nghiệp loại Giỏi ngành kế toán mà lại xin vào một vị trí không liên quan gì đến ngành học thế này?”
“Dạ, em không hề thích ngành này, mẹ em ép em học để sau này vào cơ quan mẹ làm thế chân cho nó ổn định nên em theo, làm được 1 năm cho mẹ vui lòng, em chịu hết nổi, nên em bỏ luôn rồi vào Saigon kiếm việc...”
Câu trả lời quá đỗi thành thật của cô bé người Hanoi trước câu hỏi có phần đánh đố của tôi trong buổi phỏng vấn tuần rồi nó cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi dù đã mấy ngày trôi qua.
“Cho nó ổn định....” từ ngày chuyển vào sinh sống ở miền Nam tôi ít nghe thấy câu này....mặc dù đây là một câu nói rất quen thuộc của rất nhiều bố mẹ thuộc thế hệ Baby Boomer ở miền Bắc, những người sinh ra từ những năm 1943-1960...
“Học ngành này đi sau này cho nó.....ổn định..”
“Học xong vài năm lấy một anh chồng gia đình cơ bản đi cho nó.....ổn định”
“Làm tư nhân làm gì, cố xin vào biên chế nhà nước đi cho nó....ổn định”
Đã bao giờ bạn nghe thấy những câu tương tự như vậy?
Vậy “Nó” là cái gì mà lại phải cần ổn định???
Suy nghĩ riết để định vị và gọi tên “nó”, tôi nghĩ “nó” là chính là Tương Lai.
Với một thế hệ trải qua chiến tranh, thiên tai và biết bao nhiêu những biến động xã hội, chuyện người ta gắn sự “ổn định” của tương lai như một tiêu chuẩn của cuộc sống tốt là điều hoàn toàn nhân bản và dễ hiểu. Tuy nhiên, bằng cách này cách khác, vận động cũng như cưỡng ép, vẫn còn rất nhiều vị phụ huynh đang cố truyền cho con em mình lối suy nghĩ ấy dưới một mỹ từ đầy tính giáo dục và trách nhiệm: “định hướng”.
Nhưng chậm lại một chút và nhìn từ góc độ của người trẻ:
“Ổn định” phải chăng là tâm lý chấp nhận dừng lại, và dễ bằng lòng với những gì đang có?
“Ổn định” rất gần với cái cảnh sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, cuối tháng đều đặn lĩnh lương, thấp cũng được, nhưng được cái......“ổn định”.
Suy cho cùng, “nó” - tương lai khó mà có thể ổn định, bởi vì nó luôn bất định và vô thường như một thuộc tính thú vị của cuộc sống muôn màu. Không ai biết được ngày mai sẽ thế nào. Bạn,và cả tôi, chúng ta đều sẽ là hài hước, chủ quan và võ đoán như nhau nếu nói về chính chúng ta của những năm về sau.
Một người đang rất vượt trội hôm nay, ngủ một giấc hơi lâu, sáng mai đã thành kẻ tụt hậu là chuyện đang xảy ra hàng ngày hàng giờ và không còn là hiếm, nhất là trong thời đại 4.0. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng dễ bị cuốn trôi và bỏ lại phía sau nếu chúng ta thoả hiệp với với một sự ổn định nhất thời.
Thế nên, “cho nó ổn định” - câu này size phết!
Cá nhân tôi sẽ nhất quyết chẳng chọn gì “cho nó ổn định” cho mình và cho con mình cả ngày nay và ngày sau. Tôi chọn sự dấn thân, bất chấp thăng trầm,được làm vua thua làm....lại, hơn là ngủ yên trong vỏ ốc của sự ổn định.
Ngày còn bé, Bố tôi thường nói rất nhiều về những mặt trái- mặt tối, những kiểu người khác nhau trong xã hội, những điều tiêu cực của cuộc sống song song với chuyện đề cao những giá trị nhân văn tốt đẹp cần được gìn giữ và tôn trọng trong mọi hoàn cảnh. Đã có lúc ngờ nghệch, tôi thầm trách Bố vì toàn lo xa, toàn nói đến những khả năng xấu nhất mà chẳng ai muốn xảy ra. Lúc ấy, bữa cơm gia đình tôi rất dễ thành giờ phát thanh “Câu chuyện cảnh giác”. Ngày đưa tôi đi thi đại học, Bố tôi chia sẻ bí mật lần đầu được kể: bố đã từng rớt đại học lần đầu tiên, và chỉ thành công lớn ở lần thi thứ hai. Rồi Bố hỏi “Phương án của con nếu chẳng may trượt là gì?”. Thật chẳng giống ai!!!
Tôi không thể nghĩ đến chuyện xin vào cơ quan Bố làm, vì chưa kịp nghĩ tới Bố đã phủ đầu “Thế hệ trẻ như bọn con mà phải dựa hơi bố mẹ để xin một việc làm thì là dấu hiệu đầu tiên của một sự kém cỏi dài lâu. Bơi đi, tự bơi đi, bơi chậm cũng được, nhưng vẫn còn tốt hơn là dùng áo phao”. Thật chẳng giống ai!!!
Nhưng về sau này, đi nhiều, dấn thân và trải nghiệm nhiều, tôi mới thấm đến tận cùng chủ ý sâu thẳm của Bố - một Baby Boomer hơi lạc lõng với thế hệ. Bố không muốn tôi “cho nó ổn định” mà tập cho tôi “cho nó sẵn sàng” trong mọi hoàn cảnh. Cuộc sống có thể tặng ta hoa hồng nhưng cũng rất có thể thử thách ta bằng gạch đá, quan trọng là ta sẵn sàng và chủ nhận đón nhận “nó” như thế nào. Tương lai là động, chứ không bao giờ là tĩnh, và bản thân ta càng không thể tĩnh vì cuộc sống đã bao giờ ngừng chuyển động.
Một mùa thi nữa sắp đến rồi, các bạn trẻ và các vị phụ huynh, các bạn chọn “cho nó ổn định” hay “cho nó sẵn sàng”???
“Cho nó sẵn sàng” - câu này mới là chill phết!
“Đã là thuyền thì phải là ở trên biển, thuyền nằm yên trên bờ chỉ có thể là chiếc thuyền đã bỏ đi...”
#BabyBoomer#DaddyLesson#BeReady or #BeStable
BOOMERANG HAY MŨI TÊN: BẠN LÀ KIỂU PHỤ HUYNH NÀO??
Thế giới người ta chia ra thành Cha giàu - Cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu mẹ Nhật mẹ Hàn rồi đủ thứ mẹ...còn trong tư duy giản đơn của mình, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.
Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng - thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.
Một cô - bạn của tôi - sau khi đốt đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ RichKid thành Big Kid đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày games cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu gọi xuống ăn. Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức....thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn & ngủ. Cười không được, khóc không xong, cô bạn tôi không biết phải ứng xử thế nào với cái boomerang mang tên “con nhà mình”, được bao bọc trong quần mấy chục củ, áo mấy trăm chai, còn giá trị cống hiến đối với xã hội thì đến nay vẫn còn là đáp án sai trong mọi phép tính. Yêu con hơn cả yêu mình, thương con hơn cả thương mình......thường vẽ đường chỉ lối cho những đứa con nhanh tiến đến cái thái độ sống Vô ơn - bất cần và sống mòn ngay cả khi còn trẻ. Mình nghĩ câu chuyện trên đây là tất yếu khi mà mặt bằng nhu cầu cuộc sống trung bình chỉ cần 1 đồng, con chưa kêu thiếu, bố mẹ đã cấp sẵn 2 đồng vì sợ con thiếu thốn. Và dần dần, đứa con sớm hay muộn cũng nghiễm nhiên đòi hỏi phải có được 3 đồng đơn giản chỉ vì nó là con của bố mẹ nó, chứ chẳng vì lý do gì khác. Khi bé không cần phải ra sức thực học, vì chưa thi bố mẹ đã lót sẵn đầu ra, khi lớn không phải lo thực làm vì bố mẹ đã trải sẵn ghế cho ngồi....và sốt sắng sống thay luôn mảnh đời con trẻ. Thậm chí đóng vai ông bà kiêm luôn bố mẹ của cháu nếu các con đã lớn mà chưa chịu khôn.
Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước - về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang. Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” - tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép. Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thuỷ nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội - mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho chất nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất.
“Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.”
Có lần mình hỏi thử Bố: "Bố ơi nhà mình có giàu không?" Bố trả lời "Bố thì có, nhưng con thì chưa." Hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. Mình tinh nghịch hỏi lại “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”. Sau câu nói đấy, tự nhiên mình tỉnh hẳn ngủ sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của Bố; và tỉnh đến tận bây giờ luôn.
Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi.
Hoàng Huy
#HHParenting#MissingDad#PapaLesson
NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN......TIỀN CỦA NGƯỜI TRẺ
NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN......TIỀN CỦA NGƯỜI TRẺ
Mình có cái may là trong friendlist có rất nhiều người trẻ nên Newsfeed thể hiện sống động nhịp sống và hơi thở của tuổi trẻ, lại được làm việc cùng với nhiều bạn 9x nên tha hồ quan sát và cảm nhận cái thế giới quan rất thú vị của các bạn. Và hai trong số những chủ đề chưa bao giờ ngừng hot với rất nhiều các bạn trẻ đó là than vãn: không có người yêu (FA, thật & giả) và kế tiếp đó là than hết tiền-thiếu tiền-ít tiền.....Hôm nay, 30 Tết, nói câu chuyện thứ hai là thích hợp hơn cả.
Người trẻ, với sức tiêu dùng mạnh, độ ham thích với cái mới cao trong khi thu nhập còn hạn chế thế nên những lúc bối rối về mặt tiền bạc là không thể nào tránh khỏi. Và mình cũng đã đi qua đầy đủ những cung bậc như thế, cả ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài thế nên chắc vài kinh nghiệm nhỏ của mình chắc ít nhiều có ích với những ai cần nó.
Nếu bạn đã đủ 18 tuổi và còn đi học dưới sự chu cấp của bố mẹ, tốt nhất đừng nên than, vì như thế vô duyên lắm. Bởi lẽ, theo luật, sự trợ cấp đấy là không bắt buộc, bố mẹ thương và ủng hộ bạn, họ có thể cho bạn một chút tiền nhưng đó không còn là nghĩa vụ nữa. Và người Anh có câu "Beggars cannot be chosers" (Ăn mày còn đòi xôi khúc). Nhận chu cấp và than vãn, vô tình bạn có thể làm bố mẹ buồn hoặc tệ hơn là gây một áp lực vô lý đối với họ, những người duy nhất trên đời yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Nếu bạn đã đi làm, càng không nên than hết tiền, vì càng than sẽ càng làm cho nhiều người biết cái yếu của bạn trong việc lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống. Không một chàng trai hay cô gái nào hứng thú với một đối tác không biết sắp xếp cuộc sống ngay cả khi còn độc thân. Và cơ bản, than không thay đổi được bản chất của vấn đề (trừ khi bạn thích than để "thả thính" J). Bạn đã kiếm tiền nhưng chưa đủ, đó là dấu hiệu bạn cần xem lại chi tiêu và cần cố gắng hơn.
Vậy thì phải làm gì để vẫn có thể sống tốt trong điều kiện tài chính còn hạn chế?
1. Hãy tính lại
Tổ chức lại cách chi tiêu theo chu kỳ thu nhập, nếu bạn lĩnh lương theo tuần hay theo tháng thì bạn làm theo chu kỳ đó. Hãy liệt kê tất cả các khoản mục bạn cần phải chi một tháng thành hai loại (Compulsory & Optional: Bắt buộc và Không bắt buộc) hoặc Needs & Wants
Bắt buộc là: Ăn - Ở (Nếu bạn phải thuê nhà) - Đi lại - Bills (các loại hoá đơn)....những nhu cầu thiết yếu bạn cần phải chi để tồn tại. Thường đây sẽ là một con số tương đối cố định theo từng năm, chỉ thay đổi theo lạm phát.
Không bắt buộc là: Giải trí - Kết nối- Shopping....những nhu cầu mà nếu bị gián đoạn, cuộc sống của bạn không bị xáo trộn ngay lập tức.
Phân bổ tối đa 60% thu nhập của bạn cho mục này: Chi phí cuộc sống, theo thứ tự Bắt Buộc trước, Tuỳ chọn sau. Nếu bạn phân bổ rồi mà vẫn không đủ, đừng lo, thiếu thốn sẽ là động lực để phát triển, nhưng ít nhất bạn đã kiểm soát được việc chi tiêu của mình. 60% thu nhập này dạy bạn bài học cơ bản về những giá trị thiết yếu của cuộc sống.
2. Hãy đầu tư:
Đừng cứ nghe đến từ "đầu tư" là nghĩ ngay đến chứng khoán, bất động sản hay bitcoin gì đấy, xa xôi quá. Với người trẻ, đầu tư hàng đầu phải là đầu tư cho chính bản thân mình. Một khoá học kỹ năng hay ngoại ngữ, những cuốn sách hay và bổ ích, một chuyến du lịch.......Tất cả những thứ làm bạn "giàu có" hơn về kiến thức, năng lực làm việc và trải nghiệm cuộc sống. Đây là sự đầu tư bền vững và siêu lợi nhuận, hãy dành ít nhất 20% thu nhập của bạn cho điều này. 20% này nhắc bạn không được bằng lòng với ngày hôm nay, hãy vươn lên.
3. Hãy nghĩ đến ngày mai.
Cuộc sống là vô thường, không ai biết trước được ngày mai ra sao, có thể là đầy cơ hội nhưng có thể là rủi ro, bất trắc. Bạn chỉ có thể vượt qua những rủi ro nếu như bạn đã luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho tình huống xấu nhất. Ốm đau, thay đổi việc làm, hay những điều còn tệ hơn nữa.....là những trải nghiệm không hề dễ chịu và chẳng ai muốn. 20% thu nhập còn lại của bạn chính là dành cho việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Và hãy mua bảo hiểm ngay cả khi đang khoẻ mạnh nhất, đừng biến mình thành gánh nặng cho người thân nếu không may gặp vấn đề về sức khoẻ. Quan trọng nhất, đừng động đến khoản tiền này chỉ vì bạn thích một cái váy đẹp hay muốn đổi điện thoại mới; vì bạn cần có một cái phao cứu sinh tương đương chi phí cuộc sống tối thiểu từ 6-12 tháng trong những tình huống khẩn cấp. 20% cuối cùng này cho bạn bản lĩnh đối mặt với những điều không mong muốn.
4. Hãy đừng ngồi im và than vãn
Tuổi trẻ chẳng có gì ngoài thời gian, trí lực và nhiệt huyết. Hãy tìm mọi cách chuyển đổi những thứ đó thành tiền. Ngoài 8h vàng ngọc đã bán cho cơ quan, bạn hoàn toàn có thể tìm một nguồn thu nhập phụ từ những kỹ năng hoặc năng lực của mình, dù ít hay nhiều, bạn cũng đã bớt bị động hơn là chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất.
5. Hãy nói không với Nợ.
Trừ khi bạn là nhà đầu tư quen sống chung với những khoản nợ, hoặc là nếu không vay thì bạn nguy cấp, thì tốt nhất hãy cố gắng nói không với Nợ. Các khoản nợ dù lặt vặt nhưng cũng sẽ làm những bê bối tài chính cá nhân của bạn kéo dài và phức tạp hơn nếu bạn không quản lý tốt. Và dù trong tình huống nào, cũng đừng lạm dụng thứ tài sản quý giá nhất của mình: uy tín và danh dự của bản thân. Không sử dụng thẻ tín dụng cho tới chừng nào bạn tự tin với khả năng kiểm soát chi tiêu của bản thân.
Dù thu nhập bạn tăng hay giảm: hãy luôn tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu 60-20-20 này cho đến khi bạn đủ tự tin về tài chính và có thể làm chủ chuyện chi tiêu cá nhân một cách khoa học.
Có một nghịch lý mình phát hiện ra là phần đông các ông bố bà mẹ Vietnam thường dúi tiền vào tay con nhưng rất ít người cùng ngồi xuống và trao đổi với con cách quản lý và sử dụng đồng tiền, để đến khi bước vào đời đa số các bạn trẻ đều lúng túng với đồng tiền, làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa. Nhưng cũng chẳng sao, vì những gì chưa được dạy thì ta sẽ học, chẳng bao giờ là muộn.
Chúc các bạn trẻ một năm mới thịnh vượng theo cách của bạn, không còn "bán than", nhất là chuyện tiền bạc.
Hoàng Huy
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
"BẠN ĐÃ DÙNG TUỔI THANH XUÂN ĐỂ LÀM GÌ?"
(Lâu lâu viết nhảm nhí cho mình để tạm biệt năm 2017)
Kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm, đáp chuyến bay muộn về với Bố cho kịp bữa cơm chiều, về với nơi thân thương mà không gì thay thế được, tự nhiên trong lòng nhẹ bẫng.
Ngoảnh đầu nhìn lại, một năm nữa đã chảy qua nhanh như một chớp mắt...Vài ngày nữa, một năm mới sang, mình sẽ miễn cưỡng phải dọn vào sống chung với cái tuổi 30 chật chội, không thích lắm đâu, tuổi của những bước ngoặt, tuổi đến hạn quyết toán những gì còn sót lại của thanh xuân.
Thanh xuân với mình là một dạng vốn, bằng một cách rất công bằng, cuộc đời cấp cho tất cả chúng ta, tuyệt đối không thể vay mượn, chia sẻ và luôn đòi hỏi chúng ta phải là những nhà đầu tư thông thái nếu như không muốn nhận những cái kết tê tái...
Ngồi trên máy bay, mình thử tự hỏi mình cái câu hỏi thời thượng mà rất hay các bạn trẻ bây giờ hay hỏi đùa nhau "Ta đã dùng cả tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?"
Để yêu??? Trẻ là phải yêu, không yêu cũng là một cách phí hoài tuổi trẻ. Mình cũng yêu, cũng rồ dại, cũng vô tư, cũng cuồng nhiệt, và tất nhiên cũng......sai lầm. Nhưng sau cùng mình thấy rằng: Tình yêu hoá ra cũng giống như chuyện lái xe. Không quan trọng lắm chuyện bạn đi xe gì, mà quan trọng bạn có đến đích an toàn hay không? Bạn lái xe bằng gì? Sự tỉnh táo và khôn ngoan hay sự mù quáng và vội vã? Lãng mạn, cuồng nhiệt sớm muộn rồi cũng có thể qua đi, nhưng cái quan trọng nhất sẽ vẫn là nồng độ hạnh phúc trong hơi thở những người trong cuộc. Không ai vẫy bạn lại để đo cái nồng độ ấy đâu, nhưng hãy luôn đảm bảo mình được hạnh phúc và bình yên nhất - nếu hai điều đó không còn, thì hãy dũng cảm bước ra, càng sớm càng tốt. Đừng cố gắng nhẫn nhịn, đừng tập tành hi sinh, và đừng cố diễn 24/7, tội lắm, cả mình cả người ta. Hãy yêu bằng tất cả sự trần trụi của cảm xúc nhưng cũng đừng bao giờ tự cho phép mình hoài nghi tình cảm tốt đẹp của những người quanh ta chỉ vì đôi lần của ngày hôm qua chưa được êm đẹp...
Để học hỏi??? Trẻ mà thiếu vắng đi sự học thì chỉ để lại cho tuổi già sự tiếc nuối. Mình thì chẳng bao giờ muốn tiếc nuối về bất kỳ điều gì nên mình học như thể đó là nhu cầu ăn-ngủ mỗi ngày, chứ chẳng vì mảnh bằng nào cả. Mình không chịu được cái tối tăm khi mất điện, và cũng quyết không thoả hiệp một cuộc sống quá bức bối vì thiếu hiểu biết. Học từ một tờ báo cũ, từ một ông lão bán vé số, hay học từ những ngôi trường danh tiếng, học từ những trận chửi mắng té tát của người đời.....thì đều là những học phần bắt buộc của đại giảng đường cuộc sống. Tiêu tốn cả thanh xuân để đi học để rồi nhận ra sự thật phũ phãng rằng hoá ra ta luôn ngu dốt hơn mình tưởng, và sẽ chỉ nên ngưng học khi ngưng thở để tránh cho sự dốt nát không ngừng lạm phát.
Để đi??? Tuổi trẻ là những chuyến đi, nếu không đi ta sẽ quên mất mình đã từng trẻ. Mình lang thang khắp nơi, từ thế giới phồn hoa của những người giàu đến những nơi chẳng có gì ngoài sỏi đá. Nhưng rồi, sau mỗi chuyến đi, mình lại nhận thấy chuyến đi về nhà - về đất nước nơi ta đã sinh ra - đi ngược về trong sâu thẳm chính bản thân mình là những chuyến đi đáng mong đợi nhất. Đi xa để trở về là vậy. Đi! Nhất định phải đi để thấy gia đình & đất nước mình là những thứ không dễ gì từ bỏ được đâu; để thấy những gì đẹp nhất hoá ra là những gì thân thương, giản dị nhất. Vậy nên, hãy đi đi!
Để kiếm tiền??? Mình đã từng đạp tuyết xuyên đêm đi nhặt từng xu lẻ nơi xứ người, và tất nhiên, cũng từng lăn qua lăn lại trên những chiếc giường trải đầy tiền như một trò trẻ con rất nhảm nhí để trả thù những ngày khốn khó. Mình nhẫn nhịn với mọi thứ trong đời, trừ cái nghèo và sự thiếu thốn nên say mê chuyện kiếm tiền như một bản năng sinh tồn để thử thách chính mình trong mọi hoàn cảnh. Sau cùng, mình nhận ra hoá ra chúng ta không cần phải có quá nhiều tiền để hạnh phúc như chúng ta vẫn thường tự huyễn hoặc bản thân đâu. Hãy biết Đủ và phải trả lời cho chính mình bằng được câu hỏi: "Sau sự giàu có và thành đạt là gì?" - Phải là HẠNH PHÚC, nhất định phải là HẠNH PHÚC, không chỉ cho bản thân và gia đình, mà còn phải là cho những người quanh ta. Người ta khuỵa ngã vì kiếm tiền sai cách nhiều, nhưng một số đông hơn nhiều lần lại sụp đổ vì tiêu tiền sai cách. Không định nghĩa cho đúng, tiền bạc sẽ chỉ là ngọn nguồn của đau khổ, sớm hay muộn.
Mình đã dùng tuổi thanh xuân để làm gì nhỉ?
Mình đã đầu tư sạch sẽ không thiếu một phút nào cho chuyện kiếm tìm tự do và tìm kiếm chính mình.
Chúng ta ai cũng nhìn thấy chính mình trong gương mỗi sáng nhưng không phải ai cũng hiểu được bản thân mình, tìm kiếm được chính mình, biết mình cần gì, muốn gì, khát khao gì?Thanh xuân chính là lúc ta đi tìm ta, tìm sao cho trọn vẹn như cái cách đi tìm lần lượt những mảnh ghép lộn xộn để xếp cho thành hình một Cuộc sống cho đáng sống.
"Tự do" sau cùng không phải do ai đó ban phát cho ta mà do mình tự tặng cho chính mình qua năm tháng, qua học hành, qua yêu thương, mất mát và trải nghiệm. Thung thăng đi giữa phố đông với vài xu lẻ hay tài khoản nhiều số; ngồi xe sang hay cuốc bộ, bực tức hay thảnh thơi.....ta sẽ vẫn luôn cần là ta, chung thuỷ với nhân cách mình đã chọn, bình thản và an yên, và khi ấy thanh xuân đã được tiêu xài ý nghĩa, dù chẳng bao giờ lấy lại được nữa.
HAPPY NEW YEAR EVERYONE!!!!
Hoàng Huy.
#NewYear #WhereismyYouth #Days4Family
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI CÙNG TUỔI....
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI CÙNG TUỔI....
Chào Dư!
Chúng mình cùng 88 cùng tuổi Mậu Thìn đấy nên tớ sẽ gọi Dư là cậu nhé, như một người bạn đồng niên dũng cảm.
Hôm nay tớ đang trong một kỳ nghỉ ở xa, mở mạng lên tình cờ thấy câu chuyện về hoàn cảnh và sự ra đi của cậu trên Facebook một người bạn, tớ ám ảnh và xúc động mà chẳng thể ngủ lại được nữa nên tớ quyết định vài dòng cho cậu, một người chưa từng quen biết.
Người ta nói cậu nghèo lắm
Người ta nói cậu vất vả lắm....
Còn riêng tớ nghĩ cậu là người may mắn lắm, Dư ạ.
Không phải thứ may mắn tầm thường loại 2 kiểu có bố làm quan chức, có nhà đẹp, có siêu xe hay trúng độc đắc, cậu may mắn vì biết rõ ước mơ của mình là gì và được sống hết mình và được chết vì ước mơ ấy. Rất nhiều người trẻ dù có đủ đầy hơn, có hoàn cảnh tốt hơn, chưa chắc có được cái may mắn đó. Ngày qua ngày, họ sống một cuộc đời nhàn nhạt - muốn đến đâu thì đến, vô định và cũng vô vị. Cứ tồn tại và hít thở thôi, còn sống thì để bố mẹ lo đến chết. Biết được mình sống chết vì cái gì, biết mình muốn thành cái gì trong tương lai và dám đi đến tận cùng của ước mơ - không phải ai cũng tự trả lời được, nhất là ở nước mình
Tớ có đọc đâu đó có nhiều kẻ ác ý, thậm chí có vài người còn là đồng nghiệp của cậu, họ nói cậu muốn tranh thủ lúc thiên tai bão lũ săn bài săn ảnh.....để kiếm tiền, có gì đâu mà phải tri ân với cả ồn ào. Tớ mong rằng từ trên trời xanh, cậu sẽ rộng lòng tha thứ, đừng trách họ vì cuộc đời vốn là thế, luôn có những kẻ đầy những suy nghĩ đố kỵ, và u ám về cuộc đời. Dù họ có giàu có hay quyền lực đến mấy, trong mắt tớ họ mãi mãi chỉ là những kẻ thấp hèn - cứ để họ ở yên trong cái hố sâu sân si của lòng vị kỷ.
Kiếm tiền không phải là cái gì xấu xa - tội lỗi cả, miễn là đồng tiền đó sạch sẽ và lương thiện. Mình thắc mắc những người ưa phán xét đó họ cần bao nhiêu tiền để sẵn sàng đội mưa - đội bão để dũng cảm đi "kiếm tiền" như cậu??? Chắc là họ sẽ chọn những cách kiếm tiền dễ dàng hơn: ngồi trong một căn phòng máy lạnh an toàn, copy hình ảnh - tin bài trên mạng để rồi truyền đi khắp mọi nơi như thể chính họ đang ở giữa vùng rốn lũ; bằng cách ấy, lượt view càng lên cao - lòng tự trọng nghề nghiệp càng xuống thấp.
Nếu không có những người dũng cảm như cậu, người miền xuôi sẽ chẳng bao giờ hình dung biết được một cơn lũ ở vùng cao sức tàn phá khủng khiếp như thế nào, đồng bào khốn khổ ra sao...
Tớ luôn quan niệm: chất lượng cuộc sống là quan trọng hơn độ dài cuộc sống. Tớ là thuộc kiểu người chọn sống 50 năm ý nghĩa hơn là 100 năm mờ nhạt. Cái chết suy cho cùng không phải là điều đáng sợ nhất, điều đáng sợ nhất là đến khi chết ta không nhớ là mình đã từng thực sự sống. Tớ cũng có đủ loại ước mơ cho riêng mình, to có nhỏ có, mơ mộng có, điên rồ có - và tớ luôn nghiêm túc và thành thật với chúng; giờ thì tớ đang theo đuổi sự thành đạt bằng nghề nghiệp và học vấn của mình. Thành đạt thì chưa chắc đã hạnh phúc đâu; nhưng ít nhất phải thành đạt trong sự soi sáng của hiểu biết thì mới có năng lực để giúp được chính mình và nhiều người quanh mình một cách thiết thực nhất trước khi có những cống hiến lớn hơn để trả ơn cuộc sống.
Không có một ước mơ, đời chúng ta sẽ như nước lọc chứ chẳng thể nào là rượu vang được
Tớ cũng đã làm đủ nghề để kiếm sống để nuôi ước mơ của mình, từng ăn một bữa sống cả ngày, từng ở trong một căn phòng mở cửa ra là bước lên giường vì phòng chỉ đủ kê 1 chiếc giường duy nhất, từng mấy năm liền chết thèm chết nhạt được một ngày Chủ nhật được nghỉ ngơi trọn vẹn. Và tớ chẳng có gì phải giấu diếm hay xấu hổ vì những ngày đã qua mà còn hết sức tự hào và biết ơn những tháng ngày gian khổ ấy. Vì không có mồ hôi rơi - nước mắt rơi những ngày ấy, sẽ chẳng bao giờ có ngày hôm nay.
Nếu còn tiếp tục con đường đang dang dở, tớ rất tin nhất định cậu sẽ trở thành một nhà báo có tâm - có tầm - có bản lĩnh của một người làm nghề chân chính.
Được sống đến cùng,hay được chết vì đam mê của mình cũng là một điều hạnh phúc.
Ngủ ngon Dư nhé, giữa lòng quê hương, giữa tâm trí bạn bè, những người quen và không quen nhưng đều vô cùng ngưỡng mộ cậu - một người trẻ đã sống một đời trọn vẹn hạnh phúc, trọn vẹn mê say và hoài bão.
Hoàng Huy.
CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
CẤT TÂM THƯ ĐI VÀ CÙNG BƯỚC XUỐNG CUỘC ĐỜI.
Mấy hôm nay mạng xã hội đang ồn ào vì câu chuyện cô bé thủ khoa ngành sư phạm Ngữ Văn của Đại học Sư phạm Hanoi 2 đang ở nhà…………chăn lợn, và rồi lại.........viết tâm thư thống thiết gửi Bí thư tỉnh ủy: “Mong chú sẽ cho cháu một con đường, một cơ hội để trở về, để được làm việc và để sống hết mình cho quê hương Hà Giang.”
Và như mọi khi, đám đông dư luận nhao nhao lên cho ngành giáo dục lĩnh đủ gạch đá; chỉ trích và đổ lỗi nhà nước- cáo buộc cơ chế bỏ lọt lãng phí người tài.
Bình tĩnh và chậm chạp hơn, tôi nhìn câu chuyện ở một góc khác, và nhìn thấy nhiều điều để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm hơn là đổ lỗi cho ngành giáo dục.
Bình thường tôi chẳng bao giờ ước tôi là một ông Bí thư tỉnh ủy đâu, nhưng hôm nay tôi lại muốn mình được ở vị trí đấy một ngày để tự tay viết cho bạn thủ khoa vài dòng:
“Cháu thân mến.
Con đường – cơ hội của cháu thì chỉ có thể do cháu tạo ra, chú không thể có để mà cho cháu được. Nếu không có cơ hội nào hết, cháu có vẫn sẵn lòng làm việc và sống hết mình cho quê hương Hà Giang không?”
Có lẽ cô gái ấy đang ngộ nhận về hai chữ "Thủ khoa" khi kể ra một loạt thành tích học tập trong quá khứ và nghĩ rằng thủ khoa là tấm vé hạng nhất để đi thẳng đến thành công. Một sự sai sai không hề nhẹ!
Thủ khoa hoàn toàn vẫn được quyền thất nghiệp như tất cả các hạng bằng cấp khác. Cái quyền cơ bản đó thực tế cuộc sống tuyệt nhiên không dám xâm phạm. Bởi lẽ không một trường Đại học nào trên thế giới này, kể cả Cambridge hay Havard tuyên bố rằng: tốt nghiệp thủ khoa trường chúng tôi, bạn sẽ không giờ thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ bán cho người đang có việc làm mà mất việc, chứ không bán cho sinh viên bằng giỏi ra trường nhưng không xin được việc.
Và lần ngược dòng thông tin, tôi thấy rằng bạn nữ thủ khoa kia đã từng nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Chuyên Hà Giang năm 2016 nhưng sau đó từ chối dự thi vì……….không tự tin.
Vậy thực ra bạn ấy muốn gì nữa??? Tuyển thẳng hay một vị trí nào đó tốt hơn nữa mà chẳng cần thi tuyển gì hết???
Là một người yêu kính sự công bằng, tôi cực kỳ không thích cách người ta cứ hết cộng điểm ưu tiên khi thi đầu vào đến tuyển thẳng mấy bạn thủ khoa vào vị trí này vị trí khác lúc đầu ra. Vì thủ khoa - đơn giản là cái danh hiệu xác nhận là bạn có thành tích học tốt nhất trong một nhóm bạn trong một khóa học nhất định, nhóm ấy có thể là 10, 100 hay hơn nữa là vài ngàn bạn. Nhưng thành tích học tập tốt chưa chắc là thực học tốt, và còn xa mới có thể hiểu là đồng nghĩa với làm việc tốt, nhất là ở Việt Nam.
Hãy thi tuyển, hãy thử thách và hãy để thực tế công việc - người thầy khó tính nhưng khách quan nhất đánh giá. Nếu bạn giỏi, đừng lo ngại người khác không biết điều đó.
Biên chế nhà nước có thể khờ khạo, chứ doanh nghiệp tư nhân thì không đâu: tiền của họ, tương lai của chính họ, thì họ chẳng cần phải nể nang hay ưu ái ai cả. Một doanh nghiệp họ không phân chia nhân viên thành: loại thủ khoa - bằng Giỏi với loại bằng khá- trung bình; mà chỉ phân chia thành: nhân viên làm việc tốt và nhân viên làm việc chưa tốt.
Còn nếu để nói về marketing bản thân, với góc độ chuyên gia, tôi tin rằng bạn ấy đã chọn sai cách. Bản thân mỗi chúng ta là một món hàng trên thị trường lao động, tuy nhiên chọn PR bản thân sai cách thì sẽ còn lợi bất cập hại. Bạn nói bạn là Thủ khoa mà vẫn thất nghiệp, bước 1, họ sẽ hoài nghi ngay lập tức cái danh hiệu của bạn. Bước 2, họ sẽ đặt câu hỏi "Thủ khoa - tức là có một xuất phát điểm thuận lợi, mà còn thế này, còn than thở - còn tâm thư, thì khi công việc khó khăn, không thuận lợi, thì có cố gắng vượt qua không hay sẽ lại viết tâm thư xin nghỉ việc.". Bước 3, họ sẽ kết luận một cách lịch sự và nhã nhặn rằng "Em rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc". Một nguyên tắc để đời của marketing hiện đại đó là không để khách hàng mua hàng bằng một tâm lý chiếu cố.
Nếu một ứng viên bước vào phòng phỏng vấn và nói với tôi "Chào anh, em là Thủ khoa trường A đây ạ" tôi sẽ lịch sự mời em về luôn, vì cái tôi quan tâm nhất là tiềm năng cho thấy bạn sẽ làm được cái gì cho công ty tôi trong tương lai hơn là kể cho tôi bạn đã làm được gì trong quá khứ. Đó là lý do vì sao tôi thường chỉ xem bằng cấp của ứng viên sau cùng, vì 99% quan tâm của một nhà tuyển dụng là thái độ,tính cách, và mức độ phù hợp của ứng viên với công ty hơn là chuyện họ tốt nghiệp loại gì.
Từ nhỏ, tôi được bố mẹ giáo dục rằng "Nước mắt là chỉ để dành cho bố mẹ" (Chỉ được khóc khi bố mẹ lìa đời). Không bao giờ được dùng nước mắt để xin sự cảm thương, và dù hoàn cảnh có khốn khó đến đâu, đừng dễ dãi với bản thân để xin cuộc đời cái này cái khác. Đó là bài học đầu đời của tôi về lòng tự trọng. Nhưng các bạn trẻ bây giờ người ra dễ dãi để nói ra cái từ "Xin" quá, và có nhiều thể loại viết văn, nhưng không hiểu sao rất nhiều bạn lại chọn viết tâm thư như một lựa chọn giản đơn, như hiện thân văn học cho tâm lý "Tấm ngồi đợi Bụt" – điều mà tuyệt nhiên không nên xuất hiện ở tuổi trẻ.
Thảm đỏ là của người ta, người ta trải ra được thì người ta lấy lại được, chỉ có con đường mình đi bằng chính đôi chân của mình thì mới là còn mãi.
Điều đơn giản ấy, cô bé thủ khoa kia không hiểu, rất nhiều bạn trẻ không hiểu, và ngay cả những người quyền cao chức trọng sống hết cả đời người cũng chưa chắc đã hiểu.
Có những ông bố dùng mọi cách để trải thảm cho con mình được ngồi đúng cái ghế của mình, năm trước năm sau, nhân dân đòi lại. Con thì ngỡ ngàng, còn bố thì bẽ bàng, hai thế hệ truyền tay nhau chung một nỗi nhục.
Câu chuyện của bạn thủ khoa làm tôi nhớ lại chính mình của 2 năm trước khi đang học tập và làm việc ở London, tôi cũng có cùng một câu hỏi: Tôi cần điều gì để có thể “dũng cảm” mà trở về Việt Nam cống hiến khi đã sống ở nước ngoài quá lâu???
Cơ hội? – Tôi cũng có vài lời đề nghị việc làm hấp dẫn, người ta nói về vị trí này vị trí kia, mức lương này mức thưởng kia, toàn số đẹp cả, nhưng tôi chỉ có thể cười và cảm ơn. Nhưng có lẽ đó chưa phải điều tôi cần nhất tại thời điểm đó.
Và rồi, theo một cách không thể tình cờ hơn, tôi may mắn gặp được người sếp của mình bây giờ - một người chị lớn đúng nghĩa.
Chị không nói với tôi về những con số đẹp, và cũng chẳng có cái thảm đỏ nào hết. Chị nói với tôi những điều rất giản dị: về quê hương, về gia đình, và về câu chuyện của chị như một du học sinh thế hệ trước, đã đi để trở về và theo một cách chân thành nhất, truyền cho tôi một niềm tin rằng: Nếu thực sự có tài năng, ở gầm trời góc bể nào cũng có thể sống tốt và làm một người tử tế. Vậy tại sao không phải là trên chính quê hương mình? Hành trang trở về của tôi chính là niềm tin ấy.
Với niềm tin ấy, tôi tin tôi có thể vui vẻ làm bất kỳ công việc gì hợp pháp – lương thiện để sống hạnh phúc trên chính đất nước này, Việt Nam. Chăn lợn? Có thể lắm chứ! Tôi sẽ cố gắng trở thành một người chăn lợn giỏi nhất.
Tôi và bạn Hà thủ khoa có lẽ đều giống nhau ở một điểm, đều là những người yêu Văn và học Văn. Nhưng với tôi, bài văn lớn nhất chính là cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta phải viết nó cứ mỗi ngày một cách thật say mê và cẩn thận với tất cả lòng tự trọng và sự tử tế cần phải có trong mỗi người. Và đừng để bài văn ấy không hay ngay từ mở bài- khi chúng ta còn trẻ, khi những nhiệt huyết và khát khao hạnh phúc- thành công là cháy bỏng nhất.
Vậy nên, hãy cất tâm thư đi và dũng cảm bước xuống cuộc đời, dù rằng lắm gian nan và chông gai đấy, nhưng đó là con đường của riêng mình – một người tự do.
Hoàng Huy.
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH. READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN ĐỌC SÁCH.
READ TO BE HAPPY: 5 BÀI HỌC NHỎ BÉ.
Khi những lời chúc tụng đã ngớt dần đi, những lời rì rầm khấn vái bớt lại.....đó là khi một năm mới thực sự bắt đầu: ngày mai chúng ta lại trở lại với đấu trường của cuộc sống. Mình chọn về Saigon sớm một ngày, âm thầm tận hưởng cho trọn vẹn một Saigon vắng vẻ và dịu dàng, mua vài cuốn sách thật hay cho năm mới như thông lệ (dù quanh năm vẫn trung thành với Alezaa và iBooks), và chui vào một góc quen - viết một điều gì đó cho những ngày đang tới. Trong một mùa xuân mới không điều gì đáng viết hơn, cần viết hơn là về tuổi trẻ - điều mỗi chúng ta đều đã và đang có.
Vì vẫn còn được coi là một người trẻ, mình hay được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều bạn trẻ, như mình và phần đông trẻ hơn mình. Và không quá khó để nhận ra rằng rất nhiều bạn trẻ Việt Nam gặp một vấn đề giống nhau: "lạc trôi" - không biết bản thân mình thực sự muốn gì cho hiện tại và tương lai, kể cả học xong đại học cũng không biết mình muốn gì, thậm chí đi du học xong về cũng vẫn chưa biết mình sẽ trở thành ai trong ngày mai. Đây có thể là thành tựu không thể đáng xấu hổ hơn của một nền giáo dục nặng về dập khuôn và thiếu định hướng của chúng ta mấy chục năm qua và luôn được cổ vũ nhiệt tình của đông đảo những bậc phụ huynh "không mong gì hơn con thành đạt". Để rồi ngày nay chúng ta thấy nhiều người thành đạt nhưng chưa chắc đã hạnh phúc.
Đã bao giờ các bạn tự hỏi "Bao nhiêu lâu rồi bạn không tự nói chuyện - đối thoại với chính mình?". Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đó quả là một điều rất cần nếu chúng ta không muốn lạc mất chính mình. Lắng nghe và cảm thông cho bản thân, một cách không gì tốt hơn đó chính là đọc sách.
Mình thì luôn rõ ràng và sòng phẳng với bản thân một điều: "Tôi muốn hạnh phúc, chứ không chỉ là thành đạt" nên dưới đây là một vài cách mà mình vẫn hay "tự lắng nghe mình" xin chia sẻ cùng các bạn
1. "Cuốn sách sẽ thay đổi cuộc đời bạn" - Câu đấy rất quen trên những trang bìa những cuốn sách best-selling, nhưng đừng tin,đừng để bọn marketing họ lừa, bịa đặt đấy. Vì chẳng có một cuốn sách nào thần thánh đến mức ấy cả cho dù tác giả là ai hay nó hay đến mấy, chỉ có chính hành động và thái độ sống của bạn hình thành trên nền tảng những thói quen tốt mới có thể thay đổi cuộc sống của bạn tốt hơn mà thôi. Do đó, hãy thận trọng cân bằng tỉ lệ những cuốn sách dạng "self-help" trong danh mục sách cần đọc của bạn. Chúng rất hay, rất nhiều động lực, nhất là cho người đọc trẻ giống như những liều doping mạnh mẽ , tuy nhiên hãy nhớ rằng, chẳng có vận động viên nào giành được vinh quang chỉ nhờ doping mà không cần khổ luyện cả. Học thuộc lòng "Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt" nhưng 1h trưa vẫn chưa ngủ dậy thì thành đạt vẫn ở xa bạn lắm.
2. Đừng ngại đọc lại những cuốn sách cũ mà bạn đã từng đọc trước đó. Một cuốn sách hay không khác nhiều với một cô gái đẹp. Nếu bạn gặp cô ấy năm 10 tuổi, bạn chỉ biết là cô ấy đẹp. Nhưng 10 năm sau, đọc lại - gặp lại, rất có thể bạn nhận ra rằng cô ấy thật ra đẹp hơn bạn nghĩ, hiền dịu hơn sâu sắc hơn lúc trước. Cô ấy vẫn chỉ là những con chữ- trang giấy ấy thôi, chỉ khác là cái nhìn của bạn đã hiền từ hơn, suy nghĩ của bạn đã sâu sắc hơn, chiều sâu hơn. Vậy nên đừng chỉ để sách nâng cao giá trị cuộc sống của bạn, mà chính bạn cũng có thể làm những cuốn sách của mình giá trị hơn bằng cách đọc nhiều hơn một lần.
3. 1+1=3
1000 cuốn sách trên thế giới đều viết là mặt trời hình cầu và 1+1=2, tuy nhiên sẽ vẫn có những cuốn sách đâu đó nói rằng thực ra 1+1=3 và thực ra mặt trời hơi méo, đừng bỏ qua chúng. Cả thế giới đang chửi lão Trump, đôi người bênh lão, đừng vội chửi theo, lắng nghe - đọc xem họ bênh gì???
Đừng vội vàng thừa nhận những gì số đông cho là đúng và đừng bao giờ ngừng hoài nghi những điều tưởng chừng đã là chân lý. Hãy tập nhìn nhận đa chiều và tư duy độc lập.
4. "Đừng để bị ngộ độc sách"
Ngộ độc thực phẩm phổ biến quá rồi, nhưng nhiều người vẫn còn lạ lẫm với "ngộ độc sách". Thật vâyh một xu hướng đọc lệch lạc cũng nguy hiểm chẳng kém gì một món ăn độc hại cả. Nếu 9/10 cuốn sách của bạn đang đọc là truyện ngôn tình sẽ chắc chắn bạn sẽ buồn và cô đơn lắm vì nhìn đâu cũng chẳng tìm thấy những soái ca mà bạn vẫn thấy trong tưởng tượng. Tránh ngộ độc sách không gì hơn là có những người bạn cùng đọc, và tuyệt vời nhất đó chính là bố mẹ bạn. Hãy đừng ngại gạ gẫm bố mẹ đọc chung một cuốn sách mới, và lắng nghe xem bố mẹ bạn nói gì sau khi đọc xong. Thú vị lắm đấy!
5. Muốn start-up trước hết hãy stand-up.
Gặp mấy bạn trẻ mới ra trường bây giờ rất hay được nghe chuyện start-up. Cơn gió khởi nghiệp thổi vù vù qua lớp trẻ nên ai cũng nuôi nghiệp lớn. Đó là điều đáng mừng cho cả dân tộc tuy nhiên "Dream big but do small thing first" (Nghĩ lớn nhưng nên tập làm việc nhỏ trước). Mình ngã ngửa người khi nhận được không ít CV xin thực tập - xin việc nhưng ngoài file đính kèm chẳng thèm nói gì thêm nữa. Đọc quá nhiều sách về khởi nghiệp hay đi nghe quá nhiều những khoá học làm giàu cấp tốc sẽ khiến người trẻ hay thích nói chuyện tầm nhìn - sứ mệnh - chiến lược, toàn những thứ siêu to tát đi kèm với những giấc mơ triệu đô tuy nhiên hãy nhớ rằng người ta hoàn toàn có thể thất bại chỉ trong phút chốc vì những lỗi có khi rất nhỏ ngớ ngẩn. Vậy nên muốn khởi nghiệp (start-up), ngoài chuyện hun đúc tinh thần ý chí và bổ sung kiến thức qua sách vở, trước tiên hãy tập đứng thẳng trên đôi chân của mình thật tử tế và hoàn thành những công việc nhỏ nhặt trước. Gọi mình dậy đi làm đúng giờ mỗi ngày cũng quan trọng như gọi vốn.
Hành động tức thời - Đổi mới quan điểm - Tư duy độc lập đa chiều - Chọn lựa đúng mối quan tâm - và Bắt đầu từ thực tế cuộc sống, năm bài học nhỏ từ chuyện đọc sách trên đây ít nhiều giúp bạn có định hướng tốt hơn, ít bị "lạc trôi" hơn....Thật đấy!
Đừng tin rồi bạn sẽ tin...
Chúc mọi người một năm làm việc hiệu quả!!!
Hoàng Huy.
Học làm giàu???
Chưa thấy ở một đất nước nào 01 mét vuông 9 thằng dạy làm giàu như ở Việt Nam mình. Làm giàu mà dạy được theo khoá cấp tốc như mấy thần gió kia quảng cáo thì làm gì còn ai đi bán vé số, bán trà đá nữa.
Đúng thật là ngược đời, ở một nước nghèo gần nhất thế giới thì ông nào cũng vỗ ngực nói tôi có bí quyết thành triệu phú nhanh lắm, còn ở những nước cứ ra đường là gặp triệu phú thật thì tuyệt nhiên chẳng bao giờ có một khoá nào để dạy làm giàu. Bọn Tây ích kỷ thật, không có tinh thần tương thân tương ái như dân ta.
Nếu mình mà là sinh viên, thay vì nhịn ăn nhịn mặc đóng vài triệu đồng/ngày để nghe mấy tay doanh nhân dỏm kia chém gió nhố nhăng mấy tiếng đồng hồ trong phòng máy lạnh; mình sẽ dùng mấy tiếng đồng hồ đó đi mua một tập vé số rồi thử đi bán lại, hoặc đi phát tờ rơi....hoặc là kiếm được vài trăm ngàn, hoặc là ít nhất cũng học được rằng: kiếm tiền chân chính luôn khó; sau đó dùng tiền đó góp lại để mua vài cuốn sách tử tế mà đọc hoặc đi học một khoá học kỹ năng nghề nghiệp gì đó cụ thể...cứ thế lặp đi lặp lại cho đến một ngày mình thành triệu phú thật thì thôi, không thành danh cũng thành nhân.
Đau một nỗi là mấy thằng máy chém gió kia chủ yếu toàn lừa được mấy em sinh viên và người trẻ tuổi- chẳng có lẽ "dày ăn mỏng làm" là thuộc tính dân tộc thật sao????
Các bạn sinh viên ơi, nhớ giúp tớ ba điều:
1. Những người giàu tự thân thật sự họ thường rất bận theo đúng nghĩa thời gian là vàng, họ sẽ không bao giờ bỏ công ra lượm bạc lẻ của các bạn đâu.
2. Ở Việt Nam nếu có cách nào làm giàu mà người ta lạ dám sẵn lòng chia sẻ với nhau thì chúng ta đã là Mỹ hoặc Nhật rồi chứ không còn là Việt Nam nữa.
3. Thành công là thứ tuyệt nhiên không thể copy được, không tin bạn cứ thử bỏ học giữa chừng đi xem có thành Steve Job hay Bill Gates không?
Khát khao giàu có là giấc mơ hoàn toàn chính đáng nhưng đừng mù quáng, tuổi trẻ ơi!!!!!!
NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ......
NGƯỜI ƠI NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ......
Có vẻ mấy hôm nay, bài dân ca này lại trở lại thành bài hát được yêu thích và bình luận nhiều sau khi báo chí và cộng đồng mạng đưa lên việc TS Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ, rời nước ngoài về quê hương, chỉ vì muốn chuyên tâm làm khoa học, từ chối làm lãnh đạo mà bị coi là "có vấn đề về thần kinh" lại thêm một bài báo phỏng vấn TS Nguyễn Thành Vinh, cựu Á Quân Olympia, về chuyện "Đừng hỏi vì sao chúng tôi không trở về?".
Cộng đồng du học sinh một lần nữa phân hoá khá rõ qua những phát ngôn này.
A. Đúng, về làm gì. Vietnam blah blah.....
B. Không, phải về chứ. Vietnam là quê hương.....
Mình không phải A không phải B mà đơn giản nói tiếng nói của mình. Không động viên người về và cũng không an ủi kẻ đi.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cá nhân. Không có lựa chọn nào tuyệt đối đúng và cũng không có lựa chọn nào tuyệt đối sai, nhưng về cơ bản, ở một khúc quanh nào đó trên cuộc đời mình, bạn buộc phải lựa chọn- một quyết định của riêng mình. Và một khi đã lựa chọn, xin bạn vui lòng đừng hối hận, đừng dằn vặt bản thân và cũng đừng ồn ào than thân trách phận.
Nếu bạn chọn đúng, ok, chúc mừng bạn, bạn là người may mắn, bạn hãy hạnh phúc với con đường ấy nhé.
Nếu bạn chọn sai, không có nghĩa bạn là người không may mắn, không có nghĩa là bạn có quyền hối hận, trách móc và đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho cơ chế, cho ABC đã làm bạn XYZ. Đó là sự lựa chọn của chính bạn mà.
Cuộc đời không quá dài và không đủ hào phóng để cho mỗi chúng ta nhiều thời gian để có thể nâng lên, đặt xuống nhiều lần những thiệt hơn trong mỗi quyết định của mình.
Cuộc sống hiện đại và nhịp sống cuồn cuộn trôi bây giờ ngày càng giống như đi siêu thị hơn là đi chợ, bạn cần nhanh chóng quyết định- bỏ vào giỏ - thanh toán và đi, hơn là đứng mặc cả, thêm bớt, kỳ kèo để được thêm chút lợi ích nhỏ, sau đó lại hối hận đòi trả lại chính món hàng mình đã mua.
Tuy nhiên, với những bạn đã ra đi bằng học bổng nhà nước bằng tiền thuế của nhân dân, và nhất quyết không chịu trở về và cũng không chịu bồi thường, với cái lý do "là công dân toàn cầu thì ở đâu chẳng đóng góp được" thì tốt nhất các bạn nên nghĩ lại. Muốn trở thành công dân toàn cầu, trước hết bạn phải là công dân có trách nhiệm với chính quốc gia đã sinh ra bạn, đã nuôi bạn lớn khôn, và dành những đồng ngoại tệ quý báu từ mồ hôi của nhân dân để gửi các bạn đi học với niềm kỳ vọng "những hạt giống đỏ" sẽ trở về xây dựng quê hương. Nếu không trở về và cũng không chịu bồi thường, có lẽ tự các bạn đó đã tự đeo cho mình tấm mặt nạ của "những Chí Phèo thời hiện đại" - những tội phạm tham ô mang danh trí thức. Không chỉ chiếm đoạt tiền bạc của ngân sách mà còn là phản bội lòng tin của nhân dân. Các bạn cam kết những gì, hứa hẹn những gì khi "xin" học bổng, các bạn có nhớ không? Nếu không nhớ nổi, xin đừng ký kết vào những điều mình không thực hiện được. Tiền bạc và lòng tin của nhân dân đều có hạn. Đừng chọn cách đó để làm người Việt Nam khác biệt với người Hàn, người Nhật, thậm chí ngay cả với người Trung.
Cá nhân mình, trở về Việt Nam vì.........mình là một người tham lam, và chỉ yêu những gì trọn vẹn.
Trong định nghĩa hạn hẹp của mình, sống và làm việc ở nước ngoài với một môi trường yên bình, thu nhập tốt, xã hội văn minh là một điều may mắn và hạnh phúc, tuy nhiên lại là một thứ hạnh phúc chưa trọn vẹn. Mình chỉ cảm thấy trọn vẹn khi và chỉ khi ở Việt Nam, vậy là mình trở về. Vậy thôi!
"Saigon đối xử với anh như thế nào?"- một cậu em vừa khoe không khí Giáng Sinh ở London nhưng cũng không quên hỏi thăm mình như vậy...
"Sài Gòn ngày nào cũng tử tế với anh bằng rất nhiều thứ nắng ấm mà anh rất thèm rất nhớ khi ở trời Âu, thỉnh thoảng cũng cho giải khát bằng những cơn mưa ào ào như trút nước lúc chiều về. Nóng, kẹt xe dữ lắm, nhưng cơ bản anh thấy vui......"
Và ngoài kia dòng đời vẫn trôi, dù sự lựa chọn của bạn là gì. Hãy mỉm cười và đi về phía trước.
DU HỌC…….KHÔNG PHẢI LÀ GIẤC MƠ
Đã có rất nhiều bạn trẻ từng nhắn tin hỏi tôi “Du học có khó không hả anh?” “Em cũng muốn đi du học, em phải làm gì?”. Thường với những câu hỏi như vậy, tôi luôn dành cho các em một câu hỏi “Các em có nghĩ rằng du học là một giấc mơ không?” trước khi trả lời những câu hỏi thật chi tiết. Một số bạn có thể vì không hiểu ý tôi, nên rất vô tư trả lời rằng “Em mơ được đi du học lâu lắm rồi anh ạ. Với em, đó là một giấc mơ.” Nhưng quả thật, bằng trải nghiệm của bản thân và của rất nhiều những người bạn quanh tôi trong những tháng ngày đi kiếm tìm con chữ nơi xứ người, chúng tôi thực sự tin rằng du học thực sự…………..không phải là một giấc mơ. Có ít nhất hai lý do cho niềm tin của chúng tôi.
Thứ nhất, trong “giấc mơ” – trong suy nghĩ của những bạn trẻ chưa lên đường, “du học” có vẻ như là một mỹ từ “sang chảnh”với đầy những ánh sáng lấp lánh của những điều mới lạ nơi chân trời mới mà đôi khi sự mê say và háo hức của tuổi trẻ - của những người ít khi rời xa vòng tay bố mẹ, đã che khuất đi những hình dung cần thiết trước một cuộc hành trình quan trọng của cuộc đời. Không chỉ có những tòa nhà cao ốc hiện đại thách thức bầu trời, không chỉ có những đồng cỏ xanh non thơ mộng, không chỉ có lá vàng trải dài theo những con phố, không chỉ có những bức ảnh selfie ấn tượng “vạn người mê”………mà đằng sau đó là những áp lực học hành và thi cử luôn sẵn sàng hạ gục những người trẻ chưa đủ quyết tâm chinh phục đỉnh cao học vấn. Còn là những ngày tháng dài, mà Alone (một mình) trở thành từ khóa hàng đầu trong từ điển của những người con xa xứ, một tính từ biết khóc, biết ngã, rồi lại biết tự mình đứng lên để ngẩng mặt, hướng cao đầu đi về phía trước một cách đầy mạnh mẽ như ta cần có để có thể lớn khôn. Với những nốt trầm xao xuyến ấy, du học khó có thể là một giấc mơ tươi đẹp và lung linh, nhưng vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời nên thử khi chúng ta còn trẻ.
Thứ hai, trong thế giới phẳng, du học ngày nay không chỉ còn sân chơi riêng – mảnh trời riêng cỏn con của “con nhà người ta” “con nhà giàu” mà đã trở thành một sân chơi bình đẳng và công bằng cho tất cả những người có quyết tâm, có năng lực và đủ thực tài. Du học hoàn toàn không phải là một giấc mơ viển vông nếu như bạn tin rằng mình giỏi. Nếu bạn giỏi, hoặc bạn tin rằng con mình giỏi, hãy để thế giới văn minh biết điều đó. Có điều những cơ hội vàng từ bên kia bán cầu sẽ không ngồi yên mà chờ đợi bạn nếu bạn chỉ biết “mơ” và “mơ”, muốn du học không còn là giấc mơ xa xôi, hãy hành động. Hơn nữa, còn cần phải hành động một cách có chuẩn bị tốt và chuyên nghiệp, rất có thể cuộc đời và hành trình học vấn của bạn sẽ rẽ sang một trang mới, tươi sáng hơn hay không còn tùy thuộc vào bạn, những chắc chắn là khác hẳn những gì bạn từng thấy, từng hiểu về một nền giáo dục.
DU HỌC LÀ ………SƯỚNG
DU HỌC LÀ ………SƯỚNG?
(Tặng quý vị phụ huynh, những ai đã và đang là du học sinh, và những bạn trẻ đã, đang và sẽ đi theo ước mơ du học)
Sau bao nhiêu năm du học ở trời Tây, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc và thử thách của những ngày tháng xa nhà, mình cũng thường chỉ cười và không bao giờ trả lời khi ai đó vô tình hỏi “Đi du học chắc là Sướng lắm anh nhỉ?”
Đơn giản là vì đó là một câu hỏi sẽ không bao giờ trả lời được. Định nghĩa thế nào là Sướng- Khổ nhân gian biết bao năm nay vẫn đang miệt mài tranh cãi và chưa bao giờ đi đến một đáp án thống nhất. Người ăn chay có sướng vui khi sống giữa xứ sở toàn của ngon vật lạ? Người thích yên tĩnh có vui vẻ khi đứng giữa phố đông người? Người chỉ yêu mặt trời có thoải mái giữa nơi bốn bề tuyết phủ? Vậy du học có Sướng hay không, xin hãy cứ để là một câu hỏi mở cho riêng mỗi người.
Thế nhưng, bằng chính bản thân của những tháng ngày đã qua, mình tin chắc chắn một điều: Du học là…….Được.
Đằng sau những thảm cỏ xanh mượt, sau những bầu trời đầy hoa, đằng sau những kỳ ảo, tấp nập của những siêu thành phố như các bạn vẫn thấy đây đó .....lại là những bài học rất lớn mà những người trẻ đặc biệt nên có và trải nghiệm một lần trong đời.
Du học: Được gì ngoài một tấm bằng Tây?
Du học là được.......Khổ
Nghe thì kỳ cục, người ta thường chỉ nói “được” sướng, và “bị” khổ, chứ không ai nói “được” khổ cả. Nếu như, quyền được mưu cầu hạnh phúc là nhân quyên cơ bản thì quyền được khổ, được trải nghiệm cái khổ để có động lực phát triển cũng vậy nhưng rất nhiều ông bố bà mẹ Việt thường có xu hướng muốn tước đoạt không báo trước của con cái quyền này. Để cho con khổ là nỗi ám ảnh - là điều không mong muốn của các bậc phụ huynh; nhất là trong điều kiện cuộc sống ngày một tốt hơn; tuy nhiên tập cho con khổ- làm quen và tự vượt qua nỗi khổ thì lại ngày càng ít người nghĩ tới. Những tháng năm du học làm xuất sắc công việc đó. Sẽ không còn bố mẹ ở cạnh bên, không người giúp việc, không quá nhiều bạn bè giữa một miền đất chẳng ai biết mình là ai, con chú B cháu bác Z, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi sẽ tự phải biết bước từng bước đầy trách nhiệm với bản thân trên con đường thô ráp của cuộc sống độc lập nơi xứ người.
Du học là được........học yêu thương
Hãy tin mình đi, bạn chưa không bao giờ được cảm nhận được tiếng hồi đáp "Alo, con đấy ah? Con phải không?" của bố mẹ mình lại thân thương biết nhường nào cho đến khi bạn nghe điều đó từ cách xa hàng ngàn km. Khoảng cách làm người ta dửng dưng với những giận hờn, thờ ơ với những lời chê trách…….mà chỉ còn đắm đuối với những yêu thương – tình cảm gia đình thiêng liêng mà đôi khi gần nhau quá đã có lần sao lãng. Có những cậu trai cao lớn, mạnh mẽ, chưa bao giờ biết chịu ở nhà với mẹ cuối tuần nhưng khi đã xa rồi, nhìn mẹ cười trên màn hình Skype mà con oà khóc vô tư như ngày thơ bé. Và cũng có những cô gái dù vẫn bị bố mẹ gắn mác Ms. Đoảng, Miss. Vô tâm…..cũng đã biết dành hàng giờ trong cửa hàng để chọn đi chọn lại một màu cà vạt đẹp nhất để dành tặng bố.
Dù chưa có một kết quả khảo sát chính thức, mình vẫn giữ niềm tin rằng, phần đông du học sinh sẽ biết trân trọng và yêu thương hai tiếng “Gia đình” hơn rất nhiều sau những tháng năm xa xứ.
Du học là được......độc lập trưởng thành
Phần đông bố mẹ thường nghĩ rằng con mình sau 2 tuổi chắc chắn đã tập đi và bước đi vững chãi, nhưng không hẳn vậy, 16-25 tuổi, tự thân mỗi chúng ta lại đều phải tập đi một lần nữa, khó hơn và gian nan hơn, tập bước đi .....trên đường đời. Quá trình ấy sẽ càng khó hơn và dai dẳng hơn khi đằng sau bạn, luôn có ánh mắt của cặp đôi yêu thương bạn nhất trên thế gian nhưng lại luôn muốn giành luôn lượt chơi của bạn trên đường đời bằng “bế”, “cõng”, “ôm”.....và vô số các hành vi yêu thương sai cách khác mà họ có thể nghĩ ra chỉ vì sợ bạn…..ngã.
Khi du học, Ốm: Một mình! Lạc đường: Một mình! Đói bụng: Một mình! Rắc rối: Một mình…..! Bạn cứ tự nhiên mà khóc mà buồn, rồi thản nhiên mà đứng dậy đi tiếp một cách khôn ngoan và mạnh mẽ hơn như cuộc đời này cần bạn phải thế.
Quỹ tích các điểm “Một mình” đó tạo ra một trường phát triển tuyệt vời để đào luyện ra những công dân mạnh mẽ, trưởng thành, và độc lập đúng nghĩa hơn là những “em bé” tuổi 20 đến giờ cơm vẫn cần mẹ gọi.
Du học là được……..thấy
Không phải là thấy quả nho ở bển thì to hơn quả cam ở nhà. Mà là thấy bước chân của những người xung quanh ta luôn nhanh hơn, khẩn trương hơn. Thấy 8 tiếng làm việc là thực sự 8 tiếng làm việc, chứ không phải là tổng của phép cộng vội: 2 tiếng cà phê + 2 tiếng chơi game + 2 tiếng trò chuyện + 1 tiếng tranh cãi với 1 tiếng làm việc ít ỏi.
Thấy rằng trên thế giới này hoàn toàn không có sẵn một thiên đường đang đợi bạn, thế giới chỉ gồm hai nửa giản đơn: nửa của những người không ngừng cố gắng, và nửa của những người thích hoài phí thời gian. Muốn có thiên đường, bạn phải tự tạo lấy.
Thấy mình sẽ vô cùng lạc lõng thế nào nếu trót dại nói hơi to trên xe bus hay thấy ánh mắt lạ kỳ của bạn bè đang đợi chờ khi mình trót đến muộn.
Và thấy nhiều điều………..chúng ta chưa từng thấy, và coi đó là khác thường trong khi ta đã quen với những điều bình thường mà họ chưa bao giờ thấy.
Từng giờ từng phút thấy, ngày ngày thấy, sống để thấy, và thấy để sống…….tự thân sẽ có lúc bạn thấy mình đã khác rất nhiều so với ngày mới đến, thấy trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ của mình đã có chút mùi hương của một xã hội văn minh; thấy được sự lợi hại của giáo dục xã hội. Đó là chính là cái thấy của du học khác du lịch.
Có lẽ, đã đến lúc những người Việt trẻ nên chủ động chọn cách mình lớn lên. Trật tự xưa nay “Con cứ việc học và học, còn thế giới để bố mẹ lo…” nên dần đổi thay thành “Bố mẹ sinh con, còn thế giới, làm ơn, để tự con khám phá.”
Và du học là một cơ hội rất lớn để bạn thử sức mình làm điều đó.
Du học là một chuyến bay khứ hồi mà chiều đi là hi vọng và vô vàn gian nan; chiều khứ hồi chưa chắc đã là thành công và hạnh phúc; không có một tấm vé nào như thế trên đường bay cuộc đời ngoài sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi chúng ta mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng hãy bay lên để biết rằng: chúng ta là bé nhỏ giữa cuộc đời lớn rộng và luôn cần vươn cao.
Vậy nên, các bạn trẻ nếu có cơ hội.: Du học, hãy đi đi, đừng sợ!
Ở bên kia bầu trời không phải là màu hồng, nhưng là một gam màu rất đáng có trong bức tranh cuộc đời đa sắc của bạn
'Cause I am not a talent, I work hard.
'Cause I am not a talent, I work hard.
Ngày trước, ở Vietnam, mình hay được nghe câu "Cần cù bù thông minh" nhưng hôm nay, tình cờ gặp tấm biển và câu châm ngôn này, còn thấy hay hơn. Hay không chỉ vì cách chơi chữ rất thông minh, mà còn hay vì ý nghĩa sâu sắc của câu nói này.Hoá ra cần cù và thông minh chẳng liên quan gì đến nhau cả, cần cù là cần cù, và thông minh là thông minh, muốn bù cũng chẳng được.
Thật vậy, bất kể bạn là ai, một thần đồng hay một thằng đần, bạn vẫn cần phải "work hard" để đứng vững và tiến lên.
Kỉ niệm ngày tròn 5 năm rời Vietnam đến Anh Quốc bằng việc ra khỏi nhà vào lúc 4h sáng và bắt đầu một ngày làm việc mới gần 24h để rồi cuối cùng tiền nhiều cũng sẽ dành cho những việc khác, người khác cần hơn mình, không giữ lại gì ngoài niềm vui cho bản thân, niềm vui của một người được sống chứ không phải tồn tại, niềm vui của người đứng thẳng chứ không phải dựa lưng.....
Thôi thì không phải thằng đần, cũng không phải thần đồng, thì vẫn phải WORK HARD vậy.
Tuổi trẻ là thứ vốn đặc biệt mà mỗi người chỉ được cấp duy nhất một lần trong đời, và sẽ chẳng có kênh đầu tư nào khôn ngoan và sinh lời to lớn hơn sự học.
Ngày mai của bạn như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc hôm nay bạn chọn lựa đầu tư ra sao.
Và hôm nay, bạn đang sử dụng đồng vốn ấy như thế nào, những người trẻ bạn tôi